Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

Khuôn mặt Đấng Phục Sinh




Những câu chuyện kể về sự gặp gỡ Đấng Phục Sinh với các môn đệ luôn có một tình tiết là ‘họ không nhận ra Ngài ngay’, mặc dù họ đã rất thân quen với Chúa. Để rồi, sau đó nhờ một tiếng gọi, một cử chỉ phục vụ, một sự cắt nghĩa về Kinh Thánh và nghi thức bẻ bánh… họ nhận ra Thầy mình. Trong đoạn Tin Mừng Luca 24,13-35 có nói tới 3 tiến trình giúp ta gặp gỡ Đấng Phục Sinh, hay đúng hơn Ngài tỏ mình ra cho chúng ta qua Thánh Thể, Thánh Kinh và sinh hoạt cộng đoàn. Đây cũng là diễn tiến của một Thánh Lễ: cộng đoàn tụ họp, phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể.

Tụ họp cộng đoàn. Trong tường thuật về hai lần phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa đều bảo các tông đồ xếp thành từng nhóm khoảng 50 người. Không phải là từng thùng bánh được đóng gói sẵn 50 chiếc, không phải có một số bánh khổng lồ được Chúa làm phép lạ, ban đầu chỉ là 5 chiếc bánh, Chúa tạ ơn và trao cho các môn đệ phân phát, mỗi lần bẻ ra là số bánh lại được nhân lên, kiểu như hành động thắp truyền lửa trong lễ vọng Phục sinh vậy. Ấy thế mà Chúa vẫn bảo các tông đồ xếp thành từng cộng đoàn, khác với một đám đông ô hợp. Mỗi giáo phận và mỗi giáo xứ là những Giáo hội địa phương được Chúa tụ họp, là thân thể mầu nhiệm của Chúa Phục Sinh. Nơi đó, Chúa hiện diện, Chúa chăm sóc và nuôi dưỡng. Nơi đó, con cái Chúa thể hiện tình huynh đệ, tương thân tương ái, giúp nhau vun đắp niềm tin và phục vụ lẫn nhau. Cuộc sống xô bồ khiến con tim nhiều người khép kín lại, không dám tin vào những điều kỳ diệu Chúa vẫn làm và vào những cử chỉ tốt đẹp (miễn phí) mà tha nhân vẫn thể hiện cho mình. Hai môn đệ Emaus hôm nay được Chúa mở mắt mở lòng khi họ chuyện trò với khách bộ hành và nhất là khi họ tiếp đón khách lỡ đường. Hãy tin rằng: khách đến nhà là sứ giả của Thiên Chúa như ông Abraham đã làm khi xưa. Ở thời đại chúng ta, Giáo hội kêu mời các thành phần dân Chúa nên tụ họp với nhau trong những sinh hoạt nhóm nhỏ phù hợp với hoàn cảnh và lứa tuổi của mình để giúp nhau nên tốt hơn và cùng nhau làm việc tông đồ, ngoài yếu tố xã hội thì các nhóm nhỏ này cũng thể hiện mầu nhiệm thân thể Chúa Kitô. Ma quỷ luôn gây nên sự chia rẽ, kích thích tính kiêu ngạo: người kia phải thế này, thế này… trong khi mình chẳng phải thay đổi gì cả.


Thánh Kinh. Một nhà chú giải Thánh Kinh nào đó đã nói: Thánh Kinh là bức thư tình Thiên Chúa gửi cho nhân loại. Thời đại vi tính và ĐT thông minh dễ làm cho chúng ta quên đi những kỷ niệm êm đềm về những bức thư được viết trên giấy. Vào những thập niên 60 – 70, người ta viết thư trên giấy, gửi qua tay hoặc qua bưu điện, biết bao tình cảm thân thương được gói gọn trong những trang giấy, cả người gửi lẫn người đọc đều mong chờ … nhất là người nhận: đọc đi đọc lại đến thuộc lòng, mà vẫn đọc lại và trân quý bức thư như báu vật, vì là biểu hiện của người yêu. Người Kitô hữu cũng trân quý Kinh Thánh như vậy, nhất là phần Tân Ước. Khi ta đọc Kinh Thánh, Chúa Thánh Thần tiếp tục mạc khải những ý nghĩa mới mẻ về tình ý và Ngài còn thúc đẩy ta hành động như lòng Chúa mong mỏi. Chính hai môn đệ Emaus đã được soi sáng hiểu những ẩn khúc về đường lối Chúa thực hiện nơi Chúa Giêsu và lòng họ đã bừng sáng lên, họ nhận ra một sứ điệp quan trọng bậc nhất của Kitô Giáo: Đấng Kitô phải chịu khổ nạn mới vào vinh quang.

