Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Nếu Chúa muốn …





Cầu nguyện là nhu cầu thiết yếu của đời sống tâm linh. Đức Phanxico nói với chúng ta: Đừng sợ cầu nguyện với Thiên Chúa, vì đó là cuộc nói chuyện với một người bạn. Cầu nguyện có nhiều dáng vẻ: tạ ơn và ca tụng, phó thác và tin tưởng, sám hối và cầu xin. Ở đây, người viết chỉ muốn nói đôi điều về việc cầu xin.

Mang thân phận thụ tạo, con người cần phải xin ơn trợ giúp, vì mình yếu đuối và khả năng có giới hạn. Trong niềm tin tưởng rằng Chúa có khả năng hành động trong mọi lãnh vực trên đời, nhưng ta phải cầu xin thì Chúa mới hành động được, vì Chúa tôn trọng tự do con người. Hằng ngày, ta vẫn thường cầu xin cho con cái biết mau mắn đáp lại tiếng mời gọi của Chúa trong đời mình, cho gia đình mình được may lành hạnh phúc, cho người thân được gặp thầy gặp thuốc, cho người đời bớt gian tham ích kỷ… đó là những lời cầu xin tốt, là ‘điểm tựa’ cần thiết để Chúa bẩy thế giới nầy lên tầm cao của tình yêu. (Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên, Acsimet)

Qua gương cầu nguyện của ông Moisen, Đức Phanxicô nói về cầu nguyện: Đừng nghĩ rằng cầu nguyện là tìm những lời năn nỉ khéo léo làm Chúa mủi lòng và thay đổi ý kiến. Thiên Chúa không thay đổi mà chính lòng ta thay đổi sau khi cầu nguyện. Ông Moisen, vì sợ Chúa phạt dân, đã thân thưa với Chúa về những việc lớn lao Chúa đã thực hiện cho các tổ phụ, Chúa luôn trung thành với lời đã hứa, Chúa thực hiện muôn kỳ công khi đưa dân ra khỏi Aicập, và chắc chắn Chúa sẽ không để cho dân ngoại cười nhạo vì bỏ rơi dân riêng phải chết nơi hoang địa… Cầu nguyện xong, Ông Moisen xuống núi, không phải Chúa mà là chính ông đã thay đổi: gương mặt ông sáng ngời, tràn đầy tin tưởng vào lòng từ nhân của Chúa.

Khi gặp một người xử tệ với ta, hãy cầu nguyện cho họ được quảng đại, và đó là điều cần để Chúa sẽ hành động theo cách Ngài muốn. Khi người anh em gặp hoạn nạn, ta xin cho họ được cảm nghiệm tình thương Chúa trong đời mình và Chúa sẽ có cách: “Cha anh em biết rõ anh em cần gì”. Câu trả lời của ba trẻ bị ném vào lò lửa với nhà vua Ba Tư đáng cho ta suy nghĩ: “Nếu Chúa muốn, Ngài sẽ cứu chúng tôi, còn nếu Chúa không muốn thì chúng tôi cũng không thờ phượng những thần của nhà vua đâu!”. Hãy để cho Thiên Chúa tự do hành động: cách thế và thời gian. Khi nghe tôi nói đến việc cầu nguyện cho một người lương dân được biết sống quảng đại hơn, có anh bạn kia tủm tỉm cười, vì nghĩ rằng người lương dân kia có tin Chúa đâu và Chúa chẳng làm gì được họ. Không phải thế, Chúa là Chúa của mọi người, Chúa làm được mọi sự nếu ta trao phó tự do của ta cho Ngài, và khi cầu nguyện là lúc ta trao cho Ngài sự tự do đó.

Khi gánh nặng chất trên vai ta, ta thường xin Chúa cất bớt gánh nặng đi, nhưng sự thường Thiên Chúa lại thêm sức cho ta vác gánh nặng đó, vì đó là điều cần thiết để niềm tin ta được lớn lên. Con người thường cầu xin cho những nhu cầu vật chất và muốn thấy hiệu quả ngay tức khắc, nhưng Thiên Chúa lại thường ban cho con người những thứ tốt hơn nhiều, dù Ngài có trễ hẹn và không ban điều lòng ta mong ước… thì muôn đời Chúa vẫn trọn tình thương với mọi kẻ tin tưởng nơi Ngài. Thiên Chúa là Đấng quyền năng và không bao giờ bỏ rơi đứa con mình đã sinh ra trên đời: Nếu Chúa muốn, mọi sự đều có thể!

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Giuđa Iscariot, con người của định mệnh?




