Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Ngạc nhiên về mầu nhiệm cuộc sống


Ai đó đã nói: sự ngạc nhiên là khởi đầu của niềm tin. Chúa Giêsu trở về quê quán Nagiaret, Chúa giảng dạy trong hội đường và dân chúng rất ngạc nhiên về ‘sự khôn ngoan và những phép lạ Chúa làm’. Nhưng sự ngạc nhiên bị dừng lại khi họ xét đến sự xuất xứ của Chúa Giêsu: cha mẹ, anh em, quãng đời ẩn dật… đều rất bình thường và họ biết rõ hết (Mt 13,54-58).
Cuộc sống chúng ta và lịch sử nhân loại cũng ẩn chứa những điều kỳ diệu, nhưng chỉ những ai biết ngạc nhiên thì mới khám phá ra ý nghĩa ẩn sâu dưới những sự kiện mà người khác cho là bình thường. Biết bao nhiêu đế quốc từ xa xưa đến hiện đại đã sụp đổ vì những lý do khác nhau, tự tan rã từ trong nội bộ hoặc bị tiêu diệt vì những nước khác mạnh hơn. Có thể kể đến những đế quốc thời cổ đại như Macedonia, Ba Tư, Assur, Rôma; những đế quốc thời cận đại như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Liên Xô… Đã có một thời, những đế quốc đó thôn tính các nước làm thuộc địa lâu dài, nhưng rồi hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy để xảy ra cảnh hợp rồi tan như mây trời. Tôi rất thích lời một bài hát sinh hoạt cũ: “Dù có bao nhiêu tàu bay xe tăng, dù có bao nhiêu hỏa tiễn bắn phá, nhưng không tin quyền năng Chúa cao trên trời, bao công lao tựa như khói vương mây trời, nhọc nhằn xe cát biển đông – chỉ là một con số 0”.

Nhìn lại lịch sử cá nhân, ở đó cũng ẩn chứa những mầu nhiệm cuộc sống, nhưng điều quan trọng là có nhìn thấy điều kỳ diệu hay chỉ thấy đó là sự tự nhiên. Mẹ Maria tạ ơn Chúa vì Người đã thực hiện muôn điều kỳ diệu nơi mình. Thánh Inhaxiô (31.7) tìm vinh quang nơi binh nghiệp, nhưng đã bị thương và phải nằm viện, ở đó ngài chỉ có những sách về cuộc đời Chúa Giêsu và các thánh để đọc, và ngài đã tìm ra con đường mình phải đi: hiến thân cho vinh quang Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Lâu lâu chúng ta cũng nên nhìn lại lịch sử cuộc sống mình, xin Chúa cho mình biết ngạc nhiên để thấy những điều kỳ diệu Chúa làm cho mình. Và mỗi người cũng hãy xin Chúa cho mình biết ngạc nhiên khi nhìn đến tha nhân, để thấy những điều tốt đẹp hơn là điều tiêu cực; trong lễ tang cha Fx. Nguyễn Kim Long, cha Tổng Đại Diện đã chọn câu chủ đề rất hay: “Chúa đã làm những điều kỳ diệu như ý Người muốn trên cuộc đời cha Phanxicô”.

Nhiều người nghĩ rằng khoa học và tôn giáo đối nghịch nhau, rằng các nhà khoa học lớn thường mất đức tin khi khám phá ra sự thật của vũ trụ. Nhưng không phải thế, khoa học và tôn giáo cùng bổ túc cho nhau, vì cùng phát xuất từ một Chân Lý là Thiên Chúa, khoa học khám phá và cắt nghĩa về những quy luật vạn vật, còn tôn giáo thì nói đến lý do hiện hữu và ý nghĩa của vạn vật. Những nhà khoa học vĩ đại thì ngạc nhiên trước những quy luật vạn vật và niềm tin họ được củng cố hơn, còn những nhà khoa học nửa vời thì thường mất đức tin. Người ta thường kể lại câu chuyện không gian xảy ra vào thập niên 60 của thế kỷ trước: nhà khoa học liên xô, sau chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ, đã tuyên bố: tôi đi khắp vũ trụ mà chẳng thấy Chúa, vì chẳng có Chúa nào hết; còn nhà du hành vũ trụ của Mỹ, bay sau một vài năm, trở về thì tuyên bố: trời đất đầy vinh quang của Chúa. Chúng ta có thể kể tên những nhà khoa học có đức tin: Galileo Galilei (1564-1642), Isaac Newton (1643-1727), Blaise Pascal (1623-1662), Gregor Mendel (1822-1884), Louis Pasteur (1822-1895), Henri Poincaré (1854-1912), Max Planck (1858-1947), Albert Einstein (1879-1955), Werner Heisenberg (1901-1976), Kurt Gödel (1906-1978). (Chúng ta có thể vào google để hiểu hơn về tầm vóc và công trình của 10 vị trên).

Nhìn lại biến cố ngã ngựa của Thánh Phaolô, bị thương tích của Thánh Inhaxiô, và nhiều vấp váp trong cuộc sống của mình, chúng ta khám phá ra rằng: Thiên Chúa thánh hóa con người bằng những biến cố cuộc đời. Xin cho chúng ta biết ngạc nhiên về mầu nhiệm cuộc sống, để ăn năn sám hối, để biết tạ ơn về sự dìu dắt của Chúa, để biết trải dài chuỗi hồng ân đã nhận nơi Chúa sang anh em và để biết cảm thông với sa ngã của tha nhân như Chúa đã tha cho mình thật nhiều. Amen.
(Bài viết được gợi hứng từ bài giảng của cha Phaolô Lưu Văn Phan)

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Cách đối phó với cỏ lùng (Mt 13,24-30)


Trong vài tuần vừa qua, chúng ta được nghe nhiều lần về các dụ ngôn: người gieo giống, cỏ lùng, nắm men, hạt cải, kho báu và viên ngọc, và lưới cá. Hai dụ ngôn đầu được Chúa Giêsu cắt nghĩa rõ ràng, nên hầu như chúng ta không phải suy nghĩ nhiều mà chỉ cần hiểu theo ý nghĩa Chúa Giêsu đưa ra là đủ.

Thế nhưng, mới đây, khi suy niệm về dụ ngôn cỏ lùng, một linh mục đưa ra một áp dụng mục vụ khác thường hơn: mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành người gieo giống tốt.Trong dụ ngôn thì người gieo giống tốt là Con Người (Chúa Giêsu), nhưng mỗi người Kitô hữu trong vai trò chứng nhân, cũng trở thành những người gieo giống tốt - đi gieo hạt giống Tin Mừng. Khi đi gieo hạt, người gieo tràn đầy ước mơ và hy vọng, hy vọng một ngày mai tươi sáng: thời tiết thuận lợi, hạt giống khỏe mạnh, vụ mùa bội thu - với sự chăm sóc của con người. Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy kết quả tất yếu của những hạt giống rơi ở vệ đường, ở bụi gai và nơi sỏi đá, và chúng ta thầm trách người gieo: tại sao lại phí hạt giống khi gieo ở đó? – Dụ ngôn muốn nói đến một thực trạng khác trong cuộc sống: ở những nơi đó vẫn có hy vọng, hạt giống Tin Mừng vẫn có thể sinh hoa trái từ những mảnh đời khô cằn sỏi đá, việc đó xảy ra là do quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Hãy miệt mài gieo hạt giống tốt, kẻ khác sẽ tưới bón và chăm sóc, và Thiên Chúa sẽ cho mọc lên khi Ngài muốn.

Cha Minh Anh kể một câu chuyện và suy tư: Sau đoạn đường dài, một thiền sư cùng các đồ đệ ngồi nghỉ trên một bãi cỏ. Thiền sư hỏi, “Bằng cách nào chúng ta có thể trừ hết đám cỏ dại này?”. Một đồ đệ thưa, “Bẩm thầy, chỉ cần cày lên, nắng trời sẽ làm khô héo”; thiền sư lắc đầu. Một người khác, “Bẩm thầy, chỉ cần châm lửa đốt cháy”; thiền sư cũng lắc đầu. Một người khác, “Thưa thầy, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, nên chỉ cần nhổ một lần cho hết cỏ”; thiền sư mỉm cười. Sau cùng, ông bảo, mỗi người hãy suy nghĩ cách tốt nhất và chọn cho mình một mảnh đất để thực nghiệm”. Một năm sau, thầy trò cùng dừng chân ở bãi cỏ năm trước, lạ thay, giờ đây không còn là bải cỏ nhưng thay vào đó là một ruộng lúa xanh ngát. Bấy giờ thiền sư mới nói, “Muốn diệt hết cỏ dại ở bãi hoang, chỉ có một cách hay nhất, đó là ra sức trồng cấy mùa màng lên đó”.


Chúa Giêsu nói rất rõ, “Cỏ lùng là con cái ác thần; kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ”. Phải, hơn bao giờ hết, ma quỷ đang ra sức gieo rắc cỏ lùng trong linh hồn, trong gia đình, trong cộng đoàn, trong Giáo Hội và xã hội hôm nay. Nó thích thú gieo ngờ vực, vãi đố kỵ, rắc ghen ghét, vung chia rẽ và cấy oán thù ở khắp mọi nơi, vì đó là nghề của nó; thánh Gioan tông đồ đã không nói, nó là cha sự dối trá sao! Vì thế, nếu không tỉnh thức, người môn đệ của Chúa ở mọi thời sẽ bị lợi dụng và không chừng, chúng ta lại tiếp tay với nó để cỏ lùng ngày càng bành trướng đó đây.
Đừng sợ, khi Chúa Giêsu đến trong vinh quang của Ngài, Ngài sẽ phán quyết mọi sự theo lẽ công minh của Thiên Chúa, và đó là việc của Người. Phần chúng ta, chúng ta khôn ngoan nhìn xem sự dữ với một cái nhìn tích cực hơn, đó là những gì chúng ta đang phải chứng kiến và lắm lúc, phải chịu đựng. Thế nhưng, đây cũng là cơ hội cho người môn đệ Chúa Giêsu nên thánh. Trong cái nhìn quan phòng của Thiên Chúa, đây phải là thời gian Người thanh luyện chúng ta. Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta hoán cải từ cách sống đến cách nhìn; và đây cũng là dịp để chúng ta chiêm ngưỡng quyền năng và sức mạnh của Người được thực thi trong ân sủng và Thánh Thần, Đấng luôn hy vọng cũng là Đấng giàu lòng thương xót đang thúc bách chúng ta làm một cái gì đó để cộng tác với Thiên Chúa hầu đẩy lui sự dữ. Với cái nhìn đức tin đó, chúng ta ra sức làm điều thiện trong nhẫn nại, trong cầu nguyện và kiên trì mặc cho ai bi quan, mặc cho ai yếm thế; đồng thời, đưa mắt nhìn xem cánh đồng bát ngát bao la tận chân trời chứ không nặng lòng với những bụi lùng lác đác đó đây. Chúng ta tin chắc, tiếng nói cuối cùng vẫn là tình yêu, chiến thắng và niềm vui mà Thiên Chúa sẽ dành cho ai được ân thưởng.


Anh Chị em,

Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả, nhưng lắm lúc là bảo tố nhất là khi sự dữ lên ngôi. Vấn đề không phải là làm sao chịu đựng cho qua cơn bão, nhưng làm sao để chúng ta có thể nhảy múa dưới cơn mưa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đổi mới tâm hồn con, cho con biết gieo mùa qua việc nên thánh mỗi ngày bằng các việc lành phúc đức”, Amen.
(Từ câu chuyện cho đến hết bài là của cha Minh Anh)

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Băng trong tim


Một người bố nói với con trai rằng: khi dựng nên con người, Thượng Đế cấy vào trong tim họ một chút băng giá; khi lớn lên, nếu người đó cư xử có tình người thì chút băng giá đó sẽ nhỏ dần lại, nhưng nếu họ không cư xử với tình thương thì chút băng giá đó sẽ lớn lên và làm cho quả tim người đó đông cứng, lạnh lùng.

Tôi muốn mượn hình ảnh đó để nói về sự tử tế. Người tử tế được biểu hiện qua lời nói của họ: cảm ơn, xin lỗi, biết khen ngợi đúng lúc. Ai đó đã có một nhận xét rất thực tế: người ta nhận ra người việt kiều là vì họ hay nói hai tiếng ‘cảm ơn và xin lỗi’. Đọc sách báo, người ta cũng dạy rằng: trong gia đình, các thành viên phải thường xuyên sử dụng hai tiếng ‘cảm ơn và xin lỗi’, nhưng hầu như chúng ta cảm thấy ngại ngùng khi nói những từ trên với vợ chồng và con cái mình – nghĩ rằng nó khách sáo làm sao ấy, hai tiếng đó chỉ dùng để xã giao với người ngoài thôi. Vì ít sử dụng, nên hai từ trên dần dần bị quên lãng và đóng băng, lâu dần chính mỗi người chúng ta thành vô cảm với tha nhân lúc nào không hay. Bạn thử nghĩ lại xem: khoảng mấy ngày thì mới sử dụng hai từ này, hoặc một ngày nói mấy lần, đó là thước đo sự nhạy cảm của tâm hồn của chính mình.

Người biết nói tiếng ‘cảm ơn’ biểu hiện họ là người có giáo dục, biết nghĩ đến người khác, thấy được lòng tốt và thiện chí của người khác. Thà rằng bạn nói ‘cảm ơn’ hơi thừa còn hơn hơi thiếu, đến nỗi bị ai đó nhắc nhở vì cục mịch. Còn người biết nói ‘xin lỗi’ thì còn tuyệt vời hơn nữa, vì bạn còn lương tâm, còn tự trọng, còn biết phải trái, bạn chưa phải là con vật. Nhiều người khi xảy ra va chạm xe cộ hay những chuyện trong cuộc sống, thái độ đầu tiên và kiên quyết là phải phùng mang trợn má chửi phủ đầu, dọa nạt… biểu hiện giống như con chó khi nó sợ hãi đối thủ nào đó.


Biết khen ngợi đúng lúc là một điều mà chúng ta cũng thường lãng quên. Những hành vi tốt đẹp, những bài hát hay, bài giảng hay bài viết tốt… nếu được khen ngợi đúng chỗ sẽ rất tốt. Nhiều người nghĩ rằng lời khen chỉ có hại mà không có lợi, vì giả dối và làm hư người kia; nhưng từ trong thâm tâm mình, ta không mở miệng khen ai đó là vì ta cũng đang thiếu những lời động viên từ người khác, ta không khen ngợi là vì mặc cảm tự ti nên muốn tỏ ra rằng chuyện đó chẳng là gì so với khả năng ta. Hãy tự hỏi: đã bao lâu rồi ta chưa khen ngợi một ai, chẳng lẽ chung quanh mình chẳng có gì tốt đẹp sao? Lời khen ngợi đúng lúc sẽ làm cho cánh diều bay lên bầu trời lộng gió, vì một trong những nhu cầu lớn nhất trong mỗi người chúng ta là được thừa nhận và tán thưởng. Một người chồng, người vợ, người con… dù bị xã hội coi thường là không thành công, nhưng nếu được người thân mình thừa nhận và tôn trọng thì vẫn an bình hạnh phúc. Nếu ngược lại, một người chồng lúc nào cũng bị người bạn đời chê bai xét nét điều này điều nọ thì không tốt tí nào, vì sự tự tin sẽ đem lại năng lực tinh thần cần thiết cho mọi hoạt động tinh thần hay thể chất của người đó.


Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh đến việc ‘ăn năn hối cải’, có nghĩa là phải biết sửa mình, biết thay đổi, biết phục thiện. Nhiều lần Chúa lên án những thành và những người đã chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm và nghe lời Chúa giảng, nhưng lại không hối cải, họ sẽ bị kết án nặng hơn. Chúa nói: Ai nhận nhiều thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn. Hành trình trần thế của mỗi người là kiếp lữ hành, trần gian chỉ là chỗ trọ tạm thời và đích đến là nước trời vĩnh cửu. Mỗi ngày sống, có sai có sửa, ta cố gắng sống tốt hơn, nhạy cảm và biết điều với tha nhân hơn: Đừng nguyền rủa người khác, nói nhiều ‘cảm ơn, xin lỗi’ hơn và biết khen ngợi đúng lúc những hành động đẹp của người khác. “Nếu ai nói mình đạo đức mà không gò hãm miệng lưỡi mình thì nó là kẻ nói dối”(Giacôbê 1,26).

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Âm nhạc và cuộc đời



Đời con mãi là một bài ca, ca ngợi tình thương Chúa dành cho loài người. Từng ngày sống, học bài học của ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận, hãy dùng những bài thánh ca để thưa chuyện với Chúa: sám hối, trông cậy, phó thác, tạ ơn và xin ơn...

