Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Hành trình đức tin






Tuy sống bên cạnh nhau trong cùng một cộng đoàn, nhưng hành trình đức tin của mỗi người không ai giống ai về độ khó, độ dài và về kết quả. Bởi đó mà chúng ta cần dùng những lời lẽ tích cực mà an ủi nhau, nhất là khi tha nhân đang trải qua giai đoạn khốn khó vì bệnh tật hay bị thử thách niềm tin. Một trong những lời khuyên rất cần thiết cho cuộc sống: “Hãy nhìn thấy khía cạnh tích cực trong mọi điều xảy ra”. Quả vậy, con người thường hay đau khổ vì trí tưởng tượng của mình và vì thói quen so sánh mình với người khác.

Khi một người bị phát hiện là có khối u (cancer) trong cơ thể mình, những người thân và chính bản thân họ thường choáng váng vì tin sét đánh này: tương lai gia đình sẽ ra sao? Tại sao mình phải chịu sự xui xẻo nầy, đây phải chăng là một sự trừng phạt? Rất nhiều người đến để chia sẻ gánh nặng mà gia đình bệnh nhân đang và sẽ trải qua, họ nói những lời động viên và thông cảm, sự hiệp thông và chung sức trong lời nguyện cầu. Những ngày đầu tiên trôi qua thì mọi người sẽ bình tĩnh đón nhận sự kiện hơn. Họ dần khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong cơn hoạn nạn.
Có thể nói việc ‘Thiên Chúa chăm sóc và lo liệu cho con người đến mức độ nào’ là một trong những vấn đề khó lý giải. Người không có niềm tin thì cho rằng mọi sự đều là tự nhiên, chẳng có một Đấng nào tạo dựng và đang điều hành vũ trụ nầy cả. Con người bệnh hoặc chết là do hậu quả của việc giữ gìn sức khỏe hoặc do đoản mệnh mà thôi. Thế nhưng, người có niềm tin thì vẫn nhớ Lời Chúa nói: “Mọi sợi tóc trên đầu các con đều được đếm cả rồi và không có sợi nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết. Đừng lo lắng về của ăn áo mặc, vì Cha anh em biết rõ anh em cần gì. Không ai trong các con, nhờ lo lắng mà có thể kéo dài thêm đời mình, dù chỉ một gang tấc. Tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn mọi sự khác Người sẽ ban cho anh em”(Mt 6,25-34)
Quả thật, khi đến thăm người bệnh, chúng ta phải lựa lời mà nói để tránh những kiểu nói không phù hợp với niềm tin. Đừng xem bệnh tật là một hình phạt của Chúa để ta đền tội, vì như vậy Chúa là Đấng hay trả thù. Đừng xem bệnh tật là thánh giá Chúa gửi, vì như vậy ta dễ nhận xét Chúa là một vị thần độc ác. Đừng xem bệnh tật là sự xui xẻo của vận hạn mà mình không biết để kiêng cữ, vì quan niệm nầy sẽ dẫn ta đến thói quen đi xem bói toán. Sách GLHTCG nói với chúng ta rằng: Không thể dùng một câu Kinh Thánh đơn thuần để trả lời cho vấn nạn tại sao có đau khổ mà phải dùng đến toàn bộ pho Kinh Thánh và phải xin ơn soi sáng. Bao lâu còn ở trần gian, con người chỉ có thể hiểu một phần nào đó về đau khổ, mọi sự sẽ được phơi bày khi con người bước qua ngưỡng cửa sự chết. Sách Giáo lý còn dạy thêm rằng: đau khổ và bệnh tật là hậu quả của tội lỗi, Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra và Ngài sẽ dùng quyền năng vô biên của Ngài để rút ra nhiều sự lành cho phần rỗi linh hồn, Thiên Chúa là người Cha nhân lành luôn muốn cho con người hạnh phúc, Ngài hiện diện và đồng hành với con người đang trải qua đau khổ. Những đau khổ ta chịu nếu được đón nhận với lòng yêu mến Chúa sẽ trổ sinh những hoa trái thiêng liêng vô cùng quý giá cho mình và đồng loại: cộng tác vào chương trình cứu độ mà Chúa Kitô cho ta dự phần, đền tội mình và tội nhân loại, rèn luyện nhân đức và được trở nên giống Chúa Kitô.
Bởi vậy, hãy nhìn bệnh tật như cơ hội thuận tiện để gần gũi Chúa và lo lắng cho phần hồn, giúp mình dần từ bỏ ý riêng và những giá trị vật chất – chuẩn bị cho cuộc từ bỏ cuối cùng lúc ta ra đi khỏi trần thế nầy. Mọi sự ở trần gian nầy, dù ta miệt mài và vất vả làm việc mới có được, cũng chỉ là chiếc áo ta bỏ lại khi ta trở về lòng đất mẹ, chỉ còn lại tấm linh hồn trinh trong phản chiếu lòng mến Chúa yêu người mà ta đã chắt lọc qua cuộc sống trần gian. 

Dù trong hoàn cảnh nào, hãy không ngừng thưa lên: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”, và tâm hồn ta sẽ tìm được bình an ngay bây giờ và mãi mãi.