Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

ĐƯNG LÊN ÁN ĐỂ KHỎI BỊ LÊN ÁN



Trong năm 2014, Đức Phanxicô có bài nói chuyện liệt kê 14 căn bệnh của giáo triều Roma rất nổi tiếng. Ngài còn nói thêm: Đó cũng là những căn bệnh và cám dỗ của mọi Kitô hữu. Tôi muốn nói một chút về căn bệnh có lẽ là phổ biến nhất của người giáo dân là việc lên án anh em và bàn chuyện bề trên.

Nếu bạn chỉ tay vào người khác thì 3 ngón còn lại chỉ thẳng vào bạn. Nếu bạn không kiêu ngạo thì không khó chịu vì sự kiêu ngạo của người khác. Bạn bực mình vì không chừa được một thói xấu nào đó, nên khi thấy người khác cũng giống bạn thì bạn mạnh mẽ lên án họ, để che lấp đi cái xấu của mình. Nếu bạn không ích kỷ thì không khó chịu vì sự ích kỷ của người khác. Nếu bạn thường chê cha xứ giảng không hay hoặc nói không đúng thì bạn đang ghen tị với ngài vể sự kính trọng và bạn muốn khoe tài nghệ của bạn, muốn chứng tỏ mình cũng là một ‘nhân vật, someone’ ). Tật nói xấu và lên án người khác là tấm gương phản chiếu của chính nội tâm bạn, tựa như trò chơi xấu đã bị lật tẩy vậy.

Khi bạn nói xấu ai, bạn tự dựng nên một bức tường ngăn cách giữa 2 người. Càng nói xấu người khác, bạn càng thấy cô đơn. Người nói xấu người khác là tự làm mất giá trị và nhân cách của chính mình, và người hay nịnh hót kẻ có mặt, thì cũng hay chê bai khi vắng mặt người.


Lời Chúa nói: “Đừng lên án để khỏi bị lên án. Các ngươi đong bằng đấu nào thì sẽ bị đong lại bằng đấu ấy”.

Tôi nhớ lại một vài câu chuyện: Lúc đương thời Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực không khoe mình và cũng chẳng nặng lời kết án ai, đúng là bậc vĩ nhân; vua Đavit lúc bị con mình là Absalon truy đuổi, có một thường dân xỉ vả nhà vua thậm tệ, các cận vệ xin vua cho giết quách đứa lộng ngôn đó, nhưng nhà vua bảo: “Chính Chúa sai nó nói những lời đó”. Nhà vua nuốt nỗi nhục vào lòng như cơ hội đền tội. Cha Phaolô Nguyễn Công Minh vẫn thường nói: sắc đẹp thì mau qua, danh vọng thì hão huyền. Bởi vậy bạn đừng chao đảo khi bị người đời chê bai, vì đây là cơ hội tốt để nghiệm ra sự phù phiếm của trần gian và học cậy dựa vào Chúa là Đấng muôn đời thủy chung.

Biết bao nhiêu vị thánh, lúc đương thời, đã phải chịu tiếng oan rất xấu xa và thậm chí là bị giam lỏng. Các vị đó không đánh mất sự bình an, đã vui lòng chấp nhận tiếng xấu như cơ hội thanh luyện bản thân và chìm sâu trong cầu nguyện. Đan cử là Thánh Vianey và Thánh Pio được in 5 dấu. Thánh Vianey bị các linh mục viết đơn tố cáo lên bề trên về sự kém cỏi thần học mà dám giải tội cho đủ hạng người, còn cha Thánh Piô thì đã nhiều lần bị bề trên cấm tiếp xúc với giáo dân. Chính Chúa Giêsu, dầu là Con Thiên Chúa, còn bị vu cáo là quỷ ám và lộng ngôn đáng ‘đóng đinh vào thập giá’. Thế thì bạn và tôi là ai mà đáng cho người đời kính trọng!

