Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

CHÚA QUAN PHÒNG



Người ta hay kể câu chuyện sau đây để nói về sự quan phòng của Thiên Chúa:

Có hai người bộ hành lên đường đi đến một phương xa.  Họ dùng một con lừa để chuyên chở hành lý, và mang theo một chú gà cồ làm bạn.  Ban đêm đến họ đốt đuốc để soi đường.

Một trong hai người là một tín hữu rất đạo đức, luôn miệng nói: “Chúa là Ðấng tốt lành quan phòng mọi sự.”  Người kia thì cứng lòng tin.  Ông rất bực mình mỗi khi nghe người bạn đồng hành hơi một tí là cầu nguyện “phó thác cho Chúa lòng lành.”  Trước khi mặt trời lặn, họ đến một ngôi làng nhỏ.  Họ tìm một nơi để qua đêm.  Họ gõ cửa khắp nơi, nhưng không có ai đón tiếp họ.  Cuối cùng họ đành phải ra khỏi làng và tìm đến bìa rừng để qua đêm.  Trong cảnh màn trời chiếu đất, người bạn không có lòng tin mới thốt lên: “Nào, Chúa tốt lành của anh ở đâu rồi?”  Người kia bình tĩnh đáp lại: “Ðây là chỗ tốt nhất Chúa dành cho chúng ta ngủ qua đêm này.”

Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới một gốc cây lớn nằm sát bìa rừng.  Họ cột chú lừa vào một gốc cây gần đó. Họ chưa kịp đốt lên ngọn đuốc thì một tiếng động mạnh từ xa vang lại.  Thì ra, chỉ trong chớp nhoáng, một chú sư tử đã đến cắn xé con lừa và mang đi.  Vừa thương tiếc cho chú lừa, vừa lo sợ cho thân phận của mình, hai người bộ hành chỉ còn biết leo lên cây để tránh tai họa.  Vừa tức giận, vừa mỉa mai, người bạn cứng lòng mới thốt lên: “Nào, Chúa quan phòng của anh còn tốt nữa không?”  Người tín hữu ngoan đạo dõng dạc tuyên bố: “Nếu con sư tử không bắt gặp con lừa trước, thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi.  Tạ ơn Chúa là Ðấng tốt lành.”

Một vài phút sau, con gà cồ bỗng kêu la thất thanh.  Hai người bộ hành mới trèo cao hơn.  Họ nhận ra con gà cồ đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng.  Họa vô đơn chí!  Chỉ vài phút sau đó, một cơn gió mạnh ùa đến, ngọn đuốc bỗng tắt ngụm đưa hai người vào trong cảnh tối tăm ghê rợn.  Lần này, người tín hữu ngoan đạo chỉ biết giữ thinh lặng trước lời xiên xỏ của người bạn không tin Chúa của mình.

Sáng hôm sau, hai người mon men trở lại làng để mua thức ăn.  Họ mới hay biết rằng đêm hôm đó một băng cướp đã đột nhập vào làng cướp của giết người.  Nhìn cảnh tượng hoang tàn của ngôi làng, người có lòng tin mới giải thích cho người bạn như sau: “Anh đã chứng kiến từ đầu đến cuối.  Giá như đêm hôm qua, chúng ta thuê được một chỗ trọ trong làng, thì có lẽ chúng ta cũng không thoát khỏi tay của bọn cướp.  Nếu cơn gió lớn không làm tắt ngọn đuốc của chúng ta, thì hẳn bọn chúng đã nhìn thấy chúng ta.  Bạn thấy chưa, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa luôn là Ðấng quan phòng tuyệt hảo.”


Thiên Chúa không muốn cho chúng ta gặp phải sự dữ.  Trong Cựu ước sự kiện thiên thần Raphael phù hộ cho ông Tobia trên đường đi cưới vợ, hay là Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành điều lành cho chúng ta như trường hợp ông Giuse bị bán sang Ai Cập, tất cả nói lên sự quan phòng của Thiên Chúa.  Chúa Giêsu dùng hình ảnh con chim sẻ chẳng đáng mấy đồng, hay bông huệ ngoài đồng nay còn mai mất mà vẫn được Thiên Chúa chăm sóc, huống hồ là con người chúng ta…

Ngày đầu năm mới, người ta thường cầu chúc cho nhau mạnh khỏe, bằng an, hạnh phúc… Những gì người ta đã có thì không cần chúc nữa.  Vậy thì khi cầu chúc cho người khác điều gì là cũng hàm chứa một chút lo lắng trong đó.  Chúng ta lo ngại người thân có thể gặp rắc rối vì bệnh tật nên mới chúc “mạnh khỏe.  Vì chưa giàu đủ nên mới chúc “Phát tài”, sợ tai nạn hay chuyện này chuyện nọ xảy ra nên mới chúc “bình an.  Mỗi lời chúc đều hàm chứa một phần sự thiện mà chúng ta ao ước và đồng thời cũng hàm chứa một “nỗi lo.”  Tuy nhiên lời Chúa hôm nay lại là tin vui cho chúng ta.  Bởi vì Chúa Giêsu cho chúng ta biết chúng ta có một người Cha là Thiên Chúa rất quyền năng mà lại nhân lành luôn quan tâm đến mỗi người đến độ một sợi tóc trên đầu rụng xuống Chúa cũng tính cả rồi.  Như vậy thì chẳng việc gì phải lo những chuyện không đâu, như là lo động đất, lo thiên thạch lao vào trái đất, lo tận thế…

Chớ lo lắng về ngày mai không có nghĩa là cứ nằm chờ sung rụng.  Các nhà tu đức dạy rằng: Cầu nguyện mà không hành động là sự xúc phạm đến Thiên Chúa.  Cũng như một người bị bệnh cầu xin Chúa chữa lành cho mình mà không thèm sử dụng những phương thế y học mà Thiên Chúa đã ban cho con người khám phá ra… {Trong năm mới, chúng ta thường cầu xin Chúa ban ơn bình an, hãy tin chắc Chúa sẽ ban nếu chúng ta biết thay đổi cuộc sống theo Lời Chúa dạy, cụ thể là sống hiền lành và khiêm nhường. Hoàn cảnh sống có thể không thay đổi, nhưng Chúa sẽ ban cho ta sự bình an thẳm sâu trong tâm hồn, giúp ta vượt qua mọi gian nan thử thách mà vẫn luôn vững tin vào Chúa và luôn sống thánh}.

Tin vào Chúa quan phòng, chúng ta yên tâm mạnh dạn sắp xếp chương trình sống cho gia đình của mình trong đó ưu tiên cho việc kiếm tìm Nước Thiên Chúa.  Ưu tiên cho việc cầu nguyện và các việc đạo đức thay vì dành hết tất cả thời gian cho công việc làm ăn mà thôi.  Ưu tiên cho việc kiếm tìm Nước Thiên Chúa cũng có nghĩa là chúng ta phải dám hy sinh chấp nhận một phần thiệt thòi nào đó về vật chất, dành một phần kinh phí cho việc đạo thay vì sợ tốn tiền xăng rồi không dám đi lễ…

Để kết thúc, chúng ta tin tưởng nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI trong phần mở đầu sứ điệp Hòa Bình: “Năm mới luôn mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn.  Trong ánh sáng này, tôi nguyện xin Thiên Chúa, là Cha của nhân loại, ban cho tất cả chúng ta sự hoà thuận và bình an để những khao khát của chúng ta về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng có thể được thành tựu.”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Khánh


********************************************
Xin cho chúng con trong năm mới này: khám phá ra ý nghĩa mới trong công việc, tìm được ý hướng cao quý trong mục tiêu và có hướng đi kiên định trong đời sống. 
Xin cho chúng con: khởi đầu năm mới cùng với Chúa, biết dùng thời gian như món quà quý giá Chúa dành cho con, biết sử dụng mỗi ngày của năm mới này để nhiệt tình phục vụ anh chị em con.  Amen!

