Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Ngẫu tượng




Đức Phanxicô đã nói về xã hội đương đại: Ngày nay tiền bạc được tôn thờ như một ngẫu tượng, sự thành công và nổi tiếng cũng là một ngẫu tượng. Người ta đánh giá một con người bằng tiền bạc và sự thành công, người ta còn đồng hóa sự thành công với đạo đức và sự kính trọng nữa. Trong chương trình ‘Chuyện chưa một lần được kể’ được trình chiếu trên truyền hình, những nhân vật thành đạt thường được mời phỏng vấn, những con người nầy quả thực đã trở nên những thần tượng cho nhiều người trong xã hội, nhất là người trẻ: nhiều người thèm muốn được nhiều tiền, nhiều danh và nhiều tình như họ ! Truyền thông người ta chỉ đề cập đến thành công và tuyệt nhiên không nói đến khía cạnh đạo đức, vì một xã hội duy vật và hưởng lạc chẳng hơi đâu mà nói tới chuyện đạo đức.

Mới đây, tôi được xem qua cuộc nói chuyện của anh Bờ Vai với anh Huỳnh Trấn Thành (người dẫn chương trình, diễn viên hài, diễn viên điện ảnhdiễn viên lồng tiếng). Sự  nghiệp của anh thì vẻ vang rồi, nhưng đời sống tình cảm của anh thì có vấn đề, mới 29 tuổi đầu nhưng ít nhất là đã chung sống với 4 người, anh kể về đời sống tình cảm như là một phong cách sống thời thượng: rất nhẹ nhàng và rất bình thường. Tiêu chí bạn đời của anh được tóm lại trong 4 điểm:
-Chăm chỉ làm việc, đồng nghĩa với việc có thu nhập.
-Biết hưởng thụ đồng tiền mình làm ra.
-Anh luôn bảo vệ suy nghĩ của mình, không nhượng bộ, chồng bảo thì vợ phải nghe vì mình đã suy nghĩ kỹ (một hình thức độc tài, gia trưởng). (những chữ trong ngoặc là suy nghĩ của người viết).
-Quan điểm sống, nếu không hợp thì chia tay, đôi lúc không cần phải nói mà cứ âm thầm rút lui, không giận dữ oán trách nhau khi đường ai nấy đi (vô trách nhiệm. Quan điểm sống ở đây là một từ rất rộng, có thể hiểu về ý nghĩa hôn nhân và đời người, tôn giáo, giáo dục con cái, và cả về 3 điểm trên).

Việc truyền hình đưa lên những chương trình phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng: ca sĩ, người mẫu, danh hài, người dẫn chương trình chẳng có gì sai cả. Nhưng đúng là truyền thông là con dao hai lưỡi. Đức Phanxicô nói: “Thế giới kỹ thuật số là một quảng trường, là nơi gặp gỡ mà ở đó người ta có thể yêu thương hay gây đau thương, tham gia một cuộc thảo luận bổ ích hay ném đá nhau tàn nhẫn. Truyền thông, dù ở đâu và bằng cách nào, cũng mở ra những chân trời rộng lớn hơn cho nhiều người. Ðây là quà tặng của Thiên Chúa kèm theo một trách nhiệm lớn lao” (hết trích). Các danh hài và những người thành đạt đã trở thành thần tượng cho nhiều người trẻ: họ mơ được nên giống phần nào về giàu sang và sống thoải mái như những người thành đạt đó, nhưng ẩn số nằm sau sự thành đạt là lối sống phóng khoáng về luân lý! Một lối sống hưởng thụ được xã hội đề cao sẽ làm cho con người thời đại xa dần đạo lý: chung sống mà không kết hôn, sống độc thân để không phải chịu trách nhiệm xã hội.

Tôi nhớ đến có một câu chuyện kể về một vị trạng nguyên nào đó được vợ nuôi ăn học từ khi còn nhỏ. Nhà vua muốn gả con gái cho vị tân trạng nguyên, nhưng vị ấy đã khẳng khái nói với vua: “thần đã có vợ từ khi còn trẻ, vợ đã giúp thần thành tài là có ý muốn nhờ cậy lúc về già, nay làm sao phụ lòng được. Xin nhà vua minh xét, thần xin đội ơn vua”. Gia đình được Giáo hội và xã hội đề cao như là tế bào căn bản, nếu gia đình lành mạnh thì xã hội và Giáo hội khỏe mạnh. Thế nhưng, ngày nay gia đình đang bị những trào lưu ngoại giáo tấn công: lòng ích kỷ và dửng dưng, tiền giá trị hơn tình, ly dị và đồng tính. Ngẫu tượng thành công và tiền bạc dường như đang muốn đánh bại lâu đài hôn nhân Kitô giáo: yêu thương, chung thủy suốt đời và giáo dục con cái theo giáo lý Kitô.

Ma quỷ như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Người Kitô hữu phải biết dùng Lời Chúa và đời sống cầu nguyện để đáp trả lại các cuộc tấn công của ma quỷ, đừng như cây sậy ngả nghiêng trước những cơn lốc cuộc đời. Chúa nói với ta rằng: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi” (Mc 4,24). Trước đây tôi cứ hiểu chuyện ‘đong bằng đấu nào’ ở đây là chuyện công phúc và chuyện đối xử với tha nhân, nhưng ở đây thực sự Chúa đang nói tới việc chúng ta chuyên chăm đọc và suy gẫm kho tàng Lời Chúa thế nào, có biết đầu tư sự khao khát, thời gian đọc và cầu nguyện với Lời Chúa hay không.

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Lời chứng




Lời Đức Phaolô VI: ““Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Trong vài tháng gần đây, giáo dân vùng Dakmil có hai dịp được thấy vị cha chung Vinh Sơn trong vai trò nhân chứng về đức khiêm nhường và khó nghèo. Dịp trước, Ngài về dâng lễ tang cho thân mẫu của một sơ thuộc giáo xứ Đức Lệ, hôm ấy ngài đi xe bus và gọi một ông xe ôm chở đến nhà thờ. Dịp sau Ngài cũng đi xe bus, ghé vào nhà cầu nguyện cho thân mẫu của một linh mục và một sơ thuộc giáo xứ Vinh Hương, thăm viếng và chuyện trò trong giây lát, ngài lại tiếp tục đi bộ đến trạm xe bus gần đó để về lại nhà, dù cho nhiều người nài ép ngài lên xe otô để họ chở về. Người giáo dân rất cảm kích trước cách hành xử của đức cha Vinh Sơn: từ bỏ mình để đi xe công cộng, nêu gương khiêm tốn và khó nghèo. Đức cha Vinh Sơn nói với một ai đó rằng Ngài làm thế là vì muốn sống lòng thương xót.

 Quả đúng như vậy, muốn được hưởng lòng thương xót thì mỗi người phải ý thức thân phận tội lỗi yếu hèn của mình và lòng thương xót thúc đẩy mình biết trao ban cho anh em. Người ta không thể thương xót khi cứ khư khư nắm giữ tất cả, tích trữ cho mình mọi lợi lộc và đặc quyền, mải đua đòi giàu sang và vinh dự mà quên mất người nghèo. Đúng là phong cách Phanxicô đã được cụ thể hóa nơi một vị giám mục, mừng lắm thay. Đức Phanxicô cũng thường xuyên đi xe công cộng, không cần kẻ rước người đón và thiếu nhiều tiện nghi nội thất. Ngài thường xuyên có những cuộc thăm viếng đến những người nghèo, nhà tù, nhà dưỡng lão, nơi chăm sóc người khuyết tật. Ngài không sợ mất mạng khi đi xe mui trần để được tiếp xúc với dân chúng, kể cả trong những chuyến thăm mục vụ đầy bất trắc ở Tây Á vừa qua.
Thánh Phaolô nói : “Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, nhưng không có sự chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau: (Eph 12,25). Như vậy, Trong thân thể Chúa Kitô, mỗi người tùy theo ân điển Chúa Thánh Thần và tùy theo chức vụ mình mà xây dựng cộng đoàn. Những người đã chịu phép rửa gồm có các giám mục, linh mục và giáo dân. Các giám mục rất quan trọng, là đại diện cho 12 tông đồ, là những cột trụ trên đó Giáo hội được xây nên, bởi đó cả giáo phận hằng ngày đều phải cầu nguyện cho các ngài được bước theo Thần Khí, khôn ngoan và thánh thiện. Nhưng còn các linh mục thì sao?- Người giáo dân thỉnh thoảng mới cầu nguyện cho các ngài được sống thánh thiện, nhưng nhiều người hằng ngày lại nói xấu các ngài, muốn tố cáo nếp sống mà họ không ưa của ngài với TGM, không muốn sống thân thiện và gặp gỡ ngài. Đúng như có lần đức Phanxicô có nói: “Làm linh mục khó hơn giám mục vì hằng ngày phải trực tiếp gặp gỡ giáo dân với nhiều công việc mục vụ”. Những lời xầm xì về linh mục quản xứ là một hiện tượng xảy ra trong nhiều giáo xứ. Một phần do cung cách sống và làm việc của linh mục, nhưng phần khác là do ma quỷ hoành hành và gây chia rẽ. Vậy hãy tập thói quen tốt là đừng bép xép lên án về cha quản xứ của mình, ngài là đại diện của giám mục để chăm sóc mục vụ trong giáo xứ, chuyện của linh mục là chuyện của ‘bề trên’ còn tôi là ai mà dám lên án anh em?  Nếu một ai đó đang nói xấu người khác thì nếu mình không can thiệp được thì cách tốt nhất là ‘tẩu vi thượng sách’ để khỏi mang tội nói xấu.


Nói xấu linh mục là cách nhanh nhất để triệt tiêu ơn gọi trong cộng đồng dân Chúa và thật bất công khi có vô số linh mục dấn thân truyền giáo, sống khó nghèo, đạo đức, tử vì đạo mà chẳng được nhắc đến !

Hành động tốt của đức giám mục Vinh Sơn có một sức mạnh lan truyền. Nếu bạn không làm được việc tốt để xây dựng thân thể Chúa Kitô thì cũng đừng chích thuộc độc cho thân thể đó. Nếu như có ai đó đang muốn tìm hiểu và gia nhập đạo mà chứng kiến cảnh người giáo dân nói xấu linh mục của mình thì việc đó sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào ? Hãy nhớ lời thánh Gioan Thánh Giá: “Vào buổi xế chiều của cuộc sống, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”. Sách GLHTCG dạy rằng: “Bởi vì bất cứ ai đến gần Thiên Chúa đều phải tin rằng Ngài hiện hữu và Ngài ban phần thưởng cho những kẻ kiếm tìm Ngài” (Dt 11,6). Tin vào Chúa hàm nghĩa rằng tất cả những gì chúng ta làm, hoặc không chịu làm, đều có ý nghĩa với Thiên Chúa.

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Danh vọng hão huyền




Tôi đi dự một buổi họp phụ huynh cho đứa con đang học ở một trường trung học. Giáo viên chủ nhiệm chủ trì buổi họp. Sau khi đã trình bày tình hình chung của trường, của khối và của lớp, thì đến phần nhận xét mỗi em học sinh về học tập, đạo đức, cá tính và phần đóng góp vào các sinh hoạt trường.

Nghe phần nhận xét của giáo viên về đứa con mình yêu dấu có lẽ là phần hấp dẫn và được chờ đợi hơn cả. Tuy chỉ là một trường trung học ở một xã vùng quê, nhưng tôi có cảm tưởng rằng: đây là một lớp ‘siêu sao’: đa số học sinh có khả năng tiếp thu quá tốt, một số em xây dựng bài tích cực, ngoan hiền, tháo vát và nhan nhẹn trong các sinh hoạt lớp, một số em thi đua các phong trào thể dục thể thao hoặc thi học sinh giỏi cấp trường… Trong khi đó phần tiêu cực rất nhỏ: một vài em hay nói chuyện riêng, hoặc nghỉ học không có phép. Tôi như người đi trên mây, tưởng tượng rằng: những học sinh của ‘lớp chọn’ nầy sẽ làm nên kỳ tích cho xã hội khi chúng lớn lên. Nhưng rồi tôi nhớ lại những lần họp phụ huynh học sinh các năm trước, các giáo viên chủ nhiệm của các lớp khác cũng có thói quen tô hồng thành tích các em như vậy. Hóa ra đây là thói quen của xã hội: bệnh ham thành tích, chuộng lời khen, thiếu trung thực. 

