Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Thiên Chúa ở cùng




Con người luôn sợ phải đi một mình, không có người đồng hành. Dân Do Thái ngày xưa và cả Giáo hội hôm nay luôn bị thử thách về sự hiện diện của Thiên Chúa trong dòng lịch sử: “Có Thiên Chúa ở với chúng ta hay không? Nếu có Thiên Chúa, tại sao chẳng thấy hành động của Ngài khi những kẻ tin Ngài bị đàn áp và khi kẻ ác được hưng thịnh?
Lịch sử dân Do Thái luôn tùy thuộc vào việc tin vào Thiên Chúa hay không. Sau biến cố vượt qua biển đỏ, dân Do Thái tràn đầy tin tưởng vào Thiên Chúa của họ, một Thiên Chúa hùng mạnh và trung thành với mọi lời đã hứa. Thế nhưng cuộc xuất hành quá lâu giữa sa mạc với nhiều gian nan đã thử thách niềm tin của họ rất nhiều, dù có áng mây ban ngày và cột lửa ban đêm luôn đồng hành, dù cho có ông Moisen và hòm bia ở giữa họ, nhưng họ vẫn lẩm bẩm kêu trách và nghi ngờ Thiên Chúa: “Có Thiên Chúa ở với chúng ta hay không?”. Đã có lúc họ đã đúc bò vàng và thờ lạy nó, họ cảm thấy yên tâm vì con mắt phàm nhân luôn nhìn thấy con bò ấy. Khi đã định cư ở đất Canaan, dân Do Thái luôn bị cám dỗ chạy theo các thần mà dân ngoại thờ, dù họ biết rằng giao ước Sinai đã ghi rõ ràng: Thiên Chúa sẽ bảo vệ dân nếu họ trung thành thờ phượng một mình Ngài. Đã có những cuộc trở về với ân tình Thiên Chúa, thanh tẩy tâm hồn và cùng tuyên xưng niềm tin vào Yavê, là Thiên Chúa của các tổ phụ và là Đấng đã làm bao việc kỳ diệu trong lịch sử cho dân Ngài. Nhưng rồi cơn cám dỗ trung thành với lời cam kết Sinai đã không ngừng diễn ra, và đã nhiều lần họ đã phải trải qua cảnh lưu đày.
Trong biến cố Truyền Tin, sứ thần chào Đức Maria với tước hiệu “đầy ơn phúc, có Thiên Chúa ở cùng”. Bao lâu con người không bị tội lỗi chế ngự thì họ được kết hiệp với Thiên Chúa và Thiên Chúa ngự trong lòng họ. Khi ta phạm tội là ta xúc phạm đến Thiên Chúa và anh em, ta tự tách rời khỏi Thân Thể Huyền Nhiệm và làm cho Thân Thể đó trở nên nghèo nàn đi. Người tay sạch lòng thanh, người chuyên chăm tìm kiếm Thiên Chúa qua cầu nguyện và tham dự các bí tích là người diễm phúc vì được kết hiệp với Thiên Chúa và được Thiên Chúa ở cùng.

Những lúc gian nan, con người thường bị cám dỗ tưởng rằng mình đơn côi vác thập giá cuộc đời. Trên Thánh giá, chính Đức Giêsu đã từng thốt lên: “Sao Cha để con một mình?”. Thiên Chúa là người cha luôn bênh đỡ, đồng hành và không bao giờ cho phép xảy đến những gánh nặng mà ta không đủ sức vác: Chúa ban ơn riêng cho từng người tùy hoàn cảnh sống mà họ trải qua.

Quả thực, Thiên Chúa luôn hiện diện và hành động trong vũ trụ nầy, nhưng cách hành động của Ngài khác xa sự tưởng tượng của con người: con người thích phô trương thì Thiên Chúa lại thích ẩn mình, con người thích mọi sự phải được giải quyết nhanh chóng thì Thiên Chúa lại kiên nhẫn, con người thích Thiên Chúa trừng phạt những kẻ gian ác thì Thiên Chúa lại tỏ ra quá nhân từ đến nỗi Ngài cứ làm mưa trên kẻ lành người dữ, con người tưởng rằng Chúa công bình thì Ngài lại không mỏi mệt để tha thứ cho mọi người thành tâm thống hối trở về. Và Thiên Chúa đó luôn đồng hành với ta mọi ngày, mọi hoàn cảnh, đó là sự thật lớn lao mang lại hạnh phúc cho kẻ tin vào Thiên Chúa.

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Những người lữ hành trong đức tin




Mừng lễ Thánh Giuse, ngẫm nghĩ về cuộc sống tuy trầm lặng nhưng tỏa sáng nhân đức của Ngài, tôi liên tưởng đến ông Abraham, được mệnh danh là ‘cha của những kẻ tin’. Hai vị mãi là những mẫu gương sáng cho hành trình đức tin của chúng ta.


Lần tìm về Cựu Ước, sau khi tổ tông loài người sa ngã, cả một tương lai đen tối đang mở ra, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ. Hàng nghìn năm đã trôi qua, Thiên Chúa đã quyết định chọn gọi ông Abram trở thành tổ phụ của một dân tộc mới, cái nôi cho Con Chúa nhập thể. Chúa nói với ông hãy rời bỏ quê hương bộ tộc đến vùng đất mà Chúa sẽ chỉ cho, ông được đổi tên là Abraham là ‘cha của nhiều dân tộc’. Ông Abraham ra đi mà không biết mình đi đâu, chỉ vâng theo một lời hứa của một Đấng mà ông cũng chưa biết tên, chuyện của ông chưa từng xảy ra với ai để mà tham khảo. Thật trớ trêu là lời hứa của Đấng ấy là ‘con cái của ông sẽ đông đúc như sao trên trời, như cát dưới biển’, vậy mà cả hai ông bà sống đến tuổi già lão mà chẳng có con… đến nỗi khi hai sứ thần ghé nhà ông bà, một vị bảo ‘sang năm ông bà sẽ có con’ thì bà Sara không thể nhịn cười được vì thấy quá đỗi lạ thường. Sống trong hoàn cảnh dường như lời hứa trở thành ‘vô hiệu’, vậy mà cả hai ông bà chẳng oán trách Chúa, vẫn sống an hòa và vui vẻ tiếp khách đỗ nhà. Đến khi có một mụn con Isa ac thì Chúa lại truyền hiến tế cho Ngài, vậy mà ông vẫn âm thầm vâng lời. Ông Abraham xứng đáng được gọi là cha của những kẻ tin.

Thánh Giuse cũng được Thiên Chúa chọn làm cha nuôi Chúa Giêsu. Đây cũng là một kế hoạch lạ đời, ngoài dự tính của con người và cũng chưa từng có tiền lệ. Ông Giuse đã đính hôn với Maria với ý định thành lập một gia đình như mọi người, thế nhưng Chúa lại mời gọi Ngài bước vào một hành trình cao cả, khai mở  thời đại cứu chuộc: Con Thiên Chúa ra đời. Ông Giuse định tâm rút lui khỏi một dự án mà ông không hiểu, và Ngài đã vui lòng cộng tác vào chương trình của Chúa khi được soi tỏ. Ngài đã âm thầm rút khỏi sân khấu khi vai trò của mình đã hoàn thành. Cuộc đời Thánh Giuse mãi là một huyền nhiệm để ta suy tưởng và học hỏi, dù cả pho sách Thánh Kinh chẳng lưu dấu một lời nào của Ngài. Thánh Giuse là con người trầm lặng, nguyện cầu, hy sinh quên mình, mau mắn đáp lại ý Chúa, phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, chăm chỉ làm việc và khiêm tốn phục vụ.


Thiên Chúa có một ý định cụ thể cho từng người được sinh ra, chúng ta xác tín điều đó. Trong cuộc hành trình dương gian, nhiều điều ta không ngờ và không muốn vẫn xảy đến để niềm tin ta được lớn lên. Thánh Phaolô nói nhiều khi ta cứ thích uống sữa và mãi là những trẻ em mà không thích những thức ăn cần thiết cho cơ thể được lớn lên. Noi gương sống đức tin của ông Abraham và Thánh Cả Giuse, chúng ta hãy kiên trì làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa, đừng quá lo lắng sự đời – lo hết phần của Chúa.

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Ngày quốc tế phụ nữ




Nhân ngày quốc tế phụ nữ, xin chúc mừng các mẹ chị và các em gái, vì xã hội đã muốn mọi người lưu tâm đến quyền lợi và nhân phẩm của phái đẹp. Trong thực tế của nhiều xã hội và của nhiều hoàn cảnh sống, các mẹ chị vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi nên phải đấu tranh cho có quyền bình đẳng và được tôn trọng như người nam. Điều đó đúng, nhưng phải hiểu thế nào là bình đẳng?

Nhiều người cho rằng bình đẳng là không có sự phân biệt công việc và quyền lợi, người đàn ông được làm chức vụ gì thì người phụ nữ cũng phải được làm việc đó, ví dụ như người phụ nữ cũng làm được thủ tướng hay tổng thống. Điều đó đúng, vì trên thế giới đang có những phụ nữ làm tổng thống và thủ tướng. Nhưng nếu quan niệm bình quyền là bằng nhau và giống nhau thì có phần không chuẩn, vì Thượng Đế đã tạo dựng hai phái nam và nữ để họ bổ túc cho nhau về cá tính, tình cảm, phái tính và sinh sản. Người phụ nữ còn được phú bẩm cho sự nhạy cảm và khéo léo để giữ gìn hơi ấm trong gia đình và giáo dục con cái. Điều kỳ diệu của Thượng Đế là tạo nên mỗi cá nhân trên hành tinh nầy không ai giống ai để mỗi người biết đóng góp phần mình xây dựng xã hội, điều đó làm cho họ hạnh phúc và làm cho xã hội nên phong phú. Bình đẳng không phải là mọi người hòa đồng mẫu số để trở nên bằng nhau và giống nhau. Có một câu danh ngôn nói rằng: “Sự lãng phí lớn nhất là lãng phí chính mình khi ta cố trở thành giống ai đó”. Thật lãng phí khi người mẹ vì cuộc đấu tranh bình quyền mà bỏ bê tổ ấm gia đình để bôn ba ngoài xã hội, vì nghĩ rằng việc nội trợ là việc của người làm công. Thực ra bất cứ công việc bổn phận nào dù lớn hay nhỏ, nếu được làm với tình yêu thì sẽ mang lại hạnh phúc cho người đó và có công trạng trước mặt Chúa.
Hơn ai hết, trong Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập, ngay từ đầu đã có một sự bình đẳng: mọi người không phân biệt màu da, tôn giáo, phái tính, xuất thân… đều được mời gọi gia nhập cộng đoàn để trở thành những phần tử trong một thân thể duy nhất. Trong cuộc phỏng vấn trên chuyến máy bay trở về từ đại hội giới trẻ 2013, một ký giả hỏi đức Phanxicô về việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, đức Thánh Cha trả lời: chức linh mục là để phục vụ chứ không phải là một quyền lợi, Mẹ Maria vẫn có chỗ đứng trổi vượt hơn cả các tông đồ mà không có chức linh mục, chính bà Maria Madala là người đầu tiên đón nhận Tin Mừng Phục Sinh để chuyển tin đó cho các tông đồ, và mới đây đức Thánh Cha nói rằng phải đào sâu hơn nữa nền thần học về các phụ nữ, rằng không thể tưởng tượng được một Giáo hội mà không có các nữ tu để phục vụ trong các nhà thương, các trường học và để cầu nguyện.

Ngoài những vấn đề xã hội, cuộc đấu tranh của chị em còn muốn lôi kéo sự quan tâm của những người ruột thịt trong gia đình, làm sao cho chồng con đánh giá được công sức của mình ‘trăm công nghìn việc’ nơi gia đình và được mọi người yêu mến. Xin tặng chị em câu danh ngôn rất hay: Mỗi người đàn bà đều có một nét quyến rũ kỳ bí, nếu họ không kiêu hãnh và bướng bỉnh (Joanna Ballie). Đúng vậy, bông hoa ‘dịu dàng’ của các mẹ chị luôn mang hương sắc tuyệt vời quyến rũ mọi người, và cũng thật là an ủi cho các bà mẹ là có lẽ khoảng 90% trẻ em kêu cứu đến mẹ như là người thân thiết nhất!