Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

Ông Giêsu ơi


Tiếng kêu của người tử tội được gọi là ‘trộm lành’ từ trên thập giá là một tiếng kêu lạc điệu giữa dòng người đứng nhìn dửng dưng và nhục mạ Chúa Giêsu. Chúng ta cùng nhìn kỹ người trộm lành này, vì sẽ rút được nhiều điều lợi ích cho tâm hồn.

Có thể nói trang Tin Mừng Thánh Luca được đọc trong Lễ Chúa Kitô Vua năm C (Lc 23,35-43) là một bức tranh tổng hợp về lịch sử cứu độ: Đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu có đám đông dân chúng đứng nhìn, các vị lãnh đạo tôn giáo thì ra sức tố cáo để giết chết Ngài  và có anh trộm lành tin nhận Ngài là Cứu Chúa của mình.  Chắc chắn anh này là người đầu tiên được hưởng hoa trái cứu độ do Chúa Giêsu mang lại, nên anh nhận ra Đấng bị treo trên thập giá kia chính là Thiên Chúa Cứu Thế. Nhiều người vẫn chế giễu anh này vì cho rằng đến giờ chết anh vẫn trộm được thiên đàng! Thực ra anh đáng khen và đáng cho chúng ta học hỏi hơn là đáng chê cười, vì anh dám đi ngược dòng đời: mọi người đều hả hê cười nhạo Chúa mà anh vẫn vững tin và xin Ngài dủ lòng thương xót đến mình, anh ta nhận ra Chúa là vua của vũ trụ: “nước Tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Con người trong mỗi thời đại, mãi cho đến ngày tận thế, vẫn tái hiện bức tranh này: vẫn có đám đông ra sức loại trừ Thiên Chúa, vẫn có đám đông dửng dưng với tôn giáo, và vẫn có đám đông tin thờ Đức Giêsu là nguồn sống, nguồn hy vọng và vua vũ trụ, nước Người tồn tại đến muôn đời.

Câu nói của Chúa Giêsu với người trộm lành đáng cho ta suy nghĩ: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”. Chúng ta thường nghĩ: chỉ những ai hoàn toàn trong sạch mới đáng diện kiến tôn nhan Chúa, nên ít ra anh nầy cũng phải trải qua luyện ngục chứ, tại sao Chúa quên hết tội anh, vì trộm cắp bị kết án tử hình thì đâu phải là nhẹ! Ai đó đã nói: trí óc con người không thể hiểu Thiên Chúa là gì, mà chỉ có thể hiểu được Ngài không phải là gì. Đúng rồi, chúng ta không thể hiểu lòng thương xót Chúa, chỉ biết rằng ‘Ngài không biết tính toán, nếu kinh doanh thì chắc chắn là phá sản’ (ĐHY P.X.Nguyễn Văn Thuận). Lời Chúa nói trong sách Isaia: Tội lỗi các ngươi dù có đỏ thắm như vải điều thì cũng được tẩy trắng giống như tuyết, hãy trở về với Ta (Is 1,18).


Suốt mấy tiếng đồng hồ bị treo trên thập giá, người trộm lành này đã nghe và nhìn thấy nhiều điều. Anh biết rằng anh chẳng còn sống được mấy giờ nữa, nên tâm trí anh rất tỉnh táo và suy nghĩ nhiều điều. Anh thấy đám đông toa rập với nhau để nhục mạ ông Giêsu: nổi bật nhất là các vị chức sắc tôn giáo, họ nói những lời vu cáo và khích động dân chúng; còn đám đông thì thụ động đứng nhìn, có phần cảm thương và cũng có phần hiềm khích thù hằn. Ông Giêsu thì quá đau đớn và kiệt sức nên bề ngoài rất thê thảm vì máu thịt bê bết, anh rất cảm kích về những lời Ông nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm; Lạy Cha, Con phó thác hồn Con trong tay Cha”. Chỉ cần nghe những lời trên, lòng anh bị đánh động, anh nhìn thấy một Con Người vĩ đại mang dáng vẻ tầm thường này. Và với sự soi dẫn của ơn Thánh Chúa ban, anh thốt lên: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Đây là một lời cầu xin tin tưởng và khiêm tốn, đáng cho muôn người học hỏi.


