Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

Ai là mẹ và anh em tôi?


(Bài giảng cha Long ngày 23.7.2019, lễ Thánh Birgitta)
Mỗi ngày có biết bao nhiêu người ngoại đạo (không tôn giáo và tôn giáo bạn) đến GĐTM để cầu nguyện và tham dự thánh lễ. Nếu họ đến đây nghe Lời Chúa và đem ra thực hành thì họ trở thành người gần gũi với Chúa, vì thế chúng ta phải trân trọng họ như những người khách quý. Trong lúc đó, những người có đạo lại thường quá bận rộn và quá tính toán đến nỗi ít khi nghe và làm theo Lời Chúa. Đúng như Lời Chúa nói kẻ trước hết lại trở nên cuối hết và kẻ cuối hết lại trở nên trước hết.

Hôm nay ngày 23.7, Giáo hội kính thánh Birgitta. Ngày chết ở cõi đất của một vị Thánh được gọi là ngày sinh nhật ở trên trời. Đối với người có đạo thì cái chết không có gì đáng sợ, chết là đi về trời. Thánh nhân sinh 1303 ở Thụy Điển. Lúc 10 tuổi, Chúa Giêsu đã hiện ra với thánh nữ, với rất nhiều thương tích, do những người vi phạm lề luật và coi thường lòng thương xót của Chúa. Khoảng 400 năm sau, Chúa cũng hiện ra với Thánh nữ Faustina - cũng với những làn roi đánh lên mình Chúa do những lỗi phạm của giáo dân, của linh mục và tu sĩ. Những giáo dân và người ngoại đạo phạm tội thì làm cho khuôn mặt Chúa buồn ít hơn là các linh mục và tu sĩ. Vì mình càng thương ai bao nhiêu thì khi họ xúc phạm đến mình thì mình càng buồn hơn. Năm 1316, thánh nữ kết hôn, sinh 8 người con. Thánh nữ được nhà vua mời vào làm cố vấn, nhưng những lời khuyên đạo đức của Birgitta đều không được vua và hoàng hậu lắng nghe. Đừng nghĩ thánh làm gì cũng thành công, như lời Thánh nữ Faustina: ‘nhục nhã ê chề là phần số của tôi, miễn là lời chúc tụng và vinh quang lòng thương xót Chúa được vang lên’. Số phận của đa số các thánh là phải đau khổ và thất bại – nhục nhã và hiểu lầm, để lòng tin và tình mến của họ càng trui luyện càng tinh ròng. Sau 28 năm sống đời gia đình, thánh nữ lui về một tu viện và soạn một bộ luật dòng, sau khi qua đời, bộ luật nầy được duyệt và chính người con gái Catarina đã phát triển dòng tu mà mẹ mình chưa thấy hình thành khi còn sống. Thường Chúa ít cho các thánh thấy vinh quang và thành công khi còn sống, mà chỉ là hiểu lầm và đau khổ thử thách, là vì muốn cho họ nên giống Chúa. Mỗi nhục nhã đau khổ là ngôi sao gắn lên triều thiên của mình. Mỗi lần được tôn vinh khen lao thì một ngôi sao lại bị gỡ xuống. Khi trở thành góa phụ, thánh nữ ít ăn - ít ngủ và cầu nguyện nhiều, ngài viết nhiều thư cho các hồng y và cả Đức Giáo hoàng, viết thư cho các vị lãnh đạo xã hội nữa, để vạch trần những tật xấu của họ và chỉ cho họ cách thế canh tân đời sống của họ cả về mặt xã hội cũng như trong Giáo hội. Quyền năng của Chúa đã hoạt động nơi một người phụ nữ yếu đuối. Hãy bắt chước thánh nữ: Mỗi khi gặp sóng gió, cứ im lặng và cầu nguyện nhiều, ta sẽ lướt thắng những cám dỗ và những thác ghềnh cuộc đời.



Muốn làm thánh thì phải sống thánh, trở nên bà con của Chúa, nghe và làm theo Lời Chúa. Muối phải mặn và đèn phải sáng thì mới làm thánh được. Cuộc đời con người là một mầu nhiệm, chẳng bao giờ chúng ta hiểu hết ý Chúa, tuy vậy mà phải tín thác và cậy trông mà dấn bước. Chúng ta chẳng bao giờ thấy rõ chương trình Chúa thực hiện, có khi Chúa chỉ cho thấy một chút thôi, chỉ sau nầy ngồi nhìn lại và nhất là sau cái chết, ta mới thấy rõ đường lối Chúa hành động. Ông Moisen được lệnh dẫn dân ra khỏi Ai cập, Chúa cho đám mây dẫn lối ban ngày và ánh lửa dẫn đường ban đêm, vậy mà dẫn đến ngay chỗ chết: phía trước là biển và phía sau là quân đội Ai cập đuổi theo, chỉ còn một cách là tín thác vào Chúa, và Chúa đã thực hiện quyền năng của Ngài. Chỉ khi con người biết tin tưởng vào Chúa thì Chúa mới có thể thực hiện ý định và những điều lạ lùng của Ngài.

Hãy tránh xa tội lỗi là những xúc phạm đến lề luật Chúa, vì chính tội lỗi của tôi đã đánh đòn và treo Chúa Kitô lên thập giá. Hãy luôn tín thác vào tình Chúa để dấn bước trên đường trọn lành, dù chẳng ai biết rõ tương lai của mình. Hãy đọc Lời Chúa mỗi ngày, suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa, và quan trọng nhất là luôn sống theo sự hướng dẫn của Lời Chúa. Hãy chấp nhận quy luật Chúa dùng: Chúa càng yêu ai, thì Chúa càng làm cho họ nên giống Ngài, đó là bị hiểu lầm - thất bại - đau khổ... để họ chỉ biết bám chặt vào chính Chúa mà thôi.

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Điều tốt nhất


Mang thân phận con người, có những điều con người không thể chọn cho mình: thế kỷ, tổ quốc, dòng tộc, gia đình, mã gien, và cả giờ chết nữa. Nhưng có những điều con người có thể chọn và thường họ sẽ chọn điều tốt nhất cho mình. Những chọn lựa này có những điều thuộc lãnh vực tự nhiên, những cái thấy được như chuyện cơm áo gạo tiền, và có những chọn lựa tốt nhất nằm trên lãnh vực siêu nhiên như chuyện của Maria: ngồi bên chân Chúa để lắng nghe và thưa chuyện với Ngài.

Bối cảnh Tin Mừng được Thánh Luca kể lại (Lc 10,38-42) là việc Chúa Giêsu đến nhà 3 chị em, cô Matta thì bận rộn với công việc bếp núc còn Maria ngồi tiếp chuyện Chúa. Cả hai công việc đều cần thiết. Vấn đề mục vụ rất dễ hiểu: việc hoạt động và cầu nguyện đều quan trọng trong đời sống Giáo hội và trong từng cá nhân, hãy cầu nguyện trước khi bắt tay hành động, và luôn duy trì đời sống cầu nguyện ngay trong những hoạt động tông đồ hay trong suốt ngày sống.

Tôi chỉ xin đưa ra vài ví dụ để nói lên sự khác biệt giữa việc chọn lựa cái ngon hơn chưa phải là cái tốt nhất, vì cái ngon lành hơn thường dựa vào quan điểm của con người, còn cái tốt nhất dựa vào cái nhìn của Chúa: có đẹp ý Chúa, có phù hợp với Tin Mừng không?

Một thanh niên đến chơi ở gia đình nọ có hai cô gái. Cô chị già và xấu hơn cô em. Cô chị bận công việc dọn dẹp và chăm sóc người mẹ đau bệnh, cô em thì nhàn nhã ngồi nói chuyện với chàng trai, cô nói những lời ẻo lả êm dịu, và hình như không quen làm việc. Trong con mắt người đời, chọn cô em thì ngon lành hơn, nhưng nếu chọn cô chị thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

Một cô gái đi dự lễ Chúa nhật, người rất đông, và cô chọn được một chỗ ngồi rất ưu tiên. Thế nhưng cô nhìn lại, ở gần mình có một bà bầu và vài người già cả phải ngồi ghế nhựa. Cô ta nhường chỗ ngon lành của mình để ngồi ghế nhựa: cô đã chọn chỗ tốt nhất.

Có những người trẻ chọn một cuộc sống dễ dãi: bỏ học, ngại suy nghĩ, ngại làm việc, lêu lổng ăn chơi. Trong khi đó, những người trẻ khác nghe lời dạy của cha mẹ và sự thúc đẩy của ơn Thánh để học hành và sống đạo tử tế. Những bạn sau đã chọn phần tốt hơn.

Ngày Chúa nhật là ngày của Chúa, ưu tiên cho việc thờ phượng, bác ái, gia đình. Vậy mà nhiều khi ta dành cho Chúa khúc xương và khúc đuôi của ngày này: chọn lễ ở đâu nhanh nhất, cha giảng ngắn nhất, lễ vớt ở đâu đó.

Việc tông đồ trong giáo xứ cần việc cộng tác của nhiều người. Có những người đưa ra lý lẽ này nọ để chọn cho mình việc ngon lành: nhẹ nhàng, không xáo trộn cuộc sống. Có những người khác đưa vai gánh trách nhiệm, tuy cực nhọc nhưng lại là việc đẹp lòng Chúa hơn.

Để kết luận, xin đưa ra vài áp dụng cho việc chọn lựa trong đời sống Kitô hữu:
- Lúc ban đầu những người hoạt động tông đồ thường  rất hăng say và vô vị lợi, nhưng nếu không có đời sống cầu nguyện thường xuyên đi kèm, họ sẽ chán nản vì lý do này nọ hoặc sẽ có những tính toán về lợi lộc, danh tiếng... rồi thở dài và bỏ cuộc.
- Mỗi người phải chịu trách nhiệm về những chọn lựa của mình, dù đó là chọn lựa có tính cách lâu dài như bậc sống, hoặc là chọn lựa điều tốt hơn  trong mỗi ngày sống. Cuộc đời thường không cho ta thay đổi chọn lựa, nhưng Chúa luôn tạo cơ hội và chờ ta thay đổi những chọn lựa lầm lẫn để trở nên tốt hơn, và đó là do lòng thương xót của Ngài.
- Maria đã chọn phần tốt hơn khi ngồi dưới chân Chúa. Đây không phải là sự an nhàn biếng nhác mà là sự gần gũi tâm hồn: Lắng nghe Lời Chúa, hiểu được lòng Chúa và giãi bày lòng mình: Chúa muốn con làm gì? – và đem ra thực hành. Cầu nguyện không phải là lái Chúa làm theo ý mình nhưng là tìm làm đẹp lòng Chúa trong từng hoàn cảnh cụ thể cuộc sống.
(Viết theo bài giảng cha Giuse Trần Đình Long)