Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Ôi, cuộc sống




Tôi ghé thăm một gia đình đang trải qua thời kỳ gian khó vì bệnh tật. Người mẹ đã từng bị ung thư phổi, một người con đang bị ung thư máu và người cha cũng đang liệt giường - bị gãy tay chân vì tai nạn xe cộ. Điều lạ lùng là họ nói chuyện như không có gì nặng nề và bệnh tật gì cả.
Gia đình ấy có một bà mẹ trước đây đã từng đi tu, một người cha hoạt động tích cực trong hội Legio và 2 người con trai đã trưởng thành. Cách đây khoảng 25 năm người mẹ ấy đã từng bị ung thư phổi, không ‘xạ trị’ vì nhà nghèo, đã về nhà và cậy trông vào ơn Chúa, và việc chị sống đến giờ nầy cũng là một điều lạ. Người mẹ nói với mọi người: “Nếu mình biết chấp nhận thì không thấy bệnh tật là nặng nề gì cả”. Một câu nói bình dị nhưng ẩn chứa cả một niềm tin sâu xa: Thiên Chúa có một kế hoạch cụ thể cho từng người trong mỗi việc đang xảy ra, Chúa biết rõ ta cần gì, Chúa ban ơn cho ta trong từng hoàn cảnh.
Những người đến thăm gia đình kia đều rất ngạc nhiên vì họ vẫn đùa với nhau, dù người con ấy có thể ra đi trong một ngày rất gần. Tôi nghĩ họ giữ được bình tĩnh giữa nghịch cảnh vì biết đặt Chúa làm trung tâm của đời sống chung trong gia đình, thường xuyên tìm kiếm thánh ý Chúa, dù khi được bình an hay khi phải đối diện với những khó khăn, thử thách. Sống theo thánh ý Chúa không hề là chuyện dễ dãi, nhất là trong một thời đại mà những giá trị Phúc Âm bị coi như lỗi thời và phản tiến bộ… nhưng đó chính là nẻo đường dẫn đến niềm vui đích thực.

Đối với những tâm hồn đạo đức, sống hay chết đều không quan trọng, miễn là đẹp lòng Chúa và thuộc trọn về Ngài: “Điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa. Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người (2Cor 5,8). Và trong thư gưi giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô cũng nói: “Tôi bị giằng co giữa hai đàng, ao ước của tôi là ra đi để gặp gỡ với Chúa, điều này tốt hơn bội phần nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn vì anh em”. 
Là người tin vào Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương ta và hứa ban cho ta phúc trường sinh, nhưng ta vẫn sợ Chúa ban thập giá và sợ Chúa ‘gọi’ đến trình diện, vì đó thực sự là những lúc niềm tin ta bị thử thách, vì “tin là xác tín vào những điều ta không kiểm chứng được”, và một trong những điều ta không kiểm chứng được đó là sự sống đời sau.

Lạy Chúa, những ngày xuân đang đến gần, người người trở về quê để vui hưởng niềm vui gặp gỡ những người ruột thịt thân thiết. Các bệnh viện cũng trở nên vắng vẻ, tuy bệnh tật vẫn còn đó nhưng ai cũng tạm xếp gọn sang một bên để niềm vui được lên ngôi. Xin Chúa thương đến các bệnh nhân, cho họ bớt đau bệnh trong những ngày xuân và xin tiếp sức mạnh để họ được hưởng niềm vui có Chúa trong đời mình. Và xin cho những người đang khỏe biết quan tâm đến những người đau yếu, để chúng con chuyển đạt cho nhau niềm vui sống và hạnh phúc vì được làm con cái Chúa, được Chúa chăm sóc dắt dìu trong từng ngày sống. Amen.

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Đấu tranh




Nói đến đấu tranh người ta liên tưởng đến chính trị, nhưng thực ra sự tranh đấu để giành quyền quyết định luôn tồn tại nơi loài vật và trong bất cứ hình thức nào của loài người, từ tôn giáo cho đến xã hội, từ tế bào nhỏ nhất là gia đình cho đến giáo xứ, giáo phận. Sự đấu tranh là cần thiết để sinh tồn và tiến bộ, nhưng đâu là con đường đấu tranh của người môn đệ Kitô?

Nơi loài vật, con vật nào khỏe hơn và có nhiều ưu thế hơn sẽ là con đầu đàn, sau khi đã trải qua những trận quyết đấu. Con đầu đàn có nhiều lợi lộc về thức ăn uống và những ưu tiên khác, cũng như được cộng đồng nể sợ. Nó luôn tìm cách thể hiện uy quyền, triệt hạ những con nào muốn chiếm vị trí của nó, và khi yếu thế hơn nó đành từ bỏ chỗ đứng ưu tiên để trở nên con vật bình thường.

