Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Đức Giêsu là ai?



Có thể nói câu hỏi này là một câu hỏi then chốt trong cuộc đời của mỗi người và của xã hội. Nếu một người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì họ tin ‘có’ Thiên Chúa và quyền năng của Ngài, chấp nhận những mạc khải của Ngài qua suốt dòng lịch sử và một cách đặc biệt qua Người Con nhập thể cứu đời. Còn nếu một kẻ tin rằng Đức Giêsu chỉ là một con người rất đặc biệt trong quá khứ thì chắc chắn cuộc sống của họ rất khác với nhóm người trên.

Khi Chúa Giêsu bắt đầu đi rao giảng Tin Mừng, Chúa làm rất nhiều phép lạ như chữa cho người mù được thấy, người què đi được, kẻ câm nói được, kẻ chết sống lại và người nghèo được nghe Tin Mừng. Ông Gioan Tẩy Giả sai các môn đệ đến hỏi Chúa một câu: “Có phải Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một ai khác?” (Mt 11,3). Ông Gioan là kẻ đã từng thấy Thánh Thần như chim câu ngự xuống trên Chúa Giêsu và nghe tiếng từ trời phán: “Đây là Con chí ái Ta, kẻ Ta đã sủng ái” (Mt 3,16). Đang bị nhốt trong ngục, ông Gioan sai người hỏi câu đó là vừa để thêm lòng xác tín về sứ mạng của mình, vừa để giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ.

Khi người Do Thái nghe Chúa Giêsu giảng dạy giáo lý, đặc biệt về những mầu nhiệm nước trời và về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhiều người đã tin nhưng có kẻ cứ lần lựa mãi, cứ đòi dấu lạ hoài mà chẳng chịu tin. Giả như chiều hôm Chúa chịu nạn, trước sự thách thức của đám đông ‘nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin!’ mà Chúa xuống khỏi thập giá một lát rồi tự treo lên lại; và giả như thời điểm Chúa phục sinh, Chúa tập hợp cả một đám đông lại cho họ chứng kiến rõ ràng… thì tôi tin rằng luôn luôn vẫn có kẻ không tin, tại sao vậy? – Thưa, vì phải thay đổi não trạng và cuộc sống cho phù hợp với điều Chúa dạy.

Ngày hôm nay, những Kitô hữu trả lời cho câu hỏi của Chúa thì không khó khăn gì, vì giáo lý đã dạy rõ ràng: ‘Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng hãy để cho câu trả lời này đi vào cuộc đời là một điều khác. Thực tế nhiều người Kitô hữu đã mất đức tin lúc nào mà không hay biết, họ tin Đức Kitô Con Thiên Chúa đã cứu nhân loại khỏi tội lỗi, và họ dừng lại ở việc ăn ngay ở lành là đủ. Nhưng thế nào là ăn ngay ở lành khi không có Đức Kitô là chuẩn mực và không có ân sủng của Ngài trợ giúp thì chưa biết đâu là điểm dừng. Tin vào Đức Giêsu là bước vào một mối quan hệ thâm sâu của vợ chồng, vừa tình cảm vừa lý trí, vừa thiêng liêng vừa cụ thể bằng hành động. Tin vào Đức Giêsu, Đấng đã yêu thương hiến mạng vì tôi, đòi buộc tôi đáp trả lại tình Ngài bằng những hành động cụ thể: cầu nguyện với Ngài, tìm hiểu và đọc Lời Ngài, yêu mến Hội Thánh của Ngài, và quảng đại yêu người khác là hiện thân của Chúa. Lời cầu Chúa Giêsu rất phù hợp để chúng ta đọc mọi nơi mọi lúc: “Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con”.

Xã hội trần tục ở bất cứ đâu cũng ‘dị ứng’ với cụm từ ‘Đức Giêsu là Con Thiên Chúa’ là vì giáo lý của Ngài đi ngược với những đam mê trần tục của nó, dù là chủ nghĩa tư bản hay xã hội chủ nghĩa, dù bên tây hay bên ta, dù quá khứ hay hiện tại. Mọi thời và mọi lúc, Giáo hội luôn chống lại việc người bóc lột người và bảo vệ những người nghèo và bị bỏ rơi; GH dạy rằng phải tôn trọng sự sống, tôn trọng của cải người khác, bảo vệ định chế hôn nhân; GH dạy rằng phải thờ phượng Chúa là nguyên thủy và cùng tận của mọi loài, ngoài Chúa ra chẳng có thần nào khác, điều này làm cho những nhà độc tài không được toàn quyền ra lệnh và được bái thờ như thần thánh, vì thế họ ra sức bôi nhọ Giáo hội để tiếng nói của Giáo hội chẳng được ai nghe để họ dễ bề truyền bá những giá trị phù phiếm, trần tục.

Câu trả lời của Thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” phải luôn vang vọng trong từng chọn lựa mỗi ngày sống của ta. Có những thời khắc đặc biệt như khi rửa tội hoặc khi ta chọn bậc sống thì âm vang của ‘câu thưa’ trên mang tính tất yếu, nhưng những lúc khác trong cuộc sống thì ‘câu thưa’ trên mang tính chọn lựa giữa thiện và ác, giữa cái tốt hơn và cái tầm thường, để rồi mỗi người sẽ tiến lên hay lùi lại trên hành trình theo Chúa Kitô, là Chúa và là vị Hôn Phu của lòng ta.



Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

BỔN PHẬN SỬA LỖI NHAU.



            Bài chia sẻ đoạn Tin Mừng Mt 18,15-20 của cha Cantalamessa.

            Trong bài Tin Mừng này, chúng ta đọc thấy: “Chúa Giê-su nói với các môn đệ: ‘nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi và sửa dạy nó cách kín đáo; nếu nó nghe con, con đã cứu được người anh em’”.

 Chúa nói đến sự lỗi phạm chung chung; Người không nói cụ thể trường hợp anh em xúc phạm đến ta. Vì nếu khi ta bị xúc phạm, thì rất khó mà phân biệt được ta sửa dạy anh em vì lòng nhiệt thành hay vì bị chạm tự ái. Trong mọi trường hợp, hãy coi chừng ta hành động vì tự ái hơn là vì sửa dạy huynh đệ. Khi anh em xúc phạm đến ta, bổn phận trước hết là phải tha thứ hơn là sửa dạy.
Tại sao Chúa lại dạy ta sửa lỗi anh em cách kín đáo? – Trước hết vì cách sửa dạy này bảo vệ danh dự và tiếng tốt cho người khác.

            Một điều rất tệ hại là khi ta muốn sửa lỗi người chồng trước mặt người vợ hoặc sửa lỗi người vợ khi có người chồng hiện diện, người cha trước mặt con cái, thầy giáo trước mặt học sinh, người bề trên trước mặt các môn sinh; nghĩa là trước mặt những người mà sự quý mến của họ rất quan trọng đối với người mà ta sửa lỗi. Trường hợp này, việc sửa lỗi trở nên một sự kết án công khai, rất khó để người kia chấp nhận, vì danh dự của họ bị tổn thương.

            Hơn nữa, khi sửa lỗi cách riêng tư, là ta cho người kia cơ hội bàu chữa và cắt nghĩa về hành động của mình cách tự do. Rất nhiều khi một hành động với cái nhìn khách quan là lầm lỗi, nhưng lại không đúng với ý hướng của người thực hiện chúng. Một lời minh giải rõ ràng đã làm sáng tỏ nhiều hiểu lầm đáng tiếc… Nhưng điều này không thể xảy ra khi một người bị sửa lỗi cách công khai và sự việc được nhiều người biết.

 Có trường hợp, vì một lý do nào đó, sự sửa lỗi anh em không thể diễn ra cách kín đáo vì có một sự trục trặc nào đó, sự việc bị tỏ lộ không do lòng tốt: một lỗi lầm của người anh em được thổi phồng và vu cáo vì ác ý. "Anh em đừng nói hành nói xấu nhau” (James 4,11). Tật lắm mồm không bao giờ vô hại, nó luôn xấu xa và đáng trách.

            Một hôm có người đàn bà đến thú tội với thánh Philip Neri là mình đã nói xấu người khác nhiều lần. Thánh nhân đã tha tội cho bà với một việc đền tội hơi lạ lùng: “Bà hãy về nhà và mang tới đây một con gà mái, nhưng trên đường đi, bà phải vặt cho sạch lông nó”. Khi thánh nhân gặp lại bà, Ngài liền bảo: “Bây giờ bà hãy trở về nhà, nhưng dọc đường bà hãy nhặt lại cho hết những lông gà khi nãy”. Bà ta thưa lại: “Thưa Ngài, không thể được! Vì gió đã thổi chúng bay khắp nơi”. Thánh nhân mới bảo bà: “Cũng như vậy, chúng ta không thể nhặt lại những lời ba hoa và những lời vu khống một khi chúng bay ra khỏi miệng ta”.

 Trở lại với vấn đề sửa lỗi nhau, chúng ta có thể nói rằng điều tốt đẹp khách quan không luôn tùy thuộc nơi chúng ta; mặc dầu chúng ta có ý tốt, nhưng chắc gì người kia đã chấp nhận, có khi họ còn chai lỳ ra nữa. Nhưng điều này có thể được bù lại: Khi chính ta được sửa lỗi, điều tốt khách quan hoàn toàn tùy thuộc nơi ta! Thực sự, chúng ta rất có thể là kẻ “có tội” và người sửa lỗi cho ta chính là chồng, vợ, bạn bè, đồng môn hoặc bề trên.

 Nói tóm lại, không chỉ có sự chủ động sửa lỗi mà còn có cả bị sửa lỗi nữa; không chỉ có bổn phận phải sửa lỗi nhau mà còn có cả bổn phận chấp nhận bị sửa lỗi nữa. Chính ở điểm này mà ta đánh giá được một người đã chín chắn đủ để sửa dạy người khác chưa. Ai muốn sửa dạy anh em thì chính mình phải luôn sẵn sàng để nhận được sửa dạy. Khi ta thấy một ai đó chấp nhận một lời phê bình với một lòng chân thành: “Anh nói đúng. Cảm ơn vì đã cho tôi biết điều này!”. Hãy ngả mũ xuống, bởi vì bạn đang đối diện với một con người chân chính.

 Khi sửa dạy anh em, hãy nhớ lời Chúa dạy: “Sao con thấy cái rác nơi mắt anh em mà lại không thấy cái xà trong mắt mình? Sao con có thể nói với anh em: ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh’ khi chính con lại không thấy cái xà trong mắt mình” (Lc 6,41).

  Điều Chúa dạy ta về việc sửa lỗi cũng có thể áp dụng vào việc dạy dỗ con cái. Việc giáo dục là một trong những bổn phận căn bản của các bậc cha mẹ. “Người con nào mà lại không được cha mẹ dạy dỗ” (Dt 12,7); và còn nữa “Hãy uốn cây khi nó còn non, nếu bạn không muốn nó bị cong vẹo vĩnh viễn”. Từ chối sửa dạy con cái dưới mọi hình thức là một điều tệ hại nhất ta dành cho con cái và thật bất hạnh là ngày hôm nay nó rất phổ biến.  Hãy để ý cách đơn giản là việc sửa dạy tự nó không phải là kết tội và chỉ trích. Trong khi sửa dạy, bạn chỉ nên để ý đến sửa sai điểm sai phạm, không nên phổ quát hóa và khiển trách lung tung về cách sống cũng như bản thân con trẻ. Thực sự, việc sửa dạy chỉ nhằm đưa ra những điều tốt mà bạn nhìn thấy nơi  trẻ và bạn mong ước chúng sẽ trưởng thành hơn, như vậy việc sửa dạy trở nên một sự động viên hơn là hạ giá con cái. Đây cũng là phương pháp mà thánh Gioan Bosco đã sử dụng trong việc giáo dục thanh thiếu niên.

 Thật không dễ, trong từng trường hợp cá biệt, biết nên sửa dạy hoặc để cho sự việc trôi qua, nên nói hay nên giữ im lặng. Bởi vậy, phải ghi nhớ nguyên tắc vàng, áp dụng cho mọi trường hợp, được thánh Phaolô: “Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì ngoài tình thương mến nhau… Tình thương không làm điều xấu cho một ai”(Rm 13,8). Thánh Augustine tổng hợp mọi vấn đề trong một câu cách ngôn “ Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”.

            Bạn phải xác tín trên hết rằng: từ trong quả tim mình có một tâm tình nền tảng là muốn ân cần với mọi người. Có được như vậy rồi, thì dù bạn làm gì, dù bạn sửa lỗi hay giữ im lặng, bạn cũng sẽ làm đúng, vì tình yêu “không làm hại gì cho ai".

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

Đến với Chúa




Ba nhân vật được nhắc tới trong 3 bài đọc của phụng vụ Chúa nhật 18 TN A là ông Êlia, thánh Phaolô và thánh Phêrô đều có một điểm chung là sự mau mắn gặp Chúa. Ông Êlia không bỏ mất cơ hội gặp Chúa, thánh Phaolô thì đau buồn vì sự cứng lòng của dân Israel trước hồng ân cứu độ, còn thánh Phêrô thì vội vàng đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa.

Trong thời Cựu Ước, các cuộc thần hiện của Chúa thường kèm theo những hiện tượng vật lý diễn tả sự uy nghi như mây mù và sấm chớp. Trong sách các vua (1V 19,9.11-13) cũng có những hiện tượng đó, nhưng lại không có Chúa và Chúa xuất hiện trong cơn gió hiu hiu, vậy mà ông Êlia vẫn kịp xuất hiện để nghênh đón Chúa, ông không bỏ mất cơ hội gặp Chúa – dù cách Chúa đến lần này có hơi khác. Còn thánh Phaolô (Rm 9,-5) chỉ trong một đoạn văn ngắn thôi đã diễn tả một nỗi buồn vì dân riêng Israel đã bỏ lỡ mà không gặp được ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại: họ là dân riêng Chúa chọn để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế xuất hiện , vậy mà khi Ngài đến họ đã cứng lòng không tin. Còn thánh Phêrô, một con người nhiệt thành, đã nhiều lần bảo vệ Thầy và mau mắn đến với Thầy: thánh nhân đã can ngăn Thầy nói về cuộc khổ nạn, đã cầm gươm chặt đứt tai tên đầy tớ trong vườn dầu, sau biến cố Phục sinh - đã nhảy xuống biển để vội đến với Thầy khi nhận ra Thầy đang trên bờ hồ, và hôm nay – khi nghe nói ‘chính Thầy đây’ thì thánh nhân đã xin cho được đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy, thật dũng cảm.

Có thể đọc nơi hành động của thanh Phêrô khi xin đi trên mặt nước là để xin một dấu chỉ, xem có phải là Thầy không. Trong Kinh Thánh, việc xin dấu lạ khi được kêu mời cộng tác vào việc của Chúa cũng là chuyện thường tình, ví dụ chuyện ông Ghêdêon trong sách Thủ Lãnh đã xin đến hai dấu chỉ. Tôi có người bạn linh mục, được Chúa gọi đi tu khi đã lớn tuổi, bạn ấy xin Chúa ban cho vài dấu lạ để xác tín rằng Chúa đã gọi mình chứ không phải là ảo tưởng hay cám dỗ của ma quỷ; Chúa đã chiều anh ấy, và bạn ấy đã yên tâm hiến thân trọn vẹn trong con đường tu trì. Chúng ta thường quen với phạm trù Thiên Chúa thử thách con người, nhưng như một người Cha tốt lành, Thiên Chúa cũng chấp nhận cho con người thử Ngài khi xin những dấu lạ. Điều cần nói ở đây là những người thiện chí chỉ cần xin một hai dấu lạ là đủ cho niềm tin được chắp cánh, khác với việc có những người cứ chạy theo dấu lạ hoài mà chẳng thay lòng đổi dạ, như dân Do Thái thời Chúa Giêsu vậy.


