Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Ơn lành Chúa ban




Tôi ghé thăm một xứ đạo, hôm đó cha xứ dâng lễ tạ ơn 10 năm linh mục. Ngài chia sẻ rằng: “Qua 10 năm linh mục, tôi nghiệm ra rằng Chúa ban cho mình rất nhiều hồng ân. Có thể kể đến việc được gọi gia nhập Chủng viện một cách không ngờ; việc được bề trên gọi về trao sứ vụ sớm hơn các tân linh mục khác; việc được trở thành cha quản xứ sớm hơn nhiều anh em khác; việc được nhiều người thương mến…”: tự tôn và tự phụ.

Như vậy những ơn lành được nêu lên ở đây chỉ được hiểu là những điều may mắn, được bề trên tin tưởng, thành công và tài giỏi. Vậy còn những điều không may và những bất toàn không phải là ơn lành sao? Khi liệt kê những hồng ân chỉ là những thành công thì ta đã hạn chế tầm nhìn trong đức tin của mình, lấy mình làm trung tâm chứ không phải Chúa là trung tâm của những ơn lành đó.  Người ta vẫn thường thốt lên: ‘tất cả là hồng ân’. Điều đó đúng và ta phải tạ ơn Chúa về những hồng ân Ngài ban tràn trề trong cuộc đời qua tháng năm mình sống, kể cả những điều con mắt thịt của ta thấy là không may. Tốt hơn, vị linh mục chỉ xin giáo dân hiệp lời tạ ơn muôn hồng ân Chúa ban trong những năm qua, cả những ơn mình biết và cả những ơn mình không nhận ra, xin giáo dân cầu nguyện cho mình mỗi ngày trở nên giống Chúa Giêsu hơn, và quan trọng hơn là hãy xin lỗi giáo dân vì những bất toàn yếu đuối của mình.

Trong những dịp lễ trọng của giáo xứ hay giáo phận, các cha thường nêu lên rằng: ‘Chúa thương ban cho trời nắng đẹp hay im mát’, như vậy nếu trời mưa thì Chúa không thương hay sao? Nhiều khi ta nêu lên lý do tạ ơn chỉ là để đề cao mình có ân tình riêng với Chúa nên Chúa nghe lời cầu xin. Chuyện kể rằng: có vị tu sĩ nọ bị mù, rất đạo đức. Bất cứ khi xin gì cùng Chúa đều thêm vào câu ‘nếu đẹp lòng Chúa’. Một lần nọ, ông xin cho mình được sáng mắt, và ông được Chúa nhậm lời. Sau những giây phút ngỡ ngàng vì được nhìn cảnh vật thiên nhiên vũ trụ, ông chợt nhớ hồi nãy mình còn thiếu câu ‘nếu đẹp lòng Chúa’, nên ông đã vào nhà nguyện và thưa với Chúa: “Lạy Chúa nếu việc con được sáng mắt không đẹp lòng Chúa thì xin cho con mù trở lại”, và sau đó ông vui lòng chấp nhận cảnh mù lòa vì biết đó là ý Chúa muốn, và tin rằng đó là điều tốt nhất cho ông.

Sách GLHTCG dạy rằng: “Thiên Chúa quan phòng chăm sóc mọi sự cách cụ thể và trực tiếp. Ngài quan tâm đến mọi sự, từ những điều nhỏ nhất đến các biến cố trọng đại của trần gian và lịch sử. Thiên Chúa cho con người cộng tác vào các kế hoạch của Ngài bằng hành động, bằng kinh nguyện và bằng các đau khổ của mình”(303,307). Điều Thiên Chúa muốn là mỗi người phải có lòng tín thác và khiêm tốn khi làm việc trong vườn nho Chúa: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi."(Lc 17,10).

Trong kinh nguyện Kitô giáo, có thể nói lời tạ ơn là tâm tình tốt đẹp nhất mà Chúa ưa thích, vì biểu hiện lòng tin tưởng và tri ân Chúa, và chỉ có những người biết rằng mình đã nhận quá nhiều mới tích cực thi ân cho tha nhân. Nhưng đừng bắt chước người Biệt phái khi cầu nguyện: khoe khoang mình và kể công với Chúa.

