Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

TÔI XIN CHỊU TRÁCH NHIỆM




Tôi đã hai lần được nghe câu nói nầy từ miệng của một vị ân sư của gia đình LBTBMT, đó là cha Augustinô Hoàng Đức Toàn. Cả hai lần tôi đều rất cảm kích sự can đảm và trong sáng của một tâm hồn và của một người thầy. Câu nói trên như một bảo chứng cho những điều được nói ra.

Lần thứ nhất, câu nói đó được nói với tôi (tuy là chuyện riêng tư, nhưng cũng không đến nỗi là một bí mật). Vào khoảng năm 1990, tôi nhờ cha giáo làm linh hướng cho mình trong giai đoạn khủng hoảng ơn gọi. Sau những đợt tĩnh tâm, cầu nguyện, chuyện trò và trả lời những bản trắc nghiệm, cha nói với tôi: “Con hãy về lập gia đình, cha chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về quyết định nầy”. Trước đó tôi đã cầu nguyện: “xin Chúa nói qua cha linh hướng”, nhưng tôi không ngờ cha Augustinô lại có một lời nói mạnh mẽ và quả quyết đến như vậy! Xin cảm ơn cha giáo về sự can đảm, tình thương và sáng suốt.

Lần thứ hai xảy ra vào năm ngoái (2013), trong tiệc cưới của con gái anh chị Minh Lương, cha Augustinô được mời lên nói vài tâm tình, ngài nói: “Tôi xin mách cho hai con một bửu bối để giữ cho gia đình mãi hạnh phúc, đó là cùng nhau đọc kinh chung hằng ngày. Nếu đã làm như vậy mà gia đình còn không hạnh phúc thì tôi xin chịu trách nhiệm, dù cho đã ở bên kia thế giới!”. Tưởng như một câu nói đùa, nhưng nghĩ lại thì đây là một lời nói được bảo chứng bằng tinh thần trách nhiệm cao độ.

Khi nói về tinh thần vô trách nhiệm, người ta thường nghĩ đến ông Philatô. Trong cương vị của mình, ông nầy có toàn quyền xử lý vụ án Chúa Giêsu, nhưng ông sợ quyết định của mình ảnh hưởng đến địa vị, nên đã rửa tay trước công chúng: ta vô can về vụ kết án người nầy. Người ta cũng thường nói đến sự phủi tay của Cain trước vụ giết hại em mình là Abel, rồi vụ bán ông Giuse sang Ai Cập của 10 anh em con ông Giacop. Hằng ngày, các phương tiện truyền thông kể đủ thứ chuyện về bệnh vô cảm (vô trách nhiệm) của con người: phá thai, giết người cướp của, nạn nô lệ mới trên toàn cầu, bạo lực của các nhóm hồi giáo quá khích, nạn rác thải và gây ô nhiễm môi trường, hôi của khi người khác gặp tai nạn, buôn bán vũ khí và các chất ma túy vì lợi nhuận.
Trong Tin Mừng, sự vô cảm còn có một tên gọi khác là sự dửng dưng. Ít là có hai trường hợp nói đến tình trạng nầy. Đó là chuyện người phú hộ dửng dưng trước cảnh đói nghèo của anh Lagiarô và chuyện người Samaritanô nhân hậu: thầy tư tế và thầy Lêvi trông thấy nạn nhân, tránh qua một bên, đi khỏi. Đức Phanxicô đang là một ngôi sao chỉ cho chúng ta con đường tìm gặp Đức Kitô, qua con đường liên đới với mọi nỗi thống khổ của anh em chúng ta trên toàn cầu: thà rằng Giáo hội đi đến các vùng ngoại biên mà gặp tai nạn thì còn tốt hơn ngồi yên trong lâu đài để được an toàn; một Giáo hội không phản chiếu niềm vui, không ra đi gặp gỡ và truyền giáo là một cơ thể bệnh hoạn.

“Ra đi và đồng hành” là con đường Ngôi Hai Thiên Chúa đã chọn. Chúa Con đã bỏ cõi trời sinh xuống trần trong một đêm đông. Ngài mang lấy phận người giống hệt như mọi người để cứu chuộc họ. Ngài không dửng dưng và vô cảm trước tình cảnh đáng thương của loài người, nên đã đến trần gian để chịu tử nạn và phục sinh thuận theo ý muốn của Chúa Cha. Trên thập giá, khi đã hoàn tất công trình cứu chuộc, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Mọi sự đã hoàn tất!” và Ngài đã gục đầu tắt thở. Thế đó, toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu là một bảo chứng cho ơn cứu độ của nhân loại: Ngài đã dùng cả cuộc đời ngài để chịu trách nhiệm về phần rỗi chúng ta. 
Có phải Chúa Cha hơi kỳ quái và khó tính khi vẽ ra một con đường ‘nhiêu khê’ để Chúa Con cứu chuộc nhân loại chăng? – Dĩ nhiên ơn cứu độ là một giá chuộc nên cần phải có hy tế, hy tế Chúa Giêsu có giá trị vô biên vì là của Con Thiên Chúa làm người; còn sự tự hạ của Chúa Giêsu từ máng cỏ, ẩn dật, công khai, tử nạn và Thánh Thể mang ba giá trị: vừa mang giá trị cứu độ, vừa tỏ cho con người thấy tình thương bao la của Thiên Chúa, vừa là mạc khải con đường tìm kiếm nước trời.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tri ân Chúa vì đã dành cho chúng con một tình thương vô bờ bến. Xin cho chúng con biết lấy tình thương đáp lại tình thương để làm dịu cái rét ở Bêlem và cơn khát Chúa phải chịu trên thập giá.  Xin cho chúng con tinh thần can đảm dám chịu trách nhiệm về những hành động mình đã làm, chịu trách nhiệm về phần rỗi và hạnh phúc của những người trong gia đình và có tinh thần liên đới với mọi người trên trần gian nầy, như Chúa đã làm gương cho chúng con khi nhập thể làm người. Amen

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Một câu lộc thánh




Một bạn trẻ đã nhận được một câu lộc thánh trong dịp đầu năm mới vừa rồi, đã gần hết năm mà vẫn không thông suốt ý nghĩa của nó: “Không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người thí mạng mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Bạn ấy tự hỏi: phải chăng cuộc đời mình sẽ chấm dứt cách nào đó trong năm nay, nếu câu lộc thánh hiệu nghiệm?

Thực ra, qua câu nói trên Chúa Giêsu đã đưa ra một quy luật của tình yêu: tình yêu chân thực phải có sự hy sinh. Chính Chúa Giêsu đã thực hiện Lời Ngài dạy, như thánh ca Philip 2,6-8 đã diễn tả:
“Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.

8 Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự”.


  • Nhiều điều trong Tin Mừng và cách riêng câu lộc thánh trên, Chúa Giêsu muốn ta hiểu nghĩa thiêng liêng hơn là nghĩa đen của chữ. Qua câu lộc thánh trên, Chúa muốn dạy ta sống tinh thần hiến thân cho Chúa và tha nhân trong đời sống hằng ngày, và trong một số hoàn cảnh cụ thể Chúa mời gọi một số người hiến dâng chính mạng sống mình để minh chứng tình yêu. Trong quan hệ người với người, ai đó đã đưa ra một quy luật: Một tình yêu mà không có sự hy sinh là một tình yêu giả dối. Một tình yêu chân thực là biết nghĩ đến hạnh phúc người mình yêu, biết sống hy sinh quảng đại với tha nhân: “Phúc cho kẻ biết thương người vì họ sẽ được xót thương” và biết hy sinh vì tình mến Chúa. Thánh Têrêxa Hài Đồng đã nêu lên một linh đạo mới, một con đường nên thánh dễ dàng với mọi người: làm mọi việc với tình yêu Chúa. Nói một cách khác là làm mọi việc bình thường với tình yêu khác thường.

