Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Đấng được xức dầu

 



 

Trong Kinh Thánh kể lại ít là 2 lần ông Đavit có cơ hội ra tay giết hại vua Saun, nhưng lòng kính sợ Chúa đã giúp cho ông Đavit thắng vượt lòng thù hận với kẻ tìm giết mình. Một lần ở trong hang thì ông Đavit đã cắt một tấm vải từ chiếc áo cẩm bào, còn lần khác thì ông Đavit lấy chiếc gươm và bình nước để làm bằng chứng (1S 24 và 1S 26).

Câu chuyện vua Saun và ông Đavit nói với chúng ta 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất: lòng thù hận của con người có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào: chính vua Saun đã nhận ra ‘con công chính hơn cha, chắc chắn đó là dấu hiệu con sẽ làm vua cai trị dân Chúa’, ấy vậy mà vua Saun cứ săn đuổi và tìm giết Đa vit cho đến chết. Lòng oán thù giống như con sư tử nằm sẵn trong từng người chúng ta, có cơ hội là nó sẽ lồng lên. Bình thường ai trong chúng ta cũng dễ thấy cái dở của người khác, nhất là những kẻ ‘lớn hơn, tài hơn và giàu hơn ta’, và hễ có dịp thì lòng ghen tị đó sẽ biến thành những lời nói có tính thù ghét.

Vấn đề thứ hai. Ông Đvit nói với cận vệ: “Đừng giết vua, có ai tra tay hại đến đấng được Chúa xức dầu tấn phong mà được vô sự đâu”. Câu nói trên đáng cho ta phải suy nghĩ: đừng xúc phạm đến những người được xức dầu thánh hiến,  những người đã tận hiến cuộc đời trong đời sống tu trì, những nơi thánh và những đồ vật thánh. Chúng ta hẳn đã từng được nghe hoặc được chứng kiến những ‘cụm công trình tôn giáo’ không thể phá hủy và những tai ương xảy đến với kẻ xúc phạm đến các đấng được Chúa xức dầu. Điều đó đáng cho chúng ta suy nghĩ  và đào sâu thêm vài chi tiết.

 

Tôi đã nhiều lần được nghe câu nói: “Sự độc thân linh mục là một cách làm chứng cho sự hiện diện của nước trời mai sau”. Điều đó rất đúng, vì nếu một người từ bỏ thế gian để sống trong bậc tu trì, tuân giữ những lời khấn hứa khiết tịnh – vâng phục – khó nghèo, mà không vì nước trời mai sau thì họ là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người (1Co 15,19). Người đời sợ nhất là chứng từ tử đạo và người đời cũng rất sợ chứng từ của bậc sống tu trì. Bởi đó, suốt dòng lịch sử từ 2000 năm nay, luôn xảy ra những thủ tiêu và bôi nhọ những kẻ bỏ lối sống thế gian để chọn Chúa làm gia nghiệp. Chúng ta có thể kể đến vài sự kiện: sau cuộc cách mạng Pháp (1789) nhiều tài sản của Giáo hội bị tịch thu và bắt bớ hàng giáo sĩ ; thời kỳ khai sáng (duy lý) vào thế kỷ 17 và 18, đề cao tự do hạnh phúc và lý trí, tôn giáo bị tấn công về cả luân lý và thần học, nhất là về nguồn gốc vũ trụ. Đức Gioan Phaolo 2 nói: thế kỷ 20 có trên 100.000 vị tử đạo. Chúng ta dám chắc rằng đa số các kẻ bị giết hại là các linh mục và tu sĩ.

 


