Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

BAO LA TÌNH CHA

 


(Sưu tầm)


 


Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha.

Câu nói này tôi đã được nghe nhiều nhưng tôi chỉ thật sự cảm nghiệm ý nghĩa của nó khi tôi rời xa mái ấm gia đình, xa ba mẹ, xa các em để bước vào một cuộc sống mới nơi thành thị xa lạ.

 

Nơi khung trời mới này cuộc sống với nhiều tranh chấp, bon chen khiến tôi thèm khát tình cảm gia đình, những mơ ước về một mái ấm có ba mẹ cứ ùa về trong tâm trí tôi. Tôi chợt nghĩ về ba tôi- người đã dạy cho tôi cách sống bao dung không bằng lời nói nhưng bằng hành động, và đặc biệt là bằng một niềm tin tuyệt đối vào Mẹ Maria.

Lúc nhỏ tôi luôn nghĩ ba là một người khó tính, nghiêm khắc, lạnh lùng. Chính vì lúc nào cũng suy nghĩ về ba mình như vậy nên tôi không bao giờ nói chuyện thân mật với ông. Tôi luôn coi việc ông vất vả lao nhọc lo cho chúng tôi là quy luật, là lẽ tất nhiên nên tôi không chút mảy may xúc động mỗi khi thấy ông bệnh nặng nhưng vẫn cố gắng ra ruộng, chứ nhất định không chịu nghỉ ngơi.

Tôi luôn trách ba tôi “khờ” mỗi khi thấy ông vất vả lo giấy tờ không công cho người ta, việc nhà không lo cứ lo việc thiên hạ! (mà thực ra ba tôi đâu có bỏ bê việc nhà). Những lúc nghe tôi trách móc ba tôi vẫn chỉ đáp lại bằng điệp khúc: “Sau này con sẽ hiểu, ba làm tất cả chỉ vì các con mà thôi!”

Ba tôi gia nhập quân đội từ khi còn rất trẻ, chiến tranh đã cướp đi của ba tôi một con mắt, và mỗi khi “trái gió trở trời” là ba tôi lại bị những cơn đau nhức do vết thương từ chiến tranh hành hạ.

Vì thương tật như vậy nên ba tôi được lãnh lương dành cho thương binh hằng tháng, thế nhưng mỗi khi lãnh lương, thay vì mua đồ bồi dưỡng cho mình ba dành tất cả để mua sắm cho chúng tôi, ông luôn nói: “Ba ăn gì cũng được chỉ cần nhìn các con vui là đủ rồi!” Không chỉ lo cho chúng tôi về thể xác, mỗi ngày ông đều “bắt” chúng tôi dự lễ Misa và quãng đường đi bộ từ nhà tôi đến nhà thờ là giờ “huấn đức” của ba tôi (hồi đó tôi thấy rất khó chịu và muốn bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở đạo đức của ba tôi nhưng sau này nghĩ lại tôi thấy những lời dạy dỗ mà tôi cho là chói tai đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều).

Ba tôi thương con là vậy, nhưng cách ông giáo dục chúng tôi cũng thật “kinh khủng”, tôi luôn bị ám ảnh về những roi đòn mà ông giáng xuống mỗi khi chúng tôi sai phạm, những lúc đó tôi quên sạch những điều tốt ông đã làm cho chúng tôi, tôi đã thầm ước tôi có một người cha hiền lành hơn, yêu thương chúng tôi nhiều hơn. Tôi cứ luôn nghĩ ba không hề thương chúng tôi - nếu thương thì đâu thể “ra tay” với chúng tôi mạnh như thế?!?

Có lẽ tôi sẽ không bao giờ thay đổi suy nghĩ ấy cho đến một ngày, ngày tôi bỏ nhà ra đi. Lang thang phiêu bạt hết nhà đứa bạn này đến đứa khác, vài ngày đầu bọn bạn còn tiếp rước, đến bốn năm hôm sau, đứa nào cũng tỏ ra khó chịu! Tôi biết vậy nên cố tìm việc làm để tự nuôi thân, nhưng tìm việc không đơn giản như tôi nghĩ, công việc tôi cảm thấy thích hợp thì lương không đủ sống; còn công việc mang lại cho tôi món tiền kha khá đủ trang trải thì tôi lại không đủ khả năng để làm. Thất vọng. Chán nản. Tôi nghĩ đến việc khấn xin Đức Mẹ cho tôi đủ can đảm  trở về (lòng sùng kính Đức Mẹ đã được ba tôi gieo vào lòng chúng tôi từ bé tí nên dù hư hỏng, tôi cũng không quên Mẹ). Sau nhiều ngày suy nghĩ cầu nguyện, tôi liều gọi điện thoại về nhà, lòng hồi hộp khi giọng nói đầu dây bên kia cất lên! Nhận ra tiếng ba, tôi khẽ nói: “Con đây, Ba!” Tôi tưởng tượng ông sẽ cho tôi một “bài trường ca”, không ngờ ông chỉ đáp ngắn gọn: “Đọc địa chỉ nơi ở đi!” Trên đường chở tôi về, ông cũng không hề cất lên nửa lời. Sự im lặng của ông khiến tôi ngạc nhiên vô cùng!

Sáng hôm sau, để cám ơn Đức Mẹ, tôi xách nước lau lại bức tượng Mẹ, tình cờ tôi  phát hiện một hộp thư được đặt dưới chân Đức Mẹ, tò mò tôi mở ra xem: Là nét chữ của ba! “Mẹ Maria ơi, con rất buồn vì đã không chu toàn trách nhiệm của một người cha, con đã không biết cách thể hiện tình yêu của con đến các con của con khiến chúng phải phiền lòng. Dù phải đánh đổi bất cứ điều gì cũng được, con chỉ xin Mẹ gìn giữ, đưa con của con trở về nhà  bình yên. Xin Mẹ soi sáng để con của con biết rằng: lòng con cũng đau lắm sau mỗi lần sửa phạt con cái! Không biết những ngày con của con rời xa gia đình nó có được một chỗ nghỉ ngơi, có ai cho nó ăn uống hay phải lang thang như trẻ bụi đời. Càng nghĩ con càng thấy thương con của con và buồn cho cách giáo dục con cái của con. Mẹ ơi, Mẹ cứ trút hết những đau khổ mà con của con đang chịu lên người con…” Tôi không thể đọc đến cuối vì nét chữ đã nhòe đi bởi những giọt nước mắt rơi tự do từ khóe mắt tôi. Thì ra tôi đã hiểu lầm ba! Gấp mẩu giấy lại đặt vào hộp thư (tôi gọi là hộp thư vì trong đó ba tôi viết rất nhiều), tôi chạy đi tìm ba. Hôm đó, không biết sức mạnh từ đâu mà tôi đã có thể chạy một đoạn đường dài từ nhà tôi tới ruộng lúa nơi ba đang làm. Tôi ôm chầm lấy ba và khóc, khóc thật nhiều! Trong tiếng nấc nghẹn, tôi nói với ba tôi: “Ba ơi, con sai rồi!” Ba vỗ nhẹ vào vai tôi, nhìn vào mắt ông, tôi thấy mắt ông ướt nhòe - lần đầu tiên tôi nhìn thấy ba tôi khóc! Khoảng thời gian sau đó là thời gian hạnh phúc nhất nhưng cũng ngắn ngủi nhất của tôi trong gia đình. Chỉ đúng một tháng sau ngày tôi “làm hòa” với ba tôi là tôi đã phải khăn gói lên Thành phố để bắt đầu tương lai mới, không còn cơ hội để ở bên chăm sóc ba nữa! Ngày tôi lên đường, ba với đôi mắt buồn, tiễn tôi lên đường kèm theo lời nhằn nhủ ngắn gọn: “Ráng sống cho xứng là một CON NGƯỜI và nhớ không quên ĐỨC MẸ nghen con!”

Giờ đây, giữa sóng gió cuộc đời tôi luôn nhớ về ba, nhớ những lời khuyên dạy của ba và đó chính là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống.

Cảm ơn Ba, cảm ơn vì cách sống của Ba, cảm ơn vì “Ba đã làm tất cả chỉ vì chúng con mà thôi!”

Nguyễn Nữ Thuỳ Dương (Theo gxdaminh.net)

 

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ và NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẶC BIỆT

 


 (Sưu tầm)

Trong quyển sách mới Thức Tỉnh Hôm Nay (


Waking Up to This Day), bà Paula D’Arcy đã chia sẻ câu chuyện sau về một người bạn: Bà này mất người con trai trong một tai nạn.  Vài năm sau, có người nói chuyện với bà ấy, chia sẻ nỗi buồn khi bà không được nhìn đứa con khôn lớn, lập gia đình, không có cháu để ẵm.  Bà trả lời: “Tôi không nghĩ giới hạn ngang đó.  Câu trả lời là tôi không biết.  Tôi không biết cuộc sống con tôi sẽ như thế nào.  Giờ đây, tôi nhận ra rằng: linh hồn của con tôi có hành trình riêng, và mức giới hạn riêng trong cuộc đời của nó.  Tôi chẳng làm được gì trong việc này.  Nhưng tôi đã dự phần trong một thời điểm của hành trình tâm hồn nó.  Vì vậy, tôi biết ơn đến không nói nên lời.”

