Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Hãy mỉm cười với nhau




Ngày 10 tháng 12 năm 1979, trong diễn văn đọc trước khi nhận giải Nobel Hòa Bình, Mẹ Têrêxa kể: “Một lần kia, có 14 giáo sư đại học từ Hoa Kỳ đến thăm nhà bác ái của chúng tôi ở Calcutta. Sau khi thăm, một người nói với tôi: xin Mẹ nói cho chúng tôi một điều thôi để chúng tôi có thể nhớ mãi. Tôi nói với họ: Hãy mỉm cười với nhau, hãy dành thời giờ cho nhau trong gia đình. Ðó cũng là điều tôi muốn nói với quý vị hôm nay”. 


“Hãy mỉm cười với nhau, hãy dành thời giờ cho nhau trong gia đình” là một sứ điệp mang lại nhiều điều tích cực trong cuộc sống. Trong thế giới người lớn, con người thường mang mặt nạ trong các quan hệ giữa người với người, khác với trẻ em vì chúng thường chóng giận và mau quên. Người lớn thường giả vờ thân tình vui vẻ nhưng trong lòng lại dự tính mưu hại người và lợi dụng nhau. Người lớn thường ‘đóng mặt ngầu’ với nhau để che đậy một nỗi sợ: sợ người kia lấn lướt và coi thường mình. Bạn thử nghĩ xem những người sống trong một khu xóm hay một làng quê với nhau, vậy mà mỗi lần hai người nào đó gặp nhau chỉ nhìn nhau vô cảm, không hé nổi một nụ cười thì họ giống loài vật hay loài người hơn? Có người lập luận: kẻ kia phải chào mình trước, vì nó nhỏ tuổi hơn hoặc vì lần trước mình chào nó mà nó cứ khinh người! Thôi, hãy bỏ qua nhưng chi tiết nhỏ đó đi, vì nó làm cho đời ta tủn mủn và mất vui. Mỗi lần gặp nhau, hãy cười với nhau và gật đầu chào nhau dù người kia có là con cháu mình và đang có ‘vấn đề’ với mình, vì như vậy đời mình sẽ vui hơn và người kia chắc chắn hạnh phúc hơn. Bạn hãy thử đi, hãy mỉm cười và chào người anh em trước đi, cuộc gặp gỡ sẽ dễ chịu hơn hình ảnh hai con chó gầm gừ khi đi qua nhau.

Hãy dành thời giờ cho nhau trong gia đình. Con người thời đại tất bật với công việc và sở thích riêng, đến nỗi không còn thời giờ để nghe nhau và hiểu nhau. Đó là một thực tế cuộc sống, nhưng ẩn chứa bên trong nhiều điều hơn là việc thiếu thời giờ. Có thể kể đến tâm lý quan trọng hóa bản thân, quá chú trọng đến các phương tiện truyền thông hoặc tâm lý mệt mỏi, kỹ năng giao tiếp... Khi một người đang nói khá chi tiết một vấn đề nào đó thì bị người kia chặn đầu bằng một câu kiểu như đáp số tất yếu, làm người nói cụt hứng và im luôn. Khi một người đang kể một câu chuyện thì người khác lại cắt ngang bằng một câu hỏi vu vơ hay một câu chuyện khác. Khi một người đang nói chuyện thì người kia mắt cứ dán chặt vào một thiết bị công nghệ nào đó. .. Những kiểu nói chuyện như vậy sẽ làm cho người ‘phát ngôn’ uất ức và mặc cảm, lâu dần sẽ dẫn đến stress và tự kỷ. Hãy tử tế để lắng nghe người kia nói chuyện, đó là một đòi hỏi của đức bác ái và của cảm thông. Hơn đâu hết, trong gia đình mọi người phải biết dành thời giờ lắng nghe nhau khi người kia muốn nói, vì gia đình là trường học yêu thương: cho đi và đón nhận.

Thời đại hôm nay người ta thường nói tới ‘kỹ năng sống’. Tôi chưa được trải qua những khóa học chuyên biệt, chỉ xin nói tới một vài điều góp nhặt đó đây, vì thấy có một vài điều liên quan đến điều Mẹ Têrêxa nói hôm nay.
-Nói tới kỹ năng sống, người ta nghĩ tới việc cởi mở tấm lòng để gặp gỡ mọi người, trái ngược với thái độ khép kín trong giao tiếp và về nhận thức. Ngôn ngữ của Mẹ Têrêxa là biết mỉm cười với nhau và lắng nghe nhau.
-Bằng lòng với những gì mình có. Sau khi đã nỗ lực thì biết bằng lòng với chính mình. Người hạnh phúc không phải là người có những gì mình muốn nhưng là biết bằng lòng với những gì mình có.
-Sống tốt giây phút hiện tại. Hãy sử dụng thời giờ hợp lý giữa công việc và nghỉ ngơi, dành cho mình và cho người, giữa lo lắng cuộc sống và nhu cầu tâm linh. Tiết kiệm thời gian và lời nói.
-Hãy là chính mình. Muốn sống an vui tự tại, phải biết giá trị con người mình, biết học hỏi người nhưng không so sánh nhiều và không gắng sức nên giống ai đó.
-Đón nhận người khác như họ là. Biết đứng về phía bên kia để nhìn vấn đề để có một sự cảm thông cần thiết khi đối thoại và xử lý các tình huống cuộc sống. Chậm bất bình và rất mực khoan dung, vì có khi ta chưa thấu hiểu những ý tốt của người kia. Phê phán và lên án là điều Chúa dạy không nên làm.
-Quyết tâm tiến lên phía trước qua từng ngày sống: nhân bản, tâm linh. Những ý hướng tích cực sẽ giúp ta hưng phấn về tâm lý và sức khỏe.

Chúc bạn luôn mỉm cười, ca hát nho nhỏ, bắt tay, chúc mừng và lắng nghe nhau: trong gia đình và nơi làm việc.

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

CÁC THIÊN THẦN TRÊN TRỜI VUI MỪNG



Tin Mừng Luca 15,1-32 nói với chúng ta về lòng khoan dung nhân hậu của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Khi người tội lỗi ăn năn sám hối thì các thiên thần vui mừng. Sám hối trở về là công việc xảy ra hằng ngày để trở nên hoàn thiện và nhân từ hơn theo gương Cha trên trời và theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu đã dạy và đã sống. Người ta thường nghĩ việc ăn năn sám hối là việc chỉ xảy ra một vài lần trong mỗi cuộc đời và chỉ dành cho những tội nhân khét tiếng. Chúng ta có thể kể đến việc ăn năn sám hối của vua Đavit hay của ông Saolê (Phaolô). Đó là những cuộc trở về nổi tiếng, nhưng nơi đa số chúng ta thì chỉ có những thay đổi nhẹ nhàng để trở nên tốt hơn mỗi ngày. Có thể kể đến những tư tưởng hiền lành và khiêm nhường đã làm cho tâm hồn ta nên dễ thương và an bình hơn, một lời góp ý mang tính đạo lý quanh mâm cơm gia đình về những vấn đề cuộc sống đã làm cho hạt giống Tin Mừng nảy sinh trong các thành viên, một lời động viên ai đó làm cho họ ấm lòng, một việc bác ái nhỏ giữa đời thường.

Hãy là sứ giả hòa bình thay vì người gieo rắc hoang mang bất hòa trong môi trường mình sống. Cũng một con người Phêrô, lúc thì được Chúa khen là người có phúc vì biết nói phù hợp chân lý nhưng có lúc lại bị Chúa mắng là satan khi nói lời làm người khác hoang mang và đi lệch đường lối Chúa. Vua Đavit đã phạm tội tày đình là ngoại tình và giết người, nhưng ông chỉ nhận ra tội mình khi tiên tri Nathan nói cho biết. Bài trích sách Xuất Hành 32,7-14 nói về việc ông Mô-sê đã dùng lời nói để làm cho khuôn mặt Đức Chúa dịu lại và tha phạt cho dân Do Thái. Cha Anthony de Melo kể câu chuyện rằng: Các đệ tử tìm đến Minh Sư để học đạo, ai cũng muốn bắt chước lối sống của nhà hiền triết. Nhưng nhà hiền triết lên tiếng “nếu các đệ tử muốn nên giống như Ta thì đó là một điều tủi hổ cho cả hai”. “Vậy người ta cần minh sư để làm gì?” các đệ tử vội hỏi. Minh sư trả lời: “nước muốn được đun sôi thì cần đến cái ấm làm trung gian với ngọn lửa. Tôi chỉ là người trung gian vậy". Mỗi người hãy nâng đỡ gánh nặng của nhau bằng những lời tốt lành hơn là lời gây hoang mang và mang tính bạo lực, hãy là người trung gian giúp người khác tìm được chân lý và nhất là hãy cầu nguyện cho nhau được vững mạnh trong niềm tin vào Chúa.

Mỗi người là một tạo vật kỳ diệu trong chương trình của Chúa. Chúa mời gọi ta nên hoàn thiện theo cách thế của riêng mình, khuôn mẫu tuyệt hảo là chính Chúa Giêsu. Đừng cố nên giống một thánh nhân hay vĩ nhân nào đó, vì ta sẽ dễ thất vọng khi nhận ra những khiếm khuyết của họ và lãng phí chính ước mơ của Chúa về ta.

Đức Phanxicô nói: "Thiên Chúa không bao giờ ngừng muốn những điều tốt đẹp cho ta, ngay cả khi ta phạm tội". Đây là một điều dễ chấp nhận khi cuộc đời êm trôi, nhưng khi mang những căn bệnh nan y hay khi bị chà đạp tàn nhẫn, có những người đã mất đức tin vì thấy Thiên Chúa mãi im lặng trong lúc nạn nhân cứ quằn quại với những câu hỏi: tại sao tôi phải chịu đau khổ, đau khổ nầy lợi ích cho ai. Thánh Phêrô dạy: Những người khỏe mạnh hãy nâng đỡ tinh thần những kẻ đau yếu. Những lý lẽ của ta không thể cắt nghĩa đầy đủ về đau khổ người bệnh đang trải qua, nhưng hãy động viên người bệnh kết hợp đau đớn mình với thập giá Đức Kitô để mưu ích cho Giáo Hội, hãy nhìn lên Thập giá Đức Kitô để múc lấy nguồn sức mạnh và hãy biết rằng Chúa Giêsu đang đồng hành với họ từng giây phút.

Bài Tin Mừng Lc 15,1-32 còn nói lên một điều cũng rất khó hiểu về lòng thương xót của Chúa, đó là Ngài tôn trọng tự do của con người. Thiên Chúa luôn mong muốn điều tốt lành cho mọi người, thế nhưng Ngài chỉ biết đứng ngoài cửa và gõ, nếu ai mở cửa tâm hồn thì Ngài mới bước vào đời họ được. Đó là một điều khó hiểu đối với đầu óc chúng ta, vì Chúa là Đấng Tạo Dựng và con người chỉ là loài thụ tạo, chỉ là hạt bụi trong tay người thợ gốm. Bởi vậy hãy tạo thật nhiều niềm vui cho triều thần thiên quốc bằng những tâm tình con thảo với Chúa: tin tưởng, hiến dâng, xin lỗi và tạ ơn.