Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Những nhận định về cuộc sống




Cuộc sống là một dòng chảy trải dài qua những trạng huống sinh lão bệnh tử và có sự chung đụng với những dòng chảy khác. Cuộc sống luôn là một dạng ‘động’ chứ không phải là ‘tĩnh’: có những điều hôm nay ta xác tín nhưng ngày mai suy nghĩ của ta lại có đôi chút thay đổi khi va chạm với một tình huống mới hoặc khi gặp gỡ một luồng tư tưởng mới. Có những điều thỉnh thoảng ta phải định nghĩa lại, như ‘hạnh phúc là gì, những tiêu chuẩn để đánh giá một con người’. Đây không phải là những suy nghĩ viễn vông vô bổ, vì chính tư tưởng dẫn dắt hành động, nghĩ thế nào người ta sẽ sống thể ấy.

Hạnh phúc là gì? Có người định nghĩa: hạnh phúc là thành công, toại nguyện, thỏa mãn mọi nhu cầu. Tôi nghĩ ‘hạnh phúc là sự hòa hợp bản thân với cuộc sống, người hạnh phúc không phải là người có những thứ mình muốn, nhưng là biết sử dụng những thứ mình có một cách tốt nhất’. Ở đây có yếu tố ‘chấp nhận, bằng lòng với những gì mình có’, nghĩa là có sự can thiệp của niềm tin: tin rằng Thiên Chúa quyền năng và nhân lành đã dự liệu những điều tốt đẹp nhất cho tôi, nhất là cho phần rỗi tôi; ‘chấp nhận thánh ý Chúa’ là con đường nên thánh của người Kitô hữu. Nếu hiểu được như vậy thì ta có thể hạnh phúc ngay trong thất bại và bệnh tật, sống ngày nào là hạnh phúc ngày ấy và sẵn sàng ra đi khi Thiên Chúa gọi mời. Nếu tâm hồn ta có sự hòa hợp thì đời sống chung với cộng đoàn hay trong gia đình mới hạnh phúc, và sẽ chiếu tỏa niềm vui của một người con cái Chúa.

Thành công là gì, đâu là tiêu chuẩn để đánh giá một con người? Có nhiều người nghĩ rằng ‘ai đó không phải làm việc, cứ việc nghỉ ngơi giải trí cả ngày’ là sướng. Có kẻ lại cho rằng một người sống an nhàn, giao du rộng rãi, hài hòa với mọi người – không mất lòng ai… là thành công. Tôi đánh giá cao một người kiên trì phục vụ tha nhân cách khiêm tốn, người đó không khoác lác và tôi nghĩ người thành công là người sống có lý tưởng, có lập trường sống, là người biết sử dụng những nén bạc Chúa trao để phục vụ Giáo hội và xã hội.
Là người Kitô hữu, ta phải đọc lại câu đầu tiên của sách giáo lý Địa Phận Vinh: Hỏi người ta sống ở đời để làm gì? – Thưa người ta sống ở đời để nhận biết, yêu mến và thờ phượng Đức Chúa Trời ở đời nầy, cho ngày sau được lên thiên đàng hưởng mặt Đức Chúa Trời. Đức Phanxicô đã nhiều lần nói với chúng ta: Đừng tìm niềm vui nơi sự thành công, nơi việc mua sắm, nơi ma túy và tình dục lăng loàn… mà hãy tìm niềm vui nơi sự chiếm hữu Thiên Chúa. Đôi lúc ta thấy rằng những danh hiệu người đời ban tặng cho nhau trong nhiều lãnh vực cũng chỉ là 'trò hề' và hão huyền. Có người đề cao một lối sống năng động của một cá nhân nào đó, nhưng tựu trung cũng chỉ là hưởng thụ và giết thời gian.

