Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Chúa Ba Ngôi trong đời sống người Kitô hữu






Một đứa nhỏ đang chơi đùa với con chó nhỏ. Đứa nhỏ nói với mẹ nó rằng: “Mẹ xem, con chó thông minh hơn con người, vì nó vừa có thể hiểu tiếng nói của chó và vừa hiểu tiếng nói của người, trong lúc con người chỉ hiểu được tiếng người mà không hiểu gì về tiếng của chó”. Lý luận của trẻ con như trên là rất đúng, vì 2 thì hơn 1.
Thực ra con chó chỉ hiểu được vài dấu hiệu của con người, không thể đưa một cuốn sách mà dạy cho nó bất cứ môn học nào, và sự hiểu của nó chỉ có khi được con người huấn luyện cho. Không thể nói con chó hay bất cứ loài vật nào hiểu được con người, vì con người là một sinh vật ở ‘bậc cao và thuộc đẳng cấp khác’.
Đối với Chúa Ba Ngôi cũng vậy. Ngài là Đấng Tạo Hóa và con người chỉ là loài thụ tạo. Con người dù trổi vượt đến mấy cũng chỉ là một trong các tạo vật được Ngài dựng nên vì tình yêu thương. Không bao giờ con người có thể hiểu được Thiên Chúa một cách đầy đủ, vì Ngài thuộc một ‘đẳng cấp’ khác. Những hiểu biết mà con người có được về Thiên Chúa đều do Ngài tỏ lộ qua dòng lịch sử và qua dòng đời ta sống. Đỉnh điểm của mạc khải là sự xuất hiện của Chúa Giêsu, Người Con Một yêu dấu của Chúa Cha. Chúa Giêsu trở nên gương mẫu thờ phượng và tỏ lộ nhiều mầu nhiệm kín ẩn của Thiên Chúa từ tạo thiên lập địa. Những mạc khải của Chúa Giêsu được các Thánh Sử ghi lại trong Tân Ước. Chính Chúa Thánh Thần không ngừng soi sáng trí khôn ta để nhận ra nơi vũ trụ xinh đẹp nầy những dấu ấn của Đấng Tạo Thành, mở lòng trí ta để hiểu những Lời trong Kinh Thánh, uốn nắn cõi lòng ta biết hướng về cõi trời cao là quê hương thật của mình.
Nhờ những lời dạy của Thiên Chúa từ trong Cựu Ước và nhất là trong Tân Ước, một dòng dõi mới được khai sinh, họ sống một cuộc sống khác với số còn lại trên địa cầu. Thực ra, với bản chất của mình, ngay từ thời ‘ăn lông ở lỗ’, con người luôn giành giật và vơ vét vào mình bao nhiêu có thể. Nhưng Chúa lại dạy: phải biết thương người khác, không được làm hại người đồng loại, không được trộm cắp và tham lam. Chúa Giêsu đã nêu gương hy sinh tự hiến để cứu thoát con người và Chúa cũng dạy ta phải yêu thương người khác như gương Chúa dạy. Thật là kì dị đời sống của người con Chúa. Thuở xưa, những người man di đã xâm chiếm Châu Âu, với bản chất tự nhiên họ chỉ biết giết chóc và tàn phá những gì họ thấy, bất kể cả những di sản văn hóa. Về sau, họ được dạy cho biết văn minh Kitô giáo và chính họ đã lập nên một Châu Âu ngày nay.

Khi chia sẻ Lời Chúa, có lẽ đề tài khó nhất là Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi cùng một bản tính, luôn hoạt động trong nhau và vì nhau. Có người dùng hình ảnh một gia đình có cha  mẹ và người con được sinh ra trong tình yêu. Ngôn ngữ quảng cáo thường nói là ‘3 trong 1’ với nghĩa là một sản phẩm có 3 tính năng. Điều ta hiểu về Chúa Ba Ngôi chỉ có hạn, tốt hơn là nên sống mầu nhiệm đó trong đời ta:
Ba Ngôi luôn yêu thương nhau và sống hài hòa với nhau, ta hãy tập sống hòa hợp với anh em. Ta được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng và cứu chuộc, hãy cảm nếm niềm vui đó trong đời. Ta trở thành con cái Thiên Chúa nhờ công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, hãy tri ân và sống tư cách con cái Chúa. Nếu ta không cảm nghiệm được Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời thì việc đi lễ, sống yêu thương, chung thủy… chẳng có một giá trị gì và không tìm được một nền tảng vững chắc. Thiên Chúa Ba Ngôi không hề mỏi mệt để yêu thương che chở và tha thứ cho ta và Chúa Ba Ngôi luôn đồng hành với ta trong đời sống, đó là một niềm vui lớn lao cho mỗi người.

(Viết theo bài giảng của cha Phaolô Nguyễn Công Minh)

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

SỐNG MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI





Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được mạc khải một cách tiệm tiến và được trở nên sáng tỏ khi Ngôi Hai nhập thể. Khi nói về Chúa Ba Ngôi, chúng ta thường nghĩ về hoạt động riêng biệt của mỗi ngôi: Ngôi Cha tạo dựng muôn loài, Ngôi Con cứu chuộc và Ngôi Ba Thánh Thần thánh hóa. Nhưng hôm nay chúng ta để ý đến sự cộng tác của cả Ba Ngôi, sự chia sẻ trách nhiệm với nhau giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, vì Ba Ngôi luôn hiện diện và hoạt động trong nhau.

