Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Dâng hoa


Cuối tháng hoa Đức Mẹ, nhiều giáo xứ tổ chức nghi thức dâng hoa kính Mẹ, hoa muôn sắc khoe hương trước tòa Đức Mẹ: sắc xanh của hy vọng, sắc tím của cậy trông, sắc vàng của đức mến, sắc đỏ của hy sinh. Nhưng không nên nói mình đi xem dâng hoa, vì thực ra cũng chẳng có nhiều nghệ thuật nơi những người không chuyên nghiệp biểu diễn và việc múa may quay cuồng quá cũng không phù hợp với nghệ thuật thánh.

Đúng hơn, cộng đoàn cùng với các em ‘đội dâng hoa’ dâng lên Đức Mẹ những đóa hoa lòng: hoa biết ơn, hoa cậy trông và phó thác, hoa nhẫn nhục, hoa hiểu lầm  và nhất là hoa tự ái. Muốn dâng hoa cho sốt sắng thì phải dọn lòng: mình sẽ dâng lên Mẹ màu hoa gì, đóa hoa gì cụ thể trong lần này? Bông hoa nào Mẹ đang chờ nơi tôi và làm đẹp lòng Mẹ nhất? Chúng ta dâng lên Mẹ trọn cuộc sống của mình, của cộng đoàn mình để xin Đức Mẹ gìn giữ chở che thì rất dễ, nhưng điều Mẹ muốn hơn là mỗi người học những nhân Đức của Mẹ như: trở nên nữ tì hèn mọn trước mặt Chúa và anh em, xin vâng trong việc lớn và cả trong việc nhỏ suốt đời, mau mắn đem Chúa và sự giúp đỡ đến với anh em, suy đi nghĩ lại những việc Chúa làm và dâng lời tạ ơn (magnificat), đồng hành và sống mầu nhiệm tự hủy với Chúa Giêsu từ nhập thể - rao giảng – tử nạn và phục sinh, cầu nguyện với Giáo hội, thể hiện sự tựa nương bên Mẹ cho đến ngày tận thế.

Khi nói về sự che chở của Mẹ Maria với con cái mình, một nhà tu đức đã nói: Khi chúng ta kêu xin sự che chở của Mẹ, thì không phải Mẹ sẽ bao bọc ta khỏi mọi gian nguy; không phải thế, vì một đứa con được nuôi trong lồng kính thì vẫn mãi èo uột, Mẹ Maria sẽ giúp ta lớn lên mỗi ngày khi đối diện với những khó khăn và thử thách của cuộc sống, kể cả sự vấp ngã, nhưng chắc chắn với tình mẫu tử thiêng liêng, Mẹ giúp ta tiến lên phía trước.

Nói đến Mẹ mà không nói đến việc đọc kinh mân côi là một điều thiếu sót lớn. Nhiều người công giáo đạo gốc không thuộc 20 mầu nhiệm mân côi để đọc riêng, dù họ là đạo gốc và đã thuộc trong thời gian học giáo lý, nên chỉ lần hạt khi đọc kinh chung. Nhiều cộng đoàn đọc kinh mân côi với tốc độ quá nhanh nên rất khó suy nghĩ các mầu nhiệm. Để đọc kinh mân côi cho sốt sắng, phải xác định ‘cầu nguyện cho ai’ đầu giờ đọc kinh hoặc cho từng chục kinh, suy niệm một lát sau lời ngắm và đọc các kinh với tốc độ vừa phải để miệng đọc tâm suy. Và tốt nhất là gia đình nên cùng đọc kinh mân côi với nhau, đây có lẽ là bông hoa Mẹ ưa nhất: vừa sốt sắng hơn, vừa có sự hy sinh của các thành viên trong gia đình.