Chúa dạy ta đừng phê phán và lên án tha nhân… nhưng ta cũng phải để mắt kiếm người hiền để học hỏi và vươn tới. Một cá nhân thánh thiện sẽ lôi kéo nhiều cá nhân khác tiến lên, cha mẹ thánh thiện sẽ là gương sáng cho con cái sống đạo đức. Một gia đình đạo hạnh và giáo dục con cái tốt sẽ là điểm son cho nhiều gia đình noi theo. Những người khiêm tốn phục vụ cách kiên nhẫn sẽ như muối ướp mặn một giáo hội địa phương, khơi dậy tinh thần dấn thân nơi nhiều cá nhân khác. Những người trí thức và doanh nhân thành đạt mà còn biết hằng ngày đến tụ họp ca tụng Chúa thật là một gương sáng thật đẹp! Một cuộc đời tìm kiếm thánh ý Chúa, chu toàn bổn phận hằng ngày, dấn thân phục vụ tha nhân và khao khát nên trọn lành phải là định hướng đúng của một người con cái Chúa.

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Sống tích cực (2)





Đức Phanxicô đã có những cử chỉ gây ấn tượng mạnh cho thế giới như: việc ngài cúi đầu xin các tín hữu cầu nguyện cho mình trong lần xuất hiện đầu tiên sau khi được bầu làm Giáo hoàng, việc ngài rửa và hôn chân các tù nhân vào thứ Năm Tuần Thánh vừa rồi, việc ngài tự xách hành lý lên máy bay trong chuyến tông du Đại hội giới trẻ ở Brasil, và mới đây ngài ôm hôn khuôn mặt của một người bị bệnh u sợi thần kinh. Tôi muốn nói về hình ảnh ngài tự xách lấy hành lý của mình lên máy bay như một gợi hứng cho một thái độ tích cực trong cuộc sống.
Quả thực, đức Phanxicô càng ngày càng được nhân loại yêu mến, kể cả những người ngoài Kitô giáo. Ở nơi ngài, ta đọc được một sự khiêm nhường không muốn hưởng một sự ưu đãi nào về nơi ăn chốn ở và xe cộ, giống như Thánh Phaolô vẫn dệt lều vải khi bôn ba rao giảng Tin Mừng để không muốn trở thành gánh nặng cho ai. Tự tay mình làm những việc có thể làm, đó là một thái độ tích cực trong cuộc sống.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi ta muốn xã hội thay đổi nhưng chính mình lại không muốn ‘nhấc tay động chân’, vì muốn chọn ‘việc nhẹ nhàng’. Ai cũng biết ‘nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm’ nhưng việc lau nhà rửa chén không phải là việc của tôi. Ai cũng muốn là người ra lệnh mà không muốn trở nên người thi hành. Trong lúc Chúa Giêsu lại dạy: “Ai muốn làm lớn thì hãy là người phục vụ”. Ta vẫn khó chịu khi thấy người ta xả rác bừa bãi, nhưng hãy xét lại: có thể tôi không xả rác nhưng tôi đã dọn rác cho môi trường bớt ô nhiễm chưa? Tôi không ‘bép xép’ nhưng tôi có biết lái đề tài câu chuyện ‘ngồi lê đôi mách’ sang một hướng tích cực chưa, hay tôi cũng khoái nghe?
Câu chuyện 10 người phong cùi được chữa lành mà chỉ có một người ngoại giáo quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa nói với chúng ta vài điều. Chín người Do Thái không quay trở lại vì họ nghĩ rằng họ đáng được như vậy vì họ là dân riêng, họ không cần phải tạ ơn vì đó là chuyện bình thường. Có chuyện kể rằng: Một chiếc xe Bus đã chật cứng người, một cụ già bước lên xe nhưng không còn chỗ. Một em nhỏ thấy vậy nên đã nhường chỗ cho cụ. Cụ già vui vẻ ngồi xuống ghế vì nghĩ rằng mình đáng được như vậy, chẳng biết cám ơn em nhỏ. Em nhỏ có nhân cách lớn còn cụ già cần phải học thêm để trưởng thành về nhân cách. Là những người cha mẹ, ta cứ nghĩ rằng con cái chào hỏi và cám ơn mình là điều đương nhiên, nhưng đúng ra mình cũng phải biết đáp lại lời chào hỏi đó và cũng nợ con cái lời cám ơn khi chúng làm điều gì đó cho mình, vì đó là cách giáo dục con cái. Người ta ca tụng nền giáo dục Tây phương vì đã tạo ra những con người biết cám ơn nhau về mọi điều trong cuộc sống, kể cả với những người làm cho mình bực bội, khi người kia biết nở một nụ cười và xin lỗi (nụ cười đó sẽ giúp mình đáp lại bằng một nụ cười và lòng tha thứ). Nhiều bài báo phân tích cách ứng xử của xã hội Việt Nam cho biết: người ta dễ nổi nóng và cư xử thô lỗ với nhau chỉ vì một va chạm nhỏ trong giao thông hoặc trong đời sống… vì thiếu lòng thương cảm và biết ơn. Như vậy, xét theo một khía cạnh nào đó, người ta mang tính ‘vật’ nhiều hơn tính ‘người’ khi cắn xé nhau bằng bạo lực hay bằng lời nói về những việc không đáng. 

Đức Phanxicô cảnh giác chúng ta về một lối sống khép kín trong cộng đoàn của mình, trong nhóm và gia đình mình, trong chính nội tâm của mình; phải biết mở rộng cõi lòng để có sự liên đới với các cộng đoàn và gia đình khác, vì không ai nên thánh một mình. Trong giáo dục và trong phong trào Công Giáo Tiến Hành, người ta luôn khuyến khích việc làm việc nhóm. Một người có đầu óc thông minh mà không có khả năng cộng tác với nhiều người thì thành quả của người đó không thể tiến xa. Chúng ta thấy điều đó nơi các công trình nghiên cứu văn học, y khoa và các tập đoàn sản xuất. Khi ai đó thấy một điều tốt cho nhiều người, họ phải nêu lên vấn đề cho nhiều người biết để cùng bàn bạc và hành động thì mới có hiệu quả lớn; còn nếu người đó chỉ âm thầm làm việc tốt đó thì hiệu quả sẽ rất hạn chế.

Noi gương đức Phanxicô, bạn và tôi hãy vác lấy thập giá đời mình để đừng nên gánh nặng cho ai. Đừng than thân trách phận nhưng hãy sống đạo với niềm hân hoan vui vẻ, vì Chúa đã cho mình làm người và được hưởng những gì ta đang có. Đừng chất gánh nặng cho anh em bằng những chuyện ngồi lê đôi mách, những chuyện dâm ô tục tĩu và những chuyện gây vấp ngã. Hãy trở thành những nhân tố tích cực xây dựng xã hội mình đang sống, lãnh vực tinh thần cũng như vật chất. Ngay trong gia đình, mỗi ngày hãy biết nói lời cám ơn và xin lỗi chính vợ con mình với sự chân tình của những người ruột thịt.

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Tạm biệt năm Đức Tin





Giáo hội đang sống trong tuần lễ cuối cùng của năm Đức tin và sẽ long trọng kết thúc vào chủ nhật tuần 33 TN. Riêng Giáo hội Việt Nam sẽ mừng trọng thể Lễ CTTĐVN và lễ bế mạc năm Đức Tin chung với nhau, điều nầy có một ý nghĩa đặc biệt vì CTTĐVN đã anh dũng đổ máu đào để minh chứng niềm tin của mình vào Đức Kitô, chọn Chúa là trung tâm đời mình và là gia nghiệp cao quý bội phần hơn chính mạng sống của mình.
Kết thúc năm đức tin là một biến cố gợi cho ta nhiều suy nghĩ: Tôi đã làm được gì trong năm Đức Tin, đời sống đạo của tôi và của cộng đoàn có điều gì khởi sắc không? Có lẽ không được mấy người bằng lòng với chính mình và về những thành quả tốt đẹp của cuộc sống của mình: đào sâu giáo lý, kết hợp thân tình với Thiên Chúa, thể hiện đức tin trong cuộc sống hằng ngày, nói về Chúa cho người khác – nhất là người ngoài Kitô giáo.
Quả thật, theo một đánh giá: tỷ lệ người theo đạo ở Việt Nam không thay đổi từ trên 100 năm qua. Một công ty giới thiệu sản phẩm từ hơn 400 năm nay mà tỷ lệ người mua không tăng thì công ty đó được kể là thất bại.
Có chuyện kể rằng: Có một người  công giáo muốn nói về Chúa cho một người hàng xóm là người ngoại, nhưng vì kiến thức về đạo có hạn nên mãi mà anh chưa mở lời được, một hôm anh nghĩ ra một cách là gửi cuốn sách Phúc Âm cho người hàng xóm qua đường bưu điện. Anh ta hồi hộp theo dõi diễn biến cuộc đời người kia có thay đổi sau khi được tiếp xúc với giáo lý của Chúa chăng? Nhưng thật là thất vọng vì vài ngày sau anh thấy người hàng xóm vứt sách Phúc Âm vào sọt rác trước nhà. Sau khi nén giận, người có đạo đã hỏi thẳng người hàng xóm lý do anh ta vứt sách thì được trả lời: “Tôi đã đọc sách đó hằng ngày qua cuộc sống của anh từ lâu rồi”.
Thực tế, đời sống đạo của nhiều người có đạo chưa tốt – chưa phản ảnh đạo yêu nhau: vẫn vứt rác bừa bãi – kể cả rác thủy tinh và nước thải công nghiệp, lợi nhuận làm mờ con mắt đức tin (biết bao chủ doanh nghiệp là người có đạo), gia đình lục đục vì không lo làm ăn – nhậu, đánh bạc, quan hệ lăng nhăng, bạo hành gia đình. Khi trông thấy các kitô hữu tiên khởi, các người ngoại giáo nói: “Mà những người này yêu nhau biết chừng nào! Họ không ghét nhau, không bép xép người này chống người kia”. Có nhiều người vẫn rước lễ hằng ngày, nhưng đã không xưng tội 5-7 năm nay, họ nói: “mình chẳng có tội gì cả”. Có một thực trạng đang xảy ra trong nhiều giáo xứ là mọi người đi lễ đều rước lễ hết, nhưng cả cha xứ và giáo dân đều rất ngại đến tòa giải tội… đó là một điều đáng báo động rằng “người ta đã mất cảm thức về tội” (Gioan-Phaolô 2)

Lời của TGM Amel Shamon Nona ở Irắc nói với các Giáo hội được yên ổn như chúng ta (7.10.2013): “Ở Tây phương, các bạn được hưởng bầu khí tự do vì các Kitô hữu không bị bách hại: Bởi vì họ (những người bị bách hại) không có tự do, các bạn phải sống trọn ý nghĩa của tự do; bởi vì họ không thể biểu lộ niềm tin cách công khai, các bạn phải thể hiện chứng tá niềm tin cách công khai trong xã hội các bạn đang sống; bởi vì những phụ nữ của đất nước chúng tôi không thể yên tâm khi ra khỏi nhà thì các phụ nữ Tây phương hãy làm chứng về sự tự do đích thực của người Kitô hữu. Và ĐTGM kết luận: Thánh Phaolô đã nói “ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa” (Rm 5,20); cùng với Ngài, chúng tôi cũng có thể nói “ở đâu có sự bách hại thì ở đó cũng có ân sủng kiên vững trong niềm tin và nẩy sinh sự cứu rỗi”.

Đức Tin vào Đức Kitô phải là điều cốt yếu trong cuộc đời của mỗi Kitô hữu. Không phải chỉ trong năm Đức Tin chúng ta mới đào sâu và nhấn mạnh, nhưng mỗi người phải củng cố niềm tin của mình suốt cả cuộc đời. Đức tin là một hồng ân nhưng không mà ta luôn phải nài xin cho mình và cho anh em. Đức tin đó còn phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, trở nên muối men cho xã hội mình sống. Theo nhiều thống kê cho biết: thời đại ngày nay số người bị bách hại vì niềm tin lớn hơn bao giờ hết, mỗi năm trên 100.000 người, không chỉ là đổ máu mà còn là kỳ thị đủ cách. Sống chứng tá phúc âm, thể hiện tình bác ái, trở nên muối men cho đời…cũng là tử đạo hằng ngày rồi vậy.

Lời Đức Phanxicô: Đừng chôn vùi nén bạc Chúa trao xuống đất hay trong két sắt, đừng huênh hoang với những đặc sủng Chúa ban, mà hãy đem ra phục vụ cộng đoàn. Hãy sống đạo trong niềm vui, tâm tình ca ngợi và phục vụ. Một Giáo hội buồn không thể truyền giáo được. Nếu muối nhạt và men ‘thỏa hiệp’ thì chỉ còn vứt đi mà thôi.