Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Cái tâm

 



Thời sự thể thao ở VN đang nóng rộ lên về việc huấn luyện viên Park Hang-seo sẽ không gia hạn hợp đồng với VFF, nhiều đội bóng muốn mời ông về làm huấn luyện viên cho họ - với mức lương cao gấp nhiều lần, nhưng hình như quan điểm của ông Park hơi khác: ông sẽ nghỉ ngơi một thời gian với gia đình, sau đó ông sẽ chọn một công việc phù hợp nhằm phát triển bóng đá trẻ VN. Gợi mở này tạo nên một sự cảm mến và thán phục cái tâm của ‘ông thầy’ người Hàn Quốc này: tiền bạc không mua được hạnh phúc, tình yêu, lý tưởng và tâm hồn.

Đọc bài đọc thư phi-lip-phê 1,18-26, chúng ta cũng không thể không thán phục những tâm tình của Thánh Phao lô về cái tâm của Ngài đối với Đức Giê su, người chủ thực sự của cuộc đời mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô biết rõ có những người rao giảng Tin Mừng vì hư danh, nhưng Thánh nhân vẫn vui mừng vì nhờ họ mà Đức Ki tô được rao giảng; Thánh nhân xác định rõ: việc rao giảng Tin Mừng là cơ hội tốt để mỗi người đạt được ơn cứu độ; và tâm tình thứ ba: ngài mong ước tốt hơn là được chết để được ở với Chúa, nhưng nếu Chúa còn muốn ngài sống để sinh ích lợi cho Hội Thánh thì ngài cũng vui lòng đón nhận. Tâm tình của Thánh Phaolô nói với chúng ta về sự khiêm tốn của con người cần phải có trước Nhan Thánh Chúa: chúng ta là loài thụ tạo được Chúa thương yêu cứu chuộc, chúng ta sống là sống cho Chúa và chết là chết cho Chúa, mục đích cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi biết quy hướng về Chúa.

Có câu chuyện kể về một nghệ sỹ Piano, anh ta vừa biểu diễn xong thì cả thính phòng nhiệt liệt tung hô tán thưởng một tài năng trẻ, tuy vậy ánh mắt anh ta nhìn về phía khán giả và tỏ vẻ không vui, khi được hỏi thì anh ta cho biết: người Thầy của anh đang ngồi ở phía dưới, thầy tỏ vẻ không vui, vì buổi trình diễn hôm nay không đạt như mong đợi và so với khả năng thực sự của anh. Mỗi người chúng ta là một nghệ sĩ, cuộc đời này là một sân khấu để chúng ta sống, có thể có một cuộc sống đúng hướng  hoặc định hướng sai. Việc cần làm là chúng ta cầu xin Chúa gia tăng cho mình lòng mến Chúa, và chính lòng mến đó sẽ thiêu đốt lòng chúng ta và thúc đẩy chúng ta tiến lên trên hành trình đức tin, dám sống và chết cho niềm tin và lý tưởng cao thượng mình theo đuổi.

Ai đó đã so sánh ‘cái tâm’ của người Á đông mình với người Châu Âu như sau: người Á đông thường co cụm vào gia đình mình mà ít quan tâm đến đồng loại và thế giới, điển hình là người Á Đông thường để lại toàn bộ tài sản mình cho con cái và kẻ có nhiều tiền thường chỉ lo hưởng thụ và thể hiện đẳng cấp, trong lúc người Châu Âu (tỷ phú) thường dùng phần lớn tài sản mình để trợ giúp đồng loại và chỉ để lại vừa đủ vốn liếng cho con mình khởi nghiệp, còn những người trung lưu thì họ cũng thường tự tổ chức những hiệp hội từ thiện. Có một thống kê cho biết các gia đình ở Mỹ bình quân góp 3.000 đola/năm để làm từ thiện tự phát. Thiên Chúa đã đặt để trong vũ trụ này một quy luật bất biến: mọi vật có một sự liên đới, phụ thuộc lẫn nhau, trao ban cho nhau. Một nhà tu đức đã nói: cuộc sống của mỗi người chỉ có ý nghĩa khi có sự liên đới và trao ban cho người khác, càng trao ban lại càng hạnh phúc, và cuộc sống đó sẽ đi vào bế tắc khi khép lại nơi chính mình, chính người mẹ khi cho con bú mớm và dành thời giờ chăm sóc con thì từ trong cơ thể người mẹ sẽ sản sinh một loại kích thích tố làm cho bà cảm thấy hạnh phúc để rồi bà lại càng gắn bó hơn với đứa con mình sinh ra.

Thánh Phaolô nói rõ: Thiên Chúa ban cho mỗi người một đặc sủng khác nhau để xây dựng thân mình Đức Ki tô. Người diễn viên phải nhận thức được những ân điển Chúa ban cho mình, trau dồi và dấn thân phục vụ. Có kẻ Chúa ban cho nhiều tài năng, nhưng có kẻ được ban ít hơn. Kẻ có nhiều nén bạc thì phải biết làm lợi và tránh đừng vênh vang kiêu ngạo mà coi thường kẻ khác, còn kẻ được trao ít thì đừng ganh tị và than thân trách phận, vì Người Thầy Giê su sẽ phân xử và đánh giá công trạng mỗi người dựa trên nén bạc họ đã nhận. Mỗi người khi phục vụ cộng đoàn trong công việc phù hợp với khả năng, hãy chu toàn công việc trong vui vẻ và nhiệt tình như làm cho Chúa chứ không phải cho người đời. Thiên Chúa có một kế hoạch cho mỗi cuộc đời, người khiêm nhường thì vui lòng đón nhận ý Chúa, nhưng có nhiều người thể hiện sự phản kháng khi không chấp nhận giới tính, hoàn cảnh sống và việc bước đi trong đường lối Chúa…



Xét lại cái tâm của Thánh Phao lô, chúng ta cảm thấy mình còn rất kém ngài về sự tự thoát và khiêm tốn: Chúng ta không mấy nhiệt tình với việc truyền giáo, với việc làm sáng danh Chúa như một cơ hội tốt giúp ta đạt được ơn cứu độ; chúng ta thường xin cho mình sống lâu, đạt được những ước muốn liên quan đến cơm áo gạo tiền hơn là phó thác cho Chúa định liệu và bằng lòng với những gì xảy ra trong hiện tại; chúng ta gắng ép buộc Chúa phải chiều ý mình hơn là xin cho mình biết đón nhận ý Chúa như là mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời. Xin Chúa ban cho con một quả tim tinh tuyền, một lòng mến nồng nàn và một quyết tâm phục vụ Chúa trong mọi người. Amen.

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

Ta không biết các ngươi

 



Người ta thường tưởng tượng những chuyện xảy ra ở cổng thiên đàng để nhấn mạnh một điểm giáo lý nào đó hoặc để trào phúng, và chúng ta dễ nghĩ rằng: chuyện thiên đàng hỏa ngục chỉ là chuyện phiếm, không có thật và chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng – nói để mà cười cợt một niềm tin đơn sơ của ai đó. Lời Chúa Giê su nói với chúng ta thật rõ ràng, ‘ 4 sự sau’ (chết, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục) là chuyện có thật chứ không phải dụ ngôn, Chúa biết mọi sự chứ không tưởng tượng: “Hãy cố gắng mà qua cửa hẹp. Ta không biết các ngươi”.

Không thể có chuyện Chúa không biết rõ một ai đó, trong Tin Mừng luôn nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa thấu suốt mọi sự - cả nơi kín ẩn, biết rõ từng người. Nhưng ở đây, câu ‘Ta không biết các ngươi’ chỉ muốn nói rằng Chúa không chấp nhận những người gian ác vào dự bàn tiệc nước trời. Đã có quá nhiều giáo lý của Chúa về đời sau, chúng ta đừng than rằng: không ai nói cho ta biết chuyện sau khi chết, vì kẻ đã xuống mồ là tuyệt đối im lặng! Đúng là Chúa muốn giữ bí mật hoàn toàn về số phận những kẻ đã chết, ngoại trừ với một số linh hồn thánh thiện, thì các linh hồn nơi luyện ngục có hiện về để xin cầu nguyện, như ‘Nhật Ký Thánh Faustina’ kể lại. Nhưng chỉ cần dựa vào Lời Chúa Giê su thì chúng ta cũng đủ để ‘biết rõ’ về đời sau: “Thầy đi để dọn chỗ cho các con và Thầy sẽ trở lại để đem các con đi với Thầy để Thầy ở đâu thì các con ở đó”. Qua dụ ngôn cây vả trồng trong vườn nho, Thiên Chúa khoan giãn và chờ đợi con người hoán cải sống theo Lời Ngài, nhưng thời gian của mỗi người ở trên đời có hạn thôi. Điều quan trọng nhất trên trần gian là nhận biết, yêu mến và phụng thờ Chúa. Sau cái chết là phán xét, để phân loại cá tốt và cá xấu, lúa tốt và lúa lép (cỏ lùng), kẻ sống theo thế gian và kẻ là bạn hữu của Chúa. Thật đáng thương cho kẻ gian ác, vì muôn đời họ sẽ bị loại ra khỏi bàn tiệc nước trời.

Cha Nguyễn Tầm Thường có một tác phẩm mang tên Đường Đi Một Mình, trong đó cha nói rằng hành trình đức tin của mỗi người khác với người khác, một mình mình đi và một mình mình chịu trách nhiệm. Có người than thở rằng ‘trong thời gian bệnh, ít người đến thăm’. Điều này gợi lên cho ta nhiều suy nghĩ: đi thăm người bệnh là một việc tốt, việc bác ái. Mỗi lần phải nằm một chỗ lâu ngày và bất lực trong việc chữa chạy, mất hy vọng, ta mới thấy cần sự động viên của những người khỏe mạnh. Ai đó đã từng nói: “Đã làm người là phải chấp nhận sự cô đơn”, điều này luôn đúng cho mọi người và ở mọi giai đoạn cuộc sống, nhất là khi đau – già – chết, vì không ai có thể hiểu ta hoàn toàn và đi với ta tới cùng, họ chỉ hỗ trợ và tháp tùng ta hết sức có thể, khi ta đau đớn và đi vào cõi đời đời thì đó là chuyến đi một mình, chỉ có Thiên Chúa luôn ở cùng ta và đồng hành với ta. Trong cơn gian nan thử thách, ta múc lấy sức mạnh từ nơi Thánh tâm Chúa, hãy chiêm ngắm Con Thiên Chúa chịu treo trên thập giá vì yêu ta, một thảm kịch bất công và một cuộc tự hiến vì tình yêu, một bằng chứng không thể chối cãi rằng Chúa luôn yêu tôi đến nỗi trao ban cho tôi Con Một của Ngài. Đừng nghĩ rằng chỉ có các linh mục tu sỹ là cô đơn trong tuổi già, mà ngay cả những người lập gia đình, dù có con cái cháu chắt đùm đề - nhưng mỗi người mỗi cảnh, dường như Chúa cho ai nấy cũng trải qua cảnh cô đơn và tủi nhục để cảm nghiệm sự mong manh và mau qua của trần gian, từ đó giúp họ bám chặt hơn vào Chúa. Biết bao minh tinh màn bạc, sau những ánh hào quang của sân khấu và sau những đống tài sản khổng lồ, đã cảm nghiệm sự trống rỗng cô đơn và vô nghĩa của cuộc đời không có Chúa, đến nỗi chọn cái chết để giải thoát. Và từng ngày một, từng người chúng ta cảm nghiệm sự già nua của chính mình và những người quen biết, để rồi cảm nghiệm sự tương đối của trần gian: sẽ đến một ngày thân xác tôi sẽ tàn tạ, linh hồn tôi đến trình diện Chúa, sợ rằng Chúa không ‘biết’ tôi.

Trong Tin Mừng, chúng ta nhận thấy những người có đức tin mạnh, biết cảm ơn Chúa, biết cải tà quy chánh… toàn là những người ngoại, quan chức Roma, thu thuế và gái điếm, trong lúc dân chúng thì theo Chúa từng đoàn và chứng kiến nhiều phép lạ nhưng họ cứ xin thêm dấu lạ - mãi cho đến khi treo Chúa trên thập giá. Phải chăng đó cũng là bối cảnh nơi thiên đàng? – Chúa nói: “từ phương Đông cho tới phương Tây mọi người đều được mời dự tiệc, kẻ đầu hết sẽ nên cuối hết”. Hãy coi chừng con cái trong nhà lại bị loại ra ngoài, vì họ không nên giống Chúa Giê su – Đấng mà họ tôn thờ.



Khi đến trình diện Chúa, chúng ta chỉ được Chúa đón nhận, dựa vào 2 tiêu chí mà Chúa đã từng sống và dạy, đó là giới luật tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Yêu Chúa là tìm kiếm Thánh ý Chúa và yêu người là hiến mạng vì bạn hữu: cư xử tử tế, biết xót thương, biết trao ban. Bạn cứ nỗ lực bước đi trên con đường hẹp có tên là Tình Yêu, còn hạnh phúc thiên đàng là phần thưởng bội hậu của lòng thương xót. Liệu rằng khi vào thiên đàng, gia đình của tôi có thiếu mất mấy người? Có tôi ở đó không?

 

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2022

Chúa nhật truyền giáo

 



Năm nay, các bài đọc Chúa nhật tuần 30 TN được dành ưu tiên cho việc truyền giáo: suy tư, đóng góp quỹ, cầu nguyện. Ở đây, chúng ta nhấn mạnh đến việc suy tư và cầu nguyện theo lệnh truyền của Chúa Giê su: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho các thụ tạo”.

Nói đến truyền giáo là nói đến việc trở nên chứng nhân, làm chứng cho những giá trị Tin Mừng. Nói đến việc làm chứng, chúng ta dễ nghĩ đến việc tranh luận về giáo lý và giảng giải những mầu nhiệm đức tin. Nếu vậy thì chẳng mấy ai có đủ kiến thức và kinh nghiệm để nói với những người ngoại đạo và những người theo các tôn giáo khác rằng ‘đạo Công giáo là đạo thật, trổi vượt hơn mọi đạo’, mà giả như một người có khả năng thuyết giáo lỗi lạc thì cách này cũng chỉ làm người khác khẩu phục mà tâm không phục. Một nhà tu đức nói: việc làm chứng của người Ki tô hữu phải xác tín và chân thực như việc làm chứng ở tòa án, diễn tả lại điều chính mắt mình đã thấy và tai đã nghe, chịu trách nhiệm về điều mình làm chứng. Chữ tử đạo được dịch từ martyr = người làm chứng: vị tử đạo dâng hiến mạng sống (là điều cao quý nhất ở trần gian) để làm chứng cho sự hiện hữu và tình yêu của Đấng mình tôn thờ, là Thiên Chúa. Bạn biết không, chỉ cần một hành động tử tế, một lần bạn đến nhà thờ, một lời nói xây dựng, hình bóng của một tu sĩ xuất hiện... Thiên Chúa vẫn có thể dùng để đánh động một ai đó theo cách Ngài muốn.

