Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Bảo chứng

Lúc sinh thời, vào những thời điểm sức khỏe khá ổn định, cha Phaolô Nguyễn Công Minh đã có những bài giảng rất đánh động tâm hồn, tôi đã ghi lại được khoảng 30 bài. Xin trích lại nơi đây, theo thứ tự ABC, mong chúng trở nên hữu ích cho nhiều người.



BẢO CHỨNG.



 Tin Mừng tuần 18 TN C Lc 12,13-21)

Vàng thường được chọn làm vật bảo chứng cho một nền kinh tế. Người ta phải đổ biết bao xương máu để tìm đào vàng từ trong lòng đất, họ đúc nó lại thành từng khối và cất dấu nó xuống lòng đất lại - trong những căn hầm được canh giữ cẩn thận… đúng là cái vòng luẩn quẩn: họ tích trữ những vật quý mà không hề được đem ra sử dụng trong đời mình. Người ta ước tính có đến hàng triệu cây vàng được cất trong lòng đất ở Anh, Mỹ, Thụy Sỹ…

Người phú hộ trong đoạn Tin Mừng hôm nay làm giàu một cách lương thiện từ hoa màu ruộng đất của mình, ông ta được xếp vào loại ngu dại chỉ vì tầm nhìn cuộc sống chỉ dừng lại ở lãnh vực vật chất: tích trữ và vui chơi hưởng thụ - mà không biết đến sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa trên cuộc đời mình.

Có những người cũng thật là khờ dại khi nghĩ rằng giữ đạo chỉ cần đến nhà thờ mỗi tuần một lần là đủ - mà không biết rằng cần phải đi lễ hằng ngày để nghe giảng và lãnh nhận Mình Máu Chúa hằng ngày, như một nhu cầu thiết yếu cho mầm cây được xanh tươi. Thật là ngu dại khi một linh mục hay giáo dân không biết đặt Chúa làm chủ cuộc đời mình và là gia nghiệp đời mình.

Chiếc nhẫn cưới là bằng chứng tình yêu và lòng trung thành của 2 người thành hôn trao cho nhau, nhưng thật ra chính lòng tốt và sự tử tế mới là bảo chứng thật của tình yêu bền vững. Thật là ngu dại khi người ta kết hôn vì lợi lộc vật chất, tiền tài danh vọng, sắc đẹp, môn đăng hộ đối của gia đình,  trình độ… mà không biết rằng chính tình yêu mới là bảo chứng cho một cuộc tình bền vững.

Ẫn tín bí tích rửa tội là bảo chứng cho một người trở thành con cái Thiên Chúa, tuy vậy cũng thật là ngu dại khi nghĩ rằng họ không cần phải nỗ lực trở thành một tạo vật mới – trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, phải biết nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.

Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình được to cao - khỏe mạnh – đỗ đạt – hạnh phúc – ngoan hiền…nhưng một nền giáo dục Kitô giáo phải có một bảo chứng: niềm tin vào Thiên Chúa. Phải lo bày vẽ và truyền lại những kinh nghiệm sống đạo cho con cái nữa, để chúng vừa thành công – vừa thành nhân. Một chiếc thuyền to lớn cũng được một bánh lái tí tẹo dẫn đi đúng đường, con cái chúng ta có thể không mấy thành công về tiền tài danh vọng, nhưng nếu có niềm tin vào Chúa – vào chính mình và vào cuộc đời… thì đã có một bảo chứng cho một cuộc đời hạnh phúc: sống để làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn

Sống ở đời, ai ai cũng lo ‘cất’ một ít vốn và tiền để trang trải những nhu cầu thiết yếu cho bản thân mình và người thân: đó là một tính toán hợp lý, nhưng điều cần thiết là đừng gạt Thiên Chúa ra khỏi những ‘dự định’ về cuộc đời – nếu không muốn bị Chúa chê cười là ‘đồ ngốc’.



Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

TÊRÊXA VỊ THÁNH ĐƯƠNG ĐẠI





Giáo dân Việt Nam rất mộ mến Thánh nữ Têrêxa, vì ngài là một vị thánh sống rất gần với chúng ta (mất 1897), Ngài là một vị Đại Thánh, và trên hết là vì linh đạo của Ngài thật mới mẻ và diệu kỳ. Nhiều chị em và nhiều tập thể đã chọn Ngài làm bổn mạng – kể cả nam giới. Linh đạo của Thánh nhân được nhiều người mộ mến vì nó nhẹ nhàng và dường như trong tầm tay của mọi người: làm việc nhỏ hằng ngày với tình yêu lớn lao.


Tự truyện ‘Một tâm hồn’ là một tuyệt tác, vì nó được viết ra với trọn tâm hồn và vạch ra một con đường nên thánh mà ai cũng thực hành được: làm mọi việc vì tình yêu và luôn sống phó thác. Các Đức Giáo hoàng Piô XI và Gioan Phaolô II đã không ngần ngại phong những tước hiệu cao quý (Bổn mạng các xứ truyền giáo và Tiến sỹ Hội Thánh) cho Thánh nữ là có lý do của nó. Trong chuyến thăm giáo phận Banmêthuột lần đầu tiên, Đức TGM Leonardo Girelli đã viếng thăm Dòng kín, một cộng đoàn các chị nữ tu tại giáo xứ Châu Sơn; điều đó cho thấy Giáo hội vẫn đánh giá cao về đời sống chiêm niệm. Những linh mục trẻ thuộc giáo phận Banmêthuột có truyền thống là sau khi làm lễ mở tay tại giáo xứ nhà, thường xuống lại giáo phận Nha Trang và dâng lễ tạ ơn tại dòng kín, để nói lên mối liên lạc sâu xa giữa hoạt động truyền giáo và hoạt động của ơn Thánh – mà các chị nữ tu dòng kín đã kín múc từ trời cao.

Truyện Một Tâm hồn có kể lại Thánh Têrêxa có 2 người anh thiêng liêng, được mẹ bề trên giao phó cho Thánh nữ cầu nguyện. Thánh nữ cảm thấy hạnh phúc vì được thực hiện ước mơ truyền giáo của mình. Ngài cộng tác với các linh mục đó bằng những lời cầu nguyện và hy sinh liên lỷ, nhất là những đau đớn bởi bệnh tật và những hiểu lầm của chị em. Cuối cuộc đời, Ngài nói: “Chỉ tình yêu là đáng kể thôi”. Khi Thánh nữ Têrêxa qua đời, có người đã tự hỏi: “với một cuộc đời vô vị và ngắn ngủi như vậy, không biết nên ghi vào sổ nhà dòng thế nào đây? Ấy thế mà Ngài đã được mọi người tôn kính và yêu mến, kể cả người trí thức và kẻ bình dân.

Thời đại hôm nay người ta đề cao học thức và kỹ thuật như những điều kiện cần thiết để truyền giáo, dễ có khuynh hướng coi thường những người ít học và kém tài, dễ coi thường những người chỉ biết ngồi đó cầu nguyện mà không ‘nhấc tay đụng chân’ vào những kế hoạch truyền giáo được đề ra…vậy mà một người chỉ sống âm thầm trong một nhà dòng kín lại được đề cao!  Đức Giáo Hoàng Benêdictô 16 trong chuyến tông du tới Đức để nói về Thiên Chúa cho một xã hội đang dần loại bỏ Thiên Chúa vì xem Ngài như cản trở cho sự tự do và phát triển xã hội, vì họ đang theo đuổi những đam mê trần tục giả dối cách thái quá. Ngài nói với các bạn trẻ: “Hãy can đảm sử dụng các nén bạc và tài năng của các bạn cho Nước Chúa và hiến thân - như cây nến - để qua các bạn, Chúa soi sáng bóng đêm. Hãy dám trở nên một vị thánh nhiệt thành, trong đôi mắt và con tim có tình yêu của Chúa Kitô chiếu sáng và qua đó mang ánh sáng cho thế giới”. Giáo hội Chúa Kitô thiết lập mãi vững bền trên đôi chân của mình: cầu nguyện và hoạt động; hai thực tại nầy hiện diện trong mỗi tâm hồn và mỗi cộng đoàn.


“Hãy làm mọi việc vì lòng yêu mến và luôn sống phó thác” là lời Thánh nữ để lại cho chúng ta. Chính tình yêu mến Thiên Chúa và các linh hồn sẽ làm cho cuộc đời bình dị và tầm thường của ta nên giá trị trước mặt Thiên Chúa, dù trong vai trò người mẹ hay người cha, dù là linh mục hay giáo dân, dù trí thức hay ít học, dù khỏe mạnh hay nằm trên giường bệnh, dù chết trẻ hay sống lâu trăm tuổi… Vâng, cuộc sống trên trần thế nầy, chỉ có tình yêu là đáng kể thôi – còn mọi sự khác sẽ qua đi như những áng mây vần vũ trên bầu trời nầy.

