Sưu tầm
Giáo
Xứ Thọ Ninh. Đó là một xứ đạo truyền thống “lắm cụ nhiều quan”, nơi
sản sinh nhiều nhân vật đạo đời nổi tiếng. Từ trước tới nay, Giáo xứ
Thọ Ninh đã cung cấp cho Giáo Hội đến 79 linh mục triều, dòng. Nhưng
nổi bật hơn cả, phải kể đến cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn.
Ngài vừa là linh mục gốc giáo phận Vinh, nhưng cũng là linh mục của
giáo phận Ban Mê Thuột với các chức danh: cha sở, cha quản hạt, cha
Tổng đại diện giáo phận Ban Mê Thuột.
Ngài
sinh năm 1898 trong một gia đình Công giáo đạo hạnh tại giáo xứ Thọ
Ninh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Thân phụ là một nhà nho làm nghề đông y nổi
tiếng. Sau khi học 6 năm Tiểu chủng viện và giúp xứ 6 năm, thầy Ngoạn
được cử đi du học 6 năm tại Đại chủng viện Penang, Malaysia, một Đại
chủng viện quốc tế dành cho các sinh viên miền Đông Á. Tốt nghiệp,
ngài trở về Việt Nam và chịu chức linh mục dịp Lễ Chúa Giáng sinh
1932. Sau đó, ngài lần lượt đảm nhận các chức vụ: giáo sư Tiểu chủng
viện (1933-1943); giáo sư Đại chủng viện, rồi Giám đốc Đại chủng viện
Xã Đoài (1943-1956).
Biến
cố chia đôi đất nước đưa ngài lên cao nguyên Ban Mê Thuột cùng với
một số giáo dân Vinh. Ngài nhập giáo phận Kontum và làm cha sở giáo
xứ Ban Mê Thuột. Ngài xây nhà thờ với kiểu dáng giống nhà thờ Sapa
thuộc giáo phận Hưng Hóa. Nhà thờ này trở thành Nhà thờ Chính Tòa khi
thành lập giáo phận Ban Mê Thuột năm 1967.
Năm
1969, cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn xin nghỉ hưu, vì tuổi già
sức yếu. Ngài rút về nhà người cháu là ông Trần Văn Cung, để nghỉ
ngơi và chuyên lo nghiên cứu và đọc sách. Thỉnh thoảng ngài được mời
giảng tĩnh tâm, hay thuyết trình cho các linh mục, các Dòng tu về
thần học và tu đức.
Ngài
là một linh mục thánh thiện, khiêm tốn. Tuy cao niên và là bậc thầy
của nhiều thế hệ linh mục, ngài vẫn xưng “con” với người đối thoại.
Ngài sống rất khó nghèo, đạm bạc… Đơn sơ trong y phục và sử dụng các
phương tiện. Những dịp tĩnh tâm hạt, hoặc tĩnh tâm thường niên của
các linh mục giáo phận, ngài thường lưu ý: Phải đọc Thần vụ thong thả
để có thể nếm được cái ý vị ngọt ngào và phong phú của Thánh Vịnh.
Ngài dâng lễ sốt sắng, khoan thai. Các bài giảng của ngài phải nói
được là những bài giáo lý mẫu (Keryma) rất hấp dẫn, cụ thể, được minh
họa bằng những câu chuyện sinh động, trí thức kính nể, bình dân hiểu
rõ. Các giáo xứ đến phiên chầu lượt, đều muốn mời cha già Ngoạn đến
giảng về Bí tích Thánh Thể. Nổi tiếng là thông thái, ngài cũng từng
được mời giảng trong thánh lễ riêng của vị đứng đầu chính phủ VNCH
thời đó. Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sau khi tiếp
xúc với cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn, thấy được kiến thức
uyên bác của ngài, đã nói: “Ban Mê Thuột có một cuốn từ điển bách
khoa sống”. Đức Cố Giám mục Paul Seitz (Đức cha Kim) đã dùng cha
Ngoạn làm cố vấn thần học. Một linh mục học trò của ngài kể lại: Khi
còn là giáo sư Đại chủng viện Xã Đoài, giáo phận Vinh, mỗi dịp đi
nghỉ hè, ngài thường đưa một số đại chủng sinh đi theo, đến một xứ
nào đó, để trình bày về một vấn đề thần học, hoặc triết học. Cách
trình bày rất bình dân, dễ hiểu, ai cũng có thể tiếp thu.