(phần trong ngoặc kép được người viết thêm vào) . Nguồn: langthangchieutim

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

NHỮNG HÌNH ẢNH NÓI VỀ ĐỜI NGƯỜI



Có những định nghĩa mang vẻ triết học nói về con người: là cây sậy biết suy nghĩ, là con vật với lòng tham không đáy, là con vật vô ơn… Tôi chỉ muốn nói đến một vài hình ảnh bình dân diễn tả một khía cạnh nào đó về con người, tuy vậy lại chuyển tải một vài ý nghĩa nhân sinh, nhằm thúc đẩy ta sống cho ra người hơn.

Con người là con vật sáng đi 4 chân, trưa 2 chân và chiều 3 chân. Khi ai đó gặp hoạn nạn hoặc già yếu thì người ta bảo ‘đi nạng’ là vậy, có nghĩa rằng cuộc đời đã xế chiều.

Có câu chuyện kể rằng: Thượng Đế dựng nên con khỉ, tặng cho nó 20 năm để làm trò hề cho thiên hạ, con khỉ xin trả lại 10 năm và đã được chấp nhận. Thượng Đế cũng ban cho con chó 20 năm để trông giữ nhà cửa, thế nhưng con chó cảm thấy quá nặng nề và xin trả lại 10 năm; Thượng Đế ban cho con trâu 60 năm cày ruộng giúp loài người, thế nhưng con trâu cũng xin trả bớt 40 năm vì quá cực nhọc; Thượng Đế dựng nên con người và ban cho nó 20 năm để vui hưởng cuộc đời, con người thấy quá ít nên đã xin thêm 40 năm của con trâu, 10 năm của con khỉ và 10 năm của con chó. Thế nên con người có 20 năm đầu gọi là tuổi thần tiên, 40 năm để lao động cật lực, tiếp đến 10 năm để trông cháu và 10 năm cuối thường ngồi ở nhà trông ra cửa… Ngẫm nghĩ thấy khá đúng đấy chứ, đúng cho tình trạng sức khỏe và còn đúng cho bổn phận nên thánh nữa.

Ông Giop diễn tả đời người bằng một câu Kinh Thánh: “Thân trần truồng tôi sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Người lại lấy đi, xin chúc tụng danh Chúa”. Tác giả của sách diễn tả một thực trạng thâm sâu về phận người mà con người mọi thời thường khó chấp nhận: khi chết ta bỏ lại tất cả trừ lòng mến Chúa và tình yêu tha nhân, con người là một thụ tạo yếu hèn – tất cả mọi sự đều tùy thuộc nơi Thiên Chúa từ nhân.

Thi sĩ Marie de Noel cũng diễn tả hình ảnh bằng một hình ảnh khác: đời người giống như con rắn tự ngoặm lấy đuôi mình, điểm khởi đầu cũng là điểm kết thúc – có nghĩa là giống hệt nhau. Lúc mới sinh, em bé hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, phải đút sữa thay tã; dần dần các cơ năng phát triển, cơ thể cường tráng dần, mắt thêm sáng, miệng thêm khéo, trí năng hiểu biết đủ thứ khoa học; lúc về chiều, cơ thể và trí năng giảm dần và lúc xế chiều thì mọi sự lại phải nhờ đến người khác đút cơm thay tã, nói trước quên sau…Dân gian thường nói: một lần già bằng hai lần con nít là vậy. Từ hư vô ta trở thành người và trong huyệt mộ ta trở về tro bụi, nhưng hạt bụi đã một lần được Chúa cho làm người sẽ tồn tại vĩnh viễn trong cõi lòng Thiên Chúa và trong nước trời vinh quang.

Ai đó diễn tả đời người như một chiếc thuyền lướt sóng với hai nhân vật: áo trắng là thiên thần bản mệnh và áo đen là hiện thân của satan. Lúc bình minh cuộc đời, vị áo trắng cầm lái còn tên áo đen bị trói gô ở phía sau thuyền; đến trưa thì chiếc thuyền đã thay chủ, tên áo đen cầm lái còn người áo trắng lại bị trói và đặt ở phía sau thuyền; đến chiều tà thì tình hình lại đảo ngược, người áo trắng cầm lái và tên kia bị trói rồi! Ý nghĩa thì quá rõ: lúc thiếu thời, chúng ta làm chủ được dục vọng và tâm hồn thanh thản, nhưng qua tuổi thanh niên thì chuốc lấy nhiều tham sân si, qua buổi chiều cuộc đời ta thường sống trong sạch, giũ bụi trần để chuẩn bị cho cái chết. Tuy vậy, Chúa muốn ta luôn phải tỉnh thức vì không biết giờ nào Chủ sẽ về và với ơn Chúa con người luôn đủ sức thắng vượt tội lỗi để bước đi trên đường công chính.

Người ta thường diễn tả đời người bằng 4 ngôi nhà: ngôi nhà thứ nhất là gia đình nơi ta được sinh ra và dưỡng dục, ngôi nhà thứ hai là giáo xứ, ngôi nhà thứ ba là nhà mồ và ngôi nhà thứ tư là nhà Cha trên trời. Ba ngôi nhà trên mang tính hữu hạn và tạm bợ, chỉ có ngôi nhà thứ tư là vĩnh cửu và vững bền.


"Xin dạy con đếm từng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan". Người khôn ngoan nhận biết rằng con người là thụ tạo - tất cả tùy thuộc vào Cha Nhân Lành, bởi đó phải luôn xin ơn: xin ơn Thánh Thần, xin ơn đức tin-đức cậy-đức mến, xin biết cầu nguyện, xin ơn biết tha thứ, xin cho mọi người nhận biết Chúa và xin những ơn lành hồn xác cần thiết cho đời sống mình cũng như tha nhân. Mỗi buổi mai thức dậy, hãy tạ ơn Chúa ban thêm cho mình cơ hội sống đạo bằng cách sống tốt giây phút hiện tại: sống mỗi phút thánh thì cả cuộc đời sẽ thánh (ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận).

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

Ánh sáng Lời Chúa




“Lời Chúa là đèn rọi bước con đi”. Chúa Nhật Lời Chúa được mừng kính nhằm đề cao giá trị của Lời Chúa trong phụng vụ và trong đời sống con người.

Con người có khả năng suy nghĩ, đó là món quà tuyệt vời của Thượng Đế dành cho một ‘sinh linh bậc cao’ trong kế hoạch sáng tạo của Người. Nhờ lý trí và nhờ luật tự nhiên được khắc ghi trong từng tâm hồn, con người có khả năng nhận biết Đấng là nguồn cội và cùng đích cuộc đời mình, có khả năng phân biệt thiện ác; nhưng cũng vì có lý trí để suy nghĩ, con người cũng thường bị lầm đường lạc lối với những hào quang giả tạo do satan vẽ nên và do lập luận của tập thể - bầy đàn. Bởi thế, Thiên Chúa đã ban cho loài người lề luật của Người qua Môisen – qua các tiên tri – và nhất là qua Đức Giêsu. Những giáo huấn của Chúa được ghi lại bằng chữ viết, được gọi là Kinh Thánh, được viết ra để hướng dẫn loài người không lầm đường lạc lối.

Tuy đã có Kinh Thánh trong tay, được Chúa Giêsu trực tiếp nhắn nhủ: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ Lời Thầy”, nhưng con người vẫn thường chạy theo lối sống dân ngoại, nghi ngờ giá trị của Lời Chúa, pha loãng Lời Chúa với tự do cá nhân để làm dịu bớt tính đòi hỏi của Tin Mừng. Đó là cám dỗ của sự thỏa hiệp, chiều theo dục vọng con người. Cơn cám dỗ đó đã xảy ra từ thời xưa (ông Môisen đã phải cho phép ly dị trong một số điều kiện), và ngày nay cơn cám dỗ thỏa hiệp còn khốc liệt hơn trong nhiều lãnh vực thuộc đức tin và tín lý, khiến Giáo hội luôn bị tấn công và thù ghét… thậm chí là xảy ra chia rẽ và ly giáo.


