Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Phúc âm hóa gia đình




Chủ đề sống đạo được Giáo hội hoàn vũ hoặc Giáo hội địa phương đưa ra hằng năm là để đào sâu một khía cạnh nào đó trong kho tàng giáo lý của mình, hầu giúp nâng cao đời sống đạo của con cái mình. Có vài chủ đề rất quan trọng thường xuyên được nhấn mạnh là Thánh Thể và gia đình. Năm 2014 Giáo hội Việt Nam đưa ra cho cộng đồng dân Chúa chủ đề sống đạo: “Phúc âm hóa đời sống gia đình”. Với ý nghĩa là gia đình Kitô hữu phải được Phúc Âm Chúa Kitô biến đổi, phải là một tổ ấm yêu thương, là nơi cầu nguyện, là nơi đào luyện niềm tin cho nhau và là nơi các thành viên chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa. Để mỗi thành viên ra đi khỏi nhà mình truyền bá tin vui cứu độ cho anh em mình (Giáo xứ, xã hội).
Trong Chúa nhật vừa qua 27.10.2013, Đức Phanxicô nói chuyện với các gia đình.Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã dựa vào các bài đọc để rút ra những bài học thực tế cho đời sống gia đình, đó là gia đình cầu nguyện, gia đình bảo tồn đức tin và gia đình sống niềm vui. 

[Gia đình cầu nguyện. Nhiều người xem việc cầu nguyện là việc cá nhân,  người khác lại cho rằng không có thời giờ. Đúng thế, nhưng vấn đề ở đây là khiêm tốn, nhìn nhận rằng chúng ta cần Thiên Chúa, giống như người thu thuế và cần có sự đơn sơ! Cùng nhau đọc kinh “Lạy Cha” quanh bàn ăn, ta có thể làm được. Và cầu nguyện chung với kinh Mân Côi trong gia đình, đó là điều thật đẹp và mang lại bao nhiêu sức mạnh! Và cầu nguyện cho nhau! Chồng cầu cho vợ, vợ cầu cho chồng, cả hai cầu cho con cái, và con cái cầu cho cha mẹ, ông bà. Cầu nguyện cho nhau, đó là cầu nguyện trong gia đình, và điều làm cho gia đình mạnh mẽ chính là lời cầu nguyện.

Bài đọc thứ hai gợi cho chúng ta một điểm khác nữa: gia đình gìn giữ đức tin. Thánh Phaolô Tông Đồ, vào cuối đời, đã làm một bản kết toán cơ bản: “Tôi đã bảo tồn đức tin” (2 Tm 4,7). Nhưng làm sao bảo tồn đức tin? Không phải trong một tủ sắt! Không phải chôn vùi đức tin dưới đất, như người đầy tớ lười biếng. Phải chăng chúng ta giữ đức tin cho mình, trong gia đình chúng ta, như một tư sản, hay chúng ta biết chia sẻ đức tin bằng chứng tá, bằng sự tiếp đón, cởi mở đối với tha nhân? Các gia đình Kitô là những gia đình thừa sai, trong đời sống hằng ngày, làm những công việc hằng ngày, đặt muối và men đức tin trong mọi sự!

Hỡi các gia đình thân mến, anh chị em biết rõ điều này: niềm vui chân thực mà ta nếm hưởng trong gia đình không phải là một cái gì hời hợt, không đến từ sự vật, từ những hoàn cảnh thuận tiện. Thiên Chúa là nguồn mạch vui mừng và an bình. Chỉ mình Thiên Chúa biết kiến tạo sự hòa hợp giữa những khác biệt. Nếu thiếu tình thương của Thiên Chúa, thì cả gia đình cũng mất đi sự hòa hợp, và thái độ duy cá nhân chủ nghĩa sẽ trổi vượt, và niềm vui bị tắt lịm. Trái lại, gia đình nào sống niềm vui đức tin thì tự nhiên cũng thông truyền niềm vui đó, là muối đất và là ánh sáng thế gian, là men cho xã hội].


Căn bệnh ung thư luôn làm cho mọi người sợ hãi. Ung thư (cancer) là tên dùng chung để mô tả một nhóm các bệnh phản ảnh những sự thay đổi về sinh sản, tăng trưởng và chức năng của tế bào. Các tế bào bình thường trở nên bất thường (đột biến) và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết hay mạch máu (internet). Có một câu định nghĩa rất hay về gia đình: “Gia đình là tế bào căn bản của xã hội và Giáo hội”. Hơn bao giờ hết, thời đại chúng ta phải chứng kiến sự thất bại của biết bao gia đình. Biết bao nhiêu hội nghị và thông điệp về gia đình đã được công bố qua các thời đại, điều đó cho thấy sự quan trọng của tế bào căn bản nầy. Vậy mà trong thực tế, nhiều xã hội dân sự đã chạy theo thị hiếu của một số người để chống lại những giá trị căn bản của gia đình: chung thủy, đơn nhất, kết hợp một nam một nữ, sinh dưỡng và giáo dục con cái. Thật là thảm hại cho con người thời đại khi họ chạy theo lối sống hưởng thụ và tiền bạc mà coi thường tình nghĩa vợ chồng, người mà mình đã thề hứa ‘nên một xương một thịt cho đến đầu bạc răng long’.
Mới đây, Đức Phanxicô nói với chúng ta một điều quan trọng là đừng làm mất cân bằng trong cách đề cập đến các vấn đề: “Nếu một linh mục nói tới hôn nhân đồng tính nhiều mà ít khi đề cập đến sự thánh thiêng của hôn nhân Kitô giáo thì đó là một sự mất cân đối”. Hãy để ý đến những đề tài chúng ta thông tin cho các thành viên trong gia đình: cố gắng đề cao điều cao đẹp thì tốt hơn là nói nhiều về những điều xấu xa của cuộc sống. Chúng ta không trốn chạy thực tế cuộc sống, nhưng cũng cần phải cảnh giác những con số thống kê về các vấn đề xã hội, nhiều khi những con số chỉ là những đòn ‘tung hỏa mù’ của ma quỷ. Đức Phanxicô còn nói: đời sống gia đình phải biết sử dụng 3 từ “Xin vui lòng, cám ơn và xin lỗi”; ngài còn nói thêm: cuộc sống gia đình không tránh khỏi những va chạm, nếu cần thì bát đĩa cứ bay, nhưng đừng giữ cơn giận với nhau khi mặt trời đã lặn.
 
Đức Gioan Phaolô 2 nói một câu bất hủ về gia đình: “Xây dựng một gia đình thánh phải là một chỉ tiêu lớn trong cuộc đời các con”. Đúng vậy, chỉ tiêu nầy lớn, vì nó đem lại lợi nhuận cho cả đời nầy và đời sau. Để hoàn thành chỉ tiêu nầy, mỗi thành viên trong gia đình phải góp công sức của mình vào mới được!

 

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Xin xót thương con là kẻ có tội




Khi đọc bài Tin Mừng nói về sự khiêm tốn của người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, ta dễ liên tưởng đến vị đương kim Giáo hoàng của chúng ta. Một phong cách sống của đức Giáo hoàng Phanxicô được truyền tụng từ người nầy qua người kia tạo nên một luồng khí mới trong đời sống đạo của các Kitô hữu. Người ta khuyến khích nhau: “Hãy học phong cách Phanxicô”. Đó là một lối sống đơn giản và khiêm tốn, gần gũi người nghèo và người bình dân, sống đạo với niềm vui … Ngài thích người ta gọi mình một cách đơn giản là ‘cha’.

Giây phút đầu tiên được tiếp xúc với dân chúng, cha đã cúi đầu trong khoảng 30 giây để xin cộng đoàn tín hữu đang tụ họp ở quảng trường Roma cầu nguyện cho mình, sau đó cha mới ban phép lành cho mọi người, như vậy cha nhận ra thân phận hèn mọn của mình. Ai cũng hồi hộp chờ nghe những lời đầu tiên từ miệng cha nói ra để đoán xem đường lối hành động của thế giới và của Giáo hội sẽ chiều theo hướng nào, vậy mà cha chỉ nói những lời rất bình thường như một người cha nói chuyện với con cái mình.
Quả thật, nhiều người đã có phần nào hụt hẫng vì cách nói chuyện của cha không mang vẻ ‘trí thức’ nhiều như các vị tiền nhiệm…nhưng rồi sự hấp dẫn của cha càng ngày càng lớn dần khi những câu chuyện cha trao đổi với dân chúng đượm nét bình dân rất gần gũi cuộc sống của mọi người: Đừng nói xấu nhau, đừng khoác lác, đừng tìm niềm vui nơi của cải và thành công mà phải là nơi sự tin tưởng vào Thiên Chúa. Sự hụt hẫng ban đầu dần nhường chỗ cho sự cảm phục: cha cũng có bằng Tiến sĩ Thần học và là giáo sư Thần học, nhưng cha có biệt tài nói với công chúng như đang dạy giáo lý. Quảng trường Roma từ những ngày đầu tháng 3 cho đến nay luôn đầy ắp người với những con số kỷ lục… điều đó đã cho thấy sự thánh thiện của cha đã lôi cuốn nhiều người tìm về chân lý.

Câu chuyện ấn tượng nhất mà cha đã thực hiện có thể nói là việc cha cử hành Thánh lễ Tiệc Ly tại nhà tù. Nơi đó cha đã rửa chân và hôn chân cho các phạm nhân. Cả thế giới sững sờ vì sự khiêm tốn của cha, dù biết trước đó cha đã từng làm như vậy ở Argentina. Đi bất cứ nơi đâu và trong những buổi gặp gỡ hàng tuần, cha đều ôm hôn trẻ em và gặp gỡ người tàn tật để khích lệ họ. Điều đó có vẻ bình thường nhưng không dễ làm với chúng con. Nhiều người đã hôn tay cha, nhưng cha cũng đã từng hôn tay đức hồng y JB. Phạm Minh Mẫn của chúng con đến hai lần rồi đó, thật là cảm động.
Sống đơn giản và khiêm tốn là phong cách của cha. Hiện nay cha vẫn ở nhà trọ Marta, không quan trọng việc ăn uống, cha gần gũi những người bình dân: gọi điện cho bà con bạn bè để thăm hỏi và khuyến khích, cha thường đi xe công cộng, cha nhận mình là tội nhân và luôn xin mọi người cầu nguyện cho mình. Cha nói với giáo dân rằng : “mọi người đều bình đẳng trước mặt Chúa, từ giáo hoàng cho đến một người tàn tật và trẻ em”. Cha nói một cách chân thành rằng: “Ngồi lê đôi mách, khoác lác, nói xấu bề trên là những tội phổ biến, cha cũng từng lỗi phạm, các con hãy cầu nguyện nhiều cho cha”. Những lời đó thật tương ứng với lời cầu nguyện của người thu thuế: “Xin thương xót con là kẻ có tội”. Anh ta ra về và được nên công chính. (Lc 18,13-14)

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Những giờ kinh




Chiều hôm qua trời mưa lớn nên Thánh lễ chiều chỉ có khoảng 50 người dâng lễ và chỉ những người nầy biết tin “sang ngày mai không có lễ, vì cha đi vắng”. Bởi vậy sáng nay từ khoảng 4g30 trở đi có nhiều người vẫn đến nhà thờ như thường lệ. Có kẻ ra về, nhưng có những người khác tụ tập lại nói chuyện râm ran một lát và họ tổ chức một giờ kinh sáng ngay tại tượng đài Đức Mẹ. Đó là chuyện ở giáo xứ tôi.
Tôi chỉ là người quan sát từ xa và lấy làm cảm kích vì sáng kiến đạo đức đột xuất nầy. Chắc chắn có ai đó là người khởi xướng và được sự đồng tình của nhiều người, nên họ đã có những giây phút được thưa chuyện với Chúa và Mẹ… họ ra về trong niềm hân hoan vui vẻ.Tôi nhớ đến những tình huống khác mà việc khởi xướng và duy trì những giờ kinh có một ý nghĩa lớn lao nhưng cũng cần có một sự dũng cảm đặc biệt.
Những giờ kinh gia đình: ai ai cũng biết những giờ kinh chung trong gia đình mang nhiều ý nghĩa tâm linh và là cầu nối tình cảm của những người thân ruột thịt, nhưng duy trì và khởi xướng những giờ kinh nầy là một điều khó vô cùng, vì phải đấu tranh với bản thân và sinh hoạt gia đình. Và thật đáng trân trọng những gia đình vẫn giữ được truyền thống đọc kinh chung sáng tối trong gia đình họ, đó là một phương cách để lưu truyền niềm tin cho con cái và còn là một bí kíp để gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Những thói quen đạo đức trong giáo xứ. Dường như có một sự nhượng bộ rõ rệt sau một thời gian giằng co giữa lòng sốt sắng và sự nguội lạnh nơi từng người. Còn nhớ ngày xưa mỗi chiều chủ nhật và những ngày đầu tháng đều có chầu Thánh Thể… nhưng sau đó vì quá rời rạc nên đành bỏ. Có người còn đề nghị nên xét lại thói quen mời những giáo xứ bạn trong ngày ‘chầu lượt’, vì xét thấy nhiều giáo dân không còn nhu cầu nữa! Đã có một thời những người trong thôn xóm thay phiên nhau đọc kinh kính Mẹ, kính Chúa hay ngắm nguyện tại các tư gia… nhưng giờ đây nhiều xứ đành phải bỏ vì quá rời rạc. Đã có những thời những người có đạo hăm hở tổ chức những giờ kinh và chia sẻ Lời Chúa trong xóm đạo hoặc trên các công trường. Ngày xưa là thế, nhưng giờ đây cha xứ hoặc những người khởi xướng cũng ngại lên tiếng để duy trì những hình thức cầu nguyện như ngắm Đàng Thánh Giá, xưng tội… vì quyền lực của Sự Dữ đang rình rập để lôi kéo con người xa cách Thiên Chúa.

Tôi cũng nhớ có một lời khuyên: ‘trong lúc phải dừng xe vì đèn đỏ hoặc khi phải chờ đợi một ai đó, thay vì bực tức thì hãy đọc một ít kinh hoặc lần hạt, vừa hữu ích vừa an bình’. Đó là một lời khuyên hay và ai ai cũng có thể thực hiện được để thánh hóa ngày sống.



Nhiều người nói "bí tích Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống đạo cũng như của mọi hoạt động trong Giáo hội, bởi vậy chỉ cần tham dự Thánh Lễ hằng ngày là đủ rồi!" Người nông dân biết rằng khi một cây lâu năm (cà phê) bị cắt cụt cành và lá thì nó trở nên yếu ớt, vì không thể quang hợp tốt để chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ đất mà nuôi cây. Đời sống tâm linh của một cộng đoàn và của từng cá nhân cũng phát triển lâu dài qua nhiều năm tháng, ngoài Thánh Thể thì còn được nuôi dưỡng bằng các á bí tích và các hình thức cầu nguyện khác. Và như lời Đức Phanxicô dạy hôm Chúa nhật vừa rồi: “Sức mạnh đức tin chúng ta có được là nhờ cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của đức tin. Cầu nguyện là cuộc đối thoại của linh hồn với Thiên Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói với chúng ta: “Hãy can đảm đi ngược dòng đời, hãy tìm niềm vui nơi sự gặp gỡ một Con Người, đó là chính Đức Giêsu”… để duy trì và phát kiến những hình thức cầu nguyện phù hợp với hoàn cảnh mà ta đang sống, vì rằng sẽ có những người hưởng ứng, vì rằng từ nơi sâu thẳm tâm hồn con người vẫn ẩn chứa khát vọng tìm kiếm sự trọn hảo, tìm gặp Thiên Chúa.

