Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Con có yêu mến Thầy không ?




Đây là một câu hỏi ‘xoáy’ vào nội tâm người được hỏi. Câu trả lời đương nhiên là ‘có’, nhưng tại sao lại có những hành vi này nọ không tương hợp mà hai người đã biết và phải điều chỉnh lại. Chúa Giêsu hỏi ông Phêrô đến ba lần câu hỏi trên và ông Phêrô cảm thấy buồn về sự việc nầy. Nhưng có lẽ Chúa không hỏi như thế để bù lại ba lần ông chối Thầy cho bằng muốn nhấn mạnh đến tình yêu mến ông phải có khi dẫn dắt con thuyền Giáo Hội.

Quả vậy, phải yêu mến Chúa Giêsu như là đối tượng duy nhất của lòng mình, con người mới có thể tận tâm phục vụ Giáo hội của Người. Thử hỏi một vị Giáo hoàng, một giám mục, một linh mục hay một vị lãnh đạo cộng đoàn trong giáo xứ mà không đặt trọng tâm đời sống mình trên lòng yêu mến Giáo hội và không gắn kết mật thiết với Chúa Kitô thì chuyện gì sẽ xảy ra ?- Họ yêu chính bản thân họ khi tìm kiếm danh vọng và lợi lộc qua chức vụ họ nắm giữ, họ là con người hai mặt giữa việc làm và lời nói. Trong một Thánh lễ mừng kính hai thánh Phêrô và Phaolô, cha quản xứ đặt một câu hỏi với  ông chủ tịch HĐGX rằng: “Ông có yêu mến Giáo xứ không?” – Ông trả lời: “Thưa cha, con đã yêu mến giáo xứ nầy từ thời còn nhỏ”. Cả cha xứ và cộng đoàn đều bằng lòng với câu trả lời nầy, nhưng đây cũng là một câu hỏi ‘xoáy’ vào nội tâm để buộc người ta phải điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với điều mình đã khẳng định.

Chính lòng yêu mến hay còn gọi cách bình dân là ‘thích’ sẽ giúp ta hoàn thành những công việc và dự tính một cách vui vẻ, linh hoạt và kiên trì. Có lần một người bạn giới thiệu với tôi về một môn học hữu ích cho cuộc đời là học đàn guitar, tôi trả lời mà mình quá bận rộn không có giờ để học thêm nó, người kia mới trả lời: “Đó là do mình không thích, nếu thích sẽ thu xếp được thời giờ”. Đúng vậy, nếu ta yêu mến giáo xứ hay tập thể mình đang tham gia, mình sẽ thu xếp được thời giờ. Khi mình cảm thấy mệt mỏi trong đời sống gia đình, trong sinh hoạt tập thể, trong công việc làm ăn… thì đó là biểu hiện mình thiếu lòng yêu mến và mình cần phải điều chỉnh lại thái độ với cuộc sống.

Trong cuộc sống tâm linh của mỗi người luôn có những mắt xích vô hình, gắn kết với nhau mạch lạc và nếu mắt xích dưới tách rời khỏi mắt xích trên thì tất cả sẽ rối loạn và mất trật tự. Mắt xích đầu tiên là Thiên Chúa, Ngài là Alpha và Omega của vũ trụ và của mọi vấn đề. Khi ta yêu mến và kính sợ Chúa, ta nhận ra mình là phàm nhân yếu đuối và mọi người là anh em một Cha trên trời. Khi ta không nhìn nhận vai trò của Chúa trong vũ trụ và trong cuộc đời mình thì ta sẽ thờ lạy các bụt thần thời đại (cái tôi, danh lợi thú) và coi anh em như những đối thủ tranh giành lợi lộc. Khi nhìn nhận Chúa, ta sẽ nhận ra những mắt xích khác như các vị lãnh đạo đạo đời như những người thay mặt Chúa để tạo nên sự hài hòa trong xã hội theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong những mắt xích thứ cấp nầy, tôi muốn nói đến vai trò của các bậc cha mẹ trong gia đình. Khi con cái có lòng kính sợ Chúa và yêu mến cha mẹ, chúng sẽ coi nhau như anh em; nhưng nếu thiếu lòng yêu mến trên, chúng sẽ bất hòa và thiếu sự nhường nhịn thông cảm nhau.

Con người không thể sống mà không yêu mến, nếu không yêu mến điều cao siêu thì nó sẽ tìm kiếm những điều phù phiếm. Hãy hướng lòng yêu mến của ta về những điều cao siêu trên trời, yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội của Người một cách tận tình. Có vậy, cuộc đời ta không kết thúc ở tuổi 100 mà còn kéo dài sang cõi vĩnh cửu trong nhà Cha nhân lành.

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Sống có nhân cách




Trong mỗi con người đều có khuynh hướng vị kỷ mà biểu hiện của nó là ta thường nghĩ rằng mình trổi vượt hơn người khác và dễ coi thường người khác. Dĩ nhiên những biểu hiện nầy là không tốt và ta cần phải thay đổi để chính mình và xã hội được thoải mái hơn. Tôi chỉ nêu lên một vài ví dụ cụ thể trong cuộc sống.

Ngày xửa ngày xưa còn đi học phổ thông, có kiểu làm bài ‘toán chạy’: thầy ra đề toán, thường là đại số, ai làm xong trước thì chạy nộp bài ngay, nếu trúng thì sẽ được điểm cao. Điều nầy khuyến khích sự nhanh trí và gây hào hứng cho lớp học. Nhưng nếu trong xã hội, ‘đức tính’ nầy được áp dụng thì sẽ gây nên sự bực bội cho người khác, vì mất trật tự: giành giật nhau để sống, mất nhân cách và không tôn trọng người khác. Người Pháp có câu ‘faire la queu’ để diễn tả văn hóa tây phương: văn hóa xếp hàng. Không biết đến bao giờ, người Việt mình mới học được việc ‘xếp hàng’ cho có thứ tự: ai đến trước vào trước. Điều nầy khó không phải vì không biết cách xếp hàng mà vì người Việt mình quen sống xô bồ, giành giật và thiếu tôn trọng tha nhân. Hãy cứ đến rạp chiếu bóng, điểm mua hàng theo tem phiếu, mua vé tàu, tòa giải tội, nơi rước lễ ngoài trời… thì thấy rõ: ai nhanh người ấy được, ai mua được trước người ấy khéo, và nhân cách đi chỗ khác chơi. Thật buồn.

Một đám tiệc. Trong Tin Mừng, khi nói về chuyện mời khách dự tiệc, Chúa bảo ta đừng nghĩ đến mình nhưng hãy nghĩ đến tha nhân: mời những kẻ đui mù què quặt ăn một bữa cho tử tế, họ không có gì trả công ngươi và Cha trên trời sẽ trả công cho ngươi. Còn chúng ta, khi mời tiệc ta thường chỉ nghĩ đến vinh dự của mình mà mời tràn lan khách dự tiệc quá mức cần thiết, không nghĩ đến sự phiền phức khó xử của người khác, nhất là vấn đề kinh tế. Chuyện thứ hai trong một bữa tiệc: rượu làm hoan hỷ lòng người. Nhưng chính chuyện uống rượu nhiều cũng gây nên nhiều hệ lụy trong cuộc sống và các mối quan hệ: bệnh tật, giao thông, không làm chủ bản thân và trong thâm sâu của việc ép nhau uống rượu bia là muốn chứng tỏ mình trổi vượt hơn người kia về tửu lượng và phong cách, coi thường nhân phẩm của nhau. Điều thứ ba, tại sao các tấm thiệp không thường xuyên ghi số ĐT để báo lại trong trường hợp ‘không thể’ dự tiệc mừng nhỉ ? Tôi nghĩ rằng việc ghi số ĐT cũng là thể hiện một nét văn hóa của người có nhân cách và tránh mất lòng nhau. Chuyện thứ tư trong việc mời khách dự tiệc là chuyện mời những người già. Người cao tuổi thường không có thu nhập, nhưng họ lại là nguồn cội còn sót lại của nhiều dòng tộc, không mời không được nhưng mời thì quá bất tiện cho họ. Xử lý sao đây ? Tôi nghĩ đến hai giải pháp: họ nhận được tấm thiệp trong đó có ghi "sự hiện diện và lời chúc mừng thay cho tặng vật" hoặc nên chuẩn bị sẵn những phần quà tặng lại họ. Không biết có thực tế không ? Tôi biết có những người cao tuổi chẳng có thu nhập gì nữa, hằng tháng xã hội trợ cấp 270.000đ, vậy mà khi được mời dự tiệc họ cũng bỏ 200.000đ, hơn 20 ngày tiền trợ cấp đã bay vèo chỉ vì một thiệp mời.

Lời Tin Mừng: Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt bịa đặt là do ma quỷ. Đạo đức con người đáng báo động đỏ khi sự trung thực trong lời nói cũng trở nên hiếm hoi trong cuộc sống. Trong xã hội, để ‘đấu tố’ một người nào đó, người ta dựng nên một câu chuyện và  một số nhân chứng, thế là đủ để khép tội; nhưng nay ngay trong cuộc sống thường ngày, nhiều người nói ngược với sự thật, về những chuyện rất bình thường và làm cho các mối quan hệ giữa người với người thật sự rối loạn: chẳng biết tin ai ! Chúa Giêsu đã từng dạy: “Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con chẳng được vào nước trời”. Chúa muốn nói rằng: hãy sống trung thực và khiêm nhường cậy dựa vào Cha trên trời. Không gì làm mất nhân cách của ta hơn là khi người khác biết ta dối trá và lật lọng: nói dối như cuội.

Trước khi sống đúng tư cách người con cái Chúa, ta phải sống cho ra con người: sống tử tế và có nhân cách, biết tôn trọng tự do và nhân phẩm của người khác và tôn trọng chính mình. Mỗi ngày, hãy xét mình để nhận ra những ‘lỗi phạm’ cần thay đổi. Có câu danh ngôn nói rằng: ‘Nhiều điều rắc rối đã xảy ra vì bạn không biết ngồi yên một chỗ’. Ai trong chúng ta cũng nghĩ rằng mình trổi vượt hơn người khác về một điều gì đó, nên ta thường hành động vì cái ‘tôi’ của mình hơn là vì đại nghĩa. Lời Kinh Thánh: "Anh em hãy tự khiêm dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên khi đến thời Người viếng thăm".

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Những lời lẩm bẩm




Có câu danh ngôn nói rằng: Trong cuộc đời, có hai thứ cần phải tiết kiệm là lời nói và thời gian. Thời gian là vàng là bạc nên việc sử dụng nó cho có ích là điều dễ hiểu. Nhưng lời nói thì khác, nhiều người thích ăn to nói lớn để lấn át người khác và người ít nói thường được đánh giá là yếu thế và chậm chạp.

Sách Gương Phúc dạy ta rằng: “Con ơi, đừng bao giờ dám tranh luận về những vấn đề siêu việt thuộc lý đoán nhiệm mầu của Thiên Chúa: tại sao người nầy bị ruồng rẫy, người khác lại được ân sủng dư dật ? Tại sao người nọ bị cực khổ, người khác lại được may mắn ? Những điều đó vượt tâm trí nhân loại, chả có lý luận nào thăm do được lý đoán nhiệm mầu của Thiên Chúa”.

Thế nhưng, trong cuộc sống ta luôn mở miệng để trách cứ việc làm của người khác và thường dùng những từ thô lỗ bị tiêm nhiễm từ xã hội: thằng nghiện, thằng say, thằng làm đường, thằng xây dựng.. gì mà ngu dốt! Kể cả những ông tổng thống, những diễn viên bậc cha chú, kể cả linh mục cũng được gọi là ‘thằng’ một cách bình dân. Thứ nhất là trong lời nói ta nên thể hiện văn hóa: con người có nhân phẩm nên tránh dùng những tiếng miệt thị  và đừng dùng tiếng ‘ngu dốt’ vì sẽ bị án lửa thiêu. Thứ hai, quyền xét đoán là của Thiên Chúa, còn ta là ai mà dám xét đoán tha nhân: "Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa đoán xét".

Trong các giáo xứ, người ta thường bàn nhiều đến cha quản xứ và các vị HĐGX, khía cạnh tốt là người giáo dân vẫn còn quan tâm đến giáo xứ, nhưng khía cạnh xấu là người ta thường phạm thánh và phạm tội xét đoán tầm phào: không đủ thẩm quyền và không đủ dữ liệu. Tốt nhất là nên tiết kiệm lời trong chuyện nầy, vì nó sẽ tạo một thói quen xấu và đôi khi mình trở thành người bất nhất: trước chê nhưng sau lại khen vì thấy hiệu quả công việc ‘họ’ làm quá tốt đẹp.

Những lời xét đoán tầm phào và mang tính miệt thị sẽ làm nhụt chí cho những người làm việc chung, làm giảm giá trị của người phát ngôn và làm mất đức bác ái trong một cộng đoàn. Những lời ‘xì xào’ là những gáo nước lạnh tạt vào thiện chí của người khác, trừ một vài người bản lãnh xem thường dư luận mà thôi. Đức cha Vinh Sơn đã từng nói: “Khi đi tu triều, các ứng viên đều có lòng quảng đại muốn phục vụ dân Chúa trong công tác mục vụ, nếu không thì các ngài đã chọn lối sống tu dòng hay bậc giáo dân, nên đừng quá khắt khe khi nói về công việc mục vụ của các cha xứ, hãy cho các ngài thời gian và sự cộng tác”.

Tập thói quen kềm hãm miệng lưỡi là điều cần thiết để tiến đức: chỉ nói những điều có ích cho người nghe, vì Chúa biết rõ tâm tư con người và Ngài trả lại cho mỗi người tùy theo việc họ làm. Nhưng có những lúc ta buộc phải nói để sửa lỗi anh em và khi việc im lặng của ta lại gây hại cho cộng đoàn. Hãy nói ít với tạo vật để nói nhiều hơn với Thiên Chúa: xin Chúa giải thoát con khỏi những sầu muộn và lo lắng vô ích. Hãy đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu để học nơi Ngài bài học tự hủy, khiêm nhường và hiền lành.