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Quà tặng cuộc sống





Ngày 17.10.2017 vừa qua, trên sóng truyền hình VTC 14 có cuộc trò chuyện với một cô giáo được khen thưởng vì dạy giỏi môn tiếng Anh tại trường Việt Úc ở TP. HCM. Tôi không nhớ được tên và nhiều tình tiết câu chuyện, chỉ nhớ được đoạn cuối là hoàn cảnh gia đình của cô rất vất vả vì có một người con trai bị khuyết tật bẩm sinh phải chăm sóc. Và tôi chợt nhớ đến câu nói của một ai đó: “Trời không cho ai quá nhiều và cũng không cho ai quá ít”.
Tại sao trời lại không cho ai quá nhiều, phải chăng vì không muốn con người hạnh phúc ở đời nầy, vì lòng ‘trời’ eo hẹp?- Nhiều câu chuyện trong Tin Mừng nói cho ta biết rằng: hồng ân Chúa như trăng như sao tuôn đổ xuống đời mênh mang mênh mang, vì Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu chỉ muốn trao ban và hiến tặng.  Vậy chắc chắn Ngài có mục đích khi không cho ai quá nhiều và không cho ai quá ít, đó là vì lợi ích của con người, để họ có cơ hội tìm kiếm Ngài hơn.

Trong mỗi con người, Thiên Chúa đã gieo vào khát vọng tìm về Chân Lý, cụ thể là tiếng nói lương tâm sẽ thúc đẩy họ làm lành lánh dữ và sâu xa trong tiềm thức là những câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời: Tôi sống để làm gì, tôi sẽ đi về đâu …Qua mạc khải, người Kitô hữu đã tìm được câu trả lời cho mình: con người phát xuất từ Thiên Chúa và rồi sẽ trở về với Ngài. Thế nhưng, con người luôn bị tha hóa giữa thiện và ác, giữa chân lý và thực tại cuộc sống, khiến họ dễ lầm đường lạc lối, vì thế Thiên Chúa có đường lối của riêng Ngài.

ĐHY Fulton Sheen trong tác phẩm ‘con đường về trời’ đã phân tích: “Con người thời nay không còn ngạc nhiên về sự kỳ vĩ của vũ trụ nữa, dù đó là con đường bình thường Chúa dùng để giúp họ nhận ra Ngài, thì chính sự mặc cảm và khắc khoải nội tâm lại giúp họ tìm đến Chúa”. ĐHY nói tiếp: “Có ba loại thói xấu chất chứa trong linh hồn tựa giống như bụi bặm trên tấm kính cửa sổ, ngăn cản ơn thánh Chúa đến với nhân loại. Bụi bặm thứ nhất là xác thịt hay lòng yêu thích vô độ các sung sướng giác quan. Loại thứ hai là tiền bạc gồm cả các tiện nghi, tài sản. Loại thứ ba là kiêu căng, ích kỷ, tính phù phiếm khoe khoang. Tẩy rửa cửa sổ linh hồn cho thanh sạch là điều kiện mời Chúa đến gần hơn: "Phúc cho những ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa."

Trong mầu nhiệm thứ ba năm sự vui, chúng ta xin cho được lòng khó khăn, một cách sâu xa là chúng ta xin cho mình ít dính bén với của cải để bám chặt hơn vào Chúa. Chúa vẫn thánh hóa con người bằng những biến cố cuộc đời, đó là điều xác tín của người Kitô hữu và là điều vẫn luôn xảy ra trong cuộc đời. Vì tin rằng Chúa là người Cha nhân lành và quyền năng, luôn chăm sóc và ban cho muôn loài điều tốt lành nhất, và điều quan trọng nhất với từng người chính là phần rỗi linh hồn, người Kitô hữu biết dâng lời cảm tạ và xin vâng trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Người con Chúa cũng hiểu được rằng: Chúa không ban cho ai quá nhiều để họ khỏi kiêu ngạo và quá ham mê thế sự mà quên mất Chúa, và Chúa cũng không ban cho ai quá ít: “Ơn Ta đủ cho ngươi”. Hãy học bài học luôn cậy dựa vào Chúa trong mọi hoàn cảnh, học bài học sẻ chia trong cuộc sống và biết chăm lo phần rỗi của mình cũng như của anh em như là ‘phần quan trọng nhất’ trên cuộc đời nầy.

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Sợ người cười





Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh có bài viết rất hay ‘gì cũng cười’: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang…”.

Bài báo trên được nhiều người nhận là hay vì nó đúng, đúng cho thời ấy và cả ngày nay. Mà nếu nó đúng thì một hệ lụy tất yếu là xã hội chúng ta hầu như ai cũng sợ tiếng cười, và đó là một cản trở lớn cho sự phát triển xã hội, vì không mấy người dám nói ra suy nghĩ thật của mình.

Nhiều tập tục làng xóm phát sinh và tồn tại là do sợ người ta cười. Chỉ đan cử vài chuyện trong chuyện ma chay: vòng hoa và liễn quá nhiều gây nên lãng phí. Khi vừa chôn cất xong tang chủ phải thuê xe đi đổ, hơn nữa đối với người Kitô hữu đây cũng không phải là cách báo hiếu tốt đẹp nhất.Thế nhưng, khi một người nằm xuống, bạn bè thân hữu thường đặt vòng hoa: tang gia không dám lên tiếng và thân hữu không dám thay đổi tập tục… tất cả cũng chỉ vì sợ tiếng cười và muốn thể hiện bản thân. Các Giám mục và linh mục tu sĩ khi đăng cáo phó thường có ghi chú: miễn vòng hoa và liễn. Giả thử một người tín hữu qua đời, thân nhân cũng ghi rõ như thế trong cáo phó, thì chuyện gì sẽ xảy ra? - chỉ có một số vòng hoa đủ để trang trí, số tiền phúng điếu sẽ tăng lên đủ trang trải chi phí chữa bệnh và tang lễ, nếu dư có thể dùng làm từ thiện như một quà cưới dành cho người quá cố khi họ đến tham dự tiệc cưới Con Chiên. Một chuyện khác tuy nhỏ nhưng cũng không đẹp đẽ gì là chuyện tang gia thường mời ‘mọi người’ về nhà dùng bữa sau khi đi chôn cất về, bà con ở xa và thân tộc thì không nói làm gì, ở đây muốn nói đến việc mâm cỗ dọn ra cả đến 300 người thì quả là phức tạp… tuy không thích nhưng không mấy người dám thay đổi vì sợ người cười.

Sợ người cười để không làm điều xấu, đó là điểm tốt; nhưng đàng nầy một điều mình thấy không tốt mà cứ làm theo ‘lệ làng, ai sao tôi vậy’ thì xã hội làm sao tiến bộ được? Người ta thường chê : các thế hệ trẻ VN không có suy nghĩ độc lập và sáng tạo, học vẹt và copy đâu đó trên mạng để hoàn thành luận án ra trường. Đó là một nhận xét làm ta đau lòng, nhưng đó là kết quả tất yếu của môi trường đào tạo của chúng ta: nói đúng như gợi ý của thầy cô mới có điểm tốt. Chuyện kể rằng có một bài thơ được chọn để dạy trong trường, các em bình luận ý của tác giả muốn nói, người cháu của tác giả nhờ chính bác viết ra ý kiến của mình vậy mà vẫn bị cô giáo cho điểm xấu, vì không đúng như gợi ý của cô đã nói cho lớp. Rồi biết bao chuyện trong xã hội : những người đứng ra để vạch mặt điều xấu của một tập thể nào đó, họ không được khen thưởng xứng đáng mà thường bị sa thải và vùi dập. Một môi trường xã hội như thế sẽ tạo nên một con người rập khuôn, cam chịu và kém sáng tạo, sợ dư luận và tiếng cười. Cũng vì sợ tiếng cười mà nhiều người đã phải uống quá nhiều bia rượu dù bản thân mình không thích, hay nhiễm phải những thói hư tật xấu khác như hút thuốc, chơi bời, trộm cắp…

Dấu hiệu của một người có bản lãnh là suy nghĩ độc lập và dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình, họ dám bước theo một lối khác mà họ thấy là đúng hơn là đi theo lối mòn của xã hội đã vạch ra. Đừng dập tắt tiếng nói phản biện trong con người mình (điều gì đúng điều gì sai, nên theo hay nên bỏ) và hãy biết lắng nghe khi người khác có lập trường khác mình, có vậy mới mong xã hội tiến bộ thêm một chút qua từng ngày sống. Hãy là chính mình! Hãy sống như mình thích và đừng quá sợ dư luận.