Karl Rahner nói rằng trong chúng ta, không ai từng trải nghiệm “hòa âm trọn vẹn” trong đời này, là cha không chỉ nói đến việc không ai trong chúng ta đạt được trọn ước mơ của mình, mà còn nói đến việc trong mọi mối quan hệ quan trọng nhất của mình, chẳng ai trong chúng ta tốt cho đủ. Luôn có những điều đáng phải nói mà chưa nói, và luôn có những điều đáng lý không được nói nhưng đã nói.

Giai điệu cuộc đời có lúc nhanh lúc chậm. Khi còn trẻ, con người thường sống vội và thường thích chạy, vì trong con người tràn trề nhựa sống và hy vọng; cách xử sự với đời cũng thường nóng nảy bốp chát, nhiều đam mê và tội lỗi. Đến tuổi trưởng thành, con người dần dần nhận biết trò đời và lẽ đời nên điều chỉnh cách sống điềm đạm lại, sống chậm dần… và nốt nhạc kết thường là một nốt nhạc buông lơi: lẻ loi và lạnh lùng.

Giai điệu cuộc đời có những lúc hoan ca vì thành công và toại nguyện; nhưng lúc khác lại âu lo và mất mát, ở đó có những nốt nhạc trầm buồn. Một bản nhạc thường có những hòa âm nghịch, nghe như lạc điệu và chát chúa, nhưng sẽ dẫn đến sự êm tai của những hợp âm thuận. Giai điệu cuộc đời cũng có những lúc cao hứng của hạnh phúc và những đỉnh cao của tuyệt vọng, thế nhưng khi đã vượt qua nghịch cảnh thì tâm hồn tràn đầy hoan lạc vì đã học được những kinh nghiệm sống tuyệt vời. Ai đó đã từng nói: những ai trải qua đau khổ tột cùng và yêu thương sâu đậm sẽ học được những bài học khôn ngoan mà người bình thường không thể có.

Cầu nguyện chiêm niệm cũng là nhịp mạnh cách đặc biệt của đời sống cầu nguyện, đem lại sức sống và giữ vững tiết điệu cho cả cuộc sống. Dành những giây phút trong mỗi ngày sống để thưa chuyện với Chúa là điều cần thiết cho đời sống tâm linh, nhưng cũng là một thách đố cho mỗi người, vì tinh thần thì mau mắn mà xác thịt lại nặng nề. Nhưng để chu toàn lệnh truyền ‘cầu nguyện không ngừng’ của Chúa Giêsu thì chúng ta phải có những nhịp mạnh và nhịp yếu: nhịp mạnh là những giờ cầu nguyện riêng hoặc chung, nhịp yếu là ý hướng ngay lành trong khi làm việc, ngủ nghỉ.

Một bản nhạc thường có những đảo phách, nghe nhí nhảnh và rất khó diễn, vì nó đi ra ngoài quy luật bình thường; nhưng thường đó chỉ là họa tiết và dòng nhạc sẽ trở về giai điệu bình thường của nó. Điều này gợi cho ta về dòng đời: có những người gặp may mắn bất thường và kẻ khác lại gặp thử thách trăm bề trong một giai đoạn nào đó, nhưng rồi ai cũng nghiệm ra rằng: hạnh phúc hay bất hạnh cũng sẽ qua đi và chỉ là những điều tương đối ở trần gian nầy, ơn Chúa ban luôn đủ cho mỗi người – mỗi lúc. Bài học cần thiết là: đừng ganh tị với hạnh phúc và thành công kẻ khác, biết cảm thông chia sẻ với kẻ gặp thử thách (vui với kẻ vui, khóc với người buồn).



Giai điệu cuộc đời của người Kitô hữu được đặt nền tảng trên hợp âm chính là Đức Kitô, Đấng đã tự hủy và tự hiến đời mình cho tôi được sống dồi dào. Bài ca cuộc đời của tôi sẽ lạc điệu khi xa Đức Kitô và sẽ hòa nhịp khi noi gương bắt chước Ngài và sống mật thiết với Ngài trong mọi cảnh huống cuộc đời.

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

ƠN GỌI CỦA NGÔI SAO




Những bài đọc của Phụng vụ tuần 27TN A gợi cho ta một cảm nghĩ rằng: những người được nhắc đến đều rất ‘khác người’: họ có một suy nghĩ và chọn lựa dứt khoát về những vấn đề hệ trọng trong cuộc đời. Những chọn lựa của họ có liên quan đến Chúa, đến phần rỗi linh hồn, đến phần thiêng liêng, trong khi đa số người khác lại đang vật lộn với danh lợi thú. Chân phước Anrê Phú Yên (tử đạo 26.7.1644) cũng là một người đã có những chọn lựa như vậy: “lấy tình yêu đáp lại tình yêu, đem sự sống đáp đền sự sống”. Xin đăng một bài viết trong mục phút cầu nguyện của đài Chân Lý Á Châu rất phù hợp với tâm tình của phụng vụ tuần này:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”
Vì thế, trong chương trình Sau Ánh Hào Quang, Ông Hoàng nhạc Việt đã từng thổ lộ với MC Trấn Thành rằng: “Rất sợ có một ngày Đàm Vĩnh Hưng ra đường không có người đến xin chụp hình… mình sẵn sàng đánh đổi hạnh phúc riêng tư cho vinh quang, cho sự nghiệp, cho danh vọng”. Cũng vậy, trước sự lên ngôi của chương trình ca nhạc Làn Sóng Xanh, ca sĩ Lý Hải đã từng trải qua khoảng thời gian khủng hoảng, tuyệt vọng khi đang mất vị trí ngôi sao của mình trong lòng người hâm mộ.

Quả thật, địa vị, danh vọng, tiền tài luôn là những điều mà ai cũng khát khao vươn tới và muốn sở hữu càng lâu càng tốt. Thế nhưng, Esmeralda Solís Gonzáles, người đã đạt được danh hiệu mà hầu hết các cô gái trẻ đều khát khao có được đó là Nữ Hoàng Sắc Đẹp, vậy mà cô Hoa Hậu người Mễ Tây Cơ này đã từ bỏ danh vọng, tiền tài, nhan sắc đang ở đỉnh cao để gia nhập Dòng Thừa Sai Thánh Thể Clare Khó Nghèo (Poor Clare Missionaries of the Blessed Sacrament). Cũng vậy, hoa hậu người Mỹ gốc Việt Bích Liên, hoa hậu Á Châu Vương Dự Lâm, hoa hậu Sorrawee Jazz Nattee người Thái Lan, đăng quang Miss Tiffany Universe năm 2009… đều là những người đã xuống tóc đi tu khi đang sống trong ánh hào quang của giới showbiz.

Chúng ta vẫn chưa quên sự việc con trai của nữ Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo, thầy Tymoteusz đã được thụ phong linh mục vào ngày 27-05.2019. Giới truyền thông nhận định rằng việc con trai của vị đứng đầu chính phủ được phong chức linh mục là điều vô cùng đặc biệt, vì điều đó đồng nghĩa với việc cha Tymoteusz đã quay lưng với nhiều lời mời gọi của chức tước, địa vị, tiền tài. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất, trước đây Paul Adenauer, con trai ông Konrad Adenauer, Thủ tướng Đức trong giai đoạn 1949-1963 cũng đã từ bỏ mọi cơ hội tiến thân trong xã hội trở thành linh mục.

Vì sao những người này lại “miễn nhiễm” với từ trường của “cái vòng danh lợi cong cong”?

1-Vì họ nhận ra rằng danh lợi là phù hoa.  Quả vậy, tiền tài, danh vọng, địa vị… là phù hoa, có đó, mất đó, vì thế nó không thể mang lại cho con người niềm hạnh phúc vĩnh cữu. Bởi khi chúng ta có tiền tài, danh vọng, vị trí, sự thâm niên xã hội, người ta sẽ đối xử với ta cách trọng vọng, tử tế. Tuy nhiên, những điều đó không thật sự dành cho con người của chúng ta nhưng là cho vị trí, cho cấp bậc, cho sự thành công mà chúng ta đạt được. Do vậy Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng cảnh báo về sự cám dỗ của tiền bạc, quyền lực và danh vọng là những thứ không bao giờ có thể mang lại hạnh phúc thật sự. Ngài cho rằng “kho báu thực sự có thể làm trái tim ta nhảy mừng là tình yêu dành cho anh chị em chung quanh ta và việc tôn thờ Thiên Chúa chúng ta”. Và đó là lý do khiến hoa hậu Mễ Tây Cơ khẳng định rằng: “Đúng là hiện thực và hạnh phúc mà thế giới trình ra cho bạn rất là hấp dẫn, nhưng cần phải hướng mắt về những gì vĩnh cửu.” Hay nói khác đi, họ chính là những người nhận ra rằng: “Sự vĩ đại không nằm trong tài sản, quyền lực, danh vọng hay tiếng tăm. Nó được phát hiện trong lòng tốt, sự khiêm nhường, sự phục vụ và tính cách”. (Văn sĩ William Arthur Ward 1921-1994, Hoa Kỳ).

2- Họ tin vào Lời Chúa phán rằng: Ơn Ta đủ cho con (2Cr 12,9). “Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho con lòng xót thương.” ( Gr 31,3). Vâng ! Trong ngày lễ Truyền Tin vào tháng 03 năm 2017, hoa hậu Esmaralda đã bộc lộ rằng “những trải nghiệm như được làm nữ hoàng sắc đẹp, và nhiều trải nghiệm khác, ghi dấu sâu đậm và cho tôi thấy được nhiều điều về sau”, tuy nhiên, trong tiến trình nhận định ơn gọi, có những nỗi sợ và hoài nghi, nhưng tình yêu mà Thiên Chúa tỏ bày với tôi mỗi ngày giúp tôi vượt qua bất kỳ cảm giác nản lòng nào.”  Bởi tin rằng “Chúa đã gọi thì Ngài sẽ lo mọi sự” nên cô tập sinh trẻ Esmaralda hiểu rằng mình “chỉ cần đón nhận Ngài, với bình an, vui vẻ, và tự tin.”


Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng đam mê danh vọng, nhất là danh vọng bất chính sẽ gây nên tội ác. Thèm khát danh vọng thì khi danh vọng không còn người ta sẽ tuyệt vọng, buồn chán. Chỉ có Chúa mới mang lại nguồn hạnh phúc THẬT. Vì trong thư gởi cho các tín hữu Philipphê, thánh Phaolo đã viết: “ Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô.” Amen
Bình Minh


Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

Con người, một huyền nhiệm



Sách Sáng Thế diễn tả: con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng tốt lành thánh thiện, nên có thể nói con người là một tạo vật kỳ diệu trong công trình tạo dựng. Gọi là một huyền nhiệm, vì có thể trên hành trình dương gian này, chúng ta không thể hiểu hết vẻ đẹp của con người trong kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng con người có tự do và có lý trí biết phân biệt phải trái. Đây là điểm khác biệt lớn lao nhất của con người so với các thực thể được Thiên Chúa tạo dựng, và là điểm trùng hợp chung với các thiên thần. Vì có lý trí nên con người có khả năng phân biệt điều tốt và xấu, và vì có tự do nên con người có khả năng làm chủ những cảm xúc và khuynh hướng nơi mình, ví dụ như khuynh hướng tình dục hay khuynh hướng ích kỷ. Và vì có tự do và lý trí nên con người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, cũng như có thể lập công trạng.

Dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13,24-30), nói với chúng ta nhiều thực trạng về Giáo hội và con người. Sự thật thứ nhất là Thiên Chúa là người gieo giống tốt. Từ khởi thủy của công trình tạo dựng, Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật, tạo dựng con người có nam có nữ và ban cho họ quyền làm chủ muôn loài, và Chúa thấy mọi sự rất tốt đẹp. Chúa tạo dựng con người trong tình trạng công chính nguyên thủy, nghĩa là có sự thân mật với Thiên Chúa là nguyên bản và cùng đích của con người; hài hòa với tha nhân; hài hòa nơi bản thân, nghĩa là có sự cân bằng của các đam mê và bản năng; và hài hòa với vũ trụ vật chất.

Sự thật thứ hai là kẻ thù đã gieo cỏ lùng là mầm mống tội lỗi, rồi đi mất. Đây là hành động lén lút, người ta chỉ nhận ra bộ mặt cỏ lùng khi nó mọc lên. Cỏ lùng và lúa rất giống nhau, tạo nên một sự nhầm lẫn. Thiên Chúa tạo dựng con người để họ hạnh phúc, Ngài không tạo dựng họ để họ làm nô lệ phục vụ hay tung hô Ngài. Lời kinh Tiền tụng nói rõ: vì chưng việc ca ngợi của chúng con không thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại lợi ích lớn lao cho phần rỗi chúng con và là một hồng ân Chúa ban. Ma quỷ luôn ‘ném đá dấu tay’, luôn vẽ ra những hạnh phúc giả tạo, liền sau đó là nỗi thất vọng đắng cay và nỗi bứt rứt của sự mất an bình. Có thể kể lại câu chuyện của vườn Địa đàng: ma quỷ gợi cho con người thèm muốn sự khôn ngoan và biết lành biết dữ như Chúa, nghi ngờ tình yêu Chúa, trái cây đẹp mắt và ăn chắc là phải ngon! Nhưng ăn rồi thì con người thấy đắng cay vì thấy mình trần trụi vì xa cách Chúa là nguồn cội, bất an nơi mình nên trốn Chúa, bản năng tình dục bị khuấy đảo nên họ kết lá che đậy thân xác, bất hòa giữa vợ chồng và ghen tị giữa anh em. Chiếc bẫy ‘ảo ảnh hạnh phúc’ vẫn đang ngày ngày được giăng ra dưới những tên gọi khác: tự do, lợi nhuận, vui thú, thành công, danh vọng. Những ảo ảnh này làm cho xã hội điên đảo và mất an bình, làm cho con người càng đói khát hơn. Có thể kể lại câu chuyện cuộc đời thánh Augustinô: đã có một thời chạy theo danh vọng và thú vui – nhưng không thỏa mãn cho đến khi khám phá ra rằng: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên hồn con chỉ vui thỏa khi yên nghỉ trong Chúa”. Sự yên nghỉ ở đây không phải là cuộc sống sau cái chết, nhưng là niềm hạnh phúc của người con cái Chúa, tìm về nguyên bản của bản thể mình.

Sự thật thứ ba là Thiên Chúa thể hiện quyền năng của Ngài khi xót thương. Sách Khôn ngoan nói: “Nhưng Chúa xử khoan hồng, vì Ngài làm chủ được sức mạnh.Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn”.Nhiều người nói: giáo lý Kitô rất hay, nhưng Giáo hội đầy dẫy những kẻ tội lỗi, vì các Kitô hữu không sống theo giáo lý, nên tôi không tin Chúa”. Họ nói vậy là vì họ không hiểu được lòng nhân từ Chúa muốn cho kẻ tội lỗi và kẻ lành chung sống với nhau cho đến mùa gặt. Nhiều kẻ khác lại nhìn những bất công trong xã hội và tự hỏi có Chúa không, nếu có thì Ngài đang ngủ hay sao, hoặc Ngài bất lực??? Những kẻ đó hãy đọc lại ví dụ cỏ lùng để hiểu cách hành động của Chúa trong thế giới này. Khi chung đụng với ác nhân, chúng ta dễ mang tâm trạng thất vọng chán chường, vậy mà Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn nơi tâm trí con người, đã phải chịu đựng biết bao tội ác của cả nhân loại - biết bao thế kỷ nay, khi họ xúc phạm đến tình yêu và lề luật Chúa. Chúa biết lòng người độc ác, nhưng Ngài vẫn kiên nhẫn chịu đựng và chờ họ quay trở về để được hưởng ơn cứu độ.


Sự thật thứ tư là sẽ có ngày công thẩm, ngày Thiên Chúa xét xử kẻ lành người dữ và thưởng phạt muôn đời. Biết bao nhiêu người muốn quên sự thật về đời sau, nhưng Chúa Giêsu đã nhiều lần nói rõ về có sự thưởng phạt ở đời sau, có sự tồn tại của linh hồn. Đọc lại Tin Mừng, tôi cứ suy nghĩ một câu hỏi hóc búa được đặt ra cho Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, phải chăng có ít kẻ được cứu rỗi?” Chúa trả lời: Hãy cố gắng mà qua cửa hẹp, chấm hết.



Một sự thật tốt đẹp nhất là Thiên Chúa không bao giờ thua cuộc. Ngài thể hiện quyền năng của Ngài bằng lòng thương xót. Lòng thương xót đã dẫn đến hành động: Con Thiên Chúa đã nhập thể, chết và phục sinh, để chỉ cho con người con đường về trời, Ngài đã yêu thương tôi và hiến mạng vì tôi. Chúa đến để mạc khải những sự thật về Thiên Chúa, Chúa ban ân sủng trợ giúp sự tự do và lý trí con người được vững mạnh và Chúa đồng hành với ta cho đến ngày tận thế.

