Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Bạn có đang “nguyền rủa” con mình mà không nhận biết?




 Tại thành phố Portland, bang Oregon, Mỹ có hai vợ chồng vị mục sư. Họ có một người con trai. Cậu con trai này đã mang đến cho họ rất nhiều phiền não. Không chỉ thế, mà cậu con trai này của họ đã bỏ nhà đi không một chút tin tức gì trong suốt ba, bốn năm rồi. Vì vậy, vị mục sư đã tìm đến một chuyên gia tâm lý học và đem hết nỗi phiền não khổ sở trong lòng mình nói ra cho chuyên gia tâm lý này nghe.

Chuyên gia tâm lý học sau khi nghe xong liền nói: “Ông đã “nguyền rủa” con trai của mình trong bao lâu rồi?”

Vị mục sư kinh ngạc hỏi lại: “Ông nói tôi “nguyền rủa” con trai tôi? Ông nói thế là có ý gì?”

Chuyên gia tâm lý trả lời: “Nguyền rủa ở đây chính là nói những lời không phải, lời cay nghiệt với người khác. Theo như lời ông kể lúc nãy, thì những lời nói của ông với con trai mình đều là những lời không phải. Vậy ông đã “nguyền rủa” con trai mình trong bao lâu rồi?”

Vị mục sư lúc này đã hiểu và cúi đầu nói: “Vậy thì tức là từ lúc con trai ra đời, chính là tôi đã nguyền rủa nó cho tới tận bây giờ, tôi từ trước tới nay đều không nói lời nào tốt với nó cả.”

Chuyên gia tâm lý nói: “Kết quả là không đem lại hiệu quả gì, đúng không?”

Vị mục sư trả lời: “Đúng vậy!”

Chuyên gia tâm lý nói: “Bây giờ tôi đề nghị ông và vợ ông, trong hai tháng tiếp theo, khi hai người nghĩ đến con trai của mình, hãy chúc phúc cho cậu bé, đừng nghĩ cậu bé không tốt. Tôi cũng muốn hai người hãy cầu xin Thượng đế che chở cho cậu bé. Lúc hai người nghĩ đến con trai của mình, tôi đề nghị hai người hãy nhớ những mặt tốt của cậu bé và nói những lời tốt về cậu bé!”…

Suy tư
- Ai trong chúng ta cũng có tự ái nhiều hay ít. Bởi đó mới xảy ra những chuyện đáng tiếc xảy ra trong giao tiếp và đó cũng là một nguyên do xã hội khó thay đổi, tiến bộ. Người ta thường đặt những ‘hộp thư góp ý’ ở các công sở và cả ở các giáo xứ như là một thiện chí muốn phục vụ mọi người tốt hơn, nhưng hầu như chẳng mấy ai để ý đến ‘thiện chí’ của những người có trách nhiệm với cộng đồng. Không phải vì người ta không có sáng kiến và ý kiến, nhưng có lẽ người ta e ngại khả năng lắng nghe và thiện chí của người nhận những lá thư góp ý. Không khéo chỉ là trò hề và tệ hơn nữa là cảnh truy tìm thủ phạm để trù dập. Thôi im lặng là thượng sách, việc ai nấy làm và ai sai người đó chịu! Vì thế mà tình cảnh xã hội và cả Giáo hội không mấy sáng sủa.
- Trong những chuyện cổ tích dành cho trẻ em, thường có những bà tiên tốt và những mụ phù thủy độc ác. Những bà phù thủy thường có những lời nguyền làm hại đến ai đó một cách rất cụ thể. Thường những lời nguyền đó rất linh nghiệm trong tương lai làm cho con mồi hết đường chạy thoát. Những lời nói sau lưng của ta về một ai đó : một nhà nước, một vị lãnh đạo, một người bạn và nhất là những người đang chung sống với ta (vợ chồng hoặc con cái) cũng linh nghiệm cách nào đó như một lời nguyền rủa của các bà phù thủy. Chính não trạng và cách ứng xử của ta sẽ bị ảnh hưởng trước hết. Hãy thôi chê bai và hãy cầu nguyện cho những điều ta không bằng lòng, và chính ơn Chúa sẽ làm nên những điều kỳ diệu. Những lời tiên đoán xấu về đất nước và Giáo xứ chẳng có ích gì cho ai mà chỉ làm cho cuộc sống thêm nặng nề. Hãy tập nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi ta đang sống, vì ‘thà rằng thắp lên ngọn nến sáng còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối cuộc đời”.
- Hôm qua, trong bài nói chuyện với khách hành hương về bài Tin Mừng tuần 31 TNC, Đức Phanxicô nói: “Chúa Giêsu không dừng lại nơi tội lỗi và thành kiến về ông Giakêu, Chúa nhìn thấy con người với ánh mắt của Thiên Chúa, nhìn thấy những thương tích nơi tâm hồn ông và nhìn thấy một phẩm chất tốt đẹp mà Tạo Hóa đã gieo vào lòng mỗi người. Cái nhìn của Chúa Giêsu đã tạo ra một thay đổi kỳ diệu nơi ông Giakêu cũng như nơi các tội nhân khác”.
Chúng ta cũng hãy đi và làm như thế trong các cuộc tiếp xúc với anh em. Đừng quá chú tâm đến những khiếm khuyết của nhau mà quên đi điều quan trọng là khuyến khích nhau tiến lên phía trước bằng những lời khen ngợi chân thành và đúng mực. Người lãnh đạo nào cũng muốn thuộc cấp của mình tiến bộ hơn, có người dùng cách là luôn đưa ra những nhận xét tiêu cực nhưng có những người khác lại đưa ra những nhận xét tích cực. Tôi nghĩ là cách sau sẽ thành công hơn, vì cách trước sẽ tạo nên sự oán ghét, xa cách.

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Chuẩn mực đạo đức




Thời đại thông tin bùng nổ, các kênh truyền hình đưa lên màn hình các cuộc trò chuyện với những người nổi tiếng. Ngày 16.10.2016, Đài truyền hình VN đã trình chiếu cuộc phỏng vấn nữ diễn viên Hoàng Yến với 41 tuổi đời và 4 đời chồng. Chị đưa ra quan điểm sống của mình rất dễ dãi và thoải mái về vấn đề hôn nhân: “Tôi không nghĩ là mình thất bại trong hôn nhân, chỉ là thích thì ở không thích thì chia tay. Tôi cảm thấy lòng mình vẫn trong trắng và đáng yêu. Chẳng thà minh bạch chuyện tình yêu như tôi còn tốt hơn những người chỉ kết hôn một lần nhưng có đến cả 100 người đàn ông”.
Tôi tự hỏi lòng mình: còn đâu là chuẩn mực đạo đức? Chính những tư tưởng ‘tự do luyến ái’ quá trớn nầy đã đưa đến nhiều thảm cảnh gia đình như ly dị, phá thai, ngoại tình, sống thử, sống không kết hôn. Kitô giáo rất đề cao vai trò của gia đình như một định chế được Thiên Chúa định liệu ngay từ ban đầu công cuộc tạo dựng, là môi trường thuận lợi để giáo dục con cái và để hai người phối ngẫu được hạnh phúc. Thế nhưng, các trào lưu xã hội ngày càng trở nên điên loạn như muốn thách thức Thiên Chúa: chuyển đổi giới tính, kết hôn đồng tính, tình dục bừa bãi… 

