Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Đường Emaus





Khi đọc đoạn Tin Mừng kể về câu chuyện Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emaus, trao đổi nỗi thao thức của hai ông và dùng Kinh Thánh để giải thích sự việc vừa xảy ra, thì ai trong chúng ta cũng dễ dàng rút ra một kết luận thực tiễn: Chúa vẫn hẹn gặp ta trên khắp nẻo đường dương thế. Thế nhưng, thực tế ta có dễ gặp Ngài hay không?

Trong tác phẩm ‘Chuyện người hành hương’ (suyniemhangngay.net), kể về một người đi bộ rong ruổi trên nhiều nẻo đường nước Nga, ăn uống đạm bạc, vừa đi vừa thực hành câu Lời Chúa: hãy cầu nguyện không ngừng. Nỗi hân hoan tràn ngập tâm hồn khi ông tìm được cách thực hành lời cầu nguyện với Đức Giêsu: “Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con”, "Lạy Chúa Gieessu, xin thương xót con là kẻ có tội" suốt ngày suốt đêm, bằng cách đọc ra bằng miệng, trong tâm trí và nơi con tim. Lời cầu nguyện Chúa Giêsu biến đổi cuộc sống của ông trở nên thánh thiện và ông coi nhẹ mọi sự xảy đến với mình để luôn phó thác mọi sự cho Chúa định liệu đến độ ai cũng nhận thấy anh là một người đạo đức; và câu chuyện anh quan tâm trao đổi với mọi người luôn là cùng nhau tiến đến sự trọn lành qua việc cầu nguyện.Và một điểm son khác: những người anh gặp trong cuộc hành trình luôn giúp đỡ anh và nhiệt tình tiếp đón người khác; phải chăng văn hóa thời hiện đại đã đánh mất nhân đức nầy, một thói quen giúp ta gặp được Chúa Giêsu?

Thử nhìn lại cuộc sống của những Kitô hữu và nghe những chuyện ta thường nói với nhau là gì, thì biết được đâu là trọng tâm cuộc sống của họ. Thật đáng buồn là hầu như chúng ta chỉ trao đổi với nhau những tin tức thời sự như để khoe kiến thức, những  chuyện dễ dãi về tình dục để khoe mình rành đời, những lời bình phẩm để khoe mình biết sống và khôn khéo trong chuyện đời. Tựu trung lại cũng chỉ là những chuyện danh lợi thú, ít ai nói với nhau những chuyện đạo đức để giúp nhau nên tốt hơn.

Khi đọc chuyện Thánh Augustinô, có một chi tiết đáng lưu tâm: Thánh nữ Monica có biệt tài nói chuyện đạo hạnh với chồng con. Lòng nhiệt thành cầu nguyện, khéo léo nói chuyện ‘đàng lành’ với chồng con, kiên nhẫn theo gót con đến tận Ý, và với gương sáng của bà, Thánh nữ đã cải hóa được cả chồng lẫn con về với Giáo hội. Bạn hãy quyết tâm trở thành người bạn đồng hành tốt của anh em bằng cách tránh nói đến những điều gây hoang mang, những chuyện tục tĩu và những chuyện tầm phào; tốt hơn là nên nói đến những chuyện giúp mình và anh em tiến lên trên đường lành.

Chúa vẫn hẹn gặp ta trong các biến cố cuộc đời. Nhiều người tin rằng khi một người được sinh ra thì mọi sự đã được an bài đến từng chi tiết và dứt khoát không thể thay đổi được, con người không có khả năng thay đổi số phận mình và thế là họ an phận. Người khác thì lại cho rằng chỉ có khoa học và bản thân mình làm nên số phận, chẳng có trời phật gì hết. Người Kitô hữu thì tin rằng Thiên Chúa tình yêu đã tạo dựng nên vũ trụ và từng người để họ được hạnh phúc ở đời nầy và đời sau. Ngài dự liệu mọi sự để mỗi người đạt được hạnh phúc đó và Ngài không ngừng ‘vận hành’ vũ trụ nầy một cách tài tình. Bên cạnh đó Ngài cũng tôn trọng tự do của con người và Ngài mời gọi con người cộng tác vào kế hoạch mưu tìm hạnh phúc cho mình và anh em. Hãy nghiên cứu và học hỏi Kinh Thánh, vì chỉ có ánh sáng Lời Chúa mới đem lại lời giải đáp cho những thao thức đời người và soi dẫn cho những uẩn khúc cuộc đời. Một lỗ hổng đạo đức cho tín hữu Việt Nam là họ ít tiếp xúc với cuốn Kinh Thánh, Lời của Chúa nói với loài người.

Trong cuộc sống đảo điên với đủ thứ chủ thuyết thực dụng, hãy biết rằng chỉ có Chúa Giêsu là chuẩn mực để ta định hướng đời mình và chỉ có Ngài là Đấng cứu độ, hãy củng cố mối liên lạc thân tình với Chúa Giêsu và ghi nhớ Lời Ngài, để vượt qua kiếp trần gian nầy với niềm hân hoan. Hãy tìm gặp Chúa nơi tha nhân và giúp tha nhân nhìn thấy Chúa nơi cuộc sống của ta.

