Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên

 



Trong giáo lý Ki tô giáo, có những chủ đề mà người ta ngại nói vì nói mãi đến chết cũng không vượt thắng được, và vì nó trái ngược với khuynh hướng tự nhiên của con người. Có thể kể đến vài chủ đề: đau khổ và thập giá, hạ mình xuống (khiêm tốn), phục vụ. Tuy khó nói, nhiều người đã nói và khó thực hiện, nhưng vì đây là những chủ đề quan trọng và then chốt trong đạo, nên cứ phải nói để khuyến khích nhau tìm kiếm sự trọn lành. Hôm nay chúng ta sẽ bàn về câu nói của Chúa Giê su: “Hãy ngồi vào chỗ cuối, vì ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,11).

Chúa Giê su không đưa ra một lời khuyên cho những bữa tiệc trần gian và cách ứng xử nhún nhường để lấy lòng người đời. Chúa muốn nói đến thái độ phải có để dự phần vào bữa tiệc thiên đàng: Chúa là ông chủ sẽ mời những kẻ, khi sống ở trần gian, có lối sống khiêm nhường - trở nên nghĩa thiết với Ngài trên nước trời. Vì sao? – vì họ trở nên giống Chúa Giê su, Đấng đã tự hạ đến tột cùng khi nhập thể làm người, Chúa đã sống âm thầm trong 30 năm trời – làm nghề thợ mộc để mưu sinh, đã chết vì vâng ý Cha – để loài người được cứu sống. Thời đại hôm nay, ta dễ nghĩ rằng: sống tự hạ thật khó, vì chỉ có đói! Chúng ta thử quan sát một cuộc tụ họp thì sẽ rõ: ai cũng tô vẽ cho mình được đẹp hơn, tài hơn, có công cho đời và cho đạo hơn, làm ăn thu nhập cao hơn… con người thật của mình, để dễ bề làm ăn và để tìm kiếm tiếng khen. Không chỉ người Việt mình đề cao cái tôi, mà bất cứ ai trên trần gian đều bị cám dỗ tự tôn mình lên: không lệ thuộc thần minh (vô thần lý thuyết hoặc thực hành) và tự lập (bất cần ai). Thời đại nào cũng xuất hiện những triết thuyết nói với nhân loại rằng: "chẳng có chúa nào hết – mọi sự tự nhiên mà có – Thiên Chúa đã chết (xưa rồi, thuộc về quá khứ) – Chúa không tạo dựng con người theo hình ảnh Chúa mà con người tạo dựng nên Chúa theo hình ảnh mình - con người trói buộc mình vào vị Chúa mà họ tạo nên, thật đáng thương cho sự vong thân và mất tự do của kẻ tin vào Thượng Đế!".  Đó là cái bệnh của người lớn, nên Chúa đã nói: nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ thì chẳng vào được nước trời.

Cơn cám dỗ triền miên của con người là quá bám víu vào trần gian đến nỗi quên mất lối về trời. Khi nói về của cải, Chúa nói: các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được, vì nó sẽ mến chủ này mà khinh chủ nọ. Khi nói về thói ham danh và khoa trương, Chúa nói: Khốn cho các ngươi là những người biệt phái giả hình, các ngươi ham chỗ nhất và được trọng vọng; nếu khi cầu nguyện, ăn chay và bố thí mà để phô trương, thì các con đã lãnh hết phần thưởng và mất công phúc rồi. Khi nói về thái độ tỉnh thức, Chúa nói: ông Chủ về bất ngờ, cửa sẽ đóng lại, những kẻ ham mê sự đời và không tỉnh thức sẽ kêu gào trong tuyệt vọng. Chúa dạy người con cái Chúa phải biết luôn hướng đôi mắt về quê trời, vì trời đất sẽ qua đi - chúng ta chỉ mang theo được một thứ duy nhất, đó là những gì chúng ta đã cho đi. Đoạn kết của bài Tin Mừng nói với chúng ta rằng: hãy làm phúc cho người nghèo thì Cha trên trời sẽ thưởng công, Chúa sẽ rộng rãi với ta không chỉ ở đời sau mà ngay ở đời này. Một nhà tu đức nêu lên những điều kiện quan trọng khi cầu xin, để được Chúa nhận lời thì phải có: đức tin, sự tha thứ, kiên trì, quảng đại, tự thoát...

Bản tính con người là yếu đuối, Chúa biết điều đó và con người cũng nhận ra sự bất toàn và những cơn cám dỗ liên miên của mình: đam mê của con mắt, đam mê của xác thịt và lòng kiêu hãnh về của cải. Điều quan trọng là cậy dựa vào ơn Chúa để bắt đầu lại và mỗi ngày tiến bước về phía trước. Có một tu sĩ tham dự rất nhiều cuộc tĩnh tâm, lãnh hội được khoảng 100 tư tưởng tốt lành để nên thánh, ông ta cầu xin Chúa ban cho mình sức mạnh để thực hiện ít là một điều tốt lành đó vào cuộc sống. Mỗi người chúng ta cũng vậy, biết bao sách tu đức, sách Kinh Thánh, sách GLHTCG, biết bao sứ điệp của các vị Giáo hoàng … đầy dẫy trong tâm trí và trong máy, trong tủ sách. Và nếu nhắm mắt lại, chúng ta cũng biết con đường nên thánh là yêu mến Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình và như Chúa yêu tôi. Ấy thế, ở khía cạnh khác của cuộc sống, từng giây phút ta cứ bị cám dỗ phình to cái tôi của mình, mong được người đời kính trọng, ham danh lợi thú. Tất cả cuộc đời ta tùy thuộc vào ơn Chúa, vào việc bám chặt và kết hợp với Chúa. Chính tình yêu Chúa và ơn Chúa giúp ta sống tốt từng ngày: Xin Chúa giúp con, kẻo nguy mất.



Tôi còn nhớ có vị linh mục đã hôn chân 12 tông đồ trong nghi thức rửa chân, tôi nhớ Đức Phanxico cũng thường hôn chân các phạm nhân trong nhà tù, tôi nghĩ đến biết bao người bị những oan ức và khổ tâm vào lúc cuối đời, tôi nghĩ đến những người già – tủi thân vì con cái lãng quên, chịu mang thương tật để phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của con cái- sự bất lực đó cũng là một sự tủi nhục… Tất cả là cơ hội để con người học được sự tự hạ, để rồi ông chủ sẽ đưa họ lên cao trong bữa tiệc nước trời.

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

Công bằng và thương xót

 



Dụ ngôn người công nhân giờ thứ 11 luôn làm cho chúng ta sửng sốt mỗi lần nghe lại. Tại sao lại có một sự bỡ ngỡ và ngạc nhiên nảy sinh trong tâm trí ta? – Thưa, vì mọi lý luận của con người thường dựa vào sự công bằng, còn suy nghĩ mà Chúa lại dựa vào lòng thương xót. Dụ ngôn này làm ta liên tưởng đến câu chuyện người trộm lành: đến giờ chết mà vẫn còn trộm được thiên đàng, quá may mắn và quá dễ dàng.

Chúng ta được dạy rằng: phải thực thi công bằng trước khi nói đến bác ái, thương xót. Công bằng được định nghĩa là theo đúng lẽ phải, không thiên vị. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa công bằng khi trả công đầy đủ cho những kẻ làm sớm, nhưng Ngài lại thương xót khi cư xử rộng rãi với những kẻ chỉ làm có 1 giờ đồng hồ. Câu chuyện người công nhân giờ thứ 11 làm ta liên tưởng đến đoạn Mt 25, nói về đề thi của ngày phán xét: Chúa không hỏi ta đi lễ - đọc kinh nhiều hay ít, bằng cấp, thành công, của cải, nổi tiếng … mà chỉ hỏi ta có biết thương xót tha nhân như Chúa không? Dĩ nhiên, giới răn thứ nhất và quan trọng nhất dạy rằng : phải kính mến Chúa trên hết mọi sự và trên hết mọi loài. Lòng kính mến Chúa thúc đẩy chúng ta đến nhà thờ để gặp gỡ Ngài, múc lấy nguồn sức sống và học nơi Ngài tấm lòng thương xót, để có thể nhìn thấy Chúa nơi tha nhân và yêu thương họ. Nhiều người cho rằng cốt lõi của đạo là sống bác ái, họ nói đạo tại tâm nên bỏ luôn nhà thờ; kẻ khác lại cho rằng đạo nào cũng như đạo nào, vì đạo nào cũng dạy ta ăn ngay ở lành, vì vậy thờ thần nào cũng được! Đừng quên rằng: đạo Ki tô không phải là giáo thuyết trừu tượng mà là đi theo Một người và sống với Đấng ấy như một Bản Vị, và rằng Chúa dạy ta phải yêu Ngài trên hết mọi sự và hơn mọi người.

Dòng đời như thác lũ, dễ nhấn chìm bao tâm hồn vào trong vòng xoáy của nó, làm cho bao sinh linh trở nên cứng cỏi và không còn biết thương xót tha nhân. Thỉnh thoảng,Thiên Chúa tốt lành vẫn gửi những lời nhắc để lòng trắc ẩn còn có cơ hội hồi sinh. Chúng ta vẫn nghĩ rằng xã hội VN đã trở nên vô cảm trầm trọng, người lương thiện đã tuyệt chủng, lòng người cong vẹo như đuôi chó – dù có nắn thẳng rồi nó lại cong như cũ. Không nên bi quan như vậy, xã hội vẫn có những người tốt biết ra tay cứu giúp người khác, và khi ta bỏ qua một cơ hội giúp đỡ ai đó trong khả năng của mình thì lương tâm sẽ ray rứt mãi, đó là hoạt động của Thánh Thần.

Nhiều người có dịp ghé thăm giáo xứ Vinh Hương và tham dự thánh lễ ngày thường, họ khá ngạc nhiên khi thấy số người tham dự Thánh lễ quá đông, chứng tỏ là ở nhiều xứ đạo khác không được như vậy. Có hôm cha xứ nói về tình trạng cha mẹ lơ là trong việc giáo dục con cái về đức tin, biểu hiện là không thúc giục con cái tham dự phụng vụ - học giáo lý - cổ vũ những giá trị Tin Mừng. Đừng nghĩ rằng mình nuôi con lớn lên và học hành là tròn bổn phận, bổn phận giáo dục đức tin cho con cái rất quan trọng và nặng nề mà cha mẹ phải trả lẽ trước mặt Chúa, cha mẹ phải làm gương – cầu nguyện – học hỏi để có kiến thức mà truyền đạt. Bạn nghĩ gì khi nhìn những con ong hút mật hoa? – Có những loại cây đậu trái nhờ ong thụ phấn, nhưng cũng có những loại hoa được trời ban cho ong làm nguồn sống: con ong vô tư hút mật từ hoa, khi đến thờ phượng Chúa, chúng ta múc lấy nguồn sức sống từ Ngài, chẳng thêm gì cho Chúa và đừng bao giờ kể công với Chúa, bạn nhé.



Câu chuyện Tin Mừng nói với ta rằng: Chúa đến với ta từng ngày, Chúa ban phúc lành cho ta, Chúa yêu ta vô bờ bến… không phải do ta dễ thương, nhiều công đức và lắm nhân đức, mà chỉ do lòng thương xót mà thôi; và khi Chúa gọi ta về bên Ngài, chúng ta hy vọng sẽ chứng kiến nhiều tiếng reo hò sung sướng ở cổng thiên đàng, kiểu như người trúng số độc đắc: Chúa không xét xử ta theo công trạng mà theo lòng thương xót của Ngài. Tôi cứ suy đi nghĩ lại những thắc mắc người ta đặt ra cho Chúa Giê su ở trong Tin Mừng, thì thấy một câu hỏi được xếp vào loại hay nhất và hóc búa nhất là: “Có phải có rất ít người được cứu độ?”- Chúa Giê su lảng tránh câu hỏi đó, Ngài trả lời: “Hãy cố gắng mà vào cửa hẹp”; giả sử hôm ấy Chúa trả lời ít hay nhiều thì con người tha hồ tính toán! Tôi bỗng nhớ lại lời của cha Tổng đại diện Stephano: “Nếu tin rằng Thiên Chúa tuyệt đối công bằng thì có lẽ Thiên đàng sẽ rất vắng vẻ, mà nếu tin rằng Thiên Chúa rất mực nhân từ thì hỏa ngục sẽ vắng tanh”. Trong cuộc lữ hành đức tin, Thiên Chúa luôn dành lại cho Ngài những bí mật, được ví như không khí cần thiết cho đức tin của chúng ta có cơ hội lớn lên. Hãy suy nghĩ về cuộc đời ông Abraham và của Mẹ Maria, các vị cứ vững tin vào Chúa mà chẳng biết trước tương lai.

Cha Anthony de Mello nói rằng: “Một em bé với bàn chân nhỏ xíu và yếu ớt của mình, không thể đến với mẹ mình, nhưng em vẫn có thể lết tới, gào lớn và khóc lóc vì mong nhớ mẹ. Khi ấy người mẹ thương hại đứa con nhỏ, đồng thời cảm thấy sung sướng vì con khao khát mình. Thế là, dù đứa trẻ không đến được với người mẹ, người mẹ cũng vội chạy đến để bế em lên và âu yếm em”. Đó là hình ảnh hành trình đức tin của chúng ta: hãy khao khát yêu mến Chúa, hãy thể hiện tình yêu của mình bằng cách tìm gặp Ngài hết sức có thể, và phần còn lại cứ để cho lòng thương xót Chúa lo liệu.

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

Trẻ nhỏ

 



Trong Tin Mừng, có một chủ đề mà thỉnh thoảng chúng ta được nghe tới, đó là trở nên như trẻ nhỏ: “Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con không vào được nước trời”. Điều đáng thương là khi lớn lên thành người lớn, chúng ta không còn giữ được tâm hồn của những trẻ nhỏ. Vậy đâu là những điểm đặc trưng của tâm hồn trẻ nhỏ?

Đơn sơ, thật thà. Cha ông thường bảo: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Thỉnh thoảng, chúng ta ngạc nhiên vì gặp những đứa trẻ khôn trước tuổi, chúng nói năng có tính toán y như người lớn; không phải là chỉ số IQ của những đứa trẻ này cao hơn bình thường, nhưng có lẽ chúng học được từ người lớn và từ môi trường sống: trẻ em thành phố thường mạnh dạn và khôn hơn trẻ cùng tuổi ở thôn quê là vậy. Sự đơn sơ của trẻ em biểu hiện qua việc không lo lắng về cuộc sống, chỉ vui hưởng hiện tại mà dễ quên những chuyện quá khứ và chẳng  nghĩ nhiều về tương lai, bởi đó trẻ em cười nhiều gấp 3 lần người lớn – giận đó rồi quên đó. Trái lại, người lớn học được cách che đậy suy nghĩ và hành động của mình, có khi nói một đàng làm một nẻo, mưu lược tính toán gài bẫy người kia, tính toán trước đường đi nước bước kiểu như chơi cờ. Tâm hồn người lớn sôi sục những đam mê làm giàu, quyền lực, tình dục, vô cảm, bạo lực, giết người, trộm cắp. Chúa dạy ta : "Có thì nói có, không thì nói không" ; "Kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được lên núi Chúa".

Tin tưởng. Trẻ em tin tưởng phó thác cuộc đời cho cha mẹ định liệu. Thiên Chúa cũng muốn chúng ta tin tưởng vào Ngài như 'em thơ nép mình lòng mẹ', nhưng con người không muốn như vậy, con người muốn tự lập và tự lo liệu cho mình, xua đuổi Thiên Chúa như một sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhiều triết gia vô thần cho rằng: niềm tin vào ông trời khiến con người vong thân, đánh mất chính mình, kìm hãm sự lớn lên và tự do của con người. Ngay trong đời sống thiêng liêng, nhiều khi chúng ta cũng cậy dựa vào nỗ lực bản thân quá nhiều, gồng mình để lớn lên và có sự tiến bộ trên bậc thang nhân đức, mà ít cậy dựa vào ơn Chúa. Có câu chuyện kể về một người tu sĩ trẻ và vị thiền sư: Người tu sĩ trẻ rất nhiệt tình, nỗ lực để có những bước tiến trong đời sống thiêng liêng. Sau một năm tu trì, vị thiền sư truyền lệnh cho người học trò báo cáo cho mình những tiến bộ thiêng liêng của trò, vị này viết: “con cảm nghiệm được sự tiến bộ của tâm hồn vì nhận ra sự hiện diện của Thượng Đế nơi vạn vật và tràn ngập vũ trụ”, vị thiền sư tỏ vẻ không hài lòng, ông ném tờ báo cáo vào một góc nhà; đến năm sau, bản báo cáo của người môn đệ viết: ”con cảm thấy có sự hòa nhập của tâm hồn vào vũ trụ và những nhịp điệu sinh hoạt của thiên nhiên”, người thầy lại cũng tỏ vẻ không bằng lòng; đến năm sau và vài năm sau nữa, người học trò chỉ nộp giấy trắng, người thầy yêu cầu người học trò trình bày sự tiến bộ thiêng liêng, thì nhận được câu trả lời: “Thưa thầy, bây giờ con không quan tâm đến sự tiến bộ nữa, con chỉ biết sống tốt giây phút hiện tại và làm tốt công việc đang làm”. Người thầy trả lời: “Con đã đạt được mức độ chân tu rồi đó”. Chúng ta hãy biết rằng người con được cha mẹ thương yêu cách vô điều kiện chỉ vì nó là con mình, không phải vì nó có công hay giỏi, và chính đứa con hư hỏng xa nhà lại được cha mẹ lo lắng không nguôi. Đối với Chúa cũng vậy, tình thương Chúa dành cho từng người là một tình yêu nhưng không (gratuit, vô điều kiện), đừng nghĩ rằng mình được yêu vì có công – có tài -  vì mình xứng đáng! Dù tội lỗi thế nào, Chúa vẫn yêu tôi khi tôi trở về trong vòng tay Ngài. Còn một điều nữa phải học nơi trẻ là biết mơ ước, tin vào phép lạ và sự can thiệp của trời cao: người lớn chúng ta dễ nhìn cuộc đời quá trần trụi, quá thực dụng khi nghĩ rằng ‘có làm có hưởng, bàn tay ta làm nên tất cả - có sức người sỏi đá cũng thành cơm’. Một nhà tu đức đã nói: đôi bàn tay giơ lên cầu nguyện sẽ nhận được những điều mà đôi bàn tay nặn đầu bóp trán không nhận được! Thánh Phaolo nói: bạn có gì mà không phải là đã nhận lãnh?



Yêu mến. Trẻ con yêu cha mẹ rất nhiều, khăng khít gắn bó với cha mẹ. Tâm lý học cho biết những trẻ em thiếu cha và nhất là thiếu mẹ từ nhỏ chịu những tổn thất tâm lý nặng nề, đến nỗi sau này khi lớn lên dù có được bù đắp bao nhiêu cũng không thể lấp đầy những tổn thương đó, trẻ sẽ thiếu niềm tin vào cuộc đời và vào bản thân. Khi lớn lên, nhiều người học được tính so sánh để kém yêu cha mẹ mình, học được tính tham lam để tẩy chay cha mẹ mình vì cư xử thiếu công bằng (theo cách nghĩ chủ quan của con cái), học được tính ích kỷ để ruồng bỏ cha mẹ khi không còn lợi lộc gì để kiếm chác. Nói đến trẻ nhỏ, chúng ta không thể không nghĩ đến một sự kiện trong Giáo hội: rất nhiều vị thánh trẻ (tôi vẫn nghĩ phải đến 50% các vị thánh là thánh trẻ từ 10-40 tuổi), nổi bật là Thánh Tiến sỹ Tê rê xa Hài Đồng. Đặc điểm chung là các vị thánh này không có nhiều đóng góp xây dựng nhưng lại dạt dào lòng mến. Ví dụ như Thánh Tê rê xa, ngài mong ước được làm linh mục để đi truyền giáo, mong được sang nhà kín ở Hà Nội, ước được xuống luyện ngục đền tội để cứu được nhiều linh hồn … chẳng mơ ước nào thành sự cả, nhưng chính lòng mến được thể hiện qua những mơ ước đó và nhất là qua những hy sinh nhỏ hằng ngày đã trở thành một linh đạo mới – dễ dàng và phù hợp cho mọi người có thể noi gương. Một nhà tu đức đã nói: Chúa Ki tô không cứu thế giới bằng hoạt động, nhưng bằng thập giá.

Để vào được Nước Trời, để làm người lớn nhất trong Nước đó,

cần trở nên như trẻ thơ, tay trắng, không tự hào, tự mãn về mình,

không cậy dựa vào đạo đức của bản thân, nhưng vào tình thương của Chúa. Và luôn mơ ước về cõi thiên đàng.

 

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Tha thứ cho anh em (Mt 18,21-34)

 



Thật không ngờ câu chuyện được chúa Giê su kể hôm  nay là một trong những dụ ngôn về nước trời, nói về sự rộng lượng bao la của Thiên Chúa và sự hẹp hòi của lòng dạ con người. Dụ ngôn rất dễ hiểu và giáo huấn rất rõ ràng: Cha trên trời cũng đối xử hà khắc với từng người chúng ta nếu mỗi người chúng ta không hết lòng tha thứ cho anh em mình. Và vì là dụ ngôn nên có những tình tiết câu chuyện mang tính hư cấu.

Có người quy đổi 10.000 nén vàng/ 100 quan tiền thành 160.000 năm/ 3 tháng (giá công nhật ngày ấy là 1 quan/ ngày). Món nợ khổng lồ, nếu chủ không tha thì dù có bán hết tài sản vợ con cũng không thể trả đủ, sự tha thứ vô bờ bến ấy tượng trưng cho tình thương Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta, từ khi mở mắt chào đời cho đến ngày lìa thế ; câu nói vĩ đại nhất và đẹp nhất của Chúa Giê su : “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Câu nói này đã được biết bao vị thánh tử đạo thốt lên trước khi lìa đời. Ước gì chúng ta cũng học để biết lặp lại nhiều lần trong cuộc sống. Các nhà tu đức dạy rằng: mỗi lần bị xao động vì oan ức, hãy ngắm nhìn Chúa Giê su tử giá, bạn sẽ thêm sức mạnh và nhận ra rằng những sỉ nhục ta đang chịu thật nhỏ nhoi và không đáng kể.

Sự tha thứ rất khó. Nhìn vào lòng mình, ta nhận ra rằng : nếu ai đó đối xử bất công và xúc phạm ta, ta sẽ giận chán rồi mới tha thứ dần dần, lâu lâu còn kể lại chuyện bất công như một cách đề cao bản thân. Chúng ta cũng dễ nhận ra rằng: biết bao gia đình tan vỡ, vợ chồng ly dị, chỉ vì không thể tha thứ những phản bội – nhất là tội không chung thủy. Tôi thật sự thán phục những người vợ hoặc chồng, dù biết rõ người phối ngẫu của mình phản bội, nhưng với ơn Chúa – họ vẫn đón nhận người kia về lại gia đình, như không có gì xảy ra. Đó là sự vĩ đại của tâm hồn, họ biết rằng Thiên Chúa đã tha thứ cho mình quá nhiều tội và quá nhiều lần ngoại tình.

Khi bị phản bội và xúc phạm, phản ứng đầu tiên và thường xảy ra là chúng ta giận dữ, không chấp nhận được sự thật. Sự giận dữ đó là bình thường, ngay cả đối với Thiên Chúa thì các nhà tu đức cũng khuyên chúng ta nên để nó được bộc lộ ra như một phương dược chữa lành tâm hồn – thay vì kìm nén lại. Nhưng, những tiến trình kế tiếp mới là quan trọng: cách biểu lộ giận dữ, thời gian hồi phục cảm xúc chuyển từ giận dữ sang bằng lòng và cuối cùng là chấp nhận. Sự giận dữ là của ma quỷ còn sự tha thứ là việc của ơn thánh. Càng tha thứ, con người càng nên giống Thiên Chúa, là Đấng luôn tha thứ cho con người – không mỏi mệt. Tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương, vì tha thứ là yêu thương chính kẻ thù mình. Sự chấp nhận ở đây là một nhân đức: đón nhận ý Chúa, tha thứ như Chúa dạy



Để tha thứ, cần có ơn thánh và lòng tri ân. Mỗi ngày chúng ta đọc kinh cầu nguyện xin muôn ơn lành, vì ý thức rằng ‘không có Thầy, các con không thể làm gì được’, nhưng để có sự tha thứ thì chúng ta phải liên lỷ cầu xin, cầu xin mỗi ngày. Có lời kinh rất đẹp lòng Chúa: “xin cho con biết yêu người khác như Chúa đã yêu con ; xin cho con biết tha thứ cho anh em như Chúa đã tha thứ cho con ; xin con con biết tha thứ hằng ngày”. Để dễ dàng tha thứ cho người khác, chúng ta hãy dựa vào lòng tri ân : nhớ tới những điều tốt đẹp người đó đã dành cho mình. Nếu ta dễ lãng quên muôn ơn lành Chúa ban, quên sự hy sinh nuôi dưỡng của cha mẹ, quên những nghĩa cử hào phóng của bạn bè, quên sự liều thân của những tiền nhân … thì lòng chúng ta sẽ kém hào phóng để rộng lượng với tha nhân và khép lại nơi chính mình, giận dỗi đủ điều – đủ lẽ.

Mỗi ngày chúng ta đều đọc kinh Lạy Cha, và dường như chúng ta đọc bản án cho chính mình, nếu ta không biết tha thứ cho anh em: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ với chúng con”. Điều này có nghĩa rằng: chúng ta đối xử với anh em thế nào, thì Chúa cũng đối xử với ta như vậy. Ước gì chúng ta biết đối xử rộng lượng và sẵn sàng tha thứ cho anh em, để Thiên Chúa cũng xót thương ta như vậy.

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

Kiếp người

 



Nhiều người thầm trách Thiên Chúa vì Ngài cứ nói ẫm ờ về nhiều chuyện, chỉ dùng những dụ ngôn để diễn tả về nước trời, chỉ nói rằng ai theo Chúa thì phải chịu đau khổ như Ngài – mà không cắt nghĩa tại sao, nói về việc cầu nguyện rất dễ dàng -  sao mà thực tế chẳng mấy hiệu nghiệm, nói về 8 mối phúc sao mà nghe ngược đời, và nhất là bí mật ở đời sau: số người trên thiên đàng nhiều hay ít, luyện ngục lâu mau thế nào… khiến con cái Chúa phải động não mới hiểu được phần nào. Nhưng đọc bài Tin Mừng hôm nay (Lc 12,32-48), Chúa Giê su nói rất rõ ràng về kiếp người: cuộc sống trần gian là một cuộc lữ hành hướng về quê trời vĩnh cửu, Chúa sẽ đến – thường là bất ngờ - sau đó là phần thưởng dành cho kẻ tỉnh thức hoặc án phạt dành cho kẻ mê mải sự đời. Dầu vậy, cũng có nhiều kẻ không tin những lời đó và cho là lời hù dọa trẻ con.

Niềm tin vào sự sống đời sau là điều quan trọng để quyết định lối sống cho một con người. Nếu tin rằng có sự sống sau cái chết, có sự thưởng phạt như Ki tô giáo dạy thì con người sẽ không quá bám víu vào trần gian này. Nhưng nếu cho rằng chết là hết, thì dại gì mà không tận hưởng kẻo phí, làm bất cứ điều gì miễn là không bị luật pháp sờ tới, chẳng kể gì đến lương tâm – ai chết mặc ai miễn sao tiền thầy bỏ túi. Niềm tin vào sự sống đời sau là một phần của Đức tin Ki tô giáo, không phải do kiến thức mà có được mà phải do ân ban của Chúa và đức tin này phải được nuôi dưỡng – chả thế mà có biết bao nhiêu người đã mất đức tin, dù là đạo gốc mà có khi cũng mất gốc đạo.

Mỗi người chúng ta chỉ là người quản lý chứ không phải là chủ của cuộc đời, tài sản và mọi sự ta có. Chúng ta được Chúa cho mượn thân xác, khả năng, con cái, tài sản, thời giờ, cơ hội. Ai được trao nhiều thì sẽ bị đòi nhiều hơn. Đừng ghen tị với quân hung tàn, đừng ganh tị với kẻ nhiều tài: kẻ biết ý chủ mà sai phạm điều nhỏ thì còn đáng trách hơn kẻ không biết ý chủ mà sai phạm điều lớn. Đừng kiêu ngạo ỷ tài, ỷ đức mà coi thường người kém hơn mình: con đường nên thánh của mỗi người khác nhau, Chúa không căn cứ vào thành quả mà là nỗ lực, vì ‘’Cha anh em đã khứng ban nước trời cho anh em”. Có câu chuyện kể về gia đình một mục sư: Người chồng mục sư đi giảng đạo ở một thành phố khá xa, người vợ ở nhà có con đau nặng và qua đời, khi người chồng trở về người vợ đón ở xa và hỏi ông một câu: “Nếu ai đó gửi cho chúng ta một vật quý, giờ họ đòi lại thì phải làm sao?”, người chồng trả lời: “thì trả lại cho họ chứ sao”, người vợ mới trả lời: “đứa con yêu quý của chúng ta đã lâm bệnh nặng và chết rồi”.



Vào lúc các con không ngờ thì Con Người sẽ đến. Không phải Chúa có bụng xấu, rình mò như kẻ trộm lúc ta đang phạm tội để bắt quả tang và phạt ta. Chúa chỉ nói rằng: chúng ta thường dễ quên những thực tại siêu nhiên, quên quê trời, chúi mũi vào những chuyện dưới đất, và cái chết thình lình đến - như sợi chỉ bị tay người thợ dệt cắt đứt. Chúa Giê su luôn nhắc ta: “Con lo lắng nhiều chuyện quá, quên đi chuyện sống mối tương quan với Chúa, quên chuyện tìm kiếm sự công chính, quên việc cầu nguyện và lắng nghe Chúa”. Có người quá bận tâm chuyện thỏa đam mê tình dục, chuyện làm giàu, chuyện khoe khoang và chứng tỏ bản thân, chuyện tầm phào trên mạng, chuyện chính trị, chuyện con cái thành đạt… đầu óc họ rối bù như một cái chợ. Có câu danh ngôn: “Kẻ nói nhiều, cho dù nói toàn chuyện tốt, cũng chứng tỏ một tâm hồn rỗng tuếch. Ngẫm sự đời, chúng ta thường thấy: rất ít người linh cảm trước về ngày giờ lìa trần, ngay cả những người bị bệnh nan y cũng có vẻ không biết giờ chết, vì người thân và bác sỹ cũng thường nói tránh đi về thực trạng của bệnh để tạo một niềm hy vọng. Có vẻ Chúa cũng không muốn con người rơi vào cảnh tuyệt vọng – ngay cả khi sắp lìa đời, cái chết thường đến bất ngờ là vì vậy.

Tỉnh thức và trung tín. Đây là từ khóa của bài Tin Mừng hôm nay, phản nghĩa là mê ngủ và không chu toàn bổn phận. Con người luôn đề cao hai chữ tự do. Người đời thường hiểu tự do là được làm theo ý mình muốn, khả năng lựa chọn càng nhiều thì tự do càng  lớn. Người có đạo hiểu tự do là người biết làm theo ý Chúa, thuận theo ý Chúa, mức độ tự do của ta tỷ lệ thuận với chiều sâu của tin- cậy- mến ta đặt nơi Chúa, người tự do thực sự là người biết chấp nhận rằng mình không có tự do tuyệt đối: khi sinh ra đời, ta phải chấp nhận biết bao nhiêu điều ta không có quyền chọn lựa như màu mắt, gene di truyền, nòi giống, dân tộc, sức khỏe, khả năng. Sự tỉnh thức và trung tín Chúa muốn nói là việc luôn tìm kiếm ý Chúa trong mọi sự xảy đến, tận hiến cho Ngài và chu toàn việc bổn phận hằng ngày trong niềm phó thác cho Cha trên trời định liệu.

Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa vì đã cho con được làm người, được quản lý những thứ con đang có, được có cả cuộc đời để yêu mến và phụng sự Chúa. Xin dạy con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. Xin cho con biết hướng nhìn về quê trời là nơi con sẽ cư ngụ vĩnh viễn, sau cuộc sống trần gian – kiếp lữ hành này. Xin ban cho con sự khôn ngoan để biết nhìn thực tại trần gian này với cái nhìn của Chúa, nhìn thấy Chúa nơi anh em để yêu họ nhiều hơn, và nhất là biết sống thân tình với Chúa càng nhiều càng tốt. Amen.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Tìm kiếm Đấng ban quà tặng

 



Một nhà tu đức đã nói: “Bạn đừng tìm kiếm quà tặng, nhưng hãy tìm kiếm Đấng ban quà tặng”. Nhiều người trong chúng ta rất ngại xin ơn, vì điều này phản ảnh não trạng vụ lợi và xem Chúa như ông bụt; kẻ khác lại hướng về lời cầu nguyện trưởng thành hơn như ca tụng, tạ ơn, sám hối; kẻ khác lại rất ngại hình thức khẩu nguyện vì kiểu cầu nguyện này nên dành cho giới bình dân; và rất nhiều người hướng việc cầu nguyện của họ đến việc suy niệm và chiêm ngắm những mầu nhiệm được Chúa diễn tả trong những bản văn Kinh Thánh. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này và cụ thể trong đời sống tâm linh là tìm gặp Chúa Ki tô. Cha Anthony de Mello có những lời rất lạ về việc cầu nguyện là chiếc cầu dẫn ta đến gặp Chúa, Đấng là nguồn mọi phúc lành, là Đấng tặng quà.

Trong Tin Mừng, Chúa Giê su đã lên tiếng trách những thành và những người đã chứng kiến rất nhiều phép lạ Chúa làm nhưng lại không ăn năn hối cải – họ sẽ bị lên án nặng hơn những người được lãnh ít hơn. Điều này cũng đang xảy ra trong cuộc sống: nhiều người cứ tìm kiếm phép lạ, nhưng lại không chịu thay đổi đời sống. Có câu chuyện kể về một người hành khất, được thần báo mộng rằng ngày mai anh sẽ gặp một người có cách ăn mặc và điệu bộ như vậy, như vậy… người đó sẽ cho anh một món quà giúp anh thay đổi hoàn toàn cuộc sống. Đúng như thần báo mộng, trên đường đi khất thực, người hành khất gặp ngay một vị sư đang ngồi thiền, anh ta quỳ xuống xin sự giúp đỡ, nhà sư dường như không mở mắt – tiện tay lấy từ chiếc túi vải của mình một viên ngọc quý và trao cho người hành khất. Anh này quá mừng rỡ, tạ ơn nhà sư và rút êm,vì biết rõ giá trị của món quà, nhưng suốt đêm không ngủ được vì mừng – vì lo – vì nghĩ đến tấm lòng của nhà sư mới là điều khiến anh có thể thay đổi cả cuộc đời. Chờ trời sáng, anh tìm gặp nhà sư để trả lại món quà, anh muốn tìm gặp tấm lòng của đấng tặng quà. Chúng ta cũng nhớ lại câu chuyện 10 người phong cùi được chữa lành, nhưng chỉ có một người trở lại để gặp lại Chúa Giê su để tạ ơn vì nhận ra đây mới là Đấng mở mắt đức tin cho anh. Hãy cầu xin Chúa ban cho mình mọi sự trong cuộc sống, ơn lành hồn xác, nhưng điều quan trọng hơn là hãy tìm gặp Đấng tốt lành, Đấng trọn lành và tin cậy vào Ngài trong mọi sự. Hãy biết rằng: nhiều phép lạ xảy ra là để ta thêm lòng tin vào Cha nhân lành, Đấng luôn gần gũi  chăm sóc và yêu thương ta.