Trong những năm gần đây, Đức Mẹ có một tước hiệu mới: Mẹ của Lòng Thương Xót. Kinh Thánh không nói tới tước hiệu này, nhưng nếu chúng ta chấp nhận Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ Thiên Chúa, thì Mẹ đúng là ‘Mẹ của Lòng Thương Xót’. Nhiều người lên tiếng chê bai việc tôn sùng Mẹ làm quên đi vai trò trung tâm của Chúa Giêsu, việc tôn sùng Mẹ là tình cảm ủy mị, Mẹ không đồng trinh trọn đời… Dù ai nói gì mặc họ, Giáo hội dạy ta: qua Mẹ đến với Chúa, Chúa dùng Mẹ Maria là máng thông ân sủng cho muôn người. Hãy tôn kính Mẹ nhiều bao nhiêu có thể, đến với Mẹ càng nhiều càng tốt, đọc kinh mân côi cho sốt sắng, học nhân đức Mẹ, sống tình con thơ với Mẹ và xin Mẹ làm cho mình được nên giống Chúa Giêsu con Mẹ.


Để kết thúc bài viết, xin trích một tư tưởng rất độc đáo về Mẹ Maria: "Thật hữu ích khi đọc những lời viết trong Tin Mừng Thứ Tư một cách chính xác. Tin Mừng viết rằng sau đó Gioan đã đón Mẹ về nhà mình. Câu này có thể dịch sát nghĩa hơn: ông đã đón nhận bà “làm của riêng mình” (eis ta idia: “into his own”). Thánh Augustinô đã suy niệm kỹ lưỡng về ý nghĩa cụm từ “của riêng mình”. Theo ngài, điều này không có nghĩa là Gioan đón nhận Mẹ như là “sở hữu riêng của mình”, nhưng là đón rước Mẹ “vào trong khung trời hoạt động của mình”. Bởi vì Gioan được nói đến như là môn đệ sẽ ở lại cho tới khi Đức Kitô lại đến (Ga 21,22), nên Mẹ Maria đã được đón nhận vào trong “sự ở lại” ấy của Gioan và vào trong chứng từ của ông nữa. Vì thế, Mẹ Maria mãi mãi thuộc về Tin Mừng của Lòng Thương Xót Chúa. Mẹ mãi mãi là chứng nhân và khí cụ của Lòng Thương Xót vô biên ấy". (Nguồn tin: The Essence of the Gospel and the Key to Christian Life)

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Bình an



Một trong những lời cầu trong ‘kinh cầu Đức bà’ mà có lẽ ai cũng ưa thích, đó là “Nữ vương ban sự bình an’ – cầu cho chúng con, nhất là khi cuộc đời gặp sóng gió thì lời cầu trên có một âm vang êm ái đặc biệt. Mỗi lần hiện ra, Đấng Phục Sinh luôn chào “Bình an cho các con”, và trong bài Tin Mừng Tuần 6 PS năm C, Chúa Giêsu còn nói thêm: Lòng anh em đừng xao xuyến và sợ hãi. Điều nầy có thể có được không, vì cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều điều làm ta mất bình an?

Người ta mất bình an vì sợ kẻ thù địch. Kẻ thù có thể là người xâm lăng, người thù ghét ta và muốn làm hại ta, kẻ thù hữu hình và kẻ thù vô hình là ‘quyền lực sự dữ’. Những người già, sau nhiều lần chứng kiến cách xử sự của những kẻ bội bạc và ác nhân, lòng thường khép kín vì không mấy tin ở người đời. Jean - paul Sartre có một câu nói nổi tiếng: tha nhân là hỏa ngục. Khi bạn bị ai đó làm hại và cư xử độc ác, bạn sẽ thấy câu nói trên thật thấm thía. Nhưng nếu lòng mình dừng lại ở cảm xúc tiêu cực nầy quá lâu, bạn sẽ đánh mất điều quý giá nhất là niềm tin và hy vọng nơi Thiên Chúa. Cuộc sống con người có quá nhiều điều phải lo lắng: cơm áo gạo tiền, sức khỏe, con cái, hạnh phúc gia đình… hầu như vượt quá sức con người, khiến lưng họ còng xuống theo năm tháng. Trong cuộc phỏng vấn của giới trẻ trong chuyến tông du ở vùng Bắc Macedonia (7/5/2019), Liridona hỏi Đức Phanxicô rằng mình có mơ ước (dream) nhiều quá chăng?- Đức Phanxicô trả lời rằng: “con người ngày nay thiếu và quá ít mơ ước, và họ bù chỗ trống vắng đó bằng những lời than thở và cảm giác thất vọng về cuộc sống. Cách đây vài tháng, cha và một vị lãnh đạo Hồi giáo, Ahmad Al-Tayyeb, đã có những mơ ước như của con, đã ký một cam kết với nhau rằng niềm tin đưa các tín đồ 2 bên nhìn nhận nhau như anh chị em của mình.

Chúng ta trao phó mọi âu lo cho Chúa, không phải kiểu như ‘đà điểu vùi đầu mình xuống cát khi gặp nguy hiểm’, không phải là chui vào một ‘thế giới ảo’ ru ngủ mình trong chốc lát. Quả thật, Chúa ta thờ là Thiên Chúa hùng mạnh, mạnh hơn sự ác và quyền lực âm phủ, Ngài không ngủ quên mà đang chăm sóc đến từng người con cái để đem họ đến hưởng ơn cứu rỗi, Chúa có cách xử lý mọi việc, nếu ta biết cậy dựa nơi Ngài và trao phó cho Ngài định liệu: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa”.


Chúa Giêsu nói: “Thầy ban cho anh em sự bình an của Thầy”. Chúa báo trước về sự thương khó, Chúa sẽ về trời, các môn đệ bị thế gian ghét và bách hại… toàn là sóng gió, vậy mà vẫn có thể có bình an ư?- Vâng, đúng vậy, Chúa Giêsu đã chịu hết những sự khốn khổ đó, và còn thêm bị các môn đệ bán-chối-bỏ rơi. Hãy học nơi cách xử sự của Chúa để học được sự bình an của Chúa:

Thiên Chúa ở cùng: Cha với Ta là một. Chúa Giêsu kết hiệp với Cha: Ngài tiếp xúc với Chúa Cha bằng lời cầu nguyện lúc thanh vắng và bằng những lời ca tụng khẩn nài trong suốt ngày sống, tuy Tin Mừng chỉ ghi lại ít thôi. Chúa nói: “Ai yêu mến Thầy và tuân giữ Lời Thầy thì Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14,23). Thiên Chúa luôn đồng hành và thêm sức mạnh cho con cái mình vượt qua mọi gian nan khốn khó. Lời TV 118, 6-9 vang lên thật mạnh mẽ: "Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì, hỏi người đời làm chi tôi được?
7 Có CHÚA ở cùng tôi mà bênh đỡ,
tôi dám nghênh lũ địch thù tôi.

8 Ẩn thân bên cạnh CHÚA TRỜI,
thì hơn tin cậy ở người trần gian.

9 Cậy vào thần thế vua quan,
chẳng bằng ẩn náu ở bên CHÚA TRỜI
"
Tìm kiếm Thánh ý Chúa. Chúa Giêsu chỉ nói và làm những gì Cha đã truyền. Trong mọi hoàn cảnh, hãy tập xử sự đúng với Lời Chúa, với đức yêu thương, cùng với sự hiền lành và khiêm nhường. Nếu ta lấy ác báo đáp lại điều ác, lấy chửi rủa đáp lại sự độc ác của người khác thì chỉ có bất hòa và bất an, và rơi vào cạm bẫy của ma quỷ. Trong mọi hoàn cảnh, hãy luôn tìm Thánh ý Chúa, chứ không phải là thỏa mãn lòng ham muốn của chính mình. Một nhà tu đức nào đó đã nói: nếu không bị chi phối bởi các giác quan thì cách nhìn cuộc sống của chúng ta sẽ khác: hạnh phúc hay bất hạnh, sống lâu hay chết trẻ, giàu hay nghèo… Khi nói về Giuđa, sách ngắm viết rằng: Chúa ‘biết lòng nó độc thì nhịn và chào nó” và trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa đã xin Chúa Cha tha cho kẻ làm khốn mình: Chúa không trừng phạt, không oán thù và không mất an bình.


Xin Chúa ban cho chúng ta sự bình an, vì bình an còn là một ân ban của Chúa: bình an cho chính mình, cho vợ con, cho láng giềng và cho những kẻ hay gây sự với mình. Xin ban cho chúng ta sự khôn ngoan để biết cư xử với nhau như con Một Cha trên trời, cư xử với luật tình thương, sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng: xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.