Trên bình diện tự nhiên và ân sủng, ai cũng thích tấn công linh mục, mục tử. Chúng ta dễ nhận ra rằng ‘ngay cả giáo dân cũng thích nói xấu các Linh mục và các tu sĩ’. Tại sao vậy? – bởi vì theo tâm lý học chẳng ai thích ném đá đồ chó chết cả, có nói xấu kẻ đầu to mặt lớn thì mới chứng tỏ mình giỏi , và có giết được chủ chiên thì đàn chiên mới tan tác. Có một bài viết rất hay nói rằng  linh mục bao giờ cũng sai(http://thanhthienc.blogspot.com/2013/02/linh-muc-luc-nao-cung-sai.html). Cuối Thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 nở rộ lên sự kiện lạm dụng tình dục của một số linh mục và sự bao che của một số giám mục. Thực ra sự kiện không đến nỗi trầm trọng như truyền thông thế tục đưa tin, đây cũng chỉ là một hình thức bôi nhọ hàng giáo sĩ và bách hại tôn giáo. Theo một bài phân tích: Sự kiện xảy ra vào đầu thế kỷ 20, là thời kỳ bùng nổ kỹ nghệ tình dục; nhiều tầng lớp và nhiều tôn giáo cũng có sự lạm dụng tình dục trẻ em; sự lạm dụng xảy ra nhiều  nhất nơi những người thân trong gia đình và những kẻ giám hộ; tỷ lệ các linh mục xảy ra việc lạm dụng là rất nhỏ, vậy mà các phương tiện truyền thông và các tổ chức xã hội làm rùm beng đến nỗi nhiều người khi nghe nói đến việc lạm dụng tình dục trẻ em là nghĩ rằng chỉ có các linh mục Công giáo mới phạm tội này và nhìn tất cả các linh mục với lòng ác cảm.

 

Số linh mục (và tu sĩ)đang giảm sút nghiêm trọng trên thế giới. Cách đây  chừng 20 năm, trên thế giới có khoảng 500.000 linh mục triều và dòng, Bảng thống kê niên giám 2020 chỉ còn lại 410.000 linh mục. Con số thống kê này nói với chúng ta rằng: các linh mục là những kẻ đứng mũi chịu sào, hãy cầu nguyện cho các vị được trung thành với sứ vụ và ơn gọi của Chúa, đừng hùa với thế gian để bôi nhọ ‘đấng được xức dầu’. Hãy nhớ lời ông Đavít: “Đừng giết vua, có ai tra tay hại đến đấng được Chúa xức dầu tấn phong mà được vô sự đâu”.

 

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

Có thể và không có thể

 



Bài Tin Mừng  thứ hai tuần 7 TN (Mc 9, 14-29) kể về câu chuyện một người cha có đứa con bị quỷ câm ám. Trong lúc Chúa Giê su và 3 môn đệ lên núi trong sự kiện biến hình thì người cha đưa con mình đến và các môn đệ không thể trừ quỷ. Khi Chúa Giê su xuất hiện, người cha cầu xin ‘nếu Chúa có thể làm được thì xin cứu giúp’, và câu trả lời của Chúa đáng cho ta ghi nhớ: “Mọi sự đều có thể đối với người tin”. Chỉ trong một đoạn Tin Mừng ngắn thôi mà hai từ ‘có thể’ và ‘không thể’ được lặp đi lặp lại nhiều lần, điều này nói lên một thách đố luôn tồn tại ngay cả trong cuộc sống mỗi người.

Một trong những nhiệm vụ khá khó khăn trong tác vụ linh mục là việc trừ quỷ. Mỗi giáo phận thường có một vài linh mục được chỉ định làm công việc này. Dĩ nhiên vị này phải dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa khi thực hiện công việc khó khăn này, hơn là cậy dựa vào sự thánh thiện của bản thân mình. Đức tin là điều then chốt, kèm theo đó là việc ăn chay cầu nguyện và từ bỏ mình. Điều mà nhiều vị trừ quỷ sợ là ma quỷ biết cả tật xấu của con người, có lúc chúng làm mất mặt vị này khi nói ra những tội lỗi thầm kín của kẻ trừ tà cho đám đông hiện diện biết.

ĐHY Fulton Sheen kể: Một người bị quỷ nhập được mang đến cho một vị ẩn sĩ. Khi vị ẩn sĩ truyền cho quỷ bỏ đi, nó hỏi ngài: “Đâu là sự khác biệt giữa chiên và dê trong ngày Chúa phán xét?” Vị ẩn sĩ trả lời: “Tôi là một trong những con dê”. Quỷ đáp lại: “Vì sự khiêm nhường của ngài, tôi xin rời khỏi người này”. Chúng ta thường tưởng tượng rằng vị linh mục trừ quỷ phải có một đời sống luân lý tốt, chuyên chăm cầu nguyện nhiều giờ, thường xuyên ăn chay hãm mình… Nhưng những việc làm đó là để tăng thêm lòng tin vào quyền năng Chúa hơn là để tự tin vào khả năng mình. Để tránh rơi vào bẫy kiêu ngạo, trong các dòng tu, ngoài những việc hãm mình được nhà dòng và cha linh hướng quy định, người tu sĩ nếu muốn ăn chay đánh tội thêm thì phải xin phép trước khi hành động, chính thái độ khiêm tốn và  vâng phục mới mang lại giá trị cho những hành vi khổ chế.

Trong một youtube, Đức cha Khảm có nói : “Một trong những biểu hiện của người có đức tin là người đó biết cầu nguyện và thường xuyên cầu nguyện.Chúng ta thường cầu nguyện là để xin với Chúa điều này điều nọ, nhưng lại thường quên xin một điều rất quan trọng là xin ơn đức tin, vì đức tin là một ân ban của Thiên Chúa, hơn là một nỗ lực và khả năng của con người”. Tuần vừa qua Thánh Giacobê có một suy tư rất tuyệt vời về mối liên hệ giữa đức tin và việc làm: “Đức tin không việc làm là đức tin chết. Cả ma quỷ cũng tin là có một Thiên Chúa duy nhất. Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi. Qua hành vi hiến tế con mình, đức tin ông Abraham đã nên hoàn hảo”. Đọc thư của Thánh Giacobê, chúng ta liên tưởng đến điểm thần học chính của anh em Tin Lành là ‘duy đức tin và duy Kinh Thánh’, họ cho rằng thánh Giacobe nói nhảm !

Ông Pascal nói đến mối liên hệ giữa đức tin và đời sống luân lý: Bạn nói rằng khi một người có đức tin mạnh mẽ thì họ sẽ có đời sống luân lý tốt. Điều đó đúng, nhưng mới chỉ đúng 50%. Bạn nên nói thêm: mỗi ngày mỗi người hãy cố gắng trở nên tốt hơn trong đời sống luân lý thì đức tin của họ cũng được lớn thêm. Thánh Augustino có một đời sống luân lý không tốt, có mối liên hệ tình dục bất chính từ rất sớm, giao du với bạn bè xấu và ganh đua nhau xem ai sa đọa hơn; dù ý thức về sự tội, nhưng lại không muốn dứt bỏ nên đã có một lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn khiết tịnh, nhưng không phải bây giờ”.

 Thế đó, nhiều khi đức tin của ta chưa lớn mạnh là vì ta không thường xuyên cầu xin và ta chưa can đảm dứt bỏ một nết xấu nào đó. Có một vị ẩn sĩ ăn chay cầu nguyện nhiều năm trời, nhưng ông cảm thấy mình chưa kết hiệp trọn vẹn với Thượng Đế vì còn một cản trở nào đó. Ông suy nghĩ nhiều ngày và cuối cùng nhận ra rằng còn một cái tách trà quý của gia đình để lại, ông cầm lấy và ném vỡ nó; quả nhiên, lòng ông trở nên thanh thản lạ thường. Một nhà tu đức nói: một con chim, dù bị cột bởi một sợi chỉ hay một giây xích vàng thì cũng không thể bay lên được. Phải tìm xem quả tim mình bị trói buộc bởi cái gì? Một trong những cách để tìm đó là hãy xem mình hay nghĩ về điều gì nhất trong ngày, ở giây phút đầu tiên và cuối cùng của một ngày… Chúng ta vẫn nghe những câu chuyện kể về những người trẻ nghiện ma túy hoặc rượu chè lâu năm, ra tù vào khám biết bao lần mà vẫn không chừa được, ấy thế mà khi họ cậy dựa vào lòng thương xót và quyền năng của Đấng Phục Sinh thì họ đã được giải thoát. Thánh Phaolô nói: "Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi".

Câu chuyện trừ quỷ câm nói đến mối liên hệ giữa đức tin và việc cầu nguyện. Chúng ta hãy thường xuyên xin Chúa ban thêm đức tin cho mình, nhất là trong cơn gian nan thử thách. Đừng ai nghĩ rằng mình có đức tin mạnh. Thước đo của đức tin chính là đời sống cầu nguyện, kết hiệp với Chúa và xin vâng ý Chúa trong mọi sự.

Câu chuyện chữa lành người mù (Mc 8,22-26).

 



Trong tuần vừa qua (6 TN), chúng ta được nghe câu chuyện Chúa chữa lành người mù. Có lẽ ít có phép lạ nào lại được thực hiện công phu như vậy. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến một câu nói của Đức Phanxicô: Thiên Chúa luôn tạo ra những bất ngờ.