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Quà tặng đức tin




Một hôm, vài người bạn nói đến những hình phạt lửa đốt trong hỏa ngục được Kitô giáo nói tới có điều gì đó tương đồng với các ‘tầng địa ngục và những cực hình’ được các games nói tới. Tôi nói một câu có vẻ ngược đời: “Không biết những chuyện đó có thật hay không!”, một câu kết lửng, vừa có tính triết lý, vừa mang tính khích bác của kẻ mất đức tin. Và đây là dịp tốt để nói về đức tin.

Hình phạt của hỏa ngục là nỗi khao khát và ân hận vì phải muôn đời xa cách Thiên Chúa, Đấng mà giờ đây linh hồn đã biết rõ là vô cùng tốt lành thánh thiện, còn lửa đốt thế nào thì đó là cách diễn tả của con người mà thôi. Chúa Giêsu cũng nói đến lửa không hề tắt, nhưng không nói rõ là lửa thiêng liêng hay lửa vật chất. Đã có một thời, giáo lý Kitô giáo nhấn mạnh đến những cực hình nơi hỏa ngục để người ta sợ mà giữ đạo và không dám phạm tội. Nhưng nay, giáo lý lại nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa: con người cố gắng sống thánh thiện như Cha trên trời và tránh xúc phạm đến tình yêu Chúa dành cho mình. Ngay cả giáo dục nhân bản trong gia đình và trường học cũng thay đổi, không đặt nặng ở hình phạt nhưng nhấn mạnh đến ý thức tự trọng và tự giác, có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Hầu hết các tôn giáo đều đặt nặng những luật lệ và cấm kỵ phải tuân giữ để đạt được cùng đích, nhưng Kitô giáo lại nhấn mạnh rằng: Thiên Chúa yêu thương tôi, hiến mạng vì tôi; Tôi đáp lại tình yêu đó và kết quả là tôi được hạnh phúc bây giờ và mai sau.

Đức tin là một quà tặng Chúa ban cho kẻ Người muốn mặc khải cho. Đức tin không phải là kho tàng hay kiến thức mà con người đắc thủ hay sở hữu được, rồi đem tích trữ vào kho và lâu lâu đem ra sử dụng hay ngắm nghía. Đức tin là một mối liên hệ giữa từng cá nhân với Thiên Chúa, nếu mối liên hệ này không được củng cố thì biết đâu có ngày niềm tin bị rạn nứt hoặc chết ngạt. Có một nhà truyền giáo J.Dournes đã từng đến Cheo reo (Phú Bổn) vào những năm 1950, truyền giảng Tin Mừng ở đó trong hơn 13 năm trời, mà không rửa tội cho một ai, vì ngài nhận ra niềm tin của họ chưa chín mùi. Sau đó nhà truyền giáo trở về Pháp tiếp tục truyền giáo rất hăng say, ấy thế mà nhà truyền giáo đó đã chết trong tình trạng mất đức tin! Hãy coi chừng có ngày chính bạn mất đức tin, hãy luôn xin Chúa gìn giữ bạn và cố gắng củng cố niềm tin bằng việc làm cụ thể, củng cố mối liên hệ với Đức Giêsu. Đừng lạm dụng hai chữ ‘mầu nhiệm’ để không suy nghĩ và học hỏi, hãy dùng lý trí để củng cố những suy tư về đạo cho chín chắn, vì “ai có thì sẽ được cho thêm và thêm dư dật, còn kẻ không có thì ngay cả cả cái ít ỏi nó có cũng sẽ bị lấy đi”.

Đừng nghĩ rằng đạo Chúa là dành cho kẻ ít học và quê mùa, của kẻ mê tín. Đừng nghĩ đức tin và khoa học đối nghịch nhau, đừng nghe lý luận của các nhà duy vật: khi xã hội lạc hậu thì tôn giáo phát triển, còn khi xã hội phát triển và văn minh thì tôn giáo tự biến mất. Chúa Giêsu đã từng nói với người Do Thái: các người tuy sáng mắt nhưng lại mù về đức tin, vì không nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ. Để bước vào hang đá Bêlem, con người phải cúi xuống; để vác thập giá trên đàng thương khó, nhà vua phải cởi bỏ áo cẩm bào; để nhận ra Thiên Chúa Toàn Năng, con người phải biết quỳ gối và cầu xin.

Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã công bố 8 mối phúc (Hiến chương Nước trời), chính Ngài đã sống các mối phúc đó, đã sống nghèo và chết nghèo, bị vu cáo và chết oan trên thập tự, thế mà Ngài đã tha thứ cho kẻ giết mình. Thử hỏi mấy ai (kể cả bạn và tôi) hiểu được sự khôn ngoan của Chúa Giêsu? Nguồn mạch sự khôn ngoan là chính Chúa, nên Chúa mạc khải cho ai thì kẻ ấy hiểu được. Và Chúa thích mặc khải những mầu nhiệm nước trời cho kẻ bé mọn. Kẻ bé mọn là kẻ biết hạ mình xuống để đón nhận mọi sự từ nơi Chúa. Có thể kể đến một vài vị thánh học ít mà sự khôn ngoan của họ ngang tầm với các vị có học thức: Thánh Catarina Siêna, Thánh Têrêxa Hài Đồng, Thánh Faustina. Các vị này chỉ học rất ít, cả khi ở ngoài đời và khi đã vào dòng, nhưng vì là công cụ Chúa dùng, nên đã nói lên những kiến thức ngoài khả năng tự nhiên của họ. Hai vị trên đã được nâng lên hàng tiến sĩ Hội Thánh.