Bước vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, nhân vật được mệnh danh là ‘kẻ phản bội’ nhiều lần được nhắc đến trong các sách Tin Mừng. Ở đây không nhắc đến thân phận và động cơ nộp Thầy của ông ta mà chỉ muốn nói đến một lý luận của nhiều người: ông Giuđa là người được tiền định, là mắt xích quan trọng để cuộc thương khó của Chúa được diễn ra, tội của ông được ca tụng là ‘tội hồng phúc’ vì nhờ đó mà hiến tế thập giá của Con Thiên Chúa được diễn ra tốt đẹp.

Để mở đầu, tôi xin kể lại một bài giảng của một linh mục trong lễ tang của một bà cụ chết ở tuổi 94: “Trong thiệp tang, người ta thường ghi ‘được Chúa gọi về lúc…giờ, ngày… tháng… năm…. Hưởng thọ … tuổi’. Nếu hiểu được Chúa gọi về cách chung chung thì được, vì mọi vật đều trở về bụi đất sau một thời gian tồn tại trên dương thế. Nhưng nếu hiểu một cách cụ thể là đến giờ nọ tháng kia, Chúa mở sổ ra và gạch đúng tên ai thì người đó chết, thì không được đúng lắm. Bà cụ chết ở tuổi 94, vì với ‘gen’ di truyền của bà, với cách giữ gìn sức khỏe và cách sống của bà, hôm nay bà ra đi theo quy luật sinh tồn tự nhiên và là lúc bà trở về bên Chúa.

Cũng một cách tương tự, Thiên Chúa có kế hoạch cứu chuộc nhân trần tội lỗi. Ngài đã chuẩn bị cho kế hoạch nầy cả hàng nghìn năm, và đến thời đến buổi thì Con Thiên Chúa đã xuống trần, chết và phục sinh để chuộc tội cho thiên hạ. Để thực hiện kế hoạch cứu độ, Thiên Chúa mời gọi sự cộng tác của nhiều người, cụ thể là Đức Maria và Thánh Giuse, các tông đồ và các phụ nữ theo giúp Ngài. Con người được mời gọi cộng tác, nhưng họ vẫn còn tự do ưng thuận hoặc chối từ, họ vẫn có công trạng hay mang tội lỗi, dù họ ở mắt xích nào trong chuỗi chương trình đó. Về ông Giuđa Iscariot, Chúa đã nói rõ ràng: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24). Như vậy, giả sử không có nhân vật Giuđa, thì cuộc thương khó vẫn diễn ra, tuy tình tiết có thay đổi. Điều huyền diệu là nội dung Thánh Kinh được Chúa mạc khải cho các tác giả nhân loại, nên có nhiều tình tiết được nói trước cả ngàn năm mà vẫn nên trọn nơi Đức Giêsu: về nơi sinh, quê quán, 4 bài ca về người tôi tớ Giave, bị bán với giá 30đ, không một xương nào bị gãy, bị đâm thâu…  Vì Thiên Chúa nhìn thấu tận tâm can con người, nhìn thấy cả tương lai phía trước, nhưng dù có trông thấy sự phản bội của ông Giuđa thì Ngài vẫn không thể can thiệp vì tôn trọng tự do của con người.

Trong bài ca Exsultet, tội Ađam được ca tụng là tội hồng phúc, vì đã ban cho ta Đấng Cứu Đời. Thực ra, tội Ađam mang lại thảm họa cho nhân loại, nhưng ở đây muốn nói lên công trình tạo dựng mới do Chúa Kitô mang lại quá tuyệt diệu hơn công trình tạo dựng ban đầu: nhờ có tội Ađam mà Thiên Chúa có cơ hội tỏ ra cho con người biết tình yêu vô biên của Ngài. Như vậy, thực chất tội Ađam hay tội Giuđa Iscariot đều là tội vùi dập con người xuống bùn đen, điều hồng phúc là hồng ân cứu độ mà Chúa đã ban cho ta cách nhưng không và đầy tràn chan chứa, đến nỗi con người cảm tạ đến muôn đời cũng không cân xứng.

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Tự do và nô lệ




Trong Tin Mừng Gioan, có nhiều chủ đề mang tính đối nghịch nhau hòng nêu bật lên ý nghĩa thần học một cách sâu sắc. Chúng ta có thể kể đến một ít câu chuyện đó: Người đi xin nước uống trở thành Đấng ban phát nguồn sống, người mù tìm được chân lý trong lúc những người thông thái lại mù tịt về nó, người tự do lại đang làm nô lệ cho tội mà không biết.
Thánh Augustinô nói: Nếu bị trói buộc bởi một thể chế hay một tổ chức thì ta còn có thể trốn đi hoặc tị nạn, nhưng khi làm nô lệ cho những đam mê và thói xấu thì không thể tránh được, vì nó ở ngay trong lòng ta. Chúa Giê su nói với ta: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi thì các ông thật là môn đệ tôi, các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32).

