Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Trở nên như trẻ nhỏ




Lời Chúa nói rất rõ ràng: “Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ chẳng được vào nước trời. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15). Đâu là những đặc tính của trẻ em, những điều mà người lớn chúng ta đã đánh mất, và bây giờ phải tìm lại cho bằng được như là điều kiện thiết yếu để được vào nước trời?
Hãy quan sát một đám trẻ đang chơi đùa, hãy nhìn cách sống trẻ em trong gia đình mình để xem đâu là những nét đặc trưng của trẻ và nhìn vào cõi lòng mình nhận ra vài điều khác biệt giữa trẻ em và người lớn.

Trẻ em thì đơn sơ vui vẻ. Trẻ em nhìn cuộc đời luôn màu hồng, chẳng có gì phải bận tâm, chỉ lo sống giây phút hiện tại, và dĩ nhiên chúng thường dệt những giấc mơ vui vẻ về ngày tết, nghỉ hè, du lịch. Người lớn chúng ta thường nhìn cuộc đời quá nghiêm trọng, nặng nề với những bổn phận và cạnh tranh, cảm thấy khổ về đủ thứ chuyện: công ăn việc làm, thỏa mãn các ước mơ, tự ái, bực mình với các mối quan hệ, chuyện gia đình mình và chuyện dòng tộc, chuyện sinh hoạt giáo xứ và các sinh hoạt nhóm… Người lớn khổ vì muốn chứng tỏ cái tôi, vì sĩ diện, vì ước muốn cầu toàn và muốn tự mình xếp đặt đời mình. Nhưng rồi có những sự việc và hoàn cảnh sống không tùy thuộc nơi sự xếp đặt và lo liệu của mình: quốc tịch, gia đình, mã gen di truyền, sức khỏe. Chỉ khi nào người lớn học được sự phó thác của trẻ nhỏ, họ mới hạnh phúc và an bình: biết lo liệu nhưng cũng phó thác, có trời mà cũng có ta. Trẻ em chẳng lo gì cả về quá khứ và tương lai, vì đã có cha mẹ lo hết rồi, chúng chỉ bận tâm đến hiện tại thôi. Sao chúng ta không học trẻ con ở điểm này nhỉ? Thánh Phêrô đã nói rất xác tín: “Mọi lo âu hãy trút cả cho Người vì Người chăm sóc đến anh em” (1Pet 5,7). Sở dĩ, chúng ta lo lắng nhiều điều vì tưởng rằng ông chủ đang đi xa và đang ngủ quên, thực sự Chúa đang hiện diện ở đầu mũi thuyền, chỉ cần ta tin tưởng kêu xin sự trợ giúp thì Ngài sẽ ra tay. Còn nếu ta quá lo lắng nhiều sự thì đã lo hết phần của Chúa. Một đứa trẻ được sinh ra là được hưởng trọn niềm hạnh phúc cha mẹ dành cho nó, dù nó có công trạng nhiều hay ít thì vẫn được cha mẹ thương yêu và ban cho nó phần gia tài thuộc về nó. Khi đối diện với mầu nhiệm nước trời, Thiên Chúa muốn ta tận hưởng niềm vui vì được làm con cái Chúa, được muôn ân lộc và được ban cho hạnh phúc thiên đàng như là phần thưởng nhưng không, dù công trạng ta chẳng đáng. Chúa muốn ta sống tốt giây phút hiện tại và chừng đó là đủ, còn quá khứ và tương lai cứ để Chúa lo liệu.

