Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Thay đổi để tồn tại




Nhiều người nhận định về đất nước Việt Nam là không chịu thay đổi về chính trị, xã hội và văn hóa. Nhiều số liệu thống kê cho biết VN mình đứng thứ hạng cao về phá thai, về ăn nhậu, về hối lộ, hút thuốc, sính đồ ngoại, vô cảm, gian dối thương mại, buôn bán và chế biến những lô hàng thịt đã hôi thối. Có những bản thống kê khác cho biết hằng năm số người VN tìm cách đi ra sống ở ngoại quốc để tránh một xã hội lạc hậu và ô nhiễm thực phẩm là rất lớn: du học, hôn nhân, đoàn tụ, lao động…
Khi nói về hòa bình, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã nói hòa bình phải bắt đầu từ trong tâm hồn: “nền hoà bình vững bền không phải chỉ là vấn đề đơn thuần của những cơ cầu hay tổ chức bên ngoài. Trên hết mọi sự, nền hòa bình vững bền nầy dựa trên sự chấp nhận một nề nếp chung sống giữa con người với nhau, một nề nếp được ghi dấu bởi sự chấp nhận lẫn nhau và có khả năng tha thứ từ tận tâm hồn con người”. Hòa bình bắt đầu từ trong tâm hồn, cũng vậy sự thay đổi cũng bắt đầu từ trong thâm tâm và từ nhận thức của mỗi người. Khi nói về vấn đề xã hội, có ai đó đã nói: nhiều khi mình cứ hành xử theo cách cũ nhưng lại mong chờ một kết quả khác. Điều tôi muốn nói ở đây là bản thân mỗi người phải góp phần vào sự thay đổi xã hội, giống như người đã soi gương rồi thì phải biết phải làm gì cho khuôn mặt tươm tất đẹp đẽ hơn! Có một bà cụ già vừa qua đời trong tháng qua, tuy chỉ là một người hàng xóm nhưng đã để lại cho tôi một bài học: một hôm tôi đang quét rác trong sân nhà và đổ rác ra ngoài đường, bà đi ngang qua và nói: “con nên đốt rác đi cho sạch môi trường” . Lúc đó tôi hơi bực tức vì tự ái và nghĩ rằng chuyện rác có liên quan gì đến bà ? Nhưng cách sống tích cực của bà đã làm tôi phải suy nghĩ đến bây giờ: mình phải có bổn phận lo cho ích chung, là nhân tố tích cực xây dựng cộng đồng nơi mình sống. Các bản tin thời sự, chương trình Táo Quân cuối năm cứ liên tục đưa ra các sự kiện xã hội mà không có lời giải, tạo nên thói quen nơi chúng ta là cứ tiếp tục loan tin mà không muốn đưa ra một sự thay đổi nào trong khả năng của mình. Câu châm ngôn: Thà rằng đốt lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối. Và lời Kinh Thánh: Điều con không muốn kẻ khác làm cho mình thì mình đừng làm cho kẻ khác. Hãy thử nghĩ mà xem ai cũng lên án những kẻ kinh doanh hàng độc hại, nhưng liệu trong số những kẻ đang âm thầm giết hại đồng bào mình có kẻ cũng là Kitô hữu ?

Ví dụ: người ta nói nhiều về tai hại của thuốc lá đối với bản thân, gia đình và những người hít phải khói thuốc, thế thì tại sao tôi không quyết tâm bỏ dần đi. Người ta nói nhiều về những người (chủ yếu là đàn ông) VN uống mỗi năm đến 3 triệu lít bia, tương đương với 3 tỷ đôla = số tiền thu được từ xuất khẩu lúa gạo của 5 triệu nông dân, vậy tại sao bản thân tôi không giảm uống đi một chút vì thấy sự lãng phí vô lý, đó là chưa nói đến tác hại đến sức khỏe. Có người nhận định rằng: người VN mình sĩ diện, làm gì cũng sợ người ta cười và đánh giá, người ngoại quốc họ thấy gì đúng và hợp lý là họ làm. Thế đó, chính sự sĩ diện đã làm cho xã hội và đất nước không thay đổi và tiến bộ được, ai cũng oằn lưng mà chịu đựng gánh nặng giao tế mà bản thân người đó cũng cảm thấy không hợp lý.
Khi nói về thuyết tiến hóa, ông Darwin  đã đưa ra một quan điểm có tính chất cách mạng: “tất cả các loài sinh vật, từ con kiến cho đến con voi, đều nằm trong vòng chọn lọc của tự nhiên. Những con vật thích nghi với tự nhiên sẽ tồn tại; những con không thích nghi sẽ bị diệt vong” (internet). Giống như cây cỏ 4 mùa thay đổi, tâm hồn con người cũng không ngừng đổi mới tùy theo hoàn cảnh cuộc đời và theo tuổi tác. Mỗi ngày hãy hồi tâm nhằm nhận biết mình để có những thay đổi tích cực. Thánh Phaolô cảnh giác: “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã”.

Và quan trọng nhất là hãy có lòng nhân từ với anh em, vì tội nhân nào cũng có một tương lai. Đừng mất hy vọng về những người sống quanh ta, những người ta không vừa ý: cha xứ, người xóm giềng khó chịu, người bạn không tốt… vì họ cũng có thiện chí muốn làm người tốt và ước muốn nên trọn lành. Vấn đề là thời gian, cũng như bản thân tôi cũng quyết tâm cải thiện cuộc sống nhưng có nhiều nết xấu vẫn còn tồn tại lâu dài. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với con người, Ngài mời gọi họ sống trong quỹ đạo tình thương và Ngài cứ đứng ngoài cửa để chờ đợi. Đừng vội kết án và nhấn anh em xuống bùn bằng những lời nói xấu, tốt hơn là hãy cầu nguyện cho những người làm ta phiền lòng, rồi một ngày nào đó họ sẽ thay đổi.

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Thương xót như Cha




Đó là khẩu hiệu của năm thánh Thương Xót này. Vì muốn muôn loài muôn vật được chia sẻ vinh quang của mình nên Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ, trong đó có loài người, họ được tạo nên giống hình ảnh Ngài: có tự do, có ngôi vị, có sự sống bất tử. Dù họ sa ngã vì bất tuân, Chúa vẫn rộng tay cứu giúp họ tìm lại được địa vị làm con cái Chúa và khỏi chết muôn đời. Đó là hành động của Thiên Chúa. Còn chúng ta đã hành động thế nào để nên giống Cha trên trời?

Phải thừa nhận rằng việc hiểu được lòng thương xót của Chúa đã là một điều khó, chưa nói đến việc thực hành. Vì Chúa đã nói: Như trời cao hơn đất thế nào thì tư tưởng của Ta cũng vượt trên suy nghĩ của các ngươi như vậy. Và trong tông huấn Dung Mạo Lòng Thương Xót đã nói: “Lòng thương xót là chìa khóa để hiểu những hành động của Thiên Chúa”. Có câu chuyện kể rằng: có một người tu hành cảm thấy những hành động tự hạ, tự hủy và tự hiến của Chúa Giêsu là quá vô lý ! Cha bề trên đưa ra hai ly đầy nước, một ly rất lớn và ly kia nhỏ xíu và một hũ muối. Cha bảo: con hãy múc một muỗng muối đổ vào mỗi ly và nếm xem thế nào. Người học trò nếm ly nhỏ và cảm thấy rất mặn, nhưng ly lớn thì hầu như không mặn tí nào. Cha bề trên mới dạy: khi lòng ta nhỏ hẹp thì thấy những hành động của Chúa Giêsu là quá khó hiểu, nhưng với lòng thương bao la của Thiên Chúa thì những điều kỳ diệu Con Thiên Chúa đã thực hiện cho con người quả là cần thiết để cứu họ khỏi án phạt muôn đời. Sách tu đức dạy ta rằng: Đừng nghĩ Thiên Chúa làm gì để yêu ta, nhưng hãy nghĩ Thiên Chúa thương ta biết bao khi chịu thương khó. Vậy đó, ta hãy năng suy ngắm tình thương Chúa dành cho loài người để mở rộng cõi lòng mình ra hơn với anh em.

Nếu nói rằng ‘Lòng thương xót anh em là quy luật và là thước đo sự trọn lành’, thì ta phải thừa nhận rằng bao lâu còn sống trên cõi đời thì ta còn lỗi phạm về đức bác ái ! Trong đoạn Tin Mừng thứ 2 tuần 2 MC vừa rồi (Lc 6,36-38), Chúa dạy ta phải có lòng nhân từ như Cha. Cụ thể là đừng xét đoán, đừng lên án, hãy tha thứ và hãy cho đi. Hằng ngày thời sự trên truyền hình và internet cứ ra rả những chuyện giết chóc, trộm cắp, hối lộ, mại dâm ma túy, xây tường… làm ta cứ tưởng rằng chẳng còn gì tốt trên thế gian nầy, lo mà thủ thân và thủ thế. Nhưng đừng quên rằng Chúa là chủ của lịch sử, Ngài vẫn hành động, Ngài gửi ông Giuse sang Ai Cập trước để cứu sống nhiều dân tộc và cách riêng là dân riêng của Chúa. Có biết bao thiện nam tín nữ ngày ngày gắng bước trên con đường trọn lành. Mỗi người hãy trở thành một nhân tố tốt trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô: “ĐỪNG XÉT ĐOÁN, ĐỪNG KẾT ÁN, HÃY THA THỨ VÀ HÃY CHO ĐI”.

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Tôi là người tội lỗi




Đó là câu trả lời của đức Phanxicô khi trả lời câu hỏi được phỏng vấn: “Ngài là ai ?”. Quả là bất ngờ vì chúng ta vẫn thường gọi giáo hoàng là Đức Thánh Cha. Trong một bài huấn từ, đức Phanxicô nói rõ hơn tư tưởng của ngài: ý thức được tình trạng tội lỗi đáng thương của mình là điều kiện cần thiết để được Thiên Chúa xót thương. Và chính ngài vẫn thường xuyên nói với những người hiện diện: “Đừng quên cầu nguyện cho tôi”.
Những bài đọc trong tuần 5 thường niên C đều có chung một ý tưởng: thân phận tội lỗi và bất xứng của con người khi đối diện với Thiên Chúa. Bài đọc 1, tiên tri Isaia được thị kiến chiêm ngắm uy nghi của Chúa và nghe tiếng tung hô của các thiên thần, tiên tri thấy mình bất xứng vì thân phận phàm nhân của mình, và một vị thiên sứ của Chúa đã dùng than hồng để thanh luyện miệng lưỡi vị tiên tri để ông được sai đi.  Còn bài Tin Mừng, Thánh Luca thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu bước xuống thuyền của ông Phêrô đang neo đậu gần bờ, Chúa  giảng dạy và sau đó bảo các tông đồ thả lưới. Dù cả đêm trường nỗ lực mà không bắt được gì, các ông vẫn vâng lời thả lưới và một mẻ lưới lớn đến nỗi cá chất đầy 2 thuyền gần chìm. Bấy giờ ông Phêrô thấy rõ sự bất xứng của mình trước Thầy Giêsu đến nỗi ông thưa rằng: “Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Dù bất xứng là vậy, Chúa vẫn chọn ông là thuyền trưởng trong công cuộc chài lưới người. Bài đọc 2, thánh Phaolô đã tóm gọn nội dung giáo lý mà các tông đồ vẫn rao giảng: Đức Giêsu chết vì tội lỗi chúng ta, Ngài đã chịu táng xác và đã sống lại và hiện ra với rất nhiều người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, cuối cùng đã hiện ra với chính thánh Phaolô một người bất xứng được gọi làm tông đồ. Chính cuộc hiện ra của Chúa trên đường Damas đã đảo lộn cuộc đời Thánh Phaolô.  Lúc đó ông đang trên đường đi bắt bớ các Kitô hữu, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sau ông lại mạnh dạn rao giảng về Đức Giêsu là Đấng Mesia được các tiên tri loan báo. Dù có nhiều điều đáng tự hào: ông có quốc tịch Roma, ông học thông thạo lề luật Do Thái và thuộc dòng dõi biệt phái, ông là người làm việc năng nổ nhất trong Hội Thánh bấy giờ, ông được thị kiến riêng về cõi trời… nhưng Ngài nói rất kiêm tốn: Tôi có là gì cũng là bởi ơn Chúa ban. Tôi coi mọi sự là rơm rác và bất lợi trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô.
Còn chúng ta cũng là loài thụ tạo bất xứng, cũng thường xuyên phạm tội, nhưng hình như đã mất cảm thức về tội: chẳng mấy khi muốn xưng tội, chẳng mấy khi đấm ngực ăn năn, chẳng mấy khi xin lỗi Chúa về điều nầy điều nọ, trái lại còn tìm mọi cách để đề cao bản thân  mình. Nhiều người cho rằng: quá nhấn mạnh đến thân phận tội lỗi của mình là sai thần học, vì mọi người đã được hưởng ơn công chính hóa mà Chúa Giêsu đã ban tặng và là con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói về ơn công chính hóa: mọi kẻ tin vào danh Chúa Kitô và chịu phép rửa thì được ơn cứu rỗi. Thế nhưng bao lâu còn sống trong thân xác thì con người vẫn còn lỗi lề luật Chúa dạy, nhất là luật bác ái yêu thương, vì tội nguyên tổ đã làm cho bản tính nhân loại của con người bị tổn thương và nghiêng chiều về tội lỗi (GLHTCG 407). Nhưng rồi Thiên Chúa đã tỏ lộ quyền năng của Ngài trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót của Ngài đối với chúng ta.
Những ngày cuối năm, một trong những việc rất cần thiết là duyệt xét lại cuộc sống mình, nhất là về các mối quan hệ và về tình yêu của ta với anh em. Năm cũ qua đi, ta tạ ơn Chúa dẫu cuộc sống không may và không hay. Năm mới đến, ta phó thác cuộc đời trong tay Chúa nhân lành, quyết tâm làm lại cuộc xuất hành mỗi ngày, dù mình bất xứng và tội lỗi, nhưng được làm việc Chúa muốn là hạnh phúc và mục đích đời người.