Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Lối mòn




Có người nhận định rằng : Lối giáo dục của Người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng không giúp cho học sinh phát huy sáng tạo của mình, và xã hội của những nước đó có một đặc tính là ‘cào bằng’: triệt tiêu những suy nghĩ và lối sống khác lạ, sợ nhân tài. Kết quả là những nước này phát triển rất chậm, trừ ra những nước (Nhật và Singapore) đã học được lối giáo dục và suy nghĩ của những nước phát triển.
Cố linh mục Anrê Dũng Lạc Cao Tường có một bài viết về Đoàn sâu rước kiệu: Tôi (con sâu) đang đứng dưới một cây cột rất cao. Những con sâu cứ bám đuôi nhau lên xuống cây cột rất nhộn nhịp. Đứa trèo lên thì hăm hở, đứa trèo xuống thì đăm chiêu. Tôi suy nghĩ chốc lát ‘không biết ở trên đó có gì’ và cũng bắt đầu bám đuôi những đứa khác trèo lên cột. Trèo được một lát tôi lại bò xuống vì nghĩ rằng chẳng có gì ở trên đó, bọn này chỉ hùa nhau vậy thôi. Ở dưới đất được một lát, tôi lại quyết định trèo lên lần nữa cho đến đích xem sao. Tôi hung hăng hất ngã vài đứa để trèo lên tới cùng: chỉ là một cây cột trống trơn và lòng đầy thất vọng. Tôi lại trèo xuống, vẻ mặt hết sức nghiêm trang, mặc cho những đứa khác đang hăm hở trèo lên. Có nhiều con vật khác có thói quen đi theo lối mòn của nhau, ít có con nào dám đi ra khỏi lộ trình có sẵn có lẽ vì không có bản lãnh.




Nước Mỹ tập trung rất đông những nhân tài, họ tạo điều kiện để mọi người phát huy sáng kiến và tài năng của riêng mình. Họ không sợ người tài mà trọng dụng người tài. Người Do Thái cũng vậy, họ tạo điều kiện cho những sinh viên muốn khởi nghiệp và đưa những người có năng lực lên làm lãnh đạo, kể cả trong quân đội.

Ngày xưa, vua chúa Việt Nam đã có một thời chọn giải pháp ‘bế quan tỏa cảng’( không giao thương buôn bán và học hỏi các nước phương Tây) cũng là vì sợ người tài. Trong cuộc sống hằng ngày, nỗi sợ nầy cũng được biểu hiện ở nhiều lãnh vực khác: nội dung báo đài phải có chỉ đạo, tin tức phải được chọn lọc, chương trình học phải được giảm tải, chọn nhân sự phải có lý lịch, người cộng tác phải biết nghe lời. Kết quả là triệt tiêu hết mọi sáng kiến và xã hội phát triển chậm, có khi còn lạc lối vì đi theo lối mòn như những con sâu.

Chuyện ‘cào bằng’ còn len lỏi vào trong Giáo Hội, người lãnh đạo vẫn ưa thích những kẻ cộng tác là những người biết nghe lời, là cánh tay nối dài của linh mục hơn là những người cộng tác: chỉ còn một bộ óc làm việc, không ai dám nói lên sáng kiến của mình và ai cũng sợ trách nhiệm. “Người lãnh đạo không phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, mà là người có năng lực kết nối thành viên trong tổ chức, thấu hiểu nhân viên và tạo điều kiện cho họ phát triển sự nghiệp nhằm đạt được mục tiêu chung” (Internet).

Trong một tổ chức cơ bản nào đó mà không ai dám lên tiếng về các kế hoạch cần phải làm để tập thể được phát triển hơn, mà chỉ làm theo lệnh của ai đó và cái gì cũng phải hỏi ‘sếp’, thì tổ chức đó có vấn đề và nằm trong tình trạng trì trệ.Hãy học nơi Chúa Giêsu, vị lãnh đạo tối cao, bài học khiêm tốn phục vụ.

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Giải mộng




Khi nói đến tên Giuse người ta liên tưởng đến những giấc mộng. Ông Giuse trong Cựu Ước là người có những giấc mộng kỳ lạ đến nỗi bị anh em ghen tị và đặt tên là ‘thằng chiêm bao’. Còn chuyện đời Thánh Giuse là bạn trăm năm của Đức Maria thì luôn gắn liền với những giấc mơ trong khi ngủ, qua đó Chúa tỏ cho ông biết ý định nhiệm mầu và khi thức dậy thánh nhân đã mau mắn thi hành.

Tôi muốn dùng từ ‘giải mộng’ để nói về khả năng đọc được điều huyền nhiệm trong cuộc sống trần tục, nhìn được ý Chúa trong các biến cố xảy ra giữa đời thường. Khả năng nầy liên quan mật thiết đến một ân điển Chúa Thánh Thần: đức khôn ngoan. Vua Salomon đã xin cho được ơn khôn ngoan để biết cai trị dân Chúa. Chúa rất hài lòng nên đã ban cho ông không những được khôn ngoan mà còn được thêm giàu có. Thánh Augustinô có một lời cầu xin thật tuyệt vời: “Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa”.

Con người có những ảo mộng về mình và về thế giới vật chất quanh mình, nhầm lẫn về giá trị cuộc sống và những động lực thúc đẩy mình hành động. Bởi đó rất cần một khả năng giải mộng. Có những người được gọi là chuyên gia giải mộng đúng nghĩa, trong Cựu Ước có thể kể đến ông Giuse và ông Đaniel. Có những người có biệt tài nhìn những dấu hiệu xảy ra trong hiện tại để đoán định tương lai, đó là những nhà tiên tri và những nhà quân sư. Nhưng để sống trọn kiếp người mỗi người đều phải có khả năng suy xét để đọc được những dấu ấn Thiên Chúa để lại trong thiên nhiên và trong chính lương tâm mình để tìm ra chân đích của kiếp người: mình phát xuất từ Chúa và sẽ trở về với Ngài. Đời người tuy ngắn ngủi nhưng cũng thật là dài với những vui buồn sướng khổ, nên việc giữ được niềm tin vào Chúa - đọc được ý Ngài và khiêm tốn vâng theo không phải là điều luôn dễ dàng, nhất là lúc gặp chông gai. Xin đan cử vài phương thức thông thường phải theo để giải mộng cuộc sống hầu tìm ra được ý Chúa:
-Kiên trì cầu nguyện và bàn hỏi với người khôn ngoan.
-Hãy nhớ lại lịch sử đời mình để thấy những dấu ấn rõ ràng của tình thương Chúa.
-Hãy luôn tin rằng Thiên Chúa là người cha tốt lành và quyền năng, Ngài không cho phép sự dữ xảy ra nếu không dùng quyền năng để rút ra từ đó nhiều sự lành. Cha trên trời biết rõ ta cần gì, ngay cả trước khi ta mở miệng kêu xin Ngài.
-Khi cho phép những điều ‘trái ý’xảy ra, Thiên Chúa có ý để ta bám chặt hơn vào Ngài, để giúp ta từ bỏ dần chính bản thân cũng như những giá trị trần thế - vì sẽ đến một ngày ta sẽ bỏ lại tất cả. Và chính việc ta từ bỏ bản thân là điều kiện để Thiên Chúa làm nên những điều kỳ diệu : “Chính khi tôi yếu là lúc tôi mạnh”.

Hãy học gương Mẹ Maria và Thánh Giuse để nhận ra ý Chúa qua việc suy đi nghĩ lại trong lòng những sự việc xảy đến. Phải biết chăm chú lắng nghe, vì tiếng Chúa nói với ta luôn nhỏ nhẹ qua những biến cố cuộc sống, qua những giấc mơ mà sớm mai ta còn chợt nhớ, qua một cuộc gặp gỡ với ai đó và có lúc chỉ là một câu nói đơn sơ của một em bé.

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Cơn khát hạnh phúc




Đã sinh ra trên đời, ai cũng khát khao hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là gì thì rất khó định nghĩa vì nó mang tính chủ quan của mỗi người. Theo tự điển thì hạnh là cảm thấy thỏa mãn, còn phúc là là điều may lành: hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Theo Kitô giáo, con người được dựng nên để sống hạnh phúc vì được hiệp thông với Thiên Chúa.