Tình yêu giả dối chỉ yêu chính bản thân mình, quan tâm chiêm hữu thể xác và tâm trí của người kia. Có những người bạn hờ và có những người tình dỏm, vì họ sẽ biến mất khi ta gặp gian nan hoạn nạn.

Sự hiến mình của Chúa Giêsu cho nhân loại đã trở nên một mẫu gương thánh thiện cho cả bậc vợ chồng và người tu trì. Vợ chồng Kitô giáo nên thánh và cảm nghiệm được hạnh phúc khi họ biết hiến mình cho nhau như Đức Giêsu và người tu trì cảm nghiệm được hạnh phúc khi họ trao hiến cả cuộc đời để phục vụ Giáo hội và được nên giống Chúa Giêsu. Mỗi một ngày sống ta phải tập từ bỏ mình để quảng đại hơn, làm một điều kỳ diệu nho nhỏ cho người kia. Và rồi những hành động đẹp đó sẽ được nhân rộng và sẽ trở nên óng ánh như trong thấu kính vạn hoa.

Cõi lòng mỗi người như một lò lửa, sôi sục những đam mê dục vọng: tham lam, danh vọng, dục tình, kiêu ngạo, ích kỷ. Muốn nên thánh, ta phải gắn kết với Chúa để xin ơn trợ lực và phải luôn tiến lên từng bước một, ngày nào cũng vậy: “Nước trời phải chiếm đoạt bằng sức mạnh”.  Khởi đầu mùa vọng, Giáo hội hoàn vũ bắt đầu năm Thánh hiến và Giáo hội Việt Nam tiếp tục chương trình 3 năm của mình với năm “Tân phúc âm hóa cộng đoàn và giáo xứ”. Thực tế nhiều giáo xứ chúng ta chỉ ‘ổn định’ ở cái vỏ bề ngoài và ở tổ chức, nhưng đời sống đạo dường như đã mất đi sức sống: thiếu sự dấn thân phục vụ tích cực trong các sinh hoạt tập thể, thiếu sự đào sâu niềm tin và sống niềm tin một cách sáng tạo, mọi sinh hoạt diễn ra chỉ như “đàn sâu rước kiệu” và mang tính bầy đàn, nhiều đam mê và thói xấu đang hoành hành các gia đình, những quan niệm sống bị tục hóa được truyền miệng...


Các Kitô hữu tự hào về giáo lý siêu việt của mình, vì đó là giáo lý được Thiên Chúa trực tiếp mạc khải và Công ơn Cứu chuộc do máu Chúa Kitô đổ ra thật dồi dào phong phú, nhưng đạo Kitô vẫn bị từ chối là do lối sống đạo của chúng ta thiếu sức thuyết phục. Nhiều nhà hoạt động chính trị đã nhìn thấy nơi giáo lý của Chúa Giêsu một sức thu hút mãnh liệt, nhất là tinh thần“Tám mối phúc”, nhưng rồi họ đã phải ra đi vì cách cư xử của những người có đạo. Ông Martin Luther King đã tức giận vì bi đuổi khỏi một nhà thờ dành cho người da trắng. Ông Mahomet Gandhi phát biểu một câu làm chúng ta phải chạnh lòng: “Tôi thích Chúa Giêsu của các anh, tôi không thích người Thiên chúa các anh. Người Thiên chúa các anh chẳng giống Chúa Giêsu chút nào” (internet). Hãy thao thức rèn luyện các nhân đức theo ánh sao của các câu Lộc Thánh mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta trong kho tàng Kinh Thánh.

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Lòng khoan dung




Lòng khoan dung là một trong những ân điển của Chúa Thánh Thần (Giacobê 3,17). Theo tự điển tiếng Việt, khoan dung là rộng lượng tha thứ cho người dưới có lỗi. Xã hội đang mạnh mẽ lên án thái độ bất khoan dung, là thái độ không chấp nhận người khác, bách hại những người không cùng phe phái và chính kiến với mình. Trong cuộc sống hằng ngày, sự bất bao dung vẫn thường xuyên xảy đến ngay trong bản thân ta và nơi tha nhân.

Ông Mahatma Gandhi bị giết vì một người Ấn giáo quá khích và Martin Luther King cũng bị giết vì con đường đấu tranh cho người nghèo, cho nền độc lập và dân chủ bằng đường lối bất bạo động, khoan dung. Trên thế giới, những nhóm người thiểu số đang bị giết hại một cách không thương tiếc chỉ vì thái độ bất khoan dung của một nhóm người quá khích nào đó.
Lệnh truyền của Chúa Giêsu luôn mang tính thời sự: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6,36-38).


Đôi khi chúng ta cầu toàn một cách quá đáng và quá mức cần thiết với những câu nói: Không thể chấp nhận được, không thể tha thứ và bỏ qua được. Thực ra, cứ nhìn những người nằm trên giường bệnh, nhìn những nấm mồ nằm yên nơi nghĩa trang, nhìn những cụm mây nhanh chóng hợp rồi tan … ta mới nghiệm ra rằng: đừng căng thẳng quá về nhiều chuyện trong cuộc sống, vì chúng không đáng! Trong một buổi tổng diễn một tác phẩm của Victor Hugo, cô diễn viên muốn ông sửa một chữ trong kịch bản cho hợp với tình cảm của cô. Thay vì phải đọc ‘mon lion’ thì cô diễn viên muốn đọc là ‘mon aimé’, vì nam diễn viên lại là người yêu của cô. Ông Victor Hugo rất căng thẳng phân tích cho cô rằng chữ ông dùng làm nổi bật vần thơ và ý nghĩa sáng sủa. Đến khi diễn, ả diễn viên thản nhiên đọc chữ cô thích, khán giả chẳng ai để ý đến chi tiết nhỏ nhặt đó. Cuộc đời cũng vậy, nhiều khi ta bắt bẻ nhau một tình tiết câu chuyện hay một từ ngữ, không phải vì muốn loại bỏ điều xấu cho bằng muốn chứng tỏ cái tôi của mình, uy quyền của mình. Chúng ta thường quá gay gắt với anh em vì quên một điều rất quan trọng rằng mình cũng là một tội nhân, cũng bất toàn và yếu đuối.
Ai đó đã khuyên ta phải cẩn ngôn: trước khi nói một điều gì đó, hãy xét xem điều sắp nói có cần thiết không, có đúng lúc và đúng chỗ không, có ích cho người nghe không.

Mùa vọng là mùa tịnh tâm và chuẩn bị lòng mình cho trong sạch để đón Chúa Cứu Thế. Ngài đang đứng ngoài cửa và gõ. Ngài mong ta mở cửa lòng để bước vào đời ta. Hãy dọn những nhơ uế là lòng kiêu ngạo và những lỗi phạm về đức yêu thương.

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Quả phúc trường sinh




Năm Phụng vụ mới đã bắt đầu. Thật là tốt đẹp nếu mỗi người biết dừng chân để định hướng lại một lần nữa con đường tâm linh mình cần phải trải qua: sự thánh thiện của Kitô giáo hệ tại điểm nào, làm thế nào để được trường sinh?

Trong Tây Du Ký, có kể lại sinh hoạt của bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn: một hôm con khỉ già lăn đùng ra chết, những con khỉ khác liền suy ra mình cũng sẽ chết, và thế là Tôn Ngộ Không nảy ra ý định lên đường tìm phương thuốc để được trường sinh bất lão, và đã có lần nó xâm nhập thiên cung để trộm quả đào tiên. Con người mọi thời đều gắng tìm phương thuốc ‘trường sinh bất tử’, nghĩa là sống mãi mà không phải chết, nhưng rốt cục ai cũng phải đi đến nấm mồ. Kitô giáo đã lý giải được khát vọng trường sinh với những mạc khải của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu loài người khỏi chết: sự sống thay đổi chứ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan thì họ lại được một chỗ cư ngụ trên trời. Sứ điệp “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” luôn vang vọng trong suốt năm Phụng Vụ, nhất là trong Mùa Vọng.

