Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Từ bỏ ý riêng




Ai trong chúng ta có lẽ đã ít nhiều cảm thấy sự khó khăn trong việc từ bỏ ý muốn của riêng mình để chấp nhận điều trái ý. Nhưng ‘từ bỏ ý riêng’ lại là điều bắt buộc ta phải thực hiện hằng ngày để có mối tương giao tốt đẹp với tha nhân và nhất là với Thiên Chúa.

Nói đến ‘ý riêng’ là nói đến ‘cái tôi’ của từng người khi sinh ra trên cõi đời. Theo lẽ tự nhiên, ta phải yêu bản thân mình, nhưng thường thì ta lại yêu mình quá và tự đề cao mình quá, nên khi có những mệnh lệnh buộc ta phải tuân theo thì ta thường tự ái. Trong tự điển, tự ái là quá nghĩ đến mình mà sinh ra giận dỗi, khó chịu khi cảm thấy bị đánh giá thấp hoặc coi thường. Trong đời sống xã hội, người ta buộc phải chấp nhận những mệnh lệnh trái ý và có phần vô lý, vì không thể làm gì được, nhưng trong cuộc sống thường nhật với tha nhân, ta thường có phản ứng khi ‘cái tôi’ bị tổn thương và coi thường. Trong một giáo xứ, cha xứ không hoạt động thì bị chê là quá thụ động, còn khi ngài can thiệp vào những thói quen xưa nay thì chắc chắn nhiều người sẽ tỏ thái độ chống đối. Ví dụ khi ngài xếp đặt lại chỗ ngồi trong nhà thờ: “Ai đi trước thì lên trước, ngồi từ trên xuống cho đẹp và là một cách thể hiện tính cộng đoàn”; ý muốn của cha xứ là tốt nhưng khi thực hiện thì những người có ‘cá tính mạnh’ đã phản đối dữ dội vì họ bị buộc phải rời khỏi chỗ họ ưa thích và nghĩ mình bị coi thường. Hãy biết rằng những người làm ta phật ý chỉ là nguyên nhân đệ nhị, nguyên nhân đệ nhất lập trình giáo dục ta chính là Thiên Chúa.

Nghĩ về đời sống gia đình, ngày xưa cha mẹ chúng ta lấy nhau chỉ qua mai mối, vậy mà tại sao các ngài lại sống hài hòa với nhau đến tận bây giờ; trong lúc người trẻ chúng ta bây giờ tìm hiểu nhau cặn kẽ qua nhiều thời gian và tình huống, vậy mà nhiều đôi vẫn lục đục? – Tôi nghĩ do môi trường luân lý hay còn gọi là đà tiến xã hội. Ngày xưa, đã là vợ chồng là chung thủy suốt đời, không có luật trừ và ai cũng hiểu vậy. Nhưng ngày nay, người ta đề cao tự do và nếp sống hưởng thụ, nên nhiều người nhắm mắt làm liều để thỏa mãn ý thích riêng, dù cho điều đó trái luân thường đạo lý và trái lương tâm.

Trong giáo dục, cha mẹ thường buộc con cái phải vâng lời, đó là một cách để tập cho chúng từ bỏ ý riêng. Một đứa trẻ muốn gì được nấy và quá tự ái là một đứa trẻ hư, sau nầy nó khó hạnh phúc và xã hội sẽ bất ổn. Ở tây phương, một đứa trẻ đủ 18 tuổi được sống tự do, cha mẹ không có quyền can thiệp nhiều đến đời sống riêng tư của chúng: sinh hoạt, luân lý, tôn giáo. Điều lợi là chúng sẽ tự lập để thực hiện những mộng ước cuộc đời, sớm có những trải nghiệm để bước vào tương lai, nhưng mặt trái là chính sự tự do quá sớm này sẽ làm hại những trẻ chưa đủ trưởng thành về luân lý và tôn giáo. Một trong những phương pháp giúp cho con cái dẹp bớt tự ái và ý riêng là tham gia tập thể, sống theo kỷ luật.

Trong đời sống đức tin, Thiên Chúa luôn đòi ta phải từ bỏ ý riêng để tín thác cho Ngài. Ngài có một chương trình dài hạn để huấn luyện ta biết từ bỏ dần những quyến luyến với của cải, danh vọng, sức khỏe và những giá trị đời nầy, chuẩn bị cho cuộc từ bỏ cuối cùng là sự chết. Thiên Chúa muốn ta sống với Ngài như một đứa trẻ với cha mẹ mình: đơn sơ, hiếu thảo, chân tình và đầy tràn yêu mến. Nhiều vị thánh, khi đang ở trần gian bị mọi người ruồng bỏ và lên án, vì Thiên Chúa muốn cho họ thêm xinh đẹp. Nhiều Kitô hữu bị nhốt tù, bị hành hạ và bị thủ tiêu chỉ vì danh Chúa, đó là bối cảnh Chúa thanh luyện họ từ bỏ ý riêng và những quyến luyến trần gian.

Chúa Giêsu đã từ bỏ ý riêng để luôn chu toàn ý Cha. Ma quỷ và trần gian luôn khiêu khích Chúa biểu dương quyền lực, chinh phục thế gian bằng những con đường dễ chịu hơn, nhưng rồi Chúa đã không đi con đường tắt, đã không xuống khỏi thập giá. Mẹ Maria và Thánh Giuse đã từ bỏ ý định riêng về cuộc đời để cộng tác với Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin uốn nắn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa, một trái tim rộng mở để yêu thương, biết từ bỏ ý riêng để chu toàn ý muốn của Thiên Chúa.