Ngày nay nhiều người nghĩ việc truyền giáo không mấy cấp bách, vì một người dù không theo Ki tô giáo, nhưng nếu ăn ngay ở lành thì Thiên Chúa vẫn có thể ban ơn cứu rỗi cho họ theo lòng thương xót vô biên của Ngài. Điều này là không đúng, vì lệnh truyền của Chúa vẫn luôn khẩn cấp và ơn gọi căn bản của Ki tô hữu là trở nên muối men và ánh sáng cho trần gian. Cách đây khoảng 5 thế kỷ (TK 16), các nhà truyền giáo hăng say và liều mạng đi đến các vùng Á châu và Mỹ châu để nói cho mọi người biết về Chúa Ki tô, một phần vì quan niệm thời ấy cho rằng: “chỉ những ai được rửa tội mới được vào nước trời, có nghĩa là phải rửa tội càng nhiều càng tốt”, nhưng sau này, quan niệm này được đổi khác: các dân ngoại cũng có thể vào thiên đàng nếu họ sống tốt lành theo luật vĩnh cửu Thiên Chúa khắc ghi trong mỗi tâm hồn. Đã có một thời Giáo hội quá mải mê điều hành những cơ sở từ thiện, giáo dục… mà ít nói về Chúa Giê su và Tin mừng của Ngài, Và hãy biết rằng: Thiên Chúa cứu rỗi những người thiện tâm trong trường hợp họ không có cơ hội nghe biết Tin Mừng hoặc không thuận tiện để lãnh nhận phép rửa, còn những ai đã nghe biết Tin Mừng mà cố tình không lãnh nhận phép rửa thì Con Người cũng sẽ chối họ trước mặt Cha trên trời. Thánh Phao lô suy luận: "làm sao tin được nếu không được nghe, làm sao nghe được nếu không có người được sai đi? Đẹp thay bước chân của người được sai đi rao giảng Tin Mừng". Chúa Giê su dạy ta phải xin Cha trên trời sai nhiều thợ gặt, nguyện cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến. Chúng ta còn nhớ hình ảnh ông Moi sen lên núi cầu nguyện: khi ông giơ tay lên thì Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống thì dân Chúa bị đẩy lui. Hãy cầu nguyện nhiều cho mọi người được nhận biết Chúa, cho bước chân của các vị truyền giáo không mỏi mệt, cho những tình nguyện viên, các giáo lý viên và các linh mục tu sĩ được ơn hăng say loan báo Tin Mừng.



Có nhiều cách làm chứng nhân cho Tin Mừng: gương sáng, lời nói, lời cầu nguyện. Mọi Kitô hữu dù thuộc trình độ và trong hoàn cảnh nào cũng có thể và buộc phải làm gương sáng: một cuộc sống tuân theo những giá trị Tin Mừng như công bình, bác ái, yêu thương, chung thủy, trung thực. Có câu chuyện kể về một gia đinh sỹ quan thời VNCH, anh lấy chị mà không theo đạo vì anh không tin, sau thời điểm 75 anh đi cải tạo, chị ở nhà xoay xở hết cách để nuôi con chờ chồng, anh trở về gia đình gặp lại vợ con và xin học đạo để hợp thức hóa hôn phối của họ, anh cho biết ‘vì chứng kiến cuộc sống của các bạn tù công giáo – có cả vài linh mục – và sự chung thủy của người vợ” nên anh mới tin đạo. Có thể kể về gia đình của Thánh Monica, mẹ chồng và chồng ngoại đạo, người con cũng theo lạc giáo và gia đình chồng rất chống ảnh hưởng của đạo, ấy thế mà lời cầu nguyện kiên trì và gương sáng của Monica đã thay đổi đức tin của mọi người. Mọi Ki tô hữu được mời gọi sống tốt lành như Cha trên trời, để qua sự tốt lành của họ, người đời sẽ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa.

Hiện nay, mảnh đất Châu Á vẫn là một vùng đất hoang vu với 3,34% dân số là Công giáo, và VN  cũng chỉ có 6,1% là người Công Giáo. Chúng ta vẫn có cơ hội tiếp xúc với anh chị em lương dân và theo các tôn giáo bạn, nhưng thật khó để giới thiệu Chúa và nói về giáo lý cho người khác, dù ta rất muốn. Một nhà tu đức nói: để cải hóa một tâm hồn, chúng ta có thể dùng sức mạnh của lời nói và lời cầu nguyện, sức mạnh của lời cầu nguyện luôn mạnh hơn và hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt đúng với những người ngoại có trí thức. Câu chuyện của ông Gandhi đã nói lên điều này. Có một mục sư Tin Lành rất mộ mến nên đã viết thư cho ông Gandhi là ‘nếu ông tìm được Bản Vị thì tốt hơn là chỉ theo giáo lý của vị ấy”; ông Gandhi đáp: “lòng ông vẫn để ngỏ, ông cần có tác động của ơn trên, giống như ông Phaolô trở lại là nhờ ơn trên chứ không phải nhờ nỗ lực học hỏi”. Rất nhiều người quen thân sống quanh ta, nhưng họ không nhận được ơn đức tin, vì sao?- có lẽ vì môi trường sống của các Ki tô hữu bị vẩn đục và vì lời cầu nguyện của chúng ta thiếu nhiệt tâm.

Và còn một lý do nữa, lớn hơn mọi lý do khiến việc truyền giáo của chúng ta thiếu sức sống, đó là chúng ta không có mối liên lạc thân tình với Chúa Giê su, chúng ta cố gắng sống theo giáo lý Chúa dạy nhưng không  sống với và sống theo một người - tên gọi Giê su, Đấng đã phán:“Không có Thầy, các con không thể làm gì được”.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Tạ ơn trời, cảm ơn người

 



Nếu ta gặp một ai đó cứ liên tục cảm ơn ta, ta gặng hỏi ‘vì lý do gì?’, thì kẻ ấy có thể kể vu vơ một vài chuyện chung chung. Ta có thể suy ra một vài động lực trong việc cảm ơn của người đó là do tật ba hoa, muốn chứng tỏ bản thân, xu nịnh để lấy lòng ta...

Kẻ ấy muốn chứng tỏ mình là một người có văn hóa, vì sự thường ai cũng được biết người có giáo dục phải biết nói hai chữ cảm ơn và xin lỗi. Kẻ ấy cảm ơn ta về những chuyện mà ta không có một sự cộng tác hoặc công trạng gì nhiều, chỉ là việc bổn phận; nếu nói lời cảm ơn một lần thì cũng tạm chấp nhận – kiểu như xã giao, nhưng nói nhiều lần thì dẫn đến tình trạng mơn trớn và không trung thực. Tôi nghĩ việc cảm ơn cũng phải cẩn trọng, chỉ nên cảm ơn vừa phải mà không mơn trớn và xu nịnh cấp trên, vì hai tiếng cảm ơn giả tạo cũng làm cho người nghe thêm kiêu ngạo – tưởng rằng mình có công lớn, trong lúc mình cũng chỉ là đầy tớ vô dụng. Cha Vĩnh Sang DCCT kể chuyện của ngài: Ngài sang thăm người em ở Úc, người em này có một vị ân nhân người bản xứ, người này có rất nhiều vật nuôi trong một khu vườn rộng và đẹp; theo thói quen ở VN, mỗi lần thấy một loài vật hoặc một cây cảnh thì ngài đều khen hết lời; một lát sau, đứa cháu gái chừng 12 tuổi kéo riêng ngài ra và nói rằng: “Bác không nên nói những lời vô duyên và tâng bốc như vậy’: hóa ra ở VN, chúng ta thường hay giả dối với nhau trong lời khen hoặc cảm ơn, nói để lấy lòng mà không thật bụng.

Nhân tiện nói về cách ứng xử của vợ chồng và những người có giáo dục, ngoài hai từ cảm ơn và xin lỗi, Đức Phanxico còn đến một từ thứ 3 nữa là ‘xin phép – xin vui lòng’ . Từ này chúng ta ít sử dụng là vì chúng ta chưa tôn trọng người khác cho đủ. Có thể kể ra một số biểu hiện của sự vô cảm về tình người: chúng ta hay xầm xì so sánh và kết án kẻ khác – chúng ta mời tiệc tùng quá mức cần thiết mà không cần biết tình cảnh của kẻ được mời, chỉ thỏa mãn nhu cầu thể hiện của mình là được – và còn một biểu lộ khác là tật ép kẻ khác phải ăn uống như ý mình muốn, đó là biểu hiện của tính gia trưởng và độc tài. Văn hóa phương tây luôn có chữ ‘xin vui lòng, xin phép’ khi mình muốn có một sự giúp đỡ và thông cảm, khi mình muốn đi vào đời tư của người khác hoặc muốn làm một việc gì đó có thể làm phiền đến người khác. Người Việt mình thì chỉ có con cái và bề dưới mới xin phép cha mẹ hoặc cấp trên, nhưng thực ra chữ này nên được sử dụng thường xuyên trong giao tế hằng ngày – là dấu chỉ của lòng khiêm tốn, biết lưu tâm đến kẻ khác.

Tin Mừng Luca 18,9-14 còn nói đến một lời cảm ơn ‘không đúng’ nữa là cảm ơn khoe khoang. Người biệt phái khởi đầu lời cầu nguyện ‘Lạy Chúa, tôi cảm ơn Chúa vì…vì… những lý do ông đưa ra chỉ là để khoe mình tốt, nhiều công trạng, trổi vượt hơn kẻ khác. Đôi khi chúng ta cũng cư xử như thế với người đời: lời cảm ơn chỉ là câu mở đầu, tiếp đến là một tràng những chuyện khoe mình và ẩn chứa trong đó là chê bai người khác. Nhiều tân linh mục tổ chức rất nhiều lễ tạ ơn: “Tạ ơn Chúa đã thương chọn con làm linh mục của Chúa, dù con bất tài yếu đuối”, lời cầu nguyện như vậy là rất phải, lời cầu có hai vế: chức linh mục thì cao trọng, kẻ lãnh nhận lại yếu hèn, nhưng càng dâng nhiều lễ tạ ơn và được nhiều người tán dương, cái tôi của vị tân linh mục càng dễ lớn ra – để cảm nhận được rằng: mình là kẻ được Chúa chọn, cho lãnh nhận thiên chức, mình đáng được tôn kính và trổi vượt hơn người khác - vì được chọn giữa muôn người. Toàn thể Giáo hội luôn phải tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân linh mục, nhưng tự thâm tâm, mỗi linh mục phải tự đấm ngực nhìn nhận sự thấp hèn của chính mình. Tôi còn nhớ, thuở đương thời, khi có ai đó có lời khen hơi lộ liễu, cha Phaolo Nguyễn Công Minh thường mỉm cười và đáp: "sắc đẹp thì mau qua, danh vọng thì hão huyền".



Khi cầu nguyện tạ ơn Chúa, chúng ta cũng nên có những lý do và tâm tình cụ thể, đừng cứ tạ ơn trên môi miệng mà lòng thì trống rỗng. Chính chúng ta cần nêu lên cho mình những lý do trong từng lời tạ ơn Chúa. Trong một bài hát sinh hoạt, có nêu lên những lý do để ta cảm ơn trời: Cảm ơn trời, xin cảm ơn trời  cho con hai con mắt , cho con đôi bàn tay, cho con sinh làm người, cho con hai lỗ mũi - cho tôi đôi vành tai, cho tôi vui làm người. Mỗi ngày chúng ta có thể cảm ơn trời đã cho mình sinh làm người, cho được làm con Hội Thánh, được hưởng muôn ơn lành từ Chúa Giê su và Hội Thánh, có không khí để thở , có bánh để ăn, có nước sạch để dùng, có mẹ cha yêu thương, có mái gia đình để tựa nương, có anh em đồng đạo đồng hành, có chữ viết để học hành, có máy vi tính để đọc được muôn điều tốt và hay, có cha xứ dâng lễ và coi sóc linh hồn, có con cái và người bạn đời để sum vầy hạnh phúc… và kể cả những phép lạ đã xảy ra trong cuộc đời, đáng cho ta tạ ơn mãi. Càng tạ ơn Chúa, chúng ta càng tin tưởng, yêu mến và trông cậy Ngài hơn.

Khi bàn về phép lịch sự, người ta nói lịch sự được ví như dầu mỡ làm cho các mối tương giao được trơn tru tốt đẹp. Nhưng đừng quá xã giao mà nên chân thành trong từng lời chào hỏi, từng cái bắt tay, từng nụ cười và cả trong tiếng cảm ơn. Còn đối với Chúa, lời cảm ơn không bao giờ là giả dối và thừa cả, vì chúng ta lãnh nhận tất cả từ Chúa, nhưng tâm trí cần kể ra những ơn lành đã nhận - để con tim có cơ hội rung cảm bởi tâm tình tri ân cảm tạ Chúa.    

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Kính sợ Chúa

 



Một nhà tu đức đã phân biệt hai chữ ‘Kính sợ’ khác với sợ hãi. Chúa nói với chúng ta đừng sợ hãi người đời, mà nên kính sợ Thiên Chúa. Chúng ta sợ hãi khi đứng trước một mối nguy hiểm thật sự mà mình thì bất lực và thất thế. Còn đối với Thiên Chúa, chúng ta kính sợ Ngài vì Ngài là cội nguồn (alpha) và cùng tận (Omega) của muôn loài và của chúng ta, Ngài là Đấng quyền năng tuyệt đối và yêu thương đến tận cùng, là người Cha tốt lành và Người yêu chung thủy của ta, Ngài đáng cho ta tôn thờ, kính tin và yêu mến, đó là đức kính sợ: Kính sợ Chúa là đâu mối khôn ngoan.

Bài Tin Mừng Luca 12,1-7 dường như có hai chủ đề lạc lõng với nhau: phần đầu nói đến việc phải tránh sự giả hình của những người Biệt phái, và phần sau là ‘đừng sợ người đời vì họ chỉ có quyền trên thân xác ta, hãy kính sợ Chúa là Đấng thấu biết mọi sự - là Đấng có quyền quyết định số phận con người ngay cả sau khi họ chết’. Nhưng suy nghĩ một chút thì ta thấy hai phần này liên hệ mạch lạc với nhau: chúng ta sống giả hình là vì sợ người đời, vì muốn tìm phần thưởng đời này, định hướng cuộc sống như vậy là không khôn ngoan,  có lúc ta vỡ mộng – vì tình người thường tráo trở và đổi thay. Người khôn ngoan thực sự biết làm mọi sự vì lòng kính sợ Chúa, định hướng này trải dài đến cuộc sống vĩnh cửu – sau khi ta chết.

Có một nhà tu đức gọi Chúa là ‘Đấng Đếm Tóc’, vì Chúa nói rõ ràng : “Tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi”. Điều này gây ngạc nhiên cho chúng ta, vì ngay cha mẹ, dù yêu con và gần gũi con mình đến mấy, cũng không thể đếm tóc cho mấy đứa con của mình, ấy vậy mà Thiên Chúa quyền năng có thể đếm từng sợi tóc của mấy tỷ người trên nhân loại. Nói đến việc 'đếm tóc' là nói đến quyền năng và tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Tình thương của người mẹ với con dù được xem là kỳ công của nhân loại,  cũng không là gì so với tình thương Chúa dành cho từng người chúng ta! vì  sự quảng đại của người mẹ vẫn có giới hạn và tầm mức (khả năng) của tình yêu đó lại càng giới hạn hơn. Chúa Giê su đã từng diễn tả tình thương của Ngài còn tốt hơn bất cứ người cha mẹ nào trên trần gian này: người mẹ có thể quên con mình, nhưng Chúa sẽ không quên bất cứ ai được Ngài cho sinh ra trên đời, cha mẹ trần gian còn biết lấy của lành cho con – nhưng Chúa còn tốt hơn bội phần, và ở đây Chúa nói đến việc Ngài biết rõ và an bài từng chi tiết nhỏ trong đời ta, lo cho cả đời này và đời sau, lo cho phần xác và cả phần hồn nữa. Điều đáng buồn là con người thời nay thường ‘lừa nhau để sống’, nên lối văn hóa ‘quảng cáo, maketing', và tật 'bốc phét, chém gió’ được xem là ‘mốt thời thượng’, dẫn đến một hệ quả là con người kém tin trước những lời hoa mỹ và càng không tin những lời bộc bạch của con tim, nghi ngờ cả những Lời được Thiên Chúa mạc khải trong Kinh Thánh.

