Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng



Ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta dừng lại ở câu Kinh Thánh tuy rất ngắn gọn nhưng lại súc tích về ý nghĩa này, vì nó chứa đựng cả một triết lý sống – đủ cho cả một đời người được hạnh phúc và giàu ý nghĩa đạo đức.

Mẹ Maria được tuyên dương là hòm bia Thiên Chúa với hai ý nghĩa: Mẹ đã cưu mang Lời nhập thể là Đức Giêsu và Mẹ đã lưu giữ Lời Thiên Chúa nơi tâm hồn qua việc suy đi nghĩ lại trong lòng những điều Thiên Chúa đã hứa và đã thực hiện cho mình và cho nhân loại. Mẹ là người vừa được chúc phúc vì đã nghe và giữ Lời Thiên Chúa – vừa vì dạ đã cưu mang và vú đã cho Con Thiên Chúa bú mớm.

Các sách Tin Mừng nói rất ít về Mẹ. Chúng ta đọc thấy nơi bài ca Magnificat một vài tâm tình của Mẹ: “Hồn tôi tán dương Chúa Đấng cứu chuộc tôi, vì Chúa đã nhìn đến phận hèn tớ nữ Ngài, đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu.Tình thương Chúa trải qua từ đời nọ tới đời kia, dành cho kẻ kính sợ Người”. Mẹ ca ngợi Chúa vì hai lý do: Chúa đã thực hiện lời đã hứa ban ơn cứu độ cho nhân loại và đã đoái nhìn đến mình là một nữ tì hèn mọn, tất cả là vì tình thương Chúa. Mẹ cất lên bài ca này khi tuổi đời còn phơi phới và lúc bình minh ơn cứu độ.

Nhìn lại cuộc đời Mẹ, chúng ta thấy chẳng suôn sẻ tí nào, có thể nói là quá giông bão nữa: Mẹ là một thiếu nữ đã đính hôn để chuẩn bị đời hôn nhân thì được mời gọi mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần, Mẹ sinh con trong thiếu thốn và chịu sự ruồng bỏ của người đời, phải trốn qua Ai cập, sống ẩn dật nghèo khó nơi làng Nagiaret, Mẹ đã trở thành góa bụa, Con Mẹ bị từ khước – bị ghét bỏ và bị giết chết. Hình như sau này Mẹ càng suy đi nghĩ lại những biến cố cứu độ này, không biết tâm tình Mẹ ra sao? Các sách Tin Mừng không ghi lại một bài ca nào nữa? Hay là Mẹ đã thất vọng về cuộc đời mình và về lịch sử cứu độ?

Chúng ta thử đặt lại vấn đề như vậy để làm nổi bật sự cao vời thánh thiện của Mẹ là Đấng ‘đầy ân phúc và được Thiên Chúa ở cùng’. Các sách Tin Mừng chỉ ghi lại những nội dung cần thiết để củng cố lòng tin của các tín hữu, nên dù không nói nhiều về Mẹ thì chúng ta cũng hiểu được là Mẹ luôn là người lĩnh xướng bài ca tạ ơn giữa cộng đoàn tín hữu tiên khởi và ngày nay giữa triều thần thiên quốc. Cả cuộc đời Mẹ luôn là người biết suy niệm, sống nội tâm, biết ngợi khen Chúa và không ngừng xin vâng trong sự khiêm tốn của một tạo vật trước Đấng Tạo Thành nên mình. Người có niềm tin luôn nhìn thấy muôn vàn phép lạ xảy ra hằng ngày, trong lúc người không tin thì chẳng thấy điều gì là lạ hết. Cha Anthony the Mello đã nói: Con người không thể nào có hạnh phúc, trừ phi họ gặp được những nguồn mạch sự sống ở nơi sâu thẳm trong tâm hồn họ.