Nhiều khi chúng ta bị trói buộc bởi niềm tự hào rằng mình là người công chính và là người có đạo mà quên mất lòng nhân hậu của Thiên Chúa và không còn khao khát tìm kiếm chân lý. Chúng ta tự hào về những thành công và tài năng đức độ của mình đến nỗi luôn khoe khoang về mình và nuôi lòng thù ghét những kẻ dám coi thường ta. Lòng tự hào còn chi phối cả động lực sống của ta: “người ta sống để làm gì?”, đôi khi ta nỗ lực làm việc là vì khao khát lời khen của mọi người chớ không phải vì tìm kiếm những của ăn không hư nát, và cuộc đời ta trở nên kém giá trị.
Đã sinh ra đời là phải làm việc để có cơm ăn áo mặc, nhưng đừng để lao động như một gánh nặng trói buộc lên lưng con người. Tôi có đọc đâu đó câu chuyện kể về một người được sinh ra ở Hà Nội, bố anh ta sở hữu một căn hộ với một phòng duy nhất. Anh ước mơ làm giàu để thay đổi cuộc sống. Anh lấy vợ và cả hai có điều kiện để làm việc ở Bulgari. Hai người sinh được hai người con và người vợ chia tay với anh vì muốn trở về, trong lúc anh và hai con còn muốn ở lại nước ngoài. Sau nầy anh cũng trở về, lo dựng vợ gả chồng cho con cái và với số tiền dành dụm, anh đã mua được một căn hộ với hai phòng. Anh ta tự hỏi: cuộc đời chỉ có vậy thôi sao?. Dù ở nhà quê hay thành phố, dù ở Mỹ hay ở Việt Nam, ai cũng quần quật làm việc và lo toan đủ thứ. Lúc trẻ nhiều lo lắng đã đành, mà lúc về già còn có nhiều điều phải lo hơn nữa, lo cả trong giấc ngủ.
Bởi vậy, hãy lặp lại câu đầu tiên của sách giáo lý Địa Phận Vinh:
-                                 Hỏi: Người ta sống ở đời để làm gì?
-                                 Thưa: Người ta sống ở đời để nhận biết, yêu mến và thờ phượng Đức Chúa Trời ở đời nầy để ngày sau được hưởng hạnh phúc với Ngài trên thiên đàng.
Biết được như vậy để chúng ta xếp thời giờ mà lo lắng cho phần rỗi linh hồn, củng cố mối kết hiệp với Chúa Giêsu như là nguồn sống và nguồn hạnh phúc duy nhất của mình. Nhờ vậy, chúng ta trút bỏ gánh nặng cuộc đời cho Chúa định liệu, vì Người lo lắng đến từng người chúng ta.
Đức Bênêdictô XVI nói về tình trạng ‘ngu dốt về giáo lý’ của nhiều người có đạo. Đức Phanxicô nói với chúng ta về tình trạng nhiều người được chỉ đến nhà thờ lúc rửa tội, hôn phối và lúc chết mà không thường xuyên kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và không mệt mỏi để tha thứ. Bạn không tin sự ngu dốt giáo lý của con em chúng ta ư?, cứ thử thì biết. Dịp lễ Thánh Giuse vừa rồi, có đứa trẻ đã học xong lớp căn bản 3 (Giáo lý phổ thông của Lm. Võ Tá Khánh) hỏi tôi: “Đức Chúa Trời ngôi thứ nhất tên là gì, có phải là Giuse không, vì có đứa nói với nó như vậy và sách giáo lý chẳng có chỗ nào dạy cho nó biết điều đó. Quá ngỡ ngàng, tôi tự hỏi: sách, người dạy hay người học đã dẫn đến sự ngu dốt nầy. Nếu bạn không tin thì cứ hỏi một em khoảng 15 tuổi: “Năm phụng vụ được bố trí như thế nào?” chắc là cũng ít em trả lời được, dù những điều nầy đã được học từ lâu rồi.

Năm gia đình, một lần nữa chúng ta hãy quyết tâm đọc kinh chung để giáo dục đức tin cho con cái. Nhờ những giờ kinh gia đình, con cái hiểu thêm về Lời Chúa, biết cách lần hạt, thuộc một ít kinh tối thiểu và có những giây phút tiếp xúc với Chúa. Thánh Phaolô nói với chúng ta một nguyên tắc để sống thánh là ‘thống nhất đời sống’: dù ăn, dù uống hay làm việc gì, hãy làm vì lòng yêu mến Chúa và kết hiệp với Chúa. Chính khi làm mọi việc vì tình yêu Đức Kitô, chúng ta được giải thoát khỏi gánh nặng cuộc đời, và chính Lời Đức Kitô sẽ giải thoát ta khỏi sự nô lệ cho các sự vật đời nầy.