Lời Chúa phải luôn 'là đèn rọi bước chân con, là ánh sáng chỉ đường’ cho mọi suy nghĩ và hành động của ta, cho những sinh hoạt phụng vụ và cả trong lối sống. Ví dụ: về việc thờ kính ông bà tổ tiên và thảo hiếu cha mẹ. Người ngoài đạo họ có cách thờ cúng bằng những mâm cơm hoặc hoa quả đặt trên bàn thờ hoặc đưa ra phần mộ, rải vàng mã… Nhưng ánh sáng Lời Chúa dạy ta rằng: thân xác con người sẽ mục nát sau khi chôn cất, chỉ có linh hồn là sống mãi, ông bà vẫn gần gũi với ta cách thiêng liêng và cũng cần nhất những chăm sóc thiêng liêng là những lời cầu nguyện và việc lành phúc đức. Vì được Lời Chúa hướng dẫn như thế, nên việc biểu lộ bổn phận thảo hiếu của người có đạo khác với người ngoài đạo, đừng ngộ nhận rằng người có đạo vô tình vô nghĩa, trái lại là  khác.

Lời sách Huấn Ca dạy ta: “Ai thảo kính cha mẹ thì được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” không có nghĩa là ai chết sớm là vì không thảo hiếu! Lời trên muốn dạy ta rằng: ai thảo hiếu với cha mẹ thì được Thiên Chúa chúc lành cho đời này và thưởng công mai ngày. Có câu chuyện kể rằng: Hai vợ chồng chung sống với người bố chồng già yếu, người vợ mới đề nghị chồng đưa bố vào viện dưỡng lão. Người chồng vừa thương bố và yêu vợ nên rất khổ tâm. Rồi đến một ngày anh cũng phải đưa bố mình vào viện dưỡng lão, đó cũng là lựa chọn bình thường của rất nhiều người. Khi sắp bước vào cổng, người cha ứa nước mắt, không phải vì tủi thân – nhưng vì hối hận: cách đây 20 năm chính ông đã đưa cha mình vào đây. Đúng là ‘sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó’. Bạn hãy suy xét lại chính mình, nhiều khi ta để cha mẹ già phải sống lủi thủi như một sự trừng phạt nào đó, hãy kịp sửa đổi – kẻo rồi chính mình lại sẽ phải trải qua tình cảnh mà mình đã gieo. Lòng hiếu thảo Chúa dạy trong Kinh Thánh phải vượt qua tình ruột thịt, luật lệ xã hội để tiến đến một tầm cao hơn: cha mẹ là người thay mặt Chúa để ban phát và đón nhận món quà tình thương của con cái, nhân hiếu thảo này sẽ được trả bằng quả trường sinh.



Lạy Chúa là nguồn cội của muôn loài, Chúa đã cho con có mẹ có cha và có ông bà tổ tiên như những mắt xích của sự quan phòng của Chúa. Bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất là chúng con phải thờ kính Chúa và làm mọi sự vì yêu Chúa. Và bổn phận thứ hai là chúng con phải yêu thương mọi người, nhất là những bậc sinh thành đã cho chúng con thân xác và niềm tin; các ngài đã thay mặt Chúa để chăm sóc, bồng ẵm và yêu thương chúng con từng ngày. Xin cho chúng con vượt qua tính tự ái và ích kỷ để yêu thương và hiếu thảo với cha mẹ con, như là hiện thân của chính Chúa vậy. Amen.

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2020

Tạ ơn Chúa




Ngày cuối năm, người người quây quần bên tổ ấm gia đình và giáo xứ, dâng lời tạ ơn Chúa vì muôn ơn lành trong năm qua và xin ơn lành trong năm mới.

Chúng ta thường nghĩ đến những phúc lộc vật chất, nhưng người Kitô hữu nhận ra rằng những ơn thiêng liêng còn quan trọng hơn nhiều. Chúng ta tha thiết xin Chúa ban cho mình ơn biết yêu Chúa nhiều hơn và quảng đại hơn với người khác, xin ơn được sống siêu thoát hơn với những giá trị vật chất và với cái tôi để mau mắn chấp nhận ý Chúa, ơn biết tha thứ  cho những xúc phạm của tha nhân và đừng xét đoán anh em, ơn biết rũ bỏ gánh nặng cuộc đời xuống - cho nhẹ đôi vai - mà bước đi thanh thản hơn trong năm mới.

Cha Minh Anh kể câu chuyện rằng:
Vào một đêm kia, một người nằm mơ thấy mình đang đi trên một con đường hoang vắng, trên vai ông, một túi vải cồng kềnh và nặng trĩu, nó như muốn tỳ đè cả thân thể ông. Sau một lúc cố gắng, ông cảm thấy mệt nhoài và bắt đầu càu nhàu,Hành trang này là những thứ gì mà tôi phải vác nó cực khổ thế này?”. Nói dứt câu, ông nghe từ xa vọng lại, “Đó là những khuyết điểm của người khác mà con thường hay nhanh nhẹn bới móc ra. Tại sao con lại than phiền? Không phải con là người đã khám phá ra chúng sao? Chúng phải thuộc quyền sở hữu của con chứ?”.

Cha Mello có một lời khuyên rất hay là hãy liệt kê một danh sách những người ta đang giận, đang có mối quan hệ không bình thường. Chúng ta thường trấn áp tình cảm oán giận trong lòng, nói rằng mình không giận ghét ai, nhưng lòng ta lại nặng nề với những xúc phạm họ gây cho mình lâu nay.


Xin Chúa ban cho con ơn biết tha thứ cho kẻ ‘gây khốn’ cho con, vì đó là điều đẹp lòng Chúa và vì những oán giận đè nặng lên vai và đôi lúc làm quả tim con khó thở. Chúa đã từng tha thứ cho con biết bao lần và biết bao tội, đó là động lực để con tha thứ cho anh em con. Chúa đã từng bị xét xử bất công, bị đòn vọt oan ức, chịu nhục nhã vô cớ và Chúa đã tha thứ cho kẻ giết mình, xin cho con đừng làm rùm beng những bất công cỏn con trong cuộc sống nữa. Amen.


Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

NHẦY


Xin lỗi quý vị vì tôi dùng một từ phàm tục nơi đây, nhưng là có lý do của nó. Trong một cuộc gặp gỡ với anh bạn kia, chúng tôi nói chuyện ‘trên trời dưới đất’, anh ấy nói: qua câu chuyện người bạn xin bánh giữa đêm khuya và vị quan tòa bất chính, chính vì hai vị nhầy quá mới được việc! Tôi không có ý kiến gì. Thời gian qua, tôi đọc lại cuốn sách ‘Tiếp xúc với Thiên Chúa’ của cha Anthony de Mello SJ, thấy câu nói của anh bạn quá đúng. Tôi còn nói lại với anh bạn: “Chính Chúa thích chúng ta nhầy với Ngài đấy”. Anh bạn không nói gì, tôi phải trích vài tư tưởng trong sách để thuyết phục anh ấy.

Người ta thường dùng từ ‘nhầy’ để nói về một người khi uống rượu hơi nhiều: nói nhiều, nói những chuyện chán ngắt, lặp đi lặp lại một chuyện làm phiền người khác. Như vậy khi nói rằng Thiên Chúa thích con người nhầy khi cầu nguyện thì có quá đáng chăng?

Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cầu nguyện, Ngài đã dạy cho họ Kinh Lạy Cha. Nội dung của kinh này là xin ơn, như vậy có thể nói cầu nguyện là xin ơn. Chúa còn nói đến hai câu chuyện đề cao sự nhẫn nại và nài nỉ cho bằng được: mặt dày mày dạn. Người đàn bà góa đã làm cho vị quan tòa ‘đau đầu nhức óc’, còn người bạn cũng quấy rầy quá mức làm người kia phải chiều ý cho yên chuyện. Đúng là nhầy quá mức chịu đựng. Đan sĩ Sisoes (người kế vị thánh Antôn) đã cầu nguyện cho một đan sĩ trong dòng: “Lạy Chúa, dù Chúa có thích hay không thích, con nhất định không chịu để cho Chúa được yên, cho đến khi nào Chúa chịu chữa lành cho người anh em ấy”.

Những người có trí thức thường nghĩ: điều quan trọng nhất trong cầu nguyện là phải có những tư tưởng cao siêu để thưa chuyện với Chúa, để ngợi khen và tạ ơn. Những người này thường cho rằng đọc kinh (kể cả kinh mân côi) là cách cầu nguyện dành cho người ít học, bình dân. Nhưng Tin Mừng nói rõ: Chúa Giêsu chỉ dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Có nhiều hình thức cầu nguyện, có thể suy niệm theo bản văn Kinh Thánh hay sách tu đức, cũng có thể dùng một hình thức cầu nguyện khác: kinh mân côi, Kinh Thánh Danh hoặc một tâm tình đơn sơ giúp mình hướng lòng về Chúa. Đừng nghĩ cầu nguyện là phải bóp đầu bóp trán, đó là suy nghĩ – là suy niệm, sẽ trợ lực cho cầu nguyện, nhưng chưa phải là cầu nguyện. Cầu nguyện là việc làm của con tim hơn là  cái đầu, là lòng mình gần với Chúa, ước mong trở nên giống Chúa trong mọi tâm tình và hành động. Xét như vậy thì ta có thể cầu nguyện ngay trong cuộc sống: bằng một tâm tình thờ lạy, cảm tạ, hối lỗi, xin ơn. Thường chỉ cần một mệnh đề ngắn, được lặp đi lặp lại là phù hợp: Lạy Chúa, con yêu mến Chúa; Lạy Cha chúng con ở trên trời…

Cầu nguyện phải có lòng tin. Trong Tin Mừng, lòng tin là điều bắt buộc phải có để phép lạ xảy ra, hoặc của chính đối tượng hoặc của người can thiệp. Điều này được minh chứng qua câu chuyện Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã thiết tha cầu nguyện cho người tử tội, và đã cứu được phần rỗi của anh. Nhiều khi ta không mong chờ phép lạ nên phép lạ không xảy ra. Tôi cứ nghĩ Chúa tôn trọng trật tự trong thiên nhiên, nên Chúa không ưa và không thường xuyên’ làm phép lạ, và thế là tôi rất ít mong chờ điều lạ. Chúng ta vẫn thường nghĩ phép lạ xảy ra là khi Thiên Chúa chiều theo ý con người, làm những điều trái với tự nhiên, nhưng phép lạ vẫn thường xảy ra khi con người vâng theo ý Chúa. Những lời cầu xin tha thiết không làm cho lòng Chúa thay đổi, nhưng lại biến đổi quả tim con người (lòng tin, lòng mến, sự cậy trông) và nhờ thế ta được hưởng ân lộc Chúa ban.

Chúa nói: ai xin thì được. Chúa không ra điều kiện là phải tốt và thánh thiện thì mới được nhận lời, nhưng là mọi người, bất cứ ai có lòng tin và sự kiên trì tha thiết thì  được ơn. Điều này làm chúng ta an tâm, vì Chúa không thiên vị  ai, nhưng bất cứ ai miệt mài tìm Chúa đều được Người xót thương (Cvtđ 10,34). Chính bản thân chúng ta có thể cầu nguyện cho những nhu cầu của mình trong niềm tin tưởng, phó thác, cậy trông và yêu mến của một người tội lỗi. Sở dĩ chúng ta cũng xin người khác cầu nguyện cho mình là vì Chúa thích chúng ta cầu nguyện cho nhau, cho kẻ tội lỗi, cho kẻ ta không ưa, và vì có thể người kia mạnh tin hơn.


Cuộc sống luôn ẩn chứa những bất trắc ngoài tầm với của con người, khiến con người phải luôn cầu xin. Dường như chính Chúa xếp đặt, tạo ra những hoàn cảnh trái ý và những bất ổn trong cuộc sống để con người nhận ra sự yếu hèn bất lực của mình và cậy dựa vào Chúa, như đứa con thơ cậy dựa vào cha mẹ vậy. Hãy luôn tin rằng Chúa có thể làm mọi sự, Chúa là Đấng tốt lành, tầm nhìn của Chúa khác xa cái nhìn thiển cận của con người, để nài xin tha thiết với Chúa về những nhu cầu của mình và tha nhân: Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện, nhu cầu cơm bánh, nhu cầu chữa lành, cả những ước mơ nữa. Hãy tạ ơn Chúa khi lòng mình cảm nhận sự xác tín rằng Chúa đã nhận lời ta cầu xin. Và một điều nữa: Thiên Chúa sẵn sàng thay đổi kế hoạch của Người khi con người tha thiết nài xin.

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

Nghĩa cử yêu thương




Một người cháu gặp một người lớn tuổi trong dòng họ. Anh ta đã có gia đình riêng và làm nông nghiệp, nên thu nhập cũng chẳng khấm khá gì. Anh ta trao cho bà cụ 500.000đ và nói: “cụ cầm lấy số tiền này, tùy nghi sử dụng".Rồi anh tâm sự thêm: "Bố mẹ cháu đã có những việc làm không tốt, nhưng chúng ta đừng để những chuyện quá khứ ảnh hưởng đến cuộc sống”.

Tuy chỉ là một chuyện nhỏ xảy ra nơi một làng quê, nhưng tôi nhận ra nhiều nét đẹp trong đó. Anh thanh niên cho bà cụ một số tiền có thể nói là quá lớn so với thu nhập hằng ngày: không phải trả nợ hay đền bù gì cả, anh còn có gia đình phải chăm sóc…tất cả là do lòng hào hiệp. Anh thanh niên này có suy nghĩ độc lập, nhận ra điều phải điều trái nơi cách sống của chính cha mẹ mình. Cứ sự thường thì vợ chồng thường bao che và mù quáng trước những cách hành xử của nhau, con cái không dễ nhận ra những hành vi sai trái của cha mẹ vì đã bị cha mẹ tung hỏa mù hoặc che đậy bưng bít thông tin.

Trong một bảng xếp hạng những thành phố đáng sống, bản nghiên cứu nào đó đã căn cứ vào năm tiêu chí: thu nhập bình quân, chi phí sinh hoạt, an toàn, an sinh, sống rộng lượng. Tôi rất tâm đắc với tiêu chí thứ năm, vì nếu quanh ta đầy dẫy những người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến quyền lợi và sở thích mình mà không biết nghĩ đến việc người khác phải chịu đựng sự tham lam, khói, tiếng ồn, sự bất hòa gia đình mình, thì nơi đó thật là mất an bình và kém hạnh phúc. Đành rằng ở đâu cũng có người này người nọ, nhưng có những đất nước có giáo dục nhân bản tốt và có đời sống tôn giáo trưởng thành thì những hành vi hào hiệp và rộng lượng với nhau sẽ nẩy sinh dồi dào như một hệ quả tất yếu của nhân cách con người.



Chúa Giêsu đã từng nói: “Anh em đong bằng đấu nào, sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”. Ngoài ý nghĩa về việc Thiên Chúa trả công cho mỗi người tùy theo tội phúc cuả họ, câu này còn muốn nói đến việc con người tự kết án mình: những ai từ chối tha thứ, từ chối yêu thương, sớm muộn gì cũng sẽ trở thành nạn nhân của sự thiếu yêu thương đó. Sự dữ chúng ta làm cho người khác hoặc mong cho người khác, rốt cuộc, sẽ quay lại chống chúng ta. Những ai khắt khe với tha nhân sẽ phải chịu đựng nỗi khắt khe đó. Còn ai sống rộng rãi với anh em, thì ngay trong cuộc sống này, họ được hưởng sự bình an và quả phúc của chính tay họ gieo vãi.