Một gia đình, một cộng đoàn và một quốc gia được lớn mạnh là nhờ sự cộng tác và chia sẻ trách nhiệm của các thành viên. Một vị Tổng thống Mỹ đã từng nói: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho tôi, mà phải hỏi tôi đã làm gì cho tổ quốc”. Tôi nhớ lại trong một cuộc họp mở rộng của giáo xứ, gồm có cha xứ, HĐGX cùng các ban ngành đoàn thể, để bàn về những sinh hoạt trong dịp tết – phân công cho các đoàn thể phụ trách về văn nghệ, hội chợ, giữ xe… Ai cũng tìm cách chối khéo với những lý lẽ rất đa dạng và thuyết phục.  Buổi họp trôi qua khá nặng nề mà việc phân công hầu như đi vào bế tắc. Cha quản xứ phát biểu: “Nếu ai có khả năng gì thì nên đem ra mà phục vụ giáo xứ, chính lúc phục vụ thì đoàn thể mình mới lớn mạnh được, đừng tìm cách đẩy quá bóng trách nhiệm cho người khác vì sợ mệt”. Kể từ đó đến nay, các buổi họp phân công trong giáo xứ luôn nhẹ nhàng và nhanh gọn, dường như ai cũng muốn góp một tay để giáo xứ được lớn mạnh, ai không cáng đáng được công việc nào đó thì cứ lên tiếng để người khác giúp một tay.

Ba Ngôi Thiên Chúa luôn chia sẻ trách nhiệm với nhau, luôn hoạt động trong nhau. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói cho ta biết điều đó: “Cha với Ta là một, Ta không hành động một mình, Ta không tự mình mà nói hay làm gì, Cha luôn ở trong Ta và Ta luôn ở trong Cha” (Ga 10,30); và dĩ nhiên Chúa Thánh Thần là Tình Yêu luôn liên kết để tuy Ba Ngôi, nhưng lại là Một Chúa.

Để nhìn ra được sự chia sẻ trách nhiệm với nhau trong một giáo xứ là cần thiết, ta hãy nhìn khía cạnh tiêu cực của một số người quanh ta. Có những người khi giáo xứ mời gọi đóng góp xây dựng nhà thờ thì họ lại tìm cách gia nhập vào một giáo xứ khác, đến lượt giáo xứ đó xây dựng thì họ lại tìm cách nhập lại giáo xứ cũ. Có những người khi có những người quyên góp tiền cho một công việc nào đó thì họ đóng cửa lại, chờ khi đoàn đi qua thì lại mở cửa ra. Ngày xưa chúng ta học giáo lý có 6 điều răn Hội Thánh, nhưng nay sách giáo lý mới chỉ còn lại 5 điều răn Hội Thánh, và điều răn thứ năm dạy ta phải có bổn phận đóng góp xây dựng giáo hội địa phương.

Chúng ta phải thừa nhận rằng: ‘Dấn thân phục vụ là bằng chứng xác thực của niềm tin’; vì có vững tin thì người ta mới dám bỏ thế gian mà đi tu, mới dám bỏ công việc nhà mà giúp việc cho giáo xứ. Khi quan sát một xứ đạo nào đó, tuy lớn về số lượng giáo dân và các tổ chức bề ngoài, nhưng thực sự xứ đạo đó  không vững mạnh khi có nhiều rạn nứt chia rẽ, khó kiếm người làm việc cho các hội đoàn và HĐGX. Thật may mắn được sống trong một xứ đạo mà ở đó còn có những tấm gương hy sinh của các vị mục tử và những người làm việc ‘không lương’, vì những gương sáng đó như những ngọn đuốc hâm nóng quả tim những người khác muốn bắt chước họ phục vụ vô vị lợi. Có người đến tuổi 60 đã chia sẻ: “càng ngày mình càng nghiệm ra rằng những người sống quảng đại với người khác thường có một cuộc đời thanh thản, thành công và sung túc; còn những kẻ bon chen với đời và với người thì cuộc đời mãi trôi nổi”. Âu đó cũng là lời tiền nhân để lại cho ta: “Xởi lởi thì trời gửi của cho – Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.

Thánh Gioan Tông Đồ đã diễn tả: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Ta có thể đảo ngược lại: “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời”. Một gia đình, một cộng đoàn hay một giáo xứ có những người biết chia sẻ trách nhiệm cho nhau, biết cộng tác với nhau để làm việc thiện một cách vui vẻ, thì quả thật nước trời đang ở giữa họ.
(Viết theo bài giàng của cha Phaolô Nguyễn Công Minh)

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

TÔI CHỌN GIÊSU.





            Con người Giêsu vẫn luôn là một huyền bí và là một thách đố qua mọi thời đại và với mọi dân tộc. Trong đoạn Tin Mừng Mt 8:28-34 nói đến việc Chúa trừ quỷ cho 2 người bị quỷ ám, ma quỷ xin Chúa cho chúng được nhập vào bầy heo 2000 con và cả bầy đã nhào xuống biển mà chết. Nghe biết những chuyện ấy thì cả thành tiến đến gặp Chúa Giêsu và xin Người ra khỏi vùng của họ. Thái độ của dân thành là khiếp sợ Chúa, sợ bị Chúa quấy rầy và làm cho cuộc sống họ bị xáo trộn – bị thiệt hại.

            Đứng trước nhân vật Giêsu, người ta thường có 2 thái độ phải lựa chọn: đón nhận Ngài đến độ trở nên giống như Ngài, sẵn sàng mất mạng vì Ngài; và thái độ khác là từ chối Ngài, xem Ngài như một sản phẩm của trí tuệ và như một kẻ quấy rầy.