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Lời thầm thì 2




Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận kể lại kinh nghiệm ngục tù của mình rằng: có những ngày tinh thần và thể xác yếu nhược đến nỗi ngài không thể cầu nguyện với Chúa, dù chỉ đọc một kinh. Có một anh cán bộ xin ngài dạy cho một bài hát tiếng La tinh, ngài hát thử cho anh nghe mấy bài, và anh chọn bài Lạy Thần Khí Chúa (Veni Creator Spiritus). Mỗi sáng anh ta hát lớn bài hát đó khi tập thể dục, và người tù Phanxicô được nâng đỡ tinh thần rất nhiều nhờ nghe bài hát này mỗi ngày.
Sách tu đức cũng dạy ta rằng: Khi tinh thần còn lanh lẹ và thân xác còn khỏe mạnh, con hãy ca tụng Chúa bù lại cho những ngày cuộc đời trải qua đêm tối.
Có câu chuyện kể lại rằng: Một cậu bé đang đi học tiểu học thì bị tai nạn nên phải nghỉ học lâu dài để chữa bệnh. Cậu rất nhớ bạn bè và các bạn cũng thường đến thăm cậu, nhưng rồi những cuộc thăm viếng thưa dần. Người mẹ chứng kiến sự mong chờ đến héo mòn của con mình mỗi ngày và bà nghĩ ra một cách: bà viết thư cho con và gửi nó qua đường bưu điện. Nhận được thư mỗi ngày trở thành một thói quen và tạo nên một niềm háo hức nơi người phải nằm dí trên giường bệnh. Chuyện không thể giữ bí mật mãi, người con khám phá rằng thư đó là do mẹ mình viết để củng cố tinh thần mình, nhưng chuyện đó cũng không làm giảm sự say mê nhận và đọc thư của ‘bạn’ gửi cho mình mỗi ngày, vì có một sự đồng cảm của hai tâm hồn.
Cũng có chuyện khác kể rằng: Có một người đàn ông bị bệnh lâu ngày, ông đã cảm nghiệm được nỗi cô đơn của những người bất hạnh, họ mong mỏi nhận được lời thăm hỏi động viên của ai đó. Khi được khỏi bệnh, ông nghĩ mình phải làm điều gì đó để quan tâm và an ủi một ai đó, và ông nghĩ đến chuyện viết thư cho các tù nhân dù không bao giờ nhận được lời hồi âm. Những cánh thư ông viết được đưa vào tù, được chuyển từ phòng này qua phòng khác, từ trại giam nầy qua trại giam khác đến sờn rách. Mãi về sau, ông nhận được lời hồi âm của ông quản giáo trại tù: Xin ông viết trên loại giấy tốt hơn, vì thư ông viết đã trở thành món ăn tinh thần cho rất nhiều người.

Thời đại thông tin, chúng ta có tin nhắn để quan tâm đến những người thân, nhất là những người bị bệnh ung thư. Hãy biết rằng, họ rất cần những lời động viên và cầu nguyện của chúng ta, nhất là có những ngày tâm trí họ hoang mang và thể xác rụng rời. Xin trích thêm một vài câu ngắn gọn có thể nhắn.
Hồn con khát Chúa trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan.
Tôi biết tôi đã tin vào ai.
Chúa vẽ nét thẳng trên những đường cong.
Trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ.
Tình thương Chúa, đời đời con ca ngợi.
Chúa có một kế hoạch cho mỗi cuộc đời.
Người gọi đến với mình những kẻ Ngài muốn.
Chúa yêu ai thì ban cho họ nên giống Ngài.
Lạy Chúa Chúa muốn con làm gì.
Lạy Chúa con, là tất cả của con.
Lạy Chúa con, lòng thương xót của con.
Lạy Chúa. Chúa biết mọi sự Chúa biết con yêu Chúa.

Tôi đã thử dùng tin nhắn với một vài người rồi và tôi tin là rất hiệu quả. Họ chỉ cần nhắn lại OK là được.

