Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Thói quen nói xấu




Một điều gì xấu được lặp đi lặp lại được gọi là tật xấu. Nói xấu là một tật xấu phổ biến mà nhiều người khắp thế giới mắc phải. Chính Đức Phanxicô cũng luôn nhắc nhở tín hữu phải tránh tật xấu nầy, vì nó gây chia rẽ trong các mối quan hệ giữa con người và trong Giáo Hội. Và Ngài còn nói thêm: thói quen nói xấu bề trên và các linh mục là thói xấu rất phổ biến mà chính ngài cũng đã từng mắc phải.
Nói xấu một ai đó là nói cho người khác biết một điều xấu có thật của một người thứ ba. Cả người nghe và người nói cùng mang tội nói xấu, còn người thứ ba thì bị tô màu xấu xí ‘đen như quạ’. Khi hai người bạn gặp nhau, họ thường chia sẻ cho nhau những tin tức trong cuộc sống, và cũng thường chia sẻ cho nhau những chuyện xấu của một ai đó. Họ tưởng rằng đang trao nhau những món quà, nhưng thực tế lại là tặng nhau những ‘quả cấm’. Ma quỷ luôn tìm mọi cơ hội để tạo ra sự nghi kỵ và chia rẽ, vì chúng biết sự hiệp nhất là món quà của Chúa Thánh Thần.
Có nhiều lý do tạo nên sự khác biệt giữa người nầy với người kia: khi sinh ra đời, mỗi người là một cá vị độc đáo không ai giống ai, ân điển Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác để họ xây đựng cộng đoàn, hoàn cảnh sống, môi trường giáo dục, nỗ lực thăng tiến bản thân cũng tạo nên những khác biệt đáng kể. Chính những khác biệt đã tạo nên sự so sánh, sự cạnh tranh giữa người nầy với người khác. Và để cho mình được nổi bật lên, người ta thường dùng đến chiêu thức nói xấu. Họ quên rằng: đích đến của con đường trọn lành mỗi người mỗi khác tùy theo ơn gọi của họ, sự so sánh về những điều vụn vặt trong cuộc sống thật không đáng kể tí nào!
Ngay phía trước bàn làm việc của cha tân tổng đại diện giáo phận Banmêthuột có một tấm bảng ghi chú: “TẠI ĐÂY KHÔNG NÓI XẤU”. Một câu nhắc nhở thật ấn tượng cho những ai đến gặp gỡ ngài. Quả thật, những lời rỉ tai và những câu chuyện ngồi lê đôi mách làm ta mất nhiều thời gian và hạ thấp giá trị tâm hồn của những người hiện diện, nhất là nói xấu các linh mục. Và một linh mục có thói quen nói xấu sẽ tự hạ thấp giá trị cũng như uy tín của mình.Trong cuộc gặp gỡ gần đây, Đức Phanxicô nói: làm linh mục khó hơn là làm giáo hoàng, vì trực tiếp mục vụ tại giáo xứ thường có nhiều sự đụng chạm với giáo dân.

Hiện trạng của nhiều giáo xứ trong giáo phận mà chúng ta biết được là người giáo dân thường không bằng lòng với các linh mục: không đạo đức, không tế nhị, không giảng hay, không ngồi tòa, không cẩn thận trong lời nói, không gần gũi giáo dân, hay đua đòi vật chất… Có nhiều người rất ưa nói chuyện xấu của các cha và các ‘đấng làm thầy’, nhưng cũng có một số giáo dân khôn ngoan tránh xa đề tài đó như là ‘vùng cấm địa’.
Có lẽ nhiều người đã nghe sự ví von của đức cha Vinh Sơn trước thói đua đòi mua sắm quá khả năng tài chính của nhiều gia đình. Ngài bảo: Xe cũ vẫn tốt nếu mình biết cách sử dụng, nó vẫn đưa mình đến nơi muốn đến, lẽ dĩ nhiên là xe mới thì đẹp và an toàn hơn. Người giáo dân thường đòi hỏi quá nhiêu điều nơi các linh mục mà dễ quên đi rằng ngài cũng là con người như mọi người và ngài cũng đang nỗ lực trên con đường nên trọn lành. Hãy cầu nguyện cho các ngài và hãy cho các ngài cả thời gian nữa.

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Những nẻo đường phục vụ




Thánh Augustinô đã nói: “Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm”. Câu nói nầy chứa đựng cả một triết lý sống: Thiên Chúa yêu thế gian nên mới tạo dựng vũ trụ, ban cho họ Người Con duy nhất làm Đấng Cứu Độ và Thiên Chúa không ngừng âu yếm chăm sóc từng người qua từng ngày sống; về phía con người, cuộc đời họ chỉ có giá trị và được gọi là thành công khi họ biết làm mọi việc vì yêu mến Chúa và tha nhân.

Thế nhưng, trong con người khuynh hướng tự nhiên lại thúc đẩy họ thu vén và yêu bản thân mình, ta thường gọi là tính vị kỷ. Nơi mỗi người, cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng vị tha và vị kỷ sẽ còn tiếp diễn đến giây phút cuối đời. Có những lúc lòng ta cảm nghiệm được giọt mật hạnh phúc vì sự phục vụ, nhưng có những lúc sự phục vụ trở nên như gánh nặng cuộc đời mà ta muốn tìm cách trút bỏ càng sớm càng tốt.
Chúng ta cảm phục sự phục vụ người nghèo của mẹ Têrêxa Calcutta và các chị em trong dòng tu của mẹ. Dòng tu của mẹ chăm sóc những người bị xã hội bỏ rơi, vì họ nghèo, bẩn thỉu và bệnh tật. Thế nhưng các sơ lại chăm sóc họ cách chu đáo và tận tâm, như là chăm sóc cho chính Chúa Kitô vậy. Đáng nể phục nữa là có rất nhiều bạn trẻ tình nguyện đến phục vụ theo sự sắp xếp của các sơ, họ phục vụ miễn phí và rất vui vẻ, nhẫn nại. Chúng ta cũng cảm phục các linh mục và tu sĩ nam nữ, đã hiến cả cuộc đời phục vụ Giáo hội trong nhiều lãnh vực và môi trường.

Có nhiều con đường để sống tốt cuộc đời nơi dương thế, tựa như vườn hoa muôn sắc mà Thánh Linh đã dệt nên để làm cho Giáo hội được sống động và xinh tươi bội phần. Đời sống các vị Thánh được Giáo hội tuyên dương đã nói lên điều đó. Nhưng một đời sống thánh phải được đặt trọng tâm nơi lòng yêu mến bí tich Thánh Thể và khiêm tốn phục vụ tha nhân.
Xã hội càng tân tiến bao nhiêu thì người ta càng đề cao giá trị của đồng tiền và tự do cá nhân. Bởi đó, sự phục vụ dường như trở nên lạc lõng và trở nên một thách đố. Có kẻ nghĩ: sự phục vụ cần có nhiệm kỳ, đừng lấn chiếm thời giờ lao động thì còn chấp nhận được! Sự phục vụ dễ trở thành gánh nặng một phần là do tính ganh tị, do sự trái ý riêng và do nó rút bớt thời gian kiếm tiền của ta.

Thế nhưng, hãy xác định lại một lần nữa rằng: sự phục vụ là nẻo đường giúp ta nên thánh và là cơ hội để ta tập từ bỏ ý riêng, để rồi ta phục vụ giáo xứ cho vui vẻ và tận tình, dù ta ở mắt xích nào trong cơ thể Giáo hội địa phương. Đừng đợi đến lúc có tiền và có giờ ta mới phục vụ người nghèo, đừng đợi có cơ hội bách hại để chịu tử đạo…tốt hơn là mỗi ngày ta đang sống hãy tận tâm phục vụ cho vui vẻ và khiêm tốn, vì lòng yêu mến Chúa và mưu ích cho phần rỗi anh em mình. Hãy nghĩ rằng: khi ta quảng đại phục vụ Chúa thì Ngài sẽ lo liệu cho cuộc đời ta, Chúa không thua lòng quảng đại của ta bao giờ!

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Chứng nhân Tin Mừng




Mỗi Kitô hữu là một chứng nhân Tin Mừng, theo cách của mình và trong hoàn cảnh sống của mình. Điều nầy không thể chối cãi, vì là một đòi hỏi của bí tích rửa tội: trở nên muối cho đời và là ánh sáng cho trần gian (Mt 5,13-14). Lệnh truyền ‘đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” của Chúa Giêsu trước khi về trời có tính cách bó buộc mọi người chứ không phải là một lời khuyên, một điều được phép tự do chọn lựa làm hay không làm (Mt 28,19).
Câu chuyện của chàng dũng sĩ  trong bài “cửa tùng đôi cánh gài” được đăng trên trang lebaotinhbmt.com làm người ta giật mình nghĩ lại mình. Chàng dũng sĩ ra đi để cứu đời giúp người, những ngày đầu chàng rất hăng say diệt trừ yêu quái và thường sử dụng kính chiếu yêu. Thế nhưng mới 7 năm trôi qua thôi mà chàng đã trở nên yêu quái lúc nào không hay, đã từ lâu chàng không còn sử dụng kính chiếu yêu vì thấy những nét quen thuộc của mình nơi mọi người. Câu chuyện gợi cho ta đôi nét về đời sống đạo và sứ mạng làm chứng cho Đức Kitô. Lúc lãnh nhận bí tích rửa tội, người Kitô hữu lãnh nhận chiếc áo trắng với lệnh truyền hãy giữ tâm hồn luôn tinh trắng cho đến ngày trình diện trước tòa Chúa; người Kitô hữu còn được trao cho ngọn nến sáng với lệnh truyền làm chứng nhân cho Đức Kitô. Đặc biệt hơn, bí tích thêm sức kiện toàn ơn của bí tích rửa tội, ban dồi dào ơn Chúa Thánh Thần để ta trở nên chiến sĩ Chúa Kitô ra đi xây dựng Hội Thánh.

Những chàng dũng sĩ trẻ ra đi, lòng hăng say và đầy nhiệt huyết, với kính chiếu yêu là Tin Mừng Đức Kitô, họ phát hiện có nhiều giả trá và nhiều lối sống không phù hợp với lời dạy của Chúa và Giáo hội. Thế nhưng, càng lăn lộn với đời nhiều, họ không còn bực mình về những thói đời, họ dần dần chấp nhận chúng như những điều bình thường: sự dối trá như một điều khôn khéo để sống còn, sự gian dối nơi học đường như một sự thật không thể khác hơn, sự đua đòi vật chất như điều cần thiết để thể hiện bản thân, sự hối lộ như là một thủ tục không cần phải suy nghĩ; sự ngừa thai và phá thai là một lựa chọn tất yếu và nhẹ nhàng cho cuộc sống, ly dị là cách giải quyết cho những cuộc hôn nhân ‘khó chịu’, ai sao tôi vậy: luật pháp cho gì tôi xài thứ ấy…

Đến một lúc nào đó, những chàng dũng sĩ cảm thấy mệt mỏi với đời, họ thấy mình cũng đã nhiễm thói đời lúc nào mà không hay: muối đã nhạt và đèn đã cất ở đáy thùng! Đã từ lâu nay họ không dùng ánh sáng Tin Mừng để đối chiếu cuộc đời. Đọc Tin Mừng thì đọc qua loa, chẳng thấm nổi vào quả tim đã đầy tràn những tham lam và chất chứa nhiều hận thù.

Chàng dũng sĩ thất thểu trở về am để gặp lại sư phụ, tu luyện cho lòng mình được thanh tịnh.
Đừng quá hăng say với sứ mạng cứu đời và giúp người mà quên tĩnh dưỡng tâm hồn, để rồi một khi nhìn lại thì đời ta đã trở nên vô dụng vì đã bị đời đồng hóa: muối đã nhạt và đèn đã hết sáng!