Có thể nói Mẹ đã sống hạnh phúc vì đã hoàn thành sứ mạng đời mình, dù đời Mẹ chẳng suôn sẻ và chẳng dễ dàng và cũng không nổi tiếng. Hãy học nơi Mẹ việc suy đi nghĩ lại để thấy ân phúc mình đã nhận là những ơn gì? – Ơn được làm người, được làm con cái Chúa, ơn được cộng tác vào sứ mạng cứu độ, ơn lành từ xưa đến nay: tạ ơn sự sống dẫu không may, tạ ơn sự chết dẫu không hay – tay Chúa an bài giữ gìn chẳng ngơi. Câu nói cuối cùng của Mẹ trong Tin Mừng: "Người bảo gì, các anh hãy làm theo" nói đến thái độ lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa.

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

Lòng cao thượng




Cha Minh Anh đã có một lời cầu nguyện rất đẹp: “Lạy Chúa, trong chuyến bay cuối cùng, không ai được mang theo bất cứ một thứ gì kể cả hành lý xách tay, trừ lòng cao thượng. Xin cho con học biết cao thượng như Chúa, như thánh Stêphanô và đó cũng là ý nghĩa của lễ Giáng Sinh”. Nhưng chúng ta tự hỏi: để có lòng cao thượng, con người phải học ở đâu và phải học trong bao lâu?

Tôi chợt nghĩ đến những nấc thang đầu tiên mà con người phải bước để tiến đến lòng cao thượng này. Bản năng sinh tồn dạy con người phải giành giật nhau để sống (cá nhân chủ nghĩa), thế nhưng hoàn cảnh sống buộc con người phải liên đới với nhau để chống chọi với thiên nhiên để tồn tại, có thể nói sự liên đới là bước tiến đầu tiên của tình yêu. Chính Thượng Đế đã gieo mầm liên đới và tình máu mủ trong từng cá thể nhân loại. Tuy vậy, từ các xã hội sơ khai cho đến xã hội hiện đại, tình trạng 'sơ khai' về tình yêu tồn tại rất lâu dài nếu không được thuần hóa bởi giáo lý của Cựu Ước và lề luật của Đức Kitô: “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng mình vì bạn hữu. Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Lòng tha thứ và quảng đại hiến thân là bước tiến cao nhất trong tình yêu, do lề luật Kitô dạy và có ơn Thánh trợ giúp.

Trong đêm canh thức Giáng Sinh, lịch sử cứu độ đã nói lên rằng: sau khi con người phạm tội, họ xa lánh Chúa, vợ chồng đổ lỗi cho nhau, anh giết em, con người đồng lõa phạm tội chống lại Chúa (tháp Babel). Chuyện cũng đang xảy ra như vậy ở xã hội hiện đại: ngoại tình, ly dị, phá thai, buôn người, khủng bố, kỳ thị… Nếu nói tình liên đới là bước tiến đầu tiên của tình người thì cũng có thể nói: con người tiến hóa lùi khi làm hại người khác như giết người, phỉ báng, vu khống, làm chứng gian, trộm cắp, hối lộ, ức hiếp người cô thân… Ấy thế mà họ vẫn không biết mình, cứ tưởng mình công chính và tốt bụng. Trong mỗi tâm hồn cuộc chiến vẫn không ngừng tiếp diễn giữa lòng cao thượng và sự ích kỷ. Ngay cả những người có đạo cũng phải duyệt xét lại lòng mình để lòng cao thượng được vươn cao hơn sự ích kỷ - thu lợi cho bản thân mà không biết nghĩ đến người khác.

Tình trạng gian dối và tham lam chỉ có thể được cải thiện nhờ giáo dục và niềm tin. Trong một xã hội mà nền giáo dục không được chắp cánh bởi niềm tin vào tôn giáo thì lý trí không đủ sức chống đỡ tòa nhà luân lý và tình liên đới sẽ bị tụt lùi. Là những bậc cha mẹ, giữ cho tâm hồn con cái sống quảng đại và liên đới với người khác, không gian dối và sống có lý tưởng là một điều khó, vì có nhiều cạm bẫy bao quanh môi trường sống của chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta chiêm ngắm cuộc sống của Chúa Giêsu mỗi ngày và đón nhận ơn thánh để có thể tiến bước trên con đường yêu thương.


Vì tình yêu, Chúa Giêsu đã yêu nhân loại mà không đòi điều kiện, yêu không còn giới hạn, yêu trong lòng phó thác cho Cha định liệu và tha thứ cho kẻ giết mình. Thánh Stêphanô đã phác họa lại những nét chính của tình yêu đó: "Lạy Chúa, xin đón nhận linh hồn con, xin đừng chấp tội họ". Thánh Gioan Tông đồ được mệnh danh là môn đệ Chúa yêu, nghĩa là người yêu Chúa một cách nồng nhiệt, thánh nhân đã không chịu thua Phêrô về tình yêu -Thánh Gioan đã chạy nhanh hơn và đến mộ trước. Người ta bảo: nhường gì thì nhường chứ trong tình yêu thì không có chuyện nhường nhịn; thế nhưng, đọc truyện các thánh thì nhiều vị không chịu nhường ai cả, mà muốn mình là kẻ yêu Chúa nhiều hơn hết, như thánh Têrêxa Hài Đồng và thánh Faustina. Chúng ta cũng vậy, hãy nguyện yêu Chúa thật nhiều, làm mọi việc vì tình yêu và đừng để những công việc hay tổ chức ta tham gia làm tình yêu nơi mình bị thui chột. Các thánh tử đạo Việt Nam đã chết trong an bình, nguyện cầu và tha thứ cho các kẻ hành hình.


Vào lúc cuối đời, chúng ta bị xét xử về tình yêu. Hành trang về trời chỉ là tình mến Chúa và tình yêu tha nhân. Hãy nghĩ đến cùng đích đời mình, hãy nghĩ đến gương tha thứ và cao thượng của các bậc thánh nhân để sống hào hiệp và rộng rãi hơn với tha nhân - qua từng ngày sống mãi cho đến ngày lìa thế. Hãy nhớ lời Chúa: anh em đong đấu nào thì sẽ được trả lại bằng đấu ấy.

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

Ngôi Lời đã làm người



Đứng trước biến cố Chúa Giáng Sinh, trí óc con người dường như choáng ngợp vì đối diện với một mầu nhiệm lớn lao vượt quá trí hiểu con người. Các nhà thần học, các nhạc sĩ thường dùng những ngôn từ bóng bẩy, mong diễn tả một phần nào đó sự lung linh, vĩ đại, sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người và vũ trụ. Thế nhưng, vẫn luôn có đó những người chỉ xem Giáng Sinh là một huyền thoại không có thật hoặc nếu có thì cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc đời họ.

Đối với tôi, Đức Kitô là tất cả. Chúng ta vẫn thường nói: đức tin là một hồng ân Chúa ban cho kẻ Ngài yêu thương. Nhiều người ngoại đạo, sống chung quanh chúng ta, vẫn háo hức khi Noel về vì họ xem đây là một lễ hội; có thể họ vẫn đi lễ, vẫn thích xem hoạt cảnh canh thức như một buổi văn nghệ, hòa mình vào đám đông vui vẻ ca hát… nhưng mọi sự chỉ dừng ở đó. Nếu ta có trình bày cho họ thêm về biến cố Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc thì họ lại càng cho rằng người có đạo khéo thêu dệt và giàu tưởng tượng. Họ còn thiếu một điều là đức tin, một hồng ân của Thiên Chúa, và có lẽ họ cần thêm lời cầu nguyện của chúng ta. Dưới con mắt một kẻ tin, Đức Giêsu đã nhập thể để ở cùng nhân loại, thì mọi sự hoàn toàn khác, vì Đức Kitô là tất cả: Ngài có mặt trong từng khoảnh khắc và trong từng biến cố lớn nhỏ, Ngài đồng hành với tôi hôm nay và mãi mãi ngàn thu.


Ngày xưa, người ta không đón nhận Đức Giêsu chỉ vì Ngài không giống như đấng mà họ mong mỏi, không giống với nhân vật mà trí tưởng tượng của họ nghĩ ra: xuất hiện trong uy hùng, đến giải phóng dân tộc, biết bao lần họ muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua. Mãi cho đến lúc bị treo trên thập giá, họ vẫn thốt lên: nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin. Ngày nay cũng vậy, biết bao người mất đức tin hoặc không tin đạo Chúa vì họ thấy Chúa không có lợi lộc và ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ, không giúp họ thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Theo đạo còn bị ràng buộc này nọ, không tin vào đạo nào là một điều may mắn và không bị quấy rầy-mất tự do.


Trong Kinh Thánh, đầy dẫy những chuyện đón nhận Chúa vào ‘nhà’ mình, ở đây chúng ta cùng nhau ôn lại 4 cuộc tiếp đón của thời Tân Ước. Cuộc tiếp đón của Mẹ Maria: sau khi nghe lời thiên thần truyền tin, Mẹ thưa lên: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy làm cho tôi như lời sứ thần truyền”, và Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời vào cung lòng của mình. Cuộc đón nhận của Thánh Giuse: khi đã được Chúa cho biết thai nhi nơi Maria là bởi Chúa Thánh Thần, Thánh Giuse đã đón nhận Maria về nhà mình, có nghĩa là thánh nhân đã chấp nhận bước theo thánh ý Chúa. Cuộc đón tiếp thứ ba là của Thánh Gioan tông đồ: sau khi nghe lời trăn trối của Chúa Giêsu “Này là Mẹ con” thì thánh nhân đã đón Mẹ Maria về nhà mình. Cuộc đón tiếp thứ tư là lời được trích từ sách Khải Huyền: “Này Ta đứng ngoài cửa, ta gõ, và hễ ai mở cửa thì Ta sẽ vào cư ngụ trong nhà nó”, biết bao tâm hồn đã mở cửa đón tiếp Chúa vào đời mình, chọn Chúa làm gia nghiệp, chọn ý Chúa hơn là ý riêng mình… họ là những vị thánh của mọi thời đại.


Điều quan trọng nhất trong mầu nhiệm Giáng Sinh là việc đón nhận Ngài vào ‘nhà’ mình, có nghĩa là để cho Chúa Giêsu hiện diện và làm chủ tâm hồn mình, gia đình mình và cả nhân loại. Chúng ta đến chiêm ngắm và tôn thờ Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, ca tụng tình thương và lòng thương xót Chúa, nhưng quan trọng hơn nữa là đón nhận Ngài vào trong đời mình và bước đi trong Ánh Sáng trong tư cách là con cái Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là chúng ta từ bỏ những hành vi đen tối và bất chính để bước theo Chúa Giêsu, biết quỳ gối xuống để tôn thờ Đấng ban cho chúng ta niềm vui hạnh phúc và bình an.


Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

Sống thật với lòng mình




Ông Gioan, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế, nói với những kẻ đến chịu phép rửa ở sông Giodan: “Hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối, đừng tự  hào mình là con cái Abraham, cây nào không sinh quả tốt thì bị chặt, thóc lép thì bỏ vào lửa mà đốt đi”.

Thực tế là có rất nhiều người đến với ông Gioan để chịu phép rửa thống hối, nhưng lòng họ không muốn thay đổi. Họ chỉ diễn trò thống hối để tỏ ra mình đạo đức, nhưng họ không biết mình: đạo đức giả. Bức tranh ngày ấy và hôm nay cũng không khác gì nhau: người ta tâng bốc nhau để ru ngủ nhau: mình thành đạt, mình tử tế, mình đáng ngưỡng mộ và đáng yêu mến. Một sự dối trá được lặp lại nhiều lần dễ biến thành sự thật và tạo thành một ảo tưởng cho cả một tập thể. Dù một người phát biểu thế nào, con người thật của họ vẫn có những sự thật không thể chối cãi như: loài mọn hèn yếu đuối dễ sa ngã lầm lạc, kiêu ngạo, tham lam (danh, lợi, thú). Thế nhưng, biết mình và nhận ra tội mình luôn là một điều không dễ, vì ma quỷ - thế gian và lòng dục đã làm con mắt lương tâm ta mù tối.

Bởi thế, ông Gioan đã phải nói thẳng với dân chúng: hãy dọn đường tâm hồn cho Chúa ngự đến. Khởi đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng nói với dân chúng: hãy hối cải vì nước trời đã gần đến (Mt 4,17). Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa trong Thánh Thần và lửa, nghĩa là làm cho người lãnh nhận trở nên một tạo vật mới, là con cái Thiên Chúa. Nhưng người Kitô hữu cũng hãy coi chừng: đừng tự hào mình là Kitô hữu mà hãy coi lại chính mình có sinh những hoa quả nhân đức, có sống theo Thần Khí không. Ở phương Tây bây giờ rất nhiều tự xưng mình là Kitô hữu, nhưng họ không còn đến nhà thờ và không có kiến thức về tôn giáo; còn ở VN mình xem ra sinh hoạt đạo còn rất tốt, nhưng đời sống đạo lại tụt lùi thê thảm về đời sống công bằng và bác ái, sống giả dối và lừa lọc nhau, giết người bằng lời nói, trộm cắp, cộng tác vào làm hại tha nhân miễn là có lợi cho mình, lương tâm chai lỳ… Ấy thế mà cứ rước lễ đều đều và rất ít khi xưng tội.

Chúa Giêsu dạy: có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ (Mt 5,37). Chúa muốn ta trung thực trong lời nói và trung thực với chính mình: biết mình thế nào. Nhưng để biết mình thế nào thì quả là không dễ, vì tha nhân quanh ta và ma quỷ dễ làm cho chúng ta mang ảo tưởng về chính mình. Muốn biết mình, ta phải tha thiết cầu xin, biết để cho tâm tĩnh lặng, có thái độ lắng nghe để có người dám góp ý – đó là sứ giả Chúa sai đến giúp ta sửa mình. Người chê mình mà chê đúng, đó là bạn ta và thầy ta, phải cảm ơn họ; người chỉ biết khen ta mà không dám nói thẳng lỗi ta, người đó là hiện thân của ma quỷ, vì họ sẽ làm cho ta hư đi vì kiêu ngạo. Ấy thế, mà trong xã hội, nhất là ở VN bây giờ, người ta sống giả dối với nhau vô cùng, như câu nói dân gian: khen trước mặt, trật … sau lưng. Người ta nói một đàng làm một nẻo, người ta tự tô son đánh phấn cho mình và cho các kẻ làm lớn… vì người người đều ưa ngọt và chạy theo thành tích, thành tích dẫn đến kiêu ngạo và kiêu ngạo dẫn đến hỏa ngục.



Hãy hối cải mỗi ngày, xứng với lòng mong ước của Chúa. Mỗi người là cây vả mà Chúa còn chờ thêm một năm nữa xem có sinh quả hay không, nếu không thì rìu đã sẵn dưới gốc và nia đã sẵn để sảy lúa lép vào lửa. Xét lại mình, ở tuổi 20 hay ở tuổi 60 cũng thế, ta cứ xưng mãi  một vài thứ tội, xem ra ta không tiến thêm được mấy bước, nhưng Chúa vẫn chờ ta sám hối, đến với tòa cáo giải để xưng thú tội lỗi. Chúa cần thiện chí và quyết tâm của ta - hơn là thành tích nhân đức. Rất mong các linh mục siêng năng ngồi tòa và giáo dân siêng năng xưng tội, dùng ánh sáng Lời Chúa để huấn luyện lại lương tâm nên nhạy bén và biết phân định thiện ác. Đó là cách chuẩn bị tích cực cho Chúa đến với mình mỗi ngày và trong giờ sau hết.

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

Năm mới




Năm phụng vụ mới đã bắt đầu với Chúa nhật thứ nhất mùa vọng. Năm phụng vụ được tổ chức với mục đích diễn lại những mầu nhiệm chính của Kitô giáo: chờ đợi Đấng Cứu Thế đến và lại đến (Mùa Vọng), Ngài đến (Mùa Giáng sinh), Ngài đi rao giảng (Mùa thường niên), Ngài chết và phục sinh (Mùa chay – Phục sinh). Để có chút tâm tình chờ đón Chúa đến với trần gian, ngày cánh chung của từng người và ngày tận cùng thế giới, tôi xin viết lên vài suy tư về việc đổi mới tâm hồn trong năm mới này.

- Một thánh nhân từng nói: “Kitô giáo không phải là tập hợp những chân lý để tin, những quy tắc để theo, hay những ngăn cấm. Nhìn theo hướng đó, chúng ta sẽ lầm lạc. Kitô giáo là một Đấng tôi yêu nồng nàn, một Đấng đòi hỏi và nài xin tình yêu của tôi. Kitô giáo là Đức Kitô” (Christus vivit 156). Hãy nhìn lại bản thân mình: chúng ta rất dễ chiều theo tính xác thịt mà xem thường tình bạn với Đức Giêsu, tuy vậy Chúa Giêsu vẫn chờ đợi từng tâm hồn trở về-chừa bỏ những tội lỗi mình quen phạm, vì những tội đó đã làm cho Ngài buồn lòng. Chúa Giêsu đã hy sinh tất cả cho tôi, Ngài đang sống trong tâm hồn tôi và Ngài rất đau khổ khi tôi xúc phạm đến tình yêu bao la của Ngài. Mùa vọng đến, mỗi người chúng ta hãy xem xét lại bản thân mình, quyết tâm chừa bỏ vài tật xấu để củng cố mối thân tình với Chúa Giêsu, người bạn và là Đấng Cứu Tinh của nhân loại. Thêm tuổi đời, nhưng chúng ta đừng để tâm hồn và tình yêu mình già cỗi. Đức Phanxicô nói: Một cuộc sống thiếu vắng tình yêu là một cuộc đời cằn cỗi. Đức Giêsu muốn làm bạn với tôi, nhưng nếu tôi hờ hững với Ngài để chiều theo những đam mê tật xấu, thì Ngài chỉ biết chờ đợi và có khi Ngài gửi tới tôi những ‘tin nhắn’ để giúp tôi cảnh tỉnh. Nếu tôi không nhạy bén để nhận ra những nhắc nhở của Ngài, thì Ngài sẽ tiếp tục gửi những sự khốn khó, thất bại, bất an…



- Cuộc đời mỗi người trên trần gian được ví như người thợ dệt được Chúa mời gọi dệt nên tấm thảm đời mình. Chúa là người chủ đạo cho công trình dệt ‘tấm thảm cuộc đời' này, và con người thường chỉ thấy được mặt trái của tấm thảm mình đang dệt: tấm thảm trông có vẻ lộn xộn với những sợi chỉ rối bù – vốn là những sự kiện xảy đến trong cuộc sống thường ngày – và đây là khía cạnh của cuộc sống vốn làm cho chúng ta cảm thấy chán chường. Thế nhưng, mặt trước của tấm thảm thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, với những họa tiết tráng lệ, lộng lẫy của nó. Và đó chính là góc nhìn của Thiên Chúa (Christus vivit 198). Mỗi ngày sống là một trang sách mới được mở ra, một khởi đầu cho công việc dệt nên tấm thảm cuộc đời. Hãy kiên trì sống tốt giây phút hiện tại, với tình yêu mến Chúa và tha nhân nồng nàn, tin tưởng phó thác mọi sự cho Chúa định liệu.


Và khi đến giờ từ giã cuộc đời, Chúa sẽ cho từng người chúng ta nhìn lại bức tranh mà mình đã dệt khi sống trên trần. Đây là mặt phải của bức tranh mà bấy lâu ta chỉ thấy mặt trái của nó. Dĩ nhiên người chủ đạo của bức tranh này chính là Thiên Chúa, nên điều đáng ngạc nhiên nhất ở đây là con người nhận ra tình yêu thương Thiên Chúa đã dành cho mình qua từng ngày sống và từng biến cố lớn nhỏ trong đời: Một Người Cha tốt hơn bất cứ người cha trần gian nào!