Thiên Chúa luôn hiện diện và hành động trong cuộc đời mỗi người, nhưng việc Ngài tỏ ý muốn của Ngài với ta được ví như Ngài đến với mình. Thiên Chúa thường đến với ta và nói với ta khi ta tham dự phụng vụ và đọc Kinh Thánh, Ngài còn đến với ta qua tha nhân và qua những biến cố cuộc đời. Ngài luôn đến với ta bằng tình thương vì Ngài là tình yêu, nhưng cách Ngài đến mỗi lần mỗi khác, có những lúc ta tưởng Ngài là ma khi gặp những biến cố ta không bằng lòng. Xin cho chúng ta luôn cảm nghiệm được tình thương Chúa trong cuộc đời mình, để rồi ta quyết dấn thân phụng sự Ngài hết tâm hồn cho đến hết cuộc đời.





Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

Chung sống hòa bình


Cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ. Một trong những điều bất ngờ ấy là sự mất bình tĩnh trong những mối quan hệ, rất thường là với những bạn bè thân thiết và người ruột thịt trong gia đình mình.

Có câu tục ngữ: ‘trâu bò sống với nhau lâu ngày thì thương nhau, người sống với nhau lâu ngày lại ghét nhau’. Đó là sự thật cuộc sống: con vật càng chung sống với nhau thì càng thương nhau, chúng biểu hiện tình cảm ấy một cách cụ thể và sống động một cách không ngờ; nhưng con người, vì có lý trí nên biết phân tích – so sánh và lưu trữ kinh nghiệm … dễ dẫn đến sự căng thẳng trong cuộc sống. Sự căng thẳng, xích mích có thể xảy ra bất ngờ như một cơn giông giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, giữa bạn bè, giữa hàng xóm hoặc người sống chung trong căn hộ. Cơn giông trời đất chợt đến rồi chợt đi, nhưng cơn giông tâm hồn để lại những vết sẹo còn đọng lại nơi tâm hồn, không khéo ngày nào đó lại bùng phát nếu không tìm được cách xử lý.

Có hai cách giải quyết vấn đề xung đột trong cuộc sống, một là tìm cách thay đổi nó
và cách kia là thay đổi cách nhìn của mình. Nên tìm cách xử lý nguyên do vật chất gây nên căng thẳng, phần còn lại là tìm cách chung sống hòa bình. Chúng ta cùng đào sâu hơn về liệu pháp chung sống hòa bình:

Tùy cá tính và tùy mức độ sự việc, con người thường có hai cách giải quyết: cứng và mềm. Cách xử lý cứng là nói thẳng ý mình cho người kia nghe để từ nay không còn phải chịu đựng nhau về tật xấu nào đó; còn cách xử lý mềm là giữ im lặng và chịu đựng sự nặng nề khó chịu mà người kia gây ra. Trong quan hệ bạn bè hoặc đồng nghiệp, thường người ta im lặng chịu đựng trong khả năng chịu được, nói chút ít cho người kia sửa, bớt gặp gỡ để tránh căng thẳng và kết quả là xa nhau hơn - sứt mẻ tình cảm. Nhưng trong những mối quan hệ gần gũi và ruột thịt thì nên ‘tìm cách chung sống hòa bình’: sau mỗi lần va chạm phải biết rút kinh nghiệm và mỗi bên đều phải sửa mình, phải có tình thương và rộng lượng, và nếu có thể được nên có những quy định ngầm với nhau.
Sự thường sự xung đột giữa cha mẹ và con cái nhẹ nhàng tan biến mà không để lại nhiều hậu quả, còn quan hệ vợ chồng thì có nhiều phức tạp hơn nếu một trong hai bên không có thiện chí. Các nhà chuyên môn dạy rằng: Khi một bên nóng giận thì bên kia nên giữ im lặng; nếu phải thảo luận thì chỉ nên nói chuyện cụ thể xảy ra thôi, đừng lôi tật xấu trong quá khứ và góp nhiều tật xấu vào; khi thân mật hay khi đã bình tĩnh nên nói cho bên kia biết điều phải trái, nên dùng ngôi thứ nhất thay vì ngôi thứ hai (ví dụ: anh cảm thấy buồn khi em nói như vậy/ đừng nói: em nói như vậy là sai); phải có quy định: ai to tiếng người đó phải xin lỗi, đừng để cơn giận qua đêm vì sẽ thành thói quen, bên kia phải có thiện chí làm hòa.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã nói: Xây dựng một gia đình hạnh phúc là một tiêu chí lớn trong cuộc đời. Ngày hôm nay, chúng ta đau lòng nhìn thấy nhiều gia đình lục đục, thiếu hạnh phúc và thiếu tình yêu. Ngoài những lý do vật chất và tinh thần cụ thể nào đó, tôi nghĩ đến một lý do không nhỏ đó là họ thiếu sự nhường nhịn nhau vì cái tôi quá lớn, dẫn đến giận hờn nhau lâu ngày thành quen – chiến tranh lạnh càng ngày càng thường xuyên và dài hơn. Đức Phanxicô thì dạy: vợ chồng phải xin lỗi nhau trước khi ngủ, có khi không cần nói thành lời mà chỉ là một cử chỉ thân mật – như vuốt ve. Chia rẽ, giận hờn, ghen tị … là con đẻ của ma quỷ, kẻ như sư tử rình mồi cắn xé các tâm hồn. Hãy cảnh giác về sự ích kỷ của mình, cầu nguyện, canh tân tâm hồn, mài giũa những sắc cạnh của cá tính và có ý thức về hạnh phúc của tha nhân… đó là những thiện chí để xây dựng hòa bình và sống đức ái.

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

BÍ QUYẾT TRƯỜNG THỌ


Elizabeth H. Blackburn – người đoạt giải Nobel Sinh lý học năm 2009 đã tổng kết ra đạo trường thọ là: Một người muốn sống trăm tuổi, ăn uống hợp lý chiếm 25%, vấn đề khác 25%, cân bằng tâm lý 50%!

Cân bằng tâm lý: “Hoóc-môn stress” sẽ gây tổn thương cho thân thể
“Hoàng Đế Nội Kinh” có ghi: “Bách bệnh sinh vu khí dã. Nộ tắc khí thượng, hỉ tắc khí hoãn, bi tắc khí kết, kinh tắc khí loạn, lao tắc khí háo…”(Trăm bệnh sinh tại khí. Giận thì khí tăng, vui thì khí trở lại bình thường, buồn thì tạo khí, kinh sợ thì khí loạn, lo lắng thì khí bị hao tổn) cho nên Y bệnh trước hết phải Y Tâm.

Y học hiện nay phát hiện: Ung thư, xơ cứng động mạch, cao huyết áp, loét dạ dày, kinh nguyệt không đều… 65-90% bệnh tật là có quan hệ với áp lực tâm lý, vì vậy, những bệnh này, được xem là bệnh do tâm và thân.