Tiến bước trên đường công chính





Sự công chính trước hết là một ân lộc Chúa ban tặng nhưng không cho kẻ Ngài muốn nhưng cũng là một lời đáp trả nhiệt tình của con người để tuân hành ý Chúa, để sống rộng lượng với anh em. Xin chia sẻ một vài tâm tình khi tiếp xúc với những bài đọc trong CN 26 TN B.

Điều suy nghĩ thứ nhất: Ân ban của Thần Khí.
Bài trích sách Dân số kể lại chuyện Thiên Chuá ban Thần Khí cho 72 kỳ mục và họ nói tiếng lạ, 70 vị tập trung ở lều Hội Ngộ, nhưng 2 vị khác dù không đến nơi tập trung thì vẫn được ơn nói tiên tri, và thế là có kẻ ghen tị. Chuyện đó cũng được lặp lại trong bài Tin Mừng, vì có kẻ nhân danh Chúa để trừ quỷ, họ trừ được quỷ dù không thuộc về nhóm tông đồ, và ở đây cũng có sự ghen tị. Nhưng cả ông Moisen và Chúa Giêsu đều có một thái độ: không ngăn cản, nên vui mừng vì danh Chúa cả sáng. Sự vui mừng ở đây không phải là do tính toán theo kiểu người đời là danh tiếng nhóm mình sẽ nổi, nhưng là tôn trọng hoạt động của Thần Khí: Gió muốn thổi đâu thì thổi, không ai thấy Gió, không ai biết Gió từ đâu tới và sẽ đi đâu. Đừng coi Giáo Hội như là một nhóm ưu tuyển, chỉ ai xứng đáng và đủ điều kiện mới được vào, chỉ ai ở trong nhóm đó mới được quyền nói tiên tri và được vào thiên đàng. Thật đáng ước mong là mọi người đều sống theo ý Chúa và được hạnh phúc đời nầy lẫn đời sau dù họ có nhập Giáo hội hay không.

Một não trạng cũng khá phổ biến nơi đạo Công giáo chúng ta: chỉ có các linh mục và tu sĩ mới có thẩm quyền và khả năng nói về Chúa cho người khác, và cũng chỉ có các vị lo mà truyền giáo. Quan niệm trên đưa đến thái độ thụ động của người giáo dân trong việc chia sẻ Lời Chúa cho anh em vì nghĩ rằng mình dốt nát, mà quên rằng Thần Khí Chúa vẫn hoạt động mãnh liệt trong thế giới và mỗi người đều có ân điển riêng để xây đựng cộng đoàn. Thái độ thụ động của người giáo dân với Giáo hội còn được thể hiện trong những gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày: họ không dám nói Lời Chúa với nhau, ngay cả trong gia đình. Hãy nhìn xem những anh em Tin Lành, mở miệng ra là họ chia sẻ Lời Chúa cho nhau, tùy hoàn cảnh sống, với mong ước người anh em mình tìm được lẽ sống. Đức Phanxicô nói với chúng ta: Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ (NGO) để phát chẩn và để là điểm quy chiếu về sự thiện, Giáo hội phải giới thiệu cho người khác về Chúa Kitô là sự thiện vĩ đại nhất, mọi hoạt động của Giáo hội phải hướng đến việc đưa con người đến với Chúa Kitô để họ đạt được ơn cứu rỗi.

Điều suy nghĩ thứ hai: cho môn đệ Chúa uống một ly nước lã. Trong cuộc phán xét mô phạm mà Chúa đã nêu lên trong Mt chương 25, ta đã nhận ra một điều là Chúa đồng hóa với tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nói rõ ràng rằng Ngài hiện diện một cách thiết thực nơi các nhà truyền giáo, nơi các linh mục và tu sĩ. Người giáo dân Việt Nam đã ý thức điều nầy từ lâu, họ rất trọng kính các vị sống đời tu trì, nhưng chính sự quý trọng quá lại thường làm cho giới nhà tu tự cao tự đại, coi thường giáo dân đến mức không xem họ là người cộng tác mà là tay sai trong các sinh hoạt giáo xứ: bảo gì thì làm nấy, cúi đầu mà làm - miễn góp ý. Một thói xấu rất nguy hiểm là người giáo dân thích bàn luận chuyện các cha xứ, đây là hành động tuyệt đối phải tránh vì phạm tội xét đoán đã đành mà còn là xét đoán người môn đệ Chúa, hãy coi chừng bị phạt lâu dài trong luyện ngục vì cái miệng bép xép và cái tâm không sáng.