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020

AI CŨNG CẦN MỘT VÒNG TAY ÔM
(nguồn langthangchieutim@gmail.com) 


Genny gửi đi dòng text cuối cho Dick, bạn trai và cũng là đồng nghiệp của cô ở sở cảnh sát Dallas, khi bước đến gần căn apartment của cô ở lầu 3.  Lúc ấy khoảng gần 10 giờ đêm.  Cô về muộn hơn mọi ngày sau ca trực kéo dài suốt 14 tiếng...  Một ngày đầu tuần khá mệt mỏi và nhức đầu vì những chuyện lỉnh kỉnh chẳng đâu vào đâu.  Cô cần nghỉ ngơi để lấy lại sức.

Khi vừa tra chìa khóa vào ổ khóa cửa phòng, Genny cảm thấy có điều gì bất thường.  Cô luôn cẩn thận khóa cửa, tắt đèn mỗi khi rời nhà.  Cửa dường như không khóa, cô xoay nhẹ tay nắm cửa, cánh cửa mở he hé.  Genny khẽ giật mình, đặt tay lên báng súng như một phản xạ tự nhiên.  Ánh đèn vàng từ bên trong hắt ra.  Genny suy nghĩ thật nhanh.  Ngoài Dick ra, không ai biết chỗ ở của cô.  Kẻ nào đã đột nhập vào phòng cô?...  Genny rút súng, lùi lại một bước, tay giơ cao khẩu súng ngắn, chân đạp mạnh vào cánh cửa.
“Đứng yên tại chỗ.  Giơ tay lên!”  Genny hét lớn.

Cửa mở toang.  Cô trông thấy một gã đàn ông ngồi dựa lưng trên ghế sofa, hai chân duỗi thẳng, tay cầm vật gì đó.

“Bỏ ngay cái đó xuống.  Giơ hai tay lên!”  Genny nắm chặt khẩu súng bằng cả hai tay, mũi súng chĩa thẳng về phía kẻ lạ mặt.

Trước mắt cô là gã đàn ông da màu lạ hoắc.  Gã mặc quần short, tay cầm vật gì lấp lánh cô không nhìn thấy rõ.  Gã chồm người dậy, nhìn chòng chọc vào cô.

“Giơ hai tay lên!  Bỏ cái đó xuống ngay, nếu không tôi bắn.”  Genny quát lên và lùi lại một chút, hai tay vẫn nắm chặt khẩu súng.

Gã đàn ông đứng bật dậy, dáng cao lớn, khệnh khạ̣ng.

“Hey! Hey! Hey!”  Gã trợn mắt, xăm xăm bước về phía cô.

“Đoàng! Đoàng!”  Genny nổ liền hai phát.  Gã bật ngửa ra sau, nằm ngay đơ, đầu gối lên thành ghế sofa.

Suốt những năm hành nghề cảnh sát, Genny vẫn được đồng nghiệp thán phục về tài thiện xạ, đã bắn thì không trật vào đâu được.  Cô từ từ bước qua cửa, men sát theo vách tường rồi lọt hẳn vào phòng trong lúc hai tay vẫn không rời khẩu súng, hai mắt vẫn chăm chăm nhìn xuống thân hình bất động dưới chân sofa.  Gã da màu nằm im không nhúc nhích, máu loang trước ngực.

Genny đảo mắt một vòng, nhìn quanh.  Và, chỉ trong một vài giây, trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn phòng khách, cô nhận ra điều gì khác thường...  Cô lắc lắc đầu mấy cái cho thật tỉnh táo.  Genny bỗng lạnh sống lưng.  Cô thấy chóng mặt, rồi khẩu súng trong tay rớt xuống lúc nào cô không hay.

Đây không phải là căn apartment của cô.  Cô đã vào nhầm phòng.

Genny vội quỳ xuống bên người đàn ông.  Gã nằm ngửa, hai mắt mở lớn, trợn trừng...  Bàn tay phải mở ra cho thấy vật trong tay gã là chiếc muỗng nhôm.  Một ly kem ăn dở và hộp kem mở nắp ở trên chiếc bàn thấp cạnh sofa.  Máu vẫn loang trên sàn nhà...

Genny ngồi bật dậy, hoảng hốt...  Cô đã làm gì vậy?  Cô đã giết người.  Rồi Genny lại quỳ xuống, đặt tay lên ngực gã...  Cô nhớ tới những thao tác CPR từng ứng dụng.  Vô ích, viên đạn trúng ngay tim.  Dưới chân cô đã là một xác chết.  Cô nhìn lại bàn tay mình.  Máu.  Genny cố trấn tĩnh, gọi số 911 trước khi gieo mình xuống chiếc sofa mà người đàn ông đã ngồi trước đó ít phút…

Tiếng tivi ở góc phòng phát đi bản tin về vụ cướp ở đâu đó.  Genny nghe tiếng lao xao và tiếng chân người từ ngoài hành lang...

*********************************************

Phiên tòa bước sang ngày thứ 5, dự trù sẽ đưa ra phán quyết chung thẩm.  Genny trông hốc hác, hai mắt trũng sâu vì thiếu ngủ.  Cô phải trả lời nhiều câu hỏi từ công tố viện.  Trả lời câu hỏi đầu tiên, Genny nói cô không biết gì về Bruce, người hàng xóm đã thiệt mạng vì hai phát súng nghiệt ngã của cô đêm ấy.  Người thanh niên da màu chết bất ngờ, không hiểu được vì sao mình phải chết.

Bruce ở lầu số 3, trong căn phòng ngay bên dưới phòng của Genny ở lầu 4.  Anh là nhân viên kế toán của một công ty tài chánh.  Bruce kém cô ba tuổi, là một thanh niên hiền lành và tốt bụng, hay giúp đỡ người khác.  Ngoài công việc ở sở, anh là thành viên của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ tại một nhà thờ ở địa phương trong nhiều năm.

Công tố viên muốn cô diễn lại trình tự mọi chuyện xảy ra vào hôm ấy, và phóng ra liên tiếp những câu hỏi như không để cô có thì giờ đắn đo suy nghĩ.

“Chuyện gì làm cô không tỉnh táo hôm ấy?”

“Tôi không rõ. Có thể tôi đã làm việc quá sức.  Tôi đã làm đến hơn 14 tiếng thay cho người bạn trong sở nghỉ bệnh.”

“Còn gì nữa?”

“Tôi về muộn, khá mệt mỏi sau một ngày dài làm việc.  Từ lúc xuống xe ở parking, tôi vừa đi vừa text message với người bạn cùng sở nên không nhận ra mình đang ở lầu 3 chứ không phải lầu 4.”

“Mỗi phòng đều có tấm biển ghi số phòng gắn trên cửa, cô không nhìn số phòng?”

“Không,” Genny lắc đầu.  “Phòng tôi ở dãy bên tay phải, cạnh phòng cuối cùng của hành lang.  Rất dễ nhận biết, tôi cứ đi thẳng tới đó.”

“Khi mở cửa phòng, cô không nhận ra đấy không phải là phòng mình?”

“Không,” Genny lắc đầu.  “Đèn không đủ sáng.  Cách bài trí nơi phòng khách khá giống với phòng tôi.  Bộ sofa cũng gần như cùng một kiểu, một màu.”

“Cô nghĩ gì và phản ứng thế nào vào lúc ấy?”

“Một kẻ lạ nào đó đột nhập phòng mình.  Tôi rút súng ra.  Tôi cần phản ứng thật nhanh, nghề nghiệp dạy tôi như vậy.”

Công tố viên không hỏi tiếp.  Phòng xử chìm trong im lặng vài phút.

“Cô nghĩ gì trong đầu khi nổ súng vào người đó?”

“Tôi sợ,” Genny trả lời, giọng run run.  “Tôi yêu cầu anh ta đứng yên và giơ tay lên đến mấy lần, nhưng anh ta bỗng hét lớn “Hey, hey, hey!” như bị kích động và sấn về phía tôi.  Tôi nghĩ anh ta sẽ giết mình.  Tôi không còn cách nào.  Bắn chậm thì chết.”  Genny khóc nức lên...

