Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Phòng tĩnh nguyện




Bản tin từ Email của anh Trần Khánh Điệp: “Sáng hôm qua Chúa nhật 28/7/2013, cha quản xứ Châu Sơn, cha Jn. Bùi Quang Đạo đã làm lễ khánh thành "PHÒNG TĨNH NGUYỆN" .
                 Sau Thánh lễ I, cộng đoàn dân Chúa tập trung về Phòng Tĩnh Nguyện, mới được xây dựng theo như mong muốn và đề nghị của ngài khi vừa mới về nhận giáo xứ.... và sáng nay 29/7/2013 khi vừa kết thúc Thánh lễ, là cuộc rước Mình Thánh Chúa về đặt nơi Phòng Tĩnh Nguyện. Các nghi thức rất gọn nhẹ nhưng luôn giữ được sự trang nghiêm sốt sắng.
                 Còn nhớ trước đây giáo xứ Kim Phát (cha Jac. Phạm xuân Lương), giáo xứ Buôn Hồ (cha Phêrô Trương Văn Khoa) cũng đã xây dựng những nhà phòng để bất cứ lúc nào giáo dân cũng đều có thể đến viếng Chúa Thánh Thể. Chúng ta cũng không thể quên những giây phút viếng Thánh Thể Chúa khi còn là các chú Tiểu chủng sinh, những việc làm hằng ngày đó đã ăn sâu vào tâm khảm, đã cho ta sự an bình cho tới tận bây giờ mỗi khi ta đến với Thánh Thể.
                 Phòng Tĩnh Nguyện khá rộng rãi, có chiều sâu, thiết kế đẹp, các vật liệu được sử dụng tạo một bầu khí vừa tôn nghiêm vừa ấm cúng”.

Bản tin tuy đơn sơ nhưng gợi lên một thực tế của các xứ đạo tại Việt Nam: cửa nhà thờ luôn đóng kín vì sợ kẻ xấu nên người giáo dân bỏ mất một thói quen tốt là viếng Thánh Thể. “Phòng tĩnh nguyện” có lẽ là một giải pháp tình thế phù hợp và cần thiết cho nhiều giáo xứ trong tương lai gần. Có người từng đặt câu hỏi: “tại sao nhà chùa luôn mở cửa trong lúc nhà thờ lại đóng cửa im lìm?”

Ai cũng biết, bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống đạo của mọi Kitô hữu, mọi hoạt động tông đồ đều múc lấy sức mạnh từ Đức Kitô. Chúa Giêsu Thánh Thể luôn khao khát tình yêu của con người, mà cách thể hiện tình yêu tốt nhất là gặp gỡ, chuyện trò, tâm sự và rồi Chúa sẽ mạc khải cho bạn tình con đường nên thánh cũng như tăng thêm sức mạnh giúp họ rũ bỏ những tham sân si không phù hợp với Tin Mừng.
Ngày xưa, khi còn ở trong chủng viện, cứ sau mỗi tiết học thì được giải lao 5 – 10’ và việc viếng Thánh Thể luôn được khuyến khích. Mỗi cộng đoàn tu đều có Chúa Giêsu hiện diện trong một căn phòng thuận tiện, để các tu sĩ đọc kinh thần vụ và thưa chuyện lâu giờ với Chúa Giêsu, Đấng họ tôn thờ. Đó là phòng tĩnh nguyện của cộng đoàn, ở đó có sự hiện diện của vị Vua vũ trụ nhưng cũng là người bạn chân tình của mỗi tâm hồn, nơi Ngài họ tìm được sức mạnh cho từng ngày sống và ý nghĩa cho một cuộc đời tận hiến.
Nếu ta xác tín rằng Thánh lễ là vô giá, vì sự hiến tế của chính Con Thiên Chúa được tái diễn và ơn cứu rỗi được hiện tại hóa cho những người tham dự, thì hãy thu xếp để đến dâng Thánh Lễ hằng ngày bạn nhé, ít là để viếng thăm Chúa Giêsu Thánh Thể vì Ngài luôn mong chờ ta ở đó. Tôi vẫn thường nói với con cái: “Việc có ý nghĩa nhất cho một ngày sống là đi dâng Thánh Lễ”.