Thời Cựu Ước, trong biến cố lụt Hồng Thủy, khi ông Noe đóng tàu theo lệnh Chúa, thì dân chúng cứ lo cưới vợ gả chồng, mãi cho đến khi gia đình ông cùng với các thú vật lên tàu thì họ cũng không bận tâm giũ mình khỏi những bận tâm cuộc sống… Đúng là họ không tỉnh thức, không bỏ đàng tội lỗi và Thiên Chúa đã dùng lụt Hồng Thủy để tẩy rửa địa cầu. Còn dân thành Ninivê thì khác, khi nghe tiên tri Giona loan báo về đại họa sắp giáng xuống thành thì họ đã ăn chay, mặc áo nhặm, thay đổi lối sống và Thiên Chúa đã thay đổi ý định.
Thời Tân Ước, khi ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng sự sám hối sửa đường cho Chúa ngự đến thì có nhiều người thực lòng sám hối, nhưng có nhiều kẻ vẫn cứng lòng trong tội lỗi. Và khi Chúa Giêsu rao giảng sự sám hối – tin vào Tin Mừng thì cũng có những kẻ cứng đầu không muốn thay đổi, Chúa đã phải khóc thương thành Giêrusalem và chúc dữ cho nhiều thành đã không thay lòng đổi dạ. Ví dụ tiệc cưới đã nói lên tình trạng dửng dưng của con người với bàn tiệc Nước Trời.

Thay đổi cuộc sống là điều cần thiết để đổi mới đời sống tâm linh để nó không ngừng được lớn lên. Trong cơ thể con người và cây cối, mỗi ngày đều có những tế bào bị chết đi nhường chỗ cho những tế bào mới được thay thế. Mỗi ngày sống là một cuộc hành trình mới, mỗi năm mới lại là một quãng hành trình mới trên con đường tìm đến Chân Thiện Mỹ: sống ơn gọi nên thánh. Đức Phanxicô nói với ta rằng: Đừng để mình bị cám dỗ rằng ơn gọi nên thánh chỉ dành cho một số người thoát ly khỏi công việc bận bịu hằng ngày để chuyên chăm cầu nguyện, mọi người đều được mời gọi nên thánh bằng chính cuộc sống mình đang sống, mỗi ngày tiến lên một chút khi ta không nói xấu ai đó, khi ta cùng nhau cầu nguyện, khi người cha kiên nhẫn nghe con mình tâm sự, khi vợ chồng chăm sóc nhau, khi ta nâng hồn lên với Chúa bằng một lời cầu nguyện tắt.
Có những lúc khó ngủ, rảnh ít phút hay chờ đợi ai đó, những lời nguyện nho nhỏ rất phù hợp và mang lại an bình cho tâm hồn, ví dụ như:
Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.
Chúa là gia nghiệp đời con.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con.
Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.
Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con.

Sự thánh thiện là một hồng ân Chúa ban cho kẻ tin vào Ngài, nhưng cũng có phần cộng tác đáng kể của con người: mỗi người sẽ chịu xét xử tùy theo việc đã làm (Kh 20,13). Sự thánh thiện không phải là cái gì chúng ta tự tìm cho mình, hoặc là điều chúng ta đạt được nhờ những đức tính và khả năng của chúng ta, nhưng là sống trong tình hiệp thông với Thiên Chúa, và ân sủng Chúa sẽ biến đổi tất cả. Ai mở cửa lòng mình cho Chúa, họ sẽ tìm được phúc lộc thọ và tìm được phương thuốc trường sinh.


Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Chứng nhân




Một người được gọi là vị Tử Ðạo (Martyr) khi liều mạng sống của mình để minh chứng cho Chân Lý hoặc sự xác thực của Ðức Tin Kitô Giáo. Chữ tử đạo đã bắt nguồn từ chữ Hy Lạp “Martus”, có nghĩa là chứng nhân (Witness) và được Thánh Augustine diễn giải rằng: “Chính vì lý do tại sao, chứ không phải sự đau khổ đã làm nên việc tử đạo”. Tử đạo là người đã bắt chước được Chúa Kitô cách hoàn mỹ trong sự đau khổ và cái chết của Ngài.

Thời đại nào và dân tộc nào cũng có những người bị bách hại vì niềm tin vào Chúa Kitô, đúng như lời Chúa Giêsu đã báo trước: “Tôi tớ không lớn hơn chủ, nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng bắt bớ anh em”. Thế kỷ 20 đã có trên 100.000 người tử đạo được nêu danh, và chắc chắn thế kỷ 21 nầy con số sẽ còn cao hơn, vì quyền lực sự dữ đang hoành hành trên thế gian nầy. Các Kitô hữu bị bách hại vì các ý thức hệ tôn giáo quá khích, vì luật pháp chủ trương nhân quyền quá trớn, vì quan niệm vô thần và vì sự tục hóa: người ta chối bỏ hết các thần để chính con người là thần. Nhiều nơi trên thế giới, các Kitô hữu đang trải qua cảnh tra tấn, đầu rơi máu chảy, rũ tù và bêu nhục. Tuy vậy, noi gương Thầy Giêsu, các Kitô hữu không thù ghét kẻ làm khốn mình, vì biết họ lầm lạc không nhận ra chân lý và nô lệ cho các tham vọng trần tục.

Phần đông các Kitô hữu không phải trải qua cảnh bắt bớ nhục hình vì niềm tin, nhưng không ai trong họ thoát được cảnh “sàng sảy” của Satan với chủ trương một lối sống dễ dãi thoải mái. Thánh Phaolô: “Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian”.(Phipphê 3,18). Chúa không đòi hỏi mọi người phải chết vì đạo, dù biết rằng được đổ máu mình ra để minh chứng niềm tin là một mối phúc. Điều Chúa đòi buộc mọi Kitô hữu là trở thành chứng nhân cho Chúa. Kitô hữu là người đã được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô, đã gặp gỡ Ngài và chuyện trò với Ngài, đã nghe Lời Ngài và đem ra thực hành trong đời sống, có Chúa đồng hành trong đời sống và sẽ được vào thiên đàng sau khi chết. Người lữ khách dễ nản lòng vì đường dài, muốn dừng chân nghỉ ngơi mà quên đích cần đến. Chính Chúa Giêsu đã bị Satan cám dỗ về danh, lợi, thú: biến đá thành bánh để thỏa cơn đói, thờ lạy satan để được mọi vinh hoa phú quý trần gian, gieo mình từ đền thờ để phô diễn vinh quang.

Chúa còn bị cám dỗ dài dài trong suốt cuộc đời, mãi cho đến giây phút cuối đời: đi con đường tắt, phải chăng mình bị Chúa Cha bỏ rơi, xuống khỏi thập giá để thế gian tin. Ma quỷ còn rình rập chúng ta như sư tử rình mồi. Hãy học gương Chúa Giêsu là luôn cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ.

Trên Internet, người ta thấy cảnh các Kitô hữu ở Irăk hiên ngang tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu, dù cho đầu rơi máu chảy. Tôi đã thấy các giáo xứ Công Giáo đã phát cơm miễn phí trong các bệnh viện ở Saigon để giúp đỡ các bệnh nhân, bên cạnh các tổ chức khác của anh em Tin Lành và Phật Giáo. Và chung quanh chúng ta vẫn có biết bao nhiêu anh chị em sống đạo một cách kiên cường: “Lỡ thề có thiệt thòi, quyết không hề rút lại; cho vay chẳng lấy lời, không nhận quà hối lộ làm hại kẻ hiền lương” (Tv 15,5).