Hãy học hỏi thái độ của anh trộm lành để nhận ra dung mạo và hành động của Thiên Chúa nơi những người yếu hèn. Người đời thường nghĩ Thiên Chúa phải uy nghi và hành động của Ngài phải mạnh mẽ, thế mà Chúa Giêsu lại chọn cách biểu lộ hiền lành và khiêm nhường, sống như người phục vụ và cách đăng quang trần trụi trên thập giá: khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo hết mọi người đến với Ta. Hãy học người trộm lành để tin nhận Chúa Giêsu là Cứu Chúa của vũ trụ, vì dưới gầm trời này không có danh nào khác mang lại ơn cứu độ (TĐCV 4,12). Hãy học nơi người trộm lành để kêu xin lòng thương xót Chúa và phó thác đời mình cho Chúa định liệu. Và điều cuối cùng: Ông Giêsu đồng hành với người trộm lành, Ngài luôn đồng hành với mỗi người chúng ta, nhất là trong những lúc gian nan thì chính Ngài cõng ta trên mình, hãy an tâm vì có Ngài luôn sát cánh với ta cho đến giây phút cuối cuộc đời.

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Hãy ký thác đường đời cho Chúa



Lời Thánh vịnh nói với ta rằng: Hãy ký thác đường đời cho Chúa, hãy tin tưởng nơi Ngài, và Ngài sẽ ra tay. Một lời Kinh Thánh khác: Hãy chúc tụng Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, cầu xin Người hướng dẫn bước đường con đi và mọi điều con mưu toan phải ký thác nơi Ngài (chưa tìm được nguồn).

Có những giai đoạn trong cuộc sống, được gọi là giai đoạn bản lề, con người có những kế hoạch lớn vượt tầm tay mình và họ phải cậy dựa vào sự hộ phù của Chúa. Có thể kể đến giai đoạn tuổi thanh niên, khi chọn lựa một tình yêu, mơ ước một môi trường học tập và sống ở nước ngoài, cũng có thể đó là khi trải qua một căn bệnh hiểm nghèo đe dọa đến mạng sống… Trong những hoàn cảnh đó, con người cầu xin tha thiết: nếu đẹp ý Chúa, xin cho ước nguyện của con được thành sự.

Nếu toại nguyện, ta tạ ơn Chúa và dễ cảm thấy bàn tay Ngài dìu mình từng bước trên đường đời. Nhưng có nhiều lúc sự việc xảy ra không như ta mong muốn, dễ dẫn đến sự thất vọng, cảm thấy như Thiên Chúa ở thật xa và dễ mặc cảm rằng vì ta tội lỗi nên không được Chúa nhậm lời. Đừng để nỗi thất vọng về cuộc sống dẫn đến việc suy giảm lòng tin vào Chúa hoặc có người mất đức tin. Cần có những suy nghĩ tích cực:

Thiên Chúa luôn luôn ở gần: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúa Giêsu luôn là người bạn của mỗi tâm hồn, một người bạn chung thủy, quyền năng và tốt lành. Chúa yêu ta không vì công trạng của ta mà chỉ vì lòng quảng đại của chính Ngài: Ngài làm mưa trên kẻ lành người dữ. Chúa Giêsu luôn là một người bạn. Đức Phanxicô nói với người trẻ: “Chúa Giêsu trao ban cho từng người các con một tình bạn chân thành, không bao giờ Ngài rút lại tình bạn đó, Chúa Giêsu vĩnh viễn là một người bạn của các con. Ngay cả khi các con làm cho Ngài thất vọng và lìa bỏ Ngài, thì Ngài vẫn tiếp tục ước muốn điều tốt nhất cho các con và luôn ở gần các con; Ngài tin tưởng các con còn hơn chính các con tin vào mình”.