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

CHỦ NHÂN FACEBOOK




Bí mật cuộc sống đáng ngưỡng mộ của ông chủ Facebook: không phải có siêu xe và biệt thự mới là hạnh phúc.
Nhắc đến tên tuổi những nhà tỷ phú trẻ, cái tên Mark Zuckerberg, nhà sáng lập ra mạng xã hội nổi tiếng toàn cầu Facebook là nhân vật nổi bật nhất. Theo như Forbes đánh giá, năm 2016 anh lọt vào danh sách top 5 nhà tỷ phú giàu nhất thế giới. Anh không chỉ khiến mọi người kinh ngạc vì giá trị tài sản giàu lên một cách nhanh chóng mà còn khiến mọi người ngạc nhiên hơn nữa bởi lối sống giản dị khác thường của mình. Anh mặc một bộ quần áo mỗi ngày, ở trong căn nhà và lái chiếc xe thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ.
Mark Zuckerberg thành lập công ty mạng xã hội toàn cầu Facebook vào năm 2004, là một trong những công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới. Năm 2016, theo đánh giá của tạp chí Forbes, giá trị tài sản mà tỷ phú trẻ nhất thế giới có là 51,6 tỷ đôla.
Mặc dù sở hữu một khối tài sản khổng lồ như vậy, tiền đủ để anh chi tiêu trong 10 kiếp sống xa hoa, nhưng cuộc sống sinh hoạt của anh còn đơn giản và đạm bạc hơn cả cuộc sống của những gia đình trung lưu ở Mỹ. Anh thường đi lại bằng chiếc xe bình dân Honda Fit trị giá 16.000 đôla. Tuy nhiên, cũng giống như gia đình trung lưu ở Mỹ, Zuckerberg cũng có thêm hai chiếc xe khác, không phải là những chiếc xe siêu sang đắt tiền mà là chiếc Acura TSX, có giá bán tại Mỹ là 30.000 đôla và chiếc Volkswagen Golf có giá khoảng 18.000 đôla.
Trước khi kết hôn, anh chỉ sống trong một căn hộ chung cư nhỏ được thuê lại. Sau khi cưới Priscilla Chan vào năm 2012, anh và gia đình nhỏ của mình đã chuyển đến sống trong một căn biệt thự, nhưng thực tế nhiều gia đình trung lưu ở Mỹ còn sống trong những căn biệt thự xa hoa hơn của anh rất nhiều lần. Anh không chỉ đi lại bằng chiếc xe bình dân, anh còn thường đến các trạm xăng tự phục vụ để nạp nhiên liệu cho chiếc xe hơi của mình. Nhìn thấy cảnh tượng này, thật khó để có thể tưởng tượng anh đang sở hữu khối tài sản lên đến hơn 50 tỷ đôla.
Thực tế thì, ngoài việc không đi những chiếc xe hơi siêu sang như các đại gia giàu có khác, Mark Zuckerberg còn mặc một bộ quần áo cực giản dị mỗi ngày, đó là chiếc áo phông ngắn tay màu xám. Mệnh danh là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, cả hai vợ chồng đều rất hiếm khi mặc hàng hiệu. Nếu như ai đó chưa từng biết về sự giàu có của anh, họ cũng chỉ nghĩ vợ chồng anh cũng chỉ giống như cặp vợ chồng bình thường khác mà thôi.
 Năm Mark Zuckerberg học Đại Học Harvard đã gặp được vợ mình, cô Priscilla Chan trong một lần cả hai cùng đứng xếp hàng chờ sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Hai người đã cùng nhau trải qua thời gian 9 năm yêu đương. Ngay cả khi trở thành một người giàu có, hai người vẫn duy trì một lối sống như thời còn là sinh viên, vẫn thường mua thức ăn tại một quán nhỏ gần nhà, thỉnh thoảng còn mua thức ăn nhanh. Có những lúc, họ ngồi lại cùng nhau, truyền cho nhau cảm hứng và khơi gợi những ý tưởng mới mẻ.
Hai người kết hôn năm 2012 nhưng đã không tổ chức một “đám cưới thế kỷ”. Họ chỉ tổ chức một đám cưới rất đơn giản tại sân sau của căn nhà anh đang ở, khách tham dự là những người bạn thân thiết và người thân trong gia đình. Anh cũng không tặng vợ nhẫn kim cương đắt tiền. Chiếc nhẫn cưới anh tặng vợ là chiếc nhẫn mặt đá ruby được đặt thiết kế tối giản nhất theo ý tưởng bản vẽ của riêng anh.
Rất nhiều người không hiểu được lý do vì sao anh sống đơn giản như thế, đặc biệt là người Mỹ. Họ thường có những câu hỏi: “Anh là một thanh niên trẻ tuổi, lại có rất nhiều tiền, sao lại mua chiếc xe trị giá hơn 10 ngàn đôla ? Vậy, anh dùng tiền vào việc gì ?” Kỳ thực cả hai vợ chồng anh Zuckerberg đều có một ước nguyện chung là kiếm tiền vì mục tiêu lợi ích xã hội.
Ngày 23.9.2013, Mark Zuckerberg đã tặng 100 triệu đôla để giúp sửa chữa các trường học tại Newark, bang New Jersey, Mỹ. Số tiền quyên tặng đạt cao nhất trong những người trẻ ở Mỹ làm từ thiện. Ngày 10.2.2014, tờ Chronicle of Philanthropy đưa tin vợ chồng Mark Zuckerberg đã dẫn đầu nước Mỹ trong bảng xếp hạng người làm từ thiện.
Chia sẻ về lối sống giản dị của mình, Zuckerberg nói: “Để cho cuộc sống trở nên đơn giản nhất, không mất quá nhiều thời gian và tâm sức để nghĩ ngày hôm nay mặc gì, tôi đã mua cả kiện áo phông có màu sắc giống nhau. Bởi vì chuyện nhỏ nhặt này rất dễ khiến tinh thần mệt mỏi, tôi cũng không muốn hao tổn năng lượng cho những việc như thế. Tôi dùng tất cả tinh lực vào công việc, làm sao phục vụ xã hội được tốt hơn… đó mới là việc trọng yếu”.
 Zuckerberg cho biết: “Tôi thực sự may mắn, với mỗi sáng thức dậy có thể giúp đỡ hàng tỷ người. Nếu như đem tinh lực lãng phí vào những việc không cần thiết, tôi sẽ cảm thấy bản thân mình không làm việc”.
Mark Zuckerberg là người trẻ nhất toàn thế giới gây dựng công ty bạc tỷ, không lái siêu xe, nhưng lời nói của anh lại rất có sức nặng đối với thế hệ trẻ. Trong suy nghĩ của Zuckerberg, tiền không phải là vấn đề quan trọng nhất. Nguyện vọng đời này của anh là làm thế nào để biến những lý tưởng của mình thành hiện thực, để giúp đỡ được càng nhiều người hơn.
Nhìn vào cuộc sống bình dị của anh, chúng ta thật sự phải suy ngẫm lại về giá trị của sự giàu sang. Sự giàu có không phải thể hiện ở việc mình có bao nhiêu tiền, mà là ở chỗ mình có thể cho đi bao nhiêu, mình sử dụng nó vào mục đích gì.
Anh Zuckerberg không chỉ khiến con người nể phục khả năng làm giàu mà còn là tấm gương về sự giúp đỡ và cho đi.
SAN SAN
 (Ephata 742)

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Charles Feeney: Tỷ phú từ thiện 8 tỷ USD




Sinh ra tay trắng, cuối đời cũng muốn trắng tay

Charles Feeney: Tỷ phú từ thiện 8 tỷ USD: Sinh ra tay trắng, cuối đời cũng muốn trắng tay. - Tỷ phú Chuck Feeney là người đầu tiên ở Mỹ bỏ ra số tiền lớn là tài sản của mình để làm từ thiện . Ông chính thức rỗng túi, đi ở thuê vào tuổi ngoài 80, nhưng đã hoàn thành khát vọng "cho đi khi còn đang sống". (VietCatholic News 11-04-2017)
"James Bond" của giới từ thiện
Tỷ phú Charles F. Feeney (1931) là một người Mỹ gốc Ireland. Ông thường được gọi với cái tên thân mật Chuck Feeney, thời gian gần đây ông được giới truyền thông Mỹ đặt cho biệt danh "James Bond của giới từ thiện".
Vị tỷ phú Mỹ này nói thông thạo 2 tiếng Pháp và Nhật, là người xây lên đế chế các cửa hàng miễn thuế. Từ nhỏ, ông đã nghỉ ra đủ mọi cách để kiếm tiền như: gõ cửa từng nhà để bán thiệp Giáng sinh, dọn tuyết trên đường hay nhặt bóng trên sân golf.
Charles F. Feeney bắt đầu sự nghiệp kinh doanh cùng với bạn học cùng đại học từ đầu thập niên 1950: bán rượu không thuế cho thủy thủ Mỹ. Sau đó, ông bán xe hơi cho cho lính Mỹ và lập nên chuỗi cửa hàng miến thuế (DFS) ở các cửa khẩu, với doanh thu đạt 3 tỷ USD/năm.
Vào những năm 60, khi Nhật Bản tổ chức thế vận hội và dỡ bỏ hạn chế du lịch nước ngoài, Chuck Feeney đã chộp cơ hội này để thu tiền của khách du lịch Nhật. Ðó là những khoản tiết kiệm khổng lồ người Nhật bỏ ra mua sắm rượu, nước hoa, đồ trang sức miễn thuế,... tại các địa điểm nổi tiếng như Hawaii, Hong Kong, San Francisco, Saipan và Guam.
Mặc dù kiếm được rất nhiều tiền từ rất sớm, với tổng tài sản theo New York Times lên tới 8 tỷ USD, nhưng Chuck Feeney có cuộc sống riêng tư rất bình lặng và đơn giản, không xa hoa, không bao giờ thắt cà-vạt Hermes hay mang giày Gucci.
New York Times tiết lộ, trong nhiều năm ở New York, bữa trưa của ông không phải ở các nhà hàng sang trọng mà là ở khu nhà Irish Pavillion Tommy Makem trên phố East 57th - nơi ông ăn bánh mì kẹp thịt.
Feeney kín tiếng tới mức, mãi tới 1988, thế giới mới biết đến sự giàu có của ông. Khi đó, lần đầu tiên Forbes ước tính Feeney có khoảng 1.3 tỷ và xếp thứ 31 tại Mỹ. Tuy nhiên, tài sản thực của ông vẫn là một ẩn số, chỉ sau những lần làm từ thiện, thế giới mới biết được.
Công chúng còn kinh ngạc về cuộc sống giản dị và tiết kiệm tới mức tối đa. Ông keo kiệt với bản thân, gia đình nhưng hào phóng với người dưng. Ông ghét sự phung phí, không muốn con cái trở thành con nhà giàu hư hỏng và bắt chúng làm hầu bàn, bồi phòng khách sạn, thu ngân trong các kỳ nghỉ hè ngay từ khi còn nhỏ.
Sự hà khắc của Feeney không làm cho con cái khó chịu, thậm chí con gái đầu của Feeney còn cho rằng, cách làm của người cha đã giúp họ sống như những người bình thường khác, làm được việc đáng làm và vẫn có đủ tiền để chi tiêu cho cuộc sống.
Theo quan điểm của vị tỷ phú này, "bạn chỉ có thể mặc một chiếc quần vào cùng một thời điểm". Ông thích kiếm tiền nhưng không muốn sở hữu chúng, tiền quá nhiều cũng không thể đem ra tiêu xài hết. Một thời gian dài, ông sống trong căn hộ đi thuê và toàn bộ tài sản được dần hiến tặng cho các tổ chức từ thiện. Các con ông cũng phải tự lăn lộn kiếm sống khi đến tuổi trưởng thành. Feeney cho biết, đây chính là cách để ông giáo dục các con biết quý trọng giá trị của đồng tiền.
"Sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng phải trắng tay"
Suốt hơn 30 năm qua, Chuck Feeney đã đi khắp thế giới để làm từ thiện từ tài sản 8 tỷ USD của mình, tập trung và giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế,... tại Mỹ, Úc, Việt Nam, Nam Phi và Ireland.
Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies do ông sáng lập đã rót khoản tiền cuối cùng trị giá 7 triệu USD vào cuối 2016 cho Ðại học Cornell nhằm hỗ trợ sinh viên làm công tác dịch vụ cộng đồng. Chuck Feeney đã hoàn thành khát vọng "cho đi khi còn đang sống" và chính thức rỗng túi.
Trả lời trên tờ New York Times, ông Feeney cho biết: "Bạn luôn lo lắng khi phải quản lý quá nhiều tiền như thế, nhưng chúng tôi dường như đã làm việc đó khá tốt".
Tới đầu 2017, tổng giá trị tài sản còn lại của Feeney là hơn 2 triệu USD. Hiện ông và vợ (Helga) đang sống trong một căn hộ thuê ở San Francisco.
Tại Việt Nam, quỹ Atlantic bắt đầu rót tiền vào chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, tài trợ bắt đầu từ miền Trung như xây dựng trường Ðại học Ðà Nẵng.
Cho đến nay, 2 người còn gái của ông là: Diane Feeney và Juliette Feeney cũng tiếp tục theo gót cha làm từ thiện. Họ làm chủ tịch của một số tổ chức từ thiện của gia đình và cộng đồng.
Quỹ Atlantic Philanthropies của Feeney bắt đầu sứ mệnh "làm rỗng túi" từ năm 1982 với ước mơ muốn tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống của những người gặp khó khăn. Ông ước mơ mang lại hòa bình cho Bắc Ireland, hiện đại hóa hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam hay biến Roosevelt Island của New York trở thành một trung tâm công nghệ.
Tỷ phú Chuck Feeney đã quyên tặng tổng cộng 8 tỷ USD tài sản và giờ chỉ còn lại 2 triệu USD.
Cho đến nay, Feeney đã xây cả ngàn tòa nhà khắp châu lục, nhưng tên của ông không hề xuất hiện trong bất cứ công trình nào, từ trên các viên đá ốp tòa nhà hay trong các văn bản. Trong nhiều năm, quỹ Atlantic Philanthropies của Feeney yêu cầu những người được hưởng lợi không được công khai sự tham gia giúp đỡ của họ.
"James Bond" của giới từ thiện cho biết, ông làm từ thiện và quyên tặng hết tài sản rất đơn giản là bởi vì, "vải liệm không có túi", người chết ra đi không mang được gì. Con người "sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng phải trắng tay".
Khối tài sản lớn cuối cùng được Chuck Feeney quyên tặng vào cuối năm 2016. Ông Feeney giờ 86 tuổi và quỹ Atlantic Philanthropies theo kế hoạch sẽ đóng cửa vào năm 2020.
Giàu có không lộ diện, nhiều tiền không tiêu xài sang, làm từ thiện không cần ghi danh nhưng những việc làm của ông được cả thế giới biết đến. Hành động cao cả của Feeney là động lực cho nhiều người, là nguồn cảm hứng cho cả những người rất giàu có và nổi tiếng, cũng hay làm từ thiện như Bill Gates và Warren Buffett.

Hà Vinh

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Ngôi mộ trống của Chúa Giêsu




Chúng ta thử tưởng tượng tâm trạng của các môn đệ vào lúc sáng sớm ngày Chúa Phục sinh. Sau khi chứng kiến cuộc bố ráp bắt bớ, kết án và nhất là cái chết của Thầy Giêsu, họ lo cho sự an toàn bản thân nhiều hơn cả, hơn cả lo cho mạng Thầy. Họ như đoàn chiên phiêu dạt mỗi người một ngả, lẩn trốn và chỉ gặp nhau một cách kín đáo để dò la tin tức. Chưa kịp hoàn hồn, sáng sớm tinh mơ ngày thứ nhất trong tuần lại nghe tin ‘xác Thầy bị mất’. Nỗi lo nhiều hơn nỗi mừng, vì biết đâu người ta thủ tiêu xác Thầy và lại vu oan giáng họa cho các môn đệ, và rồi lại giết chóc và tàn sát.

Ông Phêrô và ông Gioan chạy ngay đến mộ cũng là một hành động liều lĩnh, vì có thể đây là cái bẫy các biệt phái và luật sĩ giăng ra để tóm gọn mẻ cá. Hai ông cùng vào mộ, nhìn thấy những vải liệm xác và giây băng được xếp gọn gàng. Họ ra về mà lòng vẫn nặng trĩu u buồn vì các ông chưa hiểu lời Kinh Thánh.

Tảng đá niêm phong ngôi mộ. Mộ người Do Thái được đục vào trong đá và có cửa đóng lại, nhưng ngôi mộ của Chúa Giêsu còn được niêm lại và cắt cử một đội quân canh giữ. Tảng đá đó niêm phong như chấm dứt mọi hy vọng. Ngày thứ sáu tử nạn, tình yêu thương và công lý dường như đã thất bại trước sự mưu mô và độc ác của con người. Ngày Chúa Phục sinh, cửa mồ đã mở toang như mở ra một chân trời mới: tình yêu chiến thắng hận thù, hiệu kỳ chiến thắng của Chúa dẫn đưa đoàn dân tiến vào vùng đất hứa. Biến cố Chúa phục sinh có một tầm mức quan trọng đặc biệt như vậy, nhưng cả 4 sách Tin Mừng và sách CVTĐ dường như chỉ thuật lại một cách vừa đủ để chúng ta tin. Mỗi lần Chúa hiện ra thì đều có một dàn bài chung: các chứng nhân không nhận ra Chúa ngay mà lầm tưởng với một ai đó hoặc một bóng ma, Chúa nói với họ ‘Thầy đây mà!’ và Chúa làm một cử chỉ quen thuộc nào đó, họ vui mừng vì nhận ra Chúa, Chúa ban cho họ sự bình an và Chúa thường trách họ kém lòng tin, và cuối cùng là Chúa biến mất một cách bất ngờ không có lời chào từ biệt. 

Mỗi lần Chúa hiện đến với các môn đệ, Chúa truyền dạy phải loan báo cho mọi người biết Tin Mừng Chúa Phục sinh có sức đem lại ơn cứu độ cho muôn người. trong sách CVTĐ có kể lại chuyện các vị thủ lãnh Do Thái, các kỳ mục và các kinh sư truyền cho hai ông Phêrô và Gioan không được tiếp tục rao truyền danh Đức Giêsu trong dân nữa, nhưng hai vị trả lời rằng ‘chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa, chúng tôi không thể không nói ra điều mắt đã từng thấy và tai đã từng nghe’. Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên đôi bàn tay cho Chúa Phục sinh hành động trong thế giới nầy, nhưng với điều kiện ‘tâm’ chúng ta phải có Ngài hiện diện. Nhiều người mang bộ mặt của bà Maria Magdala khi đến mồ: quá thất vọng vì định chế chính trị và hoàn cảnh xã hội hiện tại, vì bệnh tật, vì tình người đen tối, vì chiến tranh loạn lạc. 

Sống trong thời đại thông tin, tin tức ta nghe mỗi ngày giống như tảng đã niêm phong cuộc sống ta trong sự bi quan về cuộc sống. Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn luôn hiện diện và hành động trong thế giới nầy. Ngài hẹn gặp ta ở Galilêa (cách Giêrusalem khoảng 150 cây số), nghĩa là trên khắp nẻo đường dương thế: Ngài hiện diện nơi mỗi người anh em ta gặp mỗi ngày, hãy cư xử tử tế với họ, hãy yêu thương hơn là hận thù, hãy giúp đỡ họ hơn là bỏ mặc, hãy trao cho nhau nụ cười và sự bình an.

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Niềm vui Chúa Phục Sinh





Chúa Giêsu đã phục sinh. Đó là niềm vui lớn của toàn thể nhân loại và đó là cốt lõi của niềm tin Kitô giáo: nếu Chúa không phục sinh thì đạo lý Chúa dạy chỉ là một mớ lý thuyết dạy về đời sống luân lý, cả cuộc đời và ngay cả cái chết của Chúa cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Nhưng Chúa đã sống lại, Alleluiah!
Ta tự hỏi: Biến cố phục sinh rất huy hoàng và hoành tráng, vậy tại sao Chúa không cho nó diễn ra trước mặt nhiều nhân chứng, mà lại ẩn mình và khiến nhân loại đoán già đoán non? Cả 4 sách Tin Mừng đều diễn tả quang cảnh Chúa Phục sinh rất mơ hồ: không còn lính canh, cửa mộ mở toang, có hai thiên thần mặc áo trắng nói với các phụ nữ đến thăm mộ rằng Chúa đã sống lại, và chỉ có Tin Mừng Matthêu và Gioan là có nói đến việc Chúa Giêsu hiện ra với các bà. Ai đó đã từng nói: “rất khó để chứng minh rằng Chúa đã phục sinh, nhưng để chứng minh rằng Chúa không phục sinh lại còn khó hơn”. Quả vậy, nếu Chúa không phục sinh thì làm sao có mộ trống, làm sao có Giáo hội sơ khai, và làm sao có một Thánh Phaolô?- Ngôi mộ của Chúa Giêsu có một đội canh cẩn mật và có cảnh báo trước về việc trộm xác, thêm vào đó các môn đệ là những người quê mùa và đã mất hết tinh thần thì làm sao có thể hành động một cách anh hùng và hoàn hảo đến độ không để lại vết tích được. Còn về Giáo hội sơ khai, ta chỉ cần nêu lên hai sự kiện: sự kiện thứ nhất là ngày lễ Ngũ Tuần các môn đệ đã mở tung cửa để loan báo cho toàn dân tụ họp về Đức Giêsu bằng nhiều ngôn ngữ; sự kiện thứ hai là ông Phêrô bị bắt giam trong ngục có 4 tốp lính canh vậy mà đã thoát ra ngoài an toàn và các lính canh đều không hay biết (TĐCV 12,1-19). Còn sự đổi đời của ông Phaolô thì không ai có thể cắt nghĩa được lý do tại sao ông đang là một người hăng say đi bắt các Kitô hữu mà bây giờ lại hăng say nói về Chúa Giêsu, ông coi mọi sự là rơm rác trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô.

Dựa vào Tin Mừng Thánh Gioan, ta có thể tìm được một bằng chứng chắc chắn về biến cố Chúa Sống lại: Kinh Thánh. Ông Phêrô và ông Gioan chạy đến mồ để xem sự việc xảy ra thế nào, họ đã thấy ngôi mộ trống, thấy khăn liệm được xếp gọn gàng nhưng các ông chưa hiểu lời Kinh Thánh là Ngài phải sống lại từ cõi chết. Các sách Tin Mừng cho ta biết nhiều chi tiết trong cuộc đời Chúa Giêsu đã ứng nghiệm về lời nói và biểu tượng được ghi lại trong các sách Cựu Ước; và nhất là trong Tuần Thánh, chúng ta được nghe những lời tiên tri Isaia và Giêrêmia nói về người Tôi Tớ Giavê chịu đau khổ vì tội lỗi con người, rất nhiều điều được ứng nghiệm nơi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Trong câu chuyện hai môn đệ trên đường Emau cũng vậy, khi người khách lạ trích dẫn lời Kinh Thánh để nói với các ông thì các lòng các ông đã bừng sáng lên vì đã hiểu được ĐỨC KITÔ PHẢI CHỊU KHỔ NẠN MỚI VÀO VINH QUANG.
 

Chúa đã Phục sinh, đó là một niềm vui lớn mà mỗi người được mời gọi làm chứng nhân theo cách của mình. Đừng để lòng mình ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng sự đời đến nỗi không cảm nhận được niềm vui và ý nghĩa của biến cố Chúa phục sinh. Đừng mải  tìm bằng chứng nơi ngôi mộ trống, vì Chúa không còn ở đó, nhưng Ngài hẹn gặp ta nơi Thánh Thể, nơi Lời Chúa và nơi tha nhân. Mỗi giây phút hãy chăm chú đến cách ta đối xử với anh em, sống sao cho trọn đức yêu thương, vì cuối cuộc đời này chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu.

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Thứ năm tuần thánh 2017




 (Giờ chầu Thánh Thể đã dọn sẵn, xin đưa lên đây cho ai có nhu cầu sử dụng).
1. Dẫn nhập( Quỳ)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, thứ năm tuần thánh được gọi là hôm trước ngày chịu nạn. Theo sự diễn tả của các sách Tin Mừng, thì buổi chiều hôm ấy năm xưa, Chúa đã lập bí Tích Thánh Thể làm của ăn của uống cho nhân loại, và với lệnh truyền phải tiếp tục cử hành bí tích nầy thì Chúa đã lập nên chức linh mục. Trong bữa ăn tiệc ly, Chúa đã có bài học rửa chân cho các môn đệ và ban truyền giới luật yêu thương. Sau đó, Chúa và các môn đệ đi ra núi cây dầu, ở đó Chúa đã cầu nguyện và bị bắt: cuộc thương khó bắt đầu.