Nơi con người, việc cạnh tranh để giành phần thắng và ưu tiên cũng luôn tồn tại dưới nhiều hình thức: âm thầm hay lộ liễu. Từ trong tiềm thức, ai cũng muốn trổi vượt hơn người khác, nên ai cũng tự đánh giá cao về mình và hạ thấp người khác. Có câu danh ngôn: Sự kiêu ngạo tồn tại nơi mọi người, có khác chăng là cách thế nó biểu hiện ra bên ngoài.
Giữa vợ chồng vẫn vô tình xảy ra một cuộc giằng co để giữ lại một lãnh địa nào đó cho mình cảm giác ‘khống chế’ được người kia, muốn là người quan trọng hơn và có nhiều kẻ ủng hộ hơn. Khi nói về tâm lý giáo dục, người ta cho biết: nhiêu đứa trẻ vòi vĩnh làm khổ cha mẹ đủ điều vì muốn lôi kéo sự chú ý của cha mẹ, muốn được cha mẹ quan tâm đến mình; muốn giải quyết cuộc giằng co tâm lý đó, cha mẹ phải rất khéo léo phớt lờ những đòi hỏi quá đáng, đừng để bị sa vào cuộc chiến và đừng để mình bị lôi kéo thành đồng minh.
Trong giáo xứ vẫn có cuộc giằng co giữa HĐGX và cha quản xứ để giành quyền quyết định nhiều vấn đề xây dựng và tài chính. Nhiều khi xảy ra cảnh ‘cái gì có lợi thì giành còn trách nhiệm lại đùn đẩy’. Nhiều khi giáo xứ mang bộ mặt xã hội và chính trị nhiều hơn là một cộng đoàn huynh đệ, là thân thể Chúa Kitô. Các môn đệ đã nhiều lần tranh luận đến ‘đỏ mặt tía tai’ xem ai là kẻ lớn nhất trong họ, Chúa nói với các ông: “Ai muốn làm lớn, hãy là người phục vụ”. Đức Biển Đức 16, với sự khôn ngoan, đã nhiều lần nhắc nhở Giáo Hội rằng đối với nhiều người, quyền bính đồng nghĩa với sở hữu, thống trị, thành công, nhưng đối với Thiên Chúa, quyền bính luôn luôn đồng nghĩa với phục vụ, khiêm tốn, yêu thương, có nghĩa là đi vào lý luận của Chúa Giêsu Đấng cúi mình rửa chân cho các Tông Đồ.

Trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội, chúng ta hãy dâng lên Chúa lời cầu xin:
“Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự bình an hiệp nhất, từ trong gia đình và trong giáo xứ. Xin cho chúng con biết đến với Chúa để học bài học khiêm tốn và hạ mình của Chúa. Chúa đã tự hủy mình trong thân phận con người, chẳng oai vệ mà cũng không tranh giành, không ngồi lê đôi mách chuyện thiên hạ hay khoe khoang kiến thức: mọi điều Chúa nói và Chúa làm đều để làm vinh danh Cha và để cứu rỗi con người. Xin cho chúng con biết khiêm tốn hạ mình xuống, nhìn nhận sự yếu đuối của phận người để đừng lên án và xét đoán một ai, có vậy tâm hồn con sẽ bình an và Giáo xứ được hiệp nhất, là chứng tá hùng hồn cho công cuộc truyền giáo”.

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Đấu tranh, tránh đâu?




Hai con chó cùng nhốt chung một chuồng, một con đực và một con cái. Chúng thường cắn nhau inh ỏi và kêu la ồn ào để được thả ra. Người chủ cầm gậy và đánh mạnh con đực vì nó ngoa mồm. Con còn lại nhìn lấm la lấm lét, ánh mắt nó không tỏ rõ sự biết ơn hay cười nhạo con kia.
Cách đây không lâu, trên mạng có kể lại câu chuyện: Một người đàn ông quét rác trước cửa nhà mình. Có một chàng thanh niên đang phì phèo điếu thuốc và vứt xuống vệ đường. Người đàn ông bực tức nói nặng lời với anh và buộc anh ta phải nhặt tàn thuốc kia bỏ vào giỏ rác, anh ta buộc phải làm theo nhưng lòng không vui, lẩm bẩm chửi rủa. Ít ngày sau, anh thanh niên kia vãng cảnh chùa, anh hút thuốc và cũng vứt bừa bãi tại sân chùa, nơi một vị tăng ni đang quét dọn sạch sẽ, vị tăng ni chẳng nói gì và chỉ im lặng nhặt tàn thuốc bỏ vào sọt rác. Có người khen cách xử sự nhã nhặn của vị sư và lên án sự nóng nảy của người kia, nhưng anh thanh niên đã quay trở lại nói lời cảm ơn người đàn ông hôm nọ, vì đã giúp anh phản tỉnh.

Những người đứng ra làm những việc chung cho cộng đồng như sửa đường, ký các hợp đồng canh rãy hoặc kéo đường dây điện được ví như những con chó hay sủa, tuy đem lại lợi ích cho cộng đồng, nhưng thường mang họa vào thân. Còn những người an phận, lẩn tránh những việc phiền toái cho bản thân và gia đình mình có khi lại được khen là khôn ngoan. Nhưng thử hỏi: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai và xã hội làm gì có tiến bộ?”. Nếu ai cũng cam phận thì nhân loại đã không có những Mahatma Gandi, Martin Luther King, cha Đa-Miêng tông đồ người hủi, thánh Phanxicô Xaviê vị tông đồ Á Đông và biết bao người lành thánh khác.

Giáo huấn xã hội Công Giáo đòi buộc người tín hữu phải tích cực xây dựng xã hội trần thế nên hoàn hảo và trật tự, khử trừ những bất công và cứu giúp kẻ nghèo hèn bị áp bức, đó là sự cộng tác tích cực vào công trình tạo dựng mà Thiên Chúa đã giao phó cho con người. Chúa Giêsu luôn mời gọi ta sống theo cách sống của Chúa: “Con Người đến để hầu hạ phục vụ và hy sinh mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. Hãy thể hiện sự hy sinh phục vụ anh em ngay từ trong gia đình và cộng đồng mình sinh sống, phục vụ trong vui tươi và dâng hiến, vì chính Chúa Giêsu đang hiện diện nơi anh em.

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Phán xét




Một nhóm bạn thăm viếng người bệnh. Họ thăm hỏi bệnh tình và gia cảnh của gia đình. Có người nói đến thái độ trước cái chết: sợ gì nhất? – Sợ nhất là phán xét!... và mọi người cười òa.
Đúng là cái chết thật đáng sợ, nếu hình ảnh trước hết là “Từ vực sâu u tối, con kêu lên cùng Chúa” như lời Lm. Võ Tá Khánh đã phân tích, vì hình ảnh đó trái ngược với “Khi Chúa thương gọi tôi về, lòng tôi hân hoan như trong một giấc mơ, miệng tôi nức vui tiếng cười, lưỡi tôi vang lời ca hát. Ngàn dân tung hô, tôi thật vinh phúc” (Ngày về của Lm. Kim Long).

Nền thần học ngày xưa thường diễn tả sự khủng khiếp của hình phạt hỏa ngục để người ta khiếp sợ mà không dám phạm tội, nhưng ngày nay người ta lại nhấn mạnh đến tình yêu thương Thiên Chúa dành cho con người khiến con người không phạm tội vì sợ làm mất lòng Chúa. Việc ăn năn tội vì sợ hình phạt gọi là ăn năn tội cách chẳng trọn, còn vì sợ mất lòng Chúa thì gọi là cách trọn. Sự giáo dục con em chúng ta ngày xưa cũng đặt nặng việc kiểm soát, hạch hỏi, roi vọt …để chúng không làm điều xấu vì sợ phạt, nhưng ngày nay nhấn mạnh đến việc tạo ý thức về tình thương cha mẹ và về sự trưởng thành của nhân cách để chúng sống tốt: không phụ ơn cha mẹ và vì lòng tự trọng. Đức Phanxicô mời gọi các mục tử nói nhiều về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người hơn là dừng lại ở những luật lệ giáo hội, vì điều trước sẽ thúc đẩy con người tiến lên phía trước, còn điều sau sẽ tạo một cái nhìn cứng nhắc về Giáo hội.
Thần học hiện đại cho ta biết: Không ai xác quyết phần rỗi của những người đã khuất, trừ những trường hợp những người được Giáo hội công nhận bằng việc phong thánh. Khi đến trình diện Đấng Chí Thánh, con người bình thường sẽ trải qua một giai đoạn chịu thanh luyện để xứng đáng diện kiến tôn nhan Chúa, dù họ đã chắc chắn được Chúa ban thưởng. Vậy khi một người đã qua đời, một phần chúng ta cầu nguyện để họ mau chóng nên tinh sạch, nhưng đàng khác họ cũng chuyển cầu cho chúng ta, vì họ đã trở nên nghĩa thiết với Chúa. Đó là mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, mỗi người trở nên máng chuyển thông ơn thánh cho người khác giữa Giáo hội lữ hành, Giáo hội thiên quốc và các đấng nơi luyện hình.
Thần học cũng cho ta biết: hạnh phúc thiên đàng là món quà hào phóng mà Thiên Chúa tặng ban cho con người, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, phần đóng góp của con người chẳng là gì, chỉ là chút tình yêu và thiện chí của người con dành cho Cha mình. Chúng ta có thể đọc được điều ấy qua dụ ngôn người công nhân giờ thứ 11 và câu chuyện người trộm lành trên thập giá, và nơi thư Thánh Phaolô: “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (Rm 8,18).
Nếu chúng ta vững tin vào một Thiên Chúa nhân từ, thì cái chết là cửa ngõ để bước qua kiếp lữ hành trở về nhà cha trong hân hoan. Lời cầu nguyện nơi tang gia mang nhiều tâm tình: tin tưởng phó thác, hân hoan lên đền thánh Chúa, tạ ơn vì muôn ân lộc Chúa ban trên đời và về hạnh phúc thiên đàng, xin lỗi vì những thiếu sót và xin người đã khuất phù hộ cho con cháu biết sống tốt và biết đón nhận thử thách cho đẹp lòng Chúa. Với những tâm tình trên, giờ cầu nguyện nên sử dụng những đoạn Tin Mừng và những bài thánh ca phù hợp để nâng đỡ niềm tin, và bớt sử dụng những bài quá bi thảm tạo nên sự sợ sệt, thất vọng.

Tiếng Chúa gọi




Thiên Chúa gọi mỗi người mỗi khác và cách thức hành động của Ngài vượt tầm trí hiểu của con người. Con người luôn dễ đọc sai tiếng mời gọi của Chúa và vì thế đã có những cuộc trở về với tình yêu Ngài.
Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, Thiên Chúa đã mời gọi Adam-Eva sống trong tình nghĩa thân mật với Ngài trong mối liên hệ giữa Đấng Tạo Thành và loài thụ tạo; nhưng con người nghi ngờ kế hoạch đầy tình yêu đó là một âm mưu cản trở con người lớn lên: “Chẳng chết chóc gì đâu, vì Thiên Chúa biết ngày nào các ngươi ăn trái cây biết lành biết dữ thì mắt sẽ mở ra để thông biết như Thiên Chúa”…và ông bà nguyên tổ đã hái trái cây để ăn, lần đầu tiên họ vi phạm lệnh truyền của Chúa. Họ muốn tự lo liệu cho đời mình mà không cần đến Thiên Chúa.
Thiên Chúa đến với con người và kêu gọi họ như mọi lần Ngài vẫn ‘chiều chiều tản bộ’ trong vườn địa đàng, nhưng ông bà nguyên tổ đã lẩn tránh Chúa vì xấu hổ, thấy mình trần truồng về thể xác cũng như tinh thần: họ đã tước bỏ địa vị con cái Chúa mà chọn lấy thái độ nô lệ cho tội. Và Con Thiên Chúa đã vâng lời cho đến chết để con người lại được trở thành con cái Chúa.
Thiên Chúa đã kêu gọi Abraham, Moisen, Đavit ngoài sự tính toán của con người để các vị làm nên lịch sử dân Chúa chọn. Và Thiên Chúa đã gọi Samuel đến 3 lần mà cậu không nhận ra, cứ tưởng là tiếng thầy cả Hêli. Khi nhận ra tiếng gọi của Chúa, cậu Samuel đã thưa: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”.

Thiên Chúa không ngừng hoạt động và làm việc trong lịch sử loài người. Thiên Chúa vẫn có mặt trong cuộc sống để mưu ích cho con người: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Nhưng con người luôn bị cám dỗ nghi ngờ tình thương đó, họ nghĩ rằng Thiên Chúa không hiện hữu, rằng Ngài đang nghỉ ngơi để mình đơn côi trên vạn nẻo đường đầy gian nan. Không phải thế, Thiên Chúa yêu từng người bằng mối tình muôn thuở và đối với Thiên Chúa moi sự đều có thể. Trước ngàn muôn thế hệ, Chúa đã nghĩ đến tôi, đã yêu mến tôi và cho tôi hiện hữu trong thời gian: Chúa có một kế hoạch cụ thể cho cuộc đời mỗi người. Chỉ có điều là đường lối Thiên Chúa luôn khác sự tưởng nghĩ của con người, Ngài hành động theo ý Ngài muốn, và con người tưởng rằng việc họ hiện hữu trên trần gian chỉ là việc ngẫu nhiên. 

Khi thăm một người bệnh, con người thường có hai thái độ. Một là né tránh vấn đề: bệnh nầy không chết chóc gì đâu, khỏe ngay ấy mà, cứ thoải mái là có sức vượt qua thôi. Cách thứ hai là nhìn thẳng vào vấn đề: Sinh lão bệnh tử là kiếp sống con người, Thiên Chúa đang cùng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nầy, tôi sẽ khỏi bệnh nếu Thiên Chúa muốn, đây cũng  là cơ hội để tôi gần Chúa hơn và để tôi lo lắng cho phần rỗi linh hồn hơn những ngày tôi khỏe mạnh, xin cho tôi nghe được tiếng Chúa gọi và cảm nghiệm được tình thương Chúa ngay trong hoàn cảnh đau thương này.
Mỗi ngày tiếng Chúa vẫn gọi tôi tín thác vào Ngài và tiến lên trên đàng nhân đức. Thế nhưng bên cạnh đó cũng có những tiếng réo gọi của nhân gian và của các đam mê: cứ vui hưởng cuộc đời đi, vì còn lâu mới chết, vì biết đâu chẳng có Chúa nào hết. Cơn cám dỗ giữa hai tiếng gọi của vườn địa đàng ngày xưa vẫn tái diễn trong suốt lịch sử con người.

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Tôi mơ




Giữa cuộc sống bận rộn và bon chen với cơm áo gạo tiền, đôi khi ta thấy mệt mỏi và có nhiều lần tôi đã mơ …Có những điều làm lòng tôi trăn trở, nhưng không thể nói ra, vì chẳng ai nghe và sợ người khác đánh giá ‘xấu’ về mình.

Tôi mơ con người biết đối xử với nhau bằng tình nghĩa hơn là bằng lý lẽ, vì lý lẽ có khi bất công vì nó dựa vào luật pháp và suy nghĩ của số đông; nhưng tình nghĩa là nhìn vào lòng mình để hiểu hoàn cảnh cụ thể của người kia, và động lòng trắc ẩn. Những mối liên hệ giữa vợ-chồng, cha mẹ với con cái cần đem thước đo tình nghĩa vào áp dụng, vì nhiều khi lý lẽ thôi không đủ.

Tôi mơ con người biết thực hành lời dạy rất đơn giản của Thầy Giêsu: “Điều con không muốn kẻ khác làm cho mình thì đừng làm cho kẻ khác”, để biết hành xử cho tế nhị trong lời ăn tiếng nói và nhất là khi mời tiệc: tiệc cưới, tân gia, ngày giỗ, kỷ niệm hôn phối, rửa tội con cái, khánh thành nhà thờ, mừng tân linh mục, mừng thọ … vì tôi thấy nhiều người không vui khi nhận được quá nhiều thiệp mời trong một ngày, vì không biết xử sự làm sao cho phải lẽ: không đi thì khó coi mà đi thì quá tốn kém thời giờ cũng như tiền bạc. Và tôi mơ… giá như người ta mời ít người lại thì sẽ đỡ phiền cho nhiều người, và nhân gian cũng bớt đi những tiếng thở dài.
Tôi mơ mỗi người sống thanh thoát trong vai trò của mình, không quá đề cao cái tôi và không sa đọa vào những đam mê: cờ bạc, rượu chè, tiền bạc, danh vọng. Vì khi đó họ sẽ không còn nhìn thấy người anh em bên cạnh để thương xót và những người chung quanh họ cũng chịu chung gông cùm siết chặt; vì khi ta 'làm tôi' cho một nhu cầu cá nhân quá mức cần thiết là ta dễ quên Thiên Chúa và anh em mình.

Kiếp sống phù du một tiếng thở dài, thấm thoát cuộc đời chúng con đã trôi đi (TV 39). Tôi mơ mỗi người trên trần thế sống tốt từng ngày sống của mình, trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng đã yêu mến ta và thí mạng vì ta, để rồi họ hân hoan đi gặp Đấng Tình Quân mà họ yêu mến và tôn thờ, khi đến giờ Người viếng thăm. Dù phong ba bão táp, dù khổ nhục cay đắng, dù bệnh tật đớn đau … "không gì tách tôi ra khỏi lòng mến Đức Kitô".
Tôi mơ mọi gia đình Kitô hữu biết sống tinh thần Phúc Âm trong gia đình mình: suy nghĩ và hành động theo lý lẽ của Tin Mừng, chứ không phải theo sự ‘khôn ngoan’ của người đời. Vợ chồng yêu thương chung thủy, con cái vâng lời thảo hiếu, mọi người quan tâm săn sóc nhau nhất là đối xử tử tế với người già và trẻ em… trong tình yêu mến Chúa Giêsu hiện diện nơi tha nhân, và mọi người sẽ nhận ra Chúa Cha, Đấng ngự trên trời.

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Gia đình, trường dạy yêu thương




Vai trò và vị trí của gia đình rất quan trọng cho xã hội và Giáo hội. Gia đình ổn định và sống đúng vai trò của mình thì sẽ cung cấp cho xã hội những công dân có phẩm chất tốt; trái lại, nếu gia đình chỉ bao gồm những mảnh đời tan vỡ và chắp vá trong các mối quan hệ thì xã hội có nhiều bất ổn, vì các thành viên không được giáo dục tốt về những đức tính làm người và nhất là về đức yêu thương.
Khi nói về gia đình, Giáo hội đưa ra nhiều phẩm tính: gia đình là giáo hội tại gia, là cộng đoàn cầu nguyện, là nơi đào luyện những nhân đức cơ bản, là một cộng đoàn yêu thương, gia đình có nhiệm vụ chuyển giao niềm tin giữa các thế hệ . Giáo hội còn đưa ra gương Thánh Gia Thất cho mọi người nọi theo, nơi đó tràn ngập an bình vì có Chúa Giêsu hiện diện, vì các Đấng cầu nguyện trong lao động, và nhất là vì các Đấng rất mực yêu thương tôn trọng nhau. Thực ra, vì là con người, cuộc sống của gia đình Nagiarét chắc hẳn cũng có lúc xảy ra những va chạm nho nhỏ, cũng có những hiểu lầm và hờn dỗi, nhưng các Đấng đã tìm kiếm ý Chúa hơn ý mình, nên mọi chuyện nhanh chóng được giải quyết trong đức yêu thương.
Trong thánh ý nhiệm mầu, Con Thiên Chúa đã làm người để hoàn tất những ‘điều bí ẩn từ khi tạo dựng vũ trụ’, thế nhưng tại sao Người Con ấy lại sống ẩn dật đến 30 năm để rồi chỉ giảng trong 3 năm? Không phải là để chờ học xong chương trình đại học hay cao học, cũng không phải chờ cho nhân cách chín mùi và uyên thâm kinh nghiệm sống, mà Ngài chăm chỉ làm việc rất đỗi bình thường như mọi người lao động chân tay khác. Điều này hẳn có một ý nghĩa?
Chắc hẳn những ngày sống ở Nagiarét vẫn có một vị trí trong chương trình cứu độ và trong kho tàng mạc khải Thiên Chúa tặng ban cho con người. Người ta thường nhấn mạnh đến việc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu đã mang lại phúc trường sinh cho nhân loại, nhưng đúng hơn cả cuộc đời của Đức Giêsu từ nhập thể cho đến phục sinh đã mang ơn phúc cứu độ cho cả vũ trụ nầy. Không hẳn chỉ những lời Chúa dạy mà toàn bộ cuộc sống của Đức Giêsu là một mạc khải về nước trời. Bởi vậy hãy chiêm ngắm cả những năm dài ẩn dật của Chúa Giêsu nữa để nghiệm ra tình thương của Thiên Chúa.

Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Người và trao cho con người làm chủ trái đất để hoàn thành công trình tạo dựng. Thiên Chúa là Đấng hằng làm việc, và chỉ khi con người chăm chỉ làm việc thì họ được trở nên giống như Người, và khi làm việc con người thể hiện việc cai quản và làm chủ của mình: quy hồi vạn vật dưới quyền thủ lãnh của Đức Giêsu. Như vậy, qua việc lao động ở Nagiarét, Chúa Giêsu đã nêu gương cho ta biết cách thể hiện lệnh truyền làm chủ vũ trụ, vừa có của nuôi thân, vừa cứu giúp anh em đồng loại, vừa thăng tiến phẩm giá con người và vừa làm cho vũ trụ xinh đẹp hơn đúng kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nói: những giọt mồ hôi và lao nhọc của Chúa Giêsu nơi xưởng thợ cũng góp phần vào giá cứu chuộc. Tội ông bà nguyên tổ đã phạm đã đưa nhân loại vào con đường chết chóc, và để chuộc tội phản loạn nầy, Con Thiên Chúa đã nhập thể và vâng lời Cha cho đến chết trên thập giá. Nhưng thực ra, cả những hy sinh ở Bêlem cho đến những hy sinh qua từng ngày sống trong suốt 33 năm ở dương thế cũng mang một giá trị cứu độ vô biên, mà đỉnh cao là cuộc hiến tế trên đồi Calvê. Những vất vả nhọc nhằn ở xưởng thợ vẫn có giá trị cứu độ vì là của Con Thiên Chúa và vì được ‘tiến dâng’ trong tình yêu mến Thiên Chúa Cha và yêu tha nhân. Như vậy, xưởng thợ và gia đình Nagiarét cũng là ‘bàn thờ’ để Con Thiên Chúa dâng hiến chính mình mỗi ngày, cũng như bàn thờ thập giá của chiều thứ 6 trên đồi Calvê vậy.

Tân Phúc Âm hóa gia đình là làm cho gia đình mình sống tinh thần Phúc Âm, nhất là sống đức yêu thương: mến Chúa yêu người. Gia đình là trường dạy yêu thương. Bài học yêu thương chỉ có thể học bằng cách thực tập: mỗi thành viên trong gia đình tập yêu thương giúp đỡ nhau vô vị lợi, từ đó mới có thể rộng mở bàn tay ra những môi trường rộng lớn hơn. Môi trường gia đình là ‘bàn thờ’ để mỗi thành viên ngày ngày dâng lên Thiên Chúa hiến lễ cuộc đời khi họ biết quên mình để yêu thương giúp đỡ người khác. Những vất vả trong lao động để nuôi sống gia đình, những hy sinh và những lời cầu nguyện có một giá trị tuyệt vời để ta nên thánh và để góp phần vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô.

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Hãy sám hối




Bài Tin Mừng của ngày thứ hai sau lễ Hiển Linh đưa ra một sứ điệp mà chúng ta đã nghe đến nhàm tai, và phần nào đó hơi lạc điệu cho mùa Giáng Sinh "Hãy sám hối vì nước trời đã đến gần", vì ăn năn sám hối là sứ điệp chính của mùa Chay. Nhưng đây là một sứ điệp quan trọng cần cho từng ngày sống. Chính Thánh Gioan Tẩy Giả đã hô to trong sa mạc: “Hãy sám hối vì nước trời đã gần bên”, và Chúa Giêsu cũng bắt đầu sứ mạng của mình với lời mời gọi đó.
Trong 3 năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ và nói nhiều điều bí ẩn về tín lý cũng như luân lý. Chúa Giêsu đã công bố Hiến Chương Nước Trời ( 8 mối phúc), đã tóm gọn lề luật Cựu Ước vào hai điều răn mến Chúa yêu người, đã mạc khải liên hệ thần linh của mình là Con Thiên Chúa, là Bánh trường sinh, là Nước hằng sống… nhưng đẹp đẽ nhất có lẽ là những câu chuyện diễn tả lòng xót thương của Thiên Chúa: người phụ nữ ngoại tình được tha, người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, người con hoang đàng, đồng bạc bị mất và con chiên bị lạc và cuối cùng là người trộm lành trên thập giá…
Giáo lý Thiên Chúa mạc khải cho con người cao đẹp là thế, công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu lớn lao vô cùng để mọi người trên nhân gian được phục hồi tước vị là con cái Thiên Chúa, nhưng bản tính con người là yếu đuối nên sa ngã là chuyện bình thường dễ hiểu. Dù bao gồm những tội nhân, Giáo hội có đặc tính là thánh thiện, vì phát xuất từ Thiên Chúa là Đấng Thánh và hướng đến sự thánh thiện: bao lâu còn sống trên trần gian là bấy lâu con người vẫn còn lỗi phạm đến Thiên Chúa tốt lành vô cùng.

Có câu chuyện diễn tả sự vui mừng của Thượng Đế khi con người sám hối như sau: Một hôm Đức Alah sai một vị sứ thần xuống trần gian tìm kiếm một điều gì đó quý giá nhất để đưa về trình diện cho Ngài. Vị sứ thần vừa xuống trần thì xảy ra một trận chiến, máu của những chiến binh nhuộm đỏ cả một vùng đất rộng lớn, vị thần nghĩ: sự hy sinh của những chiến binh để bảo vệ quê hương phải là điều cao đẹp nhất, nên đã gom một ít máu về cho Đấng Alah. Ngài nói: máu hiến tế thật là đẹp, nhưng chưa hẳn là điều quý giá nhất ở trần gian, hãy tìm kiếm nữa đi. Sứ thần tiếp tục đi rảo khắp trần gian và gặp thấy một đám tang của một người giàu với vô số gia nhân biểu lộ lòng xót thương vô hạn, sứ thần lấy một ít nén nhang còn cháy dở và đưa về trời, nhưng lòng hiếu thảo cũng chưa làm vừa lòng Thượng Đế. Lần xuống trần thứ ba của sứ thần hẳn là phải vất vả và mất nhiều thời gian hơn, ngài đang ngồi nghỉ bên vệ đường thì nghe tiếng khóc rên rỉ của một ai đó, nên mới đi tìm hiểu và biết đó là một người đàn ông đang khóc than vì quá khứ tội lỗi của mình quá lớn, có khóc đến hết đời cũng chưa xứng, sứ thần liền hứng lấy những giọt nước mắt thống hối đó và đưa về trời… và đây đúng là điều mà Thượng Đế muốn.

Chuyện cũng xảy ra như vậy với những đứa con trong gia đình chúng ta. Chúng ta dạy dỗ con cái nhiều chuyện và mong nó thành đạt nhiều điều. Chúng ta khen thưởng chúng mỗi khi thành công và răn bảo chúng mỗi khi lầm lỡ để mong nó tiến lên và trưởng thành hơn. Tuy vậy, là cha mẹ, chúng ta biết rõ khả năng của từng đứa và mức độ thành công cũng khác nhau, nhưng điều cha mẹ mong ước là lòng chân thành sám hối của từng đứa con mỗi khi lầm lỡ: “con xin lỗi, con sẽ cố gắng tốt hơn”. Sự sám hối có hai yếu tố: hối hận vì làm điều xấu và quyết tâm chừa bỏ. Trong xã hội, nhiều khi ai đó làm điều rất xấu cho ta và sau đó họ xin lỗi ta, nhưng ta nghĩ: “Tốt hơn là đừng làm điều tệ hại đó, cứ làm cho đã rồi xin lỗi thì có ích gì?”. Đó là vì tấm lòng ta không được quảng đại, nhưng Thiên Chúa thì không như thế, Ngài luôn tha thứ không mệt mỏi và luôn mong chờ đứa con đi hoang trở về, Ngài lặn lội vào trong sa mạc để tìm lại con chiên bị lạc… vì lòng xót thương của Ngài rất lớn lao đến nỗi trí óc con người không suy tưởng được. Ngài yêu ta đến nỗi ban Con Một của mình, ban cho người công nhân thứ 11  điều không xứng với công sức của anh, và người trộm lành được ban thưởng nước trời ngay ‘ngày hôm nay’.

Đức Phanxicô có thói quen xin người khác cầu nguyện cho mình kể từ khi làm giám mục vì ý thức sự mỏng giòn của mình, cần ơn trợ giúp để chu toàn nhiệm vụ. Ngài vẫn tiếp tục xin mọi người cầu nguyện cho Ngài trong nhiệm vụ Giáo hoàng và ngài vẫn xưng tội 2 tuần/lần. Điều đó nói với chúng ta điều gì? – Hãy sám hối ăn năn tội lỗi của mình trong mỗi ngày sống, đó là thái độ làm vui lòng Chúa hơn cả, đừng đợi đến lúc xét mình xưng tội hoặc vào mùa Chay mới sám hối. Một dấu hiệu rõ nét nhất của một xứ đạo phồn vinh là cha xứ siêng ngồi Tòa và giáo dân nườm nượp đến xưng tội, vì chắc chắn họ cùng tiến lên phía trước.

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Công trình tay Chúa




Thời đại truyền thông, nhất là truyền hình phát triển, tin tức được phổ biến rộng rãi và nhanh chóng. Lợi ích cũng có nhiều, nhưng phần tiêu cực cũng không nhỏ. Những tin tức nóng bỏng được nhiều người trao đổi thường xuyên là tình hình tội phạm từ kênh An Ninh (ANTV). Xem kênh nầy để đề cao cảnh giác là tốt, nhưng những thủ đoạn của các tội phạm cũng len lỏi vào trong tiềm thức của dân chúng, kích thích tính tò mò và dẫn đến hành động xấu khi có cơ hội.
Đam mê xấu như con thú dữ được đánh thức dậy bởi những gương xấu được phơi bày, nghiền ngẫm và trao đổi. Một cây cổ thụ đổ ngã thì ồn ào hơn là cả một rừng cây âm thầm mọc, nói về điều tốt khó hơn là nói về cái xấu. Đức Phanxicô nhiều lần nhắc nhủ các vị mục tử hãy nói về cái tốt nhiều hơn là nói về những điều không tốt, hãy nói về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người thì tốt hơn là nói về những bó buộc về tín lý và luân lý. Cổ nhân đã nói: “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”, hãy để ý lời nói của mình sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của tha nhân: nêu lên điều hay đẹp thì tốt hơn là nói lên điều tiêu cực trong xã hội.

Những tội phạm về tình dục, bạo lực và trộm cắp tăng về số lượng và mức độ một phần lớn là vì chất lượng phim ảnh ta xem hằng ngày.

Sách Sáng Thế nói về việc tạo dựng trời đất, muôn vật và con người: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người làm đều tốt đẹp” (Kn 2,31). Sự tốt đẹp ở đây là sự hài hòa trong thiên nhiên vũ trụ, hài hòa trong mỗi loài mỗi vật, hài hòa giữa những nhu cầu con người, hài hòa giữa phái tính… Nhờ khoa học phát triển, ta nhìn lên bầu trời để quan sát các tinh tú, ta biết được rằng có một sự hài hòa tuyệt diệu được điều chỉnh bởi thể tích, khoảng cách và định luật hấp dẫn để muôn tinh tú không xảy ra va chạm qua hàng tỉ năm. Thiên nhiên trên địa cầu được tính toán hài hòa cho sự sống phong phú của thực vật, động vật, chim trời, cá biển và con người, thế nhưng do tác động của con người, thời tiết đã thay đổi đến mức phải báo động. Mỗi loài thực vật có nhịp điệu đâm chồi nảy lộc, hình thức của lá…phù hợp với môi trường và thời tiết thật là tài tình. Khi nghĩ về con người, ta cũng thấy sự hài hòa giữa những bản năng và nhu cầu như: bản năng sinh tồn và tình dục, nhu cầu tình cảm và được yên ổn… dù mãnh liệt nhưng vẫn chịu khuất phục lý trí, chỉ khi mình sống buông thả hoặc để cho xã hội lôi cuốn thì mới bị sa ngã vào đường xấu. Để sống xứng đáng là con người và người con Chúa, có lúc cần phải ‘tẩu vi thượng sách’, luôn ý thức một nếp sống tiết chế và gắng sức, và cầu xin ơn thánh trợ giúp… để khỏi sa chước cám dỗ. Còn một sự hài hòa nơi xã hội con người đó là về phái tính. Nhiều tài liệu cho biết, nếu không có tác động của y học thì tỷ lệ sinh bình thường của nhân loại là 106 bé trai/ 100 bé gái. Do đâu có một sự bình thường như vậy qua hàng ngàn năm, quả cũng là điều tuyệt diệu, vì bé trai có sức đề kháng yếu hơn nên tỷ lệ tử vong trẻ nam lớn hơn trẻ nữ, để rồi con số còn lại luôn cân bằng. Sự hài hòa nầy đang bị nạn phá thai trên thế giới phá bỏ, hiện nay tỷ lệ này có vùng lên đến 120/100, và đó là thảm họa.

Hãy ngắm nhìn sự hài hòa trong thiên nhiên để nhận biết Đấng Tạo Hóa, yêu mến Ngài và tôn trọng thiên nhiên. Biết sự hài hòa trong con người mình để giữ sự quân bình bằng cách tiết chế những đam mê của mình, giữ gìn con mắt miệng lưỡi, trí tưởng tượng, tránh bạn xấu và cơ hội phạm tội. Hãy lưu giữ những ký ức về tình yêu Thiên Chúa đã dành cho vũ trụ, con người và chính mình để tri ân và cảm tạ. Hãy nghe lời Đức Phanxicô: Chúng ta đang đánh mất đi thái độ của sự kinh ngạc, của sự chiêm niệm, của việc lắng nghe thụ tạo; và như thế chúng ta không thành công trong việc đọc được nơi đó điều mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gọi là “tiết nhịp của lịch sử tình yêu của Thiên Chúa đối với con người”. Tại sao lại xảy ra điều ấy? Bởi vì chúng ta nghĩ và sống theo chiều ngang, chúng ta xa rời Thiên Chúa, chúng ta không đọc ra các dấu chỉ của Người nữa.