Có câu chuyện kể về một nhà truyền giáo và một ca sỹ nổi tiếng cùng xuống ga xe lửa - trở về từ một vùng đất xa xôi sau một quãng thời gian xa cách; danh ca sỹ thì được mọi người háo hức chờ đợi, được đám đông bao quanh xin chụp hình, tặng hoa, xin chữ ký; còn nhà truyền giáo thì lủi thủi xách chiếc túi nhỏ, lầm lũi tìm xe trở về nhà, tủi thân hỏi Chúa: Tại sao có sự bất công như vậy?, Chúa trả lời: con đã trở về nhà đâu! Người Ki tô hữu khác với nhiều tôn giáo khác ở điểm: cái chết là cửa ngõ để ta bước về nhà. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều chi tiết của cuộc trở về này nơi dụ ngôn Người cha nhân hậu (Luca 15, 11-32): người cha mong chờ đứa con ‘đi hoang, lữ khách’ trở về, vui mừng ôm lấy con (diện đối diện), mở tiệc ăn mừng (thiên đàng được diễn tả là tình trạng chiêm ngắm Chúa, hòa chung bản hợp xướng ca ngợi tình yêu Chúa), phục hồi địa vị thực sự của một người con, người con cả vì ghen tị và phụng sự Cha như nô lệ nên đã từ chối vào dự tiệc.



Chính niềm tin ‘có sự sống đời sau’ đã làm nên sự khác biệt trong thế giới này: những người không tin có sự sống bất tử thì họ đặt chỉ tiêu cho ‘thành công, phấn đấu và hạnh phúc’ chỉ là những thứ chóng qua ở đời này mà thôi: sống lâu, hưởng thụ, thỏa mãn đam mê (con mắt, xác thịt, lòng kiêu hãnh về của cải), những người tin có sự sống đời đời thì nhìn trần gian chỉ là kiếp lữ hành, vạn vật chóng qua, thành công – danh vọng – hạnh phúc và mọi sự chỉ là tương đối. Có câu chuyện kể về một vị vua, muốn thử một vị công thần phải tìm cho mình một tặng vật giúp mình bình thản khi thành công và đủ sức mạnh sức khi thất bại, vị công thần cất công tìm rất lâu và cuối cùng trình lên nhà vua một chiếc nhẫn đơn sơ có khắc câu: “Cả điều này rồi cũng qua đi”. Điều này làm ta nhớ lại cuộc sống mình có những thời khắc thử thách dồn dập và cũng có lúc đầy tràn những may mắn và hạnh phúc, nhưng rồi cũng trôi qua, ta nhận ra có sự an bài dìu dắt của Thiên Chúa: “ơn Ta đủ cho con, Ngày nào có sự khốn khó của ngày đó”. Chính niềm tin có sự sống đời sau đã thúc đẩy biết bao con người hiến thân phục vụ Chúa và anh em, họ từ bỏ của cải, chức tước, địa vị, tương lai tươi sáng… có cả các vị Thánh được tôn vinh, cả giáo dân bình thường lẫn những người sống đời tận hiến: sẵn sàng hiến thân và mất mạng vì Đức Ki tô.

Xin Chúa ban cho con lòng mến Chúa nồng nàn để con không phân bì với người hung ác, không ghen tị với người giàu sang, không buồn lòng khi Chúa không luôn ban cho con những điều con mong mỏi cầu xin. Dù điều gì xảy ra đi nữa, xin cho con luôn xác tín rằng : Chúa luôn có lý vì Chúa là người Cha tốt lành, Chúa chăm sóc con mỗi ngày và Chúa chờ con nơi Thiên Đàng, đó mới là nhà của con, nơi hạnh phúc tràn đầy. Amen.

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

Nghe và thực hành lời Chúa

 



Có thể đưa ra môt câu định nghĩa về người Ki tô hữu rằng: “Ki tô hữu là người biết nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Có người sẽ phản bác, vì họ cho rằng muốn trở thành Ki tô hữu thì phải có đức tin vào Chúa, phải gia nhập Hội Thánh bằng nghi thức rửa tội, rồi phải giữ biết bao là điều răn – quan trọng nhất là giới răn mến Chúa yêu người, phải tìm kiếm ý Chúa… Tất cả đều đúng, nhưng ở đây chúng ta tìm hiểu thêm về câu định nghĩa trên cũng không thừa.

Rất nhiều lần Chúa Giê su đã nói đến việc thay đổi cuộc sống theo lời Chúa dạy: “ Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy/ Kẻ nghe và giữ Lời thì như người khôn xây nhà trên đá/ Ta không biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác/ Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha - thì Thầy đã cho các con biết/ Hãy sám hối vì nước trời đã gần bên/ Khốn cho các ngươi hỡi Betsaida và Capharnaum, vì đã chứng kiến bao nhiêu phép lạ mà không chịu hối cải/Ở đây (Chúa Giê su) còn hơn tiên tri Giona, còn hơn Salomon, vậy mà các ngươi không chịu nghe lời khôn ngoan và không sám hối. Trên núi Tabor, Chúa Cha tuyên phán: Đây là con ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người. Còn Mẹ Maria, trong Tin Mừng, Mẹ chỉ dạy chúng ta một câu thôi: “Chúa bảo gì thì cứ làm theo”. Qua những câu Kinh Thánh trên, ta thấy việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa rất quan trọng: để khỏi lạc đường, để học được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để trở nên gần gũi và thân tộc với Chúa, và để Chúa đón nhận vào bàn tiệc nước trời.

Lời Chúa được đọc lên trong các cử hành Phụng vụ, nhất là còn được linh mục giảng giải: hãy nghiền ngẫm và cố nhớ vài chi tiết để suy đi nghĩ lại trong lòng, và nếu tốt hơn thì ghi vào máy tính hoặc sổ tay. Nếu người hay sưu tầm thì ta có thể đọc trên các trang mạng, họ có những bài chia sẻ hằng ngày, ta coppy vào trang Word và lưu theo thứ tự, để những năm sau, hoặc khi trí khôn kém minh mẫn, những bài suy niệm này sẽ giúp cho tâm hồn thêm sức sống. Có những người có thói quen đọc các bản văn Kinh Thánh theo thứ tự, từ Cựu Ước đến Tân Ước, hoặc theo dõi Kinh Thánh 100 tuần của Đức Cha Khảm, hoặc một linh mục nào đó trên youtube… những chương trình này sẽ cung cấp một lượng kiến thức về Kinh Thánh, giúp ta hiểu Lời Chúa sâu sát hơn. Lời Chúa còn được Chúa Thánh Thần làm cho vang vọng lại trong tâm hồn, khi tâm hồn có một sự thinh lặng cần thiết, khi một biến cố vui buồn trong cuộc sống xảy đến và có một câu Lời Chúa chợt đến trong tâm trí, rất thâm thúy và ngắn gọn, bổ dưỡng tâm hồn. Ai đó có một lời khuyên “Bạn ăn gì thì sẽ ra như thế”: bạn ăn đồ bổ thì người sẽ mập ra, bạn càng học hỏi lãnh vực nào thì sẽ có kiến thức phong phú ở lãnh vực đó, bạn không học thì làm gì có kiến thức?