“Mục tiêu” có thể kích thích sức sống của sinh mệnh
“Lấy việc giúp người làm niềm vui” có tác dụng trị liệu
Giúp người, vì sao có tác dụng chữa bệnh? Bởi vì, làm điều tốt giúp người, thường làm chuyện tốt, trong nội tâm thường sinh ra một cảm giác tự hào và vui vẻ khó diễn đạt thành lời, theo đó làm giảm hoóc-môn stress, kích thích “Hoóc-môn có lợi” bài tiết. Chuyên gia bệnh tâm thần và truyền nhiễm thậm chí còn nói: Dưỡng thành thói quen vui vẻ giúp người, là cách tốt nhất để dự phòng chứng u buồn.

Sự hòa thuận trong gia đình: Bí quyết trường thọ hàng đầu là sự hòa thuận trong gia đình.
Khi phân tích nguyên nhân, ông nói: Quan hệ xã giao và thân thuộc không tốt, làm cho nội tâm một người đầy phẫn nộ, oán hận, bất mãn… sẽ khiến thần kinh giao cảm thường xuyên trong trạng thái kích thích, adrenalin và hoóc-môn stress sẽ bài tiết ra rất nhiều.
Vả lại, người là xã hội quần thể, còn sống, chính là ở trong các mối quan hệ. Nhà tâm lý học Maslow đã tổng kết nhu cầu của một người như sau, từ thấp đến cao, theo thứ tự “nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã giao, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu được thể hiện.”
Ngoại trừ nhu cầu sinh lý, còn lại đều liên quan đến quan hệ xã giao và thân thuộc. “Nhu cầu” khi được thỏa mãn sẽ mang đến cảm giác vui vẻ thoải mái.
“Ban cho sự thân mật” sẽ “Nhận lãnh sự thân mật”
Làm sao để tạo dựng mối quan hệ hài hòa?
Chính trị gia Quản Trọng thời Xuân Thu Chiến Quốc nói: “Thiện khí nghênh nhân, thân như huynh đệ; ác khí nghênh nhân, hại vu qua binh.” (Dùng thiện ý đối với người, sẽ thân như anh em; ác ý đối với người, hại như việc binh đao).
Thì ra, bí quyết sự trường thọ không ở bên ngoài, mà ẩn dấu trong nội tâm mỗi người.
Những hành động có lợi cho sự hài hòa giữa các mối quan hệ bao gồm: ca ngợi, hài hước, mỉm cười, tôn trọng, nhường nhịn, hiền hòa, bao dung, tha thứ, thông cảm, đồng cảm, trung thành, lắng nghe… mới thật sự là bí quyết giúp một người có được tuổi đời trường cửu.

Bác ái trong tâm hồn


Cha Cantalamessa có một suy tư về lệnh truyền của Chúa: “Hãy yêu tha nhân như chính mình”. Khi thêm vào mấy chữ “như chính mình” là Chúa Giêsu muốn đặt chính ta trước một tấm gương soi mà ta không thể nói dối; là Chúa đã cho chúng ta một tiêu chuẩn không thể sai lầm để xác định tình yêu ta dành cho tha nhân.


Trong từng trường hợp cụ thể, chúng ta biết rất rõ thế nào là yêu mình và ta muốn kẻ khác đối xử với mình thế nào. Hãy ghi nhớ rằng Chúa Giêsu không nói: “Hãy đối xử lại với người khác như họ đã làm cho con”. Đó là điều mà luật người xưa đã dạy: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Nhưng Chúa đã dạy ta rằng: Con muốn người khác làm gì cho con thì con hãy làm cho họ như thế (Mt 7,12).

Chúa Giê su đã xem tình yêu tha nhân là “giới răn riêng của mình” và là tóm gọn cả lề luật. “Đây là giới răn của Thầy là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15,12). Nhiều người đồng nhất hóa Kitô giáo với giới luật yêu thương đồng loại và họ không hề sai lầm. Tuy nhiên, chúng ta phải cố gắng vượt qua cái bề ngoài của những vấn đề. Khi nói tới tình yêu tha nhân là tự nhiên ta nghĩ tới việc bố thí, tới những việc ta ta có thể làm cho tha nhân: cho họ ăn uống, thăm viếng họ, nói chung là việc giúp đỡ người khác. Nhưng việc giúp đỡ nầy là hiệu quả của tình yêu chứ chính nó không phải là tình yêu. Vậy trước khi làm việc từ thiện thì ta đã phải có lòng nhân ái, nghĩa là trước khi làm việc gì tốt thì đã phải có ước muốn về điều tốt.

Bác ái thì “không khoe khoang” nghĩa là phải chân thành (không giả hình: Rom 12,9); các con hãy yêu với “lòng chân thành” (1Phêrô 1,22). Thật ra ta có thể làm việc bác ái và bố thì mà không phải vì động lực tình yêu: để tạo ấn tượng, để được xem là người tốt, để đạt Nước Trời, để yên lương tâm. Một phần rất lớn của bố thí ta dành cho những quốc gia thuộc Thế Giới Thứ Ba không phải vì động lực tình yêu cho bằng để yên lương tâm. Chúng ta nhận ra sự khác biệt đáng xấu hổ giữa ta với họ và ta cảm thấy có trách nhiệm về sự nghèo đói của họ. Ta có thể thiếu tình yêu ngay cả khi “làm việc bác ái”!

Khi đưa ra sự đối nghịch giữa tình yêu thương có trong tâm hồn với những việc làm bác ái có thể gây nên một sai lầm tai hại là có khi ta chỉ dừng lại ở những ý định tốt lành với tha nhân, dùng chúng như lời biện minh cho việc thiếu những hành động bác ái cụ thể của ta.
Thánh Giacôbê đã nói: “Nếu có người trong anh em bị đói và tê cứng vì lạnh, ích gì nếu anh em lại nói với kẻ ấy: ‘Hãy đi bình an mặc cho ấm và ăn cho no’, mà anh em không cho họ gì cả”. Thánh Gioan thì nói: “Các con yêu quý, đừng yêu bằng đầu môi chóp lưỡi mà phải yêu thương cách chân thật bằng việc làm (1Ga 3,18). Như vậy, thực ra không phải là chúng ta đánh giá thấp những hành động bác ái, nhưng muốn bảo đảm rằng những hành động ấy được đặt nền tảng trên tình yêu chân thành và lòng nhân ái.

Lòng bác ái từ trong nội tâm, từ trong cõi lòng là lòng bác ái mà mọi người đều thực hiện được và luôn có thể làm được, nên nó mang tính phổ quát. Đó không phải là thứ bác ái chỉ dành cho một ít người – người giàu và kẻ khỏe mạnh – trao ban, còn những người nghèo và bệnh tật chỉ biết nhận lãnh. Mọi người đều có thể trao ban và nhận lãnh. Hơn nữa lòng bác ái này còn rất cụ thể. Nó đòi ta phải biết bắt đầu nhìn với nhãn quan mới về những hoàn cảnh và đám đông đang sống quanh ta. Nhãn quan mới gì vậy? – Rất đơn giản: đó là ánh mắt ta muốn Thiên Chúa nhìn đến ta! Ánh mắt của lòng thương xót, rộng lượng và cảm thông.

Khi ta biết nhìn với nhãn quan mới này thì dường như mọi mối quan hệ quanh ta đều thay đổi. Tương tự như có phép lạ xảy ra, mọi thành kiến và hiềm khích từng ngăn cản ta yêu mến người anh em nào đó tự nhiên tan vỡ và ta nhìn ra thực chất con người họ: một tạo vật cũng đau khổ vì những yếu đuối và những giới hạn cũng như bạn, cũng như mọi người. Chuyện ấy cũng giống như trường hợp chiếc mặt nạ mà tha nhân và những sự việc đã khoác lên khuôn mặt người anh em, giờ bị biến mất và con người đích thật của họ được tỏ lộ.

(Người viết chuyển ngữ từ bào Zenit)