Thánh Thể. Khi đọc kỹ đoạn Tin Mừng nầy, Thánh Luca kể về hai môn đệ không thuộc về nhóm 11 tông đồ là những người đã tham dự bữa tiệc ly. Hai môn đệ hôm nay chưa từng biết công thức ‘truyền phép’, thế nhưng khi họ lãnh nhận Thánh Thể thì mắt họ nhận ra ngay là chính Chúa Phục Sinh đang hiện diện với họ, họ tức tốc trở lại Giêrusalem để chia sẻ tin vui vĩ đại: Chúa đã sống lại, chúng tôi đã gặp Ngài.



Cộng đoàn, Thánh Kinh và Thánh Thể là 3 yếu tố làm nên sinh hoạt nền tảng cho Giáo hội mọi thời. Nếu bỏ bớt một trong 3 yếu tố thì đời sống Kitô hữu sẽ què quặt thảm hại. Nơi cộng đoàn, ta cầu nguyện; cầu nguyện phải đặt nền tảng trên Thánh Kinh và Thánh Thể đưa đến sự hiệp nhất. Hãy siêng năng tụ họp để cùng nhau cầu nguyện, trân quý Kinh Thánh như bức thư tình và rước Chúa cho xứng đáng, bạn sẽ gặp được Chúa Phục Sinh.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

Tính già



Chúa Giêsu càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và loài người. Nhiều người nghĩ: thật tiếc là Chúa đã chết ở tuổi 33 và không để lại một mẫu gương sống cho người già. Kinh thánh CƯ nói “Tuổi già là một tuổi đời thanh sạch”,  và “người già thì khôn ngoan”: không nô lệ cho tình dục và đam mê, vì đã ngộ ra sự thật.

Sách Khải Huyền có nói một câu đáng cho những người cao tuổi phải suy nghĩ: Ta trách ngươi đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu, ngươi nóng thì nóng hẳn mà lạnh hẳn, cứ hâm hâm dở dở thì Ta sẽ mửa ngươi ra. Chúa Giêsu đến trần gian để lại cho chúng ta một gương mẫu sống và phụng thờ Thiên Chúa, nếu Thánh ý Cha muốn Ngài sống đến trên tuổi 60 thì chắc chắn Ngài vẫn miệt mài yêu thương, hiền lành và khiêm nhường, không khoe khoang khoác lác, không bép xép chuyện xấu của tha nhân, sẵn lòng giúp đỡ mọi người và vui vẻ chịu đựng những dày vò của bệnh tật mà không ta thán: như con chiên câm lặng khi bị xén lông, và Ngài ra đi trong niềm phó thác mọi sự trong tay Cha.

Hãy nghĩ đến thái độ sống mà người già phải tránh:

Nghỉ việc, về hưu, buông xuôi bỏ cuộc, mất hướng. Nhiều người nhận ra những phù phiếm của việc phục vụ nơi người khác, nên không muốn làm gì nữa, họ nghĩ mình đã nhận ra sự thật và vui hưởng sự giác ngộ đó, nhưng bản thân họ lại chọn thái độ ‘sống nhàn, vô vi’. Đúng ra chỉ có phục vụ vô vị lợi mới là thái độ Thầy Giêsu mời gọi mọi người. Hãy nghĩ đến những nhân chứng thời đại, đã và đang gánh lấy tuổi già để bước theo Chúa Giêsu trong việc phục vụ Giáo hội một cách bền bỉ cho đến giây phút cuối đời: Tông đồ Gioan, Thánh Gioan Phaolô 2, Mẹ Têrêxa Calcutta, đức Phanxicô và Benedicto 16... Nhiều người mới non 60 tuổi đã cho rằng mình hết sáng kiến và năng lực để đảm nhiệm công việc phục vụ, trong lúc tuổi về hưu của các giám mục là 75, và có vị vẫn làm việc thêm khi ở nhà hưu dưỡng (như cha Antôn Nguyễn Mạnh Đồng, hiện đang ở nhà hưu dưỡng Cần thơ, dịch giả youcat sang tiếng Việt).