Tầm nhìn trước mắt và tầm nhìn sâu thẳm. Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Thiên Chúa có một kế hoạch cho mỗi cuộc đời. Hãy xác tín điều đó để không vỡ mộng khi sự việc không như ý ta muốn, hãy kiên nhẫn đợi chờ: “Anh em hãy tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, Người sẽ cất nhắc anh em lên khi đến thời Người viếng thăm. Mọi lo âu hãy trút cả cho Người, vì Người lo cho anh em” (1pet 5,6). Tầm nhìn của con người giống như tầm nhìn của người cận thị, chỉ nhìn được những vật ở thật gần, còn tầm nhìn của Thiên Chúa mở rộng đến cõi vô biên và liên quan đến phần rỗi mọi người. Trong lúc con người chỉ nhìn thấy cơm ăn áo mặc, tiền tài và điều kiện sinh sống, thì Thiên Chúa nhìn thấu tâm can từng người để dẫn họ đi trên con đường chính lộ - dẫn đến cuộc sống đời đời.



Chúc tụng Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của con người.  Chúng ta đón nhận muôn ơn lành mỗi ngày, và đáng ra ta phải cảm ơn Chúa về tất cả những điều đó. Nhưng ngay cả khi chúng ta quên cám ơn Chúa thì Ngài vẫn không bao giờ quên ban ơn những ơn cần thiết. Đó không chỉ là những ơn lành vật chất mà ta có thể thấy được và sử dụng được, mà cả những ơn dẫn đến cuộc sống đời đời. Khi Chúa không ban cho ta những ơn ta tha thiết cầu xin, thì ta buồn lòng. Điều đó là bình thường, nhưng cái nhìn đức tin dạy ta: Hãy chúc tụng Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.


Dù hoàn cảnh thế nào xảy ra đi nữa, đừng để những ‘sự việc phụ thuộc’ ảnh hưởng đến ‘điều chính yếu’ trong cuộc đời: tình bạn với Đức Giêsu. Hãy để cho lòng mình tự do khi biết nói ‘vâng’ với Ngài và nói ‘không’ với những điều sai trái. Chúa muốn ta tin tưởng phó thác đường đời cho Chúa định liệu và biết tạ ơn Chúa trong mọi điều xảy đến. Điều quan trọng là luôn tiến lên phía trước, trung thành với bổn phận hằng ngày của bậc sống, kiên trì vác thập giá của từng ngày một, và bám chặt hơn vào Chúa Giêsu: “Chúa biết rõ chúng ta cần gì”.

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2019

Theo Chúa thì được gì?



Thánh Phêrô đã từng hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Ông Phêrô dừng lại ở đó, nhưng mạch văn cho ta biết những chữ tiếp là ‘chúng con sẽ được gì?. Vâng, mừng lễ CTTĐVN là dịp rất tốt để chúng ta đặt lại vấn đề với chính mình: tôi theo đạo thì được gì?

Có đặt lại vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát như vậy, chúng ta mới dám đi ngược dòng và trung thành với Chúa, dù hoàn cảnh nào đi nữa. Để thử thách niềm tin vào Thiên Chúa, các vua quan thường đưa ra sự so sánh một bên là sự yên ổn thịnh vượng và bên kia là mất mạng vì niềm tin vào Chúa. Không ít lần, nhiều tín hữu đã nhát sợ mà chối bỏ niềm tin để được yên ổn. Nhưng rồi, có những người sau đó hối lỗi và đã trở lại trình diện với vua quan để được minh chứng niềm tin vào Thiên Chúa. Chúa không hề hứa cho kẻ theo Ngài được yên ổn, giàu sang, nổi tiếng ... vì những thứ đó đều là phù hoa và không quan trọng. Chúa chỉ hứa được bình an và hạnh phúc, được sống trong vòng tay yêu thương, chịu bách hại bởi người đời, và được hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau. 