Về
sự nghiệp văn hóa: cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn là một “học
giả thầm lặng. Có thể gọi ngài là nhà thần học uyên thâm của Giáo Hội
Việt Nam”
(lời Đức cha Phêrô Trần Xuân Hạp). Bẩm sinh thông minh, hiếu học, say
mê đọc sách. Thích nghiên cứu, sưu tầm đủ loại vấn đề, ghi chép thành
“fiches” (phiếu). Các học trò của ngài đều được khuyến khích
viết fiches. Ngài có một bộ phiếu khổng lồ mà Ngài gọi là
“silva rerum”, nghĩa là như một khu rừng tài liệu văn hóa. Rất tiếc
là kho tàng quý báu này đã bị tiêu tán mất 2 lần, vào năm 1955 (di cư
vào Nam)
và 1975 (thống nhất đất nước).
Chính
ngài đã tâm sự thế này: “Trong đời linh mục của tôi đến nay (1975) đã
trên 40 năm. Tôi thích đọc sách, nghiên cứu, sưu tầm, rồi lập danh
mục, viết những phiếu ghi chép… Có loại phiếu đánh số thứ tự, loại
ghi theo chuyên đề… Có khi viết ra thành tập như tập “Thế giới vô
cùng lớn”, “Thế giới vô cùng nhỏ”, “Khoa học có thể tạo nên vật sống
được không, theo phương diện tín lý”? “Đức tin và Tín ngưỡng”, “Đức
tin và luân lý”, Đức tin và Tôn giáo”, “Suy luận về định nghĩa Đức
tin theo thần học cổ điển”, “Thần học cổ điển và Thần học Thánh
Kinh”, “Cho được sống mầu nhiệm Đức tin”…
Trong
đời ngài, có 2 lần mất mát mà ngài cho là lớn nhất, vì là mất những
cái mà ngài cho là quý hóa nhất. Đó là mất những biên tập, những ghi
chép nói trên. Mỗi lần mất như vậy, là mất hết những công trình sưu
tầm trong 20 năm, từ khi làm giáo sư Tiểu rồi Đại chủng viện
(1935–1955). Biến cố đất nước chia đôi và cuộc di cư khiến ngài không
mang được gì.
Tại
miền Nam, Ngài lại khởi công sưu tầm, biên chép làm phiếu, ghi notes…
và biên khảo, như tập “Những đặc điểm ngoại thường trong Hiến chế Vui
mừng và Hy vọng”, và tập viết bằng Pháp văn. “Essai d’une nouvelle
exposition de la doctrine Eucharistique”… Nhưng tập ngài yêu quý
nhất là tập “Cho được sống mầu nhiệm Phục Sinh” đang viết dở dang,
dày 400 trang vở học sinh, chữ nhỏ. Đùng một cái, vừa đúng 20 năm sưu
tầm, tức là ngày 10-03-1975, nhà ngài bị đạn pháo bắn cháy thiêu hủy
tất cả tài sản.
Sau
lần tổn thất to lớn này, ngài không còn hy vọng tiếp tục công trình
sưu tầm, nghiên cứu, vì một phần tuổi già, sức yếu, một phần không
thể kiếm lại và mua sắm được những sách vở, tài liệu như trước. Thỉnh
thoảng, - như một quán tính, - ngài vẫn cố nhớ lại những gì đã viết,
đã nghiên cứu. Sự hồi tưởng này giúp ngài như được nếm những vị ngọt
trên trời (sapere coelestia). Sự cố gắng hồi tưởng và “bươi
móc” ký ức, theo ngài, không những giúp ích thiêng liêng, mà còn có
thể thu thập được một số “mảnh vụn” (fragmenta). Nếu không
được “12 thúng” thì ít ra cùng được vài “nhúm tay”. Như vậy, cũng
không phải là uổng công dã tràng! (Colligite quae superaverunt
fragmenta, ne pereant).
Người
ta càng khâm phục và ca ngợi trí thông minh sâu sắc của cha Gioan
Baotixita Trần Thanh Ngoạn, khi biết rằng, tuy được hấp thụ một nền
thần học cổ điển, kinh viện, thời Trung cổ, thế nhưng, ngài đã có một
ngòi bút phân tích và tổng hợp rất hệ thống. Chúng ta hãy đọc những “fragmenta”
ngài viết trong thời gian nghỉ hưu và bệnh tật:
1.
Đức Tin Phục Sinh.
2.
Những đặc điểm ngoại thường trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng.
3.
Thiên Chúa là Tình Yêu.
4.
Bí tích Thánh Thể theo trào lưu Thần học thời đại Vaticanô II.
5.
Thánh Thần ban sự sống.
6.
Nghệ thuật thuyết giảng của linh mục.
7.
Thần học cổ điển và Thần học Thánh Kinh.
8.
Đức Tin và Tín Ngưỡng.
9.
Thế giới vô cùng lớn.
10.
Thế giới vô cùng nhỏ.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét