Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

Thần vô danh

 



Sách TĐCV (chương 17&18) kể lại chuyện Thánh Phaolo đến rao giảng ở thành Athena, Hy lạp, ở đó có một bàn thờ Kính Thần Vô Danh và họ cũng thờ nhiều thần khác nữa. Nhân dịp đó, Thánh nhân rao giảng cho họ về Đức Giê su là Đấng Cứu Độ, đã xuất hiện trong thời sau hết, đã bị giết và đã sống lại. Nghe đến việc kẻ chết sống lại thì họ không muốn nghe nữa, nhưng có vài người đã tin lời ông Phao lô giảng. Câu chuyện sách TĐCV có nhiều điều đáng suy gẫm.

Tin có Thượng Đế. Có thể nói hầu hết mọi người đều tin vào ông Trời, Đấng dựng nên vũ trụ này, tuy tên gọi của Ngài và cách hiểu về Ngài có khác nhau. Nhiều tôn giáo thờ nhiều thần, trong đó có ông trời, như dân Athena, như anh em Cao Đài, như Phật giáo. Nếu có dịp thăm Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh hoặc vào các Chùa chiền, chúng ta chẳng biết tượng nào quan trọng hơn tượng nào, nếu không được họ hướng dẫn. Chúng ta cũng nên vào google đọc cho biết các đạo khác họ thờ gì, giáo lý thế nào. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy trên bàn thờ ở Tòa Thánh Tây Ninh có cả Chúa Giê su (tượng Thánh Tâm), là 1 trong 8 vị và biết số tín đồ Cao Đài Hòa Hảo khoảng 3-5 triệu! Nếu vậy, người Công Giáo VN chỉ gấp đôi thôi sao?

Ai đó đã nói: Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ là vì Ngài không thể giữ mãi một bí mật, Ngài đã tạo dựng muôn loài để họ được chia sẻ vinh quang của Chúa. Thiên Chúa gieo trong lòng mỗi người một nỗi khát khao hướng về vĩnh cửu, hướng về sự thiện mỹ, và cả những bất ổn trong tâm hồn nữa, để con người nhận ra sự hư vô của vật chất và sự mong manh của phận người, để rồi họ tìm được Chúa; Thiên Chúa để lại dấu ấn của Ngài trong vũ trụ ‘rất lớn’ và vũ trụ ‘rất nhỏ’ trong từng cơ thể sống… để con người nhận ra Đấng Tạo dựng muôn loài. Tuy vậy, để hiểu biết sâu sắc hơn về Ngài, con người cần đến sự mạc khải của chính Ngài, từ ngàn xưa và ngay cả hôm nay, vì Đức tin là ân ban của Chúa. Chúng ta không thể hiểu nội dung của một tòa lâu đài nếu chỉ nghe nói và đứng ngoài để chiêm ngắm; cũng vậy, muốn được Thiên Chúa mạc khải về chân lý, con người phải quỳ gối xuống và phải bước đi trên con đường Giê su.

Thiên Chúa không ngự trong đền do tay con người làm ra, không cần con người phục vụ, không giống như hình tượng con người chạm trổ. Thiên Chúa vô cùng lớn lao, vượt cả không gian và thời gian. Ngài không cần đền đài để cư ngụ, không hình hài để chạm trổ, không cần nghi lễ để phụng thờ. Tuy vậy, con người cần nơi để thờ phượng, cần tượng để gợi nhớ, cần nghi lễ để bày tỏ tâm tình, và Thiên Chúa đã chấp nhận như thế. Con Thiên Chúa đã làm người, có hình hài để ta thờ kính, lập bí tích để ta có nghi lễ thờ phượng, và nhất là dùng Thánh Thể để nuôi dưỡng linh hồn trên hành trình dương thế. Nhiều người nghĩ Thiên Chúa dựng nên con người để họ lệ thuộc vào Ngài (như tên nô lệ hoặc người làm công), để họ xưng tụng vinh quang Chúa, thế nên họ bỏ nhà thờ khi có điều bất mãn với Ngài; thực ra việc chúng ta thờ phượng Chúa chẳng thêm gì cho Ngài mà chỉ sinh ích cho con người, tựa con ong hút mật của bông hoa, chỉ  có lợi cho con ong và bông hoa chẳng thêm được gì!



Thiên Chúa bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Thư Do Thái diễn tả: Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa phán dạy cha ông qua các tiên tri, nhưng đến thời sau hết, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con. Trên thập giá, trước khi trút hơi thở, Chúa Giê su đã thốt lên: “Mọi sự đã hoàn tất”. Chương trình cứu độ đã hoàn tất và mạc khải đã hoàn tất. Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, đến là để soi sáng cho loài người hiểu những chân lý mà Ngôi Con đã mạc khải. Nhiều tôn giáo như Hồi Giáo và Cao Đài cũng phân biệt thời kỳ xuất hiện các bước chuẩn bị cho thời kỳ cuối cùng, sau thời kỳ đó thì sự mạc khải đã hoàn tất và vị cuối cùng này được họ kính trọng và tôn thờ một cách đặc biệt. Trong Ki tô giáo thì khác, Ki tô giáo là một tôn giáo độc thần: Một Chúa Ba Ngôi; những sứ giả của Cựu Ước và Tân ước chỉ là những con người như chúng ta, có thể họ là những vị thánh được tôn kính, nhưng tôn thờ thì không!

Sách TĐCV có những lời rất hay: “Thiên Chúa vạch ra những thời kỳ nhất định và từng ranh giới cho nơi họ ở, như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa”. Điều này nhắc ta nhớ đến một câu giáo lý: Hỏi người ta sống ở đời này để làm gì? – Người ta sống ở đời này là để nhận biết, yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa, để ngày sau được chung hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng. Nhiều người định hướng sai đời mình, họ chọn sống để kiếm tiền và hạnh phúc đời này, nên sẵn sàng vi phạm lề luật Chúa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét