Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Thiên Chúa làm người

 



Khi suy niệm mầu nhiệm Giáng Sinh, ngày nay chúng ta dễ nhận ra sứ mạng của Chúa Giê su. Nhưng ngày xưa, khi Chúa Giê su xuất hiện, những người đương thời rất khó nhận ra được sứ mạng và căn tính của Ngài là gì: Ngài là ai, đến trần gian để làm gì?

Tên Giê su có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ . Ngay sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và dòng dõi người nữ, một người con từ người nữ sinh ra sẽ đạp dập đầu mi”. Trong cuộc báo mộng cho Thánh Giuse: “Ông hãy đặt tên cho con trẻ là Giê su, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội” (Lc 1,21). Qua hai câu Kinh Thánh trên, chúng ta nhận ra rằng căn tính của Chúa Giê su chính là ‘chiên Thiên Chúa đến gánh tội trần gian’, nhiệm vụ chính của Ngài là cứu nhân loại khỏi vòng tội lỗi.

Có thể nói trong suốt cuộc đời, Chúa Giê su luôn bị ma quỷ cám dỗ đi lệch hướng, chống lại chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã hoạch định. Tin Mừng chỉ ghi lại một cuộc cám dỗ trong sa mạc khi Chúa Giê su khởi đầu cuộc sống công khai, nhưng quả thực, ma quỷ luôn tìm mọi dịp để làm cho Chúa Giê su đi trệch đường: thay vì chọn ý Chúa Cha thì chọn của cải, được tôn trọng, nổi tiếng, lạc thú, không phải khổ nhục. Khi nhập thể làm người, Chúa Giê su trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, nên Ngài cũng bị cám dỗ về những tham sân si và cũng phải trải qua những đau khổ để học cho biết vâng phục. Chỉ khác chúng ta là Ngài không bị quật ngã và đã không phạm tội.


Thời Chúa Giê su, dân Do Thái mong chờ Đấng cứu tinh mà tiên tri Isaia đã loan báo: Ngài đến chỉnh đốn mọi sự, giải thoát kẻ bị giam cầm, kẻ câm nói được, người què đi được, kẻ chết sống lại, người nghèo được nghe tin mừng; sói với chiên cùng ăn cỏ với nhau, trẻ thơ chơi đùa kề bên hang rắn lục; tiên tri cũng loan báo về người tôi tớ bị hành hạ nhục nhã để gánh lấy tội của dân. Thế nhưng, người Do Thái chỉ lưu tâm đến nhãn quan lợi lộc vật chất và chính trị  mà Đấng Thiên Sai mang lại như giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc … và họ bị vấp ngã vì Chúa Giê su. Khi họ giết chết Ngài vì tội phạm thượng: một phàm nhân mà tha tội và tuyên bố mình là Con Thiên Chúa, thì Chúa đã xin Cha tha tội cho họ vì lầm chẳng biết.



Không dễ gì để nhận ra căn tính của Chúa Giê su và có thể nói không dễ gì để Ngài giữ vững căn tính cứu độ của mình. Ông Gio an sai các môn đệ đến với Chúa Giê su để hỏi: có phải Ngài là Đấng Ki tô hay chúng tôi còn phải đợi đấng khác? Chúa Giê su hỏi các môn đệ: người ta bảo Thầy là ai, anh em bảo thầy là ai? Trong cuộc thương khó ông Philatô hỏi Chúa Giê su: Ông là vua sao? Dưới chân thập giá, đám đông dân chúng và các vị lãnh đạo tôn giáo khiêu khích: nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin. Còn bạn và tôi, nhiều khi chúng ta cũng nghi ngờ về con người và vai trò của Chúa Giê su ngay trong những chọn lựa cuộc sống. Niềm tin vào Chúa Giêsu luôn trải qua những thách đố, Chúa luôn nhắc nhở con cái Ngài phải tỉnh thức và cầu nguyện, đừng mê ngủ trong vinh hoa cuộc đời, vì còn có đời sau!

Người Kitô hữu đừng để mình bị đánh mất căn tính của mình. Giá trị của tôi là con cái Chúa, Cứu Chúa của tôi là Chúa Ki tô. Mục đích cuộc đời tôi là chiến đấu với sự dữ để sống thân tình với Chúa Ki tô. Căn tính của một linh mục là cộng tác với Chúa Giê su để giải thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi u mê lầm lạc. Căn tính của người sống đời hôn nhân là các thành viên trong gia đình giúp nhau nên thánh, cộng tác với các chủ chăn để làm các việc lành và trở nên muối men cho khối bột trần thế, loại trừ điều xấu và vun đắp điều tốt.

Có một linh mục nói với tôi: “Điều quan trọng nhất của một linh mục là làm cho giáo dân thường xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa Giải. Trên trần gian nầy không có gì quý trọng bằng Chúa Giê su Thánh Thể, còn bí tích Hòa Giải xóa bỏ tội lỗi để ta có thể đón nhận Chúa Giê su vào tâm hồn mình”. Ngài còn nói thêm: “ngày xưa các vị thừa sai dạy giáo lý cho anh em dân tộc thiểu số cũng nhấn mạnh đến hai bí tích này, người ta sẵn sàng đi cả ngày đàng để xưng tội, còn việc lãnh nhận Thánh Thể thì được các giáo phu trao ban trong các buổi cử hành phụng vụ Lời Chúa. Một người thường xuyên sống trong tình trạng sạch tội và siêng năng rước Thánh Thể như vậy thì dù họ chết mà không kịp lãnh bí tích xức dầu thì cũng không có gì đáng lo ngại”.



Điều quan trọng nhất đối với Chúa Giê su là giải thoát con người khỏi tội lỗi thì chắc chắn Chúa sẽ kíp ban Thánh Thần khi ta xin ơn phù trợ chống lại các cơn cám dỗ. Việc cần làm đối với ta là luôn cầu xin ơn trợ giúp và lòng thương xót Chúa: Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ. Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con là kẻ có tội.

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Quà tặng

 



 

Có thể nói rằng những người bình dân dường như rất xa lạ với hai chữ quà tặng. Người có văn hóa và ở thành thị thường tặng quà khi yêu thương ai đó, khi đi xa về, khi kỷ niệm sinh nhật hay ngày cưới, vào các dịp lễ đạo đời. Quà tặng có thể là một cánh thiệp, một bó hoa, một vật dụng đơn giản, một đặc sản, một sản phẩm công nghệ mới hoặc một số tiền.

 

Từ thói quen ít tặng quà và ít nhận quà, có thể tâm hồn ta sẽ khép dần lại để chỉ biết vun vén cho gia đình, và cách nào đó ít nghĩ đến người khác (mackeno). Đành rằng sự lo lắng cho gia đình mình là bổn phận hàng đầu trên con đường nên thánh, nhưng điều cần nói ở đây là mỗi người phải nỗ lực đừng để cho tâm hồn mình chai cứng, mà phải tập sống khoan dung và rộng lượng với người khác. Tôi không nói rằng người thành phố sống quảng đại hơn người nhà quê, vì dù ở đâu và làm nghề gì, mỗi ngày và mỗi người đều phải chiến đấu với tính ích kỷ, tính kiêu ngạo, tính ghen tị để sống quên mình và biết nghĩ đến tha nhân quanh mình.

 

Tại nghĩa trang giáo xứ Thổ Hoàng có một câu nhắc nhở rất hay:

“Lấn thêm chút đất mà chi. Rồi ra cũng một chu vi đồng đều” (ghi theo trí nhớ). Người thu nhập về đất thì lấn thêm chút đất, người thu nhập bằng tiền thì kiếm thêm ít tiền và ít lợi thế nào đó cách bất chính, gạt anh em ra ngoài lề. Hậu quả đầu tiên là tạo nên sự hôi thối trong cuộc sống, vì nặc mùi diêm sinh; hậu quả tiếp theo là kiện cáo, làm trò cười cho những người ngoại đạo, khi hai người có đạo kiện cáo nhau là lên án chính giáo lý ‘yêu thương’ mà Đức Ki tô đã dạy: giới răn yêu thương chỉ có nơi môi miệng và nơi tòa giảng, không đủ sức giải quyết những tham sân si của lòng người.

 

Khi có tranh chấp bất hòa xảy ra trong cuộc sống, người có đạo phải dùng đến đạo trước khi đến tòa đời. Khi xảy ra bất hòa, hãy cố gắng hòa giải và tập trung cầu nguyện. Nhiều khi ta không cầu nguyện vì không tin rằng Chúa có thể hoán cải lòng người, đây là thái độ vô thần thực hành. Hãy chạy đến với Chúa, kiên nhẫn cầu nguyện cho cả hai bên, hãy cho Chúa thời gian và cách hành động, rồi bạn sẽ thấy hiệu quả của ơn thánh. Chính Chúa hứa: ‘Hãy xin thì sẽ được. Cha trên trời sẽ kíp ban Thánh Thần cho kẻ kêu xin Người’. Chúng ta cầu nguyện để đừng sa chước cám dỗ và luôn biết cư xử với nhau bằng tình thương.

 



Đừng nghĩ rằng chỉ có người có thu nhập cao và giàu có mới biết tặng quà. Mỗi ngày sống ai trong chúng ta cũng phải học cách cho và nhận: cho nhau một nụ cười, một lời an ủi, một sự quan tâm, một ít tiền. Chỉ có người nhận ra mình đã đón nhận quá nhiều từ cuộc đời, từ tha nhân và đã đón nhận mọi sự từ Chúa, mới biết rộng lòng với anh em. Hãy nuôi dưỡng trong tâm hồn mình lòng cao thượng, sự nhẫn nhịn và lòng bao dung, đó là những món quà vô giá mà ta có thể trao tặng cho anh em. Món quà tâm hồn này sẽ trổ sinh hoa trái ngay trên đời này và cuộc sống mai sau, vì Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của chúng ta đâu.

 

Thiên Chúa đã trao tặng nhân loại Người Con Một của mình để giải thoát nhân loại khỏi ách tội lỗi. Thiên Chúa không mỏi mệt trước tội lỗi loài người và Ngài mời gọi ta đừng đánh mất tình yêu thuở ban đầu, một tình yêu trẻ thơ đơn sơ và một tình yêu rộn rã của kẻ đang yêu. Mỗi người hãy giữ tâm hồn mình được nồng nhiệt biết trao tặng tha nhân những quả ngọt và biết tận hiến cho Chúa qua từng ngày sống.  

 

 

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Con Thiên Chúa làm người

 



Ai trong loài người cũng có những cảm xúc đặc biệt khi đến viếng hang đá trong mùa Giáng Sinh. Kẻ không tin thì cười nhạo vì cho rằng đây là biểu hiện của sự mê tín dị đoan, là sản phẩm của một thời quá khứ. Còn kẻ có niềm tin thì cung kính bái lạy một mầu nhiệm vĩ đại mà con người chỉ hiểu được một phần nào đó.

 

Mỗi mùa Giáng Sinh về, trong ta trổi lên một niềm cảm xúc nào đó tùy theo sự soi sáng của ơn Thánh, tùy sự chuẩn bị tâm hồn, và sẻ chia cho nhau như một quà tặng. Riêng tôi, năm 2020, một cụm từ đã soi động tâm hồn: Con Thiên Chúa đã thể hiện sự trút bỏ, còn gọi là mầu nhiệm tự hủy.

 



Đức Ki tô là một quà tặng vĩ đại của Thiên Chúa dành cho loài người. Ngài đã trút bỏ vinh quang Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người là loài thụ tạo. Ngài lại còn chọn sinh ra trong cảnh thiếu thốn vật chất, với thân phận một bé thơ yếu đuối, bị xua đuổi khỏi xã hội đạo đời và đã hạ sinh trong hang bò lừa ngoài đồng vắng. Đến khi Ngài chết thì lại chọn kiểu chết nhục nhã, bị lột trần cho xấu hổ, bị chê là người dại và đến phút cuối đời còn bị khích bác về tư cách Con Thiên Chúa. Mọi sự đó đều là do Chúa Giê su đã chọn, không phải là xui xẻo, để dạy ta bài học từ bỏ những cái phù du để chọn Chúa là gia nghiệp: từ bỏ của cải, từ bỏ cái tôi, từ bỏ danh lợi thú là những cái mà đời này coi trọng, vì còn có Chúa và còn có đời sau.

 

Các nhà tu đức đã nhận ra rằng trong 8 mối phúc thì mối phúc đầu tiên là quan trọng nhất và đã gồm tóm các mối phúc khác: người nghèo khó là người ý thức thân phận mỏng dòn của mình để biết cậy dựa vào Thiên Chúa trong mọi sự, người đó biết tìm ý Chúa trong mọi lúc mọi hoàn cảnh thì sẽ sống hiền lành – thương xót – trong sạch, tác tạo hòa bình và sẵn sàng chịu bách hại, vì Chúa.

 

Bàn tay của Hài nhi Giê su trong các hang đá luôn được trình bày trong hai tư thế, một là mở rộng như chúc bình an và hai là chắp tay như đón nhận ý Cha, miệng Ngài nở nụ cười hiền lành. Điều này rất khác bàn tay của bất kỳ một đứa trẻ nào khi được sinh ra là hai bàn tay luôn nắm chặt, miệng thì khóc chóe như đòi được quan tâm. Đứa trẻ ‘chúng ta’ lớn lên cũng tiếp tục tích góp cho mình về của cải – cái tôi – danh lợi thú, mãi cho đến ngày lìa thế thì hai bàn tay mới chịu buông bỏ những gì mình đã tích lũy suốt cả đời.

 

Có câu chuyện kể rằng: một người kia, trong một giấc mơ, thấy mình được cùng Chúa đứng chung trên một tấm thảm, cùng bay lên không trung trong một cuộc dạo chơi đầy thú vị. Thế nhưng, Chúa cứ rút dần từng sợi cói trong tấm thảm, tấm thảm đó thưa dần và xuất hiện nhiều khoảng trống – vậy mà Chúa cứ tiếp tục rút, và đến một lúc tấm thảm đã rơi xuống nên người đó vội ôm chầm lấy Chúa.

 

Quả vậy, cuộc sống trần gian là nơi ta hành đạo, là nơi ta học bài học trút bỏ như Đức Ki tô đã dạy, có những bài tập ta chủ động nhưng cũng có những bài học thụ động. Tập bỏ dần tính ích kỷ để yêu thương nhiều hơn. Tập bỏ tính kiêu ngạo để cậy dựa vào Chúa nhiều hơn, cầu nguyện tha thiết hơn. Tập tinh thần nghèo khó để biết vui lòng đón nhận cuộc sống, vui lòng chịu thiếu thốn  và thích sống đơn giản. Nếu bàn tay ta biết buông bỏ như vậy thì tâm hồn sẽ tràn ngập hạnh phúc và miệng ta sẽ nở nụ cười tươi. Chúc mọi người một mùa Giáng Sinh dồi dào ơn thánh. Amen.