Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

HOA KHÔI MEXICÔ CHỌN ĐỜI TU VÌ "CHÚA LÀ HẠNH PHÚC KHÔNG GÌ SÁNH BẰNG"

 



Sưu tầm

Esmeralda Solís Gonzáles, một phụ nữ Mexico trẻ được trao vương miện nữ hoàng sắc đẹp hồi năm 2016 ở thị trấn Valle de Guadalupe (bang Jalisco, Mexico),và năm sau đó đã gia nhập Dòng Clara Nghèo Khó của Bí Tích Thánh Thể (Poor Clare Missionaries of the Blessed Sacrament).

Câu chuyện của cô gái hai mươi tuổi này, đã lan truyền trên mạng xã hội, khi được đăng tải trên trang Facebook Hoa hậu Mexico (Miss Mexico). Esmaralda sinh ngày 12.4.1997 tại Valle de Guadalupe, bang Jalisco, trong một gia đình Công Giáo. Cô hiện đang là Dự Tu của Dòng Clara ở Cuernavaca tại bang Morelos, sau khi rời bỏ nghề chuyên gia dinh dưỡng. Emeralda nói với CNA: “Bạn sẽ không thật sự biết đời sống tu trì là gì cho đến khi bạn trải nghiệm nó. Giờ đây tôi đã có thể nhìn từ một góc nhìn khác, thế gian là những gì và nó ban cho bạn cái gì.”

“Tôi đã rất hạnh phúc với tất cả những gì tôi có, nhưng hạnh phúc đó không thể so sánh với hạnh phúc mà Thiên Chúa giờ đây đang đặt trong tim tôi.” Cô cho biết, mình đã từng gặp các Nữ Tu Dòng Clara khi 14 tuổi, khi ấy ý tưởng về việc bước vào đời sống tu trì của cô “được đánh thức” qua “các trại ơn gọi.”

Esmaralda cũng nói về khoảng thời gian một tháng biện phân ơn gọi rất khó khăn, và vào hồi tháng Ba năm 2017 vừa rồi, cô đã quyết định xin vâng theo tiếng gọi tu trì vào ngày lễ Tuyền tin.Cô nói: “Thiên Chúa sắp xếp thời gian rất hoàn hảo. Trong thời gian biện phân ơn gọi, ngài ban cho tôi một số trải nghiệm như được làm nữ hoàng sắc đẹp, cùng nhiều trải nghiệm khác. Điều đó mãi mãi sẽ để lại dấu ấn nơi tôi, và giúp tôi được rất nhiều điều.”

Qua việc khám phá ơn gọi, “tôi nhận ra rằng mình phải dành chỗ và tìm hiểu xem kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời mình là gì. Trong thời gian biện phân ơn gọi, cũng có những sợ hãi và nghi ngờ, nhưng tình yêu mà Chúa thể hiện ra mỗi ngày giúp tôi vượt qua bất kỳ sự chán nản nào.”

Tôi nhận ra Thiên Chúa kêu gọi “tôi phục vụ Ngài một cách triệt để”, tức là thay đổi “đời sống và ôm lấy thập giá của Chúa Kitô chặt chẽ hơn”… “Xa gia đình là điều khó khăn, nhưng gia đình luôn ủng hộ tôi. Mặc dù tôi có thể phát triển bản thân trong một môi trường khác, nhưng tôi nghĩ nếu Chúa cần tôi thì tôi có thể sinh hoa trái theo một cách khác.”

Esmeralda cũng khuyên các bạn trẻ rằng, bất kỳ ơn gọi nào cũng có những khó khăn “nhưng nếu bạn tiến bước và nắm lấy tay Chúa, thì bạn sẽ luôn có thể bước tiếp.” Cô nói: “Đời sống tu trì sẽ có rất nhiều hy sinh, nhưng luôn đi kèm phần thưởng hạnh phúc sau đó”… “Hạnh phúc thế gian ban tặng thực sự rất hấp dẫn” nhưng bạn “cần phải hướng mắt về những gì sẽ tồn tại mãi.”

“Nếu Chúa gọi bạn, thì ngài sẽ chăm lo mọi thứ. Bạn đừng sợ, tất cả những gì bạn cần làm là đón nhận Ngài, với sự bình an, niềm vui và sự tự tin. Tôi tin rằng nỗi sợ sẽ làm vơi đi hạnh phúc thực sự mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho ta.” 

Dòng Clara Nghèo Khó của Bí Tích Thánh Thể là một dòng tu thuộc quyền Giáo Hoàng, được Chân Phước María Inés Teresa Arias thành lập tại Cuernavaca, Mexicô năm 1945.

Các Nữ Tu truyền giáo trong dòng hiện làm việc trong các phòng khám, các nhóm thanh thiếu niên, trường mầm non và trường học, ký túc xá đại học, trung tâm tĩnh tâm và nhiều công tác khác. Dòng có trụ sở ở Mexico, Costa Rica, Argentina, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý, Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Sierra Leone, Nigeria, Việt Nam và Ấn Độ.

Theo CAN, conggiaovn.com

 

Những truyện ngắn về mẹ

 





Sưu tầm.
(Có đôi khi chúng ta bỏ quên những tình cảm thiêng liêng của mình, bỏ quên những hi sinh thầm lặng của Mẹ... Nhưng xin bạn 1 vài phút thôi để đọc hết các bài viết này, nó là những câu chuyện rất ngắn nhưng ý nghĩa của nó đủ cho bạn hiểu và suy nghĩ...)

Con ốm

Hồi nhỏ, mỗi lần tôi bệnh, mẹ tôi luôn lo lắng thuốc thang, nuông chiều tôi mọi thứ. Biết vậy, tôi cứ giả ốm để mẹ chiều chuộng.

Lớn lên lập gia đình. Có con. Đang làm việc. Điện thoại reo vang, nhà gọi vào báo: "Con sốt, ói mửa!". Nghe xong, tôi chẳng làm gi được, cứ ngóng tới giờ về .



Tối - nằm cạnh con. Mỗi tiếng con ho, ói - tôi bật dậy - ruột xốn xang - thao thức mãi .
Đặt lưng xuống. Nhớ lại ngày xưa. Nước mắt chực trào ra. Nghĩ mà thương mẹ biết chừng nào ...
______________________________

Cõng mẹ
Người con không có khả năng nuôi mẹ già, liền quyết định cõng mẹ bỏ trên núi.
Đêm tối, người con nói rằng cõng mẹ lên núi dạo, bà mẹ lấy hết sức mình đèo lên vai con.

Trên đường đi anh ta nghĩ phải leo cao hơn nữa rồi mới bỏ mẹ xuống. Bỗng anh ta nhìn trên vai mình, thấy mẹ đang cố giấu những hạt đậu rải suốt đoạn đường đi, anh ta tức giận hỏi mẹ:

"Mẹ rải đậu làm gì thế ? "

Kết quả câu trả lời của mẹ đã khiến anh ta bật khóc:

"Con ngốc ạ, mẹ sợ lát nữa còn mình con xuống núi sẽ lạc đường."

______________________________



Xa Mẹ
Có một cô gái nhỏ đang đi trên đường với một chồng báo trên tay, chợt cô thấy một người đang bê chiếc hộp, bên trong là những con mèo nhỏ. Vốn rất yêu động vật, cô liền bước lại.
-Những con mèo dễ thương quá! Bác mang chúng đi đâu vậy?

Người đàn ông nhìn cô:

-Chúng... chết cả rồi cháu ạ!

Cô bé, với đôi mắt mở to như không tin vào điều đó, cúi xuống nhìn những con mèo bé nhỏ đang nằm im, mắt nhắm nghiền trong hộp rồi run run hỏi:

-Sao chúng...chết hả bác?

-Mẹ của chúng chết rồi, bác đã rất cố gắng nhưng không nuôi nổi.
Cô gái lặng im, nhè nhẹ đưa tay vuốt bộ lông mềm mại của những con mèo đang nằm im. 


Chợt cô thấy một con đang động đậy, rất yếu ớt. Cô reo to lên vui mừng:

-Con mèo này còn sống bác ơi! Cháu thấy nó còn động đậy.
Người đàn ông nhìn vào hộp.

-Thế à?...Nhưng chắc rồi nó cũng chết thôi.

-Không nó sẽ không chết đâu...Hay bác...bác cho cháu đi, cháu sẽ chăm sóc nó, nó sẽ sống...
-Không được đâu cháu ạ. Không có mẹ chăm sóc rồi nó cũng chết thôi.

Cô gái ngẩng lên nhìn người đàn ông, rồi cô mở túi chìa ra cho ông ta một cái thẻ nhỏ trên có hai chữ to màu xanh: Xa Mẹ. Mắt cô chợt rơm rớm lệ:
-Cháu...cháu cũng xa mẹ từ nhỏ...

______________________________________________



Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm. Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái, dỗ dành "Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!". Vậy là nó nín. Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo: "Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!" rồi lấy tay đặt trên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

 

LÀM SAO CHIA PHẦN 2 ĐỒNG BẠC ?



Sưu tầm

Lula da Silva, sinh ra vào tháng 10 năm 1945, tại một gia đình nông dân ở Brazil, vì nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, đã phải đi bán đậu phụng ngoài đường, quần áo tả tơi, và thường xuyên thiếu ăn. Sau khi được lên tiểu học, lúc đó nhà đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, sau buổi học chú bé thường hay cùng với hai đứa bạn cùng lứa đi đánh giầy ngoài phố, hôm nào không có khách, thì coi như… nhịn đói.

Năm Lula được 12 tuổi, vào một buổi xế chiều, ba đứa trẻ rủ nhau chạy lại chào hàng được một người khách, là chủ một tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần. Ông chủ tiệm nhin vào ba cặp mắt van xin khẩn khoản hết sức tha thiết, không biết quyết định chọn đứa nào, cuối cùng ông bảo: “Thôi thì đứa nào cần tiền nhất, thì ta cho được đánh đôi giầy của ta, và ta sẽ trả công 2 đồng !”

Công đánh một đôi giầy chỉ có 20 xu, vậy 2 đồng đúng là một món tiền rất lớn. Ba cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nhỏ nói: “Từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói !” Đứa thứ hai nói: “Nhà cháu đã hết thức ăn từ ba ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn…”

Cậu Lula nhìn vào 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi một lúc, rồi nói: “Nếu cháu được ông trả cho 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho hai đứa nó, mỗi đứa 1 đồng !” Câu nói của Lula làm ông chủ tiệm và hai đứa nhỏ kia rất là ngạc nhiên. Cậu giải thích thêm: “Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói hết cả ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa còn ăn được ít đậu phụng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó, ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn ông sẽ hài lòng”.

Cảm động trước câu nói của Lula, ông chủ tiệm đã trả cho thằng bé 2 đồng bạc, sau khi đánh bóng xong đôi giầy của ông. Và Lula đã giữ đúng lời, đã đưa ngay cho hai đứa bạn mỗi đứa 1 đồng.

Vài ngày sau, ông chủ tiệm đã hỏi thăm để tìm gặp được Lula tận trong một khu nhà ổ chuột, cứ sau buổi tan học là chú bé lại được về học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta, được bao ăn cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy còn thấp, nhưng so với thu nhập của nghề đánh giầy thì khá hơn rất nhiều.

Thằng bé hiểu rằng: chính vì mình đã không từ chối san sẻ giúp đỡ những người khốn đốn ngặt nghèo hơn mình, nên mình mới hưởng được một cơ hội có thể làm thay đổi cả cuộc đời. Lớn lên, Lula xin vào làm thợ trong một nhà máy. Để bênh vực cho quyền lợi của anh em thợ thuyền, chàng trai quả cảm và tốt bụng đã tham  gia công đoàn. Năm 45 tuổi, chính Lula đứng ra lập Đảng Lao Công.

Và rồi, đến năm 2002, ông Lula lúc này đã 57 tuổi, ra ứng cử Tổng Thống, với khẩu hiệu như một lời đoan hứa: Ba bữa cơm no cho tất cả mọi người dân đất nước Brasil. Năm 2006 ông lại đắc cử nhiệm kỳ 2, cho bốn năm kế tiếp.

Trong suốt 8 năm tại chức, ông Lula đã thực hiện đúng lời mình đã hứa: 93% trẻ em và 83% người lớn ở đất nước này được no ấm. Và quốc gia Brasil dưới sự lãnh đạo của ông đã không còn là "con khủng long nhai cỏ" mà đã trở nên "con mãnh sư Mỹ Châu" với nền kinh tế đứng hàng thứ 10 trên thế giới.

Luiz Inácio Lula da Silva: đó là tên vị Tổng Thống vừa mãn nhiệm lúc 65 tuổi, ngày 31.12.2010.

KHUYẾT DANH, Ephata biên tập 2.2012

 

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

Câu chuyện Hoàng Tử Và Cậu Bé Nghèo





Văn hào Anh Mark Twain cách đây ba thế kỷ, có viết một quyển tiểu thuyết mang tựa đề “Hoàng tử và cậu bé nghèo”. Chuyện kể lại tình bạn của hai cậu bé giống hệt nhau khiến người ta tưởng là sinh đôi. Một trong hai cậu bé tên là Edward, hoàng tử xứ Galles. Còn Tom Canty, người bạn của vị hoàng tử, lại là một cậu bé con nhà nghèo.

Một ngày kia, hai cậu bé có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là thay đổi địa vị xã hội. Tom vào thế chỗ của vị hoàng tử Edward trong triều đình, còn Edward thì khoác lên mình mảnh áo rách rưới và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Cậu lang thang đầu đường xó chợ bên cạnh những người cùng cực nhất trong xã hội.

Thế nhưng một lúc nào đó, hai cậu bé cũng cảm thấy mệt mỏi với trò chơi đầy phiêu lưu này. Edward mới sực tỉnh về ngôi vị hoàng tử của mình. Trong bộ quần áo rách rưới nhơ bẩn, cậu tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng mình là hoàng tử nối ngôi của xứ Galles. Nhưng cảnh sát đã không tin... Thế là hoàng tử Edward đành phải lặng lẽ bước vào tù vì tội giả mạo.

Giữa lúc Tom, cậu bé nghèo, sắp sửa được tấn phong làm vua, thì hoàng tử Edward xuất hiện... Không mấy chốc cậu đã được phục hồi trong ngôi vị hoàng tử của cậu. Chính nhờ kinh nghiệm của những tháng ngày làm người ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ với những người cùng khổ, mà Edward đã trở thành một vị vua đạo đức và giàu lòng thương người.

Cũng giống như câu chuyện trên đây, Thiên Chúa đã đến giữa loài người để hoán đổi vị thế với chúng ta. Ngài mặc lấy thân xác nghèo hèn của chúng ta để chúng ta được mang lấy tước phẩm được làm con Chúa. Nhờ ân sủng của Ngài, Ngài chia sẻ với chúng ta sự sống thần linh và đón nhận trong thân xác Ngài tất cả những hệ lụy của kiếp sống khổ đau của con người.

Mang lấy trong thân xác Ngài khổ đau của nhân loại, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với từng người, nhất là những người khổ đau. Ðồng hóa mình với những người đau khổ, Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta con đường để gặp gỡ Ngài: Ngài hiện diện trong những đau khổ, trong kẻ bé mọn nhất. Tiếp rước những người đó chính là tiếp rước Ngài.

Thiên Ðàng là một gặp gỡ triền miên với Chúa, nhưng cuộc gặp gỡ này chỉ được chuẩn bị bằng những gặp gỡ của chúng ta với tha nhân, chúng ta sẽ gặp được Chúa. Chúng ta khước từ tha nhân, chúng ta cũng khước từ chính Chúa.

Tha nhân là Bí Tích của Thiên Chúa. Chính trong tha nhân mà chúng ta phải nhận ra và yêu mến Chúa.

Nơi bàn thờ, vị linh mục đọc lại lời của Chúa Giêsu: này là Mình Ta, này là Máu Ta... Khi chỉ cho chúng ta mỗi một con người, có lẽ Chúa Giêsu cũng sẽ nói: “Này là Mình Ta...”.

Thánh lễ là một cuộc gặp gỡ với Chúa. Cuộc gặp gỡ này chỉ có ý nghĩa và giá trị nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng biết nhận ra Chúa trong từng cuộc gặp gỡ với tha nhân... Xin Chúa thêm Ðức Tin để chúng ta có thể nhận ra Chúa Giêsu trong tha nhân, nhất là những người cùng khổ, bé mọn trong xã hội.

Mối tình tri kỷ

 



Ngày 30.4 lại đến một lần nữa, cũng là dịp tốt để suy nghĩ về mối tương quan của người Công giáo với tổ quốc.

Văn học Việt Nam có kể lại câu chuyện rất thú vị về tình bạn:

Lưu Bình là công tử nhà giàu có, cha mẹ mất đi để lại nhiều gia sản, suốt ngày rượu chè. Thấy Dương Lễ là người thật thà, chăm học, nhà lại nghèo. Cả hai kết tình huynh đệ, Lưu Bình nuôi cho Dương Lễ ăn học thi đỗ trạng nguyên. Về sau, Lưu Bình  ‘tàn gia bại sản’ tìm gặp Dương Lễ. Dương Lễ bảo người hầu đem cho Lưu Bình một chén cơm hẩm với một quả cà thiu. Lưu Bình phẫn uất ra đi… Trong khi đó, Dương Lễ ngầm sai Châu Long là vợ của  mình trả nghĩa cho Lưu Bình. Vì vậy mà Châu Long tìm gặp Lưu Bình, đính ước với Lưu Bình, nhưng ước hẹn là không thi đỗ thì không động phòng. Ngày vinh quy bái tổ về làng, không thấy Châu Long đâu, nhưng vì mối hận trong lòng, Lưu Bình tìm gặp Dương Lễ. Tại dinh đường của Dương Lễ, Lưu bình hiểu ra sự việc, tình bạn trở lại thắm thiết như xưa. Trong buổi tiệc hàn huyên của Lưu Bình và Dương Lễ có chén cơm hẩm và quả cà thiu nhắc lại câu chuyện ngày nào.




 Giáo hội Việt Nam (Dương Lễ), trong khi trung thành với Thiên Chúa thì đồng thời cũng tìm mọi cách để cho người bạn ‘dân tộc’ cũng tìm được hạnh phúc - sự thăng tiến về nhân bản, thịnh vượng và niềm tin…

 

Bức thư chung 1980 của HĐGM Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình của Giáo hội với đất nước sau ngày thống nhất:  đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo. Thư chung viết: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa”.

            Xã hội trần thế nào cũng có những bất công, oan ức và thối nát cần phải chỉnh sửa để cho đồng bào được hạnh phúc hơn. Nhưng người ‘con Chúa’ có nhiệm vụ đến mức độ nào là khôn ngoan và đến mức nào thì không bị cáo buộc là ‘vô tâm – hèn nhát- đồng lõa’ với những bất toàn của xã hội trần thế? HĐGMVN luôn bị nhiều người phê phán là có một thái độ ‘im lặng’ dễ sợ trước những bất công của xã hội – nhằm đổi lại sự yên ổn và dễ dãi: một thái độ thỏa hiệp, làm ngơ trước những đau khổ và bất công của đồng bào mình… Trước những cáo buộc như thế, bản thân tôi cũng thấy hoang mang và một chút nào đó hổ thẹn: vì ‘im lặng là đồng lõa’; và sự dấn thân - phục vụ của chúng ta dường như chỉ nằm trong lý thuyết và ‘siêu thực’ với đồng bào mình? Thực tế thì HĐGMVN đã nhiều lần lên tiếng  bằng văn bản kiến nghị về quyền tư hữu, cho phép các tôn giáo được đóng góp phần của mình vào sự nghiệp giáo dục, y tế và điều hành các cơ sở từ thiện... nhưng sự chấp nhận của chính quyền xem ra còn hạn chế.

            Nhưng chúng ta cũng phải nhìn lại gương sáng của Thầy chí Thánh Giêsu để có học bài học của Ngài: cả đời Ngài luôn bị dân chúng ‘ép’ phải làm chính trị! Biết bao lần họ định tôn Ngài làm vua, dân Do Thái luôn tưởng rằng Đấng Messia là vị lãnh tụ sẽ cứu họ thoát khỏi sự đô hộ của đế quốc Roma. Vậy mà, Chúa sống âm thầm 30 năm, đi giảng 3 năm thì chỉ nói đến những mầu nhiệm nước trời và điều kiện để đạt ơn cứu rỗi, Chúa bị bắt và giết mà chẳng muốn ai dùng ‘gươm giáo’ để bảo vệ cả. Chúa còn bảo Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, ai dùng gươm sẽ bị chết vì gươm”. Có lần những người Biệt Phái và những người Saducêô cài bẫy Ngài, họ đưa ra câu hỏi: “Có nên nộp thuế cho Cêsar không?”; và Chúa đã đưa ra một nguyên tắc vàng: “Của Cêsar hãy trả cho Cêsar, của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”. Người giáo dân được mời gọi tham gia chính trị như là một đòi buộc của đức bác ái, còn giáo sĩ thì không được tham gia đảng phái chính trị, nhưng thực tế lại thường ngược lại! Và một điều cũng thường xảy ra là người bạn Lưu Bình oán ghét Dương Lễ  đến độ phải bức bách và giết hại, vì bóng tối thường không thích ánh sáng. Câu nói của Chúa với ông Philato đáng cho ta suy gẫm: Tôi là vua, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này

           Quê hương Việt Nam là một môi trường cụ thể để ta hành đạo và sống Đức Tin, quê hương đó có những người anh em xa gần để tôi thể hiện đức yêu thương, quê hương đó có những điều thuận lợi và không thuận lợi cho tôi sống đạo và tôi có nhiệm vụ góp phần xây dựng. Nhưng xét cho cùng xã hội nhân sự nào cũng chỉ là như chiếc áo ta khoác vào mình, nó không quan trọng cho bằng cái ‘hình hài thân xác’ của ta. Điều quan trọng hơn ta phải tìm kiếm là phần rỗi đời đời cho ta và anh em: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”.



Thư chung 1980 viết:  “Sự gắn bó hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính:

 - Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

 - Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc. Chúng tôi xin dựa vào Công đồng để nói với anh chị em giáo dân rằng: Ơn gọi của anh chị em là nên thánh giữa đời bằng cách sống Phúc Âm của Chúa Kitô trong các phận sự trần thế (GH 31; MV 43). Nhờ anh chị em, Giáo Hội hiện diện ngay trong xã hội và góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc. Nghĩa vụ cao cả của anh chị em là sống làm người tín hữu trung thành của Hội Thánh Chúa Kitô và làm người công dân tốt của tổ quốc”...Như vậy, dù sống trong xã hội nào thì nhiệm vụ của người Kitô hữu cũng là 'men trong bột' để giúp đồng loại mình đạt được ơn cứu rỗi.

            Dương Lễ là một người bạn tri kỷ và hành động ‘thấu tình đạt lý’, nhưng có lúc cũng phải mang tiếng là vô ơn – dù trong thâm tâm và trong hành động đã đành chấp nhận để vợ  mình hy sinh giúp đỡ bạn cho đến thành đạt. Quả thật, mặc chiếc áo nào cho hợp người – hợp cảnh, phục vụ quê hương đồng bào thế nào mà vẫn không đánh mất căn tính của mình…luôn là những vấn đề đòi ta phải tư duy và thao thức mỗi ngày.

 

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

 

Một người 4 vợ

 Sưu tầm

 


Một thương nhân giàu có có 4 bà vợ. Ông yêu người vợ thứ tư nhất, ông tự hào về người vợ thứ ba, ông tìm đến người vợ thứ hai như một người bạn tâm tình nhưng hầu như chẳng bao giờ chú ý đến người vợ thứ nhất…

 

Ông nâng niu chiều chuộng, coi người vợ thứ tư như một món đồ trang sức quý, luôn mua sắm cho bà ta những bộ đồ sang trọng đắt tiền.

 

Ông cũng rất yêu người vợ thứ ba. Ông tự hào về người vợ này và luôn muốn “khoe” vợ với bạn bè. Tuy nhiên, trong ông luôn thường trực nỗi lo sợ bà bỏ đi với người đàn ông khác.

 

Ông cũng yêu người vợ thứ hai. Ông coi bà như người bạn tâm tình, người giúp ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bất cứ khi nào gặp khúc mắc, ông đều tìm đến bà.

 

Người vợ thứ nhất lại là người rất chân thành, chung thuỷ, luôn kề vai sát cánh bên ông lo toan chu đáo chuyện gia đình. Tuy nhiên, ông lại không yêu bà vợ thứ nhất. Mặc dù bà rất yêu ông, ông hầu như chẳng bao giờ chú ý đến bà.

 

Một ngày, ông ngã bệnh. Ông tự biết rằng mình sắp từ giã cõi trần. Ông nghĩ về cuộc sống giàu sang xa hoa và tự nhủ: “Hiện mình có 4 bà vợ. Nhưng khi mình chết, lại chỉ có một mình. Thật cô đơn làm sao!”.

 

Ông ta hỏi bà vợ thứ tư: “Tôi yêu mình nhất, luôn dành cho mình sự quan tâm đặc biệt và những điều tốt đẹp nhất. Tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa, liệu khi tôi chết, mình có nguyện đi theo tôi không?”.

 

“Không đâu” – Bà vợ thứ tư đáp lại và bước đi. Câu trả lời như một nhát dao cứa vào tim ông.

 

 Ông hỏi người vợ thứ ba: “Tôi yêu bà nhiều lắm, tôi sắp chết rồi, bà có nguyện theo tôi không?”.

 

“Không, cuộc sống vẫn đang đẹp mà. Sau khi ông chết, tôi sẽ tái hôn”. Trái tim ông run lên đau đớn.

 

Sau đó, ông hỏi người vợ thứ hai: “Bất cứ khi nào gặp vấn đề khó khăn rắc rối gì tôi cũng đều tìm đến bà. Bây giờ tôi xin bà hãy kề vai sát cánh cùng tôi lần cuối cùng. Khi tôi chết, bà có nguyện đi theo tôi không?”.

 

Bà vợ thứ hai trả lời: “Xin lỗi, lúc này tôi không thể giúp ông được. Nếu có, tôi chỉ đưa linh cữu ông ra mộ thôi”.

 

Người vợ thứ hai – người bạn tâm tình thân thiết thủy chung của ta cũng chỉ khóc khi ta chết, đưa ta ra đến mộ rồi quay đầu.

 

Ông nghe câu trả lời mà như sét đánh ngang tai. Ông thực sự quá đau đớn vì người mà ông nghĩ có thể tin tưởng nhất cũng bỏ rơi ông.

 

Bỗng có một giọng nói cất lên: “Tôi sẽ đi cùng ông, đi đến bất cứ nơi nào ông tới”. Ông dáo dác tìm kiếm chủ nhân của giọng nói và nhận ra đó chính là người vợ thứ nhất, người mà chẳng mấy khi ông để ý tới.

 

Trông bà gầy và xanh xao quá. Rưng rưng xúc động, ông nói: “Đáng lẽ ra trước đây tôi phải chăm sóc bà nhiều hơn nữa”. Chỉ có duy nhất người vợ cả, người thường bị ta bỏ mặc, lãng quên khi sống… là kiên quyết đi theo, yêu thương ta cả cuộc đời.

 

Mỗi chúng ta ai cũng có 4 bà vợ.

  • Bà vợ thứ tư chính là thân thể của chúng ta. Cho dù ta có chăm chút, trau chuốt đến mấy, rồi nó cũng rời bỏ ta khi ta chết.
  • Còn bà vợ thứ ba? Đó chính là của cải, địa vị. Khi chúng ta chết, chúng sẵn sàng đi theo người khác.
  • Bà vợ thứ hai chính là gia đình và bạn bè. Cho dù có thân thiết đến mức độ nào, khi ta chết, họ cũng chỉ khóc đưa ta ra mộ mà thôi.
  • Bà vợ thứ nhất chính là tâm hồn ta, thường bị lãng quên khi ta chạy theo tiền tài, địa vị, danh vọng, của cải, nhưng nó sẽ theo ta suốt cuộc đời.

Tốt hơn hết là nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ bây giờ, vì đó là “người” thân tín nhất bên ta. Đừng để phải hối hận vì đã lãng quên nó.

 

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Tôi làm truyền thông

 



(Ngày 25/4 hằng năm là lễ kính Thánh Macco, Thánh sử và là Quan Thầy của Ban Truyền Thông Vinh Hương, Xin ghi lại vài lưu niệm đạo đức về công tác truyền thông).

Rao truyền Tin Mừng cho muôn dân là một lệnh truyền của Chúa Giê su và cũng là một đòi hỏi của ơn gọi làm Ki tô hữu. Việc rao giảng này được thực hiện bằng nhiều cách như: cầu nguyện cho việc truyền giáo, rao giảng Lời Chúa, trao đổi chuyện trò, dùng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như truyền thanh – truyền hình-web…Ở khuôn khổ bài viết này, chúng ta chỉ nói đến vài tâm tình để hiểu nỗi lòng của những nhà truyền thông Công giáo, cụ thể trong lãnh vực web.

Vì đời tằm phải nhả tơ. Phải thừa nhận rằng viết lách là một việc khó, khó vì việc sắp chữ đã đành mà nội dung truyền đạt còn khó hơn, vì người ta không thể cho đi cái mình không có và điều viết ra cũng phải mới lạ một chút. Cha cố Phaolo khi nói về trang Web Vinh Hương đã dùng hình ảnh mỗi cộng tác viên là một ‘bà bếp’, thật dễ hiểu là bà bếp phải chuẩn bị nguyên vật liệu, phải xào nấu, thêm gia vị… thế là mâm cơm gia đình có những món ăn ngon và rất khác nhau. Trong hình ảnh ví von này đã nói lên quá trình thâu nạp kiến thức đạo đời, suy tư cầu nguyện, bỏ thời giờ viết ra giấy những cảm nghiệm của riêng mình, và dĩ nhiên cũng có sự vui mừng khi nhìn thấy thành quả của công việc. Nhiều người rất muốn viết những cảm xúc trong lòng nhưng cứ hẹn mãi đến lúc nào đó thuận tiện! Thật ra, nhiều người ngại viết vì sợ phơi ruột mình cho người khác xem và vì sợ lòi cái dốt của mình. Chẳng ai hoàn hảo cả và chẳng ai giỏi cả về chữ lẫn kiến thức cả, tất cả chỉ là nỗ lực và chỉ muốn làm vui lòng Chúa thôi: Chúa ban cho ai đó khả năng để viết lách thì người đó làm vui lòng Ngài khi viết lách, nhưng hãy luôn xin Chúa giữ gìn mình trong sự khiêm tốn, kẻo luống công vô ích.

Thu nhập và lợi ích. Có lần tôi gặp chị Thược (Rip), vừa là nhà truyền thông giáo phận BMT vừa viết cả báo đời, báo đời thì có thù lao; tôi hỏi chị ấy: thù lao của những bài báo có nhiều không? – Chị ta mỉm cười: “Có ai giàu nhờ viết báo đâu!”. Điều này rất đúng, nhất là với những nhà truyền thông Công giáo. Việc chăm sóc các trang Web Giáo phận hay Giáo xứ, nhìn bề ngoài thì rất hấp dẫn, nhưng với năm tháng thì đây là một gánh nặng thực sự, nên khó tìm người cộng tác là vậy. Có anh bạn làm việc ở trang Web gpbanmethuot, gia cảnh thì nghèo, vậy mà cứ phải đi đây đi đó suốt – có những chuyến đi xa và có ngày phải đi 3-4 lễ để ghi hình và viết bài. Nói vậy để chúng ta có sự cảm thông, nhưng đừng sợ, vì chính Chúa sẽ lo liệu cho ta khi ta lo cho công việc nhà Chúa. Chỉ sợ tâm mình không sáng thôi: khi tôi làm việc để tìm kiếm tiếng khen của người đời, thì họ đã trả công trọn vẹn cho tôi rồi. Ai đó có nói: khi bạn trình bày cho người khác một vấn đề gì đó thì bạn đã sắp xếp đầu óc bạn nên rõ ràng hơn, chính người viết lách được hưởng lợi trước hết.



Công việc của Thần Khí. Bạn đừng tưởng chỉ có các tác giả Sách Thánh được Chúa Thánh Thần soi sáng – gọi là được linh hứng, mà cả chúng ta khi đọc Kinh Thánh, khi  cố gắng truyền đạt những cảm nghiệm Tin Mừng, khi làm bất cứ việc gì … đều được Chúa Thánh Thần soi sáng. Bới vậy, mỗi ngày khi thức giấc, khi khởi sự một công việc, khi muốn cầu nguyện cho ai đó, khi muốn viết lách…chúng ta đều kêu cầu ơn soi sáng cho biết việc phải làm và xin Chúa giúp mình hoàn thành. Việc viết lách trên Web chỉ có hiệu quả cho người viết và cho người đọc khi có sự tác động của Chúa Thánh Thần, tự bản thân người viết trên Web cũng có nhiều hạn chế và cũng chẳng có kinh nghiệm nhiều về những cuộc gặp gỡ với Đấng Vô Hình, nhưng với chút nỗ lực của mình - cộng với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần - cùng với tác động của Ngài nơi người đọc, sẽ nảy sinh những hoa trái Chúa muốn. Có lẽ nhà truyền thông Công giáo nào cũng phải nhận ra sự thật này: chỉ khi mình khiêm tốn thì Chúa mới soi sáng và đổ ơn xuống, vì Thần Khí được ví như gió muốn thổi đâu thì thổi.

Trong Phật giáo, việc Đức Phật tìm được con đường giác ngộ được biểu hiện bằng việc ngài dùng ngón tay để chỉ mặt trăng, nhưng chúng sinh không chỉ nhìn về mặt trăng mà còn nhìn về ngón tay của người chỉ nữa. Đó cũng là một hình ảnh cho một nhà truyền thông Công Giáo: Điều chúng ta viết ra sẽ được người khác đối chiếu với cuộc sống của chính tác giả. Người viết không phải là thầy dạy mà cùng là học trò như những người đọc, họ cùng có chung một người Thầy là Đức Kitô và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì lý do đó đôi khi nhiều người viết thường dùng danh xưng ‘bạn’ với độc giả, cho dù tuổi tác có chênh lệch thì chúng ta vẫn là những người bạn đồng hành trên con đường nên thánh và trên hành trình dương gian. Một câu chuyện khác nói về một nhà truyền giáo ở Ấn Độ: vị truyền giáo nỗ lực rao giảng Tin Mừng trong một thời gian khá dài, nhưng xem chừng kết quả rất khiêm tốn;một tín đồ Ấn giáo mới nói với nhà truyền giáo: “Ông sẽ không thuyết phục được ai, nếu ông không trở nên một ‘linh sư’ như các linh sư trong Ấn giáo, linh sư là người chỉ vẽ một cách cụ thể cách bước đi trên con đường trọn lành. Nhà truyền thông cho giới bình dân thì đừng nói nhiều về lý thuyết thần học, trích hết các tông huấn và giáo luật, mà tốt hơn nên nói về những đề tài mà chỉ có những người ‘ở giữa quần chúng’ mới cảm nghiệm được, nhưng biết hướng những câu chuyện đời thường đó về điều tốt lành và phù hợp với Phúc Âm.



Cơ thể con người sống được là nhờ hai phách của tim và phổi: thu máu dơ về lọc – phát máu lành để nuôi; hít khí lành vào - thải khí dơ ra. Đó cũng là những phách của công tác truyền thông: biết ra đi lượm lặt tin tức, sàng lọc và nghiền ngẫm, để rồi truyền đi những sứ điệp nâng đỡ đức tin của anh em mình. Chúa khen người quản lý khôn ngoan biết lợi dụng những thứ cũ và mới trong kho của mình: nhà truyền thông giỏi biết lợi dụng tin tức thời sự trong nước và quốc tế, biết nạp vào trí mình những kiến thức giáo lý và thời sự Giáo Hội, biết thanh luyện con tim mình khỏi những tham sân si và những bận tâm vô bổ, và nhất là biết củng cố mối liên lạc thân tình với Chúa Giê su… có vậy mới nói ra điều Chúa muốn, mới trở thành cây viết chì dễ bảo.

 

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Không thấy mà tin

 



Chúng ta thường quen với ‘8 mối phúc’, nhưng qua câu nói của Chúa Giê su với ông Toma - đã nói đến mối phúc thứ 9 là “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Nếu đọc kỹ 4 sách Tin Mừng, chúng ta nhận ra 2 điều về sự kiện Chúa Phục Sinh: điều thứ nhất là các sách Tin Mừng chỉ ghi vừa đủ để ta tin, điều thứ hai là Chúa Giê su không có lời dạy nào ngoài lời nhắc lại “Đấng Ki tô phải chịu đau khổ mới vào vinh quang”, Ngài cũng chỉ hiện ra với số người hạn chế và cũng ít lần trong 40 ngày, tại sao thế - trong lúc sứ điệp Phục Sinh lại rất quan trọng và cơn khát cháy bỏng của Ngài là mọi người được ơn đức tin để được cứu độ?