            Chuyện kể rằng hôm ấy trên bờ hồ Giênêgiaret, ông Phêrô cùng các bạn vâng lời Chúa ra chỗ nước sâu và thả lưới, lưới nặng đến gần chìm… và Thánh Phêrô đã thưa với Chúa Giêsu: “Xin Ngài tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Nhưng Chúa tiến đến gặp gỡ ông và nói: “từ nay con là kẻ chài lưới người”. Một câu chuyện khác cũng rất thú vị, đó là chuyện 2 môn đệ đi Emaus. Họ nói với người khách bộ hành: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và đường hãy còn xa”, và người bộ hành ấy đã ở lại với họ - họ nhận ra Ngài và lòng họ đã bừng cháy.

            Nếu ta đón nhận Đạo Chúa vì lý do cơm – áo – gạo - tiền, vì để được yên ổn… thì ta đã định hướng sai! Vì thực ra không thấy ở đâu trong Tin Mừng Chúa hứa với ta chuyện ấy cả: Chúa không phải là công ty bảo hiểm; trái lại Chúa hứa nhiều lần: ai theo Ta thì sẽ bị người đời bách hại, phải vác thập giá, bị quấy rầy, phải chịu cảnh phân rẽ trong cùng một gia đình, phải lội ngược dòng đời. Làm gì có sự yên ổn khi theo Chúa! Vì trong chính bản thân, mỗi người Kitô hữu được mời gọi từ bỏ những hành vi ám muôi để sống theo ánh sáng Tin Mừng. Và trong xã hội, người Kitô hữu được mời gọi xây dựng một xã hội công bình - bác ái, chống lại những bất công – tội ác, bảo vệ nhân phẩm… để xây dựng một môi trường sống tươi đẹp hơn cho đồng loại. Chừng ấy thôi cũng đủ để cho người Kitô hữu phải gánh chịu biết bao ghen ghét và bắt bớ.

            Vậy ta được lợi gì khi theo Chúa? – Đó là sự bình an – hạnh phúc trong tâm hồn (Hạnh phúc cho các con là những kẻ khó nghèo, hiền lành, xây dựng hòa bình…Mt 5:1-12), đó là niềm hạnh phúc vì có Chúa cùng đi, vì có sức hộ phù của ơn Thánh và được Chúa làm gia nghiệp muôn đời. Nếu ta chọn Chúa để được hạnh phúc: có bình an, có Chúa đồng hành, có ơn thánh trợ giúp và sự sống đời đời thì không bao giờ bị vỡ mộng cả vì đó là những sự thật đã được Chúa hứa trong Kinh Thánh.

            Lạy Chúa,
            Dù con đi qua trong thung lũng tối đen hiểm nguy, lòng con không e ngại lo sợ gì. Vì Chúa ở cùng tôi, cây trượng và cây gậy Chúa khiến con an lòng (TV 23)
            Tạng phủ con ấy chính Ngài cấu tạo – dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân.
            Cảm tạ Ngài đã dựng nên con cách kỳ diệu, chi thể con Ngài biết rõ mười mươi.
          Dù bay về phía hừng đông, dù xuống cõi âm ty… thì con vẫn gặp thấy Ngài – cánh tay hùng mạnh đỡ nâng con.(TV 139)

            Lạy Chúa, xin hãy vào và ở lại với con luôn mãi.

           

KẺ DỖI HỜN.



Trong cuộc sống bon chen và phải lăn lộn để sống, có lẽ không ít thì nhiều ai cũng đã từng trải qua những lần ‘giận mát’ một ai đó, những lúc ấy được ví như cơn cuồng say: mất hết cả khôn ngoan và ngập tràn chán chường đau đớn. Thật đáng thương thay!

   Để khỏi đụng chạm ai, tôi xin thú nhận mình đã là kẻ dỗi hờn , mà lại hờn dai nữa đấy! Nghĩ lại mà thấy xấu hổ và tội nghiệp cho chính mình. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi cũng có một vài “kinh nghiệm” về vấn đề nầy. Thường kẻ hờn mát bao giờ cũng chọn ‘ông to mặt lớn’ mà giận, chứ chẳng bao giờ giận mát với một kẻ ‘vô danh tiểu tốt’. Thường trong một xứ đạo thì cha xứ, HĐGX, các vị hội trưởng…. là những đối tượng được chọn để hờn mát. Có kẻ còn hờn mát lây đến cả Chúa, nghĩa là bỏ cả nhà thờ hoặc sống đạo rất hời hợt!

Biểu lộ: Biểu lộ trước tiên là bỏ bê - bỏ ngang công việc phục vụ đang làm trong xứ, dù việc đó lớn hay nhỏ, với mục đích gây chú ý. Kẻ đó có thể làm một hành động khó hiểu nào đó để gây tiếng vang, để tỏ thái độ…. Kẻ ấy rất thích nói về đề tài này, nói một cách say sưa và khao khát có ai đó khơi mào câu chuyện. Câu chuyện được kể nhiều lần nên ngày càng dài, càng nhuyễn và ly kỳ…mặc dù mỗi lần kể xong thì cả người nghe lẫn người kể đều tràn ngập sự chua chát và đau đớn trong tâm hồn, vì ở đây có mặt của ‘kẻ tầm thường’ là ma quỷ. Người giận và người say thường mất khôn!

 Tôi đã từng đọc được một câu chuyện rất hay liên quan đến chuyện này, chỉ xin kể sơ lược: Chuyện xảy ra tại một làng quê nhỏ, người ta đồn với nhau rằng người đàn ông nọ đã làm một hành động xấu trong làng. Sau khi tin đồn tới tai mình, người đàn ông đó rất đau khổ, gặp ai ông ta cũng kể lại câu chuyện của chính mình cốt để đính chính những điều xấu xa được đồn đại. Ông ta chặn những người đi nhà thờ về, xuất hiện ở những đám đông và tìm gặp bất cứ ai bắt gặp để kể câu chuyện của mình. Câu chuyện càng ngày càng dài… Những lúc rảnh rỗi hoặc lúc đêm về, ông lại tự kể lại câu chuyện nhiều lần, để sao cho câu chuyện thêm mạch lạc và dễ tin hơn. Thế nhưng, một điều lạ là càng kể ông ta càng cảm thấy mọi người không tin mình, buộc ông phải nói nhiều hơn….. và cuối cùng ông bị điên!

Nguyên nhân. Nguyên nhân sâu xa của kẻ hờn dỗi là mặc cảm tự ti, lòng ghen tức ngấm ngầm (nhưng vì tự ái, đương sự  khó nhận ra và rất khó chấp nhận), người đó muốn chứng tỏ mình không sợ, mình bất cần, mình có bản lãnh, người đó muốn chứng minh rằng mình….hơn hoặc ít ra cũng bằng người kia (nhóm kia). Người đó muốn kể dài, kể mãi …để kiếm thêm đồng minh, để thêm tự tin, tự an ủi và tự yên phận. Một lời sửa dạy hoặc góp ý chung chung cho nhiều người, nhưng lại được kẻ giàu tự ái ôm vào mình (họ cho rằng người kia nhắm tới họ), để nhấm nháp và đau khổ. Họ tự chọn lấy đau khổ và hình như lòng tự ái được vuốt ve: Họ thấy mình là nhân vật quan trọng và được chú ý.

Ra khỏi cơn mê: Thật may là tôi không bị điên và cũng không còn hay giận mát nữa. Thật là hạnh phúc vì đã tìm lại được bầu trời xanh, tìm lại được lý tưởng cho cuộc đời là Phục vụ. Ngồi nhìn lại đời mình: "Sao lúc đó mình lại ấu trĩ nhân cách và suy nghĩ trẻ con thế? Sao một câu nói cỏn con lại làm cho mình tiêu hao năng lực và trở nên như điên dại thế?"

Xin rút ra một vài kinh nghiệm để sống:
- Thiên hạ có miệng thì họ nói mặc họ, họ có nói xấu tôi thì người ta cười họ, họ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa, có ảnh hưởng gì đến mình đâu. Mình im lặng và ‘trơ trẽn’ thì họ mới sợ và chán nói; trái lại nếu mình xao động và như bị trúng đòn thì càng kích thích họ nói thêm.
- Đời người ngắn ngủi lắm! Mỗi sáng thức dậy, hãy tự nhủ ngày hôm nay tôi sẽ sống hạnh phúc và đừng thích đóng vai ‘ông già đau khổ’. Sống trên cuộc đời nầy, sướng hay khổ là do mình chọn cho mình: thái độ sống, cách sắp xếp công việc..
- Để trở thành người đáng yêu thì phải biết nghe người khác nói, bớt than thở và khoe mình đi, có óc hài hước và có tấm lòng khoan dung - đôn hậu…





Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Những chuyện viễn vông




Ngày 21.12.2012 đã được cả thế giới hồi hộp đợi chờ trong tâm trạng lo lắng, vì có tin đồn đó là ngày tận thế. Đa số những người được hỏi đều có ước mong được ở bên người thân trong những giây phút cuối đời…chả thế mà những chuyến bay quốc tế về Việt Nam trong những ngày đó đã trở nên quá tải. Thế nhưng mọi sự vẫn bình thường, ta nghiệm ra được rằng con người thường thích lo chuyện ngoài tầm tay với của mình.
Khuynh hướng muốn tự định đoạt tương lai mình, muốn thoát khỏi ‘sự kiềm tỏa’ của Thiên Chúa dường như là khuynh hướng cố hữu của con người. Câu chuyện trong vườn địa đàng, chuyện tháp Babel, chuyện thuyết Khai Sáng của thế kỷ 18, chuyện phá bỏ những luật lệ tự nhiên và kỳ thị Kitô giáo của thế kỷ 21… nói lên khuynh hướng của con người là muốn giết chết Thiên Chúa như ‘lối mòn’ cần thiết để mưu tìm tự do và hạnh phúc cho mình.

Thế nhưng, thật mầu nhiệm là Thiên Chúa luôn đi bước trước để tìm kiếm con người, như gà mẹ luôn tìm cách che chở đàn con và tìm cách lùa những đứa con bướng bỉnh về nơi an toàn. Trẻ thơ Giêsu trong những hang đá lộng lẫy đang nói với chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban cho họ Con Một, để những ai tin vào Ngài thì có sự sống”.
Trong cuộc đời, có những lúc ta nghiệm được tình thương Chúa dành cho mình thật bao la và nhiệm mầu: Chúa dõi theo từng bước chân và giao phó cho ta một sứ mệnh. Nhưng rồi liệu niềm tin đó còn mãnh liệt không khi ta mỏi mệt vì đường dài, vì gánh nặng của sứ vụ? Mặc dầu các linh mục luôn giảng cho chúng ta rằng: “chỉ trong Thiên Chúa, con người mới có niềm vui và hạnh phúc”, nhưng dường như nhân loại lại thích chạy theo những tham lam của cải, quyền lực, tiếng tăm, thành công cùng những đam mê khác. Và Thiên Chúa dễ trở nên thừa thãi, vô nghĩa trong những dự án cuộc đời nhiều người.

