Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

Tự do của người con cái Chúa



Thánh Phaolô nói với chúng ta một lời rất ý nghĩa: “Thưa anh em, chính để anh em được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (Galat 5,1).

Rõ ràng sự tự do ở đây là tự do nội tâm, là được giải thoát khỏi tội lỗi và các đam mê phù phiếm như kiêu ngạo, ích kỷ và các dục vọng.  Thánh Phaolô còn nói thêm: “Anh em được kêu gọi để hưởng tự do. Đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (5,13). Kinh Thánh nói: con người sống một mình không tốt. Con người được dựng nên để sống tương quan: là tạo vật với Đấng Tạo Hóa và là anh em với nhau. Chính khi con người từ chối mối tương quan với Đấng Tạo Hóa thì họ lại trở thành nô lệ cho các thần tượng loài người và nô lệ cho các đam mê của mình, vì nó đã mất điểm quy chiếu. Con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa, nên chỉ thỏa niềm khao khát hạnh phúc và ngơi nghỉ bên Chúa. Điều nầy lý giải cho sự trống rỗng nội tâm của biết bao người coi là thành đạt về danh lợi thú, nhưng lại chọn lối thoát tự tử vì căm ghét chính mình, vì thấy cuộc đời vô nghĩa, hoặc thất vọng vì sự đen bạc của tình người.

Hãy nghĩ đến tình cảnh của biết bao người nghiện xì ke ma túy, rượu, thuốc, sex. Có nhiều lý đo đưa đẩy họ dính vào những đam mê đó. Ở đây, chúng ta nhìn đến khía cạnh nghiện ngập mà họ đang trải qua và đang phải chịu đựng: đa số những người nghiện nầy muốn ra khỏi nhưng không dễ để thoát thân. Có sự khó chịu về tình trạng lệ thuộc, nhưng khó chịu nhất là về tâm lý: thấy mình quá yếu đuối để từ bỏ sự nghiện ngập, từ đó mất niềm tin vào chính bản thân đến nỗi nghĩ rằng mình chẳng làm được điều gì tốt đẹp. Dần dần người ta nhận ra rằng sự nghiện ngập này có liên quan đến satan và cần đến một sự giải thoát của Thiên Chúa qua sự cầu nguyện của nhiều người lành thánh. Điều quan trọng là bản thân người đó phải tin rằng: Thiên Chúa là Đấng quyền năng, là Cha nhân lành sẽ trợ giúp mình. Khi tin ‘đối với Chúa, mọi sự đều có thể’, người đó tha thiết van nài và cậy dựa vào lòng thương xót Chúa, nhiều người đã được giải thoát khỏi cơn nghiện xì ke.

Ở GĐTM Nhà Bè có nhóm Phaolô Hạnh với hơn 150 thành viên (trước đây gọi là nhóm Thảo Ma). Họ là những người trẻ từ 20-30 tuổi, từng nghiện ngập cả 10 năm, từng ra vào các trại cai nghiện, nhưng nghiện vẫn hoàn nghiện, cho đến khi họ được Chúa ôm ấp và giải cứu. Đọc đến đây, tôi đoán có nhiều người thấy dị ứng với mấy chữ GĐTM và Lòng Thương Xót. Nhưng hãy tự hỏi: tại sao chúng ta dễ tin những tin dữ và tin giật gân được loan truyền trên mạng, nhưng lại rất cứng tin trước những tin tốt, những việc lành Chúa đang thực hiện. Kể cho nhau nghe chuyện tốt lành thì có lợi hơn là những việc dữ. Coi chừng chúng ta đang rơi vào cạm bẫy của ma quỷ và trở thành cộng sự viên của chúng khi cứ tiếp tay với việc loan truyền sự dữ mà lại dị ứng với các tin lành. ‘Một cây rừng đổ gây tiếng ồn, trong lúc hàng ngàn cây âm thầm mọc lại không ai để ý’ là vậy. Còn danh xưng Lòng Thương Xót và những mạc khải của Chúa Giêsu cho Thánh Nữ Faustina đã được Giáo hội nhìn nhận chính thức, vậy mà tại sao nhiều người (kể cả tôi) vẫn nghi ngại khi nói đến và có cảm tưởng như chuyện nhảm nhí ? – có lẽ do ma quỷ xúi giục, vì chúng sợ ta kêu cầu và tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa.


Nói tóm lại, người tự do là người sống trong tình yêu: tùng phục ý Chúa và cư xử bằng tình thương với anh em. Rõ ràng khi con người chối bỏ Thiên Chúa là họ đánh mất nguồn cội của mình, dẫn đến sự rối loạn cho mình và xã hội. Và cũng rõ ràng là khi con người cắn xé để dành giật nhau cách nầy cách khác thì họ đang đánh mất tính người và giống với những con vật. Chỉ có sự trợ giúp của Chúa mới đem lại cho con người sức hộ phù để giữ được sự cân bằng, để chiến thắng trong những cuộc giằng co giữa thiện và ác đang giao chiến mỗi ngày trong con người.


Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

A Happy ending




Cuộc sống quanh ta luôn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ trong tương lai, vượt tầm với của mỗi người, nhất là những điều liên quan đến vận mệnh của những người thân cận với mình. Chính Thánh Phêrô cũng đã có lần thắc mắc về số mệnh của tông đồ Gioan, Chúa trả lời rằng điều đó không liên quan đến con, phần con hãy theo Thầy.

Chúa không dạy ta: cứ lo việc mình, người khác thì mackeno. Nhưng đúng hơn, Chúa bảo ta cứ sống tốt giây phút hiện tại, nỗ lực hết sức mình, việc gì tốt làm được thì làm đi, phần còn lại cứ để Chúa lo. Mối bận tâm về con cái, cháu chắt, bạn đời và bạn bè là những điều luôn bám riết lấy con người, nhất là khi ‘ai đó’ có vấn đề về sức khỏe vật chất hay tinh thần: còn người này thì sao? Tương lai họ ra sao?

Mỗi lần nhớ tới một nhu cầu cần cầu nguyện, tôi vẫn thường đọc kinh sáng soi và thấy cũng tạm ổn. Lần khác, tôi lại lẩm nhẩm đọc kinh Lạy Cha, thích nhất là câu: “Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời/ Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Hôm nay tôi mới nghĩ ra một lời cầu có vẻ ngắn và cũng rất ý nghĩa: “Xin Chúa cho chúng con một happy ending, một cái kết tốt đẹp. Cái tốt đẹp này vượt hơn ‘cái kết có hậu’. Những bộ phim mà nhân vật chính trải qua những gian lao thử thách nhưng cuối cùng thì lại tìm được lẽ công bình, kiểu như chuyện ông Giop, người ta gọi đó là những cái kết có hậu: kẻ ác bị trừng phạt, người tốt được thưởng công. Còn ‘cái kết tốt đẹp’ còn hàm ý rằng: Chúa quyền năng có thể làm mọi sự nên tốt cách nào đó tùy ý Ngài, tốt ở đời nầy và cả đời sau nữa.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: Chúa quan phòng mọi sự ngoài sức tưởng tượng và sự nhận biết của con người. “Cha anh em biết rõ anh em cần gì, ngay cả trước khi anh em xin”, vậy mà khi một ai đó phát biểu rằng ‘tất cả là hồng ân’ thì chúng ta cảm thấy dị ứng và nghĩ rằng người này hàm hồ, dị đoan. Ai đó đã nói: người có đức tin luôn nhìn thấy phép lạ xảy ra hằng ngày chung quanh mình. Điều này hoàn toàn đúng vì  Cha trên trời là Đấng tốt lành, hằng làm mưa trên kẻ lành người dữ và hằng khấng ban mọi điều tốt lành cho con cái Ngài. Tin rằng Thiên Chúa điều hành lịch sử trong những biến cố lớn thì còn dễ, nhưng ngay cả những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống của từng người vẫn được Ngài thương an bài, soi dẫn và phù trì …để mọi sự trở nên tốt đẹp cho kẻ yêu mến Ngài.


Nhiều người cho rằng: đến với Chúa để mà xin xỏ điều này điều kia thì quá vụ lợi và thô thiển quá! Thực ra, Chúa muốn từng người có mối liên lạc thân tình với Chúa như con cái với cha mẹ, với rất nhiều tâm tình như tạ ơn, xin lỗi, yêu mến, phó thác, xin ơn cho mình và tha nhân. Nhưng việc xin ơn cũng là điều bình thường của người con thưa với với cha mẹ mình hằng ngày. Nhiều người không xin ơn vì họ nghĩ Chúa chẳng làm được và thậm chí chẳng có Chúa. Có tin rằng Chúa quyền năng và Chúa hằng săn sóc vũ trụ thì ta mới quỳ xuống để xin ơn phù trợ. Niềm vui của người con cái Chúa nằm ở điểm ‘tin rằng mình được Chúa yêu thương và đồng hành’.


Xin Chúa cho quê hương con một happy ending, cho chúng con những người lãnh đạo có tâm và có tầm để lo lắng cho hạnh phúc của người dân. Xin Chúa ban cho Giáo hội một happy ending: cho đức Phanxicô, các giám mục và các linh mục có một cuộc sống tiết độ và khiêm tốn mà liên kết chặt chẽ với những người nghèo khổ nhất (ý cầu nguyện tháng 6.2019). Xin Chúa ban cho những người thân của con một happy ending: soi sáng cho họ biết việc phải làm, giúp đỡ họ khi làm và cho họ biết thuận theo ý Chúa trong mọi sự. Và cuối cùng, xin cho con một happy ending: hoàn thành ơn gọi của mình trong sự khiêm tốn và phó thác. Amen.

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

Con có yêu mến Thầy không?


Ông Phêrô buồn vì Chúa hỏi ông đến ba lần câu hỏi trên, dù ông đã khẳng định từ lần đầu tiên rằng: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Ông buồn vì dường như Thầy không tin lời mình và vì nhớ đến tội chối Thầy trước đây, ông buồn vì cảm nhận thân phận yếu đuối hay sa ngã của phận người, ông còn buồn vì Chúa không nhận ra rằng ‘mình nhiệt tình hơn các ông khác’.

Sau khi sống lại, Chúa mới trao quyền lãnh đạo Hội Thánh cho ông Phêrô, vậy mà trước đây, trong những dịp quan trọng, ông Phêrô đã nhiều lần thay mặt anh em để tuyên tín và để can ngăn Chúa đừng phải chịu nạn. Điều này chứng tỏ ông Phêrô là một đệ tử đầy nhiệt huyết với Thầy, rất yêu mến Thầy: yêu đến độ trong đêm Thầy bị bắt, ông đã rút gươm chém sứt tai tên đầy tớ và lẽo đẽo theo Thầy vào tới dinh thượng tế. Rõ ràng, Ông trổi vượt hơn các môn đệ khác về lòng nhiệt thành.

Chúa hỏi đến ba lần về lòng yêu mến Thầy trước khi trao nhiệm vụ cho Phêrô, chứng tỏ lòng mến là điều quan trọng nhất trong mọi sứ vụ. Lần đầu: “con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” . Chúa muốn hỏi ông có yêu Chúa hơn các thụ tạo và mọi người trên trần gian này không. Các tông đồ đã bỏ gia đình vợ con nghề nghiệp để theo Chúa, nên nhóm 12 này là thân cận nhất…Qua đó, ta nhận ra Chúa còn đòi hỏi người theo Chúa phải yêu Chúa hơn hết mọi người. Điều này được chứng tỏ qua các Thánh Tử Đạo: Chúa dạy ta phải tôn trọng những người lãnh đạo đạo đời, vâng lời trong những điều phù hợp với lẽ đạo, nếu xảy ra những xung khắc giữa hai mệnh lệnh thì “phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”. Con cái phải thảo hiếu và vâng lời cha mẹ trong những điều hợp lẽ đạo, còn khi cha mẹ có những mệnh lệnh trái ngược với luật Chúa thì không được nghe theo. Lần thứ hai Chúa hỏi câu hỏi trên là để ông Phêrô suy nghĩ lại phải yêu mến Chúa hơn bản thân mình, phải vượt qua lòng tự hào về sự nhiệt tình và giá trị con người mình để đi theo Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa định liệu. Lần thứ ba, câu hỏi trên để ông ý thức phận người yếu đuối, phải biết bám víu vào Chúa trong mọi sự và qua mọi ngày.


Chúa cũng đang đặt câu hỏi trên cho mỗi người chúng ta: “Con có yêu mến Thầy không?” Chúng ta không buồn vì có đối mặt với Chúa đâu và có biết Chúa hỏi mấy lần đâu! Chúng ta chỉ ngạc nhiên là tại sao Chúa hỏi câu này, vì nó hơi thừa! Nếu con không yêu Chúa thì con đâu nhập đạo, đâu có đi lễ, đâu có làm biết bao điều tốt và sống ngay lành! Nhưng coi chừng cuộc sống của ta trống rỗng: đạo chỉ trong nhà thờ, cuộc sống thì khác. Sơ Lucia, người chứng cuối cùng của Đức Mẹ Fatima, đau buồn mà nói: nhân loại đã không thực hiện sự sám hối và ăn năn đền tội, hòng tránh khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Cuộc sống quanh ta đầy dẫy những kẻ thờ Chúa bằng môi miệng, còn hành động như con cái ma quỷ: độc ác, trộm cắp, vô tâm hủy hoại môi trường, tìm kiếm sự nổi tiếng và kính trọng. Điều lạ là họ trộm cắp hằng ngày và vẫn rước lễ hằng ngày: mất cảm thức về tội. Hãy trở về với lương tâm mỗi ngày, để thấy những lỗi phạm đến danh dự và của cải người khác, để thấy những giả hình và động lực sai trái của công việc ta làm.


Chúa biết rõ lòng ta có yêu mến Ngài hay không. Hãy cải thiện đời sống và yêu mến Chúa trên hết mọi sự, vì không ai biết đời mình còn kéo dài được bao lâu. Hãy khiêm tốn nhận ra rằng: “tôi có là gì cũng đều bởi ơn Chúa ban, và đừng để ơn của Chúa ra vô ích nơi tôi”. Đừng so sánh mình với người khác, vì con đường nên thánh chẳng ai giống ai và ơn lộc Chúa ban kẻ nhiều người ít. Phần con, “Hãy theo Thầy”.