Điều suy nghĩ thứ ba: Sống thánh thiện.
Luân lý Kitô giáo dạy ta không được làm điều xấu và thực hành điều tốt bao nhiêu có thể. Một vài điều xấu được nêu lên trong thư Thánh Giacôbê là lo tích trữ của cải vàng bạc và sống xa hoa khoái lạc vì những thứ đó sẽ trở nên vô giá trị khi ta đến trình diện Chúa, tệ hơn nữa là những của cải đạt được nhờ gian lận, vì còn lỗi đức công bình và bác ái  nữa. Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng thì còn nói đến một tội: làm gương mù cho người khác. Kẻ càng làm lớn càng phải giữ mình, vì một lời nói và thái độ không đúng của họ sẽ gây nên một đám cháy lớn trong cộng đoàn. Sách tu đức dạy: Bạn đừng chia sẻ những yếu đuối về tu đức của mình cho những người yếu đức tin hơn mình, kẻo làm họ vấp ngã.

Phần cuối bài Tin Mừng nêu lên một lý luận rất rõ ràng: thà cụt tay, cụt chân và chột mắt mà vào nước trời còn hơn lành lặn mà phải vào hỏa ngục. Nếu những chi thể trên làm cớ cho ta sa ngã thì hãy chặt bỏ đi, thà đau và khó chịu còn hơn là bị phạt trong hỏa ngục. Những lời nầy muốn nêu lên rằng Nước trời được ví như kho báu đáng cho ta bán tất cả mà tậu cho bằng được, và dĩ nhiên chỉ có kẻ dũng mãnh mới chiếm được triều thiên nước trời. Bản tính con người thường yếu đuối, muốn giữ đạo nên thì phải giữ gìn giác quan, hy sinh cầu nguyện, và nhất là phải tránh dịp tội.

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Hãy là người phục vụ




Khi nói đến hai chữ phục vụ, ta thường nghĩ đến những nhà lãnh đạo xã hội cũng như Giáo hội, vì nó gắn liền với câu nói của Chúa Giêsu: “Ai muốn làm lớn, hãy là người phục vụ”. Từ nhận định đó, ta dễ đi đến xét đoán: các vị cán bộ và một số các linh mục không thực hành được lời dạy của Chúa Giêsu, mà không xét mình rằng  Chúa cũng dạy chính tôi phải có tinh thần phục vụ trong cuộc sống, vì ít ra tôi cũng lãnh đạo trong gia đình hay trong một vài tập thể nào đó.

Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu có một suy tư rất hay:
“Nếu người đứng đầu lại phải sống như người đứng cuối,
thì còn ai muốn đứng đầu nữa không?
Thế giới hôm nay rất cần những người muốn đứng đầu
theo kiểu Ðức Giêsu, nghĩa là trong phục vụ khiêm hạ.
Chức vụ, chức vị, chức tước, chức quyền
đều không phải là điều xấu,
nếu chúng được dùng như phương tiện để phục vụ”. 

Đức Giêsu đã khiêm hạ phục vụ lợi ích con người khi từ bỏ vinh quang cõi trời để mặc thân nô lệ, Chúa lại còn hạ mình để chết tủi nhục trên thập giá, thi hành ý Cha.
Tôi bỗng nhớ lại một vài gương sáng của đức giáo hoàng Phanxicô: Ngài sống ở nhà trọ vì cá tính thích gần gũi và gặp gỡ, ngài thích đi xe mui trần để chào thăm tín hữu mà không sợ một kẻ ‘điên’ nào đó bắn vào mình, ngài nói: Tôi vẫn biết là có thể có kẻ điên nào đó, nhưng nếu tôi tự nhốt mình trong xe bọc kiếng chống đạn, thì trước hết chính tôi là kẻ điên vì không thể gần gũi anh em.
Tôi nghe kể về một linh mục trong giáo phận nhà, bề ngoài không mấy hấp dẫn nhưng cách sống thật đáng nể phục vì mang tính phục vụ và rất quan tâm đến đời sống con chiên bổn đạo. Xin kể một vài chuyện về ngài: Nếu ai đó mời cha dự đám cưới thì có thể Ngài vẫn đi nếu thu xếp được, nhưng nhà có đám tang thì ngài đưa xác tới huyệt mộ cho dù gia đình không mời và dù đã có cha khác làm phép huyệt rồi. Mùa Giáng Sinh, gia đình nào làm hang đá dù lớn dù nhỏ thì cha vẫn đến làm phép hang đá hoặc nhà (nếu nhà chưa làm phép). Ngài nói với giáo dân: tôi làm mọi việc vì lợi ích của anh em, tôi chẳng tích góp gì cho bản thân, bằng chứng là có người thương cảm cha đi dâng lễ đường xa nên muốn tặng cha một chiếc ôtô 800 triệu, cha xin lấy số tiền đó để mua một lô đất cho một họ đạo vùng hẻo lánh. Còn một chuyện nữa, cha thích nuôi chim và chơi cây cảnh, nhưng tuyệt đối không nhận của biếu.
Thư thánh Giacôbê nói với chúng ta về một cuộc chiến nội tâm.Từ giây phút đầu tiên thụ thai trong lòng mẹ cho đến ngày lìa thế về lòng đất mẹ, một cuộc chiến dai dẳng từng ngày xảy ra nơi ta giữa hai thái độ cho và nhận. Bản năng tự nhiên thúc đẩy ta nhận càng nhiều càng tốt để bảo đảm nhu cầu sinh tồn, nhu cầu yên ổn, nhu cầu được yêu thương. Chúng ta nhận từ mẹ mình một cung lòng để ở, những giọt máu đầy dinh dưỡng để cơ thể được lớn lên, những tình cảm vui buồn để hạnh phúc. Ra khỏi lòng mẹ, ta nhận từ gia đình và xã hội đủ thứ để lớn lên và phát triển nhân cách. Thế nhưng, sự mong ước nhận lãnh không bao giờ no thỏa về của cải và khoái lạc, nên mới có sự cạnh tranh ghen tị với người khác. Đức khôn ngoan lại dạy ta biết dừng lại chấp nhận cái vừa đủ, biết sống thanh khiết hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo và sinh nhiều hoa trái nhân đức. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu dạy ta sống tinh thần nghèo khó, sống hiền lành, trong sạch, khao khát sự công chính, biết thương xót, là kẻ tác tạo hòa bình và biết lấy làm hạnh phúc khi bị sỉ nhục và bạc đãi vì danh Chúa. Hãy học tư tưởng của Chúa hơn là khôn ngoan của loài người

Để nên công chính và bình an, con người phải biết học từ bỏ:
Từ bỏ bớt tham vọng và tích trữ của cải cũng như dục vọng để trao ban cho anh em nhiều hơn.
Bớt ghen tương và tranh chấp cãi cọ để mặc lấy sự hiền lành khiêm nhượng như Chúa Giêsu.
Tập bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa mỗi ngày: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Cha trên trời”
Bớt cậy dựa vào của cải, tin cậy vào mình để phó thác nhiều hơn cho Chúa.
Cuối cùng là từ bỏ lại trần gian nầy mọi thứ ta tích góp của kiếp lữ thứ, như lời ông Giop: “Thân trần truồng, tôi sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó, cũng trần truồng. Xin chúc tụng danh Chúa”.

Người tích góp và người biết từ bỏ, ai sẽ hạnh phúc hơn? Chắc chắn người biết sống từ bỏ là người có hạnh phúc đích thực, vì Chúa đã dạy: “Phúc cho các con là kẻ nghèo khó, vì nước trời là của các con”. Nước trời ở đây là chính sự hiện diện của Chúa đem lại sự an bình cho tâm hồn và là hạnh phúc thiên đàng vĩnh cửu mai sau.

Lời thì thầm




Khi người thân ta bị bệnh, bạn hãy là chỗ dựa tinh thần. Tôi nghĩ ra một cách để tỏ ra gần gũi và đồng cảm tâm hồn bằng cách gửi mỗi ngày một tin nhấn cho người bệnh, dù họ ở rất gần hay ở thật xa về địa lý. Lời Chúa là lương thực rất cần thiết trong cơn thử thách gian nan. Và đây cũng là một liệu pháp tâm lý hữu ích, vì mỗi ngày người bệnh sẽ chờ đợi tin nhắn của bạn, như cái tựa đầu vào một bờ vai.