Khi nói về giáo dục, một nền giáo dục được xem là thành công khi kích thích được trẻ phát triển những khả năng sẵn có nơi chúng hơn là o ép chúng vào khuôn mẫu ta muốn. Xét như vậy thì việc đề cao những khả năng trẻ là việc tích cực và nên làm, nhưng quá đề cao khả năng của trẻ sẽ tạo nên ảo tưởng cho trẻ và phụ huynh, lâu dài sẽ tạo nên một lối sống giả dối và bệnh thành tích, tự ái quá cao. Một vị tổng thống Mỹ được mời phát biểu trong ngày các em nhận bằng tốt nghiệp đã nói: các em được xã hội và gia đình bao bọc quá kỹ, các em chưa chứng tỏ được gì nhiều, chỉ là người bình thường như bao người khác, mọi sự đang nằm ở phía trước và các em phải chứng tỏ mình bằng việc đóng góp cho xã hội. (Tôi tìm chưa được nguồn của bài phát biểu nầy, chỉ biết rằng bài diễn văn nầy rất gây sốc, nhưng người Mỹ là như vậy: họ dám nói thẳng vấn đề).
Trên bình diện tu đức, khi con người tự tin quá mức và không biết quỳ gối cầu xin ơn Chúa, thì người đó sẽ không được Chúa xót thương. Có những người muốn tìm hiểu đạo để lập gia đình, đã học xong khóa dự tòng, nhưng có ước vọng rằng: khi nào hiểu thấu đáo ngọn nguồn giáo lý đã mới nhập đạo. Nhưng đạo là con đường dẫn ta tìm được Chân Lý và Kitô giáo là đạo của Mạc Khải, bởi đó con người phải liều bước đi trong đức tin và phải biết quỳ gối xuống trước Thượng Đế cầu xin ơn soi sáng. Nếu một người cứ đứng ngoài tòa lâu đài để quan sát thì chẳng bao giờ biết rõ về nó và nếu một người cứ đứng thẳng muốn dùng lý trí để phân tích giáo lý Kitô giáo một cách rành mạch thì chẳng ích gì, vì Chúa Giêsu đã nói: “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”. Quả vậy, có những mầu nhiệm trong đạo mà lý trí chỉ hiểu phần nào và ta chi hiểu thấu khi sang bên kia thế giới: tội tổ tông, đau khổ, sự dữ, Chúa quan phòng, những mầu nhiệm nước trời, thiên đàng – hỏa ngục… Tiên tri Isaia diễn tả: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.(Is 55,9).

Khen tặng và biết ơn nhau là tốt, nhưng lời khen cũng có những tác dụng phụ ngoài mong muốn: vuốt ve lòng tự cao tự đại trước anh em và Thiên Chúa, kích thích lòng thèm khát danh vọng: lối sống giả dối và lập thành tích. Chúa Giêsu mời gọi ta hãy đến với Ngài để được bổ sức và để học với Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Chúa đã cầu nguyện với Cha: “Lạy Cha, con ngợi khen Cha vì đã mạc khải mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn”. Muốn được hưởng lòng xót thương Chúa, con người phải ý thức mình là kẻ có tội cần được xót thương, biết sự yếu hèn của mình, biết quỳ gối trước Thượng Đế để hoàn toàn tin tưởng vào Ngài.

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Lo lắng và bối rối về nhiều chuyện




Trong một lần viếng thăm nhà của 3 chị em Matta-Maria và Lazarô, Chúa Giêsu đã đem ra một lời khuyên rất thực tế cho đời người, là một trong những chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa hạnh phúc: “Matta ơi, con lo lắng và bối rối về nhiều chuyện, chỉ có một chuyện cần thiết thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất, phần đó không ai lấy mất được”. (Lc 10,41). Nói theo cách nói của con người đó là sống đơn giản thôi, sống tốt giây phút hiện tại, lo chuyện chính yếu và trong khả năng thôi.

Trong câu chuyện 2 chị em Matta và Maria, Chúa dạy ta đừng quá lo lắng việc của Chúa mà quên mất chính Chúa: Maria đã chọn phần tốt nhất. Cô chị Matta tất bật với việc tiếp đãi Chúa và các môn đệ, nào là chuẩn bị thức ăn thức uống cho hơn 15 người, nào là dọn dẹp nhà cửa, vậy mà cô em cứ ngồi mà nói chuyện với Chúa. Nhiều khi ta phục vụ Giáo hội rất tất bật, nhưng hãy xét xem ta hành động vì mục đích gì: để danh Chúa cả sáng hay để thể hiện cái tôi, ta có biết tìm kiếm Thánh ý Chúa hay vì chiều ý riêng mình? ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận, khi ngồi trong tù với bao nhiêu kế hoạch phục vụ Giáo Hội, nhưng không thể làm gì được; Ngài rất bất an, nhưng sau khi khám phá ra nguyên tắc “chọn Chúa chứ không phải công việc của Chúa’ thì tìm lại được an bình nội tâm.

Khi nói về Chúa quan phòng, Chúa nói: “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”. Khi nói về những ví dụ về nước trời, Chúa lại nói: “Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. (Mt 13,22). Thế đó, ta lo lắng làm ăn nuôi sống gia đình, lo gìn giữ sức khỏe, lo nuôi dạy con cái… nhưng cũng đừng quên nuôi dưỡng tâm linh, suy niệm Lời Chúa và phó thác đường đời cho Chúa.

Còn một chuyện cũng rất đáng lo liệu nữa: chuẩn bị cho cuộc hẹn hò với Tình Quân. Nhiều lần Chúa dạy ta phải sẵn sàng và tỉnh thức, vì vào lúc ta không ngờ thì Con Người sẽ đến.Cuộc đời dường như càng ngày càng bận rộn: chuyện làm ăn, chuyện tiệc tùng, các mối quan hệ, đam mê công nghệ kỹ thuật, du lịch giải trí, khám chữa bệnh, đưa đón con cháu đến trường. Bận đến nỗi sau một ngày sống thì thân xác mệt nhừ và tâm hồn bại hoại, không còn nhiệt tình để gặp gỡ Chúa và hồi tâm xét mình, và thế là cuộc đời ta bị lệch hướng: biết những cái không cần biết và không biết rõ những điều cần phải biết. Khi nói về ngày lìa cõi thế, Chúa dạy: “"Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34).

Có những thứ ta phải lo nhưng đôi khi ta lại không lo:  người có vợ thì lo lắng việc đời và lo làm hài lòng vợ; Người sống đời độc thân và các trinh nữ thì lo việc Chúa và đời sống họ không bị phân chia; người trong cùng một thân thể thì phải biết lo lắng cho nhau, người mục tử thì lo lắng cho đoàn chiên được mạnh khỏe:” Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ (1P5,2).

Lo lắng buồn phiền là nguyên do của nhiều căn bệnh nan y, kể cả ung thư. Để cuộc sống thảnh thơi nhẹ nhàng một chút, thỉnh thoảng hãy nhớ Lời Chúa: “Con lo lắng và bối rối nhiều chuyện quá”, để trút bớt gánh nặng của lo âu về tương lai và quá khứ, gánh nặng của ôm đồm những thứ không mấy quan trọng, gánh nặng của ghen tương bất hòa, gánh nặng của tham lam công việc… để biết phó thác cho Chúa định liệu và hướng đôi mắt về quê trời. Nhưng nếu ta không lo lắng đến phần rỗi linh hồn và lo sống đạo hạnh thì chắc chắn sẽ dẫn đến hậu họa khôn lường.

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Thần tượng




Trong cuộc đời, có những người gặp được thần tượng có thể làm cho cuộc sống họ chuyển hướng, nhưng con người cũng thường thần tượng hóa một mối tình trong mộng hay một bóng hình đã khuất. Ở tầm mức xã hội, người ta thần tượng hóa một số lãnh tụ như một lá bùa hộ mệnh; nhưng trong một xã hội thu nhỏ, người ta cũng thường thần tượng hóa một vài cá nhân một cách quá mức, tựa như một sự tiếc nuối vì nay kẻ ấy đã đi xa.

Có những người có đầu óc lãng mạn trong tình yêu, dù đã lập gia đình đến vài chục năm và có con đàn cháu đống, nhưng trong tâm tưởng lại cứ tiếc nuối mối tình đầu và cho rằng mình chỉ yêu một lần: cuộc sống chung bây giờ chỉ là vì nghĩa vụ bắt buộc. Họ ước mơ sống với mối tình đầu, nhưng thực ra nếu họ được toại nguyện trong tình yêu thì có lẽ họ đã vỡ mộng, thế mới có câu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Tình đẹp là đẹp trong mơ và trong mộng, còn trong thực tế thì cái đẹp của tình chỉ là tương đối, đẹp trong bổn phận và trong tình người.
Có những vị linh mục hay một vị lãnh đạo tập thể có một nếp sống đẹp và chuẩn mực, nhưng nay họ đã khuất bóng hay đã đi xa, cộng đoàn tiếc nuối và họ trở thành thần tượng để so sánh với người đương nhiệm. Tưởng nhớ và học tập những gương sáng người xưa để lại là điều tốt và nên làm, nhưng để nản lòng vì thực tế không được như xưa là một điều không hay, hóa ra mình chưa trưởng thành. Thánh Ambrosiô đã giảng trong lễ tang của em mình một câu rất tuyệt vời: “Đừng hỏi tại sao Chúa đem anh ấy đi, nhưng hãy tạ ơn Chúa đã ban anh ấy cho chúng ta”. Câu nói nầy đáng cho chúng ta áp dụng khi tưởng nhớ đến những người đã đi xa, hãy tạ ơn Chúa vì đã ban cho ta cơ hội được học hỏi những bài học mà họ đã nêu gương sáng.
Anh Nguyễn Viết Chung nhân một hôm đọc báo, đã biết đến cha Jean Casseigne (Đức cha Sanh) hy sinh cuộc đời cho những người cùi ở Di linh, nên anh đã có ước muốn trở nên người có ích. Sau nầy, khi theo học y khoa, anh lại gặp thêm những thần tượng khác nữa như cha Marcel Lichtenberger, các sơ ở trại phong Bến Sắn, anh đã nhận lãnh phép rửa và làm linh mục. Hẳn là những vị ân nhân của linh mục  Nguyễn Viết Chung cũng cảm thấy ấm lòng vì những hoa trái nhân đức đã trổ sinh nơi những người hậu duệ thiêng liêng.

Nhìn lại lịch sử để thấy được dấu ấn của Thiên Chúa và học bài học tiền nhân để lại là điều nên làm. Nhưng thần tượng hóa một ai đó quá mức dẫn đến thái độ sống tiêu cực buông xuôi, so sánh và chỉ trích hiện tại lại là một điều vô ích cần phải xa tránh. Thần tượng tối cao của mỗi người phải là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Những người ta hằng mộ mến cũng chỉ nêu gương sáng cho ta trong con đường phục vụ Chúa và Giáo hội của Người.

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

HỘI NGHỊ THẾ GIỚI CỦA SATAN



Trùm Quỷ Satan mở một hội nghị toàn thế giới. Nó khai mạc bằng cách ngỏ lời với đám Quỷ con đang vây quanh lau nhau xúm xít đông đảo. Trùm Quỷ bảo:
“Chúng ta không thể nào ngăn cản bọn có Đạo đi Nhà Thờ. Chúng ta không thể ngăn cản bọn họ đọc Kinh Thánh và biết được chân lý... Nhưng nếu bọn họ liên lạc, trò chuyện cầu nguyện được với Ông Giêsu, tạo được mối tương quan thân mật với Ông ấy, quyền lực của chúng ta đối với chúng nó coi như tiêu tan !
 Vì vậy, hãy cứ để cho chúng nó thoải mái đi Lễ Nhà Thờ, để cho bọn họ giữ nếp sống riêng, nhưng chúng ta nhất quyết phải cướp lấy hết thì giờ của chúng, để chúng không thể có được mối tương quan thân mật nào với Ông Giêsu ! Đấy là điều ta muốn các ngươi làm, hỡi lũ Quỷ đáng kinh tởm của ta ! Hãy làm cho bọn có Đạo sao nhãng việc tiếp xúc với Chúa của chúng và không tài nào giữ được mối liên lạc ấy suốt cả một ngày sống !”

Đám Quỷ con nhao nhao lên: “Vậy chúng em phải hành động thế nào để làm được như thế ?” Quỷ Satan liền trả lời một cách thâm hiểm:
“Hãy làm cho bọn họ bận rộn với những điều không thiết yếu trong cuộc đời và tạo ra thật nhiều chương trình để cho đầu óc bọn họ không còn một chút nào rảnh rỗi. Hãy xúi giục họ tiêu xài, tiêu xài, tiêu xài rồi kiếm tiền, kiếm tiền, kiếm tiền...
“Hãy thuyết phục các bà vợ đi làm nhiều giờ và các ông chồng đi làm cả 6, 7 ngày mỗi tuần, từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, để họ có thể sống cho đã đời cái cuộc sống trống rỗng của họ. Hãy ngăn cản họ dành thì giờ cho con cái...
“Khi vợ chồng con cái ly tán thì chẳng bao lâu gia đình sẽ bị công việc gây áp lực ! Hãy kích thích tâm trí bọn họ tối đa, để họ không còn có thể nghe ra tiếng nói êm dịu, nhỏ nhẹ kia của Ông Giêsu, Chúa của họ nữa...
“Hãy khuyến khích họ mở máy radio hoặc cassette khi họ lái xe đi làm. Hãy để cho tivi, đĩa hình, đĩa nhạc và máy vi tính chạy suốt cả ngày trong nhà với các chương trình Chat tưng bừng, tán gẫu trên Facebook và mải mê hí hoáy với các trang Blog. Và làm sao cho các cửa tiệm và nhà hàng liên tục trổi lên những bản nhạc ồn ào náo động. Điều này sẽ làm cho đầu óc họ bận rộn và cắt đứt được hoàn toàn mối liên lạc với Ông Giêsu...
“Hãy đặt trên bàn ăn sáng của bọn có Đạo, tất cả các tạp chí và nhật báo tào lao lá cải nhất. Hãy chất đầy đầu họ với tin tức 24 giờ một ngày. Hãy làm ngập những giờ phút lái xe của họ với các biển quảng cáo rất bắt mắt. Hãy đổ tràn vào hộp thư E-Mail của bọn họ những bức thư điện tử tào lao, những giấy đặt hàng, bản cá cược, và mọi loại thư khuyến mãi tiếp thị các loại sản phẩm và các dịch vụ miễn phí, cùng với những niềm hy vọng hão...
“Hãy đặt các người mẫu chân dài, mảnh mai và xinh đẹp trên bìa những tạp chí để cho các ông chồng tin rằng sắc đẹp ngoại hình là điều quan trọng, và họ sẽ chán ngấy bà vợ mau béo và sớm già của mình. A ha ! Điều này sẽ làm cho các gia đình tan vỡ thật nhanh chóng !
“Ngay cả trong các cuộc giải trí của họ, hãy biến chúng thành quá đà trong ăn chơi, nhậu nhẹt. Hãy làm cho họ đi nghỉ cuối tuần về mà mệt đứ đừ, bất an, và không sẵn sàng bắt đầu một tuần làm việc mới với ngày thứ hai...
“Đừng để họ đến với thiên nhiên để nhìn ngắm được các kỳ quan của Chúa. Hãy đưa họ đến các công viên giải trí, các sòng bạc, các sân vận động, các nơi hòa nhạc và chiếu phim. Hãy làm cho họ bận rộn, bận rộn thật bận rộn !
“Và khi bọn họ gặp nhau để đọc Tin Mừng và chia sẻ tâm linh, hãy luồn lách vào đấy những lời nói xấu và tiếng to tiếng nhỏ để họ ra về với lương tâm bất ổn và tình cảm bất an...
“Tiến lên đi, hãy cứ để cho họ tha hồ dấn thân vào việc cứu vớt các linh hồn. Nhưng hãy đổ vào cuộc đời họ thật nhiều thiện ý đến độ họ không còn thì giờ tìm kiếm sức mạnh nơi Ông Giêsu nữa. Chẳng bao lâu, bọn họ sẽ chỉ còn hoạt động bằng sức lực của chính mình, và rồi bọn họ sẽ dại dột hy sinh toàn bộ sức khỏe và gia đình để phục vụ cho mục đích ấy. Biện pháp này hiệu quả đấy, hiệu quả lắm !”
Hội nghị toàn thế giới của bầy đàn nhà Quỷ Satan đã kết thúc thành công tốt đẹp. Đám đông lao nhao vỗ tay om sòm. Và bọn Quỷ con cười toe toét khoái trá mà chia tay ra về với nhiệm vụ. Chúng nó sẽ ra sức làm cho dân có Đạo khắp nơi bận rộn, thật là bận rộn, quá đỗi bận rộn, phải chạy từ nơi này đến nơi khác...
Bản dịch của TRẦN DUY NHIÊN, Ephata có biên tập thêm.