Hãy năng nghĩ đến các chứng nhân tử vì đạo để tinh thần chứng nhân của ta thêm vững mạnh. Hãy năng gặp gỡ Chúa Giêsu và suy gẫm Lời Ngài, có vậy chúng ta mới có thể làm chứng điều mắt đã từng thấy và tai đã từng nghe và lòng mình đã cảm nghiệm, vì không ai có thể cho điều mình không có. Đèn sẽ hết sáng nếu không được châm thêm dầu, muối sẽ vô dụng khi trở nên nhạt, lúa sẽ biến thành cỏ lùng nếu không giữ được bản chất của mình, Kitô hữu sẽ bị quăng ra ngoài nếu sống hâm hâm dở dở - không nóng mà cũng không lạnh. Chinh Chúa Giêsu đã nói: "Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được (Mt 11,12).

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa




Tôi xin mượn câu nói Tin Mừng này để nói về hai thái cực vẫn xảy ra trong cuộc sống: có những người chối bỏ vinh quang và hành động của Thiên Chúa và trái lại có những người quy về Chúa những việc không đúng là của Ngài.
Thái độ của những người thứ nhất rất dễ nhận biết. Họ là những người chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa: tôn giáo chỉ là một mớ lý thuyết trừu tượng do hàng giáo sĩ bịa đặt để trục lợi, những người có đạo là những kẻ khờ khạo mê tín rất đáng thương. Đối với hạng người nầy, mọi sự xảy ra trong vũ trụ và trong cuộc đời đều là tự nhiên, ngoài vũ trụ vật chất nầy chẳng còn gì để quan tâm, cứ vui hưởng cuộc đời và tích góp bao nhiêu có thể.

Tôi muốn nhấn mạnh đến hạng người thứ hai: họ quy về Chúa những điều không phải là của Ngài. Đây là thái độ của những kẻ có đạo, nhưng lại hiểu sai về Thiên Chúa: tôn giáo như chiếc bùa hộ mệnh, Chúa như ông kẹ.
Khi Chúa Giêsu trách những người thời đó chỉ biết đọc những điềm báo thời tiết mà không tìm hiểu những dấu chỉ thời đại, có linh mục giảng rằng: “Cứ xem những thiên tai lụt lội và động đất thì đủ biết là Thiên Chúa đang thịnh nộ vì tội lỗi của con người!”. Tôi nghĩ Thiên Chúa không trực tiếp hành động như vậy, nếu là vì tội thì tội của ai, tội chung mọi người hay tội của dân chúng vùng bị thiên tai? Người Do Thái cũng đã từng hỏi Chúa Giêsu: vì tội của ai mà người kia mù từ thuở mới sinh? Chúa chỉ nói với ta: “không phải tội của anh ta, cũng không phải tội cha mẹ anh, song để nơi nó công việc Thiên Chúa được hiện tỏ” (Ga 9,3). Đúng ra, chúng ta phải nhìn những thiên tai, tật bệnh, chiến tranh như những dấu chỉ, như một lời cảnh báo rằng: con người đã tàn phá thiên nhiên quá mức, rằng quyền lực sự dữ đang hoành hành trong nhân loại, rằng trời đất đang qua đi… để rồi hãy ăn năn sám hối sống sao cho đẹp lòng Chúa, luôn sống trong tình trạng tỉnh thức sẵn sàng. Thực ra, Thiên Chúa là Đấng nhân từ, Ngài dùng những dấu chỉ thời đại để giúp ta tin tưởng và bám chặt vào Người hơn, Thiên Chúa không ưa trừng phạt con người một cách trực tiếp, Người luôn tôn trọng trật tự tự nhiên Ngài đã lập ra trong vũ trụ và tôn trọng tự do của con người.
Khi nói về việc cầu nguyện, có linh mục khác lại giảng rằng: “Sống ở trên đời sức khỏe là quý nhất, vì chỉ một cơn bệnh thôi là đã đi đứt cả 100 triệu, bởi đó hãy dành thời giờ để đi dâng lễ và cầu nguyện nhiều với Chúa”. Tôi nghĩ nếu vậy thì những người công giáo phải là những người có tuổi thọ cao nhất và những người bệnh là những người ít đi lễ và đọc kinh cầu nguyện. Không ở đâu trong Tin Mừng mà Chúa hứa rằng ai tin vào Ngài thì sẽ không bị bệnh, được giàu có và bằng an tứ bề. Chúa chỉ nói với ta rằng: Cha trên trời còn tốt hơn cha mẹ trần gian, Ngài ban cho ta những gì tốt nhất, Ngài ban Thánh Thần dồi dào cho kẻ cầu xin (Lc 11,13). Có kẻ xin cho mình được giàu có sung túc, anh ta xin nhưng không siêng năng làm việc, xin mãi không được nên bỏ cả nhà thờ lâu năm vì giận Chúa và thấy rằng mình không được Chúa thương nên chẳng thèm xin gì nữa hết.

Thế đó, nhiều khi ta diễn tả niềm tin một cách quá ngây thơ dễ làm cho người khác mất đức tin và tôn giáo trở nên trò cười cho người ngoại đạo. Ví dụ như trong nhà thờ hôm ấy có người ngoại đạo tham dự, họ sẽ rất dị ứng và thốt lên: “Dọa vậy mà cũng tin!”. Khi nói về cái chết, ta thường nói: “Chúa gọi”, có người ngoại nói rằng: “chết là do chạy xe ẩu, do không giữ gìn sức khỏe, do không hiểu biết về y học để chích ngừa và chữa chạy”. Đúng ra ta phải hiểu 'Chúa gọi' một người trở về với Ngài cách chung chung, còn giờ chết và cách chết là một diễn biến tự nhiên có điều kiện của vũ trụ vật chất.

Hãy trả về cho Thiên Chúa danh dự và vinh quang đáng thuộc về Ngài: vì tình yêu, Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ xinh đẹp nầy, đã dựng nên tôi và ngày ngày vẫn miệt mài chăm sóc ban tặng ta những điều tốt đẹp nhất, hãy tin tưởng và tạ ơn Ngài. Nhưng cũng tránh quy cho Ngài nhiệm vụ chiếc bùa hộ mệnh và bảo hiểm nhân thọ, vì tư tưởng của ta rất khác xa sự khôn ngoan của Ngài.

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

NGƯỜI ĐI LẠC ĐƯỜNG.



Linh mục Nhân Tài có kể một câu chuyện:

            Có một người lần đầu tiên đi săn và bị lạc trong rừng sâu, đi rất lâu mà vẫn không tìm được đường ra. Đột nhiên anh ta nhìn thấy trong rừng cây phía trước có một người đi ra, anh ta rất mừng chạy đến ôm chầm lấy người ấy, phấn khởi nói to: “Tạ ơn trời đất, tôi bị lạc ở đây đã hơn một ngày rồi, nhìn thấy anh thì tôi phấn khởi”. Không ngờ người ấy lạnh lùng nói: “Có gì mà phấn khởi chứ, tôi bị lạc ở đây đã hơn một tuần rồi”.

            Suy tư:
            1.Người đi săn vì ham đuổi theo con mồi mà quên mất đường về…Có người bận ‘đi săn’ con mồi danh vọng, con mồi quyền lực trong xã hội, thế là họ bị danh vọng quyền lực che lấp đường đến nhà thờ. Có người ham đuổi theo con mồi tiền tài, thế là tiền tài làm cho họ mờ mắt không còn thấy con đường đến với Chúa nữa. Có người ham đuổi theo con đường xác thịt hưởng thụ, làm cho tinh thần và thể xác mất đi sinh khí thần thiêng, thế là họ quanh co trong chốn hồng trần trụy lạc – không có lối ra.