Có rất nhiều câu nữa, hôm nay chỉ xin nêu lên một số câu thôi nhé.
TIN TƯỞNG – PHÓ THÁC
Trong tay Chúa, con xin phó thác hồn con.
Thầy đây, đừng sợ.
Bình an cho anh em.
Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta.
Này Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.
Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì.
Cha các con biết rõ các con cần gì.
Thân trần truồng tôi sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó trần truồng. Xin chúc tụng Chúa.
Hãy nhớ mình là bụi tro.
Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở.
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.
Dù cha mẹ bỏ con, Ta chẳng quên con bao giờ.
Chúa khắc tên con trong lòng bàn tay Chúa.
Thiên Chúa là Tình Yêu.
Hãy có tâm tình con thơ để được mẹ cha thương yêu.
Kìa Thầy ở đó và Thầy gọi em.
Này Ta đứng ngoài cửa và gõ cửa. Hãy mở cửa lòng cho vua Tình Yêu ngự đến.
Các con là bạn hữu của Thầy.
Nguyện ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Chúa là gia nghiệp đời con.
Chúa là nguồn hạnh phúc của con.
Thầy ở đâu, các con cũng ở đó với Thầy.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban cho họ người Con Một.
Chúa Giêsu yêu loài người đến tột cùng.
Chúa Giêsu đã mặc lấy phận người và chết trên thập giá.
Này con xin đến để thi hành ý Cha.
Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.
Hãy nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
Mọi đau khổ ta chịu không sánh tầy một chút vinh quang quê trời.
Quê hương chúng ta ở trên trời.
Tôi đã thấy một trời mới đất mới.
Nguồn trợ lực tôi bởi Đức Chúa.
Hãy ký thác đường đời cho Chúa và Ngài sẽ ra tay.
Hồn con mong đợi Chúa, hơn người lính gác mong đợi hừng đông.
Nguyện xin Đức Khôn Ngoan đến và trợ lực con.
Xin chỉ cho con đường đi của Chúa và dạy bảo con nước bước Ngài.
Nào ai am tường tâm tư của Chúa, nào ai biết đường lối của Ngài.

CẦU XIN VÀ THỐNG HỐI.
Xin xót thương con, lạy Chúa, vì bên Ngài con đang ẩn náu.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin xót thương con.
Từ vực thẳm, con kêu lên cùng Chúa.
Xin khoan hồng thương con, lạy Chúa, xóa tội con theo lượng hải hà.

Nếu có điều kiện, bạn hãy thử gửi tin nhắn cho người bệnh, hy vọng bạn cũng cảm nhận được sự diệu kỳ nảy sinh giữa hai tâm hồn. Một điều chắc chắn là cả người cho và người nhận cùng lớn lên trong tình yêu, vì Thiên Chúa không bao giờ thua ta về lòng quảng đại.

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Đức tin không việc làm là đức tin chết.




Tín hữu Kitô là người tin rằng Đức Kitô là Con Thiên Chúa đã đến trần gian để cứu chuộc loài người và làm cho họ trở thành con cái Thiên Chúa. Họ cũng tin rằng Thiên Chúa vẫn điều khiển vũ trụ nầy và đồng hành với từng người qua mọi nỗi vui buồn cuộc sống. Thế nhưng, niềm tin vào Thiên Chúa nơi mỗi người được biểu lộ nhiều mức độ qua hành động và cuộc sống của họ. Những bài đọc trong CN 24 TN năm B có thể giúp ta xét mình về lối sống đạo.
Thánh Giacôbê đã nêu lên một thái độ giả hình: mình cầu chúc người khác bình an mà không cung cấp cho họ một chút gì trong lúc họ đang túng thiếu, thì lời cầu chúc trên phỏng  có ích gì? Nhiều khi ta cầu nguyện cho một người rất nghèo đang gặp hoạn nạn được may mắn, được gặp thầy gặp thuốc mà không giúp họ một vài đồng bạc thì sự cầu nguyện của ta dành cho họ có buồn cười và giả tạo lắm không?

Trong nhiều giáo xứ việc đóng góp đang gặp sự chai lỳ của một số người, dù những dự án xây dựng những công trình đã được tập thể nhất trí qua đại hội hoặc những người hữu trách là cha xứ và HĐGX. Cứ sự thường những người không đóng góp lại mạnh miệng thanh minh cho hành động của mình bằng một lý lẽ vu vơ nào đó, nhưng tự trong thâm sâu cõi lòng là sự lạnh nhạt với Thiên Chúa và hờ hững với việc chung. Dù thế nào đi nữa, đóng góp xây dựng Giáo hội địa phương là một nhiệm vụ của mọi tín hữu (Điều răn thứ 5 Hội Thánh dạy:  Mỗi người theo khả năng, đóng góp cho các nhu cầu vật chất của Hội Thánh). Việc đóng góp tiền của, công sức và tham gia các hoạt động xây dựng Giáo hội địa phương là thể hiện niềm tin vào Chúa Kitô, ai không đóng góp là lỗi bổn phận, nên đừng viện lý này nọ để chai lỳ và còn lôi kéo người khác là gây gương mù gương xấu cho họ.
Một hiện trạng trong nhiều giáo xứ thường gặp nữa là tội giết hại các tiên tri, cụ thể là chống đối và nói xấu các linh mục. Chúa Giêsu đã nói về sự cứng đầu của dân Do Thái: “Ông Gioan đến không ăn không uống thì các ngươi bảo ông ta bị quỷ ám, Con Người đến có ăn có uống thì các ngươi lại bảo là ham mê ăn uống”. Tội bất phục và bất kính thường đi đôi với nhau như hai anh em. Hãy coi chừng vì ta sẽ bị trả lẽ lâu dài trong luyện ngục về tội xét đoán, bất phục và bất kính nầy.

Một chuyện nữa cũng rất phổ biến là ‘những việc phục vụ không lương’. Đầu óc tính toán vụ lợi đã len lỏi vào đời sống các giáo xứ, nhiều người tẩy chay những sinh hoạt giáo xứ và nhiều người cảm thấy nặng nề khi được chọn đứng mũi chịu sào những đoàn thể trong xứ đến nỗi chỉ mong hết nhiệm kỳ để nghỉ ngơi. Công đồng Vaticanô dạy người giáo dân phải cộng tác với các vị mục tử và hưởng ứng những hoạt động mục vụ có mục đích nâng cao đời sống đạo cho các tầng lớp trong một giáo xứ. Lời kinh hòa bình rất đáng cho ta suy tư: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.Tham gia công việc chung có một điều lợi rất lớn là giúp ta từ bỏ ý riêng và dẹp bớt cái tôi xuống.

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay cũng nói với ta: “Ai mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Lời nầy mời gọi ta hiến thân phục vụ không tính toán, không sợ mệt và cũng không sợ mất thời gian.

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

NGHỆ THUẬT SỐNG


Khởi đầu một ngày mới, ta cầu xin Chúa ban cho được bình an và hạnh phúc.
Hạnh phúc không phải là có thật nhiều, có mọi điều mình muốn, nhưng là biết chấp nhận cái vừa đủ trong cuộc sống.
Nhưng nếu có dồi dào ơn thánh, có nhiều lời tâm sự với Chúa, có những suy tư rút ra từ Lời Chúa thì chắc chắn ta có bình an trong tâm hồn.
Nếu cứ tưởng rằng càng có nhiều của cải vật chất, nhiều tài năng, nhiều hưởng thụ thì càng yên tâm và hạnh phúc thì e rằng đó là một lầm tưởng tai hại.
Vì những đam mê về con mắt và đam mê xác thịt chỉ làm vui thỏa trong chốc lát, nhưng sau đó là sự cay đắng trong tâm hồn, là sự thèm khát phải có thêm nữa.
Lấy ví dụ nơi cơ thể con người. Không hẳn ăn thật nhiều là khỏe và dễ chịu mà chính là một thân hình cân đối và vừa phải mới đáp ứng tiêu chuẩn thẩm mỹ và sức khỏe.

Để có một chút bình an tâm hồn, hãy thực hiện một sự tiết chế: nói vừa đủ, nhìn vừa đủ, ăn để sống hơn là sống để ăn, nghe vừa đủ và biết nghĩ điều nên nghĩ. Nhưng hãy trao ban thật nhiều, cảm thông thật nhiều và tâm sự với Chúa như một người bạn càng nhiều càng tốt. 
Hãy nhớ Lời Chúa thì thầm: "Marta, Mác-ta ơi! con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." (Lc 10,41-42)