Thưa là để ta được hưởng mối phúc thứ 9 này đây! Thiên Chúa là Đấng kín ẩn, không ai thấy Ngài mà chỉ thấy những ‘dấu vết’ Ngài để lại trên vũ trụ này, tựa như nhìn dấu chân còn in lại trên cát thì ta biết chắc rằng có một người vừa đi qua trên bãi biển. Thiên Chúa lại là Đấng tự hủy, nên cách hành động của Ngài thật khó nhận ra, ngay cả những người đương thời với Chúa từ lúc Ngôi Lời được sinh ra cho đến khi Ngài ra giảng dạy và chịu chết, họ cũng không giải quyết được câu hỏi ‘Đức Giê su là ai?”. Thiên Chúa là Tình yêu, một tình yêu tế nhị, cao thượng, tuyệt đối khôn ngoan, nên Ngài không muốn ép buộc con người tin – vì thế Ngài đã chọn con đường kín ẩn và tự hủy, cả trong mầu nhiệm Phục Sinh. Xin trích một đoạn trong bài giảng của Lm Trần Ngà:

Cách xử sự của Tôma cũng là cách xử sự thông thường của nhiều người. Người ta chỉ chấp nhận là có thật những gì mà người ta có thể xem bằng mắt, bắt bằng tay, những gì cân, đo, đong, đếm... được. Còn những gì người ta không thấy, bị xem như là không có. Khi tôi hỏi bạn bè: Tại sao bạn không tin Thiên Chúa, không tin có linh hồn, không tin có sự sống đời sau? Họ trả lời thật đơn giản: Có thấy đâu mà tin!

 

Thế nhưng, có nhiều điều chúng ta không thấy nhưng chúng ta vẫn phải nhận là chúng hiện hữu. Người ta không thể nhìn thấy tình mẫu tử nơi người mẹ, không nhìn thấy ý chí kiên cường nơi bậc anh hùng, không nhìn thấy trí khôn tuyệt vời của nhà khoa học (bởi vì tình yêu, ý chí, trí tuệ... là những thực tại vô hình, không màu sắc, không trọng lượng, không khối lượng)... nhưng không ai dám phủ nhận rằng những thực tại nầy không có.

 

Với đôi mắt trần nầy, tầm nhìn của người ta rất hạn hẹp, như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”. Với đôi mắt trần nầy, chúng ta chỉ nhận thấy một ít sự vật phù du mà thôi. Còn những điều quan trọng, những điều chính yếu thì không thể nhận thấy. Nhà văn Saint-Exupéry đã khám phá ra điều nầy, ông viết: "L'essentiel est invisible pour les yeux" (Thực tại thiết yếu thì mắt trần không thấy được). Do đó, nhân loại cần đến những con mắt khác, những con mắt thứ ba để nhận thức những thực tại cao siêu. Con mắt nầy giúp người ta nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn thấy điều thiết yếu, nhìn thấy chân lý...

 

Con mắt thứ ba của các nhà vi trùng học là ống kính hiển vi. Nhờ con mắt nầy, nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy vi trùng và những siêu vi cực nhỏ... Con mắt thứ ba của các nhà thiên văn là ống kính thiên văn, nhờ đó các nhà khoa học có thể thấy được những ngôi sao cách mặt đất đến mười tỉ năm ánh sáng... Con mắt thứ ba của các nhà quân sự là màn ảnh ra-đa, là vệ tinh quan sát... Chúng giúp các nhà quân sự nắm rõ địa hình cũng như các bí mật quân sự của đối phương nhằm đạt tới chiến thắng.Trong Phật giáo, con mắt thứ ba của nhà tu hành đạt đạo là huệ nhãn, giúp người ta thấy được những thực tại tâm linh siêu hình. Đối với Đức Giêsu, con mắt thứ ba mà Ngài mong muốn các môn đệ Ngài phải có là Đức Tin. Nhờ Con Mắt Đức Tin,” nhân loại có thể nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, nhận ra mình có hồn thiêng bất tử, biết mình có cuộc sống mai sau, có thiên đàng hoả ngục...

 


Chúng ta nhận ra rằng: cách hành động của Chúa Giê su Phục Sinh rất giống với cách Thiên Chúa hành động trong lịch sử cứu độ. Ông Abraham, ông Noe và Mẹ Maria được Thiên Chúa mời gọi đi vào một con đường chưa từng biết, chưa có ai để làm gương, nhưng cả ba Đấng đều có một điểm chung là ‘tin cậy hoàn toàn và vâng lời tuyệt đối’ với Thiên Chúa, các vị trở nên ‘’gương mẫu của kẻ tin’ vì đã kiên trì bước đi – dù không thấy gì phía trước, ngoài lời hứa của Chúa. Thiên Chúa cũng luôn xử sự với từng người chúng ta như vậy, rất kín ẩn và bí mật, Ngài cũng rất thường để linh hồn rơi vào ‘đêm tối thiêng liêng’, nếm trái đắng của thất bại, chịu sự hiểu lầm của người đời… để họ bám chặt hơn vào Ngài và chỉ biết tin cậy vào Ngài

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

Trở lại như xưa

 


            

Những ngày cuối tháng 4.2022, dịch bệnh có vẻ ổn định, một vài đám cưới đã được tổ chức, tiệc tùng linh đình, có người nói: “mọi sự đã trở lại như xưa, là một điều mừng”. Thế nhưng, nhìn về khía cạnh luân lý, chúng ta mong rằng cuộc sống phải khác xưa, có nhiều điều cần phải thay đổi - những điều mà ta đã nhận ra trong thời gian dịch bệnh. Vì nếu ta không thay đổi, không trở nên khác với những người không tin đạo, ta không thể làm chứng cho Chúa Phục Sinh.

 

Dịch bệnh đã phơi bày nhân loại như một thân thể đáng thương vì thiếu tình liên đới, tình người. Khi dịch bệnh tạm ổn, người người có cơ hội tham dự phụng vụ và một vài sinh hoạt xã hội, ta nhìn anh em với sự trìu mến và trân trọng, ta muốn gặp gỡ nhau - bù lại cho những tháng ngày bị cô lập. Dịch bệnh cũng đã phơi bày cho nhân loại thấy điều mong manh của phận người để họ biết nhìn đến cùng đích của đời người, rũ bớt tham sân si là những cái trở nên vô nghĩa khi người người nhiễm bệnh – nhiều xác chết, nhiều biến chứng hậu covit, nhiều trẻ em trở nên mồ côi vì mất hết người thân. Dịch bệnh cũng cho ta thấy những hình ảnh đẹp của tình liên đới, sự dũng cảm của đội ngũ nhân viên y tế, sự cứu trợ, các tình nguyện viên; dĩ nhiên cũng không thiếu những kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi – biểu hiện của cỏ lùng trong ruộng lúa.

 

Dịch bệnh là một điều không may và chúng ta đã tha thiết cầu xin Thiên Chúa cho dịch bệnh qua đi.Tuy vậy, với con mắt đức tin, ta có thể nhận ra rằng Chúa cho phép dịch bệnh xảy ra và Chúa muốn ta tận dụng cơ hội này để chắt lọc cuộc sống, điều chỉnh lại cách sống của mình cho tốt đẹp hơn. Ai đó đã nói: “Không ai tắm hai lần trong một dòng sông”, vì mỗi giây phút, dòng sông đã thay đổi và chính bản thân người tắm cũng thay đổi: thể lý, tâm sinh lý và tâm linh. Tuy ta sống trong một căn nhà, khung cảnh và người nhà vẫn vậy, nhưng mỗi ngày sống mở ra một trang sách mới, mỗi khắc giây hiện tại là quà tặng (present), ngày hôm nay khác hẳn hôm qua và không giống ngày mai. Người khôn ngoan thì biết nhìn lại cuộc sống mỗi ngày để điều chỉnh nếp sống ngày mai hoàn hảo hơn và đẹp lòng Chúa hơn.

Tôi không mơ mình có thể thay đổi được xã hội cũng như Giáo hội, tôi chỉ dám mong ước mình thay đổi được đôi điều về bản thân mình: cách nhìn cuộc đời, tâm tính, những thói quen đạo đức. Chính lúc tôi thay đổi nên tốt hơn một chút thì gia đình và xã hội sẽ thay đổi, đúng như lệnh truyền của Chúa: Các con là muối, là men và là ánh sáng cho đời. Nếu để ý một chút, chúng ta dễ nhận ra rằng: “Ăn năn hối cải, thay đổi cuộc sống cho phù hợp với Tin Mừng” cũng là một sứ điệp lớn của Kito giáo. Nhiều lần Chúa Giê su nói đến sự hối cải: Ta đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn hối cải; Triều thần thiên quốc sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải; Khốn cho các ngươi là những kẻ được chứng kiến nhiều phép lạ xảy ra, mà không ăn năn hối cải; Sứ điệp đầu tiên của Chúa Giê su là 'Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng; Sứ điệp cuối cùng của Ngài là 'Ta khát': khát ở đây là khát tình yêu, là ước mong cháy bỏng mọi người đón nhận ơn cứu độ Ngài mang đến.



Một nhà tu đức nói: Sống ở đời, không ai được hưởng  ‘hòa âm trọn vẹn”. Điều này muốn nói: chúng ta không sống tốt cho đủ với những người chung quanh, kể cả người thân thuộc. Điều quan trọng cho cuộc sống trần gian là nỗ lực trở nên trọn lành hơn, yêu Chúa tha thiết hơn và sống bác ái với anh em hơn. Về đức bác ái, có một lệnh truyền đáng phải suy nghĩ : “Điều con không muốn kẻ khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người khác”. Chúng ta không vui khi người khác làm ô nhiễm môi trường vì khói và rác, khi người khác mời đám cưới quá rộng, khi người khác nói xấu mình, khi người khác không cười với mình… Hãy thay đổi mọi sự từ chính mình và bạn sẽ thay đổi xã hội một chút, phần còn lại thì phải thích nghi thôi.

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2022

Chúa Phục Sinh

 



Có lẽ không một Ki tô hữu nào mà lại không tin rằng Chúa đã phục sinh, vì nếu Chúa không phục sinh thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết, như lời Thánh Phaolo nói. Nhưng điều quan trọng là ta phải sống niềm tin đó như thế nào, vì quả thật thế gian sẽ dùng mọi cách để thử thách xem điều đó có thật hay không.

Nói về Chúa Phục Sinh, có hai điều phải bàn tới, thứ nhất là gặp gỡ Đấng Phục Sinh và thứ hai là làm chứng cho Ngài. Theo các Tin Mừng khác thì các môn đệ còn tụ họp ở căn phòng tiệc ly một thời gian khá lâu rồi mới di chuyển về Galilee để chứng kiến Chúa lên trời, nhưng trình thuật của Tin Mừng Mattheu lại nhấn mạnh đến sứ điệp ‘Chúa hẹn gặp các môn đệ ở Galilee’. Galilee là vùng buôn bán thương mại sầm uất, pha tạp nhiều sắc dân, tiếp giáp với vùng Samaria và miền thập tỉnh của dân ngoại. Điều này nhắc nhở cho ta rằng: để gặp gỡ Chúa Phục Sinh, chúng ta phải ra khỏi nhà mình và mở lòng mình – gặp gỡ tha nhân, chính lúc đó Chúa Phục Sinh tỏ mình cho chúng ta. Ưu tiên phải gặp gỡ ai?- Những người thân trong gia đình là những người sống bên cạnh ta, nhưng ta có hiểu tâm tư và nguyện vọng của họ không; những người đau bệnh và bất hạnh trong cuộc sống, đang cần một lời động viên và một cuộc gặp thể hiện tình liên đới; những người ta không mấy thiện cảm và đang có mối bất đồng nào đó. Hãy đi ra khỏi nhà mình, hãy đưa một bàn tay mình ra và hãy nở một nụ cười với nhau, ta sẽ thấy ẩn hiện đâu đó khuôn mặt của Đấng Phục Sinh, vì Ngài đang sống giữa chúng ta – có điều là Ngài cải trang nên ta khó nhận ra Ngài.

Đức Phanxico mời gọi chúng ta phải thể hiện niềm vui Tin Mừng, không phải là đeo mặt nạ với niềm vui giả tạo rằng mình đang hạnh phúc, nhưng với niềm hạnh phúc vì mình được yêu thương, có Chúa là người Cha tốt lành, Chúa đồng hành và cứu ta khỏi cái chết của tội; niềm vui của kẻ biết rõ về số phận mình, cả hiện tại và tương lai. Cũng thế, chúng ta thể hiện niềm tin vào Chúa Phục Sinh bằng niềm vui sống, chính niềm vui sẽ lôi cuốn kẻ khác tìm được Chúa, chứ không phải là lời rao giảng bằng lý thuyết của những người mang vẻ mặt ‘đưa đám và của chiều thứ Sáu tử nạn’. Đức Bê nê dic tô 16 nói: Giáo hội phát triển không nhờ sự cải đạo, nhưng bởi sự hấp dẫn.

Có câu chuyện kể về một nữ tù nhân trong một trại giam, vào ngày lễ Phục sinh, đã hô lớn tiếng: “Chúa đã phục sinh! Chúa đã phục sinh”. Tiếng hô vang của cô đã làm bừng tỉnh nhiều tù nhân, là một niềm hy vọng đầy sức sống đã lóe sáng ở nơi đầy tủi nhuc này, là một sự dũng cảm trong một trại giam rất hà khắc với những biểu hiện của tôn giáo. Sau một lát im lặng nặng nề trôi qua, những người quản giáo xuất hiện, họ túm lấy cô gái – kẻ đã hô điều ‘nhảm nhí’ và lôi đi. Cô biến mất trong 2 ngày, sau đó được trả về trong tình trạng rất tệ, có điều lạ là khuôn mặt cô vẫn tươi tỉnh, cô mỉm cười nói: “Em đã làm chứng cho Chúa Phục Sinh”.

Đừng chờ những cơ hội đặc biệt để tuyên xưng niềm tin vào Chúa Phục Sinh, vì đa số chúng ta chỉ có những cơ hội bình thường để làm chứng cho niềm tin của mình. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói với chúng ta: “Ở nguồn gốc của việcm một Kitô hữu không phải là một lựa chọn luân lý hay một ý tưởng cao cả, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một người, là điều mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định”. Nếu theo đạo chỉ là một lý tưởng sống hoàn hảo, nó sẽ bị chao đảo bởi muôn vàn thách đố, sự lo âu sẽ vùi dập ta bất cứ lúc nào. Thế nhưng, Đức Giê su Phục Sinh là một con người thực sự, vì Ngài không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian – thế nên Ngài có thể luôn ở bên cạnh tôi và yêu thương tôi. Với niềm xác tín rằng ‘mình không cô đơn và mình được yêu thương, chúng ta mới luôn có được niềm vui, ngay cả trong gian lao thử thách của cuộc sống.



Nếu nói rằng Chúa đã phục sinh, chúng ta dễ cho rằng đây là một điều đã xảy ra trong quá khứ cách đây hơn 2000 năm, nhưng đúng hơn chúng ta phải hiểu thêm rằng Chúa Phục Sinh đang hiện diện bên cạnh tôi và cư ngụ ngay trong lòng tôi: Ngài đang đồng hành với từng người chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Rick Warren nói: “Nụ cười của Thiên Chúa là mục đích cuộc đời bạn, nên nhiệm vụ quan trọng nhất của đời bạn là khám phá cách làm Thiên Chúa vui lòng”. Không phải Chúa chỉ vui lòng khi bạn vào nhà thờ đọc kinh, cầu nguyện, giảng dạy… mà ngay cả những việc như ăn ngủ, nhìn ngắm, làm việc, vui đùa …cũng làm vui lòng Chúa khi bạn sống dưới con mắt Ngài và sống trong tâm tình ngợi khen.

Chúa Giê su Phục sinh luôn chủ động trong các lần gặp gỡ các môn đệ, Ngài chữa lành những vết thương lòng nơi họ, ban cho họ sự bình an của Chúa, và rồi ban sức mạnh Thánh Thần để họ lên đường loan báo Tin Mừng. Chính Chúa chủ động tìm kiếm từng người chúng ta để yêu ta thật nhiều, như cánh tay giang rộng trên Thập Giá đã diễn tả, để rồi Ngài thúc đẩy chúng ta sống trọn vẹn từng ngày Chúa ban tặng, trong ước vọng mãnh liệt là làm vui lòng Chúa trong mọi sự.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

Suy đi nghĩ lại trong lòng

 



Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn và Mẹ đã được thánh hiến để trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế. Ai cũng thích được tuyển chọn vì việc tuyển chọn thường gắn liền với những đặc ân. Trong bài Tin Mừng Lc 2,41-51, Mẹ không được miễn cho sự không hiểu những kế hoạch của Thiên Chúa đang thực hiện. Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng những lời Chúa truyền và những việc Chúa làm, nhờ đó đức tin nơi Mẹ được lớn lên.

Suy đi nghĩ lại trong lòng là một thói quen tốt, do tập tành mà có. Thói quen này liên quan đến sự thinh lặng nội tâm, đến sự hồi tâm, và là một yếu tố cần thiết cho sự lớn lên của tâm hồn. Con người thời đại thường trốn chạy sự thinh lặng, vì lúc đó họ phải trở về căn nhà nội tâm, phải đối diện với những câu hỏi không dễ trả lời về tội lỗi của mình, về sự sống sau cái chết. Để khỏi phải suy nghĩ, con người thường chọn lối sống ồn ào với giải trí, nghe và đọc bất cứ thứ gì, ăn nhậu hoặc tán phét lâu giờ. Nếu không tập thói quen suy đi nghĩ lại những câu chuyện đang xảy ra trên thế giới và của riêng mình, ta khó nhận ra những dấu vết của Chúa để lại, không hiểu được chương trình Chúa đang thực hiện và ta khó trở thành người sâu sắc trong nhận thức. Rick Warren nói: “Tai họa lớn nhất của lối sống hôm nay là cách suy nghĩ ngắn ngủi. Để có một cuộc sống tốt đẹp nhất, bạn phải giữ một cái nhìn liên lỉ về cõi vĩnh hằng trong tâm trí và phải ấp ủ các giá trị của nó trong tâm hồn".

Nếu chỉ dựa vào lý trí đơn thuần, con người không hiểu thấu nhiều vấn đề của thế giới siêu hình, và nhờ kho tàng mạc khải, ta có thể hiểu thêm một cách tương đối nhiều ‘sự thật’ về Thiên Chúa và về bản thân mình. Về Thiên Chúa: Ngài là Tình Yêu, chính tình yêu là chìa khóa giúp ta hiểu cách hành động của Chúa. Về bản thân ta: Rick Warren viết “Bạn được sinh ra trên cõi đời này là do Thiên Chúa muốn và dự liệu, không có gì là tình cờ và ngẫu nhiên cả. Có thể cha mẹ bạn không tiên liệu việc bạn ra đời, nhưng với Chúa thì có đấy! Người tạo dựng bạn để có thể yêu bạn. Cha mẹ bạn có đúng loại AND mà Thiên Chúa cần để tạo nên bạn”. Một nhà thần học kể lại một sự kiện hy hữu đã xảy ra với ngài: lúc còn nhỏ, ngài và đám bạn nhặt được một trái gì đó rất cứng, ngài chạy về nhà lấy được một con dao để bổ ra xem có gì bên trong; mẹ ngài lấy làm lạ nên chạy theo xem chuyện gì đang xảy ra, thì ra một đám trẻ con với một quả lựu đạn! Sau này, ngài cứ suy nghĩ mãi về biến cố này và hiểu được rằng Chúa cho mình sống là để phục vụ Ngài. Mỗi người chúng ta, nếu biết suy đi nghĩ lại, sẽ thấy những ơn lành Chúa ban cho mình là quá nhiều, có điều là mình thường quên cám ơn Chúa và đáp lại những hồng ân đó bằng một lối sống tốt đẹp hơn, yêu Chúa nhiều hơn.

Cách đây chừng 50 năm, các nhà khoa học rất hăm hở với lý thuyết: có thể có một hành tinh nào đó có sự sống, có con người, hoặc có những điều kiện để con người có thể di cư đến sinh sống. Sau những nghiên cứu và thử nghiệm họ nhận ra rằng: để sự sống có thể tồn tại, một hành tinh nào đó phải có khoảng 200 tiêu chí như trái đất đang có, và họ nhận ra rằng trái đất quá kỳ diệu và có sự an bài lạ lùng để con người sinh sống. Ví dụ: Khoảng cách giữa trái đất và mặt trời, khoảng cách mặt trăng và trái đất, độ lớn của trái đất tương ứng với tầng khí quyển. Một nguyên tắc chính giúp các nhà khoa học dựa vào để nghiên cứu vũ trụ là luôn luôn có một trật tự trong mọi sự. Khi thấy có một hiện tượng nào đó khác với những định luật đã được khám phá, các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu thêm và họ lại khám phá ra những định luật mới, rất trật tự và rất kỳ diệu, và nhiều nhà khoa học đã nhận ra Đấng Tạo Thành nên vũ trụ này. Có lẽ vì không còn hy vọng tìm được một hành tinh có sự sống, trong tỷ tỷ hành tinh trong vũ trụ này, ngày nay chẳng thấy ai nói đến đề tài này nữa. Khi nghe trình thuật Thương Khó của Thánh Gioan, chúng ta nhận ra rằng: Chúa Giê su là Đấng Cứu Thế, chính cuộc Thương Khó của Ngài đã hoàn thành biết bao điều đã được loan báo cả 1000 năm trước!



Mỗi người Kitô hữu, khi lãnh nhận phép rửa tội đều trở nên con cái Thiên Chúa, dòng giống được lựa chọn, nhưng không miễn khỏi những cám dỗ và những mù mờ trong hành trình đức tin. Hãy cầu xin ơn soi sáng, hãy dùng Lời Chúa để suy gẫm và xin Mẹ chuyển cầu để mỗi ngày tâm hồn ta trở nên đền thờ của Chúa và biết hiến dâng thân mình làm của lễ sống động thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa.

 

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

Đấng Cứu Độ

 



Ngày kia, một linh mục đang giảng tuần đại phúc; vừa kết thúc, một người lạ đến gặp ngài và nói, “Tôi không thích cách cha nói về thập giá; thay vì nhấn mạnh sự chết của Chúa Giêsu, tốt hơn, cha nên rao giảng về một Chúa Giêsu, người thầy và là một gương mẫu”. Vị linh mục trả lời, “Nếu tôi trình bày Chúa Kitô theo cách đó, anh có sẵn lòng theo Ngài không?”; “Chắc chắn tôi sẽ theo Ngài”, người lạ nói không do dự. “Được”, vị linh mục nói, “Hãy làm bước đầu tiên, Chúa Giêsu không bao giờ phạm tội! Anh có thể khẳng định điều đó cho chính mình không?”. Người đàn ông bối rối và có phần ngạc nhiên, “Sao? Không!”, anh nói, “Tôi tội lỗi”. Vị linh mục trả lời, “Đó, vậy thì nhu cầu lớn nhất của anh là có một Đấng Cứu Độ chứ không phải một gương sáng!”.

Bạn và tôi, chúng ta tin và theo Chúa Giê su trước hết vì Người là Đấng Cứu Độ, và vế sau là chúng ta nhìn vào cách sống của Người để uốn nắn đời ta nên giống như Người. Trong những bài giảng đầu tiên của Thánh Phê rô, được ghi lại trong sách CVTĐ, có những lời rất xác tín về vai trò cứu độ của Chúa Giê su: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng. Vì chưng, ở dưới vòm trời này, không có Danh nào khác mang lại ơn cứu độ”. Có lẽ không ai trong chúng ta nghi ngờ về công trình cứu độ mà Chúa Giê su mang lại, chỉ có điều chúng ta không muốn nghe và nghĩ nhiều về thập giá, vì khó nghe và nặng nề cho cuộc sống, vì đòi buộc ta phải thay đổi đời mình. Ngày xưa, các môn đệ cũng không muốn nghe Chúa báo trước về thập giá: các ông ngủ, các ông không hiểu và không muốn hỏi lại, thật đáng buồn.

Một trong những sinh hoạt đạo đức của Mùa Chay là ngắm 15 sự Thương Khó Chúa Giê su. Đây là một việc đạo đức tốt đẹp đã có từ lâu đời (có lẽ do các cha thừa sai soạn cách đây chừng vài trăm năm), nhưng hình như ngày nay người trẻ và những người có một ít kiến thức về thần học và giáo lý không còn mặn mà với việc đạo đức này. Tôi thường tiếp xúc với các bạn trẻ từ giáo phận Vinh vào Nam để làm kinh tế, họ còn giữ được nếp sống đạo của mình: dù ở xa nhà thờ, thì trong mùa chay, họ tổ chức ngắm nguyện tại rãy, thậm chí còn ngâm nga một vài đoạn trong khi lao động. Những lời ngắm này là một cách cầu nguyện, nâng hồn ta hướng về Chúa Giê su, biết ơn Ngài đã chết vì yêu ta và xin cho mình ơn chừa bỏ tội lỗi.

 

Những người chê việc ngắm thương khó và ít tham dự thường đưa ra vài lý lẽ như sau: nhiều tình tiết không có trong Tin Mừng, từ ngữ cổ hủ quá, dài dòng, ngắm đi ngắm lại cũng chỉ có chừng ấy thứ. Tôi cũng từng có những lập luận như vậy, nên đã chọn vài hình thức khác như: Đọc các trình thuật Thương khó trong 4 sách Tin Mừng, đọc lại các bài suy niệm 14 chặng Thánh Giá…, nhưng rồi cũng không mấy hiệu quả và không giữ được đều đặn. Gần đây đọc được một lời nhắc nhở của Thánh Gioan Thánh Giá: “Đừng bỏ qua một ngày mà không dành nửa giờ, hoặc ít nhất là một khắc, để suy gẫm về cuộc khổ nạn đau buồn của Đấng Cứu Rỗi của bạn. Hãy liên lỉ ghi nhớ những nỗi thống khổ của một tình yêu bị đóng đinh vì bạn!”. Cũng khá lâu rồi, các giáo xứ không có dịp ngắm 14 Đàng Thánh Giá và đọc Kinh Cầu Chịu Nạn. Chúng ta muốn theo một Đức Ki tô mà không có thập giá, nhưng điều đó là không thể, vì Người là Đấng Cứu Độ và Người đã chọn con đường thập giá. Chúa mời gọi: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”.

 


Đã có một thời, một vài linh mục đã tổ chức ngắm nguyện theo bản văn mới cho hợp thời hơn, đúng Phúc Âm hơn… nhưng không mấy hiệu quả, vì người giáo dân đã quen với bản văn cũ, nên thôi. Tôi thấy bây giờ bản văn đang ngắm có sửa đôi chút cho dễ nghe, rất tốt. Ví dụ: Hỡi Gioan, “Mẹ Thầy là Mẹ con”, thay cho câu “Bà ấy là Mẹ mày”. Còn những tình tiết như cơ binh đánh đòn Chúa là 666 người, đánh mỏi tay và nhiệt tình mà Chúa lại không chết – mà còn ước ao chịu hơn nữa, 72 cái gai thì lọt vào óc… thì đó là những tình tiết thêm vào để cho dễ tưởng nghĩ, và xét cho cùng cũng chẳng trái Phúc Âm và chẳng lạc đạo! Thôi, đừng suy luận và bàn cãi mãi mà làm chi, cứ xét đến giá trị thực tiễn là việc nguyện ngắm bình dân này giúp cho lòng đạo mình tăng tiến là được rồi. Các nhà thần nhiệm họ có thể cầu nguyện cả tiếng đồng hồ mỗi ngày, còn người bình dân thì chọn cách phù hợp với mình là được.