Ấy vậy mà ta thường khó chịu và mất an bình khi bị ai đó chê, chửi và coi thường; ta thường nóng nảy phát biểu những lời thiếu khôn ngoan, vì lúc đó cái lưỡi làm việc nhanh hơn cái đầu. Đó là vì tự ái của ta còn quá lớn và ta chưa học bài học khiêm nhường và hiền từ của Chúa Giêsu: Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã bỏ cõi trời, mặc phận hèn nhân loại như chúng ta mọi đàng, Ngài sống nghèo và vô danh, Ngài đã chết cô đơn và đớn đau như một tên tội phạm… vì tội nhân loại. Khi bị nói xấu, hãy sống thế nào để không ai tin vào lời nói xấu đó.


Xin Chúa đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Xin cho chúng con vui lòng chịu mọi sự sỉ nhục vì lòng yêu Chúa và như một cơ hội học đức khiêm nhường là nền tảng các nhân đức, vì như Đức Phanxicô nói: ‘người ta không thể học được đức khiêm nhường nếu không bị sỉ nhục’. Hãy luôn cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để Ngài giúp bạn biết gìn giữ miệng lưỡi: không nóng giận, không khoe khoang và không nói xấu.



Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

Hai bà góa




Bà góa người Sidon đã nghe theo lời của tiên tri Êlia, với một chút bột và dầu cuối cùng, bà đã dâng cho vị tiên tri một chiếc bánh, và phép lạ đã xảy ra là cả gia đình bà cùng với vị tiên tri đã sống qua nạn đói. Có thể nói : bà thật may mắn vì được vị tiên tri chiếu cố đến, nhưng cũng thật đáng khen cho lòng quảng đại của bà nên phép lạ đã xảy ra mỗi ngày. Còn bà góa trong Tin Mừng đã bỏ vào đền thờ 2 đồng tiền kẽm, số tiền rất nhỏ nhưng tấm lòng lại rất lớn. Chúa Giêsu, Đấng nhìn thấu tâm can con người đã nói: người đàn bà nầy đã dâng cúng nhiều hơn hết.
Tư tưởng và cách đánh giá của Chúa thật khác xa cách nhìn của con người, vì Chúa nhìn thấu tâm hồn, trong lúc con người chỉ nhìn thấy vẻ bên ngoài mà thôi. Chúa không lấy làm quan trọng việc tẩy rửa bên ngoài cho bằng tinh sạch tâm hồn. Chúa chê những người biệt phái trọng nghi lễ thờ phượng mà bỏ quên lòng nhân nghĩa và bổn phận thảo hiếu. Chúa lên án thói giả hình và phô trương công đức vì ‘họ đã được trả công rồi’. Chúa mời gọi ta học với Chúa bài học hiền lành và khiêm nhường trong lòng, làm mọi việc vì yêu mến Chúa, biết phó thác vận mệnh mình cho Thiên Chúa định liệu. Mẹ Maria là tạo vật kỳ diệu vì đã biết trở nên ‘nữ tì’ của Chúa, mặc Chúa định liệu về tương lai cuộc đời. Mẹ không lo lắng đến việc cắt nghĩa cho ‘vị hôn phu’ về việc nhập thể của Con Thiên Chúa là chuyện rất phức tạp… và Chúa đã lo liệu mọi sự rất tốt đẹp cho cuộc đời nơi dương thế của Mẹ. Đến lúc gặp lại Con trên đường vác thập giá, Mẹ vẫn bình tĩnh mà không kêu gào hay bị ngất xỉu, vì Mẹ đã học bài học vâng theo ý Chúa trong suốt cuộc đời.