Lời nguyện xin ơn. Hãy xin Chúa Giê su dạy ta cầu nguyện. Những người có một số kiến thức về triết học và thần học thường nghĩ rằng phải tránh xa lối cầu  nguyện xin ơn, nhất là những ơn phần xác và những ơn liên quan đến lợi lộc vật chất như được lành bệnh, được thi đậu, được may mắn, được bằng an… vì những lời cầu xin này quá vụ lợi và coi Chúa như ông bụt hoặc như thần may mắn; những người này thường hướng việc cầu nguyện đến những hình thức cao hơn như suy niệm và kết hiệp với Chúa cách sâu xa gọi là nhiệm hiệp. Khi các môn đệ xin Chúa Giê su dạy cách cầu nguyện thì Chúa đã dạy họ kinh Lạy Cha. Nội dung của kinh này là một chuỗi những lời cầu xin, kể cả những chuyện danh Chúa cả sáng mà cũng phải cầu xin và cả những nhu cầu vật chất và tinh thần của ta đều là những điều ta phải cầu xin mỗi ngày. Chúng ta tin cậy vào Chúa bao nhiêu thì những phép lạ trong cuộc sống xảy ra bấy nhiêu. Nhiều người hầu như không thấy và không tin phép lạ xảy ra mỗi ngày trong cuộc sống mình, vì thực ra họ có mong chờ phép lạ đâu và họ có cầu xin đâu!

Khẩu nguyện, Lời kinh Thánh Danh là cửa ngõ dẫn vào đời sống nhiệm hiệp. Nhiều người nghĩ phải có những xác tín tôn giáo như là con đường cần thiết để nên thánh – bởi đó họ miệt mài suy nghĩ và suy niệm, nhưng thực ra điều cần thiết nhất để nên thánh là quyết tâm, nỗ lực, sức mạnh… là những thứ ta phải tha thiết nài xin Chúa. Ngay cả trong giờ cầu nguyện suy gẫm, nếu chia trí thì hãy lần hạt – đọc kinh cầu Đức Bà, kinh cầu các thánh, kinh lòng thương xót cũng được. Nhiều khi ta suy gẫm mà không cầu nguyện, chính những lời cầu nguyện mang lại cho ta sức mạnh để tiến tới trên con đường nên thánh, dĩ nhiên những suy gẫm và suy nghĩ cũng trợ giúp cho đời sống cầu nguyện. Hãy chọn cho mình những lời cầu xin Thánh Danh, để lặp đi lặp lại trong ngày sống, khi chưa đi vào giấc ngủ, ví dụ: “Chúa Giê su Ki tô, xin thương xót con”; hãy đọc chậm rãi, lời kinh đó sẽ biến đổi cuộc sống ta nên tốt và lành thánh một cách không ngờ. Bạn có thể chọn một lời kinh Thánh Danh  khác cũng được, tùy hoàn cảnh và tâm tình.



Để gặp Chúa Giê su, bạn hãy xin ơn khao khát Ngài, hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để được ơn hiểu biết về Chúa Giê su, được ơn trở nên như trẻ nhỏ tin tưởng vào Thiên Chúa trong mọi sự. Trong mọi việc xảy đến, người có đức tin luôn phân biệt nguyên nhân đệ nhất và nguyên nhân đệ nhị. Ví dụ khi ta bị nhức đầu, ta uống thuốc Aspirine và cơn đau giảm đi rõ rệt: người có đức tin thì tin rằng Thiên Chúa trực tiếp chữa lành, Ngài là nguyên nhân đệ nhất, hoặc Ngài làm tăng sức đề kháng nơi ta hoặc Ngài hành động qua hoạt chất của thuốc khiến cho tôi được chữa lành; thuốc Aspirine chỉ là nguyên nhân đệ nhị. Khi ai đó xúc phạm đến tôi, có thể vì yếu đuối của họ hoặc sự cố tình của họ, người có đức tin nhận ra hoạt động của Thiên Chúa trong biến cố này, không những Chúa cho phép sự dữ xảy ra – mà tích cực hơn là Chúa có chủ đích và định liệu cho nó xảy đến, vì những lợi ích nào đó mà ta chỉ có thể đọc được một phần; người xúc phạm đến ta chỉ là nguyên nhân đệ nhị. Ngay cuộc thương khó của Chúa Giê su là một cuộc hy tế cứu độ theo Thiên ý đã định, những người tham dự vào cái chết của Chúa chỉ là nguyên nhân đệ nhị. Hãy xin ơn Thánh Thần để ta có được cái nhìn của Chúa trong mọi biến cố xảy đến. Chúa dạy ta: Hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ.