Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

TÔI XIN CHỊU TRÁCH NHIỆM




Tôi đã hai lần được nghe câu nói nầy từ miệng của một vị ân sư của gia đình LBTBMT, đó là cha Augustinô Hoàng Đức Toàn. Cả hai lần tôi đều rất cảm kích sự can đảm và trong sáng của một tâm hồn và của một người thầy. Câu nói trên như một bảo chứng cho những điều được nói ra.

Lần thứ nhất, câu nói đó được nói với tôi (tuy là chuyện riêng tư, nhưng cũng không đến nỗi là một bí mật). Vào khoảng năm 1990, tôi nhờ cha giáo làm linh hướng cho mình trong giai đoạn khủng hoảng ơn gọi. Sau những đợt tĩnh tâm, cầu nguyện, chuyện trò và trả lời những bản trắc nghiệm, cha nói với tôi: “Con hãy về lập gia đình, cha chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về quyết định nầy”. Trước đó tôi đã cầu nguyện: “xin Chúa nói qua cha linh hướng”, nhưng tôi không ngờ cha Augustinô lại có một lời nói mạnh mẽ và quả quyết đến như vậy! Xin cảm ơn cha giáo về sự can đảm, tình thương và sáng suốt.

Lần thứ hai xảy ra vào năm ngoái (2013), trong tiệc cưới của con gái anh chị Minh Lương, cha Augustinô được mời lên nói vài tâm tình, ngài nói: “Tôi xin mách cho hai con một bửu bối để giữ cho gia đình mãi hạnh phúc, đó là cùng nhau đọc kinh chung hằng ngày. Nếu đã làm như vậy mà gia đình còn không hạnh phúc thì tôi xin chịu trách nhiệm, dù cho đã ở bên kia thế giới!”. Tưởng như một câu nói đùa, nhưng nghĩ lại thì đây là một lời nói được bảo chứng bằng tinh thần trách nhiệm cao độ.

Khi nói về tinh thần vô trách nhiệm, người ta thường nghĩ đến ông Philatô. Trong cương vị của mình, ông nầy có toàn quyền xử lý vụ án Chúa Giêsu, nhưng ông sợ quyết định của mình ảnh hưởng đến địa vị, nên đã rửa tay trước công chúng: ta vô can về vụ kết án người nầy. Người ta cũng thường nói đến sự phủi tay của Cain trước vụ giết hại em mình là Abel, rồi vụ bán ông Giuse sang Ai Cập của 10 anh em con ông Giacop. Hằng ngày, các phương tiện truyền thông kể đủ thứ chuyện về bệnh vô cảm (vô trách nhiệm) của con người: phá thai, giết người cướp của, nạn nô lệ mới trên toàn cầu, bạo lực của các nhóm hồi giáo quá khích, nạn rác thải và gây ô nhiễm môi trường, hôi của khi người khác gặp tai nạn, buôn bán vũ khí và các chất ma túy vì lợi nhuận.
Trong Tin Mừng, sự vô cảm còn có một tên gọi khác là sự dửng dưng. Ít là có hai trường hợp nói đến tình trạng nầy. Đó là chuyện người phú hộ dửng dưng trước cảnh đói nghèo của anh Lagiarô và chuyện người Samaritanô nhân hậu: thầy tư tế và thầy Lêvi trông thấy nạn nhân, tránh qua một bên, đi khỏi. Đức Phanxicô đang là một ngôi sao chỉ cho chúng ta con đường tìm gặp Đức Kitô, qua con đường liên đới với mọi nỗi thống khổ của anh em chúng ta trên toàn cầu: thà rằng Giáo hội đi đến các vùng ngoại biên mà gặp tai nạn thì còn tốt hơn ngồi yên trong lâu đài để được an toàn; một Giáo hội không phản chiếu niềm vui, không ra đi gặp gỡ và truyền giáo là một cơ thể bệnh hoạn.

“Ra đi và đồng hành” là con đường Ngôi Hai Thiên Chúa đã chọn. Chúa Con đã bỏ cõi trời sinh xuống trần trong một đêm đông. Ngài mang lấy phận người giống hệt như mọi người để cứu chuộc họ. Ngài không dửng dưng và vô cảm trước tình cảnh đáng thương của loài người, nên đã đến trần gian để chịu tử nạn và phục sinh thuận theo ý muốn của Chúa Cha. Trên thập giá, khi đã hoàn tất công trình cứu chuộc, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Mọi sự đã hoàn tất!” và Ngài đã gục đầu tắt thở. Thế đó, toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu là một bảo chứng cho ơn cứu độ của nhân loại: Ngài đã dùng cả cuộc đời ngài để chịu trách nhiệm về phần rỗi chúng ta. 
Có phải Chúa Cha hơi kỳ quái và khó tính khi vẽ ra một con đường ‘nhiêu khê’ để Chúa Con cứu chuộc nhân loại chăng? – Dĩ nhiên ơn cứu độ là một giá chuộc nên cần phải có hy tế, hy tế Chúa Giêsu có giá trị vô biên vì là của Con Thiên Chúa làm người; còn sự tự hạ của Chúa Giêsu từ máng cỏ, ẩn dật, công khai, tử nạn và Thánh Thể mang ba giá trị: vừa mang giá trị cứu độ, vừa tỏ cho con người thấy tình thương bao la của Thiên Chúa, vừa là mạc khải con đường tìm kiếm nước trời.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tri ân Chúa vì đã dành cho chúng con một tình thương vô bờ bến. Xin cho chúng con biết lấy tình thương đáp lại tình thương để làm dịu cái rét ở Bêlem và cơn khát Chúa phải chịu trên thập giá.  Xin cho chúng con tinh thần can đảm dám chịu trách nhiệm về những hành động mình đã làm, chịu trách nhiệm về phần rỗi và hạnh phúc của những người trong gia đình và có tinh thần liên đới với mọi người trên trần gian nầy, như Chúa đã làm gương cho chúng con khi nhập thể làm người. Amen

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Một câu lộc thánh




Một bạn trẻ đã nhận được một câu lộc thánh trong dịp đầu năm mới vừa rồi, đã gần hết năm mà vẫn không thông suốt ý nghĩa của nó: “Không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người thí mạng mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Bạn ấy tự hỏi: phải chăng cuộc đời mình sẽ chấm dứt cách nào đó trong năm nay, nếu câu lộc thánh hiệu nghiệm?

Thực ra, qua câu nói trên Chúa Giêsu đã đưa ra một quy luật của tình yêu: tình yêu chân thực phải có sự hy sinh. Chính Chúa Giêsu đã thực hiện Lời Ngài dạy, như thánh ca Philip 2,6-8 đã diễn tả:
“Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.

8 Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự”.


  • Nhiều điều trong Tin Mừng và cách riêng câu lộc thánh trên, Chúa Giêsu muốn ta hiểu nghĩa thiêng liêng hơn là nghĩa đen của chữ. Qua câu lộc thánh trên, Chúa muốn dạy ta sống tinh thần hiến thân cho Chúa và tha nhân trong đời sống hằng ngày, và trong một số hoàn cảnh cụ thể Chúa mời gọi một số người hiến dâng chính mạng sống mình để minh chứng tình yêu. Trong quan hệ người với người, ai đó đã đưa ra một quy luật: Một tình yêu mà không có sự hy sinh là một tình yêu giả dối. Một tình yêu chân thực là biết nghĩ đến hạnh phúc người mình yêu, biết sống hy sinh quảng đại với tha nhân: “Phúc cho kẻ biết thương người vì họ sẽ được xót thương” và biết hy sinh vì tình mến Chúa. Thánh Têrêxa Hài Đồng đã nêu lên một linh đạo mới, một con đường nên thánh dễ dàng với mọi người: làm mọi việc với tình yêu Chúa. Nói một cách khác là làm mọi việc bình thường với tình yêu khác thường.

Tình yêu giả dối chỉ yêu chính bản thân mình, quan tâm chiêm hữu thể xác và tâm trí của người kia. Có những người bạn hờ và có những người tình dỏm, vì họ sẽ biến mất khi ta gặp gian nan hoạn nạn.

Sự hiến mình của Chúa Giêsu cho nhân loại đã trở nên một mẫu gương thánh thiện cho cả bậc vợ chồng và người tu trì. Vợ chồng Kitô giáo nên thánh và cảm nghiệm được hạnh phúc khi họ biết hiến mình cho nhau như Đức Giêsu và người tu trì cảm nghiệm được hạnh phúc khi họ trao hiến cả cuộc đời để phục vụ Giáo hội và được nên giống Chúa Giêsu. Mỗi một ngày sống ta phải tập từ bỏ mình để quảng đại hơn, làm một điều kỳ diệu nho nhỏ cho người kia. Và rồi những hành động đẹp đó sẽ được nhân rộng và sẽ trở nên óng ánh như trong thấu kính vạn hoa.

Cõi lòng mỗi người như một lò lửa, sôi sục những đam mê dục vọng: tham lam, danh vọng, dục tình, kiêu ngạo, ích kỷ. Muốn nên thánh, ta phải gắn kết với Chúa để xin ơn trợ lực và phải luôn tiến lên từng bước một, ngày nào cũng vậy: “Nước trời phải chiếm đoạt bằng sức mạnh”.  Khởi đầu mùa vọng, Giáo hội hoàn vũ bắt đầu năm Thánh hiến và Giáo hội Việt Nam tiếp tục chương trình 3 năm của mình với năm “Tân phúc âm hóa cộng đoàn và giáo xứ”. Thực tế nhiều giáo xứ chúng ta chỉ ‘ổn định’ ở cái vỏ bề ngoài và ở tổ chức, nhưng đời sống đạo dường như đã mất đi sức sống: thiếu sự dấn thân phục vụ tích cực trong các sinh hoạt tập thể, thiếu sự đào sâu niềm tin và sống niềm tin một cách sáng tạo, mọi sinh hoạt diễn ra chỉ như “đàn sâu rước kiệu” và mang tính bầy đàn, nhiều đam mê và thói xấu đang hoành hành các gia đình, những quan niệm sống bị tục hóa được truyền miệng...


Các Kitô hữu tự hào về giáo lý siêu việt của mình, vì đó là giáo lý được Thiên Chúa trực tiếp mạc khải và Công ơn Cứu chuộc do máu Chúa Kitô đổ ra thật dồi dào phong phú, nhưng đạo Kitô vẫn bị từ chối là do lối sống đạo của chúng ta thiếu sức thuyết phục. Nhiều nhà hoạt động chính trị đã nhìn thấy nơi giáo lý của Chúa Giêsu một sức thu hút mãnh liệt, nhất là tinh thần“Tám mối phúc”, nhưng rồi họ đã phải ra đi vì cách cư xử của những người có đạo. Ông Martin Luther King đã tức giận vì bi đuổi khỏi một nhà thờ dành cho người da trắng. Ông Mahomet Gandhi phát biểu một câu làm chúng ta phải chạnh lòng: “Tôi thích Chúa Giêsu của các anh, tôi không thích người Thiên chúa các anh. Người Thiên chúa các anh chẳng giống Chúa Giêsu chút nào” (internet). Hãy thao thức rèn luyện các nhân đức theo ánh sao của các câu Lộc Thánh mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta trong kho tàng Kinh Thánh.

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Lòng khoan dung




Lòng khoan dung là một trong những ân điển của Chúa Thánh Thần (Giacobê 3,17). Theo tự điển tiếng Việt, khoan dung là rộng lượng tha thứ cho người dưới có lỗi. Xã hội đang mạnh mẽ lên án thái độ bất khoan dung, là thái độ không chấp nhận người khác, bách hại những người không cùng phe phái và chính kiến với mình. Trong cuộc sống hằng ngày, sự bất bao dung vẫn thường xuyên xảy đến ngay trong bản thân ta và nơi tha nhân.

Ông Mahatma Gandhi bị giết vì một người Ấn giáo quá khích và Martin Luther King cũng bị giết vì con đường đấu tranh cho người nghèo, cho nền độc lập và dân chủ bằng đường lối bất bạo động, khoan dung. Trên thế giới, những nhóm người thiểu số đang bị giết hại một cách không thương tiếc chỉ vì thái độ bất khoan dung của một nhóm người quá khích nào đó.
Lệnh truyền của Chúa Giêsu luôn mang tính thời sự: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6,36-38).


Đôi khi chúng ta cầu toàn một cách quá đáng và quá mức cần thiết với những câu nói: Không thể chấp nhận được, không thể tha thứ và bỏ qua được. Thực ra, cứ nhìn những người nằm trên giường bệnh, nhìn những nấm mồ nằm yên nơi nghĩa trang, nhìn những cụm mây nhanh chóng hợp rồi tan … ta mới nghiệm ra rằng: đừng căng thẳng quá về nhiều chuyện trong cuộc sống, vì chúng không đáng! Trong một buổi tổng diễn một tác phẩm của Victor Hugo, cô diễn viên muốn ông sửa một chữ trong kịch bản cho hợp với tình cảm của cô. Thay vì phải đọc ‘mon lion’ thì cô diễn viên muốn đọc là ‘mon aimé’, vì nam diễn viên lại là người yêu của cô. Ông Victor Hugo rất căng thẳng phân tích cho cô rằng chữ ông dùng làm nổi bật vần thơ và ý nghĩa sáng sủa. Đến khi diễn, ả diễn viên thản nhiên đọc chữ cô thích, khán giả chẳng ai để ý đến chi tiết nhỏ nhặt đó. Cuộc đời cũng vậy, nhiều khi ta bắt bẻ nhau một tình tiết câu chuyện hay một từ ngữ, không phải vì muốn loại bỏ điều xấu cho bằng muốn chứng tỏ cái tôi của mình, uy quyền của mình. Chúng ta thường quá gay gắt với anh em vì quên một điều rất quan trọng rằng mình cũng là một tội nhân, cũng bất toàn và yếu đuối.
Ai đó đã khuyên ta phải cẩn ngôn: trước khi nói một điều gì đó, hãy xét xem điều sắp nói có cần thiết không, có đúng lúc và đúng chỗ không, có ích cho người nghe không.

Mùa vọng là mùa tịnh tâm và chuẩn bị lòng mình cho trong sạch để đón Chúa Cứu Thế. Ngài đang đứng ngoài cửa và gõ. Ngài mong ta mở cửa lòng để bước vào đời ta. Hãy dọn những nhơ uế là lòng kiêu ngạo và những lỗi phạm về đức yêu thương.

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Quả phúc trường sinh




Năm Phụng vụ mới đã bắt đầu. Thật là tốt đẹp nếu mỗi người biết dừng chân để định hướng lại một lần nữa con đường tâm linh mình cần phải trải qua: sự thánh thiện của Kitô giáo hệ tại điểm nào, làm thế nào để được trường sinh?

Trong Tây Du Ký, có kể lại sinh hoạt của bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn: một hôm con khỉ già lăn đùng ra chết, những con khỉ khác liền suy ra mình cũng sẽ chết, và thế là Tôn Ngộ Không nảy ra ý định lên đường tìm phương thuốc để được trường sinh bất lão, và đã có lần nó xâm nhập thiên cung để trộm quả đào tiên. Con người mọi thời đều gắng tìm phương thuốc ‘trường sinh bất tử’, nghĩa là sống mãi mà không phải chết, nhưng rốt cục ai cũng phải đi đến nấm mồ. Kitô giáo đã lý giải được khát vọng trường sinh với những mạc khải của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu loài người khỏi chết: sự sống thay đổi chứ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan thì họ lại được một chỗ cư ngụ trên trời. Sứ điệp “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” luôn vang vọng trong suốt năm Phụng Vụ, nhất là trong Mùa Vọng.

Thời Cựu Ước, trong biến cố lụt Hồng Thủy, khi ông Noe đóng tàu theo lệnh Chúa, thì dân chúng cứ lo cưới vợ gả chồng, mãi cho đến khi gia đình ông cùng với các thú vật lên tàu thì họ cũng không bận tâm giũ mình khỏi những bận tâm cuộc sống… Đúng là họ không tỉnh thức, không bỏ đàng tội lỗi và Thiên Chúa đã dùng lụt Hồng Thủy để tẩy rửa địa cầu. Còn dân thành Ninivê thì khác, khi nghe tiên tri Giona loan báo về đại họa sắp giáng xuống thành thì họ đã ăn chay, mặc áo nhặm, thay đổi lối sống và Thiên Chúa đã thay đổi ý định.
Thời Tân Ước, khi ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng sự sám hối sửa đường cho Chúa ngự đến thì có nhiều người thực lòng sám hối, nhưng có nhiều kẻ vẫn cứng lòng trong tội lỗi. Và khi Chúa Giêsu rao giảng sự sám hối – tin vào Tin Mừng thì cũng có những kẻ cứng đầu không muốn thay đổi, Chúa đã phải khóc thương thành Giêrusalem và chúc dữ cho nhiều thành đã không thay lòng đổi dạ. Ví dụ tiệc cưới đã nói lên tình trạng dửng dưng của con người với bàn tiệc Nước Trời.

Thay đổi cuộc sống là điều cần thiết để đổi mới đời sống tâm linh để nó không ngừng được lớn lên. Trong cơ thể con người và cây cối, mỗi ngày đều có những tế bào bị chết đi nhường chỗ cho những tế bào mới được thay thế. Mỗi ngày sống là một cuộc hành trình mới, mỗi năm mới lại là một quãng hành trình mới trên con đường tìm đến Chân Thiện Mỹ: sống ơn gọi nên thánh. Đức Phanxicô nói với ta rằng: Đừng để mình bị cám dỗ rằng ơn gọi nên thánh chỉ dành cho một số người thoát ly khỏi công việc bận bịu hằng ngày để chuyên chăm cầu nguyện, mọi người đều được mời gọi nên thánh bằng chính cuộc sống mình đang sống, mỗi ngày tiến lên một chút khi ta không nói xấu ai đó, khi ta cùng nhau cầu nguyện, khi người cha kiên nhẫn nghe con mình tâm sự, khi vợ chồng chăm sóc nhau, khi ta nâng hồn lên với Chúa bằng một lời cầu nguyện tắt.
Có những lúc khó ngủ, rảnh ít phút hay chờ đợi ai đó, những lời nguyện nho nhỏ rất phù hợp và mang lại an bình cho tâm hồn, ví dụ như:
Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.
Chúa là gia nghiệp đời con.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con.
Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.
Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con.

Sự thánh thiện là một hồng ân Chúa ban cho kẻ tin vào Ngài, nhưng cũng có phần cộng tác đáng kể của con người: mỗi người sẽ chịu xét xử tùy theo việc đã làm (Kh 20,13). Sự thánh thiện không phải là cái gì chúng ta tự tìm cho mình, hoặc là điều chúng ta đạt được nhờ những đức tính và khả năng của chúng ta, nhưng là sống trong tình hiệp thông với Thiên Chúa, và ân sủng Chúa sẽ biến đổi tất cả. Ai mở cửa lòng mình cho Chúa, họ sẽ tìm được phúc lộc thọ và tìm được phương thuốc trường sinh.