Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Lời cầu nơi máng cỏ




Lạy Chúa Giêsu, khi đến trần gian, Chúa đã trở nên một bé thơ yếu đuối, phải cậy dựa vào sự che chở của con người và sự sưởi ấm của chiên bò. Xin dạy chúng con từ bỏ khuynh hướng biểu dương quyền lực và những cách thế muốn chứng tỏ bản thân mình. Chúng con thường nói quá nhiều về mình, về những chuyện bực mình trong quá khứ, là để tỏ cho anh em biết tài năng, đức độ của mình. Trong lúc Chúa là Đấng rất giàu có lại ẩn mình trong vỏ bọc một hài nhi yếu đuối và rất bình thường. Chúa đã sống ẩn dật 30 năm đến nỗi chẳng ai nhận ra sự khác biệt, và khi đi giảng thì chỉ biết nói những lời Cha truyền phải nói. Những phép lạ và việc làm của Chúa chỉ để mạc khải về mầu nhiệm Nước Trời và vì lòng xót thương dân chúng… chứ không phải để khoe khoang bản thân.
Chúa đã trở nên nghèo. Chúng con luôn mơ ước được giàu có, vì sẽ được an toàn, được tôn trọng và được hưởng thụ. Nhưng Chúa thì lại khác, Chúa chọn một dân tộc nhỏ, một gia đình nghèo, sinh ra trong thiếu thốn mọi trợ giúp vật chất, Chúa làm việc chân tay để kiếm sống, Chúa sống phiêu bạt khi đi giảng đạo và Chúa chết thê thảm và trơ trọi quá…Xin dạy chúng con biết ít cậy dựa vào của cải và những giá trị đời nầy để tin tưởng cậy trông nơi Chúa trong mọi việc.

Nơi hang đá Belem, có một sự an bình ngự trị, dù thiếu thốn mọi bề và tương lai còn mù mịt. Sự bình an đó là vì có Chúa Giêsu hiện diện, vì cả Ba Đấng tìm kiếm ý Chúa hơn là thỏa nguyện của riêng mình. Đức Mẹ và Thánh Giuse đã có những dự tính cho đời mình, nhưng khi Chúa tỏ cho biết ý định của Người thì các vị đã vui lòng chấp nhận. Có lẽ nơi Thánh gia thất, không có những tiếng than thở vì trái ý hoặc những lời cau có với nhau. Xin cho chúng con biết thưa ‘Xin Vâng’ như các Đấng trước sự xếp đặt nhiệm mầu của Chúa và mỗi người trong gia đình biết nói nhỏ nhẹ với nhau, không đầu độc bầu khí an bình của gia đình bằng những tiếng than, lời tục tĩu, thiếu từ tâm và thiếu kiên nhẫn. Và có lẽ nơi Thánh Gia, mỗi người đều chăm chỉ làm việc trong tình yêu mến nhau và kết hợp với Thiên Chúa. Ai đó có thể nghĩ rằng cuộc sống Thánh Gia đơn điệu và buồn tẻ nhưng không phải thế, vì khi có Thiên Chúa hiện diện, cuộc đời mỗi người sẽ an bình và tràn đầy niềm vui: sự hài hòa nội tâm với cuộc sống. Đức Phanxicô cũng nói với chúng con về đức tính cần mẫn làm việc, sử dụng  thời gian Chúa ban cho mình để làm việc hữu ích.

Lạy Chúa Hài Nhi, hằng ngày mỗi gia đình chúng con phải chiêm ngắm Lời Chúa để luôn định hướng lại những suy nghĩ và cách sống của mình cho hợp với sự Khôn Ngoan của trời cao. Chúng con luôn bị những ‘đam mê của con mắt, đam mê của xác thịt và lòng kiêu hãnh về của cải’ quyến rũ đến quên mất lối về. Tựa như một thai nhi cứ thích ở mãi trong bụng mẹ để được yên ổn và ấm áp, vì không biết được sự phong phú bội phần khi được sinh làm người. Chúng con cũng vậy, dù biết mình đang là khách lữ hành về quê trời, nhưng nhiều khi vẫn mơ ước nán lại trần gian càng lâu càng tốt, càng thỏa mãn đam mê xác thịt và có nhiều của cải thì càng sướng. Lời Thánh Gioan rất phù hợp trong những chọn lựa cuộc sống: “Thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi”.

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Thân phận con người




Dựa vào Thánh Kinh, ta biết được thân phận con người là từ bụi đất và sẽ trở về cát bụi, nhưng trong con mắt của Chúa mỗi người lại có một giá trị lớn lao như lời Thánh Vịnh đã thốt lên:
“Lạy CHÚA, con người có là chi, mà Chúa cần biết đến?
Phàm nhân đáng là gì, mà Chúa phải lưu tâm?
So với thiên thần Người không để thua là mấy,
ban vinh dự huy hoàng làm mũ triều thiên,
kiệt tác của Ngài cho làm bá chủ” (Tv 144,3)

Thiên Chúa có chương trình cho mỗi người. Đường lối Chúa siêu việt trên tính toán con người, chương trình của Chúa trải dài tận cõi vĩnh cửu, trọng tâm là vì phần rỗi con người. Hành động của Chúa nhiều khi thật khó hiểu và khó chấp nhận đối với con người, nhất là khi con người trải qua thử thách hoặc khi đứng trước sự hoành hành của sự dữ. Nhưng hãy biết rằng Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa mạnh nhất, là Đấng quyền năng. Ngài cũng là Đấng nhân hậu, còn tốt hơn cha mẹ chúng ta bội phần, Người không ngủ quên mà là luôn đồng hành với mỗi người. Người không mệt mỏi để tha thứ. Người cũng khổ sở khi ta  không cảm thấy hạnh phúc… và rồi Chúa sẽ kíp ra tay để trợ giúp con cái mình.

Cuộc sống con người được ví như áng mây trôi ngang qua bầu trời và tan biến ở cuối chân trời. Con người xuất hiện trong giây lát, nói năng hành động, vùng vẫy và sau đó đi vào cõi ngàn thu yên lặng. Một khi đã hóa thành kiếp người, hạt bụi sẽ tồn tại đến vĩnh cửu trong chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa. Áng mây dù tan biến ở cuối chân trời, nó vẫn luôn tồn tại trong một hình hài và trạng thái khác: “Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mt 22,30). Công ơn cứu Chuộc mà Chúa Giêsu thực hiện cho con người thật vô giá, vì nó mở ra một tương lai sán lạn cho kiếp người, ban lại cho họ quyền làm con Thiên Chúa, được chung hưởng hạnh phúc thiên đàng mãi mãi.

Tôn giáo không phải là thuốc phiện ru ngủ con người trước những thực tại phũ phàng cuộc đời. Nhờ có lý trí, con người biết đặt ra những câu hỏi: “con người bởi đâu mà có và sẽ đi về đâu?” Ánh sáng của lý trí phần nào đó giúp họ nhận ra trật tự hài hòa trong vạn vật và họ thoáng nhận ra một Đấng Tạo Thành, nhưng chỉ với mạc khải của Kinh Thánh, con người mới nhận ra rõ ràng những chân lý cứu độ: mục đích của việc tạo dựng, sự sa ngã của con người, mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu, thực tại sau cái chết và sự sống đời sau.
Ngoài những mạc khải về chân lý giúp soi sáng phần nào cho lý trí, Kinh Thánh còn cung cấp cho ta những mẫu gương sống cụ thể của những người lành thánh, đáng kể nhất là mẫu gương của Thánh Gia Thất, của Abraham và các tổ phụ, các Thánh Tông Đồ, các Thánh Tử Đạo và đông đảo các vị Thánh khác. Các Ngài đã khiêm tốn chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa can thiệp trên những dự tính cuộc đời của chính mình, đến nỗi bằng lòng chịu thiệt thòi đủ cách. Hãy học với Mẹ Maria những nhân đức khiêm tốn, phó thác và vâng phục Thánh ý Thiên Chúa, và luôn cầu xin với mẹ qua kinh mân côi để được nên giống như Mẹ... buông mình vào khung trời bao la của tình thương Thiên Chúa.

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Quà tặng




Mùa noel về và năm mới đến là dịp để người người mua sắm và tặng quà. Đối với người Kitô hữu, món  quà tuyệt hảo mà họ nhận được là ‘Tình Yêu Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người’. Món quà đó lớn vượt quá tầm trí hèn mọn của con người, cũng may còn có Thánh sử Gioan diễn tả bằng những lời rất cao siêu:  
           “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời
            Ngôi Lời vẫn ở nơi Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
            Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và đã cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,1.14).
Quả thực, mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người rất vĩ đại đến nỗi biến cố đó đã trở thành mốc lịch sử cho năm dương lịch và biến cố đó cũng chia đôi lịch sử cứu độ ra làm hai phần: công trình tạo dựng thuở ban đầu và sự tái tạo của công trình đó. Phần trước là sự phát triển của tự thân con người, nhưng phần sau là có sự xuất hiện của Thiên Chúa cùng đồng hành với con người. Khi suy niệm về sự kỳ diệu của mầu nhiệm nhập thể cứu chuộc, các Thánh Giáo Phụ đã ví von một cách bóng bẩy: “Lạy Chúa, công trình tạo dựng thuở ban đầu thật là tuyệt diệu, nhưng sự tái tạo công trình đó qua Đức Giêsu còn kỳ diệu hơn bội phần” . Thánh Augustinô còn ca tụng tội nguyên tổ là tội ‘hồng phúc’ vì nhờ đó mà Thiên Chúa đã ban cho ta Đấng Cứu Chuộc.
Nếu ai đó trong người thân của ta bị một căn bệnh hiểm nghèo chắc chắn phải lìa thế khi tuổi đời còn trẻ và tương lai còn tươi sáng thì ta mới thấy cái giá của hai chữ ‘hy sinh’, dẫu biết rằng Thiên Chúa muốn đưa ai đi trước là tùy ý Ngài. Khi Chúa thử thách lòng tin của ông Abraham ‘sát tế đứa con một duy nhất’ cho Chúa, ta thoáng thấy sự tàn nhẫn của Chúa trước hoàn cảnh con người, xem ra Chúa không có lòng xót thương. Nhưng không phải thế, Thiên Chúa đã can thiệp đúng lúc và nói với ông Abraham: Dừng tay lại, đừng giết con trẻ, ta biết lòng ngươi kính sợ Chúa đến nỗi không tiếc cả người con một của mình.

Quả đúng như vậy, Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho ta người Con Một duy nhất, và Ngài biết rõ số phận của Người Con ấy sẽ phải trải qua sự từ chối của nhân loại: họ sẽ treo Ngài lên thập tự! Thế nhưng, vì vâng lời Cha, Người Con ấy đã nhập thể làm người và sống trọn kiếp người như kế hoạch Chúa Cha: Ta không tự mình làm gì hay nói gì, mọi sự là để làm trọn ý Cha. Tình yêu của Thiên Chúa còn bao la hơn nữa khi đã âm thầm chuẩn bị hàng ngàn năm cho sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, chúng ta có thể đọc thấy những chi tiết đó trong các sách Cựu Ước, như sách Isaia và Mikha. Thiên Chúa quả là nhân từ, Người hành động như thế là vì không có cách nào khác tốt đẹp hơn.

Đến viếng hang đá, chúng ta tạ ơn và thờ lạy hài nhi Giêsu, chúng ta vui mừng vì từ nay có Thiên Chúa đồng hành trong cuộc sống, chúng ta bắt chước thái độ khiêm tốn vâng theo ý Chúa và chuyên chăm cầu nguyện của Mẹ Maria và Thánh Giuse, chúng ta chiêm ngắm sự nghèo khó nơi hang đá để hiểu được sự không cậy dựa vào của cải thật là cần thiết để làm tôi Thiên Chúa. Hãy thể hiện niềm vui vì được Thiên Chúa ở cùng và hãy thể hiện sự trao ban thời gian cùng sự hiện diện với tha nhân để giúp họ nên vui hơn và tốt hơn.Con Thiên Chúa đã quan tâm đến vận mạng loài người và từng người, vậy hằng ngày ta hãy tập quan tâm đến những người trong gia đình và trong lối xóm bằng cách giúp đỡ họ điều gì đó thật cụ thể.