Chúa ơi, xin ngự đến lòng con, dù ngổn ngang trăm bề và lo lắng đủ thứ… con cũng xin dành một góc nhỏ trong cõi lòng để Lời Chúa ngự trị.
Ngài là Hoàng Tử Bình An, xin ban cho con niềm an bình, hạnh phúc.
Sự an bình chỉ có nơi những người xây dựng đời mình trên 8 mối phúc Chúa dạy, người đặt niềm tin nơi Chúa và phó thác đời mình cho Chúa.
Chúa đã đến trần gian năm xưa và Chúa sẽ đến từng ngày với các tâm hồn được chuẩn bị.
Và Chúa sẽ đến trong ngày quang lâm. Xin cho con luôn sẵn sàng chờ đợi, không mê ngủ  nhưng luôn dạt dào tình mến trong cuộc sống mỗi ngày.

NIỀM TỰ HÀO





Trên mạng điện tử có những bài báo nói về khuynh hướng sính đồ ngoại của một số ‘đại gia’ tại Việt Nam. Có những chiếc xe hơi lên đến 50 tỷ đồng được đặt mua, có những túi xách vài trăm triệu đồng, có những chai rượu có giá ‘không tưởng tượng được’. Khuynh hướng đua đòi ‘xài đồ ngoại’ thật là tương phản với cuộc sống lầm than của biết bao người nghèo khổ trên đất nước nầy, họ làm ‘chảy máu’ tình trạng nhập siêu ngoại tệ và còn nói lên tình trạng mất định hướng cho cuộc đời: huênh hoang và khoe khoang những thứ vụn vặt trên đời.

Thánh Phaolô, một con người ngoại hạng vì có quốc tịch Rôma, có trí óc siêu quần, được thị kiến nâng lên tầng trời thứ 3… Thế nhưng, Ngài coi mọi sự là rơm rác trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô. Ngài nói: “Nếu phải vinh vang, tôi không vinh vang về một điều gì khác ngoài thập giá Đức Kitô, vì Ngài tôi đành mất mọi sự”. Và ở một chỗ khác, Thánh nhân còn tiết lộ: “để tôi đừng hư đi vì kiêu căng, Chúa đã cho một sứ thần vả mặt tôi”.

Vì không được như Thánh Phaolô, chúng ta thường tự hào về đủ thứ mình có và những việc mình làm, nhưng có lẽ nên xếp thứ tự ưu tiên để tự hào? –về công đức làm cho tha nhân hơn là chú tâm vào mình, thành tích tinh thần hơn là vật chất và thân xác, hiện tại hơn là quá khứ, những thứ có thực hơn là tưởng tượng.

Nhưng có lẽ ta không nên huyênh hoang về bất cứ sự gì nơi mình , vì như Thánh Phaolô nói: ‘tôi có gì mà lại không phải đã lãnh nhận từ Chúa’, vì vũ trụ nầy đang qua đi, vì Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Trong Tin Mừng Luca Chúa Giêsu đã so sánh lối cầu nguyện của người biệt phái và người thu thuế, Chúa ngợi khen đồng tiền bà góa bỏ vào Đền thờ, và niềm vui của người mục tử khi tìm được con chiên lạc hơn là 99 con không lạc.

Tôi rất thích bài ‘đường đời’ của Marie Noel: điểm khởi đầu và kết thúc cuộc đời con người ngoạm lấy nhau và tình trạng y như nhau: trần truồng, yếu đuối, mọi cơ năng trí não là zêrô, người khác phải xúc cơm – đổ thuốc mới sống được. Một hình ảnh khác diễn tả con người là con vật sáng 4 chân, trưa 2 chân và chiều 3 chân.

Xin trích lại một đoạn trong bài ‘Ngày lễ bạc’ của cha Nguyễn Tầm Thường:
“Kỷ niệm 25 năm sau ngày chết, tôi trở lại thăm ngôi mộ của mình… Có những mộ bia không còn hình dạng. Họ ra đi trước tôi lâu rồi. Có người mới chôn vài năm nay, có người mười năm, có người hai mươi năm, có người cả trăm năm. Ghê nhất là những người mới chôn. Ngôi mộ này của một người đàn bà. Chết đã tháng nay. Áo quần còn mới, nhưng xác rữa rồi, lúc nhúc dòi bọ. Chiếc quan tài còn cứng, xác trong đó phồng căng, sình rữa. Tóc bết lại. Áo nhung và thịt kết dính chặt lại. Những con dòi trắng cắn loang lổ nhiều vùng vải lỗ chỗ. Đấy cũng là hình hài tôi 25 năm về trước.
Ngày còn sống tất cả những người đang nằm đây xum xuê từng lọn tóc, mà bây giờ thế ư?
Tôi đi tìm xem ai là người trí thức. Không thấy ai cả. Chết được vài ngày, tất cả sọ người đều nồng nặc hôi thối.
Tôi đi tìm xem ai là người nổi tiếng. Tất cả chỉ là những mảnh xương dính bùn đen đủi và toàn dòi bọ ở trong.
Tôi đi tìm xem ai là người giầu có. Không thấy ai cả. Tất cả đều trần trụi không còn manh áo che thân. Tôi không thấy kim cương, vàng bạc. Tôi tưởng người thân chôn theo, nhưng không, người ta giữ lại hết. Người ta chỉ chôn xác thôi.
Tôi đi tìm xem ai là người lúc sống họ lên tiếng phải  xây dựng Giáo Hội thế này, phải cải tổ Giáo Hội thế kia. Không thấy ai cả. Lúc đương thời, họ sống chết, ăn thua đủ với nhau chỉ vì “bảo vệ đức tin.”. Trong cái nghĩa trang này thân xác nào cũng hôi tanh.
Tôi lại nhìn tôi dưới ngôi mộ sâu.
Cái sọ kia ngày xưa đã bao nhiêu suy nghĩ. Những giấc mơ ấy bay về đâu? Còn dưới đó không? Trái tim ôm ấp bao nhiêu tình cảm. Cái mùi tanh hôi nồng lên khi nó rữa ra.
Tôi lại nhìn tôi dưới ngôi mộ sâu.
Tôi nghe chung quanh tôi, trăm nghìn tiếng động xèo xèo. Nhiều xác mới chôn đang rữa. Tiếng những con bọ ăn vào xương. Những xác chết đang xảy ra giống tôi 25 năm về trước”.

Thế đó, hãy học Thánh Phaolô  để biết theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau; và nếu phải vinh vang, ước gì tôi đừng vinh vang về điều gì ngoài thập giá Đức Kitô.

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Sức mạnh thật sự của Giáo hội





“Khi Đấng Bầu Chữa, Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ làm chứng nhân danh Thầy”. (Ga 15,26)


Chính nhờ ‘sự an ủi của Chúa Thánh Thần’ mà Giáo hội được lớn lên. Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội. Chính nhờ Ngài mà các kẻ tin hiểu được ý nghĩa sâu xa về giáo lý và hiểu những mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu. Chính Chúa Thánh Thần, hôm nay cũng như những ngày Giáo hội sơ khai, đang hoạt động trong mỗi nhà truyền giáo, khi họ biết để cho Ngài chiếm hữu và dẫn dắt. Chúa Thánh Thần sẽ đặt trên môi miệng các vị những lời mà môi miệng họ không thể nghĩ ra, và cũng cùng lúc đó, Ngài tác động trên những kẻ nghe lời giảng, để lòng họ rộng mở cho Lời Chúa được thấm nhập – hầu Nước Thiên Chúa được trị đến.

Những phương tiện rao giảng Tin Mừng thật là quan trọng, nhưng ngay cả những kỹ thuật tân tiến nhất cũng không thể thay thế được tác động nhẹ nhàng của Thánh Thần Chúa. Những chuẩn bị rất công phu của một nhà thuyết giảng sẽ vô hiệu nếu không có Thánh Linh. Nếu không có Thánh Thần, những biện chứng hùng hồn cũng không có tác động nào trên quả tim con người. Nếu không có Ngài, những lược đồ với những khám phá mới mẻ về tâm lý và xã hội cũng  nhanh chóng trở nên vô hiệu.

Chúng ta đang sống trong Giáo hội – thời đại Chúa Thánh Thần. Khắp nơi, người ta cố gắng tìm hiểu để biết rõ Ngài hơn, dựa vào những mạc khải của Kinh Thánh. Nhân loại sẵn sàng đặt mình dưới sự hướng dẫn của Ngài. Họ tụ họp chung quanh Ngài và họ muốn để cho Ngài dẫn dắt. Ngày nay, Chúa Thánh Thần có một vị trí thượng tôn trong đời sống Giáo hội, Ngài đặc biệt nổi bật trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Thật không phải tình cờ mà phút khởi đầu của công cuộc rao giảng Tin Mừng đã xảy ra vào sáng ngày lễ Hiện Xuống, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần.

Phải nói rằng Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công cuộc rao giảng: chính Ngài thúc đầy mỗi người phải rao giảng Tin Mừng, và chính Ngài – nơi sâu thẳm của tâm hồn- làm cho Lời cứu độ được hiểu thấu và đón nhận. Nhưng cũng có thể nói Ngài cũng là đích đến của việc rao giảng: Chỉ có Ngài làm phát sinh một tạo vật mới – một nhân loại mới là kết quả của việc rao giảng Tin Mừng, một sự hiệp nhất trong những dị biệt mà việc rao giảng Tin Mừng muốn thực hiện trong cộng đồng các Kitô hữu. Nhờ có Chúa Thánh Thần, Tin Mừng thấm nhập vào giữa lòng thế giới, vì chính Ngài giúp con người phân biệt được những dấu chỉ thời đại – những dấu chỉ Chúa muốn – đây là điều mà công cuộc rao giảng Tin Mừng phát hiện ra và đưa đến những thực hành cụ thể trong dòng lịch sử nhân loại. (Dịch từ The Daily Gospel Monday, 10 May 2010).
Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội Việt Nam đã trải qua những thời điểm có nhiều biến cố thay đổi các vị trí lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng và các đức Giám Mục, rất nhiều chú giải từ nhiều phía thông tin đã đến với chúng ta. Có những người nhìn việc thay đổi nhân sự này dưới con mắt nhân loại, thậm chí nặng mùi chính trị, và dường như họ quên mất một nhân vật quan trọng đang hiện diện giữa chúng ta: CHÚA THÁNH THẦN. Ngài là chủ nhân của vũ trụ này.

Nhiều người tự hỏi: “Giáo hội sẽ đi về đâu?”.

Vì thấy trước những gian lao con thuyền Giáo hội sẽ vấp phải, trước khi về trời, Chúa chúng ta đã căn dặn: “Lòng các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin vào Thầy” (Ga 14,1). Có thể nói câu nói ngắn gọn và nổi tiếng nhất của người tôi tớ Chúa, Đức Gioan-Phaolô 2 là: “Đừng sợ!”. Dù Giáo hội đang bước đi trên những con đường zic-zac, thì hãy luôn xác tín rằng: Thiên Chúa có thể vẽ nét thẳng trên những đường cong (ĐHY Nguyễn Văn Thuận). Và hãy biết rằng: ngay cả hôm nay, Thần Khí Chúa vẫn bay là là trên mặt địa cầu này (Khởi Nguyên 1,2).

HAI NGƯỜI MẸ





 Tháng 5 đã về, hãy thúc giục nhau chạy đến với Mẹ Maria và yêu mến Mẹ với tình con thảo.
            Mỗi người chúng ta ai cũng có ít là 2 người mẹ, một người mẹ sinh ta ra và một người mẹ thiêng liêng được Chúa Giêsu trối trăn khi sắp tắt thở trên Thánh Giá: “Này là Mẹ con”. Người mẹ sinh ta ra có thể quên con mình, có thể mất sớm và có thể ‘yếu sức’; nhưng với Mẹ Maria thì không bao giờ có những chuyện ấy xảy ra: Mẹ luôn gần gũi, luôn bao dung, rất quyền năng và không bao giờ thay lòng đổi dạ. Mẹ là Nữ hòang Thiên quốc và là Nữ vương trời đất, nên sự cầu bầu của Mẹ có thể nói là ‘rất đáng tin cậy’ trong mọi lãnh vực.

            Ngày xưa khi còn ở chủng viện, cứ mỗi tối cả phòng ngủ chung dài, giường xếp san sát cả mấy trăm chiếc, cả một tập thể cùng hát kinh dâng mình: “Con dâng linh hồn trong tay Chúa, Chúa gìn giữ con yên hàn trong đêm nay… Mẹ ơi con yêu Mẹ, yêu từ hồi thơ bé, yêu mãi đến tuổi già, yêu tha thiết bao la…). Giọng hát tha thiết của những người cất bước đi tìm chân lý hòa quyện với nhau, đọng lại trong tâm thức và lan tỏa cả vào giấc ngủ của những chú bé đơn sơ – nhiệt tình. Ngày ấy, khi nhắc đến chữ ‘mẹ’, nhiều giọng hát đã nấc lên và nhiều đôi mi đã nhòa lệ, vì đã có một sự nhầm lẫn ‘dễ thương’ giữa 2 người mẹ: nhắc đến Mẹ Maria, mà lòng lại thổn thức vì nhớ mẹ đã sinh mình. Điều chắc chắn là giữa 2 người mẹ đã có một sự cảm thông và có một tình thương lai láng dành cho đứa con yêu dấu của mình.

            Có người không dám yêu mến Mẹ Maria nhiều vì sợ ‘lấn’ mất phần Chúa Giêsu. Thực sự chuyện đó không bao giờ xảy ra! Trong những lần hiện ra để tỏ lộ tình cảm của mình, chưa bao giờ chúng ta thấy Chúa Giêsu phiền trách người ta sùng kính Mẹ quá nhiều, Chúa chỉ phiền trách là loài người vô ơn bội nghĩa, phạm tội và không đếm xỉa gì đến tình yêu lân tuất của Chúa. Trong đời thường, chúng ta thấy người ta kính trọng ‘ông bà cụ’ vì quý mến các linh mục – tu sĩ; mà người ta càng quý mến các bậc sinh thành ấy bao nhiêu thì các ‘đấng bậc’ càng phấn khởi, chứ có bao giờ phiền trách gì đâu?

            Trong thời Đệ Nhị thế chiến, một người sống sót từ trại tập trung của Đức Quốc Xã đã kể lại câu chuyện 2 người mẹ của chính mình: Mẹ đã sinh ra tôi trên đời, nuôi tôi lớn khôn. Tôi bị bắt vào trại tập trung, còn mẹ thì không. Một ngày nọ, trên đường đi đến lò hơi ngạt, tôi bỗng thấy mẹ xuất hiện, mẹ ra hiệu một cách dứt khoát cho tôi đi ra khỏi hàng để mẹ thế chỗ cho. Mẹ bảo: con còn trẻ nên cần phải sống, còn mẹ đã sống đủ rồi, con hãy mau ra khỏi đây và đừng lo cho mẹ. Tôi bàng hoàng đi ra khỏi hàng bình yên vì đã có mẹ thế chỗ cho… Cũng một người mẹ ấy, nhưng chính mẹ đã sinh ra tôi 2 lần, nên tôi có 2 người mẹ.

            Tôi đã có nhiều dịp về thăm cha mẹ của các linh mục, tôi nhận thấy các linh mục mến mẹ của mình nhiều lắm. Có cha bạn nói một cách hồn nhiên: “mẹ là nhất trên đời ! Khi nào có chuyện buồn và hơi mệt mỏi là cứ về với mẹ, ắt sẽ có bình yên”. Trong những năm gần đây, nhiều người ngại ca tụng tình mẫu tử vì tệ nạn phá thai đang lên cơn sốt, hiện trạng ‘phá thai’ đúng là một ‘phản chứng’ cho tình mẹ: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…”. Nhưng có một câu danh ngôn rất hay về tình mẹ: "Tấm lòng người mẹ là một trong những kiệt tác của Thượng Đế”. Nói như vậy để chúng ta phải nhận định rằng: những người mẹ đành lòng giết bỏ đứa con mình cưu mang là những người bệnh hoạn, chạy theo đam mê ích kỷ; nhưng bên cạnh đó, còn có biết bao tấm lòng bao dung và mênh mông như biển Thái Bình ngày đêm dạt dào sóng vỗ, tảo tần nuôi con và lo lắng cho con từng chút một. Nếu ta lãng quên tình mẫu tử, nếu ta không cất tiếng ca tụng mẹ, thì ta là những kẻ bệnh hoạn, vô ơn và lãng quên tình Chúa.

            Người mẹ bao giờ cũng là người mẹ: bao dung, đôn hậu và luôn tha thứ. Cho dù những đứa con có tỏ ra hỗn xược, đi hoang và phá nát tài sản cha mẹ đã chia phần, cho dù con cái lâu ngày không thăm viếng và chăm sóc mẹ… thì mẹ chỉ biết buồn mà không bao giờ biết giận; và nếu đứa con đi hoang trở về thì mẹ lòng mẹ chỉ biết vỗ về-an ủi và che chở, lòng mẹ nuốt ngược những hất hủi vào trong để chỉ tỏ lộ yêu thương – đùm bọc ra bên ngoài.

            Nếu có ai không còn mẹ trần gian thì người đó hãy yêu mến Mẹ Maria nhiều hơn, chính mẹ sẽ dìu bước chân ta đi trên đường về quê trời. Mẹ là Ngôi Sao Sáng, nên ta sẽ không bao giờ lạc lối. Mẹ luôn đi bên cạnh ta để giúp ta vượt những thử thách của ‘con rắn’ dưới muôn dạng vẻ của nó. Bước đi với Mẹ ta không đơn côi và luôn được an lòng như trẻ thơ trong bàn tay mẹ dịu hiền.

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Sự thù ghét Kitô giáo




“Nếu thế gian ghét anh em thì hãy biết rằng chúng đã ghét Thầy trước”
Vì nếu các con thuộc về thế gian thì chúng sẽ yêu những gì thuộc về chúng” (Ga 15,18-19)
Dung mạo tử đạo của Chúa Giêsu đã được diễn tả: “Họ lột áo Người ra và khoác cho Người một áo đỏ. Quấn một vòng gai, họ đặt nó lên đầu Người” (Mt 27,28-29).
"Chúa Kitô được khoác chiếc áo cẩm bào đỏ thắm…Như một vị vua và hoàng tử của các Thánh tử đạo, bởi vì máu của Ngài đã tươi sáng lên tựa như chiếc áo khoác màu đỏ thắm. Chúa như một kẻ chiến thắng khi Ngài đội vòng gai, như vương miện là một điều tự nhiên người ta đội cho kẻ chiến thắng… Tuy vậy, chúng ta cũng nhận ra rằng chiếc áo choàng đỏ cũng là hình ảnh của Giáo hội, vì khi ở lại trong Chúa Kitô thì Giáo hội cũng được rực sáng bởi ánh vinh quang đế vương". (Khải huyền 1,6).(The Daily Gospel)
Có thể nói: kể từ ngày Chúa Kitô xuất hiện, đạo Chúa chưa bao giờ bình yên mà không bị bách hại cách nầy hay cách khác. Sự thù ghét Kitô giáo được biểu hiện bởi nhiều cách: bắt bớ, cấm cách, kỳ thị, vu khống, bêu xấu. Thế gian dùng luật pháp để tấn công những giá trị luân lý, chèn ép về quyền lợi, bỏ tù và thủ tiêu kẻ theo đạo Chúa. Chúng ta có thể kể đến việc tử đạo của Chúa Giêsu, các tông đồ và Giáo hội Roma thời sơ khai, giáo hội Việt Nam, giáo hội Triều Tiên, giáo hội Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ…đâu đâu cũng có những vị tử đạo, xảy ra suốt mọi thời. Nhưng thập giá Đức Kitô đã nở hoa và máu các vị tử đạo đã tẩy áo tâm hồn họ nên trong trắng khi trình diện Con Chiên.

Có những người nói tới thế kỷ 20 – 21 với cụm từ ‘thời đại hậu Kitô giáo’, với ý ám chỉ sự giẫy chết của đạo Kitô. Và người ta đưa ra vấn nạn: đạo nào sẽ tiếp theo lãnh đạo thế giới: Phật giáo hay Hồi giáo, hay vẫn là Kitô giáo?
Ngay tại Việt Nam Nhà Nước đã đầu tư xây dựng nhiều ngôi chùa, chuyện đó chưa bao giờ xảy ra cho bất cứ một ngôi nhà thờ nào. Điều đó chứng minh Lời Chúa nói trên đây là đúng và cũng là dấu chứng tỏ chúng ta không thuộc về thế gian, và cũng nhờ vậy mà chúng ta vẫn có một sự tự do vì không bị ràng buộc. Ngày nay xem chừng những giáo lý nhà Phật được công chúng hăm hở đón nhận hơn là những đề tài của đạo Kitô.
Trong bài diễn văn cuộc tụ họp cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi năm 2011, ĐTC Benêdictô 16 nói: "một thái độ thù ghét tôn giáo của một số người theo thuyết soi sáng, họ chủ trương bài tôn giáo vì tôn giáo thường đưa đến bạo lực, nhưng khi không nhìn nhận một Đấng ở trên minh thì con người trở nên độc ác vì tự coi mình là quy luật, họ chạy theo tư lợi mà chối bỏ cả con người". Nhiều người công kích đạo Kitô vì cản trở họ hưởng lạc… Tất cả là do sự xúi giục của ma quỷ, muốn cướp giật linh hồn con người xa khỏi Đấng là nguồn mạch sự sống.