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Dòng sông và cuộc đời




Khi nghĩ về dòng sông, ta thường nghĩ về cuộc đời, vì giữa chúng có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là dòng chảy, ngày nầy qua ngày khác – năm này qua năm khác, cứ chảy mãi, tuy có thăng trầm và biến đổi nhưng luôn là chính nó.
Dòng sông không biết đâu là nguồn cội, vì một giọt nước không thể chảy ngược để tìm về nơi mình đã xuất phát. Con người không nhận diện được những tế bào đầu tiên của mầm sống được hình thành nơi lòng mẹ của chính mình, không ai đã từng chứng kiến giây phút tạo dựng con người đầu tiên ra sao. Chỉ với sự mạc khải của Thánh Kinh, con người biết Thiên Chúa là nguồn cội của vũ trụ và là cùng đích của muôn loài.
Dòng sông cứ chảy mãi về chỗ trũng và luôn tiến lên phía trước, nó chảy vòng qua những rặng núi, có lúc hòa mình vào những hồ lớn để rồi lại tiếp tục hành trình của riêng mình và mất hút trong biển cả. Đời người cũng vậy, cũng có những gian lao thử thách phải vượt qua để lớn lên, thử thách của tuổi trẻ và tuổi già, thử thách của tình dục nơi mình và hấp lực của những đam mê thế gian, những gian lao vất vả vì cuộc sống, những đớn đau của bệnh tật và cuối cùng là sự chết – một sự trút bỏ mọi thứ ta đã cố công gom góp cả đời để an nghỉ nơi lòng đất mẹ.
Dòng sông có một quy luật nữa là càng ngày càng lớn hơn, vì nó tiếp nhận thêm những thành viên mới, giữa chúng luôn có sự hòa nhập và chia sẻ các yếu tố cấu thành. Để lớn lên, con người cũng phải biết sống vì tha nhân, đón nhận và chia sẻ. Thi sĩ Tagore nói rất chí lý: "Tôi nằm ngủ mơ thấy đời sống là niềm vui. Khi thức dậy tôi khám phá ra rằng, sống là phục vụ. Tôi dấn thân phục vụ và khám phá ra rằng phục vụ chính là niềm vui".
Dòng sông khi ngắn khi dài, nhưng dường như nó không quan tâm đến mục đích tồn tại của mình, nó cứ tưới gội vùng đất nó đi qua - nó cứ reo ca qua từng ngày được là chính nó và nó cũng nhẫn nhục khi đã mất tên gọi nơi biển rộng. Đời người tuy ngắn hay dài đều có nhiệm vụ và ơn gọi và mục đích riêng mà Chúa đã dự liệu,  dù nhiều khi ta chẳng ý thức, vì chính Chúa đã khắc tên từng người trong lòng bàn tay Chúa.

Ông Luther Martin King nói về chiều dài, chiều rộng và chiều cao cuộc đời. Chiều dài cuộc đời thì ai cũng có, đó là quãng thời gian tồn tại của họ trên trần gian nầy với những bận tâm thỏa mãn nhu cầu bản thân. Chiều rộng cuộc đời là mối tương quan với tha nhân và chiều cao cuộc đời là mối tương quan với Đấng Tạo Thành. Một cuộc đời thành đạt và phong phú phải có đủ ba mối tương quan nầy, tựa như 3 cạnh của một tam giác đều. Bạn hãy có những chương trình đủ dài hạn để đưa Thiên Chúa vào đó và đủ rộng lớn để bao gồm thời gian vĩnh cửu.
Dòng sông dù hiền hòa hay giận dữ luôn tiến lên không bao giờ lùi. Đời người dù vắn dài sướng khổ cũng là cuộc hành trình tiến về điểm hẹn ta vẫn chờ mong, nơi Đức Kitô đã dọn chỗ và đang chờ đợi người con trở về nhà, sau cuộc hành trình trong tin yêu và phó thác.