 

Khi một người vừa qua đời, những người đến thăm thường gặp gia chủ và nghe họ kể lại những việc xảy ra trong giai đoạn cuối đời và những lời trăn trối của người thân, có kẻ còn quay video để lưu giữ. Chúng ta không thể so sánh việc đó với những kỷ niệm về cuộc thương khó của Chúa Giê su, vì Ngài là Đấng Cứu Độ nhân loại, Ngài đã chết vì tội tôi: tôi có trách nhiệm trong cái chết của Ngài, tôi được trở thành con cái Thiên Chúa là nhờ Ngài. Còn một điều nữa phải nói đến: giai điệu tình yêu ưa thích sự lặp lại. Lý trí thường tìm cái mới mẻ - hiệu quả, nhưng con tim có lý lẽ riêng của nó, và những hành động yêu thương cùng những lời nói yêu thương không trở nên nhàm chán, dù lặp lại mỗi ngày. Mỗi sáng, Chúa nói với mặt trời ‘hãy lặp lại lần nữa’ và mặt trời hé mọc ở phía Đông; một người mẹ nựng con trên đầu gối ưa thích sự nhún nhẩy của con được lặp lại lần nữa; một đôi vợ chồng mỗi sáng đền nặn kem đánh răng cho nhau; người vợ chuẩn bị cơm nước cho gia đình, người chồng vất vả trên nương rãy, biết bao cử chỉ vợ chồng và con cái chăm sóc nhau trong gia đình… đều là sự lặp lại mỗi ngày trong biết bao năm trời, nhưng mang âm điệu du dương vì là biểu hiện của tình yêu.

 

Chúng ta xác tín răng: Đức tin là hồng ân nhưng không của Chúa ban cho mình, mỗi ngày ta dâng lời tạ ơn Chúa. Nhưng hằng ngày, ta phải luôn cầu xin Chúa ban thêm đức tin cho mình và những người thân thuộc nữa, để ta luôn bám chặt hơn vào Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi gian lao thử thách, biết nhìn lên thập giá Chúa để được thêm sức mạnh vì Chúa đã trải qua đau khổ và Chúa là Đấng Cứu Độ.

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

Người phụ nữ hiện đại

 



Có lẽ phong trào đấu tranh cho nữ quyền, cộng với nếp sống văn minh hiện đại đã dẫn đến nhiều suy nghĩ thái quá về tự do và hưởng thụ, đề cao vật chất và đánh mất nhiều giá trị về tinh thần, thỏa mãn ước mơ của chính mình và đánh mất tình nghĩa với những người thân thiết. Ngày nay, nhiều gia đình trẻ nảy sinh những mâu thuẫn lớn từ trong quan niệm sống và nhiều bạn trẻ luôn miệng nói đến ly dị như một giải thoát cho cuộc đời, và theo một bản thống kê gần đây, ở VN có đến 70% các vụ ly hôn là do phụ nữ đứng đơn. Nhiều vấn đề được đặt ra cho những tình cảnh này, nhưng ở đây chúng ta chỉ bàn đến việc định hướng cho cuộc đời và ơn gọi của bậc hôn nhân.

Cách đây hơn 10 năm, có một tác phẩm tu đức nổi tiếng của mục sự Rick Warren được cha Minh Anh dịch sang tiếng Việt là Sống Có Định Hướng. Chỉ xin trích một vài đoạn để nói đến việc định hướng cho cuộc đời. Mục đích đời bạn thì muôn phần cao cả hơn những gì mà cá nhân bạn thành đạt, hơn cả bình an nội tâm và hơn cả hạnh phúc của chính bạn. Mục đích đó muôn phần cao cả hơn gia đình, nghề nghiệp và cả những ước mơ hay những tham vọng cuồng si nhất của bạn. Nếu bạn muốn hiểu tại sao bạn được đặt trên hành tinh này, bạn phải bắt đầu với Thiên Chúa, bạn được sinh ra bởi mục đích của Người và cho mục đích của Người. Nếu bạn đặt khởi điểm từ bản thân mình như: Tôi muốn làm gì, tôi phải làm gì với cuộc đời tôi, đâu là mục tiêu của tôi, đâu là tham vọng của tôi, đâu là ước mơ của tôi, đâu là tương lai của tôi… thì chúng ta sẽ không tìm thấy mục đích đời mình, vì “Chính Thiên Chúa nắm trong tay hồn của mọi sinh vật cũng như hơi thở của tất cả phàm nhân( Giop 12,10).

Còn một điểm nữa phải bàn tới đó là ảo ảnh. Có câu chuyện kể về một tiểu đội lính bộ binh bị lạc đường trong sa mạc, họ sắp chết khát; người dẫn đường vẫn kiên quyết dẫn họ theo lộ trình đang đi, nhưng nhiều người trong họ đã nhìn thấy những dấu hiệu của nước ở hướng khác; cuộc nổi loạn đã xảy ra và người ta giết chết người dẫn đường, để đi về hướng họ thấy nước; nhưng đó chỉ là ảo giác và cả một tiểu đội đã chết khát. Ở vườn Địa đàng, chuyện cũng xảy ra như vậy : ông bà Nguyên tổ cũng bị con rắn mê hoặc về một hạnh phúc giả tạo là ‘được thông biết bằng Thiên Chúa – không còn lệ thuộc vào Ngài’, nếu họ ăn trái mà Chúa đã cấm… và họ đã bị vỡ mộng. Ma quỷ cũng đang rình rập và vẽ ra những ảo mộng về hạnh phúc và tự do cho từng người chúng ta. Có lẽ con người là ‘con vật’ duy nhất biết mơ ước và chính những hy vọng sẽ làm cho đời người nên phong phú; nhưng phải biết phân biệt những soi động nào là của Thần Khí và những xung động của ma quỷ, xúi người ta nghiêng về điều trái. Người ta thường có khuynh hướng đứng núi này trông núi nọ, cứ thèm khát hạnh phúc của người khác và không bằng lòng về những gì mình có. Người độc thân thì mơ hạnh phúc của đôi uyên ương, trong khi đó kẻ có gia đình lại mơ cái tự do của kẻ độc thân, nhưng tu đức dạy rằng: Hãy chọn cho đúng ơn gọi Chúa dành cho mình và kiên trì trong ơn gọi đó, với sự trợ giúp của ơn Thánh.

Trên bình diện tự nhiên, để sống cho ra con người thì không có bậc sống nào là dễ dàng cả;  và trên bình diện ơn sủng thì không có bậc sống nào là ít thập giá hơn. Vấn đề quan trọng là biết bằng lòng với những gì mình có và trung thành với những chọn lựa về bậc sống : khi đã khấn trọn, khi đã lãnh chức phó tế, khi đã có lời thề hứa Hôn Phối. Thật thâm thúy câu  nói của Thánh Kinh: “Không tốt, nếu người chỉ có một mình. Ta sẽ làm cho nó cái gì trợ giúp tương đối với nó”. (Kn 2,18) Sau đó Thiên Chúa đã tạo dựng nên người đàn bà . Điều đó muốn nói với chúng ta rằng cuộc sống mỗi người sẽ không triển nở khi khép lại nơi bản thân mình, nó chỉ trở nên phong phú khi có mối tương giao với người khác. Hiện nay, có nhiều người chọn bậc sống độc thân, không đi tu mà cũng không kết hôn, cả những người này nữa nếu họ có những hoạt động đóng góp và phục vụ tha nhân thì cuộc đời họ rất phong phú, nhưng nếu họ khép lại nơi bản thân thì cuộc đời họ giống như ao nước tù đọng. Nếu một người chọn lối sống cộng đoàn như tu trì hay chọn bậc sống gia đình, nhưng nếu lòng họ chỉ biết vun vén cho bản thân thì hạnh phúc cũng chắp cánh bay xa và họ cũng chỉ luôn sống trong ảo mộng của hạnh phúc và tự do mà thôi. Hãy nghĩ đến mơ ước của Thiên Chúa về cuộc đời mình, hãy nhìn người thân yêu mình như quà tặng hơn là gánh nặng, hãy nghĩ đến họ như những nhân vị để yêu thương hơn là những đồ vật giúp mình thỏa mãn những cơn khát – dùng xong thì vứt bỏ, hãy mở mắt tâm hồn để thấy những cử chỉ đẹp ‘đằng ấy’ làm cho mình và mở lòng để liên tục tha thứ cho nhau, vì Chúa đã tha thứ cho mình quá nhiều.

Đức Phan xi cô hỏi: “Bạn có thường cầu nguyện cho người bạn đời của mình không?”. Cầu nguyện điều gì? – Cầu cho bạn mình được mạnh khỏe, vui vẻ; Xin Chúa chúc phúc cho tình yêu của chúng con hôm nay và mãi mãi; Nguyện cho cả hai chúng con được sống khang an tới tuổi già; Cầu cho người bạn đời và con cái  biết bằng lòng với cuộc sống, với những gì đang có. Một nhà tu đức đã nói: Kinh Lạy Cha là ma trận của kinh nguyện Ki tô giáo, trong mọi hoàn cảnh, bạn có thể đọc Kinh Lạy Cha để cầu nguyện, chắc chắn đây là lời kinh giá trị nhất và được Chúa ưa thích nhất. Hãy cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ, vì “ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã”.