Có câu nói về trẻ: “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” . Muốn nói lên  rằng trẻ em không tính toán như người lớn. Chúng nhiệt tình làm việc chúng thích mà không tính toán hơn thiệt và xem lợi lộc cho mình hay không. Não trạng vụ lợi đã đi vào tâm thức người lớn: làm việc gì phải có động lực, phải xét xem được gì và mất gì, và dĩ nhiên không có lợi thì ta không làm. Sự tính toán vụ lợi đã đi vào cả trong lãnh vực đạo đức: đi lễ Chúa nhật vì sợ tội, khi gian nan hoạn nạn mới chạy đến nhà thờ, kể công với Chúa, giữ đạo để được may lành. Hãy học ở trẻ sự nhiệt tình làm mọi việc mà không so đo tính toán, kể cả việc đời và nhất là việc đạo, và hãy xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ kém rộng rãi hơn cõi lòng ta đâu. Thánh Phaolô nói: Dù anh em ăn, dù anh em uống, anh em hãy làm mọi việc vì lòng yêu mến, nghĩa là hãy loại bỏ sự tính toán với Chúa và anh em khi ta làm việc.
Trẻ em mau bỏ qua chuyện cũ. Đây có lẽ là điểm quan trọng nhất mà người lớn chúng ta cần phải học để được thanh thản trong cuộc sống và để được hưởng lòng thương xót Chúa, vì mỗi ngày chúng ta thưa với Chúa nhiều lần: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con tha cho kẻ có nợ với chúng con”. Trẻ em mau giận và mau quên như chưa từng có gì xảy ra, còn người lớn chúng ta lưu giữ những xúc phạm của anh em mình đến nhiều năm, lâu lâu lại nhắc lại. Vẫn biết đó là cái dại vì làm cho cuộc đời ra nặng nề, nhưng tính tự ái lại quá lớn, ai cũng muốn chứng tỏ mình lớn hơn người kia. Xin Chúa thương xót chúng con, giúp chúng con vượt lên chính mình, vượt qua lòng tự ái để tạo nên sự hiệp nhất của một thân thể: hiệp nhất trong những dị biệt. Xin cho chúng con xây dựng cộng đoàn giáo xứ như lòng Chúa mơ ước, vì con biết rằng Chúa cho mỗi người mỗi nén bạc khác nhau không phải để chúng con so sánh hơn thua nhưng là để làm cho cộng đoàn thêm sinh động và phong phú.

Chúa Giêsu đã âu yếm những trẻ nhỏ vì tấm lòng đơn sơ trong trắng, không tính toán hơn thiệt và kể công, không chấp nhất giận dỗi, không tìm cách chứng tỏ cái tôi, không sĩ diện giả dối. Chúa cũng mời gọi ta hãy học với Chúa vì “Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, từ trong cõi lòng chứ không phải dáng vẻ bên ngoài đâu nhé. Không thể trong một ngày mà ta thay đổi được lòng dạ mình. Sống đạo là một cuộc hành trình, mỗi ngày hãy trở về bên Chúa và trở về cõi lòng mình, để học hỏi và  múc lấy sức mạnh giúp biến đổi cuộc đời cho xinh đẹp hơn.

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Nghịch lý


Không phải kẻ có nhiều thứ hơn người khác là người hạnh phúc, vì cuộc đời là bể khổ. Nỗi khổ mỗi người tựa như những ly nước lớn nhỏ khác nhau dù đều tràn đầy: kẻ có cũng lo mà kẻ không có cũng lo. Tôi đan cử vài khía cạnh của việc sở hữu nhé.
Vấn đề của cải. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc cho những kẻ có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ” (Lc 6,20). Chúa còn nói thêm những kẻ lo tích trữ của cải mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa là kẻ ngu dại (Lc 12,19). Trong lúc nhân loại đôn đáo đi kiếm tiền, ca tụng kẻ có thu nhập cao là diễm phúc và thành công. Vì những kẻ có tiền thường có quyền ưu tiên trong mọi lãnh vực, được hưởng thụ những nhu cầu vật chất và có bảo hiểm sức khỏe. Nhưng những kẻ có của luôn bị xã hội dòm ngó để xin xỏ và bị trộm cướp rình mò, nên lòng họ luôn tràn ngập lo âu. Kẻ không có của thì nỗi lo về của ăn áo mặc và những nhu cầu thiết yếu hằng ngày cũng làm cho đầu óc họ luôn căng thẳng.
Trí thức. Kẻ thất học thường chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, họ là kẻ thấp cổ bé miệng khi phải cạnh tranh để mưu sinh hay khi quyền lợi bị đe dọa. Tiếng nói của họ không được ai nghe vì họ không biết cách diễn tả. Thế nhưng, kẻ có một ít kiến thức cũng thường bị xoi mói và lên án đủ cách vì tính ghen tị của người đời: nền văn hóa Á Đông có một đặc tính là “cào bằng” mọi người cho bằng nhau.
Đến mùa bơm tưới, kẻ có nhiều nước cũng không được yên thân vì phải lo lắng làm sao để giúp cho nhiều người mà không làm mất lòng kẻ này người nọ, trong lúc kẻ có ít nước lại lo lắng làm sao cho mình đủ nước tưới, làm sao tác động ép kẻ khác phải sợ mình để mình có thêm nước dự trữ… và lắm điều đau lòng đã xảy ra làm cho nhiều người lỗi đức bác ái.

Có những xung đột thực ra không cần thiết phải xảy ra nếu có đức bác ái hiện diện: biết nghĩ đến người khác và biết chia sẻ trong khả năng của mình. Có những người chỉ có một luận điệu trong cư xử là bắt chẹt nhau kiểu như đánh cờ: luôn thủ thế và ra tay tùy đối phương ra quân.  
Người con cái Chúa luôn được mời gọi sống đức yêu thương trong cuộc sống hằng ngày. Hãy nhìn lên thập giá để học gương sáng của Chúa Giêsu hiến thân cho muôn người được sống dồi dào và Giáo hội được tinh tuyền. Chúa dạy ta phải biết cảm thương trước tình cảnh của tha nhân, phải biết khóc với người khóc và vui với người vui, phải mang lấy mùi chiên, phải đi ra khỏi nhà mình để đến với anh em. Thật may cho chúng ta vì Thiên Chúa là Đấng nhân từ, ngay đời nầy đã không đối xử với ta như ta đáng tội: “Các con hãy nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ, vì Người nhân lành với những kẻ vô ơn, độc ác (Lc 6,26).

Xin Chúa biến đổi lòng con biết cảm thông, hiền lành và khiêm nhường như Ngài, vì chỉ khi sống như vậy lòng con mới được an vui. Còn ngược lại, khi hồn con cứ lo tích trữ của cải, tìm kiếm những danh hiệu phù phiếm, những lạc thú chóng qua, những lừa lọc hận thù …thì cuộc đời chỉ có cay đắng và lắng lo tràn đầy. Amen.


Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Ngọn lửa




Giây phút linh thiêng được chờ đợi nhất cho mỗi kỳ đại hội Olympic là khi ngọn đuốc được thắp sáng, đánh dấu giờ khai mạc của Thế Vận Hội. Ngọn lửa được đưa về từ núi Olympia là nơi bắt nguồn của hình thức thể thao nầy. Người ta chọn các danh thủ rước ngọn đuốc đi khắp quốc gia đăng cai và ngọn đuốc được đưa đến sân vận động vào giờ khai mạc. Ngọn đuốc đó tượng trưng cho tinh thần thể thao, sự nhiệt huyết trong những cuộc tranh tài và rèn luyện sức khỏe.
Đức Kitô mang tình yêu từ trời xuống cho vận hội nhân loại. Tình yêu đó như một ngọn lửa thiêu đốt quả tim Chúa và thôi thúc muôn người đáp lại tình ân tình Ngài. Tình yêu Chúa đã chiếu sáng vũ hoàn ra khỏi u mê lầm lạc.

Mỗi người được trao nến sáng khi chịu phép rửa tội, đó là ngọn lửa đức tin. Họ có sứ mệnh loan truyền tình yêu Chúa dành cho mình và cho nhân loại. Đừng nghĩ rằng sự hiện hữu của mình và tha nhân là một điều gì đó ngẫu nhiên mà là một kế hoạch tuyệt vời của Thiên Chúa: để họ nên thánh và giúp người khác tiến đến sự trọn lành. Hãy luôn suy gẫm về ý nghĩa cuộc đời và biết tìm kiếm ý Chúa: “Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Chúa muốn con làm gì?”.
Trước tiếng gọi của Chúa, con người thường do dự: Ông Moisen, ông Giêrêmia, ông Giona… Hãy biết rằng dù chiếc bình nứt, nó vẫn có giá trị của nó. Có câu chuyện tranh tả một người mỗi ngày đều xuống suối để gánh nước về nhà với hai chiếc bình. Một trong hai chiếc bình có một kẽ nứt nhỏ nên khi về đến nhà thì chỉ còn một nửa, người chủ vẫn bằng lòng nhưng chiếc bình cảm thấy buồn lòng. Nó đề nghị người chủ thay một chiếc bình khác thì lượng nước mang về được nhiều hơn. Người chủ đưa tay chỉ cho nó thấy dọc theo con đường từ suối về nhà là hai luống rau mọc lên nhờ những hạt nước rơi vãi từ kẽ nứt. Và nó tạm bằng lòng về sự thật nó vừa khám phá.
Dầu trong bình có thể cạn, hãy châm dầu bằng cuộc sống cầu nguyện và chăm nghe Lời Chúa. Đừng chờ cho đến khi có cơ hội phù hợp mới làm việc lớn, vì chỉ cần sống mỗi giây phút hiện tại cho thánh thì cả cuộc đời sẽ thánh, chấm mỗi chấm cho thẳng ta sẽ có một đường thẳng dài (ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận). Trong đời sống đạo, cách tốt nhất mỗi ngày hãy thực hành những thói quen đạo đức nhỏ mà nếu thiếu chúng thì niềm tin sẽ nghèo dần, Đức Phanxicô gợi ý: hãy đọc kinh trước và sau ăn cơm, hãy đọc một đoạn Kinh Thánh mỗi ngày, hãy tạo sự yên lặng nội tâm để gặp gỡ Chúa, hãy nhớ lại lịch sử cuộc đời để khám phá ra sự an bài của Chúa, hãy dùng những lời kinh để thưa chuyện với Chúa. Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng phải biết dùng những từ như: xin phép, cảm ơn và xin lỗi. Đừng để mặt trời lặn mà chưa làm lành với nhau, vợ chồng và con cái dành thời giờ để quan tâm đến nhau.

Khi được hỏi về tình hình ‘trở thành thiểu số của Kitô giáo’, Đức Phanxicô có câu trả lời rất hay: chính khi trở thành thiểu số, giáo hội thể hiện sức mạnh là muối là men của mình: “Chúng tôi phải dậy men sự sống và tình yêu. Men chỉ có rất ít nhưng hoa trái và cây xanh tươi tốt mọc lên từ men thì lại nhiều vô cùng. Mục tiêu của chúng tôi không phải là cải đạo nhưng là lắng nghe những nhu cầu, những ước muốn, những chán ngán, tuyệt vọng và hy vọng của con người. Chúng tôi phải phục hồi hy vọng cho giới trẻ, nâng đỡ những cụ già, rộng mở với tương lai, loan truyền đi lòng mến. Chúng tôi phải nhận vào những người bị gạt ra bên ngoài ( include the excluded ) và rao giảng bình an”. (Ephata 637). Mỗi người được mời gọi trở nên ngọn nến cho Thiên Chúa tình yêu. Ngọn nến chiếu sáng ý nghĩa cuộc đời và sưởi ấm bằng tình thương. Hãy thưa lên hai từ “có mặt” trong từng ngày sống và khi Chúa gọi ta từ giã cuộc đời.

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

CA CẢI LƯƠNG



Nhiều người nhìn cuộc đời dưới lăng kính màu đen: mọi sự đều tồi tệ hơn ngày xưa và càng ngày càng tồi tệ, cả về luân lý, môi trường và những thảm họa... dường như ngày tận thế sắp đến gần để chấm dứt những điều bi thảm nầy. Nhiều người chuyên đưa ra những đồn đoán như là cách thể hiện sự hiểu biết của mình, nhưng chỉ toàn những chuyện tầm phào như kiểu ‘trời không nắng thì mưa’!

Tôi đã có dịp dừng chân ở giáo xứ Vinh Hương vào một ngày trời đổ mưa rất lớn, ngày 21/3/2011. Ai ai cũng nhận ra đây là cơn mưa vàng mưa bạc cho hàng ngàn hecta càphê và cây cối, đỡ về tiền và sức lực. Thế nhưng, vào sáng hôm sau cũng chẳng có thêm mấy người đi lễ để tạ ơn Thiên Chúa, dường như trận mưa đó và những cái khác nữa đều là 'tự nhiên' thôi mà!

Và sáng hôm sau, trong phiên họp chợ, nhiều người than thở và tả thảm vườn cây của họ bị hư hết trái, người khác lại than là bán caphê giá thấp... Họ kéo cả đám mây đen đến che kín vùng trời của một ngày tươi sáng.

Đừng góp giọng để ca bài cải lương buồn thảm nhé, vì đời mình sẽ buồn thêm, làm buồn lòng Chúa và làm đen tối cuộc đời tha nhân. Sự ta thán cũng là một loại virut hay lây, cần phải tránh càng xa càng tốt.

Khi Chúa còn cho ta khỏe mạnh và yêu đời, hãy ca tụng Chúa để bù lại cho những ngày gian nan đen tối. Một nhà tu đức nào đó đã nói: Có nhiều tâm tình khi cầu nguyện, nhưng nếu một người suốt cuộc đời chỉ biết đến tâm tình tạ ơn mà thôi thì chừng ấy cũng đủ.


Hồng ân Chúa ban cho ta nhiều vô kể, hằng hà như sao trên trời... Lời Chúa nói với thiếu phụ Samari năm xưa rất đáng cho ta suy nghĩ: "Nếu chị biết hồng ân Chúa và Đấng đang nói với chị...". Nếu hôm nay ta vẫn nhận diện được Chúa đang đồng hành cùng thế giới, Ngài đang chờ đợi ta đến cử hành bí tích Tạ Ơn ( Thánh Thể), thì chắc chắn ta sẽ mau mắn đến với Ngài mỗi ngày.