            Lời Chúa là cái la bàn của người Kitô hữu, Lời Chúa dạy ta tìm kiếm danh vọng đích thật là sự khiêm tốn, dùng tiền tài để mua lấy nước trời, tìm kiếm sự thanh cao của các thiên thần.(hết trích).

            2. Chuyện kể rằng: ngày xưa, ở trung tâm thành phố Luân Đôn có treo một chiếc đồng hồ rất lớn để mọi người biết giờ, và cũng mỗi buổi trưa tiếng chuông Truyền Tin của nhà thờ lớn cũng vang lên lúc 12g. Một hôm ông từ nhà thờ tìm đến sở Bưu Điện để chỉnh lại giờ cho chính xác thì được trả lời: “Mỗi ngày tôi cũng chỉnh đồng hồ Bưu Điện theo tiếng chuông của bác”. Thế mới hay người ta thường dựa dẫm nhau chứ không có một chuẩn mực nào cả.
Nhìn vào cuộc sống, đôi lúc ta thấy câu nói của Aristote: “Con người là một hữu thể xã hội” rất đúng. Người ta cứ theo nhau mà làm điều nầy điều nọ dù thấy không hợp lý, nhưng không dám làm khác đi vì sợ bị chê cười: “cóc đua thì nhái cũng đua”!
Này nhé, thử nói về cách ăn mặc của một số chị em. Một số chị em khi thân hình thon trẻ thì không mặc đầm, nay đã già khụ (U 60) lại tranh thủ cho hợp với thời đại, dù thân hình bây giờ thật không phù hợp với loại y phục nầy, thay vì che bớt thì lại bày ra những khiếm khuyết của cơ thể mình cho thiên hạ được tường!

Rồi thử nói về vấn đề các loại tiệc tùng: đám tang, đám cưới, tân gia, giỗ chạp, rửa tội, thôi nôi… của đáng tội là tiệc càng ngày càng lớn, ai sao mình vậy và chẳng ai chịu lép vế ai. Riêng về đám tang thì các linh mục đôi khi cũng lên tiếng: “Bớt ăn uống đi. Có vui vẻ gì đâu mà ăn. Cũng có ăn, nhưng chỉ dành cho bà con ở xa”. Ấy thế mà bây giờ một số giáo xứ, người ta ăn trong những ngày canh thức đã đành, người ta còn ăn 20 – 30 mâm khi đưa tang về, và còn ăn cả chục mâm sau lễ tuần 7. Tuy chẳng vui vẻ gì, nhưng gia chủ thì tha thiết mời, người được mời cũng nể mà đến cho đông đủ… tất cả cũng chỉ vì sợ người ta cười! Điều nguy hiểm là Bệnh “sợ tiếng cười và sĩ diện” lại là một bệnh hay lây. Đôi lúc tôi nghĩ: người Việt Nam mình nghèo vì chuyện ăn uống và bệnh tật nhiều cũng là do ăn nhiều thứ sơn hào hải vị ẩn chứa nhiều hóa chất của những bữa tiệc. (Suy tư 2 là của người lữ hành).

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Dụ ngôn tiệc cưới




Chúa Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh để nói về Nước Thiên Chúa. Chúng ta có thể kể đến như: ví dụ hạt cải và men trong bột, người gieo giống, đồng bạc đánh mất, những người thợ làm vườn nho, lưới cá thả xuống biển, tá điền thuê vườn nho...Nước Thiên Chúa ở đây được hiểu là thời đại Thiên Sai, là Giáo hội do Chúa Giêsu quy tụ quanh bàn tiệc Thánh Thể và là hạnh phúc thiên đàng. Mỗi ví dụ về Nước Trời nói lên một khía cạnh nào đó trong một bức tranh quá tuyệt diệu mà đôi mắt phàm nhân của con người chưa từng chiêm ngắm. Xin Chúa cho con hiểu những vị ngọt của Nước Thiên Chúa qua dụ ngôn tiệc cưới Chúa dạy hôm nay.
Trong dụ ngôn tiệc cưới có nhiều hình ảnh nổi bật: Thiên Chúa mời gọi trước một số người nhưng họ lại coi thường lời mời đó vì những tham lam của cải và những bận tâm về cuộc sống, có kẻ lại còn giết chết sứ giả; nhà vua đã nổi cơn thịnh nộ sau khi thời hạn mời gọi đã kết thúc và đã chứng kiến sự kiên quyết chối từ của những người bỏ qua tình thương bao dung của Ngài; tiếp đó, vì không thể để uổng phí những ân lộc đã dọn sẵn và để vui thỏa niềm vui của chính mình, ông chủ mời gọi đủ hạng người vào dự tiệc cưới và phòng tiệc đã đầy người, một món quà nhưng không mà ông chủ đã rộng rãi tặng ban; thế nhưng, có oan uổng quá cho một người đi đường vì nể lời mời của vua mà vào dự tiệc với chiếc áo không đẹp chăng? 

Dụ ngôn này Chúa trực tiếp nói với các thượng tế và kỳ mục, nên điểm nổi bật chính là sự từ chối của những kẻ được mời. Quả vậy, khi ông Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu kêu gọi sự thống hối để đón nhận Đấng Cứu Thế thì các thượng tế và kỳ mục là những người có phản ứng tiêu cực nhất, họ không ăn năn và thay lòng đổi dạ đã đành mà còn treo Con Thiên Chúa lên cây thập giá. Sau đó, bữa tiệc nước trời được dành cho mọi nước mọi dân (Mt 28,19). Mặc dầu các đầy tớ của vua tha thiết mời gọi, nhưng con người vẫn có quyền tự do quyết định vào hay không vào phòng tiệc, đã vào thì phải có thái độ và y phục xứng hợp với niềm vui của nhà vua, bởi đó nhà vua đã ra lệnh phạt nặng kẻ không mặc y phục lễ cưới. Khi tham dự bữa tiệc Thánh Thể, hãy dọn mình cho xứng đáng, kẻo rước lấy án phạt: nhiều người đã ly dị và đang bồng đèo thế nhưng họ vẫn rước lễ; nhiều người nói chuyện ồn ào trong thánh lễ nhưng vẫn chịu lễ cách vô ý thức. Còn khi tham dự bàn tiệc thiên quốc, con người không còn cơ hội để thay đổi y phục là tình trạng tâm hồn nữa, họ sẽ trải qua cuộc phán xét riêng để chịu thưởng phạt. Phúc cho kẻ nào đã trang bị cho cuộc đời mình chiếc áo bác ái, yêu thương, tử đạo: “Thiên Chúa không thương xót kẻ không biết thương xót, còn ai yêu thương thì coi thường việc xét xử” (Giacôbê 2,13).
Đức Phanxicô luôn nói về niềm vui của những kẻ được đón nhận niềm tin vào Đức Kitô, niềm vui đó không phải là giả tạo nhưng là niêm hạnh phúc đích thực vì được làm con cái Thiên Chúa, vì biết rõ đích đến của cuộc sống là hạnh phúc thiên đàng: Giáo hội chỉ có thể truyền giáo khi các Kitô hữu biết sống niềm vui. Đức Thánh Cha cũng khuyến cáo về sự tham lam của cải và quyền lực luôn cám dỗ con người khước từ sứ điệp Tin Mừng. Thánh Phaolô nói: “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Galat 3,26-27). 