Hơn lúc nào hết, người Kitô hữu luôn phải dựa vào giáo huấn của Tin Mừng và lời dạy của Giáo Hội để đứng vững trong cuộc đời mình, vì ‘ma quỷ như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé’ hòng lôi kéo các tâm hồn sa ngã:
- Gia đình là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ để yêu thương và tôn trọng nhau cùng giáo dục con cái. Hôn nhân thành sự có tính cách vĩnh viễn cho đến khi một trong hai người khuất bóng. Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô 2 nói: “Xây dựng một gia đình hạnh phúc là một thành công lớn trong cuộc đời”.
- Ngài còn nói thêm : “Thành công lớn nhất của đời người là nên thánh”(Gioan phaolô 2). Chúa đã dạy: “Các con hãy nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo”. Ở một chỗ khác, Chúa lại dạy: “Các con hãy ăn ở nhân từ như Cha trên trời là Đấng nhân từ”.
- Điều cốt lõi của sự thánh thiện Kitô giáo là kết hợp với Chúa Kitô là cội nguồn sự thánh thiện, sống theo 8 mối phúc – đặc biệt là sống tinh thần khó nghèo, hiến thân phục vụ như Chúa Giêsu.
Trong buổi nói chuyện với giới trẻ ở Brasil, Đức Phanxicô nói với giới trẻ: “Là môn đệ Chúa Kitô, các con phải có can đảm đi ngược dòng đời. Như khi được mời tham gia một đội bóng, người cầu thủ phải tập luyện rất nhiều thì các con cũng phải tự rèn luyện khi theo Chúa Kitô. Người đương thời không thích những cam kết lâu dài mà chỉ thích những dấn thân ngắn hạn, đó là những cám dỗ mà chúng con phải vượt qua để có những cam kết trọn đời khi chọn sống đời hôn nhân hay tu trì”.
Người Do Thái ngày xưa luôn phải đối diện với cám dỗ thờ đa thần, vì họ chung sống với các dân tộc khác nên nhiễm tư tưởng của họ. Ngày hôm nay, người Kitô hữu không dễ gì bỏ Thiên Chúa của mình để thờ một vị thần nào đó, vì họ biết rõ Đức Chúa là Chúa thật trời đất, nhưng họ lại có nguy cơ không sống niềm tin của mình, họ có nguy cơ tôn thờ chính bản thân và tự do của mình. Các trào lưu trần tục như tiền bạc, khoái lạc, phóng túng … được ví như những ngẫu tượng được con người đề cao và thèm muốn từ trong vô thức. Đến một lúc nào đó, niềm tin vào Thiên Chúa và những giới luật Ngài ban trở nên xa lạ và khó chấp nhận với chiêu bài văn minh, khoa học và tự do.

Chính ĐGH Gioan 23 đã “bắt nhịp” cho Công Đồng Vatican 2 khi ngài nói: “Giáo hội luôn chống lại các sai lầm. Ngày nay, Giáo hội ưa thích dùng Biệt dược Lòng Thương Xót hơn là nghiêm khắc”. Tinh thần của Công Đồng Vatican 2 đã thúc đẩy Giáo hội mở cửa ra để đến với lương dân, gặp gỡ và đối thoại với các tôn giáo bạn, cổ vũ sự hiệp nhất các giáo phái Kitô và loại bỏ vạ tuyệt thông cho nhau, xin lỗi mọi người vì những sai lầm của Giáo hội trong quá khứ, tự mình đổi mới cho phù hợp với thời đại (aggiornamento). Ngay trong bản thân Giáo hội, nhiều người con đang mang những vết thương trầm trọng về luân lý, nên Đức Phanxicô, một lần nữa, lại kêu mời mọi người tin vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và thể hiện lòng xót thương với anh em minh cách cụ thể bằng ‘thương người có 14 mối’.

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Sống dựng xây




Giờ Thánh lễ buổi chiều trời khá nóng, quạt bật đều nhưng không ai mở những cánh cửa ra để thoáng mát. Tại sao vậy? – Vì nhác mở, không phải vì gió. Tôi tự nghĩ : đây cũng là một biểu hiện của sự vô cảm, tựa như câu chuyện ai đó đã thử nghiệm (đặt một viên gạch bằng xốp ngay giữa đường phố, ngàn người tránh né để đi qua mà không ai dừng lại để nhặt vứt viên gạch đi để khỏi làm người khác vấp ngã).
Tôi nghĩ đến hai từ: dựng xây. Có những việc mình có thể làm để cho cuộc sống anh em nên tốt đẹp hơn. Muốn dựng xây phải là người có tinh thần tích cực trong cuộc sống, phải có tính phản biện xã hội: cái gì hay thì vun vào, điều gì dở thì bỏ đi. Có những việc dựng xây thuộc lãnh vực vật chất đem lại tiện ích thiết thực cho anh em, có những dựng xây tinh thần mang lại những giá trị nhân văn lâu dài , và có những dựng xây đạo hạnh mà giá trị của nó còn kéo dài mãi sang cuộc sống vĩnh cửu.

Dựng xây vật chất rất dễ nhận ra trong cuộc sống thường ngày như giữ gìn vệ sinh chung, nhường nhịn nhau trong cuộc sống, tôn trọng danh dự và tài sản người khác, nhặt cục đá cản đường hay lùm cây trên con đường rãy… Dựng xây tinh thần rất đa dạng : truyền bá những thông tin tốt, cổ vũ những điều hay trong phong tục tập quán của làng xóm… Gần đây, việc ăn uống trong các ‘đám tang’ có nguy cơ trở thành ‘lệ làng’, dù nhiều cha xứ đã lên tiếng nhưng chẳng mấy người nghe theo: ăn uống khi xác còn ở trên đất, sau khi chôn cất xong, rồi lễ tuần 3, tuần 7… Tôi đã từng chứng kiến những đám tang ở một vài vùng khác thì thấy họ sống tinh thần ‘nay anh mai tôi’ rất đơn giản: có đến cả 100 người thức suốt đêm nơi nhà tang, sáng mai họ về nhà hết, sau đó đi đưa tang rất đông và rồi ai về nhà nấy, không ăn uống gì sất vì tang gia bối rối đừng làm họ thêm bối rối. Và còn chuyện vòng hoa trong các đám tang cũng là một đề tài đáng bàn, nhiều người cho là một chuyện lãng phí: thay vì đặt những vòng hoa cả triệu bạc thì ta nên đặt vòng hoa rẻ tiền thôi, số tiền còn lại ta phúng điếu bằng tiền thì gia chủ có lẽ bớt bối rối hơn, vì sau đám tang những vòng hoa phải chất lên xe để đổ đi. Dĩ nhiên mỗi đám tang cũng nên có chừng 10 vòng hoa cho có bầu khí, nhưng nhiều quá thì đúng là lãng phí tiền bạc. Việc hạn chế vòng hoa phải khởi đi từ gia đình và phải có sự suy nghĩ của nhiều người mới mong thay đổi được một điều đã thành ‘lệ’. Một cách vô thức, khi mang đến một vòng hoa, một tập thể nào đó muốn mọi người biết sự phúng điếu của họ, nhưng thực ra chỉ cần họ đến, dù họ phân ưu bằng vòng hoa hay phong bì thì gia chủ đều biết rõ lòng thành của bạn bè thân hữu.
Còn việc dựng xây đức tin thì tuyệt đối quan trọng rồi. Mỗi người là một sứ giả Chúa đặt để bên cạnh anh em mình để giúp nhau sống niềm tin trên cõi dương gian, nên phải cố gắng để rao giảng Tin Mừng cho anh em cách nầy cách khác: cổ vũ nhau tiến lên trên đường nhân đức, thi đua nhau tham dự phụng vụ và các việc lành trong giáo xứ, gieo rắc những tư tưởng đạo đức và xây dựng sự hiệp nhất và bình an trong cộng đoàn, chuyển giao đức tin cho các thế hệ kế thừa, sẵn sàng trả lẽ về niềm tin cho ai đang muốn tìm hiểu.

Đừng ngại mệt, đừng ngại đầu tư cho những việc làm dựng xây và phục vụ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Người gieo trong đau thương sẽ gặt trong vui cười. Những người biết sống vì tha nhân sẽ lãnh được niềm vui ngay trong cuộc sống nầy và sẽ được Chúa thưởng công mai ngày.