Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Người Mẹ





Tháng Mân Côi đã về, chúng ta cảm thấy ấm áp cõi lòng hơn khi có dịp yêu mến Mẹ Maria nhiều hơn.
Trong tháng 9.2013 này, Đức Phanxicô đã có 2 bài nói chuyện, dùng những hình ảnh rất sâu sắc của người mẹ trần thế để nói về mẹ Giáo Hội và Đức Maria. Thiên Chúa cũng là một người cha và cũng là một người mẹ của từng người chúng ta.
Công việc đầu tiên của người mẹ là sinh con. Sau những ngày cưu mang con nơi cung lòng mình, người mẹ đã cho con mình chào đời, dù cuộc đời đầy sóng gió và những thách đố. [Mẹ Giáo hội cũng sinh con mình nơi giếng nước rửa tội bởi phép Chúa Thánh Thần. Đây không phải là một sự kiện hình thức bề ngoài, không phải là điền vào một tờ giấy mà người ta đưa cho chúng ta. Không, không phải vậy! Nó là một hành động nội tại, sống động. Chúng ta không thuộc về Giáo Hội như thuộc một hiệp hội, một đảng phái, hay bất cứ một tổ chức… nhưng thuộc về Thân Mình Chúa Kitô. tất cả chúng ta đều được mời gọi cộng tác vào việc sinh ra các kitô hữu mới cho đức tin, tất cả chúng ta đều được mời gọi là những người giáo dục trong đức tin, và loan báo Tin Mừng]. Mẹ Maria đã sinh cho đời Đấng Cứu Tinh là Đức Giêsu, là trưởng tử của một đoàn anh em đông đúc là chúng ta, và Mẹ là mẹ các tín hữu.

Đồng hành cùng con. Sở dĩ người mẹ không giữ con mình mãi trong dạ, cũng không bao bọc con trong lồng kính, cũng không dẹp bỏ mọi chướng ngại trên đường con mình đi… là để cho chúng được trưởng thành. Chính những gian lao thử thách của môi trường sống sẽ rèn luyện ý chí và tự do của con mình, có vậy người con mới không bị cuộc đời vùi dập. Mẹ Giáo Hội và Mẹ Maria cũng đồng hành với từng người con với tình âu yếm, hướng dẫn con bằng lề luật Tin Mừng và các giáo huấn của mình, bằng việc cử hành các bí tích và lời chuyển cầu, nhưng vẫn để con mình tự do bước đi trên mọi nẻo đường đời.

Tình mẫu tử. Người ta thường bảo: “Người mẹ bao giờ cũng là một người mẹ;Tình yêu và lý trí thường không đi đôi với nhau”. Có những bà mẹ trần gian có thể nói đã trao cho con cả cuộc đời và mọi của cải mình có, khi chẳng còn lại gì thì bị người con hắt hủi…vậy mà bà vẫn thương con và chỉ mong người con biết nghĩ lại. Nhà tôi có con mèo mẹ, hễ bắt được con chuột dù lớn hay nhỏ, đều kêu con mình đến và ngồi nhìn con ăn, mắt lim dim tỏ vẻ sung sướng, đó là bản năng của loài mèo chứ chẳng phải do giáo dục hay lý trí điều khiển… tuy vậy nó cũng gợi cho tôi sự cao thượng của ‘tình mẹ’. Thiên Chúa, Giáo hội và Mẹ Maria không bao giờ đóng cửa lại với những người con đã đi xa nhà, ánh mắt của mẹ đã mờ vì đợi chờ con, vòng tay của mẹ luôn sẵn sàng để ôm chầm lấy con khi con về lại nhà. [Chúng ta nói rằng một bà mẹ biết “chường mặt ra” vì các con, nghĩa là được thúc đẩy luôn luôn bênh vực chúng. Tôi nghĩ tới các bà mẹ đau khổ vì con cái bị tù tội hay ở trong các hoàn cảnh khó khăn: các bà không hỏi xem chúng có lỗi hay không, các bà tiếp tục yêu thương chúng và thường chịu các nhục nhã, nhưng không sợ hãi và không ngừng tận hiến chính mình].

Mỗi người làm nên Giáo hội. [Đức Thánh Cha nói: Đôi khi tôi nghe nói “Tôi tin Thiên Chúa, nhưng không tin Giáo Hội”. Giáo Hội là tất cả chúng ta, từ một em bé mới rửa tội cho đến các linh mục và giám mục. Và nếu bạn nói rằng bạn tin Thiên Chúa nhưng không tin Giáo Hội, thì bạn đang nói rằng bạn không tin chính mình, và đó là một sự mâu thuẫn].
[Khi người ta nói tới các thiếu sót đó của mẹ chúng ta, thì chúng ta che đậy chúng lại, chúng ta yêu chúng, thế thôi... Và Giáo Hội cũng có các thiếu sót của mình. Tôi có yêu mến Giáo Hội như thế, như tôi yêu mẹ tôi không? Chúng ta có giúp Giáo Hội trở thành xinh đẹp hơn, đích thật hơn, theo như Chúa muốn không? Chúng ta đừng bép xép về những điều không tốt của Giáo hội, phải biết cầu nguyện cho Mẹ mình].

Những thế kỷ gần đây, thế gian đã tấn công Giáo hội bằng bạo lực, bằng luật pháp và bêu xấu hàng giáo sĩ. Sự tấn công đó không ngừng xảy ra từ bên ngoài lẫn bên trong với ý đồ phá hoại Giáo Hội Công Giáo một cách từ từ nhưng họ tin là chắc chắn, giống như con sâu, con mọt, cứ gặm, cứ cắn, rồi một lúc nào đó, cột nhà sẽ sập. Nhưng Thiên Chúa luôn là Đấng quyền năng và giàu lòng xót thương, mẹ Giáo hội luôn quản lý một kho tàng ơn Thánh diệu kỳ và có muôn vàn người công chính ngày đêm đang bước đi trên đường lối Chúa, và bên cạnh đó còn có Mẹ Maria luôn đồng hành với từng người con trên vạn nẻo đường đời, Mẹ luôn tìm cách sinh hạ Đức Kitô nơi cõi lòng nhân gian.
(Những câu trong ngoặc [...] là trích bài nói chuyện của Đức Phanxicô)

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Chuyện kể về nước Úc




Tôi có dịp gặp thầy Raphael Trần Anh Văn đang du học ở Úc theo chương trình nhà dòng, thầy kể một vài chuyện về nước Úc. Vì nghe trong một bữa ăn sáng, có thể có vài tình tiết không thật chính xác, xin ghi lại như một điều khích lệ cho văn hóa và nếp sống đạo người Việt Nam.
Kangaroo: ở nước Úc, chẳng ai ăn thịt nó cả và chúng sinh sôi  rất nhiều, ăn hết cả cỏ của các loại súc vật khác, có lúc người ta phải bắn để giảm bớt số lượng và thường cán chết chúng khi chạy xe ban đêm. Ấy vậy mà ở Việt Nam, Kangaroo lại đang trở nên một loại đặc sản để nhậu.
Dân cư Úc là 25 triệu người, sống trên một diện tích rộng bằng 30 lần nước Việt Nam… Bởi đó nguồn lợi từ thiên nhiên là rất lớn và sống rất rộng rãi, thoáng đãng. Cộng đồng người Việt có khoảng 250.000 người, sống đạo rất hăng say và tạo một sự năng động cho vùng đất nầy, có đến 500 linh mục Việt đang phục vụ tại Úc. Có người bảo: “Trước đây, người Ái Nhĩ Lan truyền đạo cho Nước Úc, thời hoàng kim của họ đã qua đi rồi. Nay đến lúc người Việt Nam đang sinh sống ở Úc làm cho đời sống đạo sinh động trở lại”.
Có hai chủng viện lớn nhất ở Úc, một có 15 chủng sinh thì có đến 10 người Việt Nam; còn chủng viện kia có 55 chủng sinh thì có đến 12 người Việt. Khi vào chủng viện, kỷ luật ở đây cũng khá lỏng lẻo, có nhiều tự do và không có nhiều bó buộc... để tập cho các thầy tự chủ. Nhiều người cũng thấy chán vì không giúp họ làm chủ được bản thân và cũng không khác chi ở ngoài đời.
Người Úc nói chung đã tiến đến giai đoạn sống đạo của phương tây: đạo chỉ là một nhu cầu bên lề cuộc sống, khi cần thì đến nhà thờ còn bình thường thì thôi; lúc chết tiện đâu làm đó, ông cha Công giáo cũng được mà Tin Lành hay Anh Giáo cũng xong.

Người Mẹ ở nước Úc thường cho con ngủ riêng và ít bồng bế chúng, đẩy xe cho trẻ đi chơi và để chúng nằm ngửa nhìn trời, trong lúc bà phì phèo điếu thuốc… đó là hình ảnh bình thường ở Úc. Trẻ lớn lên thường có một khoảng cách tình cảm với cha mẹ và sống tự lập. Người Việt thường chăm sóc con từng li từng tí, âu yếm con và giáo dục con khắt khe… trẻ lớn lên có một sự gắn bó với những người thân ruột thịt và nếp sống đạo cũng tốt hơn.
Qua những câu chuyện được kể trên, người Việt mình nên duy trì sự thân tình của những người trong một nhà và nếp sống đạo tình cảm: năng lui tới nhà thờ, sống tình bác ái huynh đệ, tin là sống hết mình theo Thầy Giêsu với một niềm xác tín mãnh liệt.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Cặp đôi hoàn hảo





Chuyện ly dị, ngoại tình, sống thử, đa thê, phá thai và hôn nhân đồng giới là những thực tại đang xảy ra hằng ngày và phổ quát, nói lên sự lăng loàn về tình yêu và tình dục. Từ ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên một người nam và một người nữ để họ yêu thương nâng đỡ nhau và sinh dưỡng con cái. Những điều cơ bản đó đã được linh mục thẩm vấn đôi bạn một lần cuối trước khi họ trao nhau lời thề hứa: tự do chớ không bị ép buộc, sẵn sàng đón nhận con cái và giáo dục chúng theo sống theo luật đạo Chúa. Nếu hai câu hỏi nầy được trả lời ‘khác đi’ thì lễ cưới lập tức phải ngừng lại, vì những lời thề hứa yêu thương và chung thủy trọn đời mất hết ý nghĩa. 

Có một câu nói dân gian: “Trước khi ra trận cầu nguyện một lần, khi đi biển cầu nguyện 2 lần, và kết hôn thì cầu nguyện 3 lần”, là muốn nói rằng: hôn nhân là một điều hệ trọng nên phải cầu nguyện để nhận biết ý Chúa, phải có Chúa đồng hành. Cái khó của đời hôn nhân nằm ở chỗ là sự kéo dài của nó đến trọn đời. Tình yêu hôn nhân là một ngọn lửa mà ta phải luôn nhóm và giữ cho khỏi tắt, dù trời lặng gió hay giông bão.
Mỗi người là một cá vị độc đáo về cá tính và còn khác nhau về giáo dục nay kết hợp thành một gia đình, thề hứa ‘yêu thương – chung thủy và tôn trọng nhau đến trọn đời, ngay cả khi bệnh tật và gian nan’. Có thể nói đây là một trong những lời thề vĩ đại và cao cả nhất mà một người dám thốt lên, vì nó đòi hỏi ta một sự quảng đại, kiên trì, nhẫn nhục, tha thứ và phải có kỹ năng sống. Ba chữ già-bệnh-gian nan muốn nói với ta điều gì?- Già thì xấu đi, chậm chạp và run rẩy, nghe kém và nhìn yếu, không còn làm ra tiền. Bệnh, rất tốn tiền mà còn làm bận vướng chân ta vì ta phải luôn túc trực để chăm sóc từng ly từng tí. Gian nan là nói đến sự ngặt nghèo về kinh tế, không duy trì được những sinh hoạt và tiện nghi tối thiểu. Ai cũng mong gia đình mình đừng vấp phải những éo le trên. Và còn một thử thách cũng nặng nề không kém đó là đơn chiếc, một người ra đi trước để gánh nặng gia đình cho người còn lại gánh vác. Nói lên những khó khăn của đời hôn nhân như trên để thấy giá trị cao đẹp của lời thề hôn phối, chứ thực ra ‘một con đường bằng phẳng thường không đưa đến đâu cả’, cuộc sống nào cũng có những chông gai để đức tin của ta được trui luyện cho nên tinh tuyền.
Khi nói rằng ‘Hôn nhân là một ơn gọi” người ta muốn nói gì? – Hôn nhân là sự kết hợp huyền nhiệm của Thiên Chúa để hai người bổ trợ nhau, giúp nhau nên thánh. Hiểu như vậy thì mỗi người là ‘một cặp đôi hoàn hảo và là mối tình của thế kỷ’, vì được Chúa kết hợp, được Chúa che chở và có Chúa đồng hành. Hoàn hảo ở đây không phải là 'hết ý' về địa vị, vật chất, trình độ, duyên sắc hoặc sự hòa hợp về cá tính, nhưng muốn nói đến sự kết hợp vợ chồng nằm trong sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Sự linh thánh của ơn gọi hôn nhân còn có một chiều dài vĩnh cửu sang đến cõi thiên đàng, là kết quả tất yếu của một cuộc đời biết trao ban liên lỷ và trọn vẹn.
Y thức rằng mỗi đôi hôn phối đều là cặp đôi hoàn hảo, hãy hoàn thành sứ mạng của mình trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Chúa. Trên phương diện nhân loại ta có thể nói: Để thành công trong đời hôn nhân, đôi bạn phải biết làm mới lại (refresh) tình yêu và biết kính trọng nhau như khách. Trên bình diện đức tin, cha Augustinô Hoàng Đức Toàn có hiến cho các đôi bạn trẻ một bí kíp: “kinh nguyện sáng tối trong gia đình”. Ngài nói: Nếu đôi bạn trẻ nào khi đã thực hành bí kíp này hằng ngày mà còn xảy ra chuyện lục đục trong gia đình thì cho dù đã nằm dưới lòng đất, tôi cũng xin chịu trách nhiệm!