Nói tóm lại, bài Tin Mừng nói lên rằng đời sống ân sủng do Đức Giêsu tái lập trong giao ước mới trước hết được dành cho dân Do Thái là dân riêng Chúa chọn, nhưng sau đó cũng được dành cho các dân ngoại trên khắp địa cầu. Được lãnh nhận đức tin và gia nhập Giáo hội là một hồng ân Chúa ban mà mỗi ngày ta phải dâng lời cảm tạ. Người Kitô hữu đã chết một lần với tội lỗi khi lãnh bí tích rửa tội, nhưng mỗi ngày còn phải cố gắng để nên thánh thiện hơn phù hợp với lời dạy của Tin Mừng, và chấp nhận cuộc thanh luyện cuối cùng là cái chết để tham dự bữa tiệc thiên quốc cách trọn vẹn vì được chiêm ngắm Thiên Chúa trực tiếp, diện đối diện.

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Luật yêu thương




Thời sự xã hội và Giáo hội đang nóng lên vì những người Hồi Giáo quá khích Boko Haram (ở Nigiêria) và IS (ở Iran – Syria). Đức Phanxicô kêu gọi thế giới và nhất là cộng đồng Châu Âu đừng làm ngơ trước sự hoành hành và lớn mạnh của những lực lượng nầy, mỗi cá nhân và cộng động phải tích cực tìm ra những biện pháp để các tôn giáo cùng chung sống hòa bình, những biện pháp tối ưu là cùng cầu nguyện và thông qua các đàm phán, vì chiến tranh chỉ đem đến giết chóc và hận thù. Thế nhưng, hiện nay, những cuộc không kích của các nước Mỹ - Pháp – Anh đang diễn ra trên những vùng đất mà lực lượng IS chiếm đóng.
Ngày xưa, thánh Phêrô cũng đã từng rút gươm ra để bảo vệ Chúa Giêsu, nhưng rồi Chúa bảo ông “hãy xỏ gươm vào vỏ, ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Thánh Phêrô đã hành động vì lòng nhiệt thành với Chúa, nhưng theo kiểu tính toán của con người. Thời trung cổ, Giáo hội đã tổ chức nhiều cuộc thánh chiến, dùng chiến tranh để giải quyết những xung đột về vùng đất Thánh; nhưng kể từ thời Đức Phaolô VI đến nay, Giáo hội đã không ngừng đẩy mạnh việc hòa giải và hòa hợp với các tôn giáo, đã nhiều lần hối lỗi vì những lỗi lầm trong quá khứ. Nhiều người đã đặt câu hỏi về Đức Piô XII: “Giáo hội ở đâu khi nạn diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc Xã chủ trương đang diễn ra?”- Những tài liệu đã cho biết rằng: Giáo hội đã mạnh mẽ can thiệp bằng văn thư và biện pháp cứu giúp nhiều người Do Thái được trốn thoát.
Cuộc sống thường không tránh khỏi sự va chạm đất đai với người khác, khi họ vượt qua sự tự trọng để tham lam lấn chiếm thêm một chút đất chung làm của riêng. Trường hợp như vậy, nếu mình không lên tiếng là hèn nhát, nhưng đấu tranh thế nào cho hợp tình hợp lý và hợp với giáo lý Chúa dạy? Đôi khi ta thoáng nghĩ: người Kitô thấm nhuần giáo lý sẽ trở nên nhu nhược và hèn yếu trước thế gian, vì đạo Chúa dạy ta phải tha thứ và không được trả thù, phải thực thi bác ái, đừng chống cự với người ác mà phải trốn chạy sang thành khác khi bị bắt bớ ở thành nầy. Thầy chí Thánh đã bằng lòng chịu chết treo trên thập tự mà vẫn tha thứ giữa những tiếng thách thức xuống khỏi thập giá để người khác tin. Thánh Phaolô đã ca tụng đức mến như một điều rất cần thiết của đời sống đạo: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1Cor 13,1-6).

Thế nhưng, học thuyết xã hội của GHCG dạy ta phải dấn thân xây dựng trái đất nầy cho công bằng, bảo đảm công lý và tình thương, tôn trọng phẩm giá con người và hợp tác giữa các dân tộc; Chúa còn dạy ta phải biết sửa lỗi người anh em, chứ không phải hoàn toàn chịu đựng mọi sự xảy đến như là thánh giá Chúa gửi cho mình… vì như thế sẽ giống như người lính đầu hàng trước khi nổ súng và có thể nói ở đâu có người Kitô thì ở đó chỉ có cam chịu và bất công. Nhưng cách đấu tranh của người Kitô hữu luôn được thực hiện bằng con đường cầu nguyện và đối thoại, khác với cách của người đời là dùng thủ đoạn, bạo lực, chiến tranh và hận thù.

Đối với người Kitô hữu, lề luật tối thượng là tôn thờ Thiên Chúa, bảo vệ sự sống của mình và anh em, của cải vật chất không quan trọng bằng gia tài vĩnh cửu trên trời. Dựa vào thứ tự ưu tiên nầy, ta nhận ra có nhiều sự việc xảy ra thật ra không đáng cho ta bận tâm một cách quá đáng dẫn đến việc mất đức bác ái và có tính cách trả thù. Như vậy, để bảo vệ tài sản mình, người Kitô sẽ dùng đến phương pháp ôn hòa là cầu nguyện, đối thoại và nhờ luật pháp can thiệp, nếu không đạt mục đích thì đành chịu thua thiệt chứ không được trả thù và ghen ghét kẻ làm khốn mình. Các Thánh Tử Đạo đã cam lòng chịu chết mà không oán hận, các tín hữu Irăk đã trốn chạy khỏi các thành phố để tránh bị giết hại, trong lúc luật công bằng cho phép họ trả thù tấn công những kẻ làm khốn mình. Trên truyền thông, chúng ta không đọc được một lời kêu gọi chiến tranh nào của các vị mục tử ở Irăk.

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Hành trình đức tin






Tuy sống bên cạnh nhau trong cùng một cộng đoàn, nhưng hành trình đức tin của mỗi người không ai giống ai về độ khó, độ dài và về kết quả. Bởi đó mà chúng ta cần dùng những lời lẽ tích cực mà an ủi nhau, nhất là khi tha nhân đang trải qua giai đoạn khốn khó vì bệnh tật hay bị thử thách niềm tin. Một trong những lời khuyên rất cần thiết cho cuộc sống: “Hãy nhìn thấy khía cạnh tích cực trong mọi điều xảy ra”. Quả vậy, con người thường hay đau khổ vì trí tưởng tượng của mình và vì thói quen so sánh mình với người khác.

Khi một người bị phát hiện là có khối u (cancer) trong cơ thể mình, những người thân và chính bản thân họ thường choáng váng vì tin sét đánh này: tương lai gia đình sẽ ra sao? Tại sao mình phải chịu sự xui xẻo nầy, đây phải chăng là một sự trừng phạt? Rất nhiều người đến để chia sẻ gánh nặng mà gia đình bệnh nhân đang và sẽ trải qua, họ nói những lời động viên và thông cảm, sự hiệp thông và chung sức trong lời nguyện cầu. Những ngày đầu tiên trôi qua thì mọi người sẽ bình tĩnh đón nhận sự kiện hơn. Họ dần khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong cơn hoạn nạn.
Có thể nói việc ‘Thiên Chúa chăm sóc và lo liệu cho con người đến mức độ nào’ là một trong những vấn đề khó lý giải. Người không có niềm tin thì cho rằng mọi sự đều là tự nhiên, chẳng có một Đấng nào tạo dựng và đang điều hành vũ trụ nầy cả. Con người bệnh hoặc chết là do hậu quả của việc giữ gìn sức khỏe hoặc do đoản mệnh mà thôi. Thế nhưng, người có niềm tin thì vẫn nhớ Lời Chúa nói: “Mọi sợi tóc trên đầu các con đều được đếm cả rồi và không có sợi nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết. Đừng lo lắng về của ăn áo mặc, vì Cha anh em biết rõ anh em cần gì. Không ai trong các con, nhờ lo lắng mà có thể kéo dài thêm đời mình, dù chỉ một gang tấc. Tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn mọi sự khác Người sẽ ban cho anh em”(Mt 6,25-34)
Quả thật, khi đến thăm người bệnh, chúng ta phải lựa lời mà nói để tránh những kiểu nói không phù hợp với niềm tin. Đừng xem bệnh tật là một hình phạt của Chúa để ta đền tội, vì như vậy Chúa là Đấng hay trả thù. Đừng xem bệnh tật là thánh giá Chúa gửi, vì như vậy ta dễ nhận xét Chúa là một vị thần độc ác. Đừng xem bệnh tật là sự xui xẻo của vận hạn mà mình không biết để kiêng cữ, vì quan niệm nầy sẽ dẫn ta đến thói quen đi xem bói toán. Sách GLHTCG nói với chúng ta rằng: Không thể dùng một câu Kinh Thánh đơn thuần để trả lời cho vấn nạn tại sao có đau khổ mà phải dùng đến toàn bộ pho Kinh Thánh và phải xin ơn soi sáng. Bao lâu còn ở trần gian, con người chỉ có thể hiểu một phần nào đó về đau khổ, mọi sự sẽ được phơi bày khi con người bước qua ngưỡng cửa sự chết. Sách Giáo lý còn dạy thêm rằng: đau khổ và bệnh tật là hậu quả của tội lỗi, Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra và Ngài sẽ dùng quyền năng vô biên của Ngài để rút ra nhiều sự lành cho phần rỗi linh hồn, Thiên Chúa là người Cha nhân lành luôn muốn cho con người hạnh phúc, Ngài hiện diện và đồng hành với con người đang trải qua đau khổ. Những đau khổ ta chịu nếu được đón nhận với lòng yêu mến Chúa sẽ trổ sinh những hoa trái thiêng liêng vô cùng quý giá cho mình và đồng loại: cộng tác vào chương trình cứu độ mà Chúa Kitô cho ta dự phần, đền tội mình và tội nhân loại, rèn luyện nhân đức và được trở nên giống Chúa Kitô.
Bởi vậy, hãy nhìn bệnh tật như cơ hội thuận tiện để gần gũi Chúa và lo lắng cho phần hồn, giúp mình dần từ bỏ ý riêng và những giá trị vật chất – chuẩn bị cho cuộc từ bỏ cuối cùng lúc ta ra đi khỏi trần thế nầy. Mọi sự ở trần gian nầy, dù ta miệt mài và vất vả làm việc mới có được, cũng chỉ là chiếc áo ta bỏ lại khi ta trở về lòng đất mẹ, chỉ còn lại tấm linh hồn trinh trong phản chiếu lòng mến Chúa yêu người mà ta đã chắt lọc qua cuộc sống trần gian. 

Dù trong hoàn cảnh nào, hãy không ngừng thưa lên: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”, và tâm hồn ta sẽ tìm được bình an ngay bây giờ và mãi mãi.

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Thánh lễ giỗ giáp năm cho cha Phaolô Nguyễn Công Minh (1.8.2013 - 1.8.2014)




Người bạn linh mục của chúng ta, Phaolô Nguyễn Công Minh, đã từ giã trần thế một năm trước đây để đi trình diện Chúa để được chiêm ngưỡng thánh nhan Ngài: “Từ nay không còn đau đớn và muộn phiền nữa, không còn những lỗi phạm đến Chúa và anh em nữa, và cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác nơi bản thân cũng không còn diễn ra nữa, chỉ còn lại một sự im lặng và an nghỉ trong Thiên Chúa.
Sự im lặng ở đây không phải là cõi hư vô, nhưng là một thực tại mà Thiên Chúa muốn giữ bí mật tuyệt đối, là một yếu tố cấu thành đức tin: “phúc cho ai không thấy mà tin”. Trí tò mò của con người đã nhiều lần tự đặt những câu hỏi về đời sau, về số người được cứu rỗi, về tình trạng hạnh phúc và điều kiện để vào nước trời. Những câu hỏi đó, người Do Thái đã từng hỏi Chúa Giêsu và Ngài đã trả lời rất rõ ràng và không úp mở trong các sách Tin Mừng. Nhưng vì không thể kiểm chứng bằng lý chứng khoa học, nên đầu óc con người cứ mãi phân vân: không biết lời nói của Chúa Giêsu có thật không?
Con người được cấu thành bởi một thân xác và một linh hồn. Thân xác được cấu thành bởi những yếu tố vật chất, luôn tìm kiếm và lệ thuộc vào vật chất, lý trí chỉ muốn tin nhận những gì có thể kiểm chứng bằng giác quan. Còn linh hồn là phần thiêng liêng được Chúa trực tiếp tạo dựng để kết hợp với thân xác, làm thành một ‘hữu thể’ duy nhất. Nơi từng người, Thiên Chúa còn đặt để một thiên thần bản mệnh để giúp ta đi trên con đường trọn lành.

Nơi cha Phaolô, những cuộc chiến nơi bản thân để hướng đến sự trọn lành, và những giằng co với lý trí trên lãnh vực đức tin nay không còn nữa. Cha đã tiến vào vùng ánh sáng để có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa diện đối diện, cha đã thấu hiểu bàn tay dịu dàng của Chúa ủ ấp trên từng biến cố cuộc đời, những điều mà khi ở trần thế trí óc cha không ngừng vật lộn để giữ vững niềm tin. Thế nhưng, đến lượt cha cũng phải giữ im lặng để chúng ta tin.

Giáo hội dạy ta rằng: ngoài những vị được tuyên phong là thánh, Giáo hội không biết rõ về phần rỗi của một ai khác. Đúng là một bức màn bí mật luôn bao phủ ‘sự chết’, để con người luôn tin nơi tình thương vô biên của Thiên Chúa và không đưa ra những tính toán thực dụng cho cuộc sống mình ở trần gian nầy. Nhưng chúng ta cũng biết được rằng Thiên Chúa luôn là người cha nhân từ, Ngài còn thương từng người con cái được sinh ra, còn hơn cả cha mẹ đẻ của ta nữa. Đó luôn là một lý chứng để ta tin rằng: Thiên Chúa không nỡ vứt bỏ những kẻ tin vào Ngài vào lửa hỏa ngục, có chăng là các linh hồn ấy đang trải qua tình trạng thanh luyện nơi luyện ngục, và họ rất cần sự giúp đỡ của chúng ta.
Những người đã lìa thế trước chúng ta vẫn tiếp tục cuộc sống của họ, nhưng ở một trạng thái khác với chúng ta là những kẻ đang tại thế. Thân xác họ đã trở về tro bụi. Còn linh hồn họ, với bản tính thiêng liêng, không cần ăn uống nên chẳng có lo âu, họ không còn phạm tội và cũng không còn cơ hội lập công. Tuy vậy, những người đã khuất có một khả năng rất quý giá là có thể chuyển cầu cho chúng ta, và với bản tính thiêng liêng, họ thấu hiểu nhu cầu và cùng đích cuộc sống ta đang trải qua một cách tỏ tường. Bởi đó hãy cầu nguyện cho những người đã khuất được hưởng lòng thương xót Chúa, và cũng luôn tin tưởng cầu nguyện với họ để xin sự trợ giúp thiêng liêng và cả những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống.