Lạy Chúa, đêm hôm ấy, các môn đệ đã thiếp ngủ vì mỏi mệt, dù Thầy Giêsu lo buồn sầu não đến chảy mồ hôi cùng máu ra. Và đêm nay chúng con quyết cùng thức với Chúa một giờ để cầu nguyện và chiêm ngắm tình yêu bao la Chúa dành cho nhân loại và cho từng người chúng con. Xin Thánh Thần Chúa giúp chúng con được kết hiệp với Chúa, hiểu được những điều Chúa muốn nói, cho tâm hồn con trở nên dễ dạy và từ nay yêu Chúa hết tâm hồn.

2. Hát 1(Quỳ) Mình Máu Thánh (66)

3.Lời Chúa. (Đứng) 1Cor 11,23-26
Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Đó là Lời Chúa. Tạ ơn Chúa.

4. Suy niệm 1. (Ngồi) Chúa lập bí tích Thánh Thể.
Đoạn văn trên là bản văn cổ xưa nhất nói về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể. Chúng ta đã biết về cuộc đổi đời của Thánh Phaolô: khi ông Phaolô đang trên đường đi Damas để bách hại các Kitô hữu thì Chúa đã hiện ra với ông và cải hóa ông thành tông đồ. Sau khi chịu phép rửa, ông vào sa mạc và ở lại đó một thời gian và ông được Chúa trực tiếp mạc khải toàn bộ kho tàng đức tin, kể cả việc lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục. Sau thời gian đó, ông liền đi rao giảng Tin Mừng một cách xác tín rằng: Chúa Giêsu Nagiaret, đã chết và sống lại, là Đấng Cứu Thế mà các tiên tri đã nói từ ngàn xưa. Mãi 3 năm sau, ông Phaolô mới có dịp lên Giêrusalem gặp các tông đồ/ để đối chiếu nội dung đức tin với các ông.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần dâng Thánh Lễ, linh mục vẫn tuyên xưng : “Này là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Này là Máu Thầy, máu đổ ra để lập giao ước mới”. Đây là những lời quan trọng nhất của một Thánh lễ, được gọi là lời truyền phép, vì sau giây phút đó, Bánh và rượu được biến đổi bản thể, trở nên Thịt và Máu Chúa. Sau lời truyền phép, linh mục mời gọi:  “Đây là mầu nhiệm đức tin” và cộng đoàn thưa: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Chỉ qua một vài câu tuyên xưng vắn gọn thế thôi, nhưng ẩn chứa toàn bộ giáo lý về bí tích Thánh Thể, là một sáng kiến diệu kỳ Chúa để lại cho nhân loại. Qua bí tích nầy, Chúa ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế, Máu Thịt Chúa không những trở thành của ăn nuôi hồn mà còn là liều thuốc trường sinh, thuốc giải độc để khỏi phải chết.

Lạy Chúa Giêsu,  bí tích Thánh Thể được gọi là mầu nhiệm đức tin. Bởi vì, con mắt xác thịt chẳng thể nào nhìn thấy được gì, nhưng con mắt đức tin cho con biết rằng: việc thiết lập bí tích Thánh thể đã thực hiện trước dưới hình thức bí tích những biến cố sẽ được thực hiện sau đó ít lâu, từ khi Chúa hấp hối trong vườn cây dầu cho đến chiều thứ sáu tử nạn và giây phút phục sinh. Và mỗi lần Thánh lễ được cử hành là cộng đoàn được tham dự trực tiếp vào cuộc hiến tế của Chúa mình, được diễn ra một cách bí tích và không đổ máu.

Lạy Chúa Giêsu, con tri ân Chúa, vì Chúa đã nộp mình chịu chết vì yêu nhân loại chúng con. Chúa đã yêu chúng con đến cùng, có nghĩa là đến tột cùng của tình yêu, chẳng giữ lại gì cho mình. Qua việc lập bí tích Thánh Thể, Chúa cho chúng con tham dự vào hy tế cứu độ, hy tế nầy bảo đảm sự hiện diện thực sự của Chúa, trao ban ơn Thánh trực tiếp, là cơ hội chúng con được hiệp dâng của lễ chính mình, đảm bảo sự hiệp nhất trong một thân mình, là mầm sống trường sinh, và chính Thánh Thần Chúa hiện diện trong Thánh Thể sẽ ban cho chúng con sức mạnh cần thiết để chiến thắng sự dữ.

5. Hát. 2(Quỳ)Tình yêu Chúa (69 hát câu 2,3,4)

6. Đọc kinh cầu cho các linh mục, kinh giáo xứ.

7. Suy niệm 2. (Ngồi) Chúa chịu thương khó.
Linh mục Henri Nouwen, ngòi bút thiêng liêng nổi tiếng có chia sẻ về một lần cha đến bệnh viện thăm một người đang hấp hối vì bệnh ung thư.  Người này còn khá trẻ và là một người rất năng động, làm nhiều việc sinh hoa kết trái.  Ông là người cha chăm lo tốt cho gia đình mình.  Ông là giám đốc điều hành một công ty lớn chăm lo tốt cho cả công ty lẫn các nhân viên của mình.  Hơn nữa, ông còn đóng góp trong nhiều tổ chức khác, kể cả giáo xứ, và với năng lực lãnh đạo, ông thường là người phụ trách, người đứng đầu.  Nhưng bây giờ, con người một thời rất năng động, con người đã từng điều hành mọi sự, lại đang nằm trên giường bệnh chờ chết, không thể tự lo cho các nhu cầu căn bản tự nhiên của mình.
Về phần mình, cha Nouwen cố gắng giúp cho ông thấy mối liên kết giữa những gì ông đang trải qua với những gì Chúa Giêsu chịu trong cuộc thương khó, đặc biệt là ý nghĩa của thời gian bất lực, yếu đuối, và bị động này.
Thương khó (Passion) có gốc La Tinh là passio, nghĩa là bị động, và đây chính là ý nghĩa thực sự.  Từ bệnh nhân (patient) cũng từ gốc này mà ra.  Do đó, trình thuật Thương khó mô tả lại sự bị động của Chúa Giêsu, mô tả việc Ngài trở nên một “bệnh nhân.”  Ngài trao ban cái chết của mình cho chúng ta qua sự bị động của Ngài, cũng như trước kia Ngài trao ban đời sống cho chúng ta qua sự chủ động của Ngài.
Một nhà tu đức đã dạy rằng: Bạn đừng tự hỏi rằng Chúa Giêsu đã làm gì để yêu ta, nhưng hãy biết rằng Chúa rất yêu ta khi chịu khó.