Trong Tin Mừng Gioan, khi nói về hoạt động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giê su đã diễn tả hoạt động của Thần Khí: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, các ngươi thấy gió mà không biết gió từ đâu tới và sẽ thổi đi đâu”. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta đọc thấy nhiều phép lạ diễn ra rất khác nhau, có khi có lời cầu xin có lúc chẳng cần lời xin, thường thì Chúa phán một lời là được nhưng có lúc Chúa phải đụng tay vào, phép lạ xảy ra cho kẻ hiện diện và cho kẻ ở một nơi rất xa khác. Phép lạ chưa lành người mù hôm nay thì xem ra phức tạp hơn: anh ta kêu xin Chúa cứu chữa, Chúa dẫn anh ra khỏi làng, nhổ nước miếng vào mắt anh ta - đặt tay trên anh ta và anh ta thấy mờ mờ, tiếp đó Chúa đặt tay trên mắt anh thì anh ta mới thấy rõ. Chúng ta tự hỏi, tại sao có lúc Chúa chỉ cần nói một lời là phép lạ xảy ra ngay và lúc khác lại thực hiện phức tạp như vậy? – Đó là quyền của Chúa, Chúa hoạt động theo cách Ngài muốn.

 Thiên Chúa luôn tạo ra bất ngờ cho chúng ta về cách hiện diện và hành động của Ngài. Như một nhà giáo dục, với quyền  năng và tình yêu của Ngài, Thiên Chúa còn có thể đưa ra những bài tập riêng cho từng người, dù nhân loại có đến mấy tỷ sinh linh. Bạn có tin hay không thì tùy, riêng tôi thì tôi tin như vậy. Với một kẻ kiêu ngạo, một kẻ kém tin, một kẻ ích kỷ … Chúa có bài tập riêng, vì quyền năng của Ngài thì vô biên và tình yêu của Ngài thì vô hạn, Chúa không muốn một ai hư đi và Ngài luôn kiên nhẫn với từng người. Thánh Phaolô hẳn đã nghiệm ra quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa khi thánh nhân viết: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.”(Rm 8,28). Hãy ngẫm nghĩ đời mình mà nhận ra rằng: những hoàn cảnh xảy ra, những người mình gặp gỡ, người bạn đời mình đang chung sống, những kẻ gây gỗ với mình, những cơn bệnh và những tai ương, những may lành và ơn phúc trong cuộc đời … đều là quà tặng của Chúa để mình nên tốt hơn, tự thoát hơn, dễ chịu hơn và gắn chặt đời mình với Ngài hơn.

 


Trong tác phẩm “Nhật ký lòng thương xót Chúa nơi linh hồn tôi” có kể lại hai câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất là khi Thánh Nữ Faustina cầu nguyện xin Chúa cất đi một thập giá cho nhà dòng thì được Chúa trả lời: Ta chưa thể cất đi thập giá này khi người ta chưa nhận ra lỗi lầm của họ. Câu chuyện thứ hai là khi có một người chị em xin Thánh Nữ cầu nguyện cho ước muốn của mình được thành sự; thánh nữ nhận biết điều ước đó không đẹp ý Chúa nhưng vẫn cầu nguyện; và ngày hôm sau thì người chị em kia dù được toại nguyện nhưng cũng nhận ra rằng ‘giá mà mình đừng xin như vậy mà xin thuận theo ý Chúa thì tốt hơn’. Mỗi người hãy năng nhìn lại cuộc sống, hồi tâm để nhận ra những bài học Chúa dành cho mình trong cuộc sống, vì nếu chưa nhận ra bài học đó thì Chúa còn phải kiên nhẫn đợi chờ và thập giá còn tiếp diễn. Đừng trách Chúa vô tâm, vì Ngài luôn ưu tiên cho việc cứu rỗi linh hồn con người.

 

Cơn đại dịch xảy ra, người người nghiệm ra sự bấp bênh của phận người và sự hư ảo của những sự vật đời này, họ kêu nài lòng thương xót và sự che chở của Thượng Đế: con mắt tâm linh phần nào đó được rọi sáng, nhưng hãy coi chừng nó mờ mờ trở lại. Hãy nhớ lời Thánh Gia cô bê tông đồ: như người soi gương, thấy khuôn mặt mình bẩn thì lo chùi rửa, cũng vậy anh em hãy lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành (Yc 1,22-24). Và cho dù nhân loại có vượt qua cơn đại dịch này thì con người vẫn luôn phải cậy dựa vào Chúa trong mọi sự, từ sự hiện hữu và nhất là việc cứu rỗi của chính mình và nhân loại, con người luôn cảm thấy mình nhỏ bé trong vòng tay của Đấng Toàn Năng và giàu lòng Thương xót.