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Thói quen nói xấu




Một điều gì xấu được lặp đi lặp lại được gọi là tật xấu. Nói xấu là một tật xấu phổ biến mà nhiều người khắp thế giới mắc phải. Chính Đức Phanxicô cũng luôn nhắc nhở tín hữu phải tránh tật xấu nầy, vì nó gây chia rẽ trong các mối quan hệ giữa con người và trong Giáo Hội. Và Ngài còn nói thêm: thói quen nói xấu bề trên và các linh mục là thói xấu rất phổ biến mà chính ngài cũng đã từng mắc phải.
Nói xấu một ai đó là nói cho người khác biết một điều xấu có thật của một người thứ ba. Cả người nghe và người nói cùng mang tội nói xấu, còn người thứ ba thì bị tô màu xấu xí ‘đen như quạ’. Khi hai người bạn gặp nhau, họ thường chia sẻ cho nhau những tin tức trong cuộc sống, và cũng thường chia sẻ cho nhau những chuyện xấu của một ai đó. Họ tưởng rằng đang trao nhau những món quà, nhưng thực tế lại là tặng nhau những ‘quả cấm’. Ma quỷ luôn tìm mọi cơ hội để tạo ra sự nghi kỵ và chia rẽ, vì chúng biết sự hiệp nhất là món quà của Chúa Thánh Thần.
Có nhiều lý do tạo nên sự khác biệt giữa người nầy với người kia: khi sinh ra đời, mỗi người là một cá vị độc đáo không ai giống ai, ân điển Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác để họ xây đựng cộng đoàn, hoàn cảnh sống, môi trường giáo dục, nỗ lực thăng tiến bản thân cũng tạo nên những khác biệt đáng kể. Chính những khác biệt đã tạo nên sự so sánh, sự cạnh tranh giữa người nầy với người khác. Và để cho mình được nổi bật lên, người ta thường dùng đến chiêu thức nói xấu. Họ quên rằng: đích đến của con đường trọn lành mỗi người mỗi khác tùy theo ơn gọi của họ, sự so sánh về những điều vụn vặt trong cuộc sống thật không đáng kể tí nào!
Ngay phía trước bàn làm việc của cha tân tổng đại diện giáo phận Banmêthuột có một tấm bảng ghi chú: “TẠI ĐÂY KHÔNG NÓI XẤU”. Một câu nhắc nhở thật ấn tượng cho những ai đến gặp gỡ ngài. Quả thật, những lời rỉ tai và những câu chuyện ngồi lê đôi mách làm ta mất nhiều thời gian và hạ thấp giá trị tâm hồn của những người hiện diện, nhất là nói xấu các linh mục. Và một linh mục có thói quen nói xấu sẽ tự hạ thấp giá trị cũng như uy tín của mình.Trong cuộc gặp gỡ gần đây, Đức Phanxicô nói: làm linh mục khó hơn là làm giáo hoàng, vì trực tiếp mục vụ tại giáo xứ thường có nhiều sự đụng chạm với giáo dân.

Hiện trạng của nhiều giáo xứ trong giáo phận mà chúng ta biết được là người giáo dân thường không bằng lòng với các linh mục: không đạo đức, không tế nhị, không giảng hay, không ngồi tòa, không cẩn thận trong lời nói, không gần gũi giáo dân, hay đua đòi vật chất… Có nhiều người rất ưa nói chuyện xấu của các cha và các ‘đấng làm thầy’, nhưng cũng có một số giáo dân khôn ngoan tránh xa đề tài đó như là ‘vùng cấm địa’.
Có lẽ nhiều người đã nghe sự ví von của đức cha Vinh Sơn trước thói đua đòi mua sắm quá khả năng tài chính của nhiều gia đình. Ngài bảo: Xe cũ vẫn tốt nếu mình biết cách sử dụng, nó vẫn đưa mình đến nơi muốn đến, lẽ dĩ nhiên là xe mới thì đẹp và an toàn hơn. Người giáo dân thường đòi hỏi quá nhiêu điều nơi các linh mục mà dễ quên đi rằng ngài cũng là con người như mọi người và ngài cũng đang nỗ lực trên con đường nên trọn lành. Hãy cầu nguyện cho các ngài và hãy cho các ngài cả thời gian nữa.

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Những nẻo đường phục vụ




Thánh Augustinô đã nói: “Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm”. Câu nói nầy chứa đựng cả một triết lý sống: Thiên Chúa yêu thế gian nên mới tạo dựng vũ trụ, ban cho họ Người Con duy nhất làm Đấng Cứu Độ và Thiên Chúa không ngừng âu yếm chăm sóc từng người qua từng ngày sống; về phía con người, cuộc đời họ chỉ có giá trị và được gọi là thành công khi họ biết làm mọi việc vì yêu mến Chúa và tha nhân.

Thế nhưng, trong con người khuynh hướng tự nhiên lại thúc đẩy họ thu vén và yêu bản thân mình, ta thường gọi là tính vị kỷ. Nơi mỗi người, cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng vị tha và vị kỷ sẽ còn tiếp diễn đến giây phút cuối đời. Có những lúc lòng ta cảm nghiệm được giọt mật hạnh phúc vì sự phục vụ, nhưng có những lúc sự phục vụ trở nên như gánh nặng cuộc đời mà ta muốn tìm cách trút bỏ càng sớm càng tốt.
Chúng ta cảm phục sự phục vụ người nghèo của mẹ Têrêxa Calcutta và các chị em trong dòng tu của mẹ. Dòng tu của mẹ chăm sóc những người bị xã hội bỏ rơi, vì họ nghèo, bẩn thỉu và bệnh tật. Thế nhưng các sơ lại chăm sóc họ cách chu đáo và tận tâm, như là chăm sóc cho chính Chúa Kitô vậy. Đáng nể phục nữa là có rất nhiều bạn trẻ tình nguyện đến phục vụ theo sự sắp xếp của các sơ, họ phục vụ miễn phí và rất vui vẻ, nhẫn nại. Chúng ta cũng cảm phục các linh mục và tu sĩ nam nữ, đã hiến cả cuộc đời phục vụ Giáo hội trong nhiều lãnh vực và môi trường.

Có nhiều con đường để sống tốt cuộc đời nơi dương thế, tựa như vườn hoa muôn sắc mà Thánh Linh đã dệt nên để làm cho Giáo hội được sống động và xinh tươi bội phần. Đời sống các vị Thánh được Giáo hội tuyên dương đã nói lên điều đó. Nhưng một đời sống thánh phải được đặt trọng tâm nơi lòng yêu mến bí tich Thánh Thể và khiêm tốn phục vụ tha nhân.
Xã hội càng tân tiến bao nhiêu thì người ta càng đề cao giá trị của đồng tiền và tự do cá nhân. Bởi đó, sự phục vụ dường như trở nên lạc lõng và trở nên một thách đố. Có kẻ nghĩ: sự phục vụ cần có nhiệm kỳ, đừng lấn chiếm thời giờ lao động thì còn chấp nhận được! Sự phục vụ dễ trở thành gánh nặng một phần là do tính ganh tị, do sự trái ý riêng và do nó rút bớt thời gian kiếm tiền của ta.

Thế nhưng, hãy xác định lại một lần nữa rằng: sự phục vụ là nẻo đường giúp ta nên thánh và là cơ hội để ta tập từ bỏ ý riêng, để rồi ta phục vụ giáo xứ cho vui vẻ và tận tình, dù ta ở mắt xích nào trong cơ thể Giáo hội địa phương. Đừng đợi đến lúc có tiền và có giờ ta mới phục vụ người nghèo, đừng đợi có cơ hội bách hại để chịu tử đạo…tốt hơn là mỗi ngày ta đang sống hãy tận tâm phục vụ cho vui vẻ và khiêm tốn, vì lòng yêu mến Chúa và mưu ích cho phần rỗi anh em mình. Hãy nghĩ rằng: khi ta quảng đại phục vụ Chúa thì Ngài sẽ lo liệu cho cuộc đời ta, Chúa không thua lòng quảng đại của ta bao giờ!