Lạy Chúa Giêsu, đã bao mùa thương khó qua đi trong cuộc đời, nên con cũng hiểu được rằng: Chúa chẳng phạm tội gì, nhưng đã gánh lấy tội trần gian và đã vui lòng chịu chết để chuộc tội thiên hạ. Nhờ cái chết và phục sinh của Chúa, mỗi người chúng con được phúc trở thành con một Cha trên trời. Chúng con tôn vinh Chúa là Cứu Chúa và là anh cả của một đoàn anh em đông đúc, là Đầu của thân mình Giáo hội. Thế nhưng, chúng con cũng biết rằng Chúa là con rắn đồng được treo lên làm dấu, để ai nhìn lên thì được cứu khỏi chết. Có nghĩa là : dù ơn cứu chuộc đã đổ xuống tràn trề trên dương gian, nhưng chỉ những ai tin vào Chúa, biến đổi đời mình theo lời dạy của Chúa, lãnh nhận ơn thánh từ Chúa thì mới được cứu độ, vì Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Xin cho mỗi người chúng con biết chạy đến với Chúa, nhất là trong việc cử hành Thánh Thể, để lãnh nhận muôn ơn lành cần thiết cho cuộc hành trình tiến về quê trời. Và xin  cho chúng con biết chết đi với tính xác thịt qua từng ngày sống để sẽ được phục sinh với Chúa.

8.Hát. 3(Đứng)Con đường Chúa đã đi qua (62)

9. Suy niệm 3. (Ngồi) “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.
Đây được gọi là giới răn mới của Chúa. Thuở sơ khai của Giáo Hội, người ngoại nhìn lối sống của cộng đoàn Giêrusalem và thốt lên: “Kìa xem họ yêu thương nhau biết dường nào!” Lối sống của cộng đoàn sơ khai đã trở nên mẫu mực cho các cộng đoàn Kitô hữu của mọi thời: chuyên cần nghe các tông đồ giảng, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, đồng tâm nhất trí, chia sẻ cơm bánh để không ai bị thiếu thốn”. Ở Việt Nam, thuở sơ khai của đạo Công Giáo, người ngoại gọi đạo chúng ta là đạo ‘yêu nhau’. Thế nhưng một Giám Mục phân tích rằng: sở dĩ công cuộc truyền giáo của chúng ta bị khựng lại, chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn 6,5% là vì chúng ta không lưu tâm đến người nghèo. Chúng ta thường đổ lỗi cho xã hội gây khó dễ trong việc đào tạo linh mục và xây dựng các công trình sinh hoạt tôn giáo, không cho các tổ chức tôn giáo tham gia giáo dục và y tế, cản trở làm từ thiện… Điều đó chỉ đúng một phần, nhưng ngày nay những chuyện đó đã dễ dàng hơn xưa, vậy mà chúng ta có truyền đạo được không? Có người lại phản bác: đừng dùng những con số thống kê để nói về mầu nhiệm Giáo hội, vì Chúa có cách. Điều nầy cũng có phần đúng, nhưng phải nhìn một thực tế rằng: nhiều người công giáo có đạo mà không hành đạo; nặng phần xây dựng và lễ lạc mà ít dấn thân, vì ngại mất giờ và tốn kém;  nhiều gia đình Kitô hữu không sống hòa thuận, người có đạo không sống công bình - bác ái, không sống cho tử tế và thật thà. Chúa đòi chúng ta phải cộng tác thì nước Chúa mới hiển trị được, và chính những Kitô hữu không hành đạo đã tạo nên vật cản cho người khác tìm được chân lý.

Lạy Chúa Giêsu, cái mới của đạo Chúa là yêu nhau như Chúa đã làm gương: yêu cho đến tận cùng, yêu cho đến hiến mạng vì bạn hữu, yêu là cúi xuống mà rửa chân cho bề dưới, yêu là tha thứ cho kẻ làm hại và giết chết mình. Chúa đã từng dạy: Phúc cho kẻ sống nghèo, kẻ hiền lành, kẻ sống trong sạch, kẻ biết xót thương, kẻ tác tạo hòa bình, kẻ bị bách hại vì lẽ công chính, kẻ khao khát nên công chính.
Chúa cũng dạy rằng phải tha thứ cho kẻ làm hại mình, làm hòa với kẻ ghét mình, cho vay mà không mong được trả lại, làm tiệc thì mời những kẻ đui què để họ không đáp trả được.
Và Chúa cũng dạy rằng khi đến trình diện Chúa, chúng con sẽ bị xét xử về tình yêu, về những gì đã làm cho người khác, chúng con ‘là gì’ với anh em chứ không phải ‘có gì’ và ‘làm được công trạng gì’.
Lạy Chúa, những giáo huấn của Chúa thật rõ ràng, ai trong chúng con đều hiểu và thuộc lòng hết, nhưng thật khó để thực hành, vì chúng con quá bám víu và coi trọng vật chất cũng như những giá trị mà người đời coi trọng. Điều đó chắc chắn đã làm buồn lòng Chúa và là những vết đinh đóng vào xác thịt Chúa.
Xin ơn Thánh Chúa biến đổi lòng con để trở nên giống Chúa hơn mỗi ngày, nhất là trong đức hiền lành, khiêm nhường, tha thứ và hiến thân như Chúa đã làm gương.

10. Hát: (Đứng) Người ta cứ dấu nầy.


11. Lời nguyện giáo dân
- Chúa đã lập  bí tích Thánh Thể để ở lại một cách cụ thể với nhân loại, thánh hóa họ dần dần từ trong tâm hồn, và là liều thuốc giải độc để họ khỏi chết muôn đời. Xin cho các Kitô hữu biết tôn kính Chúa Giêsu ngự trong phép Thánh Thể, biết dọn mình cho xứng đáng lãnh nhận Chúa vào lòng và biết chạy đến với Chúa để được bổ sức cho tâm hồn.
- Qua lệnh truyền phải tiếp tục cử hành bí tích Thánh Thể cho tới khi Chúa đến lần thứ hai, Chúa đã lập bí tích truyền chức thánh, là các linh mục. Xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều vị mục tử nhân lành như Chúa muốn, xin cho chúng con biết yêu thương và cộng tác với các linh mục trong những chương trình mục vụ để xây dựng giáo xứ.
-Vì tội lỗi loài người quá nặng nề, Con Thiên Chúa đã mang tội nhân loại vào thân thể mà đưa lên thập giá. Xin cho từng người chúng con biết từ bỏ nếp sống cũ nghiêng chiều về những đam mê xác thịt, mà mặc lấy con người mới được tái sinh trong Chúa Kitô.
-Bài ca đức mến của Thánh Phaolô nói với ta rằng: đức mến là điều quan trọng nhất ta phải theo đuổi trên trần gian và chỉ có đức mến có giá trị khi ta đến trình diện Chúa. Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết sống công bình bác ái với anh chị em mình, biết tôn trọng môi trường sống của nhau và giúp nhau thực thi lối sống hợp với Tin Mừng.
Lạy Cha chúng con ở trên trời.

12. (Ngồi)Lần hạt năm sự thương.

Hát 4: con dâng linh hồn trong tay Chúa. Kết thúc.


Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

CHIẾC BỊ





[Một thi sĩ Pháp đã tả lại cuộc từ bỏ để đi theo Chúa qua một bài thơ dí dỏm mang tựa đề: “Chiếc bị” (La besace).  Thi sĩ coi Chúa như một người bạn và tâm sự rằng.

“Hôm ấy, tôi đang mê mải bóp trán nặn vần thơ thì tôi nghe tiếng Bạn mời.  Tôi vội vã đi theo.
Tôi bỏ vào trong chiếc bị một sống tiêu bằng trúc, nhiều áo quần và cả một tập thơ, một album kỷ niệm thân thương, với nhiều kỷ vật quý giá.
Tôi cùng Bạn lên đường khi mặt trời vừa hé.
Bạn đi trước, tay không nhẹ nhõm,
Tôi theo sau với chiếc bị nặng trĩu trên vai.
Chân kéo lê trên một quãng đường dài.
Một ngày đã trôi qua trên cánh đồng gió thoảng.
Mỏi vai, tôi xin dừng lại giữa đường.
Mở bị ra tôi quăng bớt áo quần, rồi cùng Bạn tôi rảo bước.
Vẫn tay không, Bạn nhẹ nhàng đi trước,
Tôi đi sau mồ hôi đẫm áo ngoài.
Sắp lên cầu để vượt khỏi dòng sông,
Tôi quăng đi tập thơ và sáo trúc, rồi cùng Bạn đi tiếp tục.
Đường lên cao dốc giác và uốn khúc quanh co.
Ôi cánh tay mỏi rã rời, tôi nài xin Bạn cho tôi dừng nghỉ một chút để tìm lại tấm hình mẹ tôi, người tôi yêu dấu nhất đời, chụp vào ngày hôn lễ với cha tôi.
Nhưng tấm hình không còn nữa, nó đã bay mất.
Tôi bỗng buông xuôi, mắt tôi tối tăm lại giữa mặt trời đúng ngọ.
Rồi đêm về khi trăng vừa mới ló trên những giọt sương rơi,
Tôi quăng luôn cả chiếc bị trên đường.
Nắm tay Bạn nhanh chân tôi đi tiếp.
Nhưng bỗng nhiên Bạn bảo tôi ngừng bước.
Dưới vòm trời trong suốt ánh trăng,
Bạn cười tươi nhè nhẹ vỗ vai tôi và nói: Hãy dừng chân vì chúng ta đã đến nơi rồi.”

Anh chị em thân mến,
Muốn theo Chúa Giêsu đến cùng, phải ra đi tay không, phải bỏ lại đằng sau cả hành trang, kỷ vật và người thân.  Khi đã mất hết, chỉ còn lại một mình Ngài, cuộc hành trình sẽ kết thúc êm đẹp]. (Trích lang thang chiều tím).

Đã sinh ra trên đời, tự nhiên con người mang ơn nhiều người vì được thừa hưởng những đóng góp của biết bao người về vật chất cũng như tinh thần để cuộc sống mình được thoải mái. Do đó, phải có sự liên đới và biết ơn, vì không ai là một hòn đảo.

Tuy sống kiếp lữ hành, con người thường bám víu về nhiều thứ. Muốn biết mình dính bén với điều gì, thì chỉ cần xét lại xem trong một ngày sống mình thường nghĩ và nói về chuyện gì nhiều nhất, đêm thì mơ gì, và thường sợ gì. Sự thường ta hay nói về cái tôi: niềm hãnh diện, những xung đột, những kế hoạch, những phê bình ai đó, chuyện tục tĩu, khoe khoang về một điều gì đó. Tin Mừng đòi buộc chúng ta phải xây dựng xã hội trần thế, phải sửa lỗi anh em, nhưng phải làm trong tinh thần khiêm tốn và bác ái. Phải tránh sự cứng cỏi quá mức cần thiết và phạm tội nói xấu nhau.

Qua bài thơ trên, cuộc hành trình chỉ đến đích khi ta từ bỏ hết tất cả, có những vật ta tự vất đi và có những vật đã tự rơi mất trong cuộc hành trình. Ngoài những điều ta chủ động từ bỏ để sống theo Tin Mừng, Thiên Chúa vẫn cho phép những sự không may xảy đến mỗi ngày để giúp ta từ bỏ dần những thứ không cần thiết và khi giờ chết đến, ta tiến đến trình diện Chúa với hai bàn tay buông bỏ tất cả: sức khỏe, danh vọng, của cải, người thân, niềm tự hào, những đóng góp...

Trong một tuần sống, ta cầu nguyện cho nhiều người thân và quen biết vừa từ biệt cõi trần, bỗng dưng ta phải nghĩ lại đời mình: buông bỏ bớt đi mỗi ngày để nhẹ nhàng theo Chúa Giêsu. Hãy biết rằng ‘con người sinh ra là để chết’, nhưng là cái chết dẫn vào sự sống (Dead-living), vì Đức Kitô đã chết và sống lại là để cho loài người được thông phần sự sống vĩnh cửu.