Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

Chọn lựa




Thứ năm mùa chay, Giáo hội cho chúng ta nghe bài trích sách Đệ Nhị Luật (30,15-20) và bài Tin Mừng Lc 9,22-25. Cả hai bài đọc nói về sự chọn lựa giữa việc thờ phượng Chúa và chạy theo các thần dân ngoại, giữa việc cứu được mạng sống mình hay đành mất chính mình tùy thuộc vào việc vác thập giá mình theo Chúa.

Lịch sử dài của dân tộc Do Thái luôn được trình bày là tùy thuộc vào việc họ có trung thành với việc tôn thờ Chúa và tuân giữ giới răn Ngài hay không. Chúng ta tự hỏi: Tại sao Thiên Chúa đã làm bao kỳ công, nhưng dân lại hay xiêu lòng mà chạy theo các thần dân ngoại? – Do họ lãng quên. Ngay trong cuộc hành trình sa mạc, ông Moisen lên núi để lãnh nhận 10 điều răn, thì ở dưới chân núi dân chúng đã ép ông Giosuê đúc cho họ một con bò vàng làm thần, để cảm nhận sự gần gũi của thần, họ tung hô đây là vị thần đã đưa họ ra khỏi đất Ai cập. Điều tương tự cũng xảy ra sau thời vua Salomon, Vua Yơrôbôam cũng đúc 2 con bò vàng để dân chúng khỏi lên Giêrusalem, họ cũng cướp vinh quang Giavê khi tung hô bò vàng chính là vị thần đã đưa họ ra khỏi Aicập và đã chăm sóc họ bao năm qua. Quả là một sự bất công cho Chúa và là một luận điệu giả dối vẫn luôn xảy ra nơi con người mọi thời.

Trong sứ điệp mùa chay năm 2018, Đức Phanxicô nêu lên 3 nguyên nhân thường làm con người lạc hướng: chạy theo những lạc thú trong chốc lát, mê hoặc bởi tiền bạc, sống hưởng thụ và cô lập nơi bản thân. ĐGH cũng đưa ra 3 giải pháp giúp chúng ta ra khỏi những mê hoặc của dòng đời:

- Cầu nguyện: Khi dành nhiều thời giờ hơn cho kinh nguyện, chúng ta sẽ để cho tâm hồn mình khám phá những gian dối bí mật chúng ta thường dùng để đánh lừa chính mình, để tìm kiếm sự an ủi trong Thiên Chúa là Cha và là Đấng muốn cho chúng ta được sống.
- Việc thực hành làm phúc bố thí giải thoát chúng ta khỏi sự ham hố và giúp khám phá tha nhân là anh chị em chúng ta: điều chúng ta sở hữu không phải chỉ là của chúng ta. Tôi ước mong việc làm phúc được biến thành lối sống đích thực của mỗi người! Đây là điều có lợi cho chúng ta. Mỗi lần làm phúc bố thí là một cơ hội để tham gia vào sự Quan phòng của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài và nếu ngày hôm nay, Ngài dùng tôi để giúp đỡ người anh em, thì làm sao ngày mai Ngài chẳng quan phòng lo cho các nhu cầu của tôi, Ngài vốn là Đấng không thua ai về lòng quảng đại?
-  Sau cùng, việc chay tịnh giải tỏa bạo lực của chúng ta, và là cơ hội quan trọng để tăng trưởng. Một đàng chay tịnh cũng giúp chúng ta cảm nghiệm điều mà nhiều người khác đang thiếu thốn, thiếu những điều cần thiết và bị đói. Chay tịnh biểu lộ tình trạng tinh thần của chúng ta, đang đói khát lòng từ nhân và sự sống của Thiên Chúa. Chay tịnh thức tỉnh và làm cho chúng ta chú ý hơn đối với Thiên Chúa và tha nhân, thúc đẩy ý chí vâng phục Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn sự đói khát của chúng ta.


Thiên Chúa rất gần với từng người chúng ta, nhưng Ngài vô hình và luôn tôn trọng tự do của con người nên ta dễ tưởng rằng Ngài không hiện hữu hoặc đang ở mãi nơi đâu, để rồi chúng ta chạy theo lối sống của số đông. Việc chọn Chúa và sống theo lề luật Ngài là việc làm mỗi ngày mỗi lúc. Ngày rửa tội, chúng ta đã thề hứa chọn Chúa và từ bỏ ma quỷ, nhưng cuộc chiến đấu và chọn lựa còn xảy ra mãi cho đến giây phút cuối đời. Hãy kiên trì cầu nguyện để được sáng suốt trong chọn lựa, hãy thực hành bố thí làm phúc như là một lối sống và cơ hội cộng tác vào sự quan phòng của Chúa, hãy thực hiện chay tịnh để cảm thông với kẻ đói và thể hiện sự đói khát Thiên Chúa.

Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

Sống hiền hòa rộng rãi





Tết đến, người ta thường chúc nhau những lời đẹp như thơ, những cái bắt tay nồng ấm và những món quà có giá trị để tỏ lòng biết ơn, tôi xin gửi đến một vải tâm tình dựa vào lời Thánh Phaolô: “Vui lên anh em, sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến ”(Philip 4,5).Đoạn văn nầy chúng ta sẽ được nghe vào sáng mồng một tết.



Niềm vui nội tâm được biểu hiện qua hai dấu hiệu hiền hòa và rộng rãi. Hiền hòa ở đây được hiểu là hiền lành và ôn hòa, không gây sự. Rộng rãi là không hẹp hòi. Trong cuộc sống nhiều khi ta gặp những người bề ngoài thì vui vẻ và cởi mở, nhưng thực chất lại không rộng lượng và cũng hay gây sự. Sách Tự Thú của Thánh Augustinô có nói đến một tình tiết về mẹ Thánh Monica: Bà gây được thiện cảm với bà mẹ chồng bằng cách cư xử đơn sơ chân thành, khiêm tốn và chỉ nói những lời đem lại sự hòa thuận cho người nghe. Đó là cách cư xử hiền hòa rộng rãi vậy. 
 
Sống ở một đất nước có nhiều điều tồi tệ về lãnh đạo yếu kém, về y tế và giáo dục lạc hậu mà vẫn vui được sao? Đây có phải là niềm vui giả tạo chăng, niềm vui của kẻ an phận hay của kẻ ngây ngô, của kẻ vùi đầu vào công việc kiếm sống nên chỉ biết nhìn xuống mà không biết nhìn lên? Đúng thế, nếu trọng tâm tầm nhìn cuộc sống của ta chỉ dừng lại nơi của cải vật chất và những giá trị đời nầy thì có thể nói người VN mình không thể vui lên được khi hằng ngày chứng kiến những xuống cấp của tình người, của môi trường… ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân và một tương lai xám xịt, không phát triển. Thánh Phaolô nói với chúng ta về một tầm nhìn xa hơn những thực tại trần thế nầy, đó là hướng đôi mắt về chiều kích vĩnh cửu: Chúa đã gần đến.

Vào thời đó, người ta nghĩ Chúa sẽ đến ngay trong thế kỷ thứ nhất, nên nhiều người đã không còn làm việc, sống vô công rồi nghề đến nỗi sinh lắm tật xấu. Đến hôm nay, chúng ta vẫn xác tín rằng trời đất sẽ qua đi, Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai để xét xử trần gian, nhưng việc Chúa đến để kêu gọi từng người về với Ngài có lẽ sẽ xảy ra trước. Vậy lý do khiến chúng ta vui lên, sống hiền hòa rộng rãi là vì biết rằng cuộc sống ỏ trần gian chỉ là kiếp lữ khách, có mục đích là chuẩn bị cho cuộc sum họp nơi nhà Thiên Chúa.

Khi quá dán mắt vào của cải vật chất, ta sẽ nổi lòng tham, dẫn đến mất đức bác ái và khép kín với nhu cầu tha nhân. Nhưng khi lòng ta biết chiêm ngắm những sự trên trời, biết rằng đời người ngắn ngủi và mọi sự trần gian chỉ là phù du thì lòng ta sẽ vượt qua những lo toan, chấp nhất, giận dữ, gian dối, tham lam… để sống hiền hòa rộng rãi với anh em.

Nếu chỉ dựa vào những chỉ tiêu xã hội để sống vui thì ắt hẳn cũng chẳng được mấy phần trăm dân số thế giới được vui, vì xã hội nào cũng có những bất công cần phải thanh luyện, chẳng có một chính thể nào hoàn hảo dù là tư bản hay cộng sản, ngay cả curia (giáo triều Roma) và các Giáo hội địa phương là Giáo phận cũng phải luôn cảnh tỉnh để đổi mới.

Xuân hạ thu đông cứ tiếp tục tuần hoàn, năm mới đến mỗi người thêm tuổi mới. Giáo hội mời gọi chúng ta sống vui, sống hiền hòa rộng rãi, vì đôi mắt chúng ta luôn biết hướng về quê trời.

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Biết mình




Trong trang Web http://suyniemhangngay.net/ có kể câu chuyện: Có những người chán đi lễ vì những lý do vụn vặt như cha xứ giảng không hay, vì ca đoàn hát dở, vì giáo hữu lơ đễnh… vị cha xứ trả lời: “Khi tâm hồn chúng ta tập trung vào Chúa Kitô, thì chúng ta không có thì giờ để nhìn các sai lầm của người khác.  Ai ra khỏi nhà thờ vì các Kitô hữu đạo đức giả thì chắc chắn họ cũng không vào nhà thờ vì Chúa Giêsu”.
Câu chuyện trên gợi ta nhớ lại lời cầu nguyện của Thánh Augustinô: “Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Biết Chúa là Đấng Tạo Hóa và biết con là tạo vật yếu hèn”. Quả thật, con người từ xưa đến nay rất dễ chối bỏ Chúa và nhầm lẫn về mình: Ông bà nguyên tổ muốn nhờ tạo vật để tự mình vươn cao không còn lệ thuộc vào Chúa. Vua Đavit đã phạm tội ngoại tình và giết người mà ông chỉ nhận ra tội mình khi nghe vị tiên tri nói. Nổi tiếng khôn ngoan như vua Salomon mà khi về già cũng thờ đa thần, vì thế Chúa đã cắt 10 phần đất mà giao cho Yơrôbôam. Và chính vua Yơrôbôam cũng đã phản bội Chúa, ông đúc 2 con bò vàng cho dân Israel thờ lạy ở Bêthel và Đan. Con người thời đại cũng không khá hơn, những triết thuyết luôn chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa và đi ngược với đường lối của Ngài.
Trong câu chuyện chọn vua Đavit làm vua, có câu Kinh Thánh rất đáng nhớ: “Thiên Chúa nhìn thấu tận đáy lòng”. Lời Tv cũng nói: “Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa”. Thiên Chúa quyền năng như vậy thì Ngài chăm sóc con người là rất tốt, nhưng cũng là một bất lợi cho ta khi Chúa đọc cả những tính toán của ta và xét xử nó.
Biết mình là ai trước mặt Chúa và anh em đã là khó, nhưng biết rõ động lực của những hành động hằng ngày còn là một điều khó hơn, nhưng đây là một điều quan trọng liên quan đến công trạng của ta. Chúa nói rõ: khi làm các việc lành như cầu nguyện, ăn chay, bố thí mà làm vì tiếng khen của người đời thì họ đã được lãnh công rồi. Nhiều khi ta đi lễ hay phục vụ là để yên lương tâm, để tạo uy tín, chứ không phải vì yêu Chúa và Chúa biết rõ điều đó. 

Xin cho con biết làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa, vì ‘kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được lên núi Chúa. Xin cho con xác tín rằng Chúa yêu thương con và chăm sóc con từng ngày. Và xin cho con kiên vững trong lý tưởng cuộc đời là luôn ưu tiên cho việc thờ phượng Chúa và yêu thương người.