Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Điểm tựa




Câu nói của Acsimet: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên" đã gợi hứng cho nhiều người suy nghĩ về những điểm tựa trong cuộc đời, là điểm khởi đầu cần thiết và không thể thiếu cho mọi vấn đề. Ta có thể làm thực nghiệm của câu nói trên một cách dễ dàng, nhưng để nhận định được những điểm tựa trong các lãnh vực trừu tượng sẽ khó hơn nhiều. Các bạn trẻ thường dùng một chiếc đũa tì lên ngón tay làm điểm tựa để khui bia. Trong cuộc sống người ta thường dùng nguyên tắc đòn bẩy để kích một vật nặng lên một cách dễ dàng. Ở đây, chúng ta chỉ bàn đến vài điểm tựa, với ước mong gợi hứng cho những điểm tựa khác tùy cảm nhận của mỗi người.

Trong cuộc sống, gia đình được coi là điểm tựa cuộc đời cho mọi người, dù họ có nhận ra hay không. Đã có những chủ thuyết muốn xóa bỏ các định chế gia đình như vẫn có xưa nay, họ xem con người là con vật xã hội nên giao phó cho xã hội nhiệm vụ đào luyện và sử dụng con người theo những mục tiêu mà nó đề ra. Nhưng rồi, họ nhanh chóng nhận ra ‘gia đình là cái nôi của nhân cách con người phát triển một cách tự nhiên và hài hòa nhất’, nếu không có gia đình thì giáo dục của xã hội trở thành vô nghĩa vì lối cư xử ở ngoài xã hội mang tính ‘đối phó’ rất khác xa với cách cư xử chân tình của những người ruột thịt trong một gia đình. Giáo hội còn đi xa hơn khi dạy con cái mình: gia đình có nhiệm vụ chuyển giao niềm tin, giáo dục con cái những nhân đức Kitô giáo, là một cộng đoàn cầu nguyện, trường dạy yêu thương, là tế bào căn bản của xã hội và Giáo hội. Giáo hội ra sức bảo vệ các giá trị của gia đình là vì tuân theo ý muốn của Chúa và vì lợi ích của các tâm hồn: những gia đình lành mạnh sẽ tạo nên một xã hội ổn định. Trong một bài nói chuyện mới đây, Đức Phanxicô nói về vai trò người cha và người mẹ: Người cha hãy thu xếp để có thể hiện diện trong vai trò của mình, hãy thể hiện vai trò của mình là người chịu trách nhiệm về gia đình mình trong việc đưa ra một lý tưởng sống bằng gương sáng và những hướng dẫn cần thiết cho con cái. Còn người mẹ có nhiệm vụ thiêng liêng là đưa con mình vào mối thân tình với Thiên Chúa với những lời kinh bập bẹ từ thuở đầu đời. Như vậy, cha mẹ là điểm tựa cho nhân cách con cái được lớn lên và mãi là điểm tựa  đức tin cho con cháu.

Tính trung thực là căn cội của mọi liên hệ và là điểm tựa cho mọi triết lý giáo dục đúng nghĩa. Ai  trong chúng ta cũng cảm nghiệm được giá trị của hai chữ lòng tin. Vợ chồng không thể yêu nhau thật tình khi lòng tin tưởng bị thử thách. Những lời dạy dỗ của cha mẹ và thầy cô sẽ mất tác dụng khi con em nhận ra rằng lời nói không đi kèm gương sáng. Tình cảm bạn bè và xóm giềng sẽ vỡ tan khi con người cư xử tráo trở và không chân tình. Pháp luật muốn nghiêm minh thì chính những người làm lớn phải làm gương cho bàn dân thiên hạ noi theo.
Sự cầu nguyện cũng xem như một điểm tựa cho đời sống tâm linh. Khi nói về truyền thông, Đức Benêdictô 16 đã nói sự thinh lặng niệm suy là nền tảng cho những sứ điệp truyền thông. Khi nói đến mọi vấn đề trong đạo, điều quan trọng nhất là "các con hãy cầu nguyện không ngừng", vì Giáo hội là công trình của Thiên Chúa: muốn cho gia đình hạnh phúc thì hãy cầu nguyện chung với nhau hằng ngày, muốn truyền giáo thì hãy cầu nguyện để xin chủ ruộng sai thợ gặt đến, cầu cho sự hiệp nhất, cầu nguyện cho các nạn nhân thiên tai, các kẻ đã qua đời, cho người đau khổ, cho Đức Giáo Hoàng, cho tội nhân, cho người thân vv... Điều đó muốn nói lên rằng: trung tâm đời sống Giáo hội là Chúa Thánh Thần, là ân sủng của Ngài. Đức Phanxicô nói với chúng ta: đừng đóng khung đời sống chúng ta trong những khuôn khổ cũ, mà phải luôn mở lòng cho những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Ngài là tác nhân của sự đổi mới, vì Ngài là Gió và Lửa. Muốn có Chúa Thánh Thần dồi dào thì chúng ta phải cầu nguyện: “Cha Ta trên trời sẽ kíp ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Ngài”.

Lòng ‘mến Chúa yêu người’ là điểm tựa cho lâu đài nhân đức. Chính Chúa Giêsu đã đưa ra câu trả lời vắn gọn cho bộ luật Do Thái với quá nhiều điều buộc và cấm. Bộ luật của thời Tân Ước cũng làm rối trí nhiều người với biết bao lời khuyên được rút ra từ Kinh Thánh: là 8 mối phúc, những lệnh truyền của Chúa về việc ăn chay cầu nguyện, đức tin, lòng sám hối, khiêm nhường, cử hành Thánh Thể, bài ca đức mến của thánh Phaolô. Dù nhiều bản văn đề cập đến các nhân đức như vậy, nhưng lâu đài nhân đức Kitô giáo lại được đặt trên hai bộ luật chính yếu là: mến Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình, như bản thân mình và như thân mình Chúa Kitô.

Và đẹp thay khi đôi vai của mình trở thành điểm tựa cho người thân khi họ cần đến. Khi ai đó thật buồn và cô độc, họ gọi cho bạn thì bạn hãy đến bên họ, vì có một ngày nào đó bạn cũng cần một ai đó làm điểm tựa cho mình để vượt qua gian khó.