 

Câu chuyện này nhắc tôi nhớ một câu chuyện khác của một bà đã chia sẻ gần đây trong một cuộc tĩnh tâm.  Mẹ của bà là một phụ nữ thăng bằng vững vàng và có lòng tin ngoại hạng.  Câu tâm niệm bà sống cho chính bà trước, rồi sau này bà lặp đi lặp lại mãi cho các con là: chúng ta chỉ hạnh phúc khi chúng ta biết ơn về những gì chúng ta có, vì, và duy nhất chỉ vì vậy, đó là những gì đủ cho chúng ta.  Lời dạy mãi mãi của bà là: Như vậy là đủ!

 

Và bà sống điều này trọn vẹn cho đến giờ cuối đời: Bà nhập viện vì một căn bệnh chưa có thuốc trị, nhiễm trùng máu và rất ít hy vọng cứu chữa.  Khi sức khỏe bà ngày càng sa sút, gia đình túc trực bên giường bệnh của bà trong vòng mấy tuần.  Cuối cùng, bà đưa ra quyết định: Bà gọi cả nhà lại và bảo rằng, tất cả đã ở đây với bà và bỏ bê gia đình lâu quá rồi, bà cho biết đã liên hệ với khoa chăm sóc chờ chết trong bệnh viện và yêu cầu được chuyển đến đó, bà sẽ có thể chết trong ngày hôm đó.

 

Bà được chuyển đến khoa chăm sóc này, y tá báo cho cả nhà biết sẽ tiêm cho bà một liều thuốc mạnh để bà chìm sâu vào giấc ngủ và có thể bà sẽ không bao giờ tỉnh lại.  Lúc chuẩn bị chích, con gái bà, người kể câu chuyện này, ngồi cạnh giường bà, cầm tay bà, ôm chặt bà như đứa trẻ và nói: “Mẹ ơi, một lúc nữa thôi!  Chỉ một lúc nữa thôi!  Đừng ngay bây giờ!  Ở lại với chúng con một chút nữa thôi!”  Nhưng bà, với nghị lực lâu nay của bà, bà nói: “Đủ rồi, vậy là đủ rồi.”  Đó là những lời cuối cùng của bà với cô con gái và với cả gia đình.

 

Đó là các câu chuyện kiên quyết về những người đàn bà nghị lực, với đủ khôn ngoan và lòng tin để loại bớt các tình cảm ủy mị sai lầm dễ làm cho chúng ta tê liệt khi đứng trước mất mát.  Cả hai đều biết sẽ có lúc ra đi và cách thức ra đi đã không làm giảm đi, nhưng lại tăng thêm tình yêu.  Cả hai đều biết sự thật sâu xa của phục sinh: rằng đức tin không đòi hỏi chúng ta ướp xác chết, nhưng phó thác nó cho trần gian và cho Thiên Chúa, đấng ban sự sống và sự sống lại.  Cả hai đều biết bí mật sâu xa nhất của cuộc sống không bị tê liệt vì cái chết, nhưng để nó ra đi, chuyển tiến và thấm sâu hơn.  Và cả hai đều tôn trọng thích đáng các nhịp điệu sâu lắng của cuộc sống.

 

Tôi nhận ra rằng linh hồn của con tôi có hành trình riêng và mức giới hạn riêng trong cuộc đời của nó.  Điều này không thuộc về tôi…  Tôi biết ơn đến không nói nên lời vì được dự phần vào bí nhiệm đó.  Như những phụ nữ này, chúng ta sẽ tôn trọng người khác vô cùng nếu chúng ta biết chấp nhận hiện thực đó.  Tình cảm sai lầm thường kéo chúng ta theo các hướng khác.  Chúng ta khóc rất nhiều, vì chúng ta muốn cuộc đời người khác hướng về chúng ta.  Tôi có thể là cha mẹ, vợ chồng, bạn bè, anh chị em, thầy dạy, bảo hộ hay người bảo vệ của ai đó, nhưng xét đến cùng, linh hồn người đó có sự riêng tư, tự do, ác tính và số mệnh cho riêng họ mà thôi.  Những người khác không vì tôi mà sống.  Hầu hết các giọt nước mắt chúng ta khóc là khóc cho mình, không phải cho người khác.

 

Đủ rồi!  Đây là những từ quan trọng mình phải có cho hành trang của mình.  Với Thomas Merton, nhận thức (“Đủ rồi!”) tạo nên phần bí mật khó lường của hạnh phúc.  Sau đây là những gì ông mô tả về cách thức tìm kiếm bình an trong cuộc đời của ông.  Trong nhật ký hàng ngày, có một hôm ông chia sẻ ngày hôm đó, ông đã tìm thấy bình an.  Tại sao?  Vì hôm nay đã đủ, sống như một người bình thường, với đói khát và ngủ nghỉ, lạnh lẽo và ấm áp, thức dậy và đi ngủ.  Đắp chăn rồi tung chăn, pha cà-phê rồi uống.  Xả đá tủ lạnh, đọc sách, suy ngẫm, làm việc, cầu nguyện.  Tôi sống như những tổ tiên của tôi đã sống trên trái đất này cho đến giờ cuối của tôi.  Amen.  Không cần phải làm một khẳng định về cuộc sống của tôi, đặc biệt về những cái gì của tôi, dù chắc chắn nó không phải của ai khác.  Tôi phải tập quên dần dần các lập trình và tính toán.  Vào một ngày đó trong cuộc đời, ông có thể nói: “Đủ rồi!” Và nó là vậy.

 

Và chỉ duy nhất sự thừa nhận này mới có thể cắt bớt khối u bất mãn của chúng ta.

 

Rev. Ron Rolheiser, OMI

           

 

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

ĐIỀU KHÔNG BÌNH THƯỜNG

 




   Larry và Jo Ann là một đôi vợ chồng bình thường. Họ sống trong một ngôi nhà bình thường trên một con phố bình thường. Giống như bao đôi vợ chồng bình thường khác, họ phải vật lộn với cuộc sống để lo cho con cái ăn học nên người.

Ngoài ra, họ còn bình thường về một phương diện khác: họ luôn có những cuộc cãi vặt. Đề tài là những bất đồng trong cuộc sống, và… ai là người có lỗi. 

 

Cho đến một hôm, một sự kiện ngoại lệ đã xảy ra.
- Bà biết đấy, Jo Ann, tôi có những ngăn tủ kỳ diệu. Mỗi lần tôi mở chúng, chúng luôn có sẵn vớ và quần lót – Larry nói – Tôi muốn cảm ơn bà vì đã để mắt đến chúng suốt những năm qua.
Jo Ann nhìn chồng qua đôi kính:
- Ông muốn gì, Larry?
- Chẳng gì cả. Tôi chỉ muốn nói tôi đánh giá cao việc bà đã chăm sóc tôi.
Đây chẳng phải là lần đầu Larry có hành động kỳ lạ nên Jo Ann bỏ ngoài tai, cho đến vài hôm sau…
- Jo Ann, cám ơn bà đã ghi những con số chi phiếu rất đúng tháng này. Trong 16 con số thì bà đã ghi đúng hết 15 con. Quả là một kỷ lục.
Không tin vào những gì đang nghe, Jo Ann ngừng may.
- Larry, ông luôn cằn nhằn tôi về những con số sai, sao bây giờ lại thế?
- Vô lý. Tôi lúc nào cũng muốn bà biết tôi luôn ghi nhận những cố gắng của bà. 

Jo Ann lắc đầu và tiếp tục may. “Ông ta làm sao ấy nhỉ?...”, bà tự hỏi.
Dù vậy, ngày hôm sau, khi Jo Ann ghi vào sổ tại cửa hàng tạp hóa của gia đình, bà cẩn thận để viết đúng số chi phiếu. Bà cố không nghĩ đến những điều không bình thường này nhưng thái độ kỳ lạ của Larry cứ tiếp tục.
- Jo Ann, thật là một bữa ăn ngon – ông ta nói trong một bữa tối – Tôi rất biết ơn bà. Trong 15 năm qua bà đã nấu hơn 14.000 bữa ăn cho tôi và lũ trẻ.
Rồi: “Ôi! Jo Ann, ngôi nhà mới ngăn nắp làm sao. Bà hẳn vất vả để giữ chúng luôn như thế…”.
Thậm chí: “Cảm ơn Jo Ann vì đã luôn bên cạnh tôi”. 

Jo Ann trở nên lo lắng: “Đâu rồi những lời chê bai, chỉ trích?”.
Nỗi lo có điều gì không ổn xảy ra với chồng càng mạnh mẽ hơn khi Shelly, cô con gái 16 tuổi của bà, cằn nhằn:
- Bố lẩm cẩm rồi mẹ ạ! Bố bảo con xinh lắm với bộ quần áo cũ mèm này! Thật không phải là bố. Có gì xảy ra với bố rồi ấy! 