Đừng ôm đồm nhiều việc, hãy chọn việc thiết yếu và cần thiết, hãy nghĩ tới câu nói: bạn để lại dấu ấn nào khi lìa bỏ trần gian. Tôi không làm việc vì danh trước mắt người đời mà vì phần rỗi linh hồn, nhưng hãy nghĩ đến những ân điển Chúa ban cho tôi để đừng để nó uổng phí: phát triển chúng trước hết vì sự lớn lên của chính tôi hơn là phần đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Trong dịp giỗ tổ LBT năm nay (3.4.2019), cha Gioan Bùi Quang Đạo có nêu lên một chứng từ: có những cựu chủng sinh đang nỗ lực sống đạo như một gương sáng: miệt mài phục vụ như những trụ cột về giáo lý, đàn, ca trưởng, giúp các cha trong việc mục vụ, hy sinh tài lực cách này cách khác… Thật đáng tự hào về những người con và những người anh em có một lối sống cao đẹp như thế.

Trong bài suy niệm đầu tiên của cha Cantalamessa trong mùa chay năm nay. Ngài suy niệm về sự tinh sạch luân lý và tinh thần như là điều kiện để được chiêm ngắm Thiên Chúa. Sự không tinh sạch luân lý là sự dâm ô. Sự không tinh sạch tinh thần là sự giả hình: làm việc không vì Chúa mà để được người đời ca tụng. Ở đây có hai mệnh lệnh được đưa ra cho mọi người: Hãy làm việc thiện luôn và hãy làm mọi việc vì sáng danh Chúa.

Có những người tuổi chưa già mà tính đã già, có những người tuổi đã cao nhưng tinh thần vẫn trẻ. Điều khác biệt là sự tươi trẻ tinh thần: khả năng tiếp thu điều mới, khả năng thay đổi và thích nghi với xã hội, mềm mỏng và rộng mở trong giao tiếp, sự hăng say nồng nhiệt dành cho những thúc bách ‘hãy ra khơi’của Chúa Giêsu.

Chúa đã sống lại thật. Alleluia! Các tông đồ đã đổ máu mình ra để chứng minh sự thật về Chúa sống lại. Còn chúng ta hãy thể hiện sự thật đó bằng chính sự vui tươi và một nếp sống thanh sạch. Muốn vậy, mỗi người phải có kinh nghiệm gặp gỡ với Ngài qua Kinh Thánh, Thánh lễ và không ngừng đào sâu giáo lý. Trong ngày lễ Phục sinh vừa rồi, tôi gặp một giáo lý viên đang nghiên cứu giáo lý trong một nơi kín đáo của nhà mình, cô ta cầm trên tay 4 cuốn sách giáo lý hiện đại nhất hiện nay: sách GLHTCG, youcat, toát yếu GLHTCG, Tweets với Chúa. Phải không ngừng học hỏi thêm – dù ở lứa tuổi nào - vì vô tri thì bất mộ.



Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019


Sống trong tuần thánh, mỗi người hãy để tâm hồn mình lắng đọng để chiêm ngắm Chúa Giêsu là người yêu hơn là người tử đạo. Một nhà tu đức đã nói: bạn đừng hỏi Chúa Giêsu làm gì để yêu bạn, nhưng hãy nghĩ Chúa yêu bạn biết bao khi chịu thương khó. Xin trích bài suy niệm rất hay của cha Minh Anh.


NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI ĐANG YÊU

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay chúng ta đi vào tuần thánh, Lời Chúa (Chúa Nhật lễ lá) trong bài đọc Isaia nói đến sự đau khổ mà người tôi tớ của Thiên Chúa phải chịu; thư gửi tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô nói, vì đã tự hạ tột cùng đến nỗi chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu được Thiên Chúa tôn vinh; và bài thương khó, Thánh Luca kể lại sự đau khổ của Chúa và Ngài đã chết như thế nào. Thế nhưng, Cha Ron Rolheiser có một cái nhìn khác hoàn toàn, chúng ta cùng suy tư với Ngài.

Cách đây vài năm, diễn viên Mel Gibson đạo diễn và sản xuất một bộ phim được công chúng đặc biệt hưởng ứng. Với tựa đề, Cuộc Thương khó của Chúa Kitô, bộ phim khắc hoạ lại cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, từ vườn Cây Dầu cho đến cái chết trên Núi Sọ, tác giả nhấn mạnh đến các đau đớn thể xác của Ngài. Bộ phim thể hiện sống động từng chi tiết các đau đớn mà một người bị đóng đinh thập giá phải chịu, khi bị đánh, bị tra tấn và bị sỉ nhục.

Trong khi hầu hết các phái trong Giáo Hội tán thưởng bộ phim khi cho rằng cuối cùng thì cũng có người làm một bộ phim khắc hoạ thật về những đau đớn của Chúa Giêsu, thì nhiều học giả Thánh Kinh và nhiều ngòi bút thiêng liêng khác lại lên tiếng chỉ trích. Tại sao lại thế? Có gì sai khi chiếu một bộ phim dài với những chi tiết sống động, những máu me của việc đóng đinh thập giá, vốn thực sự rất hãi hùng?
Có gì sai ( hay nhẹ hơn là không hợp) khi đây chính là những gì mà Thánh Kinh đã không ghi lại về cái chết của Chúa. Tất cả bốn Tin Mừng đều cố gắng không tập trung vào đau đớn thể xác của Chúa Giêsu. Các mô tả của Tin Mừng về những đau đớn thể xác của Ngài đều hết sức ngắn gọn, ví dụ Họ treo Ngài giữa hai phạm nhân. Philatô cho đánh đòn Đức Giêsu rồi giao ngài cho người ta đem đi đóng đinh. Tại sao lại rút gọn như thế? Tại sao không mô tả chi tiết?
Lý do mà các tác giả Tin Mừng không tập trung vào những đau đớn thể xác của Chúa Giêsu là họ muốn chúng ta tập trung vào một điều khác, cụ thể là những đau đớn trong cảm xúc và tinh thần của Ngài. Cuộc thương khó của Chúa, xét theo chiều sâu thực sự, là một tấn kịch tinh thần, chứ không phải tấn kịch thể lý. Nỗi đau của Ngài là nỗi đau của một người đang yêu, chứ không phải đau đớn của một vận động viên.
Do đó, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu tiên liệu cuộc khổ nạn của mình, thì những gì Ngài lo lắng không phải là đòn roi hay mũi đinh đóng vào tay mình, nhưng Ngài đau đớn và lo lắng cho sự cô độc mình sẽ phải đối diện; cho kết cuộc bị những người đã nói yêu mến Ngài phản bội và bỏ rơi Ngài; và cho tình cảnh, theo cách diễn đạt của Gil Bailie là, bị tất cả loại bỏ.
Như thế cuộc thương khó của Chúa Giêsu rõ ràng là một tấn kịch tình yêu. Nó bắt đầu với mồ hôi máu đổ ra trong vườn Cây Dầu và kết thúc với việc mai táng cũng trong vườn. Chúa Giêsu đang đổ mồ hôi máu trong vườn, chứ không phải trên đấu trường. Vậy, việc ở trong vườn, có gì đặc biệt?
Về mặt tượng hình, vườn không phải là nơi trồng rau và dĩ nhiên cũng không phải là nơi trồng hoa. Vườn là nơi của những người yêu nhau, là nơi cảm nhận hạnh phúc, nơi uống rượu, nơi Adong và Evà đã trần truồng mà chẳng biết, nơi người ta yêu nhau. Và các tác giả Phúc Âm đặt khởi đầu và kết thúc cuộc thương khó của Chúa Giêsu trong vườn để nhấn mạnh rằng, Chúa Giêsu, một người đang yêu chứ không phải Chúa Giêsu Vua, pháp sư, hay ngôn sứ, đang trải qua tấn kịch này. Và chính xác tấn kịch này là gì? Khi Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong vườn và van xin Chúa Cha đừng bắt Ngài uống chén này” thì lựa chọn thực sự của Ngài không phải là sẽ để mình phải chết hay sẽ dùng đến sức mạnh thần thiêng để cứu mạng mình? Nhưng đúng hơn, lựa chọn của Ngài là, Ngài sẽ chết cách nào? Ngài sẽ chết trong giận dữ, cay đắng và không tha thứ, hay sẽ chết với một tấm lòng nồng ấm thứ tha?.
Tất nhiên, chúng ta biết Chúa Giêsu đã đi qua tấn kịch này như thế nào, Ngài đã chọn lấy lòng bao dung và tha thứ cho những người hành hình mình, và trong toàn bộ những u ám đó, Ngài vẫn giữ vững những gì Ngài đã giảng dạy trong suốt đời rao giảng, chính là tình yêu, tình thương và tha thứ sẽ tuyệt đối chiến thắng.