Thánh Luca nói với các môn đệ phải coi chừng thói hư danh của các kinh sư và liền đó là nhận xét của Chúa về giá trị của 2 đồng tiền kẽm bà góa nghèo đã bỏ vào hòm tiền: bà đã dâng cho Chúa trọn tấm lòng để hoàn toàn phó thác cho Chúa định  liệu. Chúng ta liên tưởng tới linh đạo Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã đề ra: làm những việc bình thường nhưng với tình yêu phi thường. Chắc chắn những hoa trái của những hy sinh và lời cầu nguyện của Thánh nữ rất dồi dào phong phú nên Giáo hội mới phong Ngài là bổn mạng các xứ truyền giáo.

Trong Tin Mừng Luca 4,25 có kể lại một sự kiện đó là Chúa Giêsu trở về thăm quê hương, nhưng ở đó Chúa không thể làm phép lạ nào đáng kể vì họ cứng lòng tin. Chúa nói với họ: thời tiên tri Êlia, ở Israel có rất nhiều bà góa, nhưng chỉ có bà góa nghèo ở Sarepta vùng Sidon được vị tiên tri viếng thăm. Chắc hẳn không phải vì tình cờ, nhưng vì bà này có lòng quảng đại và một lòng tin vào lời nói của vị tiên tri; và thời tiên tri Êlysa chỉ có Naaman người Syri được chữa khỏi bệnh phong cùi, trong lúc ở Israel có biết bao nhiêu bệnh nhân phong mà không được chữa lành chỉ vì họ không tin.

Bài học hôm nay Chúa muốn dạy ta là gì? – Chúa không bảo mọi người dâng hết của cải để xây dựng Giáo hội, nhưng là dâng trọn tấm lòng để thuộc trọn về Chúa, sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và miệt mài tiến lên trên con đường nhân đức, biết làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa. Sự liên lỷ dâng hiến và phó thác nầy là kết quả của lòng tin và lòng mến dành Cho Thiên Chúa là ‘đầu cội rễ mọi sự cùng là sau hết mọi loài”.

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

HAI MẶT CỦA MỘT ĐỒNG TIỀN





Một người trong các kinh sư đặt ra một câu hỏi giáo lý rất hay ‘Giới răn nào trọng nhất?’ và Chúa Giêsu đã đưa ra một đáp án vừa chính xác vừa ngắn gọn: “Giới răn trọng nhất là hãy mến Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình”.Giáo lý Chúa dạy quá rõ ràng, không ai còn bàn cãi làm gì, nhưng vấn đề khó là đem ra thực hành.

Tôi được mời ăn tiệc mừng ‘rửa tội’, có người nêu lên một vấn nạn: “Tại sao không để cháu đủ 18 tuổi và tự quyết định về vấn đề đức tin”. Có lẽ chủ ý của người có đạo nầy chỉ là nói cho vui, nhưng đây là một quan niệm của người ngoại giáo. Trong quyển sách ‘Tây Dương Giatô bí lục’ có mô tả việc trẻ em được đưa đến nhà thờ để các ‘cố đạo’ làm nghi thức bùa yểm, bôi trét những thứ ‘gì đó’ để làm cho tâm trí bị u mê đần độn, việc làm mờ ám và mang tính dị đoan nầy còn được tái diễn nhiều lần trong suốt cuộc đời của họ đã kìm giữ họ trong sự ngu muội tâm trí… họ trở nên thụ động cho bọn tay sai đế quốc và là nô lệ cho chủ nghĩa ‘giáo sĩ trị’. Để trả lời cho câu nói đùa trên, tôi chỉ trích lại câu trả lời của một vị mục tử: “Vấn đề rửa tội cho trẻ em không phải là tước mất tự do của con cái, vì khi con trẻ còn nhỏ thì không thể tự quyết nhiều thứ như: học trường nào và chữa bệnh ở đâu… Nhiệm vụ của cha mẹ là nuôi dưỡng, bảo vệ, dạy dỗ chúng những điều gì tốt cho chúng và tránh những điều nguy hại. Nếu cha mẹ nhận biết rằng Thiên Chúa là Chúa duy nhất và đức tin còn quý hơn một kho tàng thì tại sao còn chần chừ mà không cho con mình gia nhập Hội Thánh?”