Nhiều tuần trôi qua, Jo Ann trở nên quen thuộc với thái độ kỳ lạ của người bạn đời, và thỉnh thoảng bà cũng đáp trả lại “cảm ơn…”. Bà cảm thấy tự hào về bản thân như đã vượt qua được một chướng ngại vật. Nhưng đến khi một việc bất thường xảy ra thì bà hoàn toàn lúng túng.
-Tôi muốn bà nghỉ tay một chút – Larry nói – Tôi sẽ rửa chén. Nào, hãy bỏ cái chảo đó xuống và lên phòng khách xem tivi!
- (Sau một lúc lâu im lặng) Cảm ơn Larry, cảm ơn… 

Bước chân của Jo Ann đột nhiên trở nên nhẹ tênh. Bà cảm thấy tự tin hơn và lần đầu tiên bà nghe mình khe khẽ hát. Câu chuyện sẽ dừng ở đây nếu không có một sự kiện đặc biệt nhất xảy ra. Lần này tác giả là Jo Ann. Một hôm, bà nói:
- Larry, tôi muốn cảm ơn ông vì đã làm việc nuôi sống gia đình suốt những năm qua. Tôi chưa từng nói cho ông biết, nhưng tôi rất biết ơn ông… 

Larry đã không bao giờ hé mở lý do khiến ông thay đổi cách cư xử một cách tuyệt vời như thế, dù Jo Ann lục vấn đến đâu. Và điều này đã thành một trong những bí ẩn của cuộc sống, một điều bí ẩn mà tôi rất thích – vì tôi chính là… Jo Ann.

Võ Hoàng Lan
Từ Chicken soup for the soul 

Sưu tầm. (Theo Tủ sách Dũng Lạc.)

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

Tại sao người Do Thái thông minh


 


(Sưu tầm)

Thanh Hằng dịch

Why Jews are intelligent

"Người Do Thái là dân tộc thông minh nhất thế giới, họ dường như được sinh ra là để làm chủ thế giới này". Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao họ lại thông minh như vậy? Tại sao họ lại được sinh ra với quá nhiều ưu việt như thế? Có phải tất cả đều là tự nhiên? Liệu Việt Nam chúng ta có thể tạo ra những thế hệ ưu việt như thế không?
Tất cả câu hỏi trên đều có thể giải đáp được, ngoại trừ câu hỏi cuối cùng vì nó sẽ được trả lời bởi chính các bạn, những con người của dân tộc Việt Nam.

Bài viết dưới đây được lược dịch từ luận án của một tiến sĩ nước ngoài với tiêu đề gốc là "Why Jews Are Intelligent" (tạm dịch là "Vì sao người Do Thái thông minh").

Bài viết rất hay và có ý nghĩa.

Trước hết xin được cung cấp một số thông tin tìm hiểu được về IQ (Intelligence Quotient) của người Do Thái. Hiện nay các nhà nghiên cứu về giáo dục và tâm lý tin rằng IQ trung bình của người Do Thái vào khoảng từ 110. Để so sánh thì IQ trung bình của thế giới là 100 và IQ trung bình của người Việt Nam là 94. Cách biệt sẽ không rõ ràng nếu chỉ nhìn vào những con số này. Mọi thứ sẽ trở nên thực sự khác biệt nếu như ta so sánh đến tỉ lệ ("thiên tài" IQ>=140 - cũng là mức yêu cầu trong số dân). Với IQ TB của dân số là 94 thì tỉ lệ "thiên tài" sẽ là 1/924 hay 0,1%, tỉ lệ này sẽ là 1/261 hay 0,4% nếu IQ TB là 100. Sự khác biệt sẽ cực lớn vì với mức IQ TB là 110 như người Do Thái thì tỉ lệ những người có IQ đạt mức thiên tài này sẽ lên tới 2,3% (nghĩa là cứ 100 người sẽ có hơn 2 thiên tài).

Bài này tôi lược dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn, nhân dịp nghe chuyện người Do Thái và vì thầy hướng dẫn hiện tại của tôi là một Giáo sư người Do Do Thái. Để mở đầu, xin được trích dẫn rằng, dân số Do Thái ở Anh có tên tuổi khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Do Thái trên thế giới hiện nay vào khoảng xấp xỉ 13 triệu người (tức là khoảng 0.21% dân số thế giới - số liệu năm 2000), tức là cứ 470 người thì có 1 người Do Thái. Vậy nhưng, vào khoảng giữa thế kỷ 19, 1/4 các nhà khoa học trên thế giới là người Do Thái, và tính đến năm 1978, hơn một nửa giải Nobel rơi vào tay người Do Thái. Như vậy có đến 50% đóng góp cho sự tiến bộ của loài người chỉ do 0.21% dân số đảm nhiệm.

Những tên tuổi lớn của thế kỷ 20 có thể kể đến như bộ óc thế kỷ Albert Einstein, Sigmund Freud, Otto Frisch, .v.v. đều là người Do Thái. Dù không phải là chủng tộc lớn, vậy nhưng không một nhóm chủng tộc nào có thể sánh được với người Do Thái về khả năng và thành tích vượt trội. Kết hợp với những tính cách di truyền của người Do Thái như tham vọng, ham hiểu biết, tích cực, trí tưởng tượng phong phú, bền bỉ, sự thông minh của người Do Thái thực sự đã là đòn bẩy khiến người Do Thái đứng đầu trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống.

Những tên tuổi Do Thái hiện nay có thể kế đến là nhà tài phiệt George Soros (người có thể làm khuynh đảo thị trường tài chính thế giới, được xem là người đứng sau sự sụp đổ hệ thống chính trị ở Đông Âu và khủng hoảng tài chính Châu Á 1997); các cựu và chủ tịch Ngân hàng thế giới World bank đương nhiệm đều là người Do Thái ví dụ như James Wolfensohn, Paul Wolfowitz, Robert Zoellick. Diễn viên điện ảnh thông minh và có học thức thuộc hàng top Hollywood hiện nay là Natalie Portman cũng là người Do Thái, vừa theo học đại học Havard và tham gia bộ phim siêu phẩm Chiến tranh giữa các vì sao”.

Trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống như kỹ thuật, âm nhạc, khoa học và kinh doanh, 70% các hoạt động kinh doanh thế giới hiện nay đều do người Do Thái nắm giữ. Các lĩnh vực kinh doanh nổi bật như mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm, vũ khí, khách sạn, công nghiệp phim ảnh (kể cả Hollywood và các trung tâm điện ảnh khác).

Trong năm thứ 2 đại học, vào tháng 12 năm 1980, tôi định đến California và tôi nảy ra ý tường, tôi tự hỏi sao trời lại cho họ những khả năng siêu phàm như vậy, liệu có điều gì trùng hợp chăng, loài người có thể tạo ra những người giống họ như việc sản xuất hàng hóa từ nhà máy không? Luận văn của tôi mất 8 năm để tập hợp thông tin từ tất cả các nguồn tin chính xác như đồ ăn, văn hóa, tôn giáo, sự chuẩn bị khi mang thai, .v.v. và tôi đem so sánh với những chủng tộc khác.

Hãy bắt đầu bằng việc chuẩn bị cho thai kỳ.
Israel, điều đầu tiên tôi nhận thấy đó là người mẹ khi mang thai sẽ thường xuyên hát, chơi đàn, và luôn cố gắng giải toán cũng chồng. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người mẹ luôn mang theo sách toán và đôi khi tôi giúp cô giải bài. Tôi hỏi cô, ‘việc này có phải là giúp cho thai nhi?’. Và cô trả lời, ‘Đúng vậy, tôi làm thế là để đào tạo đứa trẻ từ khi còn trong bụng mẹ như vậy nó sẽ trở nên thông thái về sau.’ Và cô tiếp tục làm toán cho đến khi đứa trẻ được sinh ra.

Một điều khác tôi nhận thấy là đồ ăn. Người mẹ rất thích ăn hạnh nhân (almonds), chà là (dates) cùng sữa tươi. Bữa trưa cô ăn bánh mỳ và cá (không ăn đầu), salad trộn với hạnh nhân và những loại hạt khác vì họ tin rằng thịt cá tốt cho sự phát triển trí não nhưng đầu cá thì không. Thêm vào đó, theo văn hóa của người Do Thái, người mẹ khi mang thai sẽ cần phải uống dầu gan cá. Khi tôi được mời đến dùng bữa tối, tôi thấy rằng họ luôn dùng cá (phần thịt ở mình cá), họ không ăn thịt vì họ tin rằng thịt và cá khi ăn chung sẽ không tốt cho cơ thể.
Salad và các loại hạt là điều bắt buộc, đặc biệt là hạnh nhân.

Họ luôn ăn hoa quả tươi trước bữa chính.
Lý do là vì họ tin rằng việc ăn bữa chính trước rồi hoa quả sẽ khiến chúng ta buồn ngủ và khó tiếp thu bài ở trường.

Israel, hút thuốc là điều cấm kỵ.
Nếu bạn là khách thì không nên hút thuốc trong nhà họ, họ sẽ lịch sự mời bạn ra ngoài để hút thuốc. Theo các nhà khoa học ở đại học Israel, chất nicotine sẽ phá hủy những tế bào cơ bản trong cơ thể đồng thời ảnh hưởng đến gen và DNA (tế bào di truyền) dẫn đến sự thoái hóa bộ não. 

Đồ ăn cho trẻ cũng luôn trong sự hướng dẫn của cha mẹ. Đầu tiên, hoa quả ăn cùng với hạnh nhân, sau đó là dầu gan cá. Theo đánh giá của tôi, những đứa trẻ Do Thái đều biết 3 thứ tiếng, ví dụ như tiếng Do Thái, Ả rập và tiếng Anh. Từ khi còn nhỏ, trẻ em đã được học đàn piano và violin, và đây là điều bắt buộc. Làm như vậy vì họ tin rằng điều này sẽ làm tăng chỉ số thông minh của trẻ và sẽ khiến con họ trở nên thông minh. Cũng theo các nhà khoa học Do Thái, sự rung động của âm nhạc sẽ kích thích bộ não và đó là lý do vì sao có rất nhiều thiên tài người Do Thái...

Từ lớp 1 đến lớp 6, những môn học ưu tiên trẻ em được dạy các môn về kinh doanh, toán học, khoa học. Để so sánh, tôi có thể nhận thấy trẻ em ở California, chỉ số IQ của chúng khoảng 6 năm về trước. Tất cả trẻ Do Thái đều tham gia vào các môn thể thao như bắn cung, bắn súng, chạy bộ vì họ tin rằng bắn cung và bắn súng sẽ rèn luyện cho bộ não trở nên tập trung vào cách quyết định và sự chính xác.

Ở trường trung học, học sinh sẽ giảm dần việc học khoa học mà sẽ học cách tạo ra sản phẩm, đi sâu vào những kiểu bài tập thực tế như vậy. Dù một số dự án/bài tập có vẻ nực cười và vô dụng, nhưng tất cả đều đòi hỏi sự tập trung nghiêm túc đặc biệt nếu đó là những môn thuộc về vũ khí, y học, kỹ sư, ý tưởng sẽ được giới thiệu lên các viện khoa học hoặc trường đại học.

Khoa kinh doanh cũng được chú trọng ưu tiên. Trong năm cuối ở trường đại học, sinh viên sẽ được giao một dự án và thực hành. Họ sẽ hoàn thành nếu nhóm của họ (khoảng 10 người/nhóm) có thể tạo ra lợi nhuận 1 triệu USD.
Đừng ngạc nhiên, đây là thực tế và đó là lý do vì sao một nửa hoạt động kinh doanh trên thế giới là của người Do Thái. Thiết kế mẫu thời trang mới nhất của Levis là của khoa kinh doanh và thời trang của trường đại học Israel.

Đã bao giờ bạn thấy họ cầu nguyện chưa? Họ sẽ luôn lắc đầu (khi cầu nguyện) vì họ tin rằng hành động này sẽ kích thích và cung cấp nhiều oxy cho não. Điều tương tự giống như người Hồi giáo khi cầu nguyện họ phải quỳ lạy cúi đầu. Và hãy xem những người Nhật Bản, cách họ cúi đầu và người Nhật Bản cũng có rất nhiều người thông minh, họ thích ăn sushi (thịt cá tươi). Liệu đây có phải là sự trùng hợp?

Trung tâm thương mại của người Do Thái tập trung ở thành phố New York, và chỉ phục vụ cho người Do Thái. Nếu ai đó trong cộng đồng Do Thái có ý tưởng hay - có thể sinh lời, hội đồng người Do Thái sẽ cung cấp khoản vay không lãi suất và đảm bảo việc kinh doanh này phải phát triển. Vì lý do này, Starbuck, Dell, Coca-Cola, DKNY, Oracle, Levis, Dunkin Donut, các bộ phim Hollywood và hàng trăm hoạt động kinh doanh khác đều nằm dưới sự tài trợ của cộng đồng Do Thái. Sinh viên Do Thái tốt nghiệp từ khoa y dược ở New York được khuyến khích đăng ký với hội đồng này và được phép hành nghề tư với khoản vay không lãi suất này.

Hút thuốc sẽ khiến bộ não bị thoái hóa.

Trong chuyến thăm của tôi đến Singapore năm 2005, điều khiến tôi ngạc nhiên là những người hút thuốc bị coi như đồ bỏ đi và giá một bao thuốc là khoảng 7 USD.
Cũng giống như ở Israel, việc hút thuốc là cấm kỵ và Singapore đã hình thành cách quản lý giống như ở Israel. Đây cũng là lý do vì sao hầu hết các trường đại học của Singapore đều thuộc đẳng cấp cao, dù Singapore chỉ nhỏ bằng Mahattan.

Hãy nhìn sang Indonesia, đâu đâu mọi người cũng hút thuốc và giá một bao thuốc chỉ rẻ bèo khoảng 70 xu USD. Và bạn có thể đếm được số trường đại học của họ, những gì họ sản xuất, những gì họ có thể tự hào, công nghệ ư? Họ còn chẳng thể nói được thứ ngôn ngữ nào ngoài ngôn ngữ của mình, vì sao họ khó có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo? Liệu đây có phải là do việc hút thuốc?

Bạn hãy tự suy nghĩ nhé.

Trong bài nay tôi không động chạm đến vấn đề tôn giáo hay chủng tộc. Đó là vì sao người Do Thái khá kiêu ngạo, và vì sao họ luôn bị săn đuổi từ thời Pharaon cho đến Hitler. Đối với tôi đó là vấn đề về chính trị và sự tồn vong. Điểm cuối cùng trong bài này là liệu chúng ta có thể tạo ra những thế hệ giống như những người Do Thái?
Câu trả lời có thể ở dạng khằng định đó là chúng ta cần thay đổi thói quen ăn uống hàng ngày, cách làm cha mẹ, và tôi đoán rằng chỉ trong 3 thế hệ, việc này có thể làm được. Điều này tôi có thể quan sát được từ đứa cháu của tôi. Chỉ mới 9 tuổi cậu đã viết được bài luận 5 trang về đề tài ‘Vì sao tôi thích cà chua?’. Cầu chúc cho chúng ta được sống yên bình và thành công trong việc tạo ra những thế hệ tương lai tài giỏi cho nhân loại dù bạn thuộc bất kỳ chủng tộc nào.
Bổ sung: Theo truyền thống người Do Thái, những học giả, nhà khoa học được khuyến khích kết hôn với con gái của những thương nhân vì theo họ, con cái sinh ra sẽ là sự kết hợp của cả giáo dục hàn lâm và giáo dục thực tế. Chính sự coi trọng thương nhân và kinh doanh cũng như học vấn đã đưa họ lên vị trí hàng đầu trên thế giới và khiến cả thế giới ngả mũ cúi đầu. (khác hẳn với văn hóa 'sỹ, nông, công, thương' của VN và Châu Á). Những chính sách của Hoa Kỳ trước đây và của Obama hiện tại cũng đều chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của các nhà tài phiệt người Do Thái."


 

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

Vật lộn với Thiên Chúa

 



Sách Sáng Thế (32,29) nói về việc ông Giacop, sau một đêm vật lộn với một người lạ, được đổi tên thành Israel – có nghĩa là kẻ vật lộn với Thiên Chúa. Lịch sử dân Israel cũng đúng là một cuộc vật lộn với Thiên Chúa: trung thành và phản bội, được bảo vệ và bị ruồng bỏ. Hành trình dương gian của mỗi người cũng là một cuộc vật lộn trong đức tin: Chúa có hiện diện thật sự? Chúa có yêu tôi đến nỗi có một ước mơ và kế hoạch cho đời tôi? Hoặc tất cả chỉ là do trí tưởng tượng thêu dệt nên?

Mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, người có một ơn gọi rất rõ ràng và những dấu chỉ rất lạ lùng của Chúa ngay từ lúc thụ thai. Câu Lời Chúa trong sách Isaia nói rõ: "Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi còn chưa chào đời Người đã nhắc đến tên tôi". Đức Phanxico nói với chúng ta: hãy nhớ đến những điều kỳ diệu Chúa đã làm trong cuộc đời mình, nhớ được thì hiểu được (tình thương Chúa). Điều đáng tiếc là bộ não của chúng ta thường nhớ những điều buồn, những cư xử không tốt của người khác , và rất khó nhớ những điều may lành đã xảy ra cho mình. Có hai người bạn cùng đi qua vùng sa mạc, một người cao lớn và người kia thấp bé, một hôm người thấp bé gây gỗ và đánh anh kia một tát – người kia không nói gì, chỉ ghi trên cát: bạn tôi đã cho tôi 1 tát; ít ngày sau, cơn khát đã lên đến tột đỉnh, người thấp bé lại cho bạn mình một ngụm nước, anh này bèn rút gươm và khắc trên đá: ngụm nước bạn cho đã cứu sống tôi! Hãy học cách ứng xử của người bạn này: viết lỗi bạn trên cát và ghi khắc ơn bạn trên đá. Chính vì chúng ta không nhớ và không nhận ra cách đối xử tốt lành của Chúa, quên rằng Chúa là người cha tốt không tưởng tượng được, là người bạn trung tín, là người yêu vĩ đại… cho nên chúng ta thường sợ, lo âu, buồn bã. Và Chúa luôn trấn an: Thầy đây, đừng sợ!

Tôi vẫn thường trấn an mình và nói với nhiều người: Chúa có một kế hoạch cho mỗi cuộc đời, hãy vững tin điều đó. Có câu chuyện kể về một người mẹ, trong lễ tang của đứa con thứ 6 của mình, bị bệnh down- mất ở tuổi 20, bà nói: “Đây là đứa con tôi không hề mong muốn, bị vỡ kế hoạch, sau đó vào tháng thứ 6 còn được bác sĩ tư vấn là nên bỏ đi vì bệnh down – nhưng vì sợ tội nên tôi giữ lại và sinh nó ra đời; trong 3 năm đầu đời của cháu, tôi vẫn không ưa nó vì là gánh nặng cho cả gia đình; nhưng dần dần tôi đã nghiệm ra: cháu là mối liên kết cho cả gia đình, vì cháu cần sự giúp đỡ nên bất cứ thành viên nào cũng tranh thủ về nhà sớm để chăm sóc cháu, nên tình yêu đã nối kết và triển nở rất tốt đẹp trong gia đình là nhờ có cháu; giờ đây, cháu đã hoàn thành sứ mệnh của mình ở trần gian nên Chúa đã gọi cháu về. 

Câu đáp ca thật cảm động: Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng. Không những Thánh Gioan dâng lời tạ ơn Chúa, nhưng mỗi người cũng không ngừng tạ ơn Chúa đã dựng nên mình, đã trao cho mình một sứ mạng khi cho mình sinh làm người. Nhiều khi những bộn bề cuộc sống, những gánh nặng cuộc đời, những bệnh tật mình mang, những gian nan khốn khó … làm cho ta buông tiếng thở dài và làm mất niềm vui của sứ mệnh ‘nên thánh và giúp người khác nên thánh’, nhưng hãy biết rằng: lúc sinh thì, tấm tranh thêu cuộc đời mới lộ ra mặt phải của nó, lúc sinh thời ta chỉ thấy mặt trái của bức tranh thêu với những sợi chỉ đơn điệu và lộn xộn của nó.



Cuộc sống mỗi người luôn đầy những áp lực: sa sút kinh tế, áp lực công việc, lo lắng về sức khỏe, những người trong giáo xứ bị bệnh nan y – bao giờ đến lượt tôi? Chiến tranh đang lan rộng, ô nhiễm môi trường, bất ổn xã hội và những tệ nạn không mong muốn, đổ vỡ gia đình. Qua câu chuyện của cô Maria và cô Matta, Chúa dạy ta phải phân biệt điều cấp thiết với điều quan trọng: Maria đã chọn phần tốt nhất và phần đó không ai lấy mất được. Điều quan trọng nhất trên trần gian là nhận biết, yêu mến và phụng thờ Chúa, còn những điều khác Cha trên trời sẽ lo liệu. Cuộc vật lộn hằng ngày với Chúa là như thế đó, nhiều khi mình lo hết phần Chúa. Có câu chuyện kể về một nhà trí thức, buồn bã chán nản vì nghĩ rằng Chúa chẳng thể biết đến sự hiện hữu của mình và chăm sóc mình, vì trên thế giới có trên 7 tỷ người. Nhà trí thức đi du lịch đến một vùng quê, tâm trạng đầy chán nản. Trên một ngọn đồi, ông gặp một người chăn cừu hồn nhiên thổi sáo, rất yêu đời. Ông hỏi : làm sao anh có thể vui vẻ được vậy? - Vì tôi tin rằng Chúa yêu tôi và chăm sóc tôi. Nhà trí thức mới vặn lại: Làm sao Chúa có thể biết và chăm sóc từng người được khi có quá nhiều người cùng tồn tại trên thế giới, mà Chúa thì chỉ có một?. Người chăn cừu cũng bị ngơ ngác không thể trả lời được, sau đó anh nói: Cháu cũng chẳng giỏi giang gì để có thể cắt nghĩa cho bác về điều này được, nhưng bác nhìn xuống ngôi làng dưới kia, có rất nhiều nhà nhưng các cửa của chúng đều tràn ngập ánh sáng nếu biết mở ra, dù chỉ có một mặt trời.

Để kết thúc, xin trích lại vài lời cầu nguyện: Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng đau khổ là cho tôi đuợc xa cách với những vướng bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.

Tôi đã hỏi: "Liệu Ngài có yêu tôi không" và Ngài đã trả lời: "Có". Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một, Ðấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó, tôi sẽ được lên Thiên Ðàng vì tôi đã tin. Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: "Cuối cùng con đã xin đúng điều ta chờ đợi"

 

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

Xét đoán

 



Hằng ngày chúng ta phải dùng lý trí suy xét phải trái, suy đoán các tình huống và kể cả phải xét và đoán trong các mối quan hệ người với người. Nếu chúng ta xét đoán về người khác quá rộng rãi và tốt lành thì chúng ta dễ trở thành người quá đơn sơ, nhưng nếu chúng ta xét đoán người khác quá khắt khe, thì chúng ta dễ thành  người hà khắc, keo kiệt và lên án bất cứ người nào mà chúng ta gặp gỡ. Trong chữ xét đoán, chúng ta dễ nhận thấy có nhiều điều sai trật rồi: chúng ta không đủ thẩm quyền, khôn ngoan, dữ liệu và đủ nhân đức (lòng tốt).

Chúa truyền dạy ta: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đong bằng đấu nào thì sẽ Thiên Chúa đong đấu ấy cho anh em”. Sở dĩ Chúa Giê su đưa ra một lời khuyên như vậy vì Chúa biết lòng chúng ta thường hẹp hòi khi xét đoán anh em, thường nhìn anh em với ý gian, cho nên càng bớt xét đoán chừng nào thì tốt chừng đó. Nhà tu đức khuyên: khi mình do dự về cách xử sự của anh em, mình nên dành chỗ cho tình thương, nên đọc được ý ngay cho người anh em. Không ai trong chúng ta muốn mình bị bắt tại trận đang phạm tội, nên chúng ta thường tìm mọi cách để chạy tội và dấu tội, và cách thông thường nhất là chúng ta vạch tội ấy nơi người khác. Trên các diễn đàn xã hội, người đứng lên vạch tội người khác (tham nhũng, phô trương, thành tích, giả hình)... nói năng rất hùng hồn và kịch liệt giống như mình hoàn toàn trong trắng, nhưng rồi một ngày nào đó kẻ đang vạch tội đó lại phải hầu tòa vì chính tội danh đó. Chỉ một phút hồi tâm, đám đông những người lên án chị phụ nữ ngoại tình bỗng nhận ra mình cũng đã từng ước ao hoặc đã từng thực hiện chính tội này, nên họ xấu hổ và rút lui. Người ta mạnh miệng lên án kẻ khác vì họ quên rằng mình cũng là đại tội nhân được Chúa không ngừng tha thứ; lý do thứ hai vì mình muốn dấu tội: vạch cái rác là miếng vụn của cái đà trong mắt mình; lý do thứ ba là do lòng kiêu ngạo, muốn thể hiện sự thông thái và rành tâm lý của mình, kiểu như con ếch muốn phình bụng to như bụng bò.



Chúng ta thường xét đoán sai về tha nhân, nếu viết lại đầy đủ thì có lẽ thế giới này không đủ chỗ mà để sách. Bản thân mỗi người cũng đầy chuyện và đầy kinh nghiệm, nhưng vì xấu hổ nên không viết ra và đi vào quên lãng – nên không còn nhớ để kinh nghiệm. Có thể kể đến bài viết ‘linh mục lúc nào cũng sai’, câu chuyện Khổng Tử và Nhan Hồi, biết bao câu chuyện của Chúa Giê su: Ngài bị chê là dại, bị quỷ ám, tầm thường và ít học vì là con ông thợ mộc, lộng ngôn, quân tội lỗi, vi phạm lề luật, kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa… {Trong tác phẩm ‘ Tự do nội tâm’ có nhắc đến câu “Anh em đong bằng đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy”. Tin Mừng diễn tả một “quy luật” thuộc về con người, những ai từ chối tha thứ, từ chối yêu thương, sớm muộn gì cũng sẽ trở thành nạn nhân của sự thiếu yêu thương đó. Sự dữ chúng ta làm cho người khác hoặc mong cho người khác, rốt cuộc, sẽ quay lại chống chúng ta. Những ai khắt khe với tha nhân sẽ phải chịu đựng nỗi khắt khe đó. Những xét đoán, nghi ngờ, khước từ hay căm phẫn giam hãm chúng ta trong một mạng lưới vốn sẽ bóp nghẹt chúng ta. Những khát vọng cái tuyệt đối, cái vô biên sâu xa nhất của chúng ta sẽ bị chặn lại và không được thoả mãn, bởi lẽ, việc thiếu lòng nhân từ với người khác đã khép kín chúng ta trong một thế giới của tính toán và tư lợi. Đây là một quy luật bất di bất dịch, “Anh sẽ không ra khỏi đó cho đến khi trả xong đồng xu cuối cùng”. Khi ai đó xúc phạm đến tôi, tôi cũng không muốn xét đoán, Thiên Chúa là Đấng duy nhất ‘dò thấu lòng dạ’và ‘xét xử công bình’, tôi giao cho Người việc cân đo hành động của người này và đưa ra phán quyết. Đó là một nhiệm vụ khó khăn và tế nhị thuộc về Thiên Chúa, tôi không muốn mang gánh nặng đó vào mình.}

 

Chúa Giê su mời gọi ta hãy thường xuyên đến với Chúa để học với Chúa bài học hiền lành và khiêm nhường, và cụ thể hôm nay Chúa dạy ta phải biết nhìn người anh em với con mắt của Chúa, tốt nhất là nhìn hành động của anh em bằng lòng thương xót, bằng ý ngay (thay vì ý xấu). Đừng xét đoán từ trong lòng theo thiên kiến và thành kiến, đừng thốt ra ngoài miệng bằng thói bép xép, gây xáo trộn và chia rẽ, vì đó là con đẻ của sa tan. Muốn tiến một chút trên đường nhân đức, hãy tập thói quen thỉnh thoảng hồi tâm, nhất là sau một cuộc nói chuyện, sau một ngày sống; hãy đặt bàn tay phải trên quả tim và thì thầm xin lỗi Chúa vì đã xúc phạm đến thanh danh người khác, vì quá khắt khe với người anh em.



[1] 1Pr. 2, 23

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

Thánh Thể là trung tâm điểm cho đời sống Ki tô hữu


 


Theo Lịch phụng vụ Roma, trong tháng 6 hằng năm có 3 lễ trọng kính Chúa: Lễ Chúa Ba Ngôi, Mình Máu Thánh Chúa và lễ Thánh Tâm Chúa Giê su. Nếu phải chia sẻ về Chúa Ba Ngôi hoặc về Mình Máu Thánh Chúa thì rất khó nói cho người khác những cảm nghiệm của riêng mình về những mầu  nhiệm đức tin lớn lao này, còn nói về Thần học thì quá xa vời. Xin mượn vài câu chuyện để nói về Mình Máu Thánh Chúa Ki tô.

Câu chuyện thứ  nhất, kể về một cộng đoàn bị bách hại. Các nhà thờ bị đóng cửa, không còn Thánh lễ, lòng khao khát Chúa đã thúc đẩy một số tín hữu tìm đến nhà thờ và cha xứ cử hành Thánh Lễ một cách kín đáo. Đang lúc vị  linh mục truyền phép Mình Thánh, thình lình cửa nhà thờ mở toang và một toán lính ập vào, viên chỉ huy hô lớn: “Đứng im”. Đám tín hữu chết lặng, vị linh mục cũng bất động với tấm bánh trên tay. Một phát súng nổ lớn, vị linh mục ngã quỵ, Mình Thánh Chúa rơi xuống nền đất. Viên chỉ huy tiến đến gần bàn thờ và chà đạp Tấm Bánh với chiếc dày của mình, ông nói: chẳng có Chúa nào hết. Sau khi tốp lính đã đi xa, những người tín hữu cùng tiến đến bái lạy Mình Thánh Chúa và họ rước lấy Chúa vào lòng. Câu chuyện xảy ra hoàn toàn đúng quy luật tự nhiên, chẳng có phép lạ nào xảy ra cả: vị linh mục vẫn bị chết và vị chỉ huy cũng không bị phạt. Phép lạ cũng không xảy ra khi Chúa Giê su bị treo trên Thập giá, Ngài cũng đau đớn và sỉ nhục, tự hủy đến cùng và không xuống khỏi thập giá như lời thách thức của đám đông.

Câu chuyện thứ hai là về Đấng Đáng Kính Fx. Nguyễn Văn Thuận. Ngài bị giam tù trong 13 năm, hằng ngày vẫn dâng lễ với 3 giọt rượu+1 giọt nước trong lòng bàn tay, lễ quy thì đọc thuộc lòng. Chúa Giê su Thánh Thể trở nên nguồn sống và nguồn sức mạnh giúp Đức cha chịu đựng những gian lao thử thách và có thể tha thứ cho những người giam giữ ngài.

Người ta thường hiểu phép lạ là những điều Thiên Chúa làm theo ý con người khi một điều gì đó xảy ra đi ngược với quy luật tự nhiên, nhưng phép lạ cũng thường xuyên xảy ra khi con người thay đổi chính mình để biết thuận theo ý Chúa. Nói theo vế thứ nhất thì phép lạ Thánh Thể rất ít khi xảy ra, sử liệu có ghi lại khoảng 20  phép lạ: Bánh sau khi truyền phép trở thành một tảng thịt cơ tim (nhóm máu AB, người Châu Á) và rượu trở thành máu người, hiện còn được lưu trữ một cách bình thường mà không bị hư hoại – dù đã trải qua nhiều năm hoặc nhiều thế kỷ, nhưng hình như chúng ta cũng không muốn tin vào những điều này. Thiên Chúa cũng không muốn dùng những phép lạ để tước mất tự do của con người khi buộc họ phải tin vào những mầu nhiệm trong đạo. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người đến độ Ngài chỉ can thiệp vừa đủ, làm phép lạ vừa đủ cho đức tin được nảy mầm. Để đức tin được lớn lên, cần có sự cộng tác của từng tâm hồn, và đó là một hành trình – một cuộc tình: “Để dựng nên con, Chúa không cần hỏi ý con; nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”(Augustinô).

Ở những nước Tây Phương (Mỹ, Pháp…) số Ki tô hữu đến nhà thờ hằng tuần chỉ khoảng vài phần trăm, ở VN thì khoảng 80% (lửa tuổi 40 trở lên, thống kê 2010), nhưng liệu rằng khi xã hội phát triển hơn thì Giáo hội VN có tránh được thảm trạng của các nước Phương Tây không?- Sợ rằng khó, nếu người Kitô hữu đi lễ như một bổn phận, đi lễ mà không xác tín rằng Thánh Thể là nguồn sống của linh hồn, là nhu cầu cấp thiết của đức tin. Hiện nay đã thấy người trẻ xa quê đi lễ gốc cây, đi lễ ôm, đi lễ vọng, đi lễ online… là vì còn có một chút ràng buộc của dư luận, khi tự do hơn có lẽ họ sẽ xa nhà thờ.  



Đọc tiểu sử các Thánh, chúng ta dễ nhận thấy các vị có một lòng yêu mến Chúa Giê su Thánh Thể cách đặc biệt, biểu hiện như việc đi lễ hằng ngày, cầu nguyện lâu giờ với Chúa Giê su Thánh Thể - hiệu quả công việc tông đồ tỷ lệ thuận với lời cầu nguyện của chính người tông đồ hoặc hậu phương, có những vị thánh chỉ sống bằng Thánh Thể trong nhiều năm trời. Còn chúng ta, những Ki tô hữu bình thường, hãy đến với Thánh Thể như là điều quan trọng nhất trong một ngày sống, như là một đòi buộc của đức tin và của con tim, để đáp lại tình yêu Chúa mong ước. Cha Vianey nói về Thánh Thể: Nếu chúng ta hiểu được bí tích Thánh Thể, chắc chắn chúng ta sẽ chết vì hạnh phúc, vì biết rằng Chúa Giê su dùng chính thịt máu mình để nuôi sống con cái mình. Mỗi lần rước Chúa vào lòng, phép lạ Thánh Thể xảy ra ngay trong lòng ta: mạnh sức để chống trả ma quỷ và vượt qua những gian nan thử thách, thêm sức mạnh giúp ta tha thứ cho kẻ khác và được hưởng lời hứa ban sự sống đời đời. 

 Phần thực hành, cha chủ lễ có nhắc người giáo dân: Cúi lạy Thánh Thể là cúi sâu (hai bàn tay chạm đầu gối), thưa Amen rõ ràng khi rước lễ, rước ngay tại vị trí mà thừa tác viên có thể quan sát – để tránh ý đồ phạm thánh.

 (Viết theo bài giảng của linh mục Phaolô Nguyễn Trung Kỳ)

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Kế hoạch cuộc đời

 




Tôi đã gặp những người ngoại đạo rất tự mãn với thành công ở đời, họ nói: “họ chẳng còn phải lo gì nữa, con cái hai đứa học ngành y- ra trường là có việc, bản thân họ có lương hưu”. Qua câu nói này, tầm nhìn cuộc đời của họ chỉ là ở đời này thôi. Tôi bỗng nhớ câu chuyện một giáo sư dạy học tại Mỹ, ông đặt vấn đề ‘kế hoạch cuộc đời’ với một sinh viên rất giỏi trong lớp: Ra trường em sẽ làm gì?- Em sẽ đi làm và tích góp tiền bạc cho cuộc sống, sau đó em lập gia đình và sẽ có những đứa con, em sẽ mua xe tậu nhà và vui hưởng cuộc đời, em sẽ đi du lịch và làm những thứ mình thích và chấm hết! Vị giáo sư nói: mơ ước của trò quá ngắn hạn, hãy có những kế hoạch dài hạn – kéo dài đến cõi đời đời. Để một cuộc đời có ý nghĩa, hãy cho nó một chiều dài, chiều rộng và chiều cao nữa: chiều dài cuộc đời là năm tháng mình hiện hữu, chiều rộng là tương quan với tha nhân, và chiều cao cuộc đời là hướng về Thiên Chúa và vĩnh cửu.

Tôi vẫn thường gặp những Ki tô hữu đạo gốc nhưng nay đã mất gốc, họ vẫn đi nhà thờ hằng tuần, vẫn rước lễ đều đặn, nhưng lỗi phạm giới răn thứ 7 thường xuyên (cả gia đình cùng trộm cắp) mà không hề thay đổi. Họ là những kẻ duy vật thực hành: tin có Chúa nhưng lại không sống Lời Chúa, họ làm tôi tiền bạc và khinh rẻ Thiên Chúa. Lời Chúa nói thật quá đúng: “Các con không thể làm tôi hai chủ, Thiên Chúa và tiền của được”. Chúng ta thường nghĩ tội lớn nhất trong đạo là tội dâm dục! Tôi lại nghĩ khác: tội lớn nhất là lỗi đức công bằng. Không gì vô lý bằng việc người có đạo mà lại phạm tội trộm cắp, vì khi đi xưng tội thì cha giải tội buộc họ phải đền trả mới được tha, như vậy thì trộm cắp làm gì, và lấy gì mà trả? Một nhà tu đức nói: ham mê của cải là tội thờ ngẫu tượng.

Giáo hôi đang tiến hành hồ sơ phong thánh cho Đức cha Lambert de la Motte. Ngài là người giàu có và rất thành công trong sự nghiệp thẩm phán ở Pháp, tuy vậy đã bỏ mọi sự để đi truyền giáo ở các vùng Viễn Đông, lúc cuối đời đã lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho Giáo Hội, phục vụ công cuộc rao giảng Tin Mừng. Nhiều vị thánh xuất thân rất giàu, nhiều vị tu sĩ tương lai rất sáng và có cả những thiếu nữ từng là hoa hậu…ấy thế mà họ đã giã từ ánh đèn sân khấu cuộc đời để bước theo Giê su, vì nhận ra chỉ có Chúa là gia nghiệp đáng cho họ theo đuổi, chỉ có Chúa là Đấng Tình Quân đáng cho họ dâng hiến tình yêu. Điểm chung của các Thánh là trong mọi việc, người ấy biết đặt Chúa làm tâm điểm chứ không phải bản thân mình.

Bài Tin Mừng Mt 6,24-34 nói với chúng ta: “Hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn mọi sự khác sẽ được ban thêm cho các con”. Nhiều khi chúng ta dễ mất phương hướng trong cuộc sống, nhất là khi nghe biết ai đó rất thành công, nhiều tiền của, hưởng thụ cuộc sống… chúng ta dễ tủi thân vì sự tầm thường và vô dụng của mình. Nhưng lời Chúa nói với chúng ta: trời đất sẽ qua đi, chỉ có tình yêu của Ta với con là không thay đổi và Ta sẽ không bao giờ quên con. Chúa dạy ta đừng quá lo lắng đến cơm ăn áo mặc và những chuyện đời này, đừng nói những chuyện vô bổ và vô ích. Một nhà tu đức nói: “Kẻ nói nhiều, cho dù nói toàn những điều tốt đẹp, cũng chứng tỏ rằng tâm hồn họ trống rỗng”. Nhiều khi chúng ta quên mình là con cái Chúa để rồi quá lo lắng cho mình: cô độc và bất lực trong nhiều vấn đề. Nhiều khi chúng ta quên mình là thụ tạo mà quên cúi mình xuống và quỳ gối để được lãnh nhận muôn ơn lành từ trên cao: tự cao và tưởng rằng mình đứng vững.

Có câu chuyện kể về một người đầy tớ, được chủ hậu đãi vì cả đời tận tụy phục vụ: trong một ngày anh đi đến đâu,đánh dấu được bao nhiêu đất thì đó là gia sản thuộc về anh, với điều kiện trước khi mặt trời lặn - anh phải trở về điểm xuất phát nơi ông chủ đang chờ. Người đầy tớ quá hồi hộp nên suốt đêm không ngủ, mờ sáng đã xuất phát để chạy qua biết bao cánh đồng và hồ nước mênh mông, anh cứ muôn thêm nữa thêm nữa… Tội nghiệp cho anh, lúc mặt trời lặn anh đã kiệt sức mà chết dọc đường! Giả như anh chỉ biết chọn vừa đủ thôi thì anh đã hạnh phúc rồi. Hình ảnh của người đầy tớ cũng là hình ảnh của mỗi người sống trên trần gian: lo kiếm sống và mưu tìm hạnh phúc mà không biết giờ tấm màn hạ xuống.



Sách Ký Sự (2Ks 24,17-25) kể lại một câu chuyện: Dân Israel bỏ đường lối Chúa, Chúa trao một lực lượng đông đảo dân Israel vào tay dân Aram - dù họ chỉ đến với một số ít người. Điều này gợi cho chúng ta rằng: trong cuộc chiến này, Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất, chính Ngài làm cho dân Israel ra nhát đảm và thua trận, còn dân Aram tiến đánh chỉ là nguyên nhân đệ nhị.Trong mọi công việc hoặc một biến cố thành công hay thất bại, bạn và tôi, chúng ta hãy xác tín rằng Chúa là nguyên nhân đệ nhất - Ngài luôn hành động trong cuộc đời ta, còn hoàn cảnh sống và những việc xảy đến chỉ là nguyên nhân đệ nhị, chỉ là cơ hội để ta bám chặt hơn vào Chúa.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

Chúa cần con

 



Cha Kim Long rất hay trình bày bài hát ‘Chúa không lầm’(1/4000 sáng tác của ngài): Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con, dù Lời Ngài con không giữ trọn; Chúa không lầm khi Ngài dìu con lên, dù rằng đời con bao yếu hèn, vì Chúa đã biết từ ngàn xưa nhiều khi con chẳng trung thành là vì con đâu phải thần thánh.

 Cuộc đời dấn thân cho cánh đồng truyền giáo của một linh mục hay người giáo dân đều phải trải qua những giây phút căng thẳng và nặng nề vì cảm giác vô dụng (không ai cần mình). Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn có đó, Ngài sẽ gửi những tín hiệu cần thiết, đủ để ta bước tiếp. Có thể là một lời động viên của một người nào đó mà ta không biết hoặc đã không còn giữ mối liên lạc: we need you. Có những lời nói của mình trong quá khứ, chính mình đã quên từ lâu, nhưng một ai đó lại không quên, họ được động viên nhờ lời ta đã nói, đó là việc của Chúa. Cha Nguyễn Tầm Thường cũng kể lại một kinh nghiệm của ngài khi làm việc mục vụ tại Mỹ: Lúc ấy tôi còn làm thầy, tôi đưa Mình Thánh cho những người già, tháng này qua tháng khác, đi giữa dòng người xuôi ngược mà chẳng ai biết mình… nhiều lúc hoang mang và chán nản, nhưng có một hôm khi trao Mình Thánh Chúa cho một cặp vợ chồng già, người chồng nhìn tôi rất cảm động và nói: We need you! Câu nói đơn giản này đã nâng đỡ tinh thần tôi rất nhiều, giúp tôi đủ sức đi tiếp con đường ơn gọi của mình. Những người sống trong bậc tu trì, với cái nhìn đức tin bén nhạy, họ thường nhận ra hoạt động và sự can thiệp của Chúa qua những biến cố xảy ra, nhiều điều họ không hiểu được và chỉ biết rằng có ‘Chúa đó’. Các thánh thường trải qua 'đêm tối đức tin', đặc điểm của thời kỳ này là ma quỷ không còn khả năng làm hại được linh hồn, nhưng linh hồn cũng không với tới được Thiên Chúa, mòn mỏi vì khao khát Chúa, vẫn biết rằng có Chúa đó nhưng lại không thể gần gũi được Ngài.

Nhưng động lực chính để nuôi sống một ơn gọi (hồn của ơn gọi) chính là việc cảm nghiệm mình được yêu thương, mình là người yêu của Chúa, tình yêu Ngài lấp kín cả tâm tư (lời bài hát Từng bước đi lên của Lm Văn Chi). Đứng trước quyết định lãnh nhận chức phó tế và linh mục, các ứng sinh thường trải qua những đêm không ngủ vì phải suy nghĩ: sứ mệnh thì lớn lao mà mình lại quá nhỏ bé. Cha thánh Vianey có một câu nói nổi tiếng về sự cao trọng của chức linh mục: Nếu một linh mục hiểu được sự cao trọng của chức linh mục thì ngài sẽ chết vì sung sướng hạnh phúc.  Sở dĩ vẫn có người dám lãnh nhận chức linh mục là vì họ được dạy rằng: ơn gọi là do Chúa, con người chỉ biết nỗ lực và cậy dựa vào ơn Chúa để bước tới. Đáp trả tình yêu Chúa bằng một đời hiến dâng và cầu nguyện để gắn kết với Chúa là mặt trước của đồng tiền; mặt sau của đồng tiền là việc dấn thân phục vụ đồng loại, như là điều tất yếu của những kẻ mang trong mình những thao thức của chính Chúa Giê su, Đấng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình cho đoàn chiên được sống dồi dào.

Có những người rất giỏi, nhưng nay lại mất lý tưởng sống, họ nghĩ việc hoạt động cho Giáo hội địa phương hoặc việc chia sẻ về Chúa trên các phương tiện truyền thông là việc của các linh mục tu sĩ, họ quên mất sứ điệp rao giảng Tin Mừng là dành cho mọi Ki tô hữu đã lãnh nhận phép rửa tội. Tuy chưa già nhưng họ nghĩ rằng mình đã về hưu và sống như để chờ chết. Một linh mục đã chia sẻ: “Biểu hiện sống động của đức tin là sự phục vụ: một giáo xứ có những người hăng say phục vụ cộng đoàn và có nhiều ơn gọi tu trì thì đó là dấu chỉ rõ ràng đời sống đức tin ở đó rất sống động. Tôi có một anh bạn học ngày xưa, nay vừa đi định cư ở Mỹ với con cái, anh chia sẻ ước mơ khi sang Mỹ là sẽ phục vụ công tác nào đó ở nhà thờ hoặc làm từ thiện, có nghĩa là không còn nghĩ đến chuyện kiếm tiền mà làm việc Chúa cần; tôi nghĩ đời anh sẽ vui và anh sẽ thực hiện điều anh nói, vì khi ở VN anh cũng thường làm việc cho Giáo hội và cũng thường làm từ thiện.



