Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Chứng nhân




Một người được gọi là vị Tử Ðạo (Martyr) khi liều mạng sống của mình để minh chứng cho Chân Lý hoặc sự xác thực của Ðức Tin Kitô Giáo. Chữ tử đạo đã bắt nguồn từ chữ Hy Lạp “Martus”, có nghĩa là chứng nhân (Witness) và được Thánh Augustine diễn giải rằng: “Chính vì lý do tại sao, chứ không phải sự đau khổ đã làm nên việc tử đạo”. Tử đạo là người đã bắt chước được Chúa Kitô cách hoàn mỹ trong sự đau khổ và cái chết của Ngài.

Thời đại nào và dân tộc nào cũng có những người bị bách hại vì niềm tin vào Chúa Kitô, đúng như lời Chúa Giêsu đã báo trước: “Tôi tớ không lớn hơn chủ, nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng bắt bớ anh em”. Thế kỷ 20 đã có trên 100.000 người tử đạo được nêu danh, và chắc chắn thế kỷ 21 nầy con số sẽ còn cao hơn, vì quyền lực sự dữ đang hoành hành trên thế gian nầy. Các Kitô hữu bị bách hại vì các ý thức hệ tôn giáo quá khích, vì luật pháp chủ trương nhân quyền quá trớn, vì quan niệm vô thần và vì sự tục hóa: người ta chối bỏ hết các thần để chính con người là thần. Nhiều nơi trên thế giới, các Kitô hữu đang trải qua cảnh tra tấn, đầu rơi máu chảy, rũ tù và bêu nhục. Tuy vậy, noi gương Thầy Giêsu, các Kitô hữu không thù ghét kẻ làm khốn mình, vì biết họ lầm lạc không nhận ra chân lý và nô lệ cho các tham vọng trần tục.

Phần đông các Kitô hữu không phải trải qua cảnh bắt bớ nhục hình vì niềm tin, nhưng không ai trong họ thoát được cảnh “sàng sảy” của Satan với chủ trương một lối sống dễ dãi thoải mái. Thánh Phaolô: “Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian”.(Phipphê 3,18). Chúa không đòi hỏi mọi người phải chết vì đạo, dù biết rằng được đổ máu mình ra để minh chứng niềm tin là một mối phúc. Điều Chúa đòi buộc mọi Kitô hữu là trở thành chứng nhân cho Chúa. Kitô hữu là người đã được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô, đã gặp gỡ Ngài và chuyện trò với Ngài, đã nghe Lời Ngài và đem ra thực hành trong đời sống, có Chúa đồng hành trong đời sống và sẽ được vào thiên đàng sau khi chết. Người lữ khách dễ nản lòng vì đường dài, muốn dừng chân nghỉ ngơi mà quên đích cần đến. Chính Chúa Giêsu đã bị Satan cám dỗ về danh, lợi, thú: biến đá thành bánh để thỏa cơn đói, thờ lạy satan để được mọi vinh hoa phú quý trần gian, gieo mình từ đền thờ để phô diễn vinh quang.

Chúa còn bị cám dỗ dài dài trong suốt cuộc đời, mãi cho đến giây phút cuối đời: đi con đường tắt, phải chăng mình bị Chúa Cha bỏ rơi, xuống khỏi thập giá để thế gian tin. Ma quỷ còn rình rập chúng ta như sư tử rình mồi. Hãy học gương Chúa Giêsu là luôn cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ.

Trên Internet, người ta thấy cảnh các Kitô hữu ở Irăk hiên ngang tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu, dù cho đầu rơi máu chảy. Tôi đã thấy các giáo xứ Công Giáo đã phát cơm miễn phí trong các bệnh viện ở Saigon để giúp đỡ các bệnh nhân, bên cạnh các tổ chức khác của anh em Tin Lành và Phật Giáo. Và chung quanh chúng ta vẫn có biết bao nhiêu anh chị em sống đạo một cách kiên cường: “Lỡ thề có thiệt thòi, quyết không hề rút lại; cho vay chẳng lấy lời, không nhận quà hối lộ làm hại kẻ hiền lương” (Tv 15,5).

Hãy năng nghĩ đến các chứng nhân tử vì đạo để tinh thần chứng nhân của ta thêm vững mạnh. Hãy năng gặp gỡ Chúa Giêsu và suy gẫm Lời Ngài, có vậy chúng ta mới có thể làm chứng điều mắt đã từng thấy và tai đã từng nghe và lòng mình đã cảm nghiệm, vì không ai có thể cho điều mình không có. Đèn sẽ hết sáng nếu không được châm thêm dầu, muối sẽ vô dụng khi trở nên nhạt, lúa sẽ biến thành cỏ lùng nếu không giữ được bản chất của mình, Kitô hữu sẽ bị quăng ra ngoài nếu sống hâm hâm dở dở - không nóng mà cũng không lạnh. Chinh Chúa Giêsu đã nói: "Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được (Mt 11,12).