Có thể nhắc lại câu chuyện của Thánh Phaolô. Ngài là người uyên thâm về kiến thức đạo đời, thế nhưng từ khi được biết sự khôn ngoan của Đức Kitô, Ngài coi mọi thứ đang có đều là rơm rác, không đáng kể trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô. Có thể nhắc đến bài học của vua Assua (Is 10, 5-7.13-16). Chúa dùng vua như cây roi trị muôn dân, đánh đâu thắng đó, thế nhưng vua lại tự cao tự đại và Chúa đã cho một ngọn lửa bốc lên từ dưới cảnh vinh hoa phú quý của nhà vua và thiêu rụi nó. Vì Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường.


Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban cho con ơn đức tin, vì đức tin là đảm bảo cho con được hạnh phúc. Tạ ơn Chúa vì ngày ngày con được ca tụng Chúa là nguồn mọi phúc lành. Xin Chúa giữ gìn con trong sự khiêm tốn để biết nhỏ bé trước mặt Chúa và anh em, vì con có làm được gì cũng là nhờ bởi ơn Chúa. Xin cho con biết hy sinh để tình yêu Chúa được lớn lên nơi con, vì một tình yêu không có hy sinh là một tình yêu giả dối. Dù thế nào đi nữa, Chúa ơi, xin cho con biết củng cố mối liên lạc với Chúa, vì con chỉ là cục đất sét trong tay Chúa là người thợ gốm. Amen.


Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

RÊN SIẾT VÀ QUẰN QUẠI NHƯ SẮP SINH NỞ


Thêm một tâm tình cầu nguyện cho linh mục Giuse Lưu Thanh Kỳ.
Rm 8,18-23
Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.19 Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.20 Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy21 là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.22 Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.

Suy tư.
Thánh Phaolô dùng một hình ảnh rất dễ hiểu để diễn tả về kiếp người: người phụ nữ sắp sinh con thì lo lắng vì sẽ trải qua nguy hiểm và đau đớn, nhưng khi đã sinh con thì vui mừng vì đã sinh một người con trên đời, niềm vui này làm cho bà lãng quên những đớn đau lúc sinh con. Cuộc sống trên trần gian được ví như kiếp lữ hành, chúng ta trải qua cảnh hư ảo và nhiều khi phải rên siết trong lòng, trong niềm trông đợi ngày được Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Chúa, đó là được chiêm ngưỡng vinh quang Chúa cả hồn và xác, được kết hiệp trọn vẹn với Chúa, được hiểu những chương trình kỳ diệu Chúa đã làm trong cuộc đời mình. Thánh Phaolô, người đã một lần được đem lên ‘tầng trời thứ ba’, nói rằng: “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta”. Khi sống kiếp lữ hành, chúng ta chỉ được mặc khải một phần về chuyện đời sau, thấy mờ mờ trong gương chuyện thiên đàng hỏa ngục, đó là để cho đức tin đức cậy và đức mến được triển nở và được trui luyện.

Có thể nói: cuộc sống ở trần gian là một cuộc diễn tập thiêng liêng, mọi hư ảo bủa vây kiếp người là cơ hội để mỗi người bám chặt hơn vào Chúa. Có một bài thơ diễn tả kiếp người như sau (ghi đại ý):
Một buổi mai, bạn tôi đến, mời gọi tôi lên đường.
Bạn tôi chờ, vì tôi muốn thu dọn một ít hành trang cho chuyến hành trình:
một giỏ xách, một cây sáo, cuốn album.
Bạn đi trước thanh thoát nhẹ nhàng, tôi lẽo đẽo theo sau.
Mặt trời lên, tôi nhễ nhãi mồ hôi, bước chân nặng nề với hành trang cồng kềnh.
Tôi xin bạn dừng lại. Tôi quẳng bớt ít đồ dùng, vứt bỏ lại cuốn album
và cả hai lại tiếp tục lên đường. Bạn luôn đi trước, nhẹ nhàng thanh thoát.
Mặt trời đứng ngọ, tôi bảo bạn dừng lại, tôi lục tìm bức hình của mẹ, nhưng nó đã rơi mất lúc nào rồi, tôi quẳng luôn cái xắc, chỉ còn lại cây sáo trúc. Chúng tôi tiếp tục hành trình.
Đi thêm một quãng đường, tôi quẳng luôn cây sáo, tươi cười bắt kịp bước chân bạn.
Bạn mỉm cười bảo: “Đã đến nơi rồi”.
Ơn gọi của từng người là bước theo Thầy, nên trọn lành như Thầy, vác thập giá mình mà theo Thầy. Thầy Giêsu luôn đồng hành, luôn thanh thoát nhẹ nhàng đi trước, và mời gọi ta bước theo vết chân Ngài. Dù trải qua cảnh đời nào, dù lao tù bệnh tật, dù thất bại chua cay, chúng ta luôn được mời gọi nhìn lên thập giá Chúa Kitô, để học nơi Ngài và tìm được sự trợ giúp, sự đồng hành. Cảnh đời hư ảo với những ảo vọng của danh lợi thú luôn làm ta chậm bước, nhưng theo thời gian, chúng sẽ rơi rụng dần: có những thứ ta tự tay vứt bỏ, nhưng có nhiều thứ rơi rụng dần theo quy luật cuộc đời, theo sự an bài của Thiên Chúa: sắc đẹp thì mau qua, danh vọng thì hảo huyền. Đến buổi chiều cuộc đời, con người nghiệm ra rằng: chỉ có Chúa là lẽ sống cuộc đời, còn mọi sự khác đều là hư ảo như vỏ trấu bị gió cuốn đi, thì đó là lúc dừng chân vì đã đạt đến đích: yên nghỉ trong vòng tay Chúa, nơi tràn ngập vui tươi.