Trong tình trạng toàn phúc của ông bà nguyên tổ nơi vườn địa đàng, họ sống thân mật với Thiên Chúa nên có một sự hài hòa với bản thân - với tha nhân và với vạn vật. Nhưng khi mối thân tình với Chúa bị rạn nứt thì tức khắc có sự đảo lộn trật tự ngay trong bản thân và trong tương quan với tha nhân. Cơn khát hạnh phúc cũng từ đó cũng gặp nhiều ảo mộng. Điển hình là cuộc đời của Thánh Augustinô: Augustinô là người mải mê tìm kiếm lạc thú trần gian suốt nhiều năm trường nhưng không gì trên thế gian có thể lấp đầy trái tim khao khát của ngài, mãi đến tuổi 33, nhờ ơn soi sáng và lời nguyện cầu liên lỉ của người mẹ thánh thiện là Mônica, Augustinô mới tìm được Thiên Chúa là Đấng đem lại cho ngài niềm hoan lạc vô biên.  Bấy giờ lòng đầy hoan hỉ, Augustinô thưa với Chúa: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế hồn con mãi thổn thức khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong tay Ngài". Chỉ trong Thiên Chúa, khát vọng của Augustinô mới được lấp đầy.  Quả đúng như Lời Chúa Giêsu nói: "Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại, còn ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa.  Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." (Ga 4,13-14)


Người phụ nữ Samaria cũng là hình ảnh điển hình cho con người mọi thời đại trong việc làm thỏa cơn khát dục vọng của mình: khát tình, khát tiền và khát dục; nhưng cơn khát dục vọng thỏa đó rồi lại khát đó. Phật giáo quan niệm rằng con người khổ là do dục và hạnh phúc là thoát được dục, nghĩa là không làm nô lệ cho dục vọng (diệt dục): hỉ, nộ, ái, ố; còn Đạo Kitô thì dạy rằng con người chỉ được hạnh phúc trọn vẹn khi họ được hiệp thông với Thiên Chúa. Và Mẹ Maria được xem là người có phúc vì có Chúa ở cùng, vì Mẹ đã tin vào lời phán dạy của Thiên Chúa. Mà muốn kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa, con người phải tự thoát với những dính bén trần tục: của cải và danh lợi thú. Chính Chúa Giêsu đã dạy ta con đường dẫn đến hạnh phúc đích thật được gọi là hiến chương nước trời: Phúc cho kẻ nghèo, kẻ hiền lành, kẻ ưu phiền, kẻ có lòng thương xót, kẻ có lòng trong sạch, kẻ khao khát điều công chính, kẻ tác tạo hòa bình và kẻ bị bách hại vì lẽ công chính. Thật là trái ngược với những ao ước của người đời để có hạnh phúc trần tục: phúc cho kẻ giàu tiền của và quyền lực, cho kẻ luôn vui vẻ với đủ thứ đam mê, cho kẻ được người đời ca tụng và nổi tiếng trên truyền thông. Xin Thần Linh Chúa soi sáng để chúng con hiểu được những mối phúc Chúa dạy trên núi Bát Phúc. Sứ điệp mùa chay 2017, Đức Phanxicô chọn chủ đề: “Lời Chúa là một hồng ân, tha nhân là một hồng ân”. Quả đúng như vậy, vì Lời Chúa là một quà tặng dẫn đến sự sống và tha nhân cũng là một quà tặng để ta có cơ hội thực hành đức yêu thương. 


Xin kể ba câu chuyện ‘lạ đời’ có thật. Chuyện thứ nhất kể về anh Jon Watkinson, một giám đốc ngân hàng 27 tuổi, từng kiếm được hơn 75.000 bảng/năm (tương đương 2,5 tỉ đồng), từng sống trong một căn hộ sang trọng giữa lòng thủ đô London, Anh. Người đàn ông sớm thành đạt ấy đã quyết định từ bỏ tất cả để tìm kiếm một cuộc sống bình yên hơn trên một hòn đảo biệt lập ở miền nam nước Lào.
Anh là Jon Watkinson, hiện giờ 31 tuổi. Cách đây 4 năm, Jon từng mua vé một chiều tới Bangkok, rồi đi du lịch các nước Đông Nam Á. Kết thúc chuyến đi, anh quyết định định cư lại trên hòn đảo Don Det nằm trên sông Mekong, đoạn chảy qua miền nam nước Lào.
Giờ đây, đã 4 năm trôi qua và Jon không hối tiếc về quyết định của mình, anh nói rằng anh chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như bây giờ. Cuộc sống của Jon giờ đơn giản hơn rất nhiều, hàng ngày anh tự đi bắn chim, bắt cá, bẫy ếch làm thức ăn, tắm rửa ở ngoài sông và sống mà không cần đến những thiết bị điện tử thông minh.

Chuyện thứ hai kể về tỷ phú Chuck Feeney, người đã cho đi tất cả tài sản đã kiếm được (Khoảng 8 tỷ dollars) để cống hiến cho xã hội, riêng cá nhân hai vợ chồng ông vẫn sống đơn sơ trong một căn Apartment thuộc loại tầm thường tại thành phố  San- Francisco.
Quan niệm sống của ông Chuck Feeney:  "Mỗi người đều là trần trụi sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo tài phú và danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm cả đời." Sự cao thượng tâm hồn nằm trong tấm lòng mà không phải ở quần áo bên ngoài. Xem ra Ông này còn là bậc thầy của Bill Gates nữa.

Chuyện thứ ba là về Thánh Antôn Ẩn Tu. Gia sản tổ tiên để lại rất nhiều đất đai. Thánh nhân được ơn Chúa thúc đẩy hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa, nên đã bán đất đai và phân phát cho người nghèo để lòng không còn dính bén với những bận tâm về của cải.

Mừng lễ thánh quan thầy Giuse, Ngài là mẫu gương các nhân đức: Khó nghèo, vâng theo ý Chúa, phó thác, cầu nguyện, hy sinh và chuyên cần. Tôi cứ tự hỏi tại sao người ta cứ ngại nói về hai chữ khó nghèo? Hoặc là từ này khó hiểu hay không hợp thời. Trong bài hát Thánh Gia, người ta muốn thay chữ ‘khó nghèo’ bằng những từ hiện đại hơn như: thanh bần, đơn hèn. Thánh cả Giuse rất nổi bật về nhân đức khó nghèo: sống đơn giản và đạm bạc, ít cậy dựa vào của cải để bám chặt hơn vào Thiên Chúa, dùng lao động như phương tiện thánh hóa bản thân và để liên đới với anh chị em mình. Xin Thánh cả Giuse giúp chúng con xác tín rằng: dù hoàn cảnh nào, con người chỉ thỏa mãn được cơn khát hạnh phúc khi dính chặt đời mình với Thiên Chúa và luôn biết vâng theo ý Ngài.
(Bài viết có sử dụng tư liệu giảng tĩnh tâm của cha Phaolô Nguyễn Thư Hùng cho hội Gia trưởng Vinh Hương năm 2017)

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Sống có trách nhiệm





Một trong những biểu hiện của người có giáo dục và trưởng thành về nhân bản là tinh thần trách nhiệm. Theo tự điển thì đó là việc chu toàn bổn phận được giao phó, sẵn sàng lãnh nhận hậu quả về lời nói và việc làm của mình. Việc đào tạo nhân bản luôn nhấn mạnh đến sự trung thực, sống theo lương tâm, tinh thần trách nhiệm. Kinh nghiệm và thời sự cuộc sống cho thấy rằng đất nước chúng ta đang rất tụt hậu về giáo dục nhân bản, nhất là việc chịu trách nhiệm của tầng lớp lãnh đạo cũng như trong đời sống dân sự.

Trong một bản tin thời sự mới đây cho biết: tại Nhật bản, hằng năm số tiền rơi vãi được giao nộp cho cơ quan thẩm quyền lên đến 32.000 dola Mỹ, 75% số nầy được các người chủ nhận lại và người Nhật được giáo dục từ nhỏ để không tham của rơi. Thử nghĩ ở Việt Nam mình làm gì có chuyện đó, chỉ có mấy em cấp 1 còn đơn sơ thôi. Bản tin thời sự thứ 2 là mới đây, bà tổng thống Hàn Quốc bị truất phế vì bị cáo buộc là phải chịu trách nhiệm về việc làm của một người bạn. Điều nầy nói lên rằng: một hành động xấu nghiêm trọng xảy ra thì phải có người chịu trách nhiệm, không được đun đẩy lằng nhằng từ trên xuống dưới – từ trái sang phải.

Khi nói về hiện trạng phá thai nhiều đang xảy ra ở Việt Nam, người ta nghĩ là do thiếu hiểu biết về giới tính và họ đem chương trình giáo dục giới tính vào học đường. Việc đó là cần thiết và tốt, nhưng không đầy đủ vì thiếu khía cạnh đạo đức: Mỗi người phải chịu trách nhiệm về hành vi tình dục đối với người kia và chính mình, chuyện tình dục chỉ được phép trong hôn nhân, có mối giao tiếp lành mạnh và trong sạch sẽ bảo đảm hạnh phúc sau nầy và là một trong 8 mối phúc. Hằng ngày chúng ta phải chứng kiến những lời nói sai sự thật của nhau là do ‘tật bốc phét’, do thiếu tinh thần trách nhiệm và do có thủ đoạn nào đó. Biết bao hành vi xấu vẫn xảy ra mà chẳng có ai chịu trách nhiệm, lâu ngày tạo một thói quen xấu: cứ chối phắt ngay khi mọi việc xảy ra ‘Không phải tôi’ là êm ru.

Nhưng giáo dục Kitô giáo thì không được như vậy, vì Chúa biết mọi sự cả nơi kín ẩn và Chúa sẽ xét xử mọi việc khi đến giờ ta đến trình diện Ngài: mỗi người phải chịu trách nhiệm về những nén bạc được giáo phó để sinh lợi, về suy nghĩ - lời nói và việc làm, về cả những việc tốt không làm. Tôi phải chịu trách nhiệm chu toàn bổn phận của một người lãnh đạo cộng đoàn, vai trò làm cha mẹ, của một người công dân và của một cá thể với cộng đồng nhân loại.

Bởi đó, con đường nên thánh là mỗi ngày tôi cố gắng chu toàn bổn phận mình trong tình yêu mến Chúa và tha nhân. Trong từng gia đình, hãy luôn đề cao tinh thần trách nhiệm: trung thành với lời hứa, với quyết định mua sắm một món đồ hay một chọn lựa cuộc sống, về lời nói xúc phạm đến tha nhân hay một hành vi sai trái. Chính sự trung tín và sống có trách nhiệm sẽ đưa đến cho ta nhiều cơ hội thành công không ngờ và được chính Chúa ban thưởng sau nầy.

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

Hãy vâng nghe Lời Người




Đây là một lệnh truyền quan trọng được trời cao tuyên phán 2 lần trong Tân Ước: một lần khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giodan và một lần khi Chúa biến hình trên núi Tabor. Vâng nghe theo Lời Chúa Giêsu cũng là lời nhắn nhủ của Mẹ Maria tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo”. Và chính Chúa Giêsu đã nhiều lần nói tới tầm quan trọng của việc vâng nghe Lời Chúa dạy: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi. Kẻ vâng nghe Lời là kẻ khôn ngoan xây nhà mình trên đá”.

Thế nhưng, con người luôn bị cám dỗ nghe theo những lời đường mật của người đời và chạy theo một lối sống dễ dãi hơn là trung thành với những cam kết dấn thân lâu bền; thỏa mãn những mục tiêu trước mắt hơn là hướng tới những mục tiêu siêu nhiên trên trời; thỏa mãn đam mê và ý riêng hơn là tìm kiếm ý muốn của Chúa.

Ông Ab-ram được gọi là cha của kẻ tin và được kể là người công chính, vì ông đã vững lòng trông cậy vào lời hứa của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúa nói với ông rằng: “Hãy rời bỏ xứ sở ngươi để đi đến đất hứa. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, Ta sẽ chúc phúc cho ngươi”. Chỉ có vậy thôi. Vị Thiên Chúa đó, ông chưa hề giáp mặt và cũng chưa có kinh nghiệm về Ngài, và hoàn cảnh ông lại rất éo le: cả hai ông bà đã già mà chưa có con, ông phải bỏ xứ ra đi một mình, được một mụn con thì Chúa lại bảo giết đi mà sát tế… vậy mà ông vẫn vững tin. Và rồi chính mắt ông đã được nhìn thấy lòng trung thành của Chúa.

Lời Nguyện của CN II MC xin rằng: Xin cho ánh sáng của Lời Chúa mở mắt tâm hồn chúng con để nhận ra sự biến hình của Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Điều nầy muốn nói lên rằng: Thiên Chúa vẫn hiện diện trong cuộc sống từng người và vẫn hành động trong thế gian nầy một cách cụ thể, một sự chăm sóc của người Cha nhân lành dành cho con cái mình; thế nhưng cặp mắt của ta dường như bị mù và không nhận ra dấu vết của Người. 

Trong sứ điệp mùa Chay 2017, Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh đến việc lắng nghe Lời Chúa. Xin trích 2 đoạn như sau: Mùa Chay là mùa thuận lợi để đi sâu vào đời sống thiêng liêng nhờ những phương tiện thánh hoá Giáo hội đã đem đến cho chúng ta: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Nền tảng của mọi sự là lời Chúa, mà trong mùa này, chúng ta được mời gọi chuyên chăm lắng nghe và suy ngẫm. Giờ đây tôi muốn nói đến dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô (x. Lc 16,19-31).  Gốc rễ của mọi bất hạnh của người giàu có là không chịu nghe lời Chúa. Kết quả là ông không còn yêu mến Thiên Chúa và càng ngày càng khinh miệt người thân cận của mình. Lời Chúa thì sống động và mạnh mẽ, có khả năng biến đổi những cõi lòng và đưa chúng trở về với Chúa.

Trong 4 năm trên cương vị Giáo Hoàng, Đức Phanxicô đã nhiều lần phân phát Kinh Thánh Tân Ước cho khách hành hương và khuyến khích mọi người đọc mỗi ngày một đoạn Kinh Thánh hoặc đọc theo thứ tự của sách. Và mới đây, Ngài có một so sánh rất thú vị: Nếu bạn đi đâu đó mà quên mang theo sách Thánh thì hãy trở về lấy, giống như khi quên smart phone vậy, và hãy đọc sách đó nhiều lần trong ngày.

Vấn đề của người tín hữu Việt Nam hôm nay là không đọc Kinh Thánh, không gẫm suy và không để cho Lời Chúa hướng dẫn đời mình, nên nhiều người có lối sống như dân ngoại. Xin đan cử vài ví dụ. Khi trong nhà có việc trọng đại nào đó thì người tín hữu thay vì tin cậy và phó thác mọi sự cho Chúa thì lại mời thầy cúng về nhà để xông đất và xem quẻ. Nhiều người có con cái lớn đến tuổi lập gia đình, vậy mà lại lý luận theo lối ‘sống thử’: “thời bây giờ có bầu trước là chuyện bình thường vì thiên hạ đầy dẫy ra, mà có bầu trước đỡ lo hơn là lấy về mà không có con, thà lấy người ngoại mà họ giàu còn đỡ khổ hơn lấy phải anh nghèo”. Đúng là một quan niệm sống quá thực dụng và thiếu mất chiều sâu của Lời Chúa.

Chuyện kể rằng: Có một anh nghiện rượu muốn chừa bỏ tật xấu, anh tìm đến một vị tu sĩ để xin sự giúp đỡ. Vị tu sĩ mới bảo anh: “Mỗi ngày hãy đọc một đoạn Lời Chúa, dù không hiểu cũng cứ đọc”. Chỉ một tuần sau, anh trở lại gặp vị tu sĩ để xin đổi một việc khác, vì anh chẳng hiểu gì cả. Vị tu sĩ bảo: “Anh cứ đọc tiếp. Anh không hiểu, nhưng ma quỷ thì nó hiểu và nó đang run sợ”. Anh làm theo và anh đã bỏ được thói nghiện rượu.