Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

Lý tưởng sống


Sống trên đời, mỗi người một hoàn cảnh: giàu nghèo, sướng khổ, khỏe mạnh hay đau yếu, thành công hay thất bại… Do số mệnh cũng có và do mình cũng có. Nhưng có 3 điều chắc chắn đúng: là Chúa kêu mời mỗi người nên hoàn thiện từ trong hoàn cảnh cụ thể đó, Chúa ban ơn đủ cho mỗi người có thể tiến lên phía trước và Chúa ước muốn mọi người hạnh phúc đời này và đời sau.


Dụ ngôn người giàu và ông La-da-rô (Lc 16,19-31) dễ tạo ra một ảo giác rằng đời sau là sự đắp đổi và bù trừ cho đời này: đời này sung sướng thì đời sau ắt sẽ khổ và đời này khổ thì đương nhiên đời sau sẽ sung sướng. Đó chỉ là cái nhìn sơ khởi, nhưng nhìn sâu hơn vào câu chuyện thì ta sẽ có những suy nghĩ khác:

- Có đời sau và sự thưởng phạt. Nhiều người không muốn tin điều này, họ nghĩ một là không có đời sau, hai là phó thác cho Chúa nhân từ định liệu, ba là từ từ rồi tính – sắp chết thì ăn năn tội cách trọn cũng kịp mà. Trong Tin Mừng (sách Thánh, Moisen và các tiên tri), Chúa đã nói rõ ràng về thời khắc cửa đóng lại và sau đó là hạnh phúc hay bất hạnh: dụ ngôn 10 trinh nữ, dụ ngôn lưới cá, dụ ngôn cỏ lùng…

- ‘Người giàu’ có những thử thách của họ khi gắng trở nên người công chính. Chúa Giêsu đã nói người giàu rất khó vào nước trời vì họ thường cậy dựa vào của cải mà quên mất Chúa và họ khó thông cảm với người khác. Chính sự vô cảm và không liên đới với tha nhân là nguyên nhân khiến người phú hộ bị kết án hỏa ngục. Nhà tu đức Jacques Philippe đã nói: “Trong 8 mối phúc thì mối phúc đầu tiên gói gọn các mối phúc khác. Chính nếp sống khó nghèo và sự khó nghèo tâm hồn sẽ giúp người ta sống hiền lành, xót thương, tác tạo hòa bình và chịu bách hại vì Danh Chúa”. Qua mọi thời đại, không thiếu những người giàu đã trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô, có những người được phong thánh, họ đã dùng của cải chóng qua để mua lấy kho tàng trên trời.

-Người nghèo cũng có những thách đố của họ trên con đường theo Đức Kitô. Họ dễ than trách Chúa, lỗi phạm điều răn thứ 7 và ghen ghét anh em. Chính sự túng thiếu làm cho đầu óc họ dễ tham lam của cải và sôi sục ghen tị. Nhưng dĩ nhiên cũng không thiếu người nên thánh trong cảnh nghèo túng của mình, khi họ biết cậy dựa hơn vào Chúa, biết chúc tụng Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, biết bằng lòng với những gì mình có – sau khi đã nỗ lực hết mình. Sự nghèo khó vật chất là cơ hội dẫn họ đến sự nghèo khó thiêng liêng: phận mình là không - để phó thác mọi sự cho Thiên Chúa định liệu, từ nhu cầu vật chất đến nhu cầu thiêng liêng... họ trở nên những người con thơ của Cha trên trời. Có thể nói đa số các vị được phong thánh đều không phải là người sống trên nhung lụa, mà là những người noi gương nếp sống nghèo của Chúa Giêsu: nghèo từ khi sinh ra, đời sống ẩn dật khó nghèo, rao giảng phiêu bạt và chết trần trụi trên thập giá… đó là mầu nhiệm tự hủy của Ngài.



Nhiều người tự hào và tự sướng về sự giàu có và nếp sống hưởng thụ của mình, hãy coi chừng sự phè phỡn của mình làm cho tâm hồn mình trống rỗng và trở nên phản cảm với người nghèo quanh mình. Chúng ta thường tự trấn an mình rằng: ai đó nghèo là do họ không biết làm ăn và không chịu khó… nên họ nghèo là việc của họ, không liên quan gì đến tôi và tôi không phải chịu trách nhiệm. Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời”. Thi đấu thì có sự gắng sức và phải vượt qua những đối thủ khác. Dù người đời chạy theo thần tài và ra sức quảng cáo nó, người Kitô hữu được mời gọi mỗi ngày trở nên giống Chúa Kitô hơn trong nếp sống khó nghèo và yêu tha nhân vô vị lợi NHƯ CHÚA ĐÃ THƯƠNG MÌNH.

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

Nghèo khó thiêng liêng



Câu chuyện về người cha nhân hậu được Thánh Luca diễn tả có rất nhiều tình tiết đáng để suy niệm. Ở đây, người viết muốn trích dẫn vài ý trong tác phẩm ‘tự do nội tâm’ (bản dịch của cha Minh Anh) để nói về sự nghèo khó thiêng liêng, sự tinh sạch tâm hồn: căn tính con cái Thiên Chúa nơi ta là do lòng thương xót vô biên Chúa ban tặng, hoàn toàn không do công trạng con người. (Câu in đậm là phần được trích).

Một linh mục khi giảng về câu chuyện này đã hỏi giáo dân: ‘Người con hoang đàng, khi trở về, đã thưa với người cha thế nào?”. Câu trả lời : “thưa cha, con đã phạm tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”. Cậu định nói câu tiếp theo, nhưng có lẽ người Cha đã đưa tay bịt miệng cậu lại để không thể thốt ra một câu quá sai: “Xin Cha đối xử với con như một người làm công!”. Không bao giờ có chuyện đó. Thiên Chúa đã một lần đón nhận ta làm nghĩa tử, là con cái thì không bao giờ Ngài thất tín. Dù thế nào đi nữa, Thiên Chúa không đối xử với bất cứ ai trong nhân loại như một người tôi tớ, mà như bạn hữu và như con cái trong nhà. Con người quý giá hơn tất cả tổng số những điều tốt lành họ có thể làm được. Họ là con cái Thiên Chúa dù họ làm điều lành hoặc không thể tự làm bất kỳ điều gì. Cha chúng ta trên trời không yêu mến chúng ta vì những điều tốt lành chúng ta làm. Người yêu mến chúng ta vì chúng ta, bởi Người đã nhận chúng ta làm nghĩa tử mãi mãi.

Ở mức độ tâm lý cũng như thiêng liêng, nhu cầu sâu xa nhất của con người là nhu cầu yêu thương: để yêu và được yêu. Hai nhu cầu nền tảng không thể thiếu khác là: nhu cầu chân lý (để yêu chúng ta cần biết); và nhu cầu căn tính (để yêu, chúng ta cần hiện hữu). Chúng ta nhấn mạnh ở đây về nhu cầu căn tính: con người thường hiểu sai về căn tính của mình khi họ cố thể hiện nhu cầu nầy bằng những cách: hiện hữu bằng sở hữu (vật chất hay tinh thần), hiện hữu với hữu hiệu (công việc, thành công). Đúng hơn mỗi người có giá trị và một phẩm giá duy nhất, độc lập với những gì họ có thể làm. Rõ ràng, thật là tuyệt vời khi làm những việc lành như cầu nguyện, ăn chay, dấn thân phục vụ tha nhân, rao giảng Tin Mừng và vân vân. Nhưng sẽ vô cùng hiểm nghèo khi chúng ta đồng hóa chính mình với những việc lành thiêng liêng mà chúng ta có thể làm. Bởi lẽ, căn tính này vẫn chỉ là một căn tính nhân tạo mỏng manh và sẽ sụp đổ vào ngày mà một trong những đức hạnh của chúng ta thất bại hay một tài năng thiêng liêng đặc biệt nào đó bị lấy khỏi chúng ta, một tài năng mà chúng ta dốc toàn lực con người mình vào.

Người con cả đã có sự nhầm lẫn này (hiện hữu với hữu hiệu), dù ở trong nhà, nhưng tấm lòng và cách tính toán của anh thật đáng buồn, vì đã tỏ lộ vai trò của một người làm công. Đó cũng là tâm trạng của nhiều người trong chúng ta: đọc kinh, làm việc lành để được Thiên Chúa trả công ‘được an bình ở đời nầy và thưởng công trên thiên đàng’. Thiên Chúa không dựng nên con người như công cụ phục vụ Ngài, như một người làm công hay một như tên đầy tớ. Thiên Chúa dựng nên bạn, dựng nên tôi để tận hưởng tình thương và sự chăm sóc của một người Cha, ở đời nầy và vĩnh cửu ở đời sau. Thiên Chúa muốn thông chia hạnh phúc với con người như một hữu thể độc đáo và mong chờ sự đáp trả nồng nhiệt của từng tâm hồn như sự đáp trả của người yêu: Chúa và linh hồn trở thành đôi tình nhân. Chúng ta có thể nhận ra điều này khi đọc nhật ký của thánh Têrêxa Hài Đồng hoặc nhật ký của thánh Faustina.

Khi nhầm lẫn căn tính với hữu hiệu, một hậu quả tất yếu khác thường xảy ra là tính kiêu ngạo: chúng ta coi thường tha nhân khi họ không làm được nhiều điều tốt như chúng ta. Và sự thất vọng cũng thường xảy ra, nhất là khi gặp thất bại thiêng liêng hay thất bại trong cuộc sống, thì 'kẻ nhầm lẫn này' sẽ rơi vào vực thẳm thất vọng. Sự khó nghèo thiêng liêng dạy ta rằng: mọi sự lành chúng ta có thể làm là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. "Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, thì tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh ?" (1Cor 4,7). Người con cả đã có cái nhìn kiêu ngạo khi so sánh sự tốt lành của mình so với sự hư hỏng của người em: "Còn thằng con của cha đó..."


Niềm vui của người Kitô hữu đặt nền tảng trên phẩm giá là con cái Chúa, một hồng ân nhưng không Chúa ban. Thiên Chúa yêu từng người chúng ta là do lòng thương xót của Ngài, dường như người tội lỗi lại được ưu tiên hơn. Vậy đừng làm việc lành và sống tốt để ‘đáng’ được Chúa xót thương, những nỗ lực thiêng liêng chỉ là sự đáp trả trước tình yêu và sự chăm sóc đầy tình Cha của Người.