Tay lần, miệng đọc, tâm suy




Trên một chuyến tàu, có một nhà sư và một cụ già ngồi bên nhau. Trên tay nhà sư có chuỗi hạt và miệng đang lẩm nhẩm đọc những lời kinh, và cụ già cũng lần chuỗi mân côi. Một lát sau, nhà sư lên tiếng và chuyện trò với cụ già: “khi tay chúng ta lần từng hạt chuỗi, miệng đọc những lời kinh thì chắc chắn tâm hồn sẽ được biến đổi dần theo những lời kinh mình đọc”.

Lời nhà sư làm ta nhớ tới câu nói ngắn gọn : miệng đọc, tâm suy. Nhưng nhiều khi ta lần hạt cho xong nhiệm vụ và chỉ tiêu đặt ra. Có người tự đặt ra quyết tâm cho mình lần hạt mỗi ngày 50 kinh, 100 kinh hoặc 200 kinh, nên họ đọc vội vàng cho mau xong nhiệm vụ. Có những cộng đoàn hay gia đình đọc kinh mân côi với tốc độ quá nhanh, nuốt hết chữ và mệt muốn đứt hơi. Những kiểu lần chuỗi như thế không phải là điều tốt: thà đọc ít lại mà đọc sốt sắng thì tốt hơn là đọc nhiều. Theo ngôn ngữ quảng cáo, ta có thể nói: kinh mân côi là sản phẩm hai trong một. Ta vừa đọc lên lời kinh ca ngợi Đức Mẹ và xin ơn trợ giúp, vừa lồng vào đó mầu nhiệm đang suy niệm.

Đức Phaolô VI đã nói: Kinh mân côi là bản tóm lược Tin Mừng. Quả vậy, những biến cố chính trong cuộc đời Chúa Giêsu từ lúc sinh ra, cuộc đời công khai, tử nạn và phục sinh đều được đưa vào kinh mân côi để chúng ta có cơ hội suy niệm và cầu nguyện. Mẹ Maria đã có mặt trong những biến cố này nên Mẹ đã suy niệm và hiểu rõ ý nghĩa của nó và chúng ta xin Mẹ cầu bầu cho ta ơn lành phù hợp với mầu nhiệm đang suy ngắm.

Theo cách thông thường chúng ta xướng lên mầu nhiệm suy niệm, sau đó đọc 1 kinh lạy cha, 10 kinh kính mừng, kinh sáng danh và 3 câu lạy. Nhưng tôi đã đọc ở đâu đó cách lần chuỗi linh động hơn khi ta vừa làm việc vừa lần hạt: ta đọc khoảng 10 kinh kính mừng cũng được, vì ta không thể và không cần đếm chính xác 10 kinh như khi đọc chung. Cách lần hạt nầy sẽ giúp ta suy niệm một vài chục hạt khi trời mưa hoặc khi đợi chờ ai đó.


Trong những lần hiện ra gần đây, chính Đức Mẹ truyền lệnh cho chúng ta phải năng lần hạt mân côi để cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cho sự hoán cải các tâm hồn. Người Kitô hữu luôn xác tín rằng: kinh mân côi là vũ khí lợi hại giúp ta chống trả cơn cám dỗ và âm mưu của satan, nhưng sở dĩ kinh mân côi chưa mang lại hiệu quả vì chúng ta đọc không đúng cách: thái độ nghiêm chỉnh, miệng đọc tâm suy, đọc chậm rãi để cho lời kinh và mầu nhiệm thấm đẫm tâm hồn, và chúng ta thường chỉ cầu nguyện cho riêng mình.