Anh Chị em,
Những gì Chúa Giêsu đã làm trong tấn kịch tâm hồn này là những gì chúng ta phải noi theo hơn là đơn thuần ngưỡng mộ, vì tấn kịch này cũng hoàn toàn là tấn kịch tình thương trong đời chúng ta với vô vàn cách thức thể hiện khác nhau. Cụ thể là, đến cuối đời, chúng ta sẽ chết thế nào đây? Lòng chúng ta sẽ giận dữ, bám víu, bất dung và cay đắng vì sự bất công của cuộc đời? Hay, lòng chúng ta sẽ khoan dung, biết ơn, cảm thông, nồng ấm… như tấm lòng Chúa Giêsu khi Ngài thưa với Chúa Cha là xin theo ý Cha đừng theo ý Con?
Hơn nữa, đây không phải là chọn lựa cốt yếu và duy nhất mà chúng ta phải đối diện trong giờ chết, nhưng là chọn lựa chúng ta phải đối diện hằng ngày, nhiều lần mỗi ngày. Biết bao lần khi va chạm hàng ngày với người khác, với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, và cả xã hội nói chung, chúng ta đã phải chịu những lạnh lùng, hiểu lầm, bất công và cả bạo hành chủ ý nữa. Từ sự lãnh đạm của một thành viên trong gia đình trước lòng tốt của chúng ta, cho đến một lời bình luận ác ý chủ tâm làm tổn thương chúng ta đến một sự bất công hết sức ở nơi làm việc, đến việc bị thành kiến và xúc phạm cả nơi bàn ăn, nơi làm việc, phòng họp và cả trên đường… tất cả đều là những nơi chúng ta cảm nghiệm hàng ngày, ít hay nhiều, những gì Chúa Giêsu đã trải qua trong vườn Cây Dầu, cảm giác bị tất cả loại trừ. Trong bóng đêm đó chúng ta có đi theo ánh sáng của mình? Đối diện với những thù ghét đó, chúng ta có theo tiếng gọi của tình yêu hay không?
Đó đích thực là tấn kịch trong cuộc thương khó của Chúa Kitô, và ở đó những đòn roi, đinh nhọn không phải là tâm điểm.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con hiểu được nỗi đau của Chúa, nỗi đau của người đang yêu; và đến lượt con, con có chọn lựa yêu thương mỗi ngày và cuối đời, có chọn lựa bao dung được như Chúa không?”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)
 



Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019

Thủy chung



Khi nói đến thủy chung, người ta thường nghĩ đến sự trung tín trong đời sống vợ chồng, nhưng ý nghĩa của nó còn mở rộng đến mọi lãnh vực cuộc sống. Thủy là khởi đầu, chung là kết thúc; thủy chung là trước sau như một. Từ đồng nghĩa với nó là trung thực, thật thà, ngay chính; từ phản nghĩa với nó là lượn lẹo, dối trá, phản bội. Thủy chung là trung thành với lời đã hứa, dù bản thân phải chịu thiệt thòi về vật chất hay tinh thần. Muốn thủy chung, ta phải tự trọng và biết nghĩ đến người khác.

Chuyện cuộc sống. Câu chuyện 1: Chị kia đang chạy xe máy, nhặt được chiếc ví của một người đàn ông bán hàng rong chạy phía trước, chị tăng tốc cho kịp xe kia và trả lại ví cho người ta. Anh này dừng xe, nhìn thẳng vào mặt chị ta một hồi lâu, vừa tỏ dấu vui mừng vừa ngạc nhiên như đang nhìn một thiên thần bị lạc xuống trần. Anh mở chiếc ví đầy tiền, xin hậu tạ, nhưng chị này chỉ lấy một cặp lục bình anh ta cho làm kỷ niệm cho anh yên lòng. Câu chuyện 2: Anh chạy taxi có một khách hàng nữ. Xe dừng và khách xuống xe và anh lại tiếp tục công việc của mình. Bỗng nhìn lại phía sau ghế ngồi, anh thấy chiếc ví của khách bỏ quên và anh gọi điện hẹn gặp ở góc đường để trả lại cho khách. Chị ta nhận lại ví, thấy mọi sự còn nguyên, tỏ ý muốn hậu tạ. Bác tài không lấy một đồng, chỉ hỏi lại số tiền trong ví để ghi vào trong một cuốn sổ, như là giá của sự thành thật.

Cuộc đời đầy những chuyện vui, chuyện tốt, nhưng đó không phải là tin tức và chẳng ai nhớ lâu; nhưng cũng còn khối chuyện buồn mà chúng ta thường kể cho nhau nghe với một niềm thích thú: những chuyện lượn lẹo, khôn tréo, lừa lọc. Những chuyện xảy ra từ cấp cao và từ những người tai to mặt lớn trong xã hội, nay len lỏi về tận các gia đình, phá nát tình làng xóm và ruột thịt, xảy ra với những người con cái Chúa… thật đau lòng! Ngày nay đầy dẫy chuyện vợ chồng không chung thủy, người ta lường gạt nhau để kiếm lợi cho mình mà không quan tâm đến quyền lợi và tâm trạng của người kia.

Có câu chuyện kể rằng: Có người kia có con ngựa quý, có người trả giá cao nhưng anh ta vẫn không bán nên lập mưu: cải trang thành người bị bọn cướp trấn lột, nửa sống nửa chết bên lề đường. Trong lúc người chủ ngựa dừng lại để săn sóc cho kẻ bị nạn thì anh này liền nhảy phóc lên ngựa và phi mất. Anh chủ ngựa chạy theo nói rằng: “xin anh đừng kể chuyện nầy cho một ai, kẻo sau nầy có nhiều người bị nạn không nhận được sự giúp đỡ”. Đừng dọn những bữa tiệc hỏa ngục khi góp phần tuyên truyền sự xấu, vì sẽ làm cho lòng tốt bị chết ngạt. Một trong những cách tàn phá lương tâm con người là tuyên truyền sự xấu và tội phạm mà ít nói đến chuyện tốt. Tivi ra rả những chuyện dối trá, hiếp dâm, trộm cắp, ma túy, mại dâm… như là tin tức. Đó là những bữa tiệc hỏa ngục của truyền thông và chúng đầu độc tâm hồn người dân và làm cho cuộc sống chung trở thành vô cảm và ích kỷ, đó là một cách làm cho tội phạm tăng nhanh, vì chúng kích thích lòng tham và thói dâm ô trong con người. Chúng ta biết quá rõ những chuyện không cần biết và biết không rõ những chuyện cần biết, có là một điều tội.


Đừng lên án kẻ tội lỗi, nhưng hãy lên án tội lỗi. Muốn cho môi trường vật chất được trong lành, chúng ta phải nhặt rác và quét dọn thường xuyên; muốn cho môi trường luân lý trong cộng đồng giáo xứ hay trong một nhóm bạn được trong sạch, chúng ta phải phản tỉnh để loại trừ những điều xấu và tán đồng những cách hành xử đúng Tin Mừng. Ông Martin Luther King có một tư tưởng rất độc đáo: Chúa buộc ta phải yêu thương mọi người, kể cả những người xấu, nhưng rất may là Ngài không buộc ta phải kính trọng họ. Yêu người khác được thể hiện bằng việc cầu nguyện cho họ nhận ra chân lý, mong muốn điều thiện hảo cho họ, tha thứ cho họ. Trong một chương trình truyền hình gần đây, người ta có một sự so sánh về những scandal mà các nghệ sĩ gây ra: người Hàn quốc tẩy chay nghệ sĩ một cách triệt để và lâu dài, trong lúc khán giả Việt mình xem chừng dễ tha thứ, nên scandal xảy ra đều đều.


Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban cho họ Người Con Một là Đức Giêsu. Thiên Chúa là mẫu gương chung thủy cho con người noi theo. Bản chất của Ngài là yêu thương nên ‘tình yêu’ là chìa khóa để con người hiểu được phần nào hành động của Chúa. Hãy nhìn lên Chúa Kitô trên thập giá để cư xử với tha nhân cho tử tế, và hãy xin ơn trợ giúp của Chúa để ra khỏi cơn cám dỗ tham lam khi lừa lọc tha nhân, vì đó là tội lỗi: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt bịa đặt là do ma quỷ”.


Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

Phản tỉnh


Chỉ nửa trang giấy A4, Thánh sử Gioan (Ga 8,1-11) kể cho chúng ta một câu chuyện thật hay, với nhiều tình tiết giúp chúng ta sửa mình nên tốt hơn. Ở đây, chúng ta chỉ dừng lại ở hai tình tiết là sự kết án của đám đông và sự im lặng của Con Thiên Chúa.

Sự kết án. Người biệt phái và kinh sư dẫn đến đền thờ một người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Họ muốn kết án tử cho cả người đàn bà và cả Chúa Giêsu. Thế nhưng, Chúa Giêsu là Đấng đến để cứu sống hơn là giết chết, Chúa đã giúp cho cử tọa hôm ấy nhận ra thân phận tội lỗi của chính mình và giúp cho người phụ nữ có cơ hội sống mà làm lại cuộc đời. Sự kết án và ném đá tha nhân là một lỗi lầm luôn rình rập ta, nó là mặt trái của thói giả hình và là biểu hiện của tính kiêu ngạo luôn tiềm ẩn trong từng người. Khi nói về mặt trái của truyền thông, người ta không thể quên câu chuyện của Kevin Carter: Năm 1993, một nạn đói khủng khiếp đã xảy ra tại Sudan và nhiều nước Châu Phi, một hôm Kevin Carter đã chụp được một bức hình một bé gái với con kên kên ở phía sau. Một năm sau Kevin đã nhận được giải thưởng Pulitzer nhờ bức hình nầy, nhưng búa rìu dư luận tấn công anh (thân phận đứa bé ra sao, tại sao anh chỉ lo chụp hình mà không cứu đứa bé?) và chỉ 3 tháng sau anh đã tự kết liễu đời mình ở tuổi 33. Một vị mục sư nọ luôn không bằng lòng với đứa con trai của mình, ông đến gặp một chuyên gia tâm lý để xin tư vấn tìm cách sửa trị những tật xấu của con mình… vị chuyên gia nghe chuyện và hỏi lại một câu: “Ông đã nguyền rủa con trai ông từ bao giờ rồi???  Cũng giống như vị mục sư nọ, chúng ta cũng thường nguyền rủa người khác và thường đó lại là những người thân thiết với mình nhất như cha xứ và các người làm việc giáo xứ, anh em ruột thịt, cha mẹ và cả vợ hay chồng mình nữa. Sự nguyền rủa của chúng ta chỉ làm cho tâm hồn ta thêm cay đắng và sự chia rẽ ngày càng lớn, tựa như sự hiện thực của những lời nguyền rủa của mụ phù thủy trong các câu chuyện cổ tích. Thay vì nguyền rủa ai đó, tốt hơn là hãy cầu nguyện cho họ được trở nên tốt hơn và thay đổi cuộc sống.

Chúa Giêsu im lặng, mắt cúi xuống để không làm người phụ nữ ngại ngùng, Ngài lấy ngón tay viết trên đất. Ngài viết chữ gì thì không ai biết, không phải kéo dài thời gian hòng tìm câu trả lời, mà chỉ là để cử tọa có thời gian hồi tâm phản tỉnh: ai trong các ngươi vô tội thì ném đá trước đi! Người Do Thái được dạy rằng: Không ai vô tội, trừ một mình Thiên Chúa.

Thiên Chúa vẫn thường im lặng, đến độ người ta tưởng rằng Ngài không hiện hữu hoặc Ngài đang ngủ! Ngài để cho sự dữ và hành động của ma quỷ lan tràn khắp mặt đất, Ngài chẳng đáp ứng những lời cầu xin của nhân loại, Ngài để cho kẻ tin Ngài bị giết và thiệt thòi đủ cách… Ngài có quan tâm và yêu thương con người nữa không, Ngài có quyền năng không??? Sự im lặng của Chúa đôi khi làm nhiều người thất vọng và mất đức tin, nhưng nhiều người khác vẫn nhận ra dấu vết của Ngài trong lịch sử nhân loại và trong cuộc đời họ:

- Thiên Chúa không mong muốn Giáo hội bị bách hại, nhưng Ngài cho phép sự tử đạo xảy ra như một sự thanh luyện cần thiết để Giáo hội được lớn lên. Hãy biết rằng Chúa làm chủ lịch sử, Ngài vẽ nét thẳng trên những đường cong. Công trình sáng tạo của Chúa luôn trong tình trạng ‘lên đường’, khác với tình trạng ‘hoàn tất’, nên Ngài vẫn không ngừng chăm sóc để đưa vũ trụ đến mức thành toàn tốt đẹp.

- Chúa muốn con cái Ngài cầu xin với lòng chân thành và kiên trì những ‘phép lạ’ xảy ra cho mình và cho thế giới. Vì nếu ta không cầu xin thì sự lạ không thể xảy ra vì Chúa tôn trọng tự do của con người. Thế nhưng có biết bao điều ta xin mà Chúa cứ im lặng? – Hãy cứ xin, xin mãi, vì đó là một lệnh truyền; còn thời giờ và cách thế hành động cứ để cho Chúa tự do định liệu, vì chỉ có Ngài biết rõ điều gì tốt nhất cho ta và cho tha nhân.

- Còn sống ngày nào là ta còn phạm tội, vì ma quỷ như sư tử rình mồi cắn xé, tìm thêm kẻ tòng phạm. Chúng ta không ngừng cầu xin ‘đừng để chúng con sa chước cám dỗ’, nhưng Chúa vẫn im lặng, và con người vẫn không ngừng phạm tội. Thiên Chúa là toàn năng, ma quỷ phải lụy phục quyền Chúa, thế nhưng ma quỷ vẫn hoành hành trong nhân loại gây nên những tội ác khủng khiếp như giết người, tham lam, lăng loàn, ganh ghét, kiêu ngạo… Hãy biết rằng: Thiên Chúa không thử thách ai quá sức chịu đựng và Chúa ban ơn cho kẻ trông cậy Ngài, Chúa tôn trọng tự do của con người nên Ngài không đánh chết kẻ tội lỗi để họ còn có cơ hội ăn năn.


Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội. Xin cho con ý thức sự yếu đuối của mình để đừng bép xép và nguyền rủa anh em, nhất là những người thân thuộc. Xin cho con biết bám chặt vào Chúa ngay cả khi Chúa giữ im lặng trong lịch sử nhân loại và trong cuộc sống của con… thì con biết rằng Chúa luôn có lý và Chúa luôn đồng hành với nhân loại. Amen