Thế nhưng, nhiều người không có thói quen đọc Lời Chúa cách riêng tư, họ chỉ thỉnh thoảng nghe Lời khi đi lễ Chúa Nhật, hãy nghe Lời Chúa: “Hãy để ý cách anh em nghe Lời Thiên Chúa, vì ai có thì được cho thêm, còn kẻ không có thì bị lấy đi, ngay cả cái ít ỏi của nó”. Mẹ Ma ria được diễm phúc vì đã sinh ra Chúa Giê su, nhưng còn diễm phúc hơn vì đã nghe, suy gẫm và thực hành Lời Chúa. Bạn có hay quan sát bầy gà hoặc bầy chim sẻ ăn mồi không? – Chúng mổ liên tục, giống như câu nói “năng nhặt, chặt bị” vậy. Khi lang thang trên mạng, chúng ta giống như người đi chợ, thấy cái gì hay thì cất đi, sau này có lúc dùng đến, như vậy mới hữu ích và sẽ có một số vốn kiến thức về những lãnh vực mình thích; còn nếu đọc thấy hay mà không nhặt lấy và cất đi thì sau này tìm lại cũng vất vả. Sự hiểu biết về Lời Chúa và tu đức cũng vậy, cần phải suy gẫm – cầu nguyện và học hỏi … có vậy Lời Chúa mới dẫn đường cho mình và nâng đỡ niềm tin anh em: “mù có thể dắt mù được chăng?”.



Và còn một chướng ngại nữa là chúng ta ngủ. Ngủ ở đây là thái độ của người trốn chạy thực tế, tránh né trở về căn nhà nội tâm. Các môn đệ thân tín của Chúa đã ngủ khi Chúa dẫn họ lên núi Tabor và trong vườn cây dầu, hai biến cố liên quan đến cuộc khổ nạn. Chúng ta thường ngủ khi nghe bài giảng, và thường tránh trở về căn nhà nội tâm bằng cách ‘động đạc’ quá nhiều, lo lắng đủ thứ chuyện, nói liên lăng, đọc liên tục và nghe suốt ngày. Tôi lấy làm lạ tại sao có những người vừa lao động vừa cắm tai nghe suốt ngày mà không bị điên. Ai đó đã nói: người nói nhiều, cho dù nói toàn điều tốt, cũng là kẻ có tâm hồn trống rỗng. Giữ tâm hồn an bình, giữ gìn sự thinh lặng nội tâm cũng là những điều kiện cần thiết để Chúa có cơ hội ngỏ lời với ta.

Sống trong một xã hội đa chiều, cỏ lùng lẫn với lúa, ngụy biện nhiều hơn chân lý, sói đội lốt chiên, kẻ thù ta là những kẻ chung sống với ta… thì chỉ có Lời Chúa là ánh sáng dẫn đường cho ta khỏi lạc lối. Đức Phanxico đã nhiều lần phát Kinh Thánh bỏ túi (có lẽ là Tân Ước), ngài khuyên: người tín hữu hãy tập thói quen đọc Kinh Thánh hằng ngày và những lúc rảnh rỗi, nếu đi đâu (du lịch) mà quên Kinh Thánh thì hãy trở về nhà để lấy, giống như quên smartphone vậy!

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

Thánh ý Chúa

 



Trong một buổi ‘trà dư tửu hậu’, có người đưa ra tiêu chí phấn đấu cho cuộc đời là có sức khỏe, kẻ khác cho là gia đình hạnh phúc, tôi góp ý rằng: những mơ ước đó là chính đáng, nhưng có lúc sẽ vuột khỏi tầm tay mình và không nằm trong sự kiểm soát của mình, mình nên đặt chỉ tiêu cuộc đời cao hơn, đó là tìm kiếm thánh ý Chúa hoặc tìm kiếm sự trọn lành như Cha trên trời. Ở đây chúng ta bàn về việc tìm thánh ý Chúa.

Khi vào trong cuộc đời, Chúa Giê su đã thưa với Cha: “Này con xin đến để thi hành ý Cha”. Điều khó cho chúng ta là không biết đâu là ý Chúa, vì Chúa không hiện ra để nói rõ từng chi tiết cuộc đời ta, ý Chúa được tỏ lộ dần dần – kiểu như người lần bước trong đêm tối, ta chỉ biết từng bước chân mà không biết phía trước có những gì! Đó mới là đức tin. Chính ông Abraham (cha của kẻ tin) và ngay cả Mẹ Maria là Đấng đầy ơn phúc mà cũng chỉ biết từng ngày lần bước - trong niềm tin rằng Chúa là Đấng trung tín và tốt lành. Đừng nghĩ chỉ có những lúc phải chọn lựa ơn gọi, bậc sống, người phối ngẫu và những chuyện quan trọng mới phải xin ơn soi sáng để tìm thánh ý Chúa, mà là từng giây phút cuộc sống – xin cho ý Chúa được thể hiện trong đời mình, gia đình mình, xã hội và cho cả nhân loại. Sự hiện diện, chăm sóc và ước muốn của Chúa bao phủ cả địa cầu như không khí ta thở, tự nhiên đến nỗi ta tưởng là không có!

Trong Tin Mừng có nhiều câu chuyện diễn tả niềm tin mãnh liệt vào Chúa Giê su, khiến Chúa phải khen, nhưng có một chuyện đáng cho ta suy tư, đó là người phong cùi – lên tiếng nói với Chúa: “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Câu nói của anh chứng tỏ một niềm tin cao độ, một niềm phó thác thuần khiết – ngoài sức tưởng tượng của con người. Đã là người phong cùi thì bị cả xã hội khai trừ, kỳ thị cả về tôn giáo (bị phạt vì tội) và xã hội (sợ bị lây), một cuộc đời sống mà như chết và nhu cầu cần được chữa lành là quá cấp thiết, ấy thế mà anh không thúc ép Chúa mà chỉ xin tùy thuộc ý Chúa. Tôi nghĩ anh này cũng nên được kể là gương mẫu của kẻ tin. Có câu chuyện khác kể về một vị tu sĩ mù, ông này cũng khá đạo đức nên thường bắt đầu lời cầu nguyện của mình bằng câu ‘nếu Chúa muốn’; ấy vậy mà có một hôm ông xin Chúa cho mình được sáng mắt và bỗng dưng đôi mắt ông được chữa lành, sau giây phút bàng hoàng vì được chiêm ngắm công trình mỹ lệ của Thiên Chúa, vị tu sĩ chợt nhớ mình không thưa với Chúa câu nói quan trọng kia; ngẫm nghĩ một lát, ông bèn vào nhà thờ, thưa với Chúa: “nếu việc con sáng mắt không đẹp lòng Chúa thì xin cho con mù trở lại”; sau đó ông bị mù lại, nhưng lòng an bình, vì biết rằng đây là điều Chúa muốn, Chúa là Đấng tốt lành và đường lối của Ngài không ai dò thấu.