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

Tiếng Chúa mời gọi

 



Cả ba bài đọc Chúa nhật thứ 5 TN đều nói lên một điều, đó là sự bất xứng của con người trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Tiên tri Isaia thốt lên là mình nhơ uế và sau khi được một vị thiên sứ dùng than hồng tẩy sạch tội lỗi thì vị tiên tri đã sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng. Thánh Phaolô đã nhận ra sự bất xứng của mình, không những vì đã bách hại Giáo Hội, mà còn là sự hư không bất tài của mình: tôi có là gì cũng là bởi ơn Chúa ban, tôi có làm được gì cũng là bởi sự trợ giúp của ơn Chúa cùng với tôi. Còn Thánh Phê rô, ngạc nhiên trước những lời giảng dạy của Chúa và của mẻ cá lạ lùng, đã nhận ra sự bất xứng của mình và xin Chúa lánh xa mình đi. Tôi xin ghi lại vài tâm tình giúp mình sống với Lời Chúa hôm  nay.

Tâm tình thứ nhất, đó là sự bất xứng của chính mình. Một trong những điều làm cho chúng ta phạm tội kiêu ngạo là quên đi sự nghèo hèn và yếu đuối của mình. Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Xét về phương diện nhân bản, Thánh Phaolô có đủ lý do để tự hào: ngài có hai quốc tịch, được giáo dục về đạo lý với ông Gamaliel và là con của luật sĩ. Ấy thế mà thánh nhân coi mọi sự là rơm rác trước mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa Giê su Ki tô. Sau khi đã được ơn trở lại, thánh nhân cũng có nhiều điều để tự hào: được Chúa hiện ra và kêu gọi trực tiếp làm tông đồ, được Chúa dạy dỗ, được nâng lên tầng trời thứ ba trong một thị kiến, chịu nhiều gian lao khốn khó vì Tin Mừng, và rất đáng tự hào về những tư tưởng thần học chứa đựng trong các thư mục vụ mà ngài đã viết. Thánh Phaolô đã nghiệm ra một điều là để tránh cho ngài đừng hư đi vì kiêu ngạo thì Chúa đã cho ngài chịu một cái dằm đâm vào thân thể. Mỗi người chúng ta đều rất dễ tự hào rằng mình khôn – giỏi – khéo hơn người khác, và vì tự hào quá nên ta dễ khổ tâm khi ai đó va chạm với mình. Đức hồng y Fulton Sheen đã viết: “Cái ly phải rỗng thì mới đổ được đầy nước. Chỉ khi nào cái tôi nhỏ đi thì Thiên Chúa mới có thể đổ vào hồng ân của Ngài được. Cái tôi đầy tràn thì tình yêu Chúa và tha nhân không vào được nữa. Người khiêm nhường chú tâm đến lỗi lầm của mình, chứ không để ý đến lỗi lầm của kẻ khác. Người ấy chỉ thấy nơi tha nhân những gì tốt đẹp. Trái lại, người kiêu căng luôn phàn nàn về mọi người và tin rằng anh ta bị xử tệ, hoặc không được đối xử cho xứng đáng. Khi bị xử tệ, người khiêm nhường không phàn nàn, vì anh ta biết mình còn đáng bị xử tệ hơn thế”. Đọc những dòng trên, ta nhận ra rằng: nếu ta còn hay phàn nàn kêu trách, chê bai người này người nọ thì ta còn kiêu ngạo; hãy luôn tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa không ngừng tuôn đổ trên ta mỗi ngày, về những tài năng và những gì ta đang có; được ơn làm con Chúa là một hồng ân nhưng không mà Chúa ban tặng dù tôi tội lỗi bất xứng; Ta càng nhận ra mình tội lỗi thì Chúa càng âu yếm vì Ngài đến để tìm kiếm những gì đã hư đi.

Một đêm trắng tay. Tin Mừng không nói rằng chính Chúa đã can thiệp để thuyền của ông Phê rô đã phải chịu cảnh thất bại của một đêm đánh cá mà không bắt được một con cá nào, Tin Mừng chỉ nói đến một lần quăng chài vì vâng lời Thầy thì cả hai thuyền đầy ắp cá đến gần chìm, dù cả một đêm vất vả mà uổng công. Có thể nói đây là một phép lạ có thật chứ không mang tính ẩn dụ hay dụ ngôn. Phép lạ này đã gây nên một hiệu ứng mãnh liệt nơi tông đồ Phê rô và các bạn chài của ông, họ nhận ra sự bất xứng của mình trước vị thầy quá vĩ đại trong lời nói và quyền năng. Họ đã bỏ mọi sự để bước theo lời mời gọi cộng tác vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Chắc hẳn phép lạ đầu đời truyền giáo này mãi còn ghi đậm nơi tâm hồn các ông: việc truyền giáo là việc của Thiên Chúa cùng với sự đóng góp của con người. Đọc tiểu sử nhiều vị thánh, chúng ta thấy Chúa cho các ngài gặp thất bại trên đường công danh, nhờ vậy mà họ nhận ra con đường hạnh phúc khi gắn bó với Chúa. Chính bản thân mỗi người chúng ta cũng nghiệm được rằng nhiều khi Chúa cho mình gặp cơn bệnh hay thất bại nào đó để mình thay đổi cuộc sống và bám chặt hơn vào Chúa.

Ai trong chúng ta cũng được mời gọi trở nên nhân chứng của Tin Mừng cứu độ, dù ta bất xứng và bất tài. Thánh Phaolô đã ghi lại sứ điệp nòng cốt của Tin Mừng: Chúa Giê su đã chết vì tội nhân loại và Ngài đã phục sinh, ai tin vào Ngài và bước theo Ngài thì sẽ được giải thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết. Thế nhưng, chúng ta thường quên nhiệm vụ chính của mình trên trần gian nầy là sống sứ điệp đó, là thánh hóa mình và thánh hóa người khác, chúng ta thường bận tâm quá đáng đến những vấn đề cuộc sống vật chất mà quên chăm lo phần rỗi linh hồn mình và tha nhân. Phép lạ cuộc sống sẽ luôn xảy ra khi ta có một đời sống kết hiệp với Chúa, khi vâng lời Thầy. Có thể nói nhân loại được Chúa tạo dựng, kể từ người đầu tiên cho đến ngày tận thế, là một thân thể mầu nhiệm – là con cái của một Cha trên trời, thân thể này hiểu theo nghĩa rộng. Thân thể hiểu theo nghĩa hẹp hơn, đó là Giáo hội – bao gồm những người đã lãnh nhận phép rửa tội, trở thành con cái Thiên Chúa và có Chúa Ki tô là đầu của nhiệm thể. Bạn hãy luôn tin rằng khi bạn cầu nguyện cho ai đó thì bạn đã bơm vào thân thể này một enzyme tốt, chất xúc tác này sẽ làm cho thân thể này khỏe mạnh hơn. Ngược lại, khi ta làm điều xấu, thì ta làm cho thân thể này bị nhiễm độc và trở nên ốm yếu hơn. Hãy tin vào quyền năng Chúa để luôn cầu nguyện những điều tốt đẹp cho người thân, người tội lỗi, cho các nhà lãnh đạo và cho tổ quốc, chính Chúa sẽ ra tay, vì đối với Chúa mọi sự đều có thể. Ai đó đã nói: người ta dễ nhận ra phép lạ khi điều lạ đó đi ra ngoài quy luật tự nhiên, nhưng họ thường không nhận là phép lạ khi một tâm hồn được biến đổi trở nên tốt lành hơn. Người có đức tin luôn nhìn thấy phép lạ luôn xảy ra quanh mình.

 


Trong cuộc sống, đôi lúc Chúa cho phép xảy ra những đêm trắng tay mà không bắt được con cá nào, để ta khiêm nhường và cậy dựa vào Chúa hơn. Hãy biết tạ ơn vì những không may và những điều không hay với tha nhân, vì có thể người nào đó chỉ là nguyên nhân thứ cấp (tác nhân Chúa dùng) để mang đến những lợi ích to lớn hơn cho phần rỗi linh hồn. Đừng chờ cơ hội lớn để được cộng tác với Chúa, đa số người trong chúng ta chỉ là những Ki tô hữu bình thường, hằng ngày được mời gọi rao truyền sứ điệp cốt lõi (kerygma): Chúa Giê su đã chết vì tội nhân loại, Ngài đã phục sinh để muôn người có sự sống. Hãy trân quý tiếng mời gọi của Chúa và hân hoan cộng tác, dù mình bất xứng, và kiên trì cầu nguyện.