Chúa không muốn mọi người phải chịu chết vì đạo, nhưng Chúa đòi buộc mọi người phải trở nên muối men cho đời, làm chứng nhân cho Chúa qua cuộc sống: tôi là những người con cái Chúa. Đã có biết bao người bỏ đạo hàng mấy chục năm trời, vì bất mãn với Chúa hoặc thiếu hiểu biết về đạo, vì niềm tin bị cười nhạo, hoặc muốn được yên thân hay được thăng tiến trong danh vọng và quyền lực. Tuy vậy, Thiên Chúa không bỏ rơi họ, Ngài đánh động họ - một lúc nào đó và họ đã trở về lại mái nhà Giáo hội, nhưng cũng có những kẻ bị hư đi mãi mãi.

Chúa trả lời cho Thánh Phêrô rằng: “chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ hay con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này lại không được gấp trăm … cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”(Mc 10,28-30). Ở đây, chúng ta khám phá ra một quy luật của Tin Mừng: khi con người chỉ biết tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Chúa, thì Chúa sẽ lo liệu phần còn lại, những điều cần thiết cho cuộc sống nơi trần gian như cơm ăn áo mặc... Chứng từ của Mẹ Têrêxa cũng nói lên điều đó: khi Chúa muốn công việc nào đó được tiến hành thì Chúa gửi phương tiện đến; đến lúc Thiên Chúa muốn, mọi sự sẽ dễ dàng và khi không phải lúc của Ngài thì mọi sự sẽ khó khăn.

Cứ theo sự tính toán bình thường của lý trí, người ta thường chọn cho mình điều có giá trị hơn và từ bỏ điều ít giá trị hơn. Điều đó thường xảy ra trong trường hợp hôn nhân tan vỡ: không ai bỏ gia đình mình nếu không có đối tượng thứ 3 tốt đẹp và hấp dẫn hơn. Ai đó đã xếp loại các giá trị cuộc sống từ thấp đến cao như sau: sự yên ổn vật chất và tinh thần, những giá trị tinh thần và cao nhất là phần rỗi linh  hồn. Theo đó, người ta có thể hy sinh sự yên ổn vật chất cho những giá trị cao hơn như sự tự do, lòng quảng đại, tình yêu quê hương…; và người Kitô hữu sẵn sàng mất mạng sống mình để minh chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, là Chúa và là chủ của mọi loài, để chọn lấy hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.


Đức Phanxicô nói đến hai hình thức ngược đãi các Kitô hữu: “một hình thức là cái chết của các vị tử đạo, còn cách kia được đặt tên là sự ‘ngược đãi lịch sự’ (polite persecution). Lịch sử Giáo hội là lịch sử của các cuộc bách hại, từ các vị tử đạo ở hý trường Colosseum cho tới cái chết thảm của những tín hữu ở Pakistan: các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Hình thức đầu của sự ngược đãi là ‘cốt ở việc tuyên xưng danh Đức Giêsu Kitô, đây là hình thức tử đạo cách rõ ràng. Còn hình thức ngược đãi khác ‘được ngụy trang dưới vỏ bọc là văn hóa, là văn minh, là tiến bộ - tôi có thể nói cách châm biếm – là sự ngược đãi lịch sự (polite persecution).

Chúng ta có thể nhận ra cách bách hại thứ hai này khi các nhà lãnh đạo đưa ra những đạo luật không cho con người sống đúng tư cách con cái Chúa, khi họ tước bỏ tự do của con người, nhất là tự do lương tâm. Ai không chấp nhận luật pháp họ đưa ra, ai lên tiếng về những điều bất cập trong hiến pháp… thì bị kết án và ngược đãi lịch sự: mất việc, bêu xấu, loại ra bên lề xã hội”.


Người đời sợ nhất là chứng từ tử đạo, họ muốn dùng hết sức mạnh của mình để chiến thắng, nhưng khi các vị tử đạo sẵn sàng dâng hiến những gì quý nhất ở trần gian vì niềm tin, thì những kẻ hành hình đã thực sự thất bại. Họ đi từ ngạo mạn đến ngỡ ngàng trước một sự thật vượt quá tầm hiểu biết của họ, nhất là khi chứng kiến các vị tử đạo ra đi trong hiên ngang, an bình, tha thứ, cầu nguyện, có sự đồng hành của của Đức Kitô và anh em đồng đạo.

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2019

Hạnh phúc trong tầm tay



Ai đó đã từng nói: Khoảng cách từ chân lý đến quả tim là một câu chuyện. Đúng vậy, chỉ cần kể một câu chuyện là chân lý được sáng tỏ, kẻ đơn sơ hiểu được chân lý cách rõ ràng. Để sống hạnh phúc trên cuộc đời này, tôi xin kể vài câu chuyện, phần tiêu cực trước:

- Có hai người tu hành sống với nhau rất hòa thuận trong một cộng đoàn như những nhà ẩn sĩ. Một ngày nọ người trẻ hơn mới đề nghị với người kia: lâu lắm rồi chúng ta không cãi nhau, hôm nay chúng ta cãi nhau một mẻ cho cuộc sống bớt đơn điệu đi. Người kia nhìn bạn mình một cách khó hiểu và nói: làm sao mà cãi nhau được khi không có lý do? Người trẻ hơn mới đề nghị: Tôi ra phía ngoài kia nhặt một cục đá lớn đem vào giữa sân, nhận là của mình, còn anh thì nói là của anh, thế là chúng ta cãi nhau.
Ừ, cứ thế mà làm. Người trẻ hơn ngồi trên cục đá và hô lớn: cục đá này là của tôi. Người kia hỏi lại: anh căn cứ vào đâu để bảo đó là của anh?- Vì tôi đã nhặt được ngoài kia và tôi đã khiêng vào đây. Người lớn tuổi hơn bèn bảo: vậy nó là của anh rồi, anh cứ giữ lấy… thế là cuộc cãi nhau đã kết thúc.

- Lúc còn nhỏ, khoảng 10 – 11 tuổi, chúng tôi nhập chủng viện, có anh bạn kia thường kể chuyện về gia đình mình, nội dung cứ xoay quanh vấn đề cái tôi, (tôi là): cha tôi, mẹ tôi, em tôi, của tôi. Khoe khoang bản thân là một nhu cầu tâm lý muốn thể hiện, ở những trẻ nhỏ nó thể hiện một cách ngây ngô và tinh vi hơn ở người lớn, nhất là thời đại kỹ thuật số là cơn nghiền Facebook: khoe bản thân mình, của cải mình, tài khéo mình, bạn bè mình, lối sống mình. Điều lạ là càng khoe lại càng thiếu, càng ăn lại càng đói.

- Một chàng trai trẻ gặp một vị tu hành. Chàng trai đầy tư lự, còn vị tu hành rất an bình. Chàng trai cất tiếng: Thưa thầy, con muốn hạnh phúc. – Ta nghe chưa rõ, giấy bút có sẵn đây, con ghi ra giấy. Chàng trai liền ghi: TÔI MUỐN HẠNH PHÚC. Thầy cầm lấy và đọc, liền sau đó thầy lấy bút và xóa bớt chữ tôi, chỉ còn lại 3 chữ; tiếp đó thầy xóa luôn chữ muốn và trao tờ giấy chỉ còn lại hai chữ ‘hạnh phúc’  cho chàng trai. Thế đó, muốn hạnh phúc thì biết bỏ cái tôi và cái muốn của mình, thì hạnh phúc ắt tự đến.


Đó là phần tiêu cực, và đây là vài câu chuyện về khía cạnh tích cực:


- Lòng biết ơn. Thánh I-Nhã coi sự vô ơn như cội rễ của mọi thứ tồi tệ, Ngài viết: “Nếu người ta suy nghĩ về những điều tốt lành của Thiên Chúa, thì trong những điều lầm lỗi tồi tệ nhất phải kể đến là sự vô ơn với những điều tốt lành đáng trân trọng trước Đấng Tạo Hóa là chủ và là Chúa của vũ trụ này…”. Hãy biết ơn cha mẹ, người bạn đời, tha nhân quanh ta, bạn bè… vì những chăm sóc, quan tâm, câu chuyện trao đổi… đều nằm trong chuỗi quan phòng kỳ diệu của Cha trên trời để giúp ta được hạnh phúc và lớn lên.