Nói đến tự do, chúng ta liên tưởng đến câu nói thời danh của Thánh Augustinô: Khi dựng nên con, Chúa không cần hỏi ý con; nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con. Sự cộng tác ở đây là nói đến sự tự do quyết định làm lành lánh dữ. Khi nói về mầu nhiệm Chúa quan phòng, có một vấn nạn được nêu lên: “Chúa biết một người sẽ làm điều dữ, Chúa biết ông Giuđa sẽ phản bội, tại sao lại còn dựng nên họ và tại sao lại không ngăn cản? – Vì tôn trọng tự do của con người. Thử nhìn lại lịch sử dân Do Thái, chúng ta nhận ra rằng: Thiên Chúa tôn trọng tự do con người, nghĩa là họ tự do quyết định thờ Chúa hay bỏ Chúa; tuy nhiên Chúa vẫn không bỏ mặc họ phát triển như một cây hoang mà Chúa dạy dỗ họ, dìu dắt họ và cả trừng phạt họ… để dẫn họ về đường lành. Trở lại vấn đề con cái và đức tin cũng vậy: chúng ta có nhiệm vụ nói với con cái về ‘đường lành, về việc thờ phượng Chúa và bước đi trong lề luật Chúa’ như một sự thiện vĩ đại nhất trên trần gian nầy, là tiêu chuẩn chính để đánh giá sự thành công và hạnh phúc của một đời người.

Yêu mến Chúa và giữ luật Chúa là hai mặt của một đồng tiền. Trong CƯ, dân Do Thái đã được Thiên Chúa ban lề luật và ký kết giao ước tại núi Sinai: Dân Israel tôn thờ Một Chúa Duy Nhất và Chúa sẽ bảo vệ dân. Đây là hai vế của một giao ước. Thiên Chúa chưa bao giờ thất hứa nhưng dân Israel đã nhiều lần bội phản khi họ chạy theo các thần ngoại bang và Thiên Chúa đã kiên nhẫn với họ như người chồng phải chịu đựng một người vợ lăng loàn. Có một chuyện đáng nhắc lại ở đây: Dân Do Thái có hòm bia giao ước như một bảo chứng rằng Thiên Chúa hiện diện giữa họ, một ngày kia họ giao chiến với dân ngoại, họ cứ tưởng như mọi lần rằng Chúa sẽ bảo vệ họ và ra tay tiêu diệt quân thù, nhưng lần nầy thì Chúa đã bỏ rơi họ, vì họ đã sống như dân ngoại: cả việc thờ ngẫu tượng và bất tuân lề luật. Dân Do Thái bị quân địch đánh cho tơi bời và Hòm Giao Ước cũng bị mất. Dấu ấn của bí tích rửa tội làm cho ta trở thành con cái Chúa, nhưng đó không phải là ‘thẻ’ để vào nước trời, coi chừng có kẻ phải nghe lời chúc dữ: “Ta không biết các ngươi là ai!”, vì Chúa Giêsu đã nói rõ ràng: ‘ai yêu mến Thầy thì tuân giữ Lời Thầy’.

Yêu mến Chúa và yêu tha nhân cũng là hai mặt của một đồng tiền. Tôi không rành về tiền, nhưng tôi cũng mạn phép nói về nó một chút. Trên mỗi mặt của một đồng tiền có những họa tiết trang trí và những họa tiết ấn tín (phân biệt tiền giả hay tiền thật). Có lẽ đồng tiền kẽm chỉ có họa tiết trang trí, không sợ bị giả vì nó là đồng tiền nhỏ, nhưng nếu một mặt bị mài nhẵn hết họa tiết thì nó cũng trở thành đồng tiền mất giá trị. Còn nếu một mặt của đồng tiền giấy bị tẩy trắng hay bôi đen thì đồng tiền nầy cũng trở nên vô dụng. Đây là một hình ảnh minh họa lời nói của Thánh Gioan Tông Đồ: “Nếu ai nói mình yêu Chúa mà lại ghét anh em mình, thì nó là kẻ nói dối” .

Có những người chủ trương xây dựng một thiên đàng ở trần gian này chỉ nhờ vào lý trí và ý chí của con người: Luật pháp nghiêm minh bảo đảm sự bình đẳng mọi người, sự thịnh vượng sẽ đảm bảo không còn người nghèo và cung cấp mọi nhu cầu như an sinh giáo dục và y tế,  lý trí sẽ hướng dẫn ‘mình vì mọi người và mọi người vì mình, sẽ không còn cảnh người bóc lột người… Tự trong bản thân mỗi người, ai trong chúng ta cũng nhận ra rằng lòng ích kỷ tham lam của con người sẽ tiêu diệt mơ ước ‘một thiên đàng hạ giới’. Chỉ có Chúa Giêsu là Đường đã dạy ta hai giới răn trọng nhất là mến Chúa và yêu người và cũng chỉ có Ngài là Đấng Cứu Độ luôn ban ơn Thánh giúp ta tiến bước trên con đường nên thánh, hướng về thành đô Giêrusalem trên trời… Tự sức mình, tôi và bạn chẳng làm nên công trạng nào đáng kể.

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

TA ĐÃ THẤY GÌ?



Bài đọc trích thư Ephesô 5,21-33 (Thứ tư tuần 30 TN) mô tả một linh đạo cho đời  sống gia đình, nhưng dường như hơi lạc điệu với suy nghĩ của con người hiện đại. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta chứng kiến nhiều người trải qua thảm cảnh gia đình, không bút nào tả xiết.

Thánh Phaolô nói :
Thưa anh em, vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau.
Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ, cũng giống như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh.
Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chinh Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.
Vậy người làm chồng hãy yêu vợ như chinh minh, còn vợ thì hãy kinh sợ chồng.

Lời khuyên của Thánh Phaolô tưởng chừng như đơn giản và đẹp như một áng thơ: “chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô yêu Hội Thánh, vợ hãy kính sợ chồng (tùng phục chồng trong mọi sự)”. Nhưng nếu các gia đinh Kitô hữu sống được những lời trên, thì sẽ có muôn muôn cặp gia đình được phong thánh và có lẽ nhân loại đã trở lại đạo hết mà không cần đến các nhà truyền giáo!
Nhưng thực trạng các gia đình lại khác xa những lời khuyên của Thánh Phaolô. Trong thế giới hiện đại, sự chung thủy trong hôn nhân cũng là một thách thức lớn, đến độ các thiệp cưới bây giờ, người ta rất ngại ghi câu Kinh Thánh: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”, và thay vào câu khác nhẹ nhàng hơn: “Nguyện Chúa chúc phúc cho tình yêu của chúng con, hôm nay và mãi mãi”. 

Tôi đã thấy những người chồng vợ mất sớm, chán chường cuộc sống, thường rơi vào thói nghiện rượu. Tôi đã thấy những người vợ bị chồng đánh cho bầm mặt mũi vì không cung cấp tiền cho mình đánh bạc. Tôi tự hỏi: tại sao họ chấp nhận bị hành hạ mà không kêu cầu luật pháp trừng trị chồng mình? – Có lẽ là vì nghĩ đến con cái và vẫn nuôi hy vọng chồng mình thay đổi. Tôi đã thấy những người chồng bị vợ bỏ để chạy theo một mối tình khác, để lại một gia đình tan tác và những đứa con lạc lõng. Tôi vẫn thường nghĩ: thật là một đại họa cho người bị vợ hay chồng bỏ, một gánh nặng thể lý và tổn thương tâm lý.

Nhìn những cảnh gia đinh tan vỡ, nhiều người đưa ra một kết luận: vợ chồng muốn hòa thuận thì phải biết chịu đựng nhau, vì ai cũng có tật này tật nọ. Còn Thánh Phaolô, chỉ trong một đoạn văn thôi, Ngài đã dùng đến 2 lần chữ ‘kính sợ’: “Vì lòng kính sợ Chúa, vợ chồng hãy tùng phục lẫn nhau; vợ hãy kính sợ chồng”.  Kính sợ thì khác với sợ hãi. Khi nói về nhân đức thờ phượng, Chúa dạy chúng ta phải ‘kính sợ Đức Chúa Trời’ chứ không phải là ‘sợ hãi Ngài’. Sự kính sợ mang yếu tố tự nguyện và tôn kính, còn sợ hãi mang yếu tố bị ép buộc và thụ động. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường dùng bạo lực để dọa nạt nhau và làm cho nhau sợ hãi, ngay cả trong gia đình.

Thánh Phaolô dạy: VÌ LÒNG KÍNH SỢ ĐỨC KITÔ, VỢ CHỒNG HÃY TÙNG PHỤC LẪN NHAU. Thánh nhân không muốn nói đến trật tự và cách vận hành của gia đình mà muốn nói đến  một con đường nên thánh của gia đình Kitô hữu là HÃY SỐNG THEO LỜI DẠY CỦA TIN MỪNG VÀ THEO SỰ THÚC ĐẨY CỦA THẦN KHÍ. Nói cách khác, mỗi người hãy điều chỉnh đời mình để thực hành các nhân đức Kitô giáo như: công bình, bác ái, tha thứ, nhẫn nhục, khiêm tốn, tôn trọng sự thật … thì bỗng dưng gia đinh êm ấm. Còn nếu một trong hai người rơi vào đam mê tội lỗi nào đó như ngoại tình, dối trá, cờ bạc, nghiện ngập, đua đòi … thì làm gì còn sự kính trọng và tuân phục (Submit) lẫn nhau nữa.

Khi chứng kiến sự tan rã của các gia đinh, người ta thường nêu lên những lý do: thời gian tìm hiểu không kỹ và học giáo lý sơ sài, không có kỹ năng sống … nên nảy sinh ‘những bất đồng không thể hàn gắn’. Những chuẩn bị cho các bạn trẻ là rất cần thiết và cũng tránh được nhiều cuộc tình đổ vỡ. Nhưng lý do thực sự gây nên sự đổ vỡ của các gia đình là 'lòng đạo bị sa sút', là do một trong hai người hoặc cả hai người đã biến chất, sống theo lối sống ích kỷ của mình nên gạt phăng người kia ra khỏi vòng tay yêu thương. Lòng kính sợ Chúa được hiểu nôm na là lòng tin, lòng cậy và lòng mến, là việc việc tuân giữ Lời Chúa. Thực ra chẳng ai dò được lòng người, dù có tìm hiểu kỹ bao nhiêu, vì cuộc đời mỗi người là một cuộc hành trình hơn là một thực tại tĩnh để ta chọn lựa. Thử nhìn lại cuộc sống hôn nhân của những bậc cha ông chúng ta ngày xưa: cha mẹ dàn xếp cả, vậy mà cứ sống với nhau đến đầu bạc răng long! Tất cả là vì họ có lòng đạo đức, yêu mến Chúa và yêu tha nhân như chính mình.

Vậy nên, ĐẦU MỐI KHÔN NGOAN LÀ LÒNG KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI. Vợ chồng hãy khuyến khích nhau sống đạo: đạo trong nhà thờ và đạo trong cuộc đời. Hãy điều chỉnh những khuynh hướng ngoại giáo đang len lỏi vào những câu chuyện được bàn luận trong gia đình và hãy tập cầu  nguyện chung với nhau. Và một điều nữa cũng rất quan trọng là vợ chồng hãy luôn cầu nguyện cho nhau: biết bằng lòng với cuộc sống, biết đón nhận nhau và biết nỗ lực tìm kiếm sự trọn lành.