Khi chúng ta xác tín rằng ‘tìm kiếm thánh ý Chúa’ là điều quan trọng nhất trong cuộc đời, thì không khi nào chúng ta bị vỡ mộng, tâm hồn sẽ an vui, cuộc đời chắc chắn thành công tốt đẹp. Nếu ta nhắm những mục đích cuộc đời ở những thứ trần gian như danh lợi thú, sức khỏe, hạnh phúc… thì có lúc chúng lìa bỏ ta, ngoài ý muốn và nỗ lực của ta. Còn khi ta tìm Thánh ý Chúa thì dù thành công hay thất bại, khỏe mạnh hay đau yếu, được người đời tán dương hay chê bai, sống lâu hay chết trẻ… chẳng có gì là quan trọng, vì chỉ mình Chúa là đủ cho ta. Tôi có một người chị bên vợ đi tu, bị bệnh và đã lìa thế;  trong những ngày cuối cùng, chị di chuyển dần về gần phòng hấp hối để đỡ phiền người khác; trong khi hấp hối, nhà dòng không cho người thân đến gần và thường không dùng thuốc giảm đau; khi nằm trong nhà xác, nếu người thân muốn thức thì mở cửa – nếu không muốn thức thì họ đóng cửa để cho xác nằm một mình; tôi nghĩ mục đích của nhà dòng là để cho người chị em có cơ hội cuối cùng cảm nếm sự tự thoát – nên giống Đấng tình quân mà các chị đã chọn và tôn thờ.



Trong cuộc sống, tiếng nói của Chúa sẽ vụt đến một lúc nào đó – mà người được gọi cũng không ngờ. Ta có thể kể đến một Inhaxiô được Chúa sờ chạm khi nằm trong bệnh viện, đấu tranh giữa cuộc sống trần tục của giới quý tộc với tiếng nói đem lại an bình khi suy tưởng đến con đường phục vụ Chúa Giê su; ta có thể kể đến Mẹ Tê rê xa được Chúa kêu gọi phục vụ người nghèo khi mẹ ngồi trên toa xe lửa; xa hơn nữa là ông Sao lô, được Chúa đánh động trên đường Dámas. Đôi lúc tôi tưởng tượng: nếu xảy ra cơn bách hại đạo như ngày xưa, tôi thuộc loại người trốn chạy, chối đạo hay tử đạo”, tưởng tượng như thế để thấy được sự thánh thiện nơi nhiều vị thánh khi họ ước ao hết lòng hết sức được phúc tử đạo và rằng các thánh Tử Đạo Việt Nam đã ước ao tử đạo trước khi có cơ hội được chết vì đạo. Còn đa số chúng ta, hãy nghĩ lại lòng mình: khi ý Chúa muốn mình phục vụ anh em trong Giáo hội địa phương, mình tìm cách từ chối với lý do này nọ, thì hãy biết rằng mình đã không vâng theo ý Chúa. Khi suy nghĩ về con đường thơ ấu của Thánh tiến sĩ Tê rê xa Hài Đồng, một nhà tu đức nói: Nếu ta hiểu con đường nhỏ bé là làm những việc nhỏ với lòng yêu mến Chúa, điều đó đúng nhưng chưa đủ, sự nhỏ bé ở đây còn muốn nói đến tình trạng thấp hèn của chính mình, tình trạng khó nghèo tận cùng của mình trước mặt Chúa, nhờ đó Thiên Chúa có thể làm được nhiều điều lớn lao. Khi ta khiêm tốn vâng theo ý Chúa, bằng lòng với những điều mình đang có là đi vào con đường nhỏ bé rồi vậy.

“Thánh ý Chúa trong cuộc đời cho tim con vui rạng ngời, nối kết trong tình trời với đất.Thánh ý Chúa đưa con đi, trong bình an Chúa dẫn con về, câu ước thề vẹn nghĩa tín trung”. (Thánh ý Chúa, Lm Thái Nguyên). Mong ước rằng những tiếng ‘xin vâng’ trong từng ngày sống sẽ kết tụ thành tiếng ‘dạ’ êm ái khi Chúa đưa từng người chúng ta về bên Ngài. Amen.

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

Sống dưới con mắt Chúa

 





Một trong những lời khuyên của nhiều nhà tu đức là người con cái Chúa hãy tập sống dưới con mắt Chúa, có nghĩa là luôn ý thức rằng Thiên Chúa đang cùng sống – làm việc – ngủ nghỉ - giải trí – vui buồn với mình. Đây không phải là tưởng tượng, vì nhiều lần Chúa nói với chúng ta: “Ta ở với con, Ta thấu biết mọi bí ẩn, Ta đã yêu con từ muôn thuở”.

Xã hội hiện đại đã phát minh ra những con mắt thần, gọi là camera, với mục đích là quan sát và theo dõi người khác, nhờ vậy con người sống tử tế hơn vì sợ bị phát hiện hành vi ám muội của mình. Có thể ví ánh mắt Thiên Chúa dành cho con người và từng người - giống như những camera vô hình, nhưng ở mức độ cao hơn nhiều và mục đích khác hơn nhiều. Thiên Chúa nhìn thấu tâm can con người từng gang tấc, nhìn để yêu thương và chăm sóc chứ không phải để theo dõi và bắt lỗi, nhìn từ ngàn xưa để mơ ước và có kế hoạch cho mỗi cuộc đời, một cái nhìn chủ động để dìu dắt và yêu thương mãi cho đến ngàn đời, một cái nhìn trong âu yếm và đem lại an vui chứ không phải là sợ sệt như những camera điện tử kia đâu.

Lời khuyên ‘sống dưới con mắt Chúa’ đem lại lợi ích gì? – Hãy biết rằng Chúa đang nhìn mình và không có gì mà giấu được Chúa – dù tốt dù xấu, ngay trong tâm tư Chúa đã biết, ấy vậy mà Chúa thưởng công cả những mơ ước thánh thiện của con người, có thể đan cử Thánh nữ Faustina, Tê rê xa Hài Đồng; Hãy làm mọi việc vì Chúa, đừng làm vì người đời, và Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ trả công cho ta; Hãy sống an vui, vì luôn có một ánh mắt âu yếm như mẹ hiền hằng dõi bước theo con mình để yêu thương, dìu dắt ta – từng giây từng phút mãi cho đến ngày Chúa đưa ta về bên Ngài; Chỉ có Chúa là đủ!

Khi nói về việc cầu nguyện, một nhà tu đức đã chia sẻ:  “Khi bạn dùng một đoạn Tin Mừng hoặc bạn tâm sự với Chúa, bạn thưa chuyện của mình cho Chúa nghe, để cho câu Lời Chúa vang vọng lại trong bạn, đến một lúc nào đó bạn khám phá ra rằng chính Chúa nói với bạn, đánh động tâm hồn bạn mãnh liệt – khác với những lần khác khi tiếp xúc với Lời này. Chính Chúa nói với bạn chứ không phải là hiệu quả của tự kỷ ám thị đâu nhé”. Cũng như vậy khi nói về việc Chúa hiện diện, mỗi ngày ta hãy xin Chúa thanh tẩy con mắt tâm linh của mình, để ta nhận ra dấu vết của Ngài ngay trong từng ngày sống, nếu không ta sẽ đơn côi trong cuộc đời: chỉ có mình mà không có Chúa, cuộc sống sẽ không ‘thành công’ và ẩn chứa nhiều lo âu không đáng có. Có câu chuyện kể về anh Jim: Mỗi ngày trên đường đi làm việc, anh thường ghé vào nhà thờ thưa mấy câu với Chúa - rồi tiếp tục ra nương rãy làm việc, có lần cha quản xứ hỏi anh: anh cầu nguyện gì mà nhanh thế? – con nói với Chúa ‘Chúa Giê su ơi, có Jim đây”; đến ngày anh ta bị bệnh, anh yêu cầu để một chiếc ghế trống ở phía đầu giường, để Chúa ngồi khi Ngài viếng thăm anh, anh biết rằng Chúa sẽ đến thăm anh khi anh không có thể viếng thăm Ngài.



Lời một bài hát sinh hoạt: “Con kiến đen, nằm trên hòn đá đen, mặt trời tối đen, Đức Chúa trời cũng thấy, vì Người biết tỏ mọi điều, dù trong tâm tư, dù trong đêm tối, trên đời ai giấu được Người”. Niềm tin vào Chúa hiện diện khắp nơi và thông tỏ mọi điều sẽ đặc biệt hữu ích khi một người trải qua những uẩn khúc tâm hồn, bị gian nan thử thách, bị bệnh tật hiểm nghèo, bị người thân hắt hủi, bị hiểu lầm hoặc nhốt tù, vì khi đó ta bị mất hết – chỉ còn lại Chúa và chỉ biết nương cậy nơi Chúa.

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Tìm kiếm Chúa

 



Trong một năm Phụng vụ, Giáo hội chọn những đoạn Kinh Thánh căn bản để dùng trong Thánh Lễ, hầu giúp cho hành trình đức tin của con cái mình được nuôi dưỡng và triển nở. Dù vậy, con người chúng ta mãi không nắm trọn được ý nghĩa của những chân lý đó, vẫn phải kêu xin sự trợ giúp của ơn trên để hiểu và sống cho đúng điều Thiên Chúa muốn phán dạy. Một trong những điều khó nắm bắt đó là sự cầu nguyện, mà đây là đề tài quan trọng trong đời sống đạo và được các nhà tu đức nói đến rất nhiều.

Rất nhiều định nghĩa về việc cầu nguyện: cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa, là việc kết hiệp với Chúa, là thưa chuyện với Chúa. Khi ta nói chuyện với người lạ thì hơi khó vì ta không biết rõ về người kia: lý lịch, gia cảnh, tính tình, mối bận tâm, sở thích, địa vị… còn khi nói chuyện với người quen thì mọi sự dễ dàng hơn, và khi nói chuyện với bạn bè hoặc người yêu thì khỏi nói: rất nhiều chuyện để nói và có thể không cần nói cũng thấy thích thú khi ở bên nhau. Ấy thế mà khi ở bên cạnh Thầy Giê su hiện diện trong Thánh Thể, chúng ta cảm thấy khó nói chuyện, vì sao?- vì ta không tin thật Chúa hiện diện ở đó, ta dường như cảm thấy Chúa xa lạ quá – Chúa không phải là một người bạn, người yêu, ta không tin rằng Chúa tốt lành và yêu thương ta … nên ta ngại nói chuyện, và ta thường chỉ nói mà không biết lắng nghe. Ngày nay, thật hiếm nghe nói đến việc viếng Thánh Thể, vừa nặng nề và vừa có vẻ mất thời giờ, mà có đến nhà thờ ta cũng đọc vội vàng một số kinh nào đó cho chắc và dễ thành công hơn.

Bạn đã bao giờ gặp một đứa trẻ ‘tăng động” chưa? – Nó náo động liên tục và quá mức - trừ khi ngủ, làm mệt nhoài người trông giữ nó. Nhìn một khía cạnh nào đó, nhiều khi chúng ta giống hệt những đứa trẻ đó khi chúng ta hoạt động liên tục: đọc báo, chém gió, lao động, đọc sách, kể cả giảng dạy và viết lách… là để trốn chạy cầu nguyện, tránh trở về căn nhà nội tâm và tăng động để giảm bớt phần nào sự bất ổn nội tâm. Đành rằng làm việc bổn phận là cách chắc chắn và tốt lành để nên thánh, nhưng điều đáng nói là tình trạng trống rỗng khi làm việc và động đạc quá mức cần thiết: không kèm theo cầu nguyện, làm để thể hiện bản thân, để phô trương và đúng như lời Chúa nói với Matta:“con lo lắng nhiều chuyện quá”.

Chúa Giê su thường cầu nguyện vào lúc tinh mơ, điều này nhắc ta rằng: “Ai không gặp Chúa ở trên núi cao thì không thể gặp được Ngài ở dưới đồng bằng”. Một trong những biểu hiện của người có niềm tin và niềm khao khát tâm linh là họ siêng năng tham dự Thánh lễ hằng ngày, có những người ở xa nhà thờ, có những người rất trí thức, có những người còn rất trẻ và có cả những em thiếu nhi. Cứ sự thường, đến lúc có tuổi thọ (tuổi 60) người ta mới siêng năng việc đạo đức, vì khi đó mới rảnh rang hơn và sợ chết hơn, tuy vậy cũng có những kẻ trời đã cho quá thọ và đã hết mối lo, nhưng họ cũng ít đến nhà thờ, đến lúc không đi lại được nữa thì lại ngồi tiếc!



Lời Chúa nói về việc cầu nguyện rất rõ ràng: “cứ xin mãi thì sẽ được, Cha trên trời là Đấng tốt lành hơn cha mẹ trần gian bội phần, hễ ai xin thì nhận được, Cha sẽ kíp ban Thánh Thần cho kẻ kêu xin”. Với tuổi đời dần trôi, chúng ta cảm thấy những lời trên hơi xa thực tế, vì hằng ngày ta liên tục cầu xin mà nhiều điều dường như không xảy đến và hiệu nghiệm, và nhiều người đã mất đức tin vì vấn đề ‘xin mãi mà không được’: Chúa không hiện hữu, Chúa không thương tôi. Có câu chuyện kể rằng: có người đệ tử ngoan hiền bỗng dưng bỏ cầu nguyện, sư phụ gặng hỏi thì được trả lời: Nếu Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự thì Ngài biết rõ con cần gì, là Đấng yêu thương thì Ngài sẽ cung cấp cho con người những gì cần thiết, vậy thì cần gì phải mất giờ trình bày. Khi nói về hoa huệ ngoài đồng và chim trời cũng được Cha trên trời chăm sóc, Chúa Giê su không bảo ta ‘đừng cầu nguyện’, nhưng là ‘đừng lo lắng’.

Dựa vào kinh Lạy Cha, trước hết ta hãy hướng lời cầu nguyện của ta về Thiên Chúa: cho mọi người được nhận biết Thiên Chúa, cho các linh mục và tu sĩ được gắn bó mật thiết với Chúa, cho các nhà truyền giáo được nhiệt thành, cho chiến tranh được mau chấm dứt, cho các gia đình được trở nên dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, cho các nhà lãnh đạo có tấm lòng và có tinh thần phục vụ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng trình bày những ước nguyện và bận tâm của mình và phó thác cho Ngài định liệu: nếu việc Chúa muốn và đến lúc Chúa muốn, mọi sự sẽ tốt đẹp; nếu việc Chúa không muốn và không tốt đẹp như ta nghĩ thì Chúa sẽ cho việc đó xảy ra cách khác, hãy tin rằng điều đang xảy ra là điều tốt đẹp nhất mà Cha nhân lành cho phép xảy đến. Bạn đã quan sát đứa trẻ khi vào siêu thị đồ chơi chưa? - Nó đòi hết món này tới món đồ nọ, đến nỗi bố mẹ nó phải thốt lên: "Con không bao giờ biết bằng lòng cả!" Hãy coi chừng Chúa cũng nói với ta như vậy đó. Hãy biết bằng lòng với những gì mình có và thỉnh thoảng biết dâng lời tạ ơn Chúa, càng nhiều càng tốt. Biết trình bày với Cha trên trời những ước mơ của mình, những bận tâm của mình, những ân hận của mình và lòng biết ơn của mình, đó là cầu nguyện.

Đến một lúc nào đó, ngẫm nghĩ lại sự đời, ta nhận ra sự đan dệt của các sự kiện rất mạch lạc và có sự điều khiển của Cha nhân lành. Ta tin chắc rằng: điều mình nhận ra bây giờ cũng chỉ là hữu hạn so với những điều Chúa chưa cho mình thấy, vì lợi ích của linh hồn. Một viễn cảnh tốt đẹp sẽ xảy ra khi ta về với Chúa, khi đó bức tranh thêu cuộc đời sẽ được vén màn và linh hồn sẽ ngụp lặn trong hạnh phúc – hiệp với Mẹ Maria và các Thánh để ca ngợi lòng từ bi, tình thương xót và quyền năng của Thiên Chúa.