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Khí cụ bình an




Đọc lại tiểu sử của Thánh Faustina, chúng ta được biết ngài là con thứ 3 trong một gia đình nghèo có 10 đứa con ở đất Balan. Năm 12 tuổi đã có ước vọng đi tu nhưng mãi đến năm 20 tuổi mới gia nhập dòng, và vì trình độ văn hóa hạn chế nên chỉ được làm trợ sĩ… ấy vậy mà Chúa đã dùng ngài như thư ký của lòng thương xót và là người truyền bá lòng thương xót Chúa cho thế giới. Ngài đã ghi lại đầy đủ những điều Chúa muốn mạc khải, ghi rành mạch và không có lỗi chính tả,dù cuốn sổ dày đến 600 trang. Thánh nhân cũng gặp nhiều gian nan trong việc phổ biến lòng Chúa yêu thương con người, và Chúa cho biết đó là cơ hội để giúp thánh nữ nên tinh tuyền hơn.

Trong tháng 5.2013, anh Nick Vujici đã đến Việt Nam như một chứng tá của nghị lực sống – vượt qua những hạn chế của bản thân để sống đẹp, sống vui, sống khỏe và sống hữu ích. Trong những bài nói chuyện của anh, ta biết được rằng ngoài sự nỗ lực của bản thân để vượt lên số phận và ngoài sự trợ giúp xã hội còn có một động lực rất lớn giúp anh luôn tiến về phía trước, đó là niềm tin tôn giáo. Thuở đầu đời, Nick Vujici cũng than thân trách phận “Tại sao mình lại không có những bộ phận và điều kiện bình thường như những người khác?”, thế rồi anh ta dần tìm lại được niềm tin vào Chúa và cuộc sống: mình được nhận quá nhiều hồng ân từ nơi Thiên Chúa và mình phải là trở nên dụng cụ rao truyền tình thương của Ngài. Chỉ tiếc rằng nhiều bản dịch những bài nói chuyện với anh chỉ nói phớt qua những điểm nhấn về tôn giáo và dưới con mắt nhiều người thì anh là người có nghị lực phi thường nên đã vượt lên số phận.
Trong Giáo hội công giáo, có nhiều mạc khải tư được tỏ lộ cho những người nhà quê ít học và bé mọn, ví dụ 3 em nhỏ trong sứ điệp Fatima. Đôi khi ta có cảm tưởng là hàng giáo sĩ và những kẻ học thức ít được Chúa thương mến và tin dùng, hoặc đôi khi có kẻ còn nghĩ tôn giáo là mê tín dị đoan vì được mạc khải cho những trẻ em và phụ nữ. Nhưng đúng hơn ta phải nghĩ: Thiên Chúa có muôn vàn cách để sứ điệp Tin Mừng được rao truyền, Chúa dùng cả Phaolô và Phêrô và cả các phụ nữ nữa. Chúa dùng các Thánh sử để ghi lại các sách Tân Ước, các công đồng và các Thượng HĐGM, các Đức Giáo Hoàng để vạch ra đường lối cho phù hợp với thời đại. Chúa dùng những vị giảng thuyết và các nhà truyền thông để nói với các đám đông, nhưng Chúa cũng dùng các tu sĩ âm thầm cầu nguyện và hoạt động theo linh đạo của dòng mình … để vẽ lên khuôn mặt Chúa cho những người bình dân có thể cảm nhận được.

Thiên Chúa không vô tình sinh bạn ra trên cõi đời nầy. Những điều kiện ta đang có rất đáng cho ta phải tri ân Ngài mỗi ngày. Trong chương trình của Chúa, bạn không vô danh và vô ích đâu. Nếu bạn rút lui vào bóng tối để không nói về Chúa cho người khác là đã lỗi hẹn với Ngài rồi đó. Một lần nữa, hãy nhìn vào cuộc đời của Thánh Faustina và anh Nick Vujici để đừng phụ ơn Chúa. Hãy tự nguyện trở nên khí cụ bình an của Chúa bạn nhé!







Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Niềm vui và cuộc sống




Khi thăm viếng một người bệnh nan y, một người già neo đơn, một linh mục về hưu hoặc một cụ già trong viện dưỡng lão… ta thường cảm thấy một nỗi buồn trải dài trong từng ngày sống của họ và thoáng đến với ta khi ta nghĩ tới họ.
Đúng vậy, nếu đứng trên phương diện kinh tế và xã hội thì những người trên là những người được hưởng sự trợ cấp của xã hội để sống cho xứng đáng là con người, vì họ được xem như ‘đã hết thời’ và không còn tự kiếm sống được nữa. Nhưng đó là cái nhìn bề ngoài mà thôi, vì ta không nhìn được nội tâm của họ. Chuyện đó cũng tương tự như khi nhìn một con trâu kéo cày cả ngày, ta thấy tội nghiệp cho kiếp trâu ngựa, nhưng liệu con trâu có trí khôn để cảm thấy sướng khổ hay không?  Con người khác con vật ở lý trí, họ sẽ cảm nhận được hạnh phúc khi họ biết mình được Thiên Chúa yêu thương quá nhiều, khi họ biết nhìn thấy mọi sự là hồng ân Chúa ban để dâng lên Ngài lời tri ân qua từng ngày sống, khi họ biết đặt trọng tâm cuộc đời là tin tưởng nơi Thiên Chúa và khi họ sống có ích cho anh em. Nếu sống được như vậy thì tuổi nào cũng là tuổi đẹp nhất cuộc đời và hoàn cảnh nào cũng là món quà Chúa trao ban để ta có cơ hội nên thánh.
Đức Phanxicô từng nói với các dự tu: Các con hãy tự vấn lương tâm, đừng tìm niềm vui nơi việc sở hữu và mua sắm, nơi những khao khát thành công, nơi những thành tích tạm bợ… nhưng hãy đặt niềm vui nơi sự kết hợp với Thiên Chúa. Có chuyện kể rằng một vị Tổng Giám Mục nghe danh một bà già nhà quê rất đạo đức vì chuyên chăm cầu nguyện, một hôm ngài có việc đi qua vùng đó nên đã tìm gặp bà già nầy để ‘kiểm tra’ tiếng đồn đại có thật hay chăng. Ngài hỏi bà xem có biết đọc kinh Thần vụ hay Kinh Thánh nhiều không? Bà cụ thú nhận mình không biết chữ, bà muốn đọc kinh lần chuỗi hằng ngày nhưng không hoàn thành được, vì mỗi lần cứ đọc kinh Lạy Cha được mấy câu thì đã giàn giụa nước mắt vì cảm thấy một niềm hạnh phúc vì được gọi Thiên Chúa là Cha… thế là không đọc thêm được gì nữa. Đức Giám Mục nghe đến đó thì đành phải ‘tâm phục khẩu phục’, nên ngài nói với bà cứ tiếp tục cầu nguyện như thế là đủ rồi. Thế đó, nhìn những người già 70-80, tuy cuộc sống họ trôi qua có vẻ nhàm chán, nhưng họ vẫn có thể hạnh phúc trong tâm hồn khi họ kết hợp với Chúa qua từng ngày sống để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đấng Tình Quân họ tôn thờ. 

Một điều kiện nữa để người tin Chúa tìm được hạnh phúc là họ biết dâng lời Ngợi Khen. Đức Phanxicô nói với chúng ta: không có ai là vô danh và tầm thường trước mặt Thiên Chúa, mỗi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa và đều được Chúa yêu mến một cách đặc biệt. Cho dù cha mẹ có bỏ con mình, cho dù bạn bè có phản bội mình thì ta vẫn có Đức Chúa Trời yêu thương. Tình yêu thương của Chúa vừa có tính cách phổ quát cho cả nhân loại vừa có tính cách cá biệt cho từng người; tình thương đó vừa có tính trừu tượng nhưng lại rất cụ thể; tình yêu đó không loại trừ một ai, kể cả những người tội lỗi nhất vẫn được Ngài yêu thương trìu mến. Chỉ có Thiên Chúa quyền năng, nhân hậu mới thể hiện được sự yêu thương đến mỗi người và mọi người của mọi thời đại đến như vậy. Tình yêu thương của loài người chúng ta rất hạn chế, sự phổ quát của nó rất giới hạn – phần lớn chỉ nằm trong sự hiệp thông và cầu nguyện, tầm mức lo lắng cũng chỉ nằm trong sự kêu gọi và đóng góp vật chất, phần còn lại đành chờ đợi cho số mệnh... Ý thức rằng mình được hưởng muôn hồng ân Chúa ban, được Chúa yêu thương và được Chúa đồng hành là một điều kiện để hạnh phúc.
Làm việc lành. Có một người thợ trên đường về nhà đã gặp một chiếc xe bị hỏng lốp của một bà già, anh ta giúp bà mà không nhận một đồng tiền nào cả, chỉ nói rằng: “nếu bà muốn trả ơn tôi thì xin bà hãy giúp một ai đó”, anh cảm thấy nhẹ nhõm cõi lòng vì đã làm một việc tốt. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta rằng: Đừng khép lại nơi chính mình và hãy biết trao ban những gì mình có, hãy mở rộng con tim ra khỏi gia đình, xứ đạo và nhóm của mình, mỗi người đều có thứ gì đó để chia sẻ với những người khác. Tĩnh từ ‘vô cảm’ đang trở nên rất quen thuộc với chúng ta, ngày xưa người ta hay dùng chữ ‘cầu an’. Sự vô cảm đang xảy ra ngay chính nơi bản thân ta khi ta không có một cảm xúc tế nhị trong cách đối xử với tha nhân, khi không muốn giúp một ai đó vì ngại phiền phức, khi không dám nói một điều hữu ích cho nhiều người – mà nhiệm vụ mình phải nói. Thế đó, một người biết làm việc lành phúc đức sẽ cảm nếm được niềm vui rất nhiều, vì họ gặp gỡ được chính Chúa Giêsu.

Vì vậy, đừng nghĩ rằng con cái mình đi tu sẽ khổ khi không được tự do làm điều mình muốn, vì hạnh phúc của bậc tu trì là làm điều Chúa muốn; đừng nghĩ rằng người già là khổ, vì chính họ đang hưởng những ngày tháng có ý nghĩa nhất cuộc đời là dành nhiều thời giờ kết hiệp với Chúa; và đừng đánh giá ai sướng hay khổ - đó là một điều vô ích, vì ta không thấu hiểu nội tâm và lý tưởng sống của họ. Cuộc đời mỗi người mỗi ngày đều có nỗi khổ và niềm hạnh phúc, đó chính là thập giá Chúa cho chia phần, họ hạnh phúc khi biết đặt tình yêu trong những công việc bổn phận hằng ngày và khi xác tín rằng Chúa là gia nghiệp đời mình, để luôn tri ân – ngợi khen và khiêm tốn trong bàn tay Chúa.