Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Tản mạn




1. Tháng 12, bầu trời vùng Dăkmil dày đặc sương mù. Nói đến sương mù là ta liên tưởng đến sự thơ mộng như vùng trời Dalạt. Nhưng sương mù ở Dakmil có mùi khét và mù từ chập tối kéo dài mãi đến 8g sáng ngày hôm sau. Những giấc ngủ cư dân chìm trong sự vật vã mệt mỏi vì hít thở bầu khí không tốt cho sức khỏe. Không biết các cư dân các vùng nông nghiệp khác có sống trong sự độc hại giống như vậy không nhỉ và không biết liệu các cấp chính quyền có nghĩ đến một biện pháp cho vấn đề nầy không?
Giờ đây, nhiều hộ nông dân không muốn phơi cà phê nữa và toàn bộ sản phẩm của họ đều đưa về cho các lò sấy. Điều nầy có hai cái hại, thứ nhất là đốt mất số vỏ quý hóa đáng ra được ủ men bổ sung dinh dưỡng lại cho vườn cây và thứ hai là vấn đề ô nhiễm không khí vì các lò sấy mọc ra ngày càng nhiều và hoạt động hết công suất. Theo tổ chức Numbero, Việt Nam được xếp hàng thứ 7 về ô nhiễm môi trường, Trung Quốc đứng hàng thứ 5. Cứ tưởng rằng ở những thành phố lớn sẽ ô nhiễm hơn vì khói bụi và nước thải công nghiệp, nhưng vào mùa thu hoạch cà phê thì ở thôn quê, người khỏe mạnh còn cảm thấy tức ngực thì không biết người bệnh sẽ vất vả đến chừng nào! Không biết kêu ai đây? 

Đã nhiều lần Giáo hội kêu gọi mọi người bảo vệ lấy quả đất, người Kitô hữu cũng được mời gọi chăm sóc quả địa cầu, bảo vệ thiên nhiên. Mỗi người hãy có những đóng góp nho nhỏ cua mình: trồng cây xanh, giữ sạch sẽ môi trường sống của mình cũng như anh em, hạn chế đốt rác hữu cơ vì vừa tạo khí Co2 vừa kết liễu quá trình sống của các vi sinh vật. Tôi vẫn nhớ một lời nói của Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực: một cây gỗ để mục tự nhiên thì tốt hơn là đốt nó ra tro.

2. Năm thánh lòng thương xót. Nếu không để ý ta sẽ dễ thêm chữ Chúa vào giữa cụm từ hay cuối cụm từ trên, nhưng đúng là không có chữ Chúa trong cụm từ trên. Đọc kỹ lại ta thấy nếu có chữ Chúa thì điểm nhấn sẽ hạn hẹp hơn: phải tri ân Chúa và hưởng nếm lòng thương xót Chúa. Nhưng trong năm thánh nầy, ta còn phải thể hiện lòng thương xót với anh em: tha thứ, làm ơn, gần gũi … nghĩa là thể hiện tình thương với mọi người như gương Chúa Cha, Ngài làm mưa trên cả kẻ lành cũng như người dữ.
Trong gia đình, cha mẹ có bổn phận thể hiện tình yêu thương, dịu dàng để con cái cảm nghiệm được tình Cha trên trời, Đấng không ngừng chăm sóc, bảo bọc, tha thứ con người. Trong Giáo xứ, các linh mục phải cư xử thế nào để con dân cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi tha thứ, ân cần tiếp đón mọi người và sẵn sàng ra đi đến vùng ngoại biên. Như vậy trong năm thánh ngoại thường lòng thương xót, ta được mời gọi cảm nghiệm tình thương Thiên Chúa và được thể hiện tình thương một cách cụ thể với anh em, đó là hai mặt của một đồng tiền THƯƠNG XÓT.

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

HÃY THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA




Hôm nay, ngày 8.12.2015, năm thánh Lòng Thương Xót được khai mạc ở Roma. Đây là một biến cố được giáo dân khắp thế giới mong mỏi đợi chờ. Lòng thương xót Chúa đã có từ ngàn đời, mênh mang như trời bể, nhưng con người thường lãng quên vì những lo lắng sự đời. Biến cố khai mạc năm thánh Lòng Thương Xót do đức Phanxicô khởi xướng như luồng gió mát thổi vào Giáo hội và thế giới nầy, khiến ai nấy đều cảm thấy thảnh thơi nhẹ nhàng cho tâm hồn vì nhớ lại rằng mình được Thiên Chúa yêu thương.

Thiên Chúa đã yêu thế gian rất nhiều, vì yêu Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ và vạn vật để muôn loài được chia sẻ vinh quang với Chúa. Nhìn trời xanh tay Ngài sáng tạo thật hùng vĩ và trật tự, vạn vật trên địa cầu rất đỗi phong phú, cách cấu tạo mỗi con vật và cơ thể người được tính toán chi li từng chút… thì ta phải nhận ra rằng có một ‘đấng uy linh’ đã tạo ra chúng. Thế nhưng, nhiều người lại nói: “mọi vật đều tự nhiên mà có, Đấng Tạo Thành là do sự sợ hãi trong con người tưởng tượng ra”. Họ là những người vô thần. Tựa như trong một gia đình, cha mẹ yêu thương con cái hết mực, thế nhưng có những người con chẳng hề biết ơn vì nghĩ rằng đó là điều tự nhiên. Trong năm Thánh nầy, ta hãy xin Chúa mở mắt đức tin để thấy được tình thương Chúa trên vũ trụ và trên đời mình.

 Ngày nay, một hiện tượng đáng báo động hơn là có những Kitô hữu vô thần. Họ vẫn tin Thiên Chúa là Đấng dựng nên vũ trụ, tin rằng Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban cho họ người Con Một là Đức Giêsu, tin Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa, tin các tín điều Giáo hội dạy, nhưng họ không còn muốn mất thời gian với niềm tin đó. Theo một bài phân tích mới đây về các Giáo hội ở Âu Châu thì số người hành đạo đang giảm sút đáng kể, người giáo dân rất ít lãnh bí tích hòa giải, họ rước lễ nếu có dịp tham dự Thánh lễ, dù tình trạng tâm hồn họ có ngăn trở vì li dị hay sống chung không hôn phối, có những người phá thai và còn biết bao tội lỗi khác. Còn ở Việt Nam, tình hình cũng khá giống như vậy rồi: người giáo dân mỗi năm xưng tội 2-3 lần, nhưng đã đi lễ là lên rước lễ đến 90%. Như vậy phải chăng có nhiều người rước lễ trong tình trạng không xứng đáng và mắc tội phạm Thánh. Giáo dân đã mất cảm thức về tội và các linh mục thì quá ít ngồi tòa giải tội, các ngài quá bận rộn nên dặn với giáo dân rằng: chỉ xưng tội trong những dịp ngài chỉ định, nên ai có tội nặng thì cũng đành mang kè kè bên mình và xưng thú trực tiếp với Chúa rồi rước lễ. Không khéo Giáo hội công giáo chuyển thành Tin Lành mất thôi. Để cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa, con người phải ăn năn sám hối và nhất là lãnh bí tích Hòa Giải. Ước mong các linh mục thúc giục con cái mình biết trở về với nội tâm, ý thức về tội làm phiền lòng Chúa và các ngài siêng năng ngồi tòa giống như cha Vianey, quan thầy các linh mục. Tại sao có những linh mục giải tội một cách vội vàng: giáo dân chỉ xưng tội rồi ra chờ, khoảng 30 người thì linh mục mới ra để khuyên nhủ vài điều và ra việc đền tội chung? Đáng ra, linh mục phải xem việc giải tội là thánh thiêng, vì mỗi lần xưng tội là một lần ta có cơ hội gặp gỡ trực tiếp Chúa Giêsu và cảm nghiệm được tình thương xót của Ngài. Đức Phanxicô vẫn thường xưng tội 2-3 tuần/lần và chính Ngài đã cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa trong một lần xưng tội.



Câu chuyện về người Cha nhân từ được Thánh Luca mô tả trong chương 15,11-31 là một câu chuyện rất sâu sắc giúp ta hiểu phần nào về người Cha trên trời. Từ khi đứa con ra đi xa nhà, người cha mòn mỏi đợi chờ ngày nó trở về. Khi người con còn ở xa, người cha đã trông thấy, ông vội vàng chạy tới ôm chầm lấy cậu, không để cho cậu xưng hết mọi điều thì người Cha đã mặc áo, đeo nhẫn và xỏ dày cho cậu, lại còn sai làm thịt con bê béo mà ông đã để dành từ lâu cho sự việc, ông quên hết những lầm lỗi bất hiếu và phá tan sản nghiệp của cậu, ông vui mừng vì cậu đã trở về trong vòng tay yêu thương của mình. Thiên Chúa là Tình yêu là vậy. Ngài cũng mời gọi ta nên hoàn thiện như Ngài, yêu thương như Ngài. Trong năm thánh Lòng Thương Xót, ta được mời gọi trở về với Chúa và yêu thương anh em như mẫu gương của Cha trên trời.

Trong bài nói chuyện mới đây, Đức Phanxicô nói: Trước mắt chúng ta là cánh cửa, không phải chỉ là cánh cửa thánh, mà là cánh cửa khác; cánh cửa lớn của Lòng Thương Xót Chúa, và đó là cánh cửa đẹp, tiếp đón sự sám hối của chúng ta bằng cách cống hiến cho chúng ta ơn tha thứ của Ngài. Hãy bước qua ngưỡng cửa của lòng thương xót này của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ mệt mỏi tha thứ, không bao giờ mệt mỏi chờ đợi chúng ta.