- Nhận lỗi. Có hai gia đình sống cạnh nhau. Gia đình nhà giàu có dư của cải nhưng lại thiếu hạnh phúc, còn gia đình nhà nghèo lại rất êm ấm. Một hôm anh nhà giàu cất bước sang nhà hàng xóm để tìm hiểu lý do nào mà họ sống rất hòa thuận. Anh mới ngồi một lát thì người con dâu của gia đình đi chợ về, cô bị trợt suýt té; người mẹ chồng vội chạy ra đỡ cô và nói: mẹ sơ ý không quét chỗ nước đọng đó; anh chồng cũng vội chạy ra và xin lỗi vợ vì mình không ra sớm một chút để dìu vợ từ ngoài cổng – đường rất trơn; người con dâu bèn nói: con xin lỗi mẹ, em xin lỗi anh, cũng tại con sơ ý và không cẩn thận nên mới trượt. Người nhà giàu chợt hiểu lý do của hòa thuận là mỗi người biết nhận lỗi về mình thay vì đổ lỗi cho nhau.

Hóa ra để hạnh phúc cũng thật đơn giản: đừng giành giật ‘của tôi’ và bớt nói ‘tôi là’, biết nói ‘cám ơn’ và ‘xin lỗi’ thường xuyên hơn. Một trong những biểu hiện sự vô cảm trong xã hội là khi con người không biết dùng đến hai từ ‘cảm ơn và xin lỗi’ trong cuộc sống.


Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2019

Chúa đã chọn tôi


Có giờ rảnh, tôi đi thăm một người bạn bị bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường đã gây hư tổn tim gan thận và hằng ngày người bệnh phải trải qua những khó chịu của bệnh huyết áp. Mới 60 tuổi mà người bạn ấy đã trở lại như em bé: với sự giúp đỡ của bác sĩ, bạn tôi tập đứng lên ngồi xuống tại chỗ, tập đi từng bước chập chững, thều thào nói không ra hơi. Tôi bỗng nghĩ đến câu chuyện Đường Đời của Marie de Noel: cuộc đời con người lúc khởi đầu và lúc kết thúc giống như con rắn đầu rắn ngậm lấy đuôi của mình: thuở mới sinh ra và lúc cuối đời cũng tập nói, tập đi, phải nhờ sự chăm sóc của người khác, nói trước quên sau...

Kể ra cuộc đời con người thật ngắn ngủi với sinh bệnh lão tử. Lời TV nói: ‘Tuổi chúng con 70 đã quý rồi, hay 80 cho những ai mạnh giỏi, mà phần lớn chỉ toàn lao khổ, thấm thoát cuộc đời chúng con đã trôi đi’. Và một chỗ khác: ‘Xin dạy chúng con đếm ngày đời mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan’. Tháng 11 là thời gian thích hợp để nghĩ về ‘điểm hẹn’ của chính mình với Đấng Tình Quân ta tôn thờ: vì Con Người sẽ đến vào lúc ta không ngờ, nên ta luôn phải tỉnh thức, trên 60 cứ tính từng tháng mà chuẩn bị cho phần rỗi linh hồn. Một trong những điều mà ta phải tạ ơn Chúa mỗi ngày là không để mình bị chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Chết đột xuất thường xảy ra với những người bị tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, bị người khác tấn công, và bị đột quỵ (nằm ngủ cũng chết và rất nguy hiểm khi trèo cây cao). Như vậy, nếu Chúa cho mình chịu khốn khó vì bệnh tật, bị đau đớn thể xác hay tinh thần… thì cũng nên cám ơn vì có thời giờ chuẩn bị và để đền tội.