Để làm chứng cho Chúa, thực sự chúng ta không cần phải quá thông thái, nhưng hãy yêu nhiều. Sự thánh thiện có ở tất cả mọi người khi biết theo đuổi ơn gọi của mình với sự tận tụy hiến dâng cho Chúa và đồng loại. Có những vị thánh làm chứng cho Chúa bằng đời sống hôn nhân: chu toàn bổn phận và công việc hằng ngày trong tình yêu Chúa và tha nhân, thánh hóa bản thân ngay trong những bộn bề cuộc sống mưu sinh và nuôi dưỡng con cái. Có những người khác cảm nhận được lời mời gọi  nên thánh bằng con đường loan báo tin mừng cứu độ trên truyền thông,  như Chân Phước Carolo Acutis và Đấng Đáng Kính Fulton Sheen. Còn bạn và tôi, dù vô danh bất tài, cũng đừng quên rằng Chúa cần chúng ta cộng tác vào việc mở mang nước Chúa – nên thánh trong bậc sống và giúp người khác nên thánh.

ĐỘC THÂN LINH MỤC

 


(Sưu  tầm)
  Đấng Chăn Chiên Lành, đích thị là chính Chúa GiêSu. Nhưng Ngài cũng tuyển chọn những kẻ nối tiếp Ngài, để trở thành những kẻ chăn chiên, như Ngài nói với Phêrô sau khi sống lại, hãy chăn dắt các chiên con, chiên mẹ của Thầy. Giám mục là những đấng chăn chiên. Hơn 4000 GM trên thế giới. Hầu hết là đấng chăn chiên lành. 99,9% là lành. Linh mục cũng được gọi cách nào đó là kẻ chăn chiên. Khoảng 400.000 linh mục trên thế giới. Khá đông, nên cũng lẫn nhiều kẻ chăn chiên không lành lắm. Vụ linh mục lạm dụng tình dục tại Mỹ nổ ra mới đây, là một ví dụ, gây biết bao thiệt hại cho Giáo Hội, uy tín lẫn tiền của!
Tuy 400.000 linh mục là đông như vậy, nhưng so với 40 năm trước đây, lại tụt từ nửa triệu xuống còn 400 ngàn. Lẽ ra con số phải càng ngày càng tăng, vì dân số tăng, con chiên tăng, nhưng kẻ chăn lại giảm, giảm thảm hại, nhất là tại Âu Châu, sau đó là Mỹ Châu.
-Có người nói rằng, vì luật độc thân, cho nên mới sút giảm con số linh mục như thế.
-Có người nói, vì không được cưới vợ, cho nên có những kẻ chăn chiên không lành như vậy. Và họ lập luận:
Vậy để không giảm sút, để quân bình và tốt lành, hãy hủy luật độc thân của linh mục, trở về với thời nguyên thủy, như các tông đồ: rõ nhất là Phêrô tông đồ cả: có mẹ vợ đau nặng được Thầy đến chữa lành.
Luật độc thân linh mục của Giáo Hội nghi lễ LaTinh xuất hiện muộn thời, nhưng là một điểm son cho đoàn chiên. Khi không có vợ có con, thì lo lắng cho đoàn chiên ắt phải chu đáo hơn nhiều. 
Nhưng ngày nay có nhiều người đã đưa ra những luận điệu có vẻ xây dựng, đề nghị cho các linh mục được lập gia đình giống như các mục sư Tin Lành, để cứu vãn tình trạng thiếu ơn gọi, khan hiếm linh mục, vì sợ rằng mai ngày không còn đủ tông đồ làm việc cho Chúa, thiệt hại cho các linh hồn. Và nhất là để linh mục quân bình hơn, vì nhờ có gia đình?
Nhưng chúng ta hãy nghe thuật lại những phức tạp sau đây, đã được chính các vị chủ chăn tiết lộ về tình trạng của các giáo hội có luật cho phép linh mục lập gia đình và mục sư có đôi bạn.
1. Mục sư Jungmann nói: "Qúi vị đừng nghĩ rằng chỉ có Giáo Hội Công Giáo của quí vị gặp khủng hoảng, bên Tin Lành chúng tôi còn gặp khủng hoảng nặng hơn bên quí vị rất nhiều.”
Đâu phải được lập gia đình, là đi làm linh mục, hoặc mục sư đông hơn đâu. Nhiều khi ngược lại, bởi họ không thấy lý tưởng cao cả nơi ơn gọi đó. Cho nên họ chẳng phấn đấu để vào. 
2. Trong một cuộc họp mặt giữa linh mục Công Giáo và mục sư Tin Lành, một mục sư phát biểu về đời sống độc thân: "Tôi bắt đầu hiểu giá trị đời sống độc thân nơi Giáo Hội Công Giáo. Tôi cảm thấy các linh mục là anh em với nhau, và tạo nên một gia đình thực sự. Không thể nói được như thế đối với chúng tôi... Nếu một mục sư nào đó thành công, tôi không sung sướng gì; nếu một mục sư nào đó thất bại, tôi cũng không đau xót gì với ông. Giữa chúng tôi không có bầu khí gia đình, họa chăng cũng chỉ có giữa vợ chồng chúng tôi thôi".
Năm 1974 dịch Kinh Thánh chung giữa Tin Lành và Công Giáo tại Đalat, đã thấy một chút khó khăn của đời đôi bạn làm mục vụ.  Vì Tin Lành đi là đi cả vợ con, phải bố trí phòng riêng. Khi xuống nhà cơm, họ ngồi theo gia đình. Còn linh mục, chỗ nào trống là kê vào. Rất thanh thản và tự do!
3. Đức Tổng Giám Mục Công Giáo ở Beyrouth (Liban) tâm sự: "Các Đức cha hãy cố giữ lấy kho tàng quí báu của Giáo Hội Latinh, tức là luật linh mục độc thân. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này; vì Giáo Phận tôi, một Giáo Phận theo nghi lễ Đông Phương: Có linh mục độc thân và có linh mục lập gia đình. Lắm vấn đề phức tạp mà quí vị không thể tưởng tượng được.
“Giáo Hội Công Giáo chúng tôi cũng như bên Chính Thống Giáo luôn nuôi ở Tòa Giám Mục vài cha sống độc thân, để dự phòng sau này làm Giám Mục kế vị chúng tôi, vì Giáo Luật đòi buộc Giám Mục phải sống độc thân (linh mục thì không buộc).
4. Lại còn phức tạp do luật buộc linh mục chỉ được kết hôn một lần trước khi lãnh Chức Thánh. Có những trường hợp linh mục mới có 30 hoặc 35 tuổi, vợ ông đã chết, tay bồng tay bế, lũ con nheo nhóc, không ai nuôi dưỡng, thật nan giải.
5. Trong việc mục vụ càng phức tạp hơn: Mặc dầu tập quán linh mục lập gia đình đã có từ xưa truyền lại, giáo dân vẫn quí mến linh mục độc thân hơn: các ngài dù ở xa hoặc đi đến đâu, họ cũng tìm cách gặp gỡ, để xưng tội và xin lễ.
6. Linh mục có gia đình chỉ phục vụ trọn vẹn ngày Chúa Nhật, còn các ngày khác họ phải lo làm ăn để nuôi sống gia đình. Như thế làm sao “sẵn sàng” được với mọi người.
7. Thuyên chuyển một linh mục có gia đình thật là một vấn đề khó khăn. Được lệnh, ông sẽ bảo: "Con sẵn sàng, nhưng vợ con mắc làm ở Sở kia, các cháu lại đang học ở trường nọ, gia đình con không cùng đồng tâm đến địa phương (sắp phải đến) đó".
8. Có khi linh mục thì tốt, nhưng bà vợ hoặc con cái chưa nói là xấu, chỉ không được giáo dân trong xứ có thiện cảm, thì cũng đủ để họ ghét luôn cả linh mục, rồi dần dà xa việc đạo. Trường hợp mà xảy ra thù hằn thì còn mất cả Đức Tin nữa. Nếu thuyên chuyển linh mục ấy không được, thì cha truyền con nối, tiếp tục giữ giáo xứ từ thế hệ này qua thế hệ khác, làm cho cả xứ đạo phải chịu sự áp bức của một gia đình, nên đời sống đạo sa sút không thể lường được!
Kết Luận
Là con cái Chúa và Giáo Hội Công Giáo nghi lễ LaTinh (nơi có luật độc thân linh mục), chúng ta hãy cầu nguyện  cho có được nhiều mục tử biết quí trọng và tuân giữ đời sống độc thân đến cùng, vì đó như một quà tặng quí giá cho đoàn chiên mà Chúa gửi đến.
Tuy vậy chúng ta cũng hãy cầu cho những linh mục trong các giáo hội không có luật độc thân linh mục (như Công giáo Đông phương, như Chính Thống…) nữa, để dù linh mục độc thân hay linh mục có gia đình trong các giáo hội được phép, thì họ, quan trọng phải là những mục tử nhân từ như Chúa Giêsu là vị Thầy nhân từ tuyệt hảo. Amen.
(góp nhặt từ vài nguồn)
 
 Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm