Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Lễ Thánh Giuse thợ




Người Do Thái đánh giá thấp về lao động khi nói rằng Chúa là con bác thợ mộc. Ngày nay người ta vẫn coi thường những người lao động. Khi nói đến hai chữ lao động là người ta nghĩ ngay đến việc cực nhọc, tầm thường, không sạch sẽ và không có nhiều tiền.

Chúa Giêsu đã chọn sinh ra trong một gia đình lao động như một môi trường để trưởng thành về nhân cách, tinh thần và đạo đức.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khởi đầu triều đại vào ngày lễ kính Thánh Giuse, ngày 19.3.2013. Trong bài giảng khai mạc sứ vụ, Đức Thánh Cha có nhắc đến gương sáng của Thánh Giuse: Thánh Giuse được Chúa trao cho trách nhiệm gìn giữ và coi sóc Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Thánh Giuse là con người mạnh mẽ nên mới có được sự bình thản và dịu dàng trong mọi hoàn cảnh, vì Ngài làm chủ được bản thân mình. Mỗi người đều được kêu gọi cộng tác vào công trình sáng tạo và gìn giữ công trình đó cho tốt đẹp: môi trường thiên nhiên, xứ đạo mình sinh sống và đặc biệt là chính gia đình mình. Phải ra công gìn giữ sự thánh thiện của tâm hồn con cái và những nề nếp sinh hoạt của giáo xứ. Điều đáng buồn là nhiều khi ta làm cho môi trường sống của anh em bị nhơ uế bởi những chuyện tục tĩu và nạn cờ bạc. Không có gì nguy hại cho các gia đình bằng nạn cờ bạc. Trong lao động người ta chắt bóp từng đồng tiền để chi tiêu cho gia đình, vậy mà họ sẵn sàng vứt ra chiếu bạc cả chục triệu đồng.

Đức Thánh Cha còn nhắn nhủ thêm: Nhưng để “gìn giữ” thì chúng ta cũng phải chăm sóc chính mình! Chúng ta hãy nhớ rằng oán ghét, ghen tương, kiêu ngạo làm cho cuộc sống bị nhơ bẩn! Gìn giữ có nghĩa là canh chừng những tâm tình chúng ta, con tim chúng ta, vì chính từ đó nảy sinh những ý hướng tốt hay xấu: những ý hướng xây dựng và những ý hướng hủy hoại! Chúng ta không được sợ sự tốt lành, và cũng đừng sợ sự dịu dàng! Hãy biết đón nhận toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất. Chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết giữ gìn!


 

TÔI LÀM TRUYỀN THÔNG





Khi tôi nói chuyện với ai đó, dù chỉ là một lời thăm hỏi hoặc trao gửi một tâm tình nào đó… thì đó là truyền thông – với 4 yếu tố cấu thành: người gửi, sứ điệp, kênh truyền và người nhận.

Bình thường, khi nghe đến 2 chữ truyền thông là ta thường nghĩ đến những điều cao siêu, những kỹ thuật tân tiến và việc ấy chỉ dành cho một số người chuyên ngành. Vâng, đúng thế - nhưng không phải thế: hằng ngày mỗi người đều trao nhau ánh mắt – nụ cười và biết bao nhiêu vấn đề được thảo luận… hằng ngày mỗi người đều chuyển cho nhau những thông điệp tốt - xấu.

Bản chất của Thiên Chúa Ba Ngôi là truyền thông: Ba Ngôi trao ban cho nhau – mang lại bữa tiệc tình yêu vĩnh cửu, Thiên Chúa lại còn tạo dựng nên muôn loài là để mạc khải vẻ đẹp của Ngài, Ngôi Con là nhà truyền thông tuyệt hảo – hoàn tất những mạc khải về Thiên Chúa – và qua cái chết tự hiến, Ngài đã nối liền đất với trời. Đến lượt mình, Giáo hội có sứ mạng truyền thông cho muôn loài biết sứ điệp: “Thiên Chúa yêu thương con người”.

Muốn truyền thông cho tốt, con người phải dùng những phương tiện mới, ngôn ngữ mới, văn hóa mới và phải biết tâm lý. Nhà giáo dục mà không biết “new media” (phương tiện mới) thì bị đẩy ra bên lề xã hội. Năm 2010, một Blog tuổi teen được google bình chọn là nhiều khách vào thăm nhất – mà người làm chủ là một cô bé tuổi 12! Nếu ta quá chậm chạp với internet, blog, you tube, truyền thanh, truyền hình… thì bữa tiệc hỏa ngục sẽ tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Hãy cố gắng để dọn ra những bữa tiệc thiên đàng cho người trẻ hưởng dùng: những chân lý đạo được trình bày sống động, những tư tưởng đem lại sự hiệp nhất và bình an cho các tâm hồn, những lưu niệm đạo đức xây dựng một lối sống thanh cao – phù hợp với phẩm giá người con Chúa.

Để truyền thông tình yêu, Thiên Chúa đã nhiều lần phán dạy từ trời cao. Nhưng để con người hiểu được mức độ thâm sâu của tình yêu ấy, thì Thiên Chúa đã sai Con Ngài nhập thể - mặc lấy thân phận con người yếu đuối, Người con ấy đã dùng nhiều dụ ngôn sống động để diễn tả những mầu nhiệm nước Trời, và với cái chết nhục nhã và sự Phục sinh vinh hiển, loài người đã được cảm hóa bởi một tình yêu thẳm sâu của Thượng Đế. Và để sứ điệp Tin Mừng được lan truyền tới những vùng xa xăm, các nhà truyền giáo đã lên các thuyền buôn bôn ba khắp nơi, để giảng Đạo cho những dân tộc xa lạ về ngôn ngữ và văn hóa.

“Tin Mừng” là sứ điệp quý giá nhất trần gian, vì nó đem lại hạnh phúc cho những ai tin theo. Viên ngọc quý nầy chúng ta được nhận nhưng không thì chúng ta phải biết đem chia sẻ cho người khác nữa. Những kinh nghiệm gặp gỡ của ta với Đức Kitô cũng là những sứ điệp đem lại những niềm vui thiên đàng cho anh em – nên ta cũng phải tìm cách ‘mã hóa’ nó để gửi cho anh em. Nhà truyền thông phải rất tránh nói một đàng mà sống một nẻo: “Khi lời nói một đàng mà cuộc sống lại một nẻo, thì người ta tin hơn vào tín hiệu thứ hai” (Emerson). “Chúng ta dùng ngôn ngữ để nói chuyện, nhưng chúng ta truyền thông bằng cả con người” (Paul Ekmar).

Nếu Giáo hội không tìm mọi cách để truyền thông thì đã phản bội lại chính lý tưởng của mình: “Anh  em hãy đi khắp thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho họ”. Đừng đợi khi có dịp mới truyền thông và cũng đừng nghĩ: chỉ có mấy người nhiều chữ mới làm được việc nầy. Đúng hơn, hằng ngày từ trong tư tưởng và qua lời nói, ta phải nghĩ và nói những lời đem lại sự hiệp nhất – bình an và mang lại lợi ích thiêng liêng. Dù ăn, dù uống, dù chơi, dù đi nhà thờ… mỗi người đều là nhà truyền thông.

VƯỢT QUA CHÍNH MÌNH




Cuộc sống hằng ngày của ta bị vây hãm bởi muôn vàn lo lắng: lo cho Giáo hội, đất nước, gia đình và bản thân. Chúng ta lo kiếm kế sinh nhai và lo lắng cho gia đình mình được hoàn hảo hơn, lo khi thấy chung quanh mình nhiều căn bệnh quái ác đang nảy sinh – vừa tốn tiền lại vô phương cứu chữa. Chúng ta tự hỏi: “Bao giờ bệnh sờ đến ta, bao giờ đến giờ chết đây?”

Nếu sống trong một gia đình đầy đủ các thành viên, có kinh tế khá giả, không ai bị bệnh nan y, không bị tiếng xấu, không bị ai ức hiếp, chung quanh mình là những người đồng bào thì tương đối ta hưởng một chút an tâm. Nhưng nếu gia đình mất đi một cột trụ hay gặp hoàn cảnh éo le, bị người đời khinh bỉ, lẻ loi nơi đất khách quê người thì có một áp lực rõ rệt, đôi khi làm ta thấy khó thở, ăn không ngon – ngủ không yên.

Khi đọc thấy những bài báo viết về trường hợp một số sinh viên hoặc doanh nhân thành đạt, bỗng dưng lạc tính và dở hơi, phải điều trị trong bệnh viện tâm thần…nhiều học sinh cảm thấy sợ bị bệnh thần kinh vì học hành căng thẳng. Khi sống trong những vùng có nhiều người ung thư, mỗi lần thấy ai đó đi khám bệnh và trong người họ có một khối u ác tính, nhiều người cảm thấy muốn buông xuôi vì sợ bệnh.

Chung quanh ta còn có nhiều mảnh đời oan nghiệt. Theo một thống kê về các Kitô hữu tử đạo vì niềm tin cho biết: mỗi năm có khoảng trên 100.000 người bị giết, nghĩa là cứ khoảng 5 phút lại có một vị tử đạo. Nếu sống trong những vùng Trung Đông, Ấn Độ…mạng sống của nhiều người thường xuyên bị đe dọa, tài sản bị cướp phá, cuộc sống bị cô lập. Có những người khi yêu nhau thì tha thiết, nhưng sống với nhau một thời gian – một ngươi dở chứng đi tìm mối tình khác, làm cho kẻ ở lại lâm vào tình trạng khó xử. Có những người suy thận, phải chạy thận cả đời, đã không có thu nhập lại tốn kém và phiền phức cho người thân. Có những gia đình danh giá bỗng dưng con trai phá phách – con gái thì hư hỏng, nỗi đắng cay dằn vặt suốt đêm trường. Có những người con ‘từ’  cha mẹ vì cho rằng mình bị thua thiệt về gia tài được chia, bình thường đã không đi lại thăm nom cha mẹ - mà đến giờ cha mẹ chết cũng chẳng gặp để thanh thỏa tình cảm. Có những người muốn sống theo Tin Mừng, nhưng lại bị các đam mê xấu bủa vây – đến nỗi không dám bén mảng đến nhà thờ vì xấu hổ, đến nỗi được xếp vào thành phần bỏ nhà thờ lâu năm. Đức Hồng y Fx Nguyễn Văn Thuận kể lại: “trong 9 năm biệt giam, có những tuần điện sáng chói cả ngày lẫn đêm, nhưng có những tháng trời lại chìm nghỉm trong tăm tối”, thật là một thử thách thực sự để giữ vững tinh thần trong một viễn tượng tương lai mịt mù.

Nỗi sợ tai ương ập đến trong tương lai, nỗi uất hận và hằn học vì những chuyện quá khứ, và gánh nặng cuộc đời đang oằn trên đôi vai mỗi người có thể tạo nên một áp lực thực sự - nếu ta không biết hóa giải nó. Có người rút vào vỏ ốc, mặc cảm và âm thầm cảm thấu nỗi đau: chẳng muốn trao đổi và gặp gỡ ai, càng ngày càng rơi vào trầm cảm. Có người buông xuôi mọi bổn phận đạo đời, thấy cuộc đời hoàn toàn đen tối, tìm vui trong men rượu và la cà vui chơi cho quên nỗi sầu, kể cả quyên sinh.

Nhưng, chung quanh ta vẫn có những người biết vượt qua số phận và chúng ta cảm phục những người đó. Họ là những người dù ngồi trong ngục tù vẫn giữ được sự bình thản cần thiết, lý trí không bị khuất phục trước những nhu cầu hạ đẳng của con người. Họ là những người khi sinh ra đã bị cụt mất đôi cánh tay mà vẫn học giỏi và biết viết – biết vẽ; có những người mà tai nạn đã cướp của họ đôi mắt và kể cả có những người nằm một chỗ nhiều năm trời… nhưng chính họ lại đem lại niềm vui sống cho những người đến thăm họ. Họ là những người bị bệnh Sida, may mắn được dùng thuốc điều trị, hiện đang dấn thân phục vụ giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Họ là những người vì Danh Chúa Kitô, đã không ngại gian khổ nơi những miền truyền giáo, không sợ bệnh cùi và Sida để yêu mến Chúa Kitô nơi những người bất hạnh.

Để vượt qua số phận đời mình, đừng quan trọng hóa những cái phụ tùy và đừng thương hại bản thân quá đáng, vì điều quan trọng duy nhất nơi trần gian nầy là ‘nên thánh’ và biết vâng theo ý Chúa. Đừng lo tìm cách được mọi người kính trọng, đừng đề cao ‘cái tôi’ và tìm cách thanh minh những hiểu lầm trong cuộc sống. Đừng ngồi lỳ ở nhà và giam mình một chỗ, phải biết xả stress bằng việc tham gia những sinh hoạt lành mạnh đạo đời, nhờ vậy mình thêm tự tin để vươn dậy, và thấy đời mình còn có ý nghĩa. Phải phân tích được nguyên do vui buồn của mình và tập làm chủ những cảm xúc đó: đừng bị dày vò bởi quá khứ, bồn chồn vì tương lai, nhưng biết vui cùng hiện tại.

Và điều quan trọng nhất là phải đến với Chúa để được Chúa tư vấn, an ủi và bổ sức; vì tự sức riêng ta chẳng làm được điều gì tốt, và vì Chúa mới là cùng đích và ý nghĩa cho cuộc đời mình: ta sống là sống cho Chúa và chết là để thuộc trọn về Chúa. Hãy luôn có tâm tình của trẻ thơ sống dưới con mắt Chúa: Ngài yêu thương tôi trước và luôn khắc ghi tên tôi trong lòng bàn tay Ngài

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

ĐẦY TỚ CỦA CẮC ĐẦY TỚ.





Các Đức Giáo Hoàng thường tự xưng mình là ‘đầy tớ của các đầy tớ, vì muốn hạ mình phục vụ các tín hữu. Nhiều người cũng tự xưng mình là đầy tớ của người khác. Nhưng để trở thành người đầy tớ tốt – biết phục vụ Thiên Chúa và anh em thì ta phải nhìn vào gương sáng của Thánh Giuse (ngày 1/5 là ngày mừng lễ Thánh Giuse Thợ).

Thánh Giuse là đầy tớ của Chúa. Điều này được thấy rõ trong Tin Mừng: Chúa muốn Ngài cộng tác vào công việc hạ sinh và dưỡng dục Chúa Kitô và Thánh Giuse đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, dù kế hoạch của Chúa thật ‘kỳ lạ’. Chúa chẳng bàn qua với Thánh Giuse một tiếng – khi định cho Người làm bạn trăm năm của Đức Mẹ và cha nuôi Chúa Giêsu… vậy mà Thánh nhân cũng chẳng phàn nàn trách mắng một lời.  Thánh Giuse là người phục vụ khiêm tốn trong gia đình Nagiarét, Thánh nhân sống bằng nghề thợ mộc – dùng sức lao động để nuôi sống bản thân và đã phục vụ bà con qua nghề nghiệp của mình. Ngài cầu nguyện trong lao động, nên cuộc sống tràn ngập sức sống nội tâm và tỏa sáng nét an bình. Những câu chuyện về Thánh Giuse kỳ lạ đến nỗi nhiều người không tin rằng: ‘Đức Mẹ trọn đời đồng trinh, cả trước và sau khi sinh Chúa Giêsu’.

Chữ ‘service’ trong tiếng Pháp và Anh, bắt nguồn từ servus của tiếng La tinh có 3 nghĩa: dịch vụ, nghĩa vụ và phục vụ. Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay chữ dịch vụ đang là một hiện tượng ‘làm tiền’ ngay trong những lãnh vực đầy tính nhân đạo như bệnh viện, công sở và du lịch – lễ hội. Muốn bảo đảm chất lượng và đỡ mất thời giờ, người ta đành chấp nhận ‘dịch vụ’. Còn chữ nghĩa vụ thì muốn nói đến những trách nhiệm buộc phải thi hành, như nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ đóng góp tiền thuế... Chữ phục vụ mang một ý nghĩa cao đẹp, là sự dấn thân giúp đỡ người khác, biểu hiện của lòng tốt và một nghĩa cử bác ái, nhưng dường như phạm vi hoạt động của nghĩa thứ ba này càng bị rút lại trong nền kinh tế thị trường hôm nay. Ngay trong công tác nhân đạo và việc phục vụ giáo hội, nhiều khi ta thấy gánh nặng  trong việc phục vụ, nên ta dễ né tránh và ‘vác’ một cách nặng nề, bó buộc.


Thế giới chúng ta tràn ngập những xa lộ chằng chịt như một màng nhện: đường trên không, đường trên đất và đường hầm; mỗi loại đường lại được thiết kế nhiều tầng và đầy những lối rẽ về đủ mọi hướng đông – tây – nam - bắc… ai không nắm vững lộ trình thì chắc chắn sẽ bị lạc lối. Hệ thống đường sá gợi cho chúng ta một màng nhện tâm linh: nhiều lý thuyết sống cùng tồn tại và dương oai trên hành tinh nầy, mỗi thời đại và mỗi vùng đất mang sắc thái riêng của nó. Những chủ thuyết sống tốt và xấu thấm sâu vào tâm khảm con người một cách tiệm tiến – như những hạt tuyết nhẹ tênh rơi trong đêm đông - nhưng đến một lúc nào đó đủ làm cho cành cây oằn xuống. Nhưng khi mùa xuân đến, những tia nắng mặt trời dọi chiếu và gió thổi từng luồng nhè nhẹ… làm rơi rụng những cụm tuyết dày đó, những cành cây được giải cứu và trở lại dáng thẳng đứng xưa.

Bóng tối và ánh sáng không ngừng luân phiên thay đổi từng ngày trên địa cầu nầy. Ân sủng và đam mê không ngừng giao chiến với nhau trong chính từng tâm hồn. Tính ích kỷ chỉ nghĩ đến mình và lòng quảng đại - lo cho hạnh phúc tha nhân luôn giao đấu từng ngày. Và dường như thời đại thông tin đã giúp cho khuynh hướng hưởng thụ - lối sống nặng vật chất lan tràn nhanh hơn và rộng hơn. Ngay tại những xứ đạo vùng quê, nhiều người thờ ơ với sinh hoạt giáo xứ để vùi đầu vào trong chiếu bạc và rượu chè, người ta lừa lọc nhau ngay từ trong gia đình… bỏ bê cả gia đình và công việc làm ăn, lãng quên những quyết tâm thăng tiến bản thân và gia đình mình.

Thánh Giuse – người công chính - luôn là một vị thánh của thời đại, là một mẫu gương để ta cùng đồng hành với Giáo hội Việt Nam: khiêm tốn phục vụ. Thánh Giuse luôn được diễn tả như một con người trầm mặc, ít nói, siêng năng lao động và khiêm tốn phục vụ… Như vậy, Ngài trở thành mẫu gương cho các kẻ làm cha trong gia đình: biết tận tâm lo lắng cho gia đình mình cũng như gia đình giáo xứ. Để tránh bị vùi dập dưới những đợt sóng cuộc đời xô đẩy và để giữ vững hạnh phúc trong mái gia đình mình, ‘ông Giuse’ phải là người chăm chỉ làm việc, học phục vụ vợ con trong nhà và dìu dắt gia đình mình sống với Thánh Kinh và Thánh Thể.

Thật là kỳ lạ




  1. Thật là kỳ lạ khi tờ giấy 2000 đồng có giá trị thật lớn khi bỏ vào giỏ nhà thờ, nhưng lại quá sức nhỏ lúc đưa nó đi chợ mua sắm.

  1. Thật là kỳ lạ khi thấy một giờ trong nhà Chúa thì quá lâu, mà một giờ xem bóng đá thì qua đi thật nhanh.

     3.      Thật là kỳ lạ khi cầu nguyện thì chẳng biết nói gì, nhưng khi nói chuyện với bạn bè thì chẳng hết chuyện để nói.

   4.      Thật là kỳ lạ khi dự một nghi lễ phụng vụ hai tiếng đồng hồ thì quá lâu, nhưng nếu xem phim thì thật là quá lẹ.

   5.      Thật là kỳ lạ vì chúng ta thấy rất hồi hộp khi trận bóng đá kéo dài thêm mất phút phụ trội, nhưng lại càm ràm khi một bài giảng được kéo dài hơn mọi khi.

   6.      Thật là kỳ lạ vì chúng ta thấy khó khăn để đọc một đoạn Kinh Thánh, nhưng lại dễ dàng đọc hàng trăm trang tiểu thuyết.

   7.      Thật là kỳ lạ khi thấy nhiều người thích ngồi ghế đầu khi đi dự những buổi đại nhạc hội hay các trận đấu bóng, nhưng lại tìm ngồi ở các hàng ghế cuối trong thánh đường.

   8.      Thật là kỳ lạ khi chúng ta cần có hai hay ba tuần lễ để sắp xếp thời giờ cho những công việc nhà Chúa, nhưng lại dễ dàng thích ứng cho những chương trình khác trong chớp nhoáng ở phút chót.

   9.      Thật là kỳ lạ sao thấy quá khó khăn để nhớ một đoạn Kinh Thánh hầu có thể thuật lại cho người khác, nhưng lại rất dễ dàng để hiểu và nhớ những lời đàm tiếu, dèm pha để kể cho người khác nghe.

   10.      Thật là kỳ lạ sao chúng ta dễ tin những gì báo chí đăng tải, nhưng lại nghi nan đặt vấn đề về những gì Kinh Thánh dạy.

   11.      Thật là kỳ lạ sao ai cũng muốn lên Thiên Đàng, nếu họ không phải tin, không phải suy nghĩ, không phải nói hay làm gì.
Sưu tầm

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

TIẾNG CHUÔNG.





“Boong…Boong…Boong.”
Tôi thức giấc khi nghe tiếng chuông nhà thờ Chính tòa Banmêthuột gióng lên giữa một khung cảnh tĩnh mịch của vùng trời cao nguyên.
            Mới 4g sáng, thành phố còn đang ngái ngủ và còn chìm trong màn sương mù mỏng. Tiếng chuông trầm đục vang lên một hồi dài và tiếng ngân của nó cứ dội lên như từng đợt sóng đuổi nhau vào cõi không trung, len lỏi vào tận nơi sâu kín của nhiều người.
            Giữa một thành phố ô hợp gồm nhiều thành phần dân cư, tiếng chuông nghe cứ là lạ làm sao ấy! Nó vang lên để kêu gọi đoàn con cái Chúa tụ họp để dâng lên Đấng tối cao lời ca ngợi đã đành, nhưng tiếng chuông ban mai ngân vang một cách kiêu hãnh như để nói lên sự hiện diện của một ‘thành phần’ dân chúng, như một lời giới thiệu về Thượng Đế và như một niềm tự hào của Niềm Tin. Tôi chợt nhớ tới câu hát của nhạc sĩ Trần Hoàn: “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh…”. Chắc hẳn người ấy đã cảm thấy bồi hồi - xúc động … vì cảm được một sự gần gũi quê hương dù ở nơi xa xôi và trong lòng trào dâng niềm tự hào khi được giới thiệu cái tinh túy của quê hương mình cho người xa lạ.

            Tiếng chuông nhà thờ Chính tòa vang lên không biết đã bao năm rồi và có lẽ sẽ còn tiếp tục vang lên  trong nhiều năm nữa. Tôi vẫn thường nghe tiếng chuông của những xứ đạo toàn tòng mỗi ngày và tôi hiểu nó chỉ đơn thuần là tiếng mời gọi cộng đoàn tụ họp để thờ phượng, nhưng ở một thành phố năng động, nơi đa số dân cư là người ngoại thì lại khác, tiếng chuông ngân vang lúc sáng tinh mơ đã làm tôi thật sự bồi hồi cho đến tận bây giờ!
            Nếu một xứ đạo vì một lý do nào đó, tiếng chuông không được cất lên thì ở đó có một sự rời rạc trong nếp sống đạo rõ rệt; và ngược lại, khi tiếng chuông lại cất lên đều đặn mỗi ngày, thì có một niềm an bình ngự trị và đời sống tinh thần rất ổn định.Trong thực tế có nhiều người nghe tiếng chuông nhà thờ nhưng họ không màng đi đến thờ phượng Chúa vì họ còn quá bận rộn! Có người đến nhà thờ và thật lạ lùng là cứ đúng vào ngày Chúa Nhật! Họ lý luận suông: “không cần đọc kinh đi lễ nhiều mà chỉ cần sống cho tốt là được!”. Thật ra họ sống tốt thế nào thì không ai kiểm chứng cho đâu. Còn chúng ta, những người con cái Chúa, hãy siêng năng cầu nguyện và tích cực làm việc lành nhé! Tôi dám đảm bảo một người không thể sống tốt ‘khách quan’ được nếu họ không siêng năng đến nhà thờ và sống thân mật với Chúa Giêsu Thánh thể.
            Cuộc đời làm người con Chúa cũng là một tiếng chuông ngân, vang vọng vào thế giới và là một dấu chỉ cho người đời. Thánh Phaolô căn dặn: “Giữa một thế hệ gian tà và sa đọa anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa vòm trời (philip 2,15) Còn Thánh Phêrô thì nói: “Anh hãy sẵn sàng trả lẽ cho bất cứ ai chất vấn về niềm tin của mình” (1Pet 3,15)

Ai là anh em tôi?





Nếu trả lời theo lý thuyết thì câu hỏi nầy thực sự không khó, vì giới răn yêu thương là giới răn căn bản của đạo.  Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về nhân đức nầy và được các tông đồ dẫn giải để áp dụng cụ thể trong đời sống. Trải qua các thời đại, đã có biết bao bài suy niệm và sứ điệp của các Đức Giáo Hoàng triển khai. Và nhất là đã có gương yêu thương đến tự hiến của Thầy Giêsu với lời dạy : “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Thánh Phaolô đã diễn tả: trong lúc ta còn là tội nhân thì theo kỳ hẹn, Đức Kitô đã nộp mình chịu chết vì chúng ta.


Trong Tin Mừng Luca, qua câu chuyện người Samari nhân hậu (Lc 10, 29-37), chúng ta hiểu được anh em tôi là người tôi quan tâm đến: bỏ thòi giờ - tiền bạc và cả sự liều lĩnh. Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu 1982 đã đưa ra khẩu hiệu “Mọi người là anh em tôi” . Sứ điệp mùa chay 2012, Đức Thánh Cha Benêdictô 16 lấy chủ đề "Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau, để khích lệ nhau trong đức bác ái và các công việc lành" (Dt 10,24) ; Ngài nói : “Hãy chăm chú nhìn người khác, trước tiên là nhìn Chúa Giêsu, và chú ý đối với nhau, đừng tỏ ra là người xa lạ với nhau, đừng dửng dưng về số phận của các anh em. Bệnh của thế giới này không phải do sự phung phí tài nguyên hoặc vì một số người vơ vét của cải, nhưng là do sự thiếu tình huynh đệ giữa con người và các dân tộc với nhau. Sự quan tâm đến người khác bao gồm ước muốn cho họ điều thiện hảo, dưới mọi khía cạnh: thể lý, luân lý và tinh thần. Sự quan tâm còn phải hướng đến sự ân cần đồi với thiện ích thiêng liêng của họ và sự sửa lỗi huynh đệ nhắm đến sự sống đời đời”.

Có câu danh ngôn nói: “Yêu thương hết mọi người, thân thiết với một số người và đừng làm mất lòng ai”. Nhìn nhận ‘mọi người là anh em’ không phải là nghệ thuật sống để thành công trên đời, nhưng có nền tảng từ đức tin: mọi người có chung một người Cha trên trời và cùng được Đức Kitô đổ máu ra cứu chuộc. Đức yêu thương dạy ta nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô nơi người anh em, ta chỉ chê ghét tội lỗi nhưng không được ghét bỏ kẻ có tội. Khi nói chuyện với những người trong tổ chức Caritas quốc tế, ĐGH Bênêdictô 16 dạy rằng khi làm việc bác ái và cứu giúp người cùng khổ, ta phải có ý hướng đưa họ nhận biết Cha trên trời. Nhiều người đã nghiệm ra rằng khi họ đến với người nghèo khổ thì họ là người nhận được nhiều hơn những điều họ cho đi: “chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh” (Thánh Phanxicô Assidi). Ngoài sự bình an và niềm hạnh phúc của sự trao ban, họ còn gặp được chính Chúa Giêsu – vì Ngài ưa thích hiện thân trong những kẻ bé mọn, để tạo cơ hội làm phúc cho con người.


Thế nhưng thật là khó để nói lên những cảm nghiệm của riêng mình cho người khác về chủ đề ‘Ai là anh em tôi?’ mà không khỏi thẹn thùng, may ra chỉ có những ‘vị Thánh’ như Mẹ Têrêxa, cha Đamiêng Tông đồ người hủi… mới dám nói về nó một cách rõ ràng. Còn tôi và nhiều người trong chúng ta chẳng làm được gì nhiều cho tha nhân, cùng lắm chỉ là yêu thương những người trong gia đình mình và một số người ‘dễ thương’ một chút, cùng lắm chỉ là phục vụ trong một số lãnh vực nho nhỏ, chỉ là dành một số thời giờ và một số tiền ‘còm’ cho công tác thiện nguyện… Trong lúc Chúa dạy ta yêu thương không loại trừ một ai: Khi dâng của lễ, nếu con sực nhớ người anh em đang bất bình với con thì hãy để của lễ lại, đi làm hòa trước; Ai mắng anh em là đồ khùng thì sẽ bị lửa hỏa thiêu; điều gì con không muốn kẻ khác làm cho mình thì đừng làm cho người khác; không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hiến mạng mình vì bạn hữu”.

Vườn địa đàng ngày xưa muôn phần xinh đẹp vì tràn ngập tình yêu thương và vâng phục. Thế nhưng, tội bất tuân đã làm đảo lộn mọi thứ: vợ chồng bội thề với ‘nửa kia’ của mình, Cain giết em là Abel, người nầy kiêu ngạo chống lại người kia, lối sống hưởng thụ và ích kỷ làm cho con người tẩy chay và loại trừ nhau - xem nhau như kẻ thù, kể cả người đó là con mình hoặc người cùng máu mủ ruột thịt. Khi nói tới hai chữ ‘anh em’ là ta muốn nói đến cách đối xử nhân nghĩa, quan tâm và giúp đỡ, chín bỏ làm mười: chạnh lòng thương.

Thiên Chúa trao cho người năm nén bạc, còn kẻ khác một nén. Có kẻ được ơn Chúa thúc đẩy để làm những việc lớn lao cứu nhân độ thế, còn kẻ khác chỉ là khiêm tốn yêu thương những người quanh mình: “Trên hết mọi sự anh em hãy có đức yêu thương’. Sống trên đời, mỗi ngày luôn có sự giằng co nơi tâm hồn ta: trao ban và giữ lại cho riêng mình. Thế nên câu hỏi ‘Ai là anh em tôi?’ phải là câu tự vấn lương tâm để tôi có một cách sống đẹp lòng Chúa. Chúa dạy tôi khởi đi từ việc đừng làm hại anh em: ‘Điều con không muốn kẻ khác làm cho mình thì đừng làm cho người khác’;tiếp đến là đừng báo thù, đừng mắng chửi; đừng lên án, đừng vô tâm và loại trừ một ai ra khỏi vòng tay yêu thương, mỗi người là môi miệng và tay chân để Chúa tiếp tục đến với anh em. Chỉ có sức mạnh của Thánh Linh mới giúp ta vượt thắng tính ích kỷ nơi mình để nhìn nhận ‘mọi người là anh em tôi’: “Cả ông nữa, hãy đi và làm như thế” (Lc 10, 37).

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Chân phước Gioan Phaolô 2, một mẫu gương cầu nguyện.




Một gương sáng của vị Giáo hoàng yêu quý của chúng ta để lại là một đời sống kết hiệp sâu xa với  Thiên Chúa và lòng sùng kính Đức Maria. Trong năm Đức Tin, chúng ta được mời gọi củng cố mối thân tình với Con Thiên Chúa. Xin kể lại một vài chứng từ của Ngài để chúng ta thêm xác tín và bắt chước:
Trong bài giảng Lễ Phong Chân Phước Đức Gioan Phaolô II, Chúa Nhật ngày 01.5.2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã nhớ đến vị tiền nhiệm với lòng ngưỡng mộ: Công việc của tôi đã được nâng đỡ nhờ sự sâu sắc tâm linh và nhờ tri thức khôn ngoan phong phú của ngài. Tấm gương cầu nguyện của ngài không ngừng gây cảm kích và soi sáng cho tôi: ngài không ngừng kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa ngay cả khi lọt thỏm giữa bao yêu cầu của sứ vụ. Và cần phải kể đến chứng tá của ngài trong đau khổ nữa: Chúa đã dần dần rút đi khỏi ngài mọi sự, nhưng ngài vẫn cứ là “tảng đá”, như Chúa Kitô mong muốn. Lòng khiêm nhường sâu xa của ngài, cắm rễ trong mối gắn bó mật thiết với Đức Kitô, đã giúp ngài tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội và trao cho thế giới một sứ điệp thậm chí càng hùng hồn hơn khi sức mạnh thể lý của ngài suy kiệt. Bằng cách này ngài đã sống trọn, một cách phi thường, ơn gọi của mọi Linh Mục và Giám Mục, đó là trở nên một hoàn toàn với Chúa Giêsu, Đấng mà ngài đón nhận và trao ban hằng ngày trong Bí Tích Thánh Thể.
Chứng từ của Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận:
 Đức Thánh Cha là một người cầu nguyện, cầu nguyện không ngừng và tha thiết. Một ngày ngài vào Nhà Nguyện cầu nguyện đến 7 lần và nhất là cầu nguyện ban đêm. Ở Roma có Đức Hồng Y Deskur người Ba Lan, cùng lớp với Đức Thánh Cha, bị bại bán thân, đi đâu thì phải có người đẩy xe lăn đi.  Vì Đức Giáo Hoàng là bạn của tôi. Nên hồi còn làm Linh Mục, Giám Mục, rồi Hồng Y, mỗi khi đến Roma thì ngài đến trọ ở nhà tôi. Nhưng có nhiều lần tôi gặp ngài ban đêm và thấy ngài cứ nằm sấp, hai tay giang ra như hình Thánh Giá như vậy, nằm trên sàn đá ở nhà nguyện. Tôi sợ ngài đau, hoặc bị cảm, sưng phổi, nên tôi phải làm cái nền Nhà Nguyện bằng gỗ cho ngài nằm !”
Đức Hồng Y Thuận nhận xét: Đức Giáo Hoàng cầu nguyện luôn như vậy, cầu nguyện nhiều lắm, hoàn toàn tín thác, tin tưởng nơi Đức Mẹ. Vì thế, ngài không tiếc gì và không sợ gì, dám làm những chuyện mà người khác không dám làm”.

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Thuận kể thêm: “Có lần tôi đi qua bên Mêhicô năm 1999. Đức Thánh Cha tới trước. Ngài đến để công bố Tông Huấn “Giáo Hội tại Mỹ Châu” ( Ecclesia in America ) và ngày cuối cùng, 26.1.1999, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ giới trẻ ở sân vận động. Gặp xong, khi về nhà, Đức Thánh Cha nói với Đức Sứ Thần Tòa Thánh: “Mệt quá hè ! Thôi đi ngủ!”
Chính Đức Sứ Thần Tòa Thánh về sau thuật lại với tôi: “Lúc ấy tôi mệt quá sức, nên khi nghe Đức Thánh Cha nói “thôi đi ngủ !”, tôi mừng quá, vì tôi mệt rã người ra rồi... Tôi thì sợ không biết Đức Thánh Cha có thức dậy nổi không, nhưng ngài lại dặn dò tôi: “Sáng mai, nếu Đức Cha muốn đồng tế với tôi thì vào Nhà Nguyện, chúng ta đồng tế với nhau.”
Đức Sứ Thần kể tiếp với tôi: “Tôi về phòng, ngủ một giấc, ngủ say, sáng hôm sau, thức rồi mà chưa muốn dậy nữa ! Nhưng tôi phải lo, trước 8 giờ, tôi chạy tới phòng Đức Thánh Cha, thấy anh sĩ quan vệ binh Thụy Sĩ gác ở đó, tôi hỏi: “Anh có thấy Đức Thánh Cha chưa ?” – “Dạ có !” – “Anh thấy lúc nào ?” – “Thưa con thấy Đức Giáo Hoàng lúc 12 giờ đêm...” Tôi ngạc nhiên quá hỏi tiếp: “Vậy ngài đi đâu ?” – “Thưa đi Nhà Thờ ?” Tôi kinh ngạc hỏi lại: “Ngài đi Nhà Thờ lúc 12 giờ đêm ?” – “Dạ đúng, ngài đi lúc 12 giờ đêm” – “Vậy ngài có về phòng không?” – “Dạ không ! Ngài có dặn con rằng “Sáng mai, nếu Đức Sứ Thần Tòa Thánh đến tìm tôi, thì nói ngài vô Nhà Thờ, cha đợi ngài đồng tế !”
Đức Sứ Thần Tòa Thánh nói với tôi ( Đức Hồng Y Thuận ): “Mình mệt như vậy, mà Đức Giáo Hoàng thì thức cả đêm ! Lại vào Nhà Thờ ở với Chúa cả đêm.”
Và Đức Hồng Y Thuận kết luận: “Đối với Đức Thánh Cha, cầu nguyện như thế là chuyện bình thường. Anh chị em có gặp Đức Ông Trần Ngọc Thụ, hỏi ngài thì biết. Đức Thánh Cha thường vào Nhà Nguyện của ngài như thế nào” !
Chứng từ của Đức Hồng y Dziwis: Tôi đã tự hỏi mỗi ngày Đức Gioan Phaolô 2 cầu nguyện bao nhiêu giờ và lần bao nhiêu chuỗi hạt?- Tôi nghiệm ra rằng Ngài đã cầu nguyện suốt cả ngày sống. Ngài luôn có cỗ tràng hạt bên mình, nhưng nhất là Ngài luôn  kết hiệp với Chúa và chìm ngập trong Chúa.
Dù người ta không biết, Ngài luôn cầu nguyện cho những người đã đến gặp Ngài. Sau cuộc nói chuyện, Ngài thường cầu nguyện cho những người đã tiếp xúc và đã xin Ngài cầu nguyện (trên bàn làm việc của Ngài luôn có sẵn một danh sách những người cần cầu nguyện đã được cha thư ký ghi sẵn). Ngày sống của Ngài luôn bắt đầu với việc cầu nguyện, suy niệm và kết thúc với việc chúc lành cho thành Roma. Khi còn đi lại được, Ngài luôn đứng ở cửa sổ để chúc lành, và khi đã yếu nhọc Ngài luôn yêu cầu dìu đứng lên để nhìn và chúc lành cho Thành. Chúc lành cho dân chúng thành phố Roma và giáo phận của mình luôn là cử chỉ cuối cùng của một ngày sống.


MUỐI MEN CHO ĐỜI




Mỗi người khi sinh ra đời là một nhân vị độc đáo, đến nỗi không ai giống ai hoàn toàn về vóc dáng, tâm linh và trí não – kể từ thuở tạo thiên lập địa cho đến ngày tận thế. Nhưng khi sinh ra đời, mỗi người là một nhân tố cấu thành của một tập thể nào đó, tùy lúc – tùy nơi họ hiện diện và tùy góc độ quan sát.

Những màn trình diễn xếp hình của các kỳ thế vận hội cho ta một vài suy nghĩ: mỗi cá nhân dường như chẳng là gì trong tập thể, nhưng lại rất quan trọng để làm nên sự hoàn mỹ cho đội hình; trong  đội hình nầy, có thể ai đó bị lu mờ, nhưng lại nổi bật trong một đội hình khác. Điều kỳ diệu ấy cũng đang xảy ra trong cuộc sống thực, khi ai nấy cũng đang miệt mài đi tìm hạnh phúc, khi ai nấy cũng đang liên tục di chuyển để xếp nên những đội hình – khi họ tham gia nhiều sinh hoạt đạo đời.

Thời gian xoay vần, cuộc sống biến động và lòng người điên đảo…có thể làm biến dạng những quả tim sắt đá nhất. Tương tự như vậy, một dòng suối khi mới vọt lên từ lòng đất thì khá trong lành, nhưng càng chảy qua nhiều vùng đất – nó càng mang nhiều tạp chất. Bởi đó, thật cần thiết có những điểm dừng để hồi tâm và tự hỏi: ‘tôi là ai, cái gì làm nên bản sắc của riêng tôi – cái gì không bao giờ được thay đổi và cái gì là phụ tùy, đối với tôi cái gì là quan trọng nhất?... đó là một tiến trình để tìm lại chính mình.

Sự thánh thiện của thời đại hôm nay không còn phải là suốt ngày nghiêm trang cầu nguyện, ăn chay đánh tội… nhưng là hướng về điều thiện, tìm kiếm sự trọn lành và khao khát điều công chính. Những vị thánh của thời đại như cha Donboscô, chị Têrêxa Hài Đồng, cha Maximilien Kolbê…đã nêu bật một lý tưởng sống: sống thánh là chu toàn bổn phận một cách vui vẻ, hướng lòng về điều thiện và xa tránh phạm tội, dấn thân và hiến mình vì phần rôi các linh hồn.

Thiên Chúa ban cho con người có khả năng mơ ước. Người thành công là người dám mơ ước và biết biến những mơ ước đó thành hiện thực. Có những mơ ước thoáng qua nhưng có những mơ ước làm ta day dứt cả đời nếu ta không thực hiện được. Có những mơ ước đậm nét trần tục nhưng cũng có những mơ ước hướng đến sự trọn lành. Có những mơ ước bệnh hoạn nhưng cũng có những mơ ước rất thực tế và đã làm biến chuyển cả thế giới nầy.

Có những người thuở còn bé chỉ mơ ước làm linh mục để phục vụ Chúa và Giáo hội, thế rồi hoàn cảnh đẩy đưa… nay họ đã rẽ qua hướng lập gia đình. Thật đáng thương cho kẻ ấy, nếu chỉ biết hoài niệm và thương tiếc một thời dĩ vãng, cho rằng đời mình đã dang dở và mãi mãi dở dang. Đáng ra kẻ ấy phải xác định rằng: mình là một Kitô hữu, biết yêu Chúa và phục vụ tha nhân bằng trọn vẹn quả tim của mình. Cũng đừng nghĩ rằng mình chỉ là một viên gạch cố định trong một đội hình nào đó là đủ rồi để từ chối vai trò trong những đội hình khác, vì như thế là quá tự hào về cuộc sống và để tuột mất nhiều cơ hội dấn thân mà Chúa gửi đến cho mình.

Tôi là ai? – Chúa Giêsu đã trả lời rồi: “Các con là muối men cho đời, là ánh sáng thế gian”. Hãy sống cho đúng bản chất của người con cái Chúa: thờ phượng Thiên Chúa là Cha và yêu đồng loại như con cùng một cha trên trời. Sống yêu thương phục vụ, dù trong đội hình nào và dù ở vị trí nào của đội hình - tôi cũng góp một tay để giúp ích cho người khác… đó phải chăng là lý tưởng sống của tôi? Nói như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sống trong đời sống, chỉ cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không, để vĩnh viễn cho gió cuốn đi ! Phải, cần phải có một tấm lòng… ở giữa cuộc đời này, tấm lòng cho đi vô vị lợi, tấm lòng âm thầm khiêm hạ phục vụ mà không cần đền đáp. Một tấm lòng luôn có Chúa ở cùng.

Và nếu tôi là linh mục, tôi được xem là người thành đạt, vì đã biến ước mơ thuở xưa thành hiện thực; tôi cũng là muối men cho đời trong từng môi trường và từng đội hình tôi hiện diện.

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Ông Tôma





Thánh Tôma xuất hiện trong Tin Mừng như là một người luôn ‘thọc gậy bánh xe’, một người rất cá tính và là một người luôn thắc mắc… Nhưng khi đã dùng lý trí để tìm hiểu Chân lý và được ơn Chúa soi dẫn, Thánh nhân đã đi rao giảng mãi tận Ấn Độ. Ngài là thần tượng của các nhà khoa học.

Lần thứ nhất xuất hiện trong Tin Mừng là sau khi Chúa loan báo Người sẽ lên Giêrusalem để chịu nộp, Thánh Tôma đã thốt lên: “Nào chúng ta cũng lên Jêrusalem để cùng chết với Chúa”, một lời nói vừa mang tính bộc trực vừa bày tỏ một chút phẫn nộ - thách thức trước kế hoach lạ đời của Thầy mình, trong lúc một người nóng nảy như Phêrô mà còn biết kéo riêng Chúa ra mà nói nhỏ: “Xin Chúa cho Thầy đừng phải chịu những điều ấy!” Lần thứ hai là khi Chúa loan báo việc Ngài sẽ trở về với Cha và sẽ trở lại để mang các môn đệ theo, các môn đệ không hiểu gì về điều Thầy nói, vì Chúa thì nói úp mở và Thánh Thần thì chưa được ban xuống, chẳng ai dám hỏi han cho rõ về mớ bòng bong đó, thì ông Tôma liền lên tiếng: “Chúng con không biết Thầy đi đâu thì làm sao biết được đường?” Chúa Giêsu mới mạc khải cho chúng ta một câu Tin Mừng thật hay: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Lần thứ ba xuất hiện, Thánh Tôma là một kẻ cứng lòng: ông không dễ dàng chấp nhận một điều mà lý trí không hiểu nổi, Ngài cũng không mềm lòng trước chứng từ tập thể các tông đồ về việc Thầy sống lại… nhưng lòng Ngài đã trở nên dễ dạy trước ơn Thánh Chúa ban, để mạnh mẽ tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế và là Chúa của lòng mình… sau đó, theo truyền thuyết, Ngài đã ra đi rao giảng Tin Mừng xa nhất, xa đến nỗi khi Đức Mẹ mất, Ngài trở về thăm thì không thấy xác Mẹ đâu nữa, ngôi mộ Mẹ tỏa một hương thơm ngào ngạt. Ngài đã chịu tử đạo ở Ấn.

Những người luôn biết đặt lại vấn đề, biết tư duy để đạt được những ‘xác tín cá nhân về đạo’, không chấp nhận giữ đạo theo bầy đàn – rập khuôn… được xem là những Tôma của thời đại. Lịch sử Giáo hội đã có kinh nghiệm: nhiều người đã dám lên tiếng về những điều bất toàn về cơ cấu và sinh hoạt của giáo hội cũng như các cộng đoàn tu trì, dù nhiều khi họ bị buộc phải im lặng và bị nghi ngờ. Nhưng chính nhờ những cái nhìn ‘phản diện’, không rập khuôn và vì thiện chí muốn xây dựng ấy mà đã có những cuộc cải tổ, đã có công đồng Vaticanô II. Ngay trong một giáo xứ và những tập thể sinh hoạt đạo, ta phải biết lắng nghe những tiếng nói và cái nhìn ‘phản diện’, ít là ta có cơ hội để nhìn lại những điểm cốt lõi của Giáo lý và sinh hoạt của chính mình.

Con người thời nào cũng thích chạy theo và dễ tin vào những ‘sự lạ’: ơn chữa bệnh của ông nọ bà kia, sự lạ về các tượng Đức Mẹ…nhan nhản được loan truyền. Thật là ngại khi được ai đó hỏi ý kiến về những sự lạ: tin hay không, do ơn riêng hay thờ thần thánh gì, Chúa hay ma quỷ đứng sau .. Chính những sự lạ đã làm cho người người đổ xô về để xin ơn chữa bệnh và tìm hài cốt, ơn lành hồn xác… Phải thú thực, tôi rất ngại nghe và tin những sự lạ.

Vì Chúa là “Chúa và là Thiên Chúa của con” trổi vượt trên hết mọi chư thần, Chúa tuy vẫn hiện diện ngay trong vũ trụ và trong tâm mỗi người, nhưng dường như Ngài thích sự hiện diện ‘tĩnh’ – dường như Ngài đang ngủ say khi con thuyền các tông đồ bị sóng đánh chập chờn (Mt 8,23)…vì Ngài tôn trọng trật tự tự nhiên và vì Ngài muốn niềm tin ta được trui luyện vững vàng. Đừng vội chạy theo sự lạ vật chất, vì thực ra Chúa muốn ta tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính, tin tưởng vững vàng vào quyền năng Chúa: “Liệu khi Con Người đến còn tìm thấy niềm tin trên mặt đất này nữa chăng?”. Hãy coi chừng các tiên tri giả, chúng thường đội lốt chiên hiền lành, nhưng bên trong lòng chúng là sói dữ, luôn tìm cơ hội để cắn xé con mồi.

Noi gương Thánh Tôma, ta hãy dùng lý trí để minh định điều gì phù hợp với Tin Mừng và được Giáo Quyền dạy dỗ thì ta tin, ta hãy duy trì một đời sống nội tâm – cầu nguyện, để ơn Chúa soi dẫn ta nhận ra Đức Giêsu là Cứu Chúa của nhân loại và là Chúa của cõi lòng mình.

ĐẦY TỚ VÔ DỤNG




Chúa nhật thứ 4 Phục sinh là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, vì bài Tin Mừng cả 3 năm đều trích từ Tin Mừng Gioan đoạn 10. Chúa nhật nầy được dành để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ, để họ trở nên những người nhiệt tình chăn dắt đoàn chiên Chúa. Một cách gián tiếp là cầu cho công cuộc truyền giáo trong Giáo hội. Trong ngày nầy cũng đóng góp quỹ Truyền Giáo.
            Điều đầu tiên ta cần phải khẳng định: Công việc truyền giáo là công việc của Thiên Chúa với sự đóng góp của con người. Bởi vậy, đừng nóng lòng muốn thấy thành quả của những nỗ lực và đóng góp của mình sinh hoa kết quả: “Tôi trồng, Apolo tưới, nhưng Chúa mới cho mọc lên”. Có một nhà truyền giáo J.Dournes đã từng đến Cheo reo ( Phú Bổn) vào những năm 1950, truyền giảng Tin Mừng ở đó trong hơn 13 năm trời, mà không rửa tội cho một ai – vì Ngài nhận ra niềm tin của họ chưa chín mùi. Thế rồi, nhà truyền giáo ấy trở về Pháp và tiếp tục rao giảng Tin Mừng, cho đến một ngày chính Ngài cũng mất Đức tin và đến khi chết cũng vẫn không tin. Vậy mà đến thâp niên 80 (1980-1990), tại Cheo reo hàng ngàn người đã trở lại đạo Công Giáo - và ngay tại quê hương của Ngài cũng vậy, hạt giống Đức tin đã trổ sinh một vụ mùa bội thu, nhờ họ đã thấm nhuần lẽ sống của nhà truyền giáo năm xưa từng sống rất hòa đồng giữa họ. Thử hỏi đây là công trạng của nhà truyền giáo kia ư? – Không thể nói như vậy, vì chính nhà truyền giáo J.Dournes đã bị mất Đức Tin hoàn toàn. Có thể nói việc ‘trở lại đạo’ ồ ạt này chính là việc làm của ơn Thánh, là do bàn tay Thiên Chúa, nhờ sự cộng tác tích cực của nhà truyền giáo trong nhiều năm trời.  Chứng từ của cha Trần Sỹ Tín tại Pleikly cũng kể lại: trong nhiều năm trời, chúng tôi sống giữa anh em đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng không thể nói về Thiên Chúa cho họ, việc truyền giáo dường như đi vào ngõ cụt… Vậy mà sau biến cố phong Thánh cho 117 vị Tử Đạo Việt Nam thì hàng ngàn – hàng ngàn người xin theo đạo, kể cả những buôn làng mà chúng tôi chưa hề đặt chân tới, đó là vì những người đã biết Chúa thì dạy lại cho những người khác… Việc Chúa làm thật lạ lùng – kỳ diệu.

            Nhưng đừng ai nghĩ rằng việc truyền giáo là của Thiên Chúa, nên tôi không cần phải bận tâm! Chính Thánh Phaolô đã thốt lên: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tao là một lệnh truyền của Chúa, đòi mọi người đã chịu phép rửa tội phải có nhiệm vụ rao truyền Tin Mừng Cứu độ cho muôn người. Tận trong thâm tâm, người làm việc tông đồ phải xác tín rằng: Mình chỉ là đầy tớ vô dụng trong bàn tay Thiên Chúa, còn thành quả tông đồ là công trình của Thiên Chúa. Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã nói: Thiên Chúa thích dùng những con số nhỏ, Ngài ưa dùng 300 tinh binh hơn là mấy vạn quân ô hợp, Ngài thích một Đavít bé nhỏ để chống lại với tên khổng lồ Gôliat, “Người lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ”…để đừng có ai vinh vang và kể công đối với Chúa. Khi làm tông đồ, hãy luôn xác tín: chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng.

Có một em nhỏ bị bệnh ung thư, khối u đã quá lớn, em chỉ sống được tối đa là vài năm. Cha mẹ em kêu mời mọi người đến thăm em và cầu nguyện cho em. Số người đến với em càng ngày càng đông, em đã làm cho nhiều người nguội lạnh được ơn trở lại, và cả những người theo hệ phái Tin Lành cũng tìm lại được niềm tin Công Giáo… vì họ thấy nơi em một sự can trường – phó thác trong bệnh tật, và có lẽ họ được hưởng những lời cầu bầu của em, nên họ tìm được một năng lực mới trong hành trình sống đạo. Chính cha mẹ em cũng đã cảm nghiệm được sự thay đổi sâu xa trong nội tâm. Thế đó, dù trẻ con bất tài, dù bệnh tật chẳng cho em nói nhiều… nhưng niềm tin chân thành và tình mến thiết tha của em với Chúa đã là một phương thế truyền giáo.

            Mỗi người chúng ta hãy ý thức bổn phận truyền giáo và thao thức thực hiện nó trong cuộc sống hằng ngày. Nếu ta có Đức tin và lòng mến nồng cháy thì chính cuộc sống hằng ngày của ta sẽ có sức làm lan tỏa Tin Mừng một cách không ngờ. Hãy luôn tin tưởng vào quyền năng của Chúa

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Tấm linh hồn




Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con, để chúng chiêm ngắm vinh quang mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17,24). Điều Chúa Giêsu muốn mạc khải ở đây là mỗi người đều có linh hồn bất tử. Linh hồn bất tử làm nên bản thể của con người. Các tôn giáo đều tin vào sự bất tử của linh hồn.
Những đứa trẻ, con cái của chúng ta, tuy đã học giáo lý nhiều năm, nhưng trong tiềm thức của chúng, chưa chắc chúng đã tin thực sự vào 4 sự sau (chết, phán xét, thiên đàng, hỏa ngục) hoặc tin vào thuyết luân hồi của Đạo Phật mà chúng nghe ở đâu đó. Chẳng ai trong chúng ta cảm nghiệm được những thực tại đời sau, niềm tin của đạo Kitô dựa vào mạc khải của Con Thiên Chúa làm người, và Lời của Ngài không thể sai lầm được. Nếu một Kitô hữu mà còn nghi ngờ giá trị mạc khải của Kinh Thánh và những tín điều Giáo hội công bố thì chẳng biết nói gì với họ về công trình tạo dựng và cứu chuộc, và nhất là về sự sống đời sau.

Tin vào sự tồn tại bất tử của linh hồn quyết định và làm nên một lối sống. Nếu tin có linh hồn thì tôi không được làm hại anh em, không được sống buông thả, không được giết người bằng hành động phá thai.  Môi trường luân lý của xã hội Việt Nam đang nhức nhối về chuyện phá thai mỗi năm đến khoảng 3 triệu và chuyện sống thiếu lương tâm trách nhiệm trong công việc lớn nhỏ, chạy theo theo lợi nhuận. Thân xác con người sẽ mục nát nhưng đáng cho ta trân trọng, vì thân xác thánh thiêng nầy sẽ sống lại trong ngày sau hết – kết hợp với linh hồn để hưởng vinh quang Chúa tặng ban. Thật đáng vui mừng khi những nghĩa địa của các giáo xứ ngày càng khang trang và nhiều người lui tới, vì ‘nghĩ tới cái chết là cách tốt nhất để sống xứng đáng một con người’. Nhưng thật đáng tủi hổ khi những nghĩa địa thai nhi ngày một lớn và mọc nhiều hơn, vì nó là một lời tố cáo xã hội về một tội ác đáng bị lên án: “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13).
Để hiểu về hành vi nhân linh, xin đan cử một câu chuyện: Một người dắt con bò vào ruộng lúa của người khác, con bò phá hại hoa màu; người chủ vườn biết chuyện và bắt người đã dắt bò chịu trách nhiệm – chứ không phải con bò, vì chỉ con người có linh hồn mới có khả năng chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Sống kiếp lữ hành trên trần gian, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về những tư tưởng, lời nói và hành vi của mình, và Chúa sẽ xét xử họ trong hai cuộc xét xử: phán xét riêng khi họ lìa đời và phán xét chung vào ngày tận thế. Có một vị vua muốn được sống khôn ngoan trong địa vị mình, đến gặp một vị ẩn sĩ để xin một lời khuyên. Vị ẩn sĩ bảo vua: mỗi buổi sáng thức dậy, vua hãy lặp lại với chính mình ‘tôi phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về những việc làm trong ngày hôm nay – có vậy vua mới tránh được những cạm bẫy của một vị vua thường gặp’.

Thi sĩ Tagore đã có những vần thơ bất hủ về sự hướng vọng của linh hồn về cõi thiên đàng:
                                    Như đàn hạc hoài hương
                                    Bay thẳng về tổ ấm
                                    Nguyện đời con phiêu diêu
                                    Qua vùng trời thăm thẳm
                                    Lên tận chốn thiên đường
                                         (x. Gitanjali, 103)
Lạy Chúa,
Dẫu biết rằng chết là bước qua ngưỡng cửa để vào cõi sống,
nhưng con vẫn sợ chết, vì e rằng con sống chưa trong sạch và thanh cao như lòng Chúa muốn, và con sợ sự phán xét công thẳng của Chúa.
Xin cho tình yêu mến và lòng tin tưởng vào sự từ nhân của Chúa mạnh hơn sự sợ hãi, vì thực ra công phúc của con đều bởi lòng nhân lành Chúa tặng ban.
Vì như đứa con nhỏ trong nhà luôn được mẹ cha thương mến, dành mọi tình cảm và hy sinh, để lại cho cả gia tài, dù nó chẳng có công trạng gì …
Thật hạnh phúc khi nghe Lời Chúa nói:
“Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa thì hãy còn Thiên Chúa đón nhận con” (Tv 27,10).
Các ngươi tuy là ác mà còn biết lấy của lành cho con cái mình, huống hồ là Cha các ngươi trên trời (Lc 11,13).
Đừng sợ, hỡi đoàn chiên bé nhỏ, Cha trên trời sẽ khứng ban nước trời cho các con (Lc 12,32).

HƯƠNG THƠM HOA ĐỒNG NỘI





Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm về cha giáo Giuse Bùi trung Phong: cha đã phát động một chiến dịch “hoa mắc cỡ” vào những năm 1971-1972 với các chú tân binh nơi chủng viện Lê Bảo Tịnh. Hoa đồng nội có nhiều loại, là những loại hoa có thể nói là ‘vô dụng’ và không ai để ý đến chúng, là hoa của các loài cỏ dại mọc ven đường và các bờ dậu. Trong số chúng có loại hoa ‘mắc cỡ’, là tên của một loại gai, loại hoa này thường mọc ven đường và thường khép lá lại khi bị đụng chạm đến.

            Tuy là một loại hoa nhỏ bé nhưng Thiên Chúa lại thích ngắm nhìn đấy! Chúng tự hào khi được ông chủ nhìn âu yếm, chúng rung rinh những lọn tơ màu hồng khi thấy ánh mắt ông chủ tỏ vẻ sung sướng, chúng như cảm nghiệm được nụ cười hạnh phúc của ông chủ, chúng thực sự rực rỡ khi được đính những hạt sương long lanh và lay động khi làn gió thổi nhẹ. Cuộc đời mỗi người hãy cố gắng sống đẹp, sống tốt, sống chu toàn bổn phận, dâng thật nhiều hy sinh và lời nguyện tắt, hãy nguyện trở nên một bông hoa mắc cỡ để làm vui lòng Thiên Chúa.

 Những ví von này đến giờ nầy ta chẳng thấy có gì mới lạ, nhưng đối với những tâm hồn non trẻ và đầy nhiệt tình tìm kiếm Thiên Chúa của các chú tiểu thì chúng có một sức lôi cuốn lạ kỳ, các chú hăm hở bước theo Thầy với một cái đích cụ thể: “là một bông hoa mắc cỡ nhỏ bé nhưng hạnh phúc vì làm vui mắt Chúa Giêsu, noi gương cách sống đầy yêu mến của chị Thánh Têrêxa Hài Đồng”.

Tôi muốn dùng hình ảnh trên để nói về một vài hành động rất thực và rất đẹp đã từng thấy trong những dịp gần đây.

Chuyện thứ nhất là chuyện về nghi thức rửa chân vào thứ Năm Tuần Thánh. Đã biết bao mùa Phục Sinh đã trôi qua trong cuộc đời, vậy mà mãi đến năm vừa rồi tôi mới được chứng kiến một cử chỉ rửa chân thật sự chứ không phải  là làm theo nghi thức: Vị linh mục chủ tế sau khi đã rửa chân cho ‘môn đệ’, Ngài đã lau cẩn thận và hôn chân họ cũng rất cẩn thận. Tôi thực sự cảm nghiệm được sự hạ mình để phục vụ chứ không phải chỉ rửa chân tượng trưng để kỷ niệm hành động Chúa đã làm xưa. Có vị bô lão là tông đồ hôm ấy đã cảm động đến chảy nước mắt vì cả cuộc đời ông chưa được ai rửa chân cho cả, vậy mà hôm nay lại được cha sở hôn chân cho (chính Thánh Phêrô cũng giẫy nẩy đấy thôi!)


Hôm vào thăm cha Giuse Trần hữu Từ, anh em đều cảm nhận được nơi Ngài ‘chứng từ’ của 2 chữ phục vụ: Ngài phải tự mình làm nhiều thứ vì một xứ đạo vừa rộng lớn và rải rác cả một huyện. Nhà xứ thấp nhỏ lợp tôn nằm chơ vơ giữa bầu trời nóng, căn phòng ngủ rất đơn sơ của Ngài được trang bị đủ thứ điện đài để sớm mai thức dậy thì Ngài có thể mở nhạc và đi giật chuông đánh thức giáo dân đi lễ. Vị cha xứ này ngày ngày cứ phải cỡi ‘ngựa sắt’ để truy phong đến với nhu cầu con chiên  cách nhau 20km là thường và khi rảnh Ngài vẫn sẵn sàng lau chùi một dãy nhà vệ sinh đến 11 phòng đấy! Ấy vậy mà nơi Ngài luôn là một khuôn mặt rạng rỡ và giọng cười hiền hòa chân chất như không hề biết đến sầu muộn.

Nhóm bạn 10 người chúng tôi rất đa dạng trong cuộc đời và nhìn rất bụi đời, ấy thế mà tôi không ngờ có bạn trước giờ dùng cơm đã đề nghị cha con cùng ra nhà thờ để viếng Thánh Thể trong chốc lát, bạn ấy sửa soạn trong đầu rất nhanh một chương trình cụ thể có những bài hát và lời cầu nguyện tự phát rất tâm tình để nâng đỡ người anh em đang dấn thân vì Nước Trời. Thật tôi cũng không ngờ có những người bạn rất nhanh nhẹn và tháo vát!

Nhóm anh em chúng tôi cùng rủ nhau ghé vào trại phong A Lê Na, ở đó có một cộng đoàn NVHB gồm chị Lan (chị của cha Thục), chị Tâm và một vài em đệ tử. Được chứng kiến những công việc cụ thể các chị chăm sóc đến những nhu cầu thiết yếu cho những ‘người nghèo của Thiên Chúa’ như: nuôi ăn 2 lớp học cấp 1, nuôi - dạy một lớp may vá, chăm sóc nơi ăn chốn ở cho 4 dãy nhà rông và tắm rửa vệ sinh cho những người già-bệnh cô đơn… chúng tôi không ngần ngại gọi họ là ‘các mẹ’ vì liên tưởng đến những hành động của Mẹ Têrêxa Calcutta. Chúng tôi cũng vui mừng khi được biết sự hiện diện của các chị nơi đó rất được mọi người hoan nghênh, kể cả nhà trường và cả những gia đình trong vùng. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho công việc các chị đang làm, cả khi được người ta cảm mến cũng như khi bị người đời hắt hủi.

Xin cho những chứng từ niềm tin, niềm hy vọng và tình mến không ngừng được triển nở và nhân rộng trên quả địa cầu để cho Danh Chúa được cả sáng.