Nghĩ về sự chết không phải để bi quan nhưng là cách tốt nhất để sống tốt giây phút hiện tại, xứng đáng với tư cách người con cái Chúa và với ơn gọi của Ngài. Khi suy niệm về việc Chúa chọn gọi các tông đồ, nhà tu đức Don Schwager đã nói: “Ơn gọi của Chúa dành cho cuộc đời bạn là gì? Khi Đức Giêsu khởi sự sứ mệnh của mình, Người đã tuyển chọn 12 người làm bạn hữu và tông đồ của Người. Trong sự chọn lựa nhóm 12, chúng ta thấy một nét đặc biệt nơi việc chọn lựa của Chúa: Đức Giêsu chọn những người rất bình thường. Họ không phải là những nhà chuyên môn, không giàu có hay thế giá. Họ được chọn từ những con người bình thường, làm những công việc bình thường, không có học thức cao, cũng không có uy thế trong xã hội. Đức Giêsu muốn những người bình thường có thể nhận lấy sứ mạng và thực hiện nó một cách hết sức phi thường. Chúa chọn họ không vì những gì họ đã có (đã là), nhưng vì những gì họ có thể trở nên, dưới sự dẫn dắt và với sức mạnh của Người”. Điều này được hiện thực nơi việc Chúa gọi ông Giakêu: ông đang là một con người rất tội lỗi, ấy vậy mà tình yêu Chúa đã làm ông thay đổi hoàn toàn, biết chia sẻ với người nghèo và trở nên nghèo, biết đền bù thiệt hại mình đã gây ra.


Ai đó đã từng nói ‘con người là con vật vô ơn’. Ngẫm nghĩ lại thấy cũng đúng. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình nghèo nên không có gì để cho và ta thường quên câu nói của Chúa: “Ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn”. Quả thật, chúng ta không nhận ra mình giàu về sức khỏe cho đến khi gặp một người phải nằm bẹp trên giường bệnh; chúng ta không nhận ra mình giàu về trí thông minh khi còn biết nhận ra những hớ hênh của anh chị em để mà chỉ trích; chúng ta không nhận ra mình giàu về hạnh phúc khi còn có một mái ấm gia đình để chăm sóc cho đến khi chứng kiến nhiều gia đình phải ly tán; chúng ta không nhận ra mình giàu về của cải khi hằng ngày không phải chạy gạo và thiếu vài trăm nghìn bạc để trang trải nhu cầu cuộc sống; chúng ta không nhận ra mình đang giàu khi vẫn có những người bạn để nói chuyện cho đến khi biết có những kẻ ngày ngày gặm nhấm nỗi cô đơn và tủi thân.


Khi ta sống trong một môi trường quá yên ổn và khá đầy đủ, chúng ta thường an phận và mãn nguyện với một lối sống hưởng thụ mà quên mất anh em và quên rằng Chúa vẫn gọi tôi làm việc cho Ngài. Mỗi ngày sống là một quà tặng để tôi thực hiện sứ mệnh của riêng tôi, vì không phải là tôi đã hết thời và đang chờ chết, không phải tôi đang sống để ăn, để ngủ và để giết thời giờ. Chúa vẫn mời gọi tôi chu toàn sứ mạng của riêng mình cho đến giây phút cuối cuộc đời. Sứ mạng đó là gì? Chúa muốn con làm gì? Lạy Chúa xin hãy sai con đi… vẫn luôn là lời cầu xin tha thiết hằng ngày mỗi người thưa lên với Chúa. Và để thức tỉnh ta, Chúa thường gửi những sứ giả, những biến cố; nhưng nếu ta không sớm nhận ra ý Chúa muốn thì nhiều gánh nặng cuộc đời vẫn cứ tồn tại lâu dài, vì Thiên Chúa tốt lành không muốn một ai phải hư mất.

Cuộc đời con người chẳng là bao, có đó rồi khuất đó.  Chúa muốn ta biết bằng lòng với cuộc sống, dù sự gì xảy ra đi nữa. Hãy sống tốt giây phút hiện tại, đừng chất thêm gánh nặng của quá khứ và tương lai. Đừng lo lắng nhiều chuyện phù phiếm cuộc đời nữa mà chuyên tâm cải sửa tâm hồn để luôn tìm ý Chúa và chu toàn ơn gọi Chúa trao như một người đầy tớ trung thành… từng ngày sống là từng bước chuẩn bị cho phần rỗi linh hồn.