Nhiều tiếng lào xào...  Bà thẩm phán Tammie nhìn Genny chăm chú, khẽ gật gù.

“Tôi ngu ngốc quá...!” Genny nói trong tiếng nấc.  “Tôi muốn được trừng phạt.”

“Cô nói tiếp đi, rồi sao nữa?  Mọi người vẫn đang nghe cô.” Thẩm phán Tammie lên tiếng.

“Tôi thấy mình thật xấu xa, kinh tởm.”  Genny nói nhỏ, cúi gầm mặt.  “Tôi thù ghét tôi mỗi ngày.  Tôi biết mình sẽ không bao giờ tìm được một ngày bình yên trong suốt phần đời còn lại.”

Genny sẽ nhận bản án chung thẩm hôm nay.  Việc xét xử và nghị án có khuynh hướng bất lợi cho cô trong bối cảnh khá căng thẳng do những đợt biểu tình phản đối tình trạng bạo hành của cảnh sát đối với người da màu gần đây vẫn chưa lắng xuống.  Công tố viện có vẻ muốn cáo buộc tội sát nhân cho cô hơn là ngộ sát để làm dịu bớt những làn sóng phẫn nộ.  Trong suốt phiên xử Genny tránh cái nhìn từ phía những người thân của Bruce.  Cô tin là họ căm ghét cô và chỉ muốn cô phải chịu bản án nặng nhất.

Công tố viện đề nghị bản án 28 năm tù giam, bằng con số tuổi của Bruce vào ngày sinh nhật của anh ta trong tháng này nếu như anh còn sống.  Genny đã lấy đi những năm tuổi đẹp nhất của anh ta và cô phải trả lại đúng số năm ấy.

Sau nhiều giờ nghị án của bồi thẩm đoàn, Genny sau cùng nhận phán quyết chung thẩm là 10 năm tù giam và có thể xin được ân xá sau 5 năm ngồi tù.  Những nguời thân trong gia đình nạn nhân được phép lên tiếng.  Alice, mẹ của Bruce, chỉ sụt sùi kể lể, không nói được gì nhiều.  Beck, ông bố, lắc lắc đầu tỏ dấu không muốn lên tiếng.  Mọi người hướng về Ben, em trai của Bruce, người nói những lời sau cùng.  Chàng trai 18 tuổi, mặc bộ vest đen chỉnh tề, đeo kính trắng, khuôn mặt có nét từa tựa ông anh cậu.

“Tôi không ghét chị, cho dù chị đã làm chúng tôi phải xa lìa Bruce.”  Ben cất tiếng sau ít giây im lặng.  Cậu đưa mắt về phía Genny, nói chậm rãi.  “Tôi thực lòng mong muốn những điều tốt lành cho chị.  Tôi cũng không muốn chị phải vào tù một ngày nào.  Và tôi tin là Bruce, anh tôi, cũng muốn như vậy.  Tôi hiểu Bruce hơn ai hết.  Anh ấy rất mau quên và dễ tha thứ, anh ấy không muốn chị phải vào tù đâu.  Anh ấy chẳng oán ghét ai bao giờ, và cũng chẳng muốn làm ai buồn khổ.  Những gì tôi nói ra đây là những điều tôi học được từ Bruce.  Giá như anh ấy có ở đây thì anh ấy cũng sẽ nói giống như tôi vậy.  Việc đã rồi, chị đâu có muốn như thế, phải không?  Chẳng ai muốn như thế cả.”

Ben ngừng lại. Phòng xử không một tiếng động.  Mọi người im lặng, chờ nghe cậu nói tiếp.  Ben nhìn thật lâu vào đôi mắt Genny đỏ hoe.

“Anh ấy chắc chắn tha thứ cho chị.  Chị cũng cần tha thứ cho chị.”  Ngừng một chút, Ben nói tiếp, “Nếu chị không làm được vậy, chị hãy tìm đến với Chúa.  Một khi chị biết lỗi và hối lỗi thì Chúa sẽ tha thứ cho chị.  Phần tôi..., tôi cũng tha thứ cho chị.”

Ben lại ngừng một chút, rồi cậu hướng cái nhìn về bà thẩm phán Tammie.

“Liệu tôi có thể dành cho chị ấy một cái ôm không?”

Không có tiếng trả lời.

“Tôi có được phép ôm chị ấy không?”  Ben hỏi lại lần nữa, giọng khẩn khoản. “Tôi được phép chứ? Xin cho tôi...”

“Được,” bà thẩm phán nói, sau ít giây bối rối.

Ben rời bàn, bước xuống.  Phía bên kia, Genny đưa mắt nhìn viên cảnh sát bên cạnh cô.  Anh ta đứng lặng yên, không nói năng gì.  Cô bước ra khỏi hàng ghế tiến về phía Ben.  Khi tới gần Ben, cô dang rộng cánh tay, lao vào ôm chầm lấy cậu.  Hai cánh tay cô quấn chặt cổ cậu.

Mọi người nghe rõ tiếng khóc nức lên của hai người.

Ben ôm lấy tấm lưng Genny, hai bàn tay cậu xòe rộng xoa xoa, vỗ dọc lưng cô.

“Em tha thứ cho tôi?”  Genny thì thầm.  “Tôi không nghe lầm chứ?  Tôi muốn được nghe lại một lần nữa.  Xin làm ơn...”

“Tôi tha thứ cho chị.”  Ben khẽ nói. “Bruce muốn tôi làm việc đó.  Anh ấy và tôi tha thứ cho chị.”

Genny áp mặt vào ngực Ben.  Cô buông lỏng đôi tay, rồi cô lại ôm chặt lấy Ben lần nữa.

“Thế còn những người khác trong gia đình em?”

“Tôi không rõ, tôi tin mọi người rồi sẽ tha thứ cho chị.”  Ngừng một chút, Ben nói, “Tin tôi đi, khi tìm đến với Chúa, chị sẽ được bình an thôi.  Hãy can đảm lên, chị hứa với tôi đi.”

“Tôi hứa, tôi hứa...” Genny nghẹn lời.  Khuôn mặt cô đầm đìa nước mắt.

“Peace be with you,” (chúc chị được bình an) Ben thì thầm lời cuối trong lúc chậm rãi buông cô ra.

Không một ai trong phòng nghe được họ nói gì.  Viên cảnh sát dìu Genny về lại chỗ ngồi.

Ben quay nhìn Genny trong một thoáng trước khi rời phòng xử.

Ted, luật sư biện hộ cho Genny, chìa tay bắt tay bố của Ben khi hai người cùng bước ra ngoài hành lang.

“Cậu bé này tốt hơn chúng ta rất nhiều, bản thân tôi phải học nhiều ở cậu.  Chỉ có chiếc ôm ấy mới chữa lành được những vết thương.”

“Đúng thế,” Beck khẽ gật gật đầu.

Rồi ông quay nhìn con trai mình đứng phía sau, đưa ngón tay cái lên.  Hai bố con cùng bước xuống những bậc thang cấp của tòa án.

“Vậy là xong,” Beck siết chặt vai cậu, nói. “Bố cám ơn con.  Bố yêu con, Ben.  Bây giờ Bố cảm thấy nhẹ nhõm.  Tạ ơn Chúa, giờ đây Bố Mẹ vẫn có con bên cạnh.  Tất cả rồi sẽ qua đi.  Chúng ta cần phải sống.  Mọi người cần phải sống.  Chúng ta không để bất cứ thứ gì đè nặng trái tim mình.”

Ben im lặng, cậu cũng nghĩ như bố.

“Mỗi người một phần số,” Beck nói tiếp. “Chúng ta không làm khác đi được, nhưng chúng ta có thể làm nhẹ bớt phần nào những gánh nặng.  Ai cũng cần một vòng tay ôm.”

Ben vẫn im lặng.  Cậu hít sâu và thở ra một hơi dài.  Cậu cũng cảm thấy nhẹ nhõm như bố.

Chiều xuống dần.  Hai bố con sánh đôi bên nhau.  Beck lại bóp nhẹ mấy cái vào vai Ben.  Và ông choàng hẳn tay qua vai cậu, rồi khoác vai cậu bước đi thân mật như hai người bạn.

“Bố nói đúng,” Ben thầm nghĩ. “Ai cũng cần một vòng tay ôm.”

(Phỏng theo bản tin báo The Dallas Morning News, 2/10/2019)


Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

Niềm vui phục vụ



Nếu nói Thánh Gioan Tẩy Giả là vị thánh của mọi thời đại, luôn hợp thời thì không phải là quá đáng, vì chỉ cần trích dẫn 3 câu nói của Ngài được bài Tin Mừng hôm nay nhắc tới (Ga 3,20-30): Chẳng ai nhận được gì nếu không do Trời ban cho, bạn của chú rể thì vui mừng vì nghe tiếng chú rể, Người phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại... thì cũng đủ cho thấy linh đạo của thánh nhân luôn hợp thời.

Chúa Giêsu đã từng nói về ông Gioan, người anh họ của mình, rằng: “Trong các người nam được sinh ra, không có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”. Còn ông Gioan thì lại nói: “Chúa Giêsu là Đấng phải đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Trước trận đấu hôm qua (10.01,2020), hai ông HLV đội tuyển UAE và VN cũng có những lời đề cao đối thủ, nhưng trong lòng mình - ai cũng quyết tâm dành phần thắng. Giữa Chúa Giêsu và ông Gioan thì không phải như vậy! Nếu lòng không trong sáng và không thánh thiện thì giữa hai vị đã có một cuộc giao đấu nảy lửa chứ chẳng chơi. Vì theo kiểu người đời, hai vị tranh cử một chức vụ cao trọng trong xã hội thì sẽ tự đề cao mình và bới lông tìm vết đối phương, kể cả vu cáo, để hạ nhục. Bởi đó, hãy học nơi Thánh Gioan Tẩy Giả những bài học rất cao đẹp.

Bài học thứ nhất: khiêm tốn nhận biết thiên ý: Chẳng ai nhận được gì nếu không do Trời ban cho. Chúa là Đấng Tạo Dựng trời đất và là Đấng Cứu độ muôn loài. Người điều hành lịch sử lịch sử cứu độ và lịch sử nhân loại theo ý định của Người. Thánh Phaolô cũng nói: Mọi sự ta có là do bởi ơn Chúa ban, bạn lãnh nhận mọi sự từ nơi Chúa, sao lại tự hào như thể là không lãnh nhận? Ơn riêng Chúa ban cho mỗi người là để phục vụ cộng đoàn. Thánh Gioan đã nhận biết mình chỉ là vị tiền hô, là bạn của chú rể, nên đã hăng say giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng và cho các môn đệ, đến độ hy sinh mạng sống vì sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Áp dụng thứ nhất: Chúa Giêsu đã nhiều lần cảnh cáo rằng nhiều hành vi đạo đức và hoạt động của ta là có động lực thấp hèn, để được người đời ca tụng hơn là vì Danh Chúa cả sáng. Áp dụng thứ hai: Đừng an phận, hãy nhớ Lời Chúa "Chúa đã ban cho ai nhiều thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều hơn".


Bài học thứ hai: vui mừng vì chú rể. Làm sao lòng ta vui được khi có sự ghen tị? Thánh Phaolô nói: Anh em hãy vui với người vui, khóc với người khóc, nghĩa là phải có sự đồng cảm và lòng quảng đại. Chúa Giêsu là chú rể đã kết ước với Giáo hội là hiền thê của Người, Thánh Gioan Tẩy Giả đã có tinh thần khiêm tốn để có niềm vui cứu độ, vui mừng vì sự xuất hiện của chú rể, vì Thiên Chúa đã thực hiện lời đã hứa từ ngàn xưa. Óc bè phái đã gây nên sự chia rẽ giữa các dân tộc, các giáo hội, các dòng tu, các giáo xứ và các cá nhân với nhau… vì sợ kẻ khác trổi vượt hơn mình, nổi tiếng hơn và được kính trọng hơn. Hãy học tinh thần vui mừng luôn trong Chúa: Miễn là Đức Kitô được vinh danh, vì hoạt động của Chúa Thánh Thần luôn phong phú "Gió muốn thổi đâu thì thổi, không ai biết Gió từ đâu tới và đi đâu". Mẹ Têrêxa có một câu nói nổi tiếng: "phục vụ đem lại niềm vui", ta có thể đảo ngược lại: nếu đời tôi kém vui là vì thiếu tinh thần phục vụ. Nhiều người chán nản vì gia cảnh, nhưng họ bất ngờ tìm lại được niềm vui sống khi quan tâm đến những người khốn khổ khác; còn kẻ khép kín lòng mình, gặm nhấm nỗi khổ mình thì sẽ rơi vào tuyệt vọng.

Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại. Đây không phải là câu khẩu hiệu (slogan) mà phải đem áp dụng vào cuộc sống. Xã hội từ xưa đến nay luôn đề cao sự tiến bộ, tự do và nhân quyền. CĐ Vaticanô 2 đề cao vai trò giáo dân trong hoạt động tông đồ không những trong lãnh vực truyền giáo mà cả trong lãnh vực quản trị và các tổ chức tông đồ giáo dân. Chúng ta luôn thấy có những ‘nhân vật’ hết lòng vì Giáo hội (ở cấp giáo phận, giáo xứ, hội đoàn, các tổ chức bác ái từ thiện), đến mức như ‘điên dại’: mất giờ, nghèo túng, tiếng ra tiếng vào. Những vị này xuất hiện như những vì sao sáng để khích lệ chúng ta biết bỏ đi một chút tự do để dấn thân trong các hoạt động vô vị lợi, đừng trở nên ‘những điện tử tự do’: thích thì làm không thích thì bỏ, không bị ràng buộc để tự do sống theo ý mình. Hãy góp phần nhỏ bé của mình để cho tập thể lớn lên, Giáo hội phát triển và Danh Chúa cả sáng.

Mỗi người chúng ta là một cành hoa nhỏ được góp mặt trong vườn hoa Giáo hội. Mỗi người có đặc sủng và hương sắc riêng, nhưng đều hạnh phúc vì được Chúa yêu thích và mong muốn. Hãy tỏa hương bằng niềm vui được làm con Chúa, được góp phần nhỏ bé của mình cho Chúa Giêsu được lớn lên nơi lòng mình và trong môi trường mình sinh sống. Và điều quan trọng nhất trong cuộc đời là hãy giữ mối liên lạc với Chúa Giêsu, hãy luôn thầm thì với Người lời kinh được các Giáo phụ dạy: Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con.

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước



Thánh Gioan Tông Đồ đã khẳng định một sự thật mà nhiều khi chúng ta đã hiểu sai : Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước (1Ga 4,19). Chúng ta dễ thường nghĩ : theo đạo là chọn yêu mến Chúa và phụng sự Chúa ở đời này, để sau này được thưởng công trên thiên đàng.

Theo kiểu suy luận này thì phần chủ đạo là con người và Thiên Chúa là Đấng ban ơn trợ giúp chúng ta vượt qua những nghi nan và những gian nan để trung thành với Chúa cho đến trọn đời. Đúng ra, chúng ta phải xác tín rằng: Thiên Chúa lãnh phần chủ đạo trong cuộc đời chúng ta, nhất là trong đời sống đức tin của ta. Thiên Chúa đã yêu mỗi người bằng một tình yêu muôn thuở, đã xếp đặt để tôi hiện hữu, đã âu yếm chăm sóc cuộc đời tôi và dìu tôi vào huyền diệu của tình yêu với Ngài. Mọi công việc tôi làm từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa, phần nỗ lực của tôi chỉ là nhỏ bé.

Có câu chuyện kể rằng: Hai người bạn chơi thân với nhau, một hôm họ chia tay nhau lên đường để tìm kiếm điều quý giá nhất trong cuộc đời, hẹn ngày tái ngộ nơi làng quê. Người thứ nhất vừa rảo quanh các thành phố vừa suy nghĩ: trên trần gian này có gì là quý giá hơn kim cương? – Thế là anh đã tìm kiếm được một viên kim cương rất lớn, anh trở về làng và chờ đợi người bạn. Còn người kia thì nghĩ: trên đời này, có gì quý giá hơn chân lý? – Thế là anh rảo quanh nhiều tu viện để tầm sư học đạo. Anh chìm đắm trong nguyện cầu và suy tư, nhưng dường như vẫn chưa thỏa mãn được khao khát về chân lý… Đến một hôm, anh ngao du sơn thủy, thấy giữa một hồ nước mênh mông phẳng lặng, có đàn vịt con đang bơi lội quanh một con vịt mẹ, bầy con thì cứ chạy tứ phía vui đùa và thích khám phá, con vịt mẹ vất vả tìm kiếm bao bọc từng đứa con được an toàn. Anh này chợt mỉm cười, một nụ cười thỏa mãn vì đã hiểu được chân lý: con người mải đi tìm Thiên Chúa, nhưng thực ra Thiên Chúa luôn đi bước trước để tìm kiếm con người, lo liệu cho từng đứa con được hạnh phúc.

Sách Sáng Thế kể rằng con người đã phạm tội khi nghi ngờ tình Chúa, họ nghe theo lời con rắn nói rằng: Chúa không cho họ ăn cây giữa vườn vì Ngài biết ngày nào họ ăn trái ấy thì họ sẽ thông biết như Thiên Chúa. Không phải thế, Chúa biết rằng: ngày nào con người không còn biết mình là thụ tạo – luôn tùy thuộc vào Đấng Tạo Hóa trong mọi sự, thì ngày ấy họ sẽ trần truồng vì vong thân (đánh mất chính mình). Từ tội Adam cho đến hôm nay – và mãi cho đến tận thế, tội lỗi vẫn luôn xảy ra khi con người chối bỏ sự hiện diện và chối bỏ lề luật Thiên Chúa truyền. Luật Chúa ban cho con người dưới nhiều hình thức: luật tự nhiên, Thánh Kinh, Thánh truyền và giáo huấn Giáo hội.


Là Kitô hữu, chúng ta đã tin nhận Thiên Chúa là khởi nguyên và tận cùng của vũ trụ, là Đấng Tạo dựng càn khôn và là Đấng Cứu Chuộc, cho con người được quyền trở thành con cái Thiên Chúa. Thế nhưng, chúng ta dễ quên rằng: Chúa vẫn chăm sóc tôi từng ngày. Việc lãng quên này khiến chúng ta  nghĩ đi đạo là đến nhà thờ đọc kinh – mà quên sống đạo; việc thiếu niềm tin vào tình thương Chúa khiến chúng ta ít cầu nguyện xin mọi ơn lành – mà đức tin lại là điều kiện cần thiết để Chúa làm phép lạ; việc thiếu niềm tin vào một Thiên Chúa quyền năng, gần gũi từng đứa con thơ khiến chúng ta co mình lại trong đủ thứ âu lo về cuộc sống – trong lúc Chúa vẫn dạy ta đừng lo lắng về cơm ăn áo mặc, mà hãy cầu nguyện và phó thác mọi sự cho Ngài; việc thiếu niềm tin khiến chúng ta mặc cảm về tội lỗi và sự bất xứng của mình, khiến chúng ta ngại cầu nguyện trực tiếp với Chúa - trong lúc Chúa yêu tôi vì tôi là chứ không phải vì việc tôi làm.

Lạy Chúa, điều quan trọng nhất trong cuộc đời chúng con là luôn tin vào tình thương Chúa dành cho từng người con cái Chúa: một tình yêu bao la và đi bước trước, không mệt mỏi khi tha thứ, cá biệt và không đòi điều kiện, mãnh liệt và cụ thể, trổi vượt không gian để vươn tới vĩnh cửu là thiên đàng. Xin cho con tin vào tình Chúa mà dấn bước đời con, mà luôn cầu nguyện không mỏi mệt – cả khi gian nan ngập tràn, cả khi Chúa ẩn mặt và tâm trí con mù tối… thì con vẫn tin rằng điều đang xảy ra là điều tốt nhất mà Cha nhân lành đã dự liệu cho phép xảy đến. Xin cho con luôn tin rằng Chúa có một kế hoạch cho mỗi cuộc đời. Amen.


Thứ Ba, 7 tháng 1, 2020

Ơn gọi hôn nhân


Xin ghi lại một bài giảng rất có hồn trong một lễ hôn phối. Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ và Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu của họ. Kinh Thánh dạy rằng: Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly.

Sau khi tạo dựng muôn loài muôn vật, Thiên Chúa đã dựng nên Adam như tột đỉnh của công trình tạo dựng và trao quyền làm chủ trái đất. “Con Người ở một mình không tốt”, Thiên Chúa rút chiếc xương từ cạnh sườn Adam để tạo nên người đàn bà, cho làm bạn với Adam và cả hai gắn bó mật thiết với nhau – trở nên một xương một thịt. Tuy vậy, loài người đã phạm tội khi tìm kiếm hạnh phúc ngoài Thiên Chúa, kéo theo sự đổ vỡ của tình nghĩa vợ chồng - tình nghĩa anh em, mối liên lạc với vạn vật. Có thể nói cạnh sườn Adam đã bị tổn thương vì tội lỗi.


Đức Giêsu là Cứu Chúa, đã xuất hiện khi đến thời đến buổi. Chúa đến để phục hồi những gì đã đổ vỡ, phục hồi công trình sáng tạo đã bị thương tổn: tình nghĩa với Thiên Chúa, tình nghĩa vợ chồng và đặt vạn vật dưới chân Người. Khi bị treo trên thập giá, một tên lính đã lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người: cạnh sườn Chúa bị tổn thương đã chữa lành cạnh sườn Adam xưa. Chúa Giêsu đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích – hôn nhân Kitô giáo là một ơn gọi, là hình ảnh của tình yêu Chúa Giêsu dành cho Giáo hội. Đức Kitô yêu Hội Thánh bằng một tình yêu trao hiến để Giáo hội được sống dồi dào, viên mãn.

Một cô gái yêu người con trai có đạo vì cô cảm mến những điều tốt đẹp nơi những giáo lý cô học và nhiều điều tốt ở người yêu, và cô đã nhập đạo. Tuy vậy, sau đó cô gặp một vài khúc mắc về đạo: tại sao người chồng của cô không sống đạo, không chung thủy, mẹ chồng còn ủng hộ những hành vi lăng nhăng đó, tại sao cô xin nhiều điều mà Chúa không nhận lời??? – Người đạo gốc phải ý thức rằng: mỗi Kitô hữu phải là một nhà truyền giáo, Chúa đem một người tân tòng vào cuộc đời mình thì mình phải là người đầu tiên có trách nhiệm giới thiệu Chúa bằng một lối sống ‘biết điều’: gương mẫu và tốt lành như Cha trên trời. Người đạo gốc phải là người chủ đạo trong những buổi đọc kinh gia đình và trong sinh hoạt đạo, phải biết tôn trọng niềm tin của họ hàng bên vợ và cư xử đúng mực với các mối liên hệ xóm giềng – gia tộc hai bên. Sống biết điều và tử tế, đó là truyền giáo.

Cuộc đời con người được ví như cuộc hành trình với những ngọn đồi thoai thoải nối tiếp nhau. Ngày đôi bạn kết đôi để thành lập một gia đình mới là họ cùng nhau chung lối chung đường, cùng giúp nhau nên thánh – có con cái điểm tô cho gia đình của họ. Muốn hạnh phúc, họ phải cầu xin sự trợ giúp của ơn Thánh để có thể noi gương quảng đại hiến thân của Chúa Kitô mà sống biết điều với nhau, yêu thương và tôn trọng nhau – từng ngày cho đến suốt cuộc đời.

 (Ghi theo bài giảng của cha Phaolô Lưu Văn Phan)