Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

CHỈ CẦN ÍT THÔI



CHỈ CẦN ÍT THÔI

Vũ trụ mênh mông với muôn giải ngân hà và hàng tỷ tinh tú, nhưng con người cũng chỉ biết rất ít về chúng và chỉ có thể sống trên quả địa cầu nhỏ bé này thôi. Ngôi Hai Thiên Chúa, Con Một Đấng Tạo Thành đã nhập thể để cứu loài người sa ngã, dường như chỉ có con người là tạo vật diệu kỳ nhất trong vũ hoàn nầy, vì họ có tự do. Con người đã nỗ lực tìm kiếm và đã phát lên không trung những tín hiệu thăm dò xem có một hành tinh nào đó có ‘con người’ nữa chăng?- Nhưng chưa có một tín hiệu phản hồi và chưa có câu trả lời.

Trên 200 quốc gia, nhưng mỗi người chỉ cần một hoặc hai quốc tịch và chọn một vùng đất rất ‘hạn chế’ để sinh sống và làm việc thôi, khi đi ra khỏi vùng đất đó họ chỉ là khách vãng lai. Dù có rất nhiều ngành nghề, rất nhiều môn khoa học, rất nhiều trường học… nhưng mỗi người cũng chỉ cần học một vài thứ trong chúng và bỏ bớt những cái còn lại, bởi đó người ta thường nói ‘biển học là không cùng, càng học càng thấy mình dốt’. Rất nhiều tôn giáo, rất nhiều ngôn ngữ, rất nhiều kiểu xe và dụng cụ phục vụ đời sống, nhưng mỗi người chỉ cần biết và sắm những thứ mình cần.

Rất nhiều phụ nữ và mỗi người một vẻ đẹp, nhưng trong tình yêu chỉ cần chọn một người trong họ và sống cho trọn tình thì đã hạnh phúc rồi; ngược lại nếu càng tham lam thì ta vi phạm lề luật tự nhiên mà Chúa đã thiết lập và chỉ đạt được hạnh phúc giả tạo. Còn những giao tế khác như bạn bè, thân tộc, cha mẹ thì ta cũng chỉ có ngần, và dường như càng sống lâu thì ‘con số’ họ lại càng giảm bớt.

Tuổi đời của vũ trụ rất mênh mông mà sự xuất hiện của mỗi người chỉ là trong giây lát, chỉ như bóng đèn sáng lên rồi vụt tắt. Khi ta lìa thế, chỉ cần mấy tấc đất trong một nghĩa địa nào đó để yên nghỉ, để lại mọi người và mọi thứ trên vũ trụ nầy; người ta chỉ nhớ đến ta trong vài chục năm kế tiếp – càng ngày càng ít người và ít tình - và sau đó là chìm vào quên lãng ngàn thu. Con người muốn biết ngọn nguồn những mầu nhiệm về Thiên Chúa, về những thực tại và vận mệnh của mình sau khi chết, nhưng họ cũng chỉ biết rất ít nhờ những mạc khải của Kinh Thánh – còn kẻ đã xuống mồ là hoàn toàn im lặng.

Thế nhưng có những điều ta phải tin cách chắc chắn: ‘Thiên Chuá yêu thế gian đến nỗi ban cho họ Con Một, để những ai tin vào Ngài thì được cứu rỗi, ai không tin thì bị án luận phạt’ (Ga 3,16). Và Chúa dạy ta: Đừng quá lo lắng về cơm ăn áo mặc, hãy lo tìm Nước Thiên Chúa còn mọi sự khác cứ để Chúa lo liệu.

Ai đó đã từng nói: “Đơn giản là nghệ thuật vĩ đại”. Đức Phật cũng dạy chúng sinh phải diệt dục để thoát khổ. Chúa dạy ta nhìn xem vẻ lộng lẫy của hoa huệ và sự vô tư của chim trời để tin tưởng vào Cha nhân lành là Đấng không ngừng chăm sóc cả người lành kẻ dữ và là Đấng biết cả sự rơi rụng của từng sợi tóc của con cái Người.

Để có hạnh phúc chỉ cần ít của cải thôi, ít nhu cầu thôi, ít nói thôi, ít lòng tham thôi,
mà chỉ cần tin tưởng vào Đức Chúa Trời,
trở nên như trẻ nhỏ
và biết buông bỏ những thứ xét ra không cần thiết, như lời Chúa nói với Matta: “Con lo lắng quá nhiều chuyện, chỉ có một chuyện cần thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và phần đó không ai lấy mất được” (Lc 10,42).

Hưởng mùa xuân nầy tôi nhớ xuân sau, tất cả cùng hướng về cuộc hẹn hò tôi vẫn chờ mong, dẫn vào mùa xuân vĩnh cửu trên quê trời.

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

NỖI CÔ ĐƠN CỦA PHẬN NGƯỜI




Những tác phẩm văn học hiện đại được giải thưởng thường khai thác phần nội tâm của con người. Con người hiện đại đối diện với thế giới công nghiệp và công nghệ đã không dành cho nhau thời giờ để lắng nghe và thấu hiểu. Dường như ai cũng cảm thấy bơ vơ lạc lõng giữa biển người hơn 6 tỷ trên hành tinh nầy.

Ngay trong gia đình, vợ chồng có khi mong cho người kia chết đi để mình được lãnh một số tiền bảo hiểm lớn, đủ cho mình sống dư giả cả đời. Khuynh hướng trọng vật chất và tâm trạng ích kỷ đã đẩy mỗi người vào trạng thái cô độc một cách không ngờ! Ngay trong mỗi gia đình, con cái không còn thời gian chuyện trò với anh chị em mình hoặc vui đùa với cha mẹ, vì ai lo phận nấy và vì màn hình tivi quá hấp dẫn. Đến giờ cơm, cả nhà tay gắp miệng nhai, mắt dán vào bộ phim đang chiếu trên truyền hình, chẳng ai nói với ai một lời thân ái – vì sợ bỏ sót mất một tình tiết gay cấn của bộ phim. Người cha người mẹ chẳng nói cho ra hồn một câu chuyện từng gây khúc mắc trong gia đình, bởi vì khi người nầy rảnh thì người kia lại bận, câu chuyện ‘khó chịu’ lại càng khó chịu hơn vì đã nói nhiều lần mà chẳng đến hồi kết!

Con người hiện đại thường bận tâm đến màn hình tivi hoặc vi tính, đến những cuộc điện thoại xa gần mà quên mất người đối diện: họ ngồi bên nhau nhưng ai nấy đang căng thẳng với những cuộc gọi liên tục. Con người hiện đại thường đi vào chuyên môn trong mọi lãnh vực, đến nỗi khó tìm được những điểm chung để trao đổi, ai cũng tự hào với những kiến thức và cách thế làm việc của riêng mình đến nỗi sẵn sàng cự tuyệt cách thế của người khác. Thật tai hại khi ngắt lời người khác, vì người nói thì bị ức chế tâm lý (Stress), còn người nghe lại mất đi cơ hội học hỏi một điều gì đó…Thái độ không biết lắng nghe làm nghèo tâm hồn cho cả 2 người.

Đức Kitô đã phục sinh! Ngài đã tự hiến để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét và chia rẽ. Ngài đã thực hiện một công cuộc tạo dựng mới, trong đó mọi người là anh em với nhau, vì cùng chung một Cha trên trời. Và Ngài hiện diện trong từng khuôn mặt tha nhân, đó là cách thế mà Chúa Phục sinh đã chọn – cho đến ngày tận thế. Vâng, Đấng Phục sinh lại còn ưa thích hiện diện nơi những người nghèo khổ và bé mọn nữa đấy!

Lệnh truyền yêu thương nhau như gương Thầy Giêsu đòi buộc người Kitô hữu phải biết quan tâm đến người thân cận, đó là người đang nói chuyện với tôi đây: hãy lắng nghe người khác nói. Nghệ thuật lắng nghe là một nghệ thuật mà con người hiện đại phải học hơn cả! Phải nghe một cách chăm chú, không ngắt lời, không ‘nhiễu sóng’ lung tung. Khi ta muốn thấu hiểu cõi lòng của người anh em là ta đang thực hành đức bác ái Kitô giáo rồi đó. Vì có những người luôn bị người khác ngắt lời, cúp điện thoại… đã đâm ra hoang mang về giá trị con người mình, có khi dẫn đến tự kỷ và có khi còn là tự tử… vì cho rằng mình chẳng có ích gì cho ai nữa! Thật là đáng thương cho phận người. Khi nói về những trẻ nghiện games online, theo sự phân tích thì nguyên nhân chính là do trẻ cảm thấy cô đơn ngay trong chính gia đình mình, ai cũng bận rộn nên trẻ phải chui vào thế giới ảo để khẳng định mình khi nhập vai trong games. Và phương cách chữa trị là phải quan tâm đến trẻ ngay trong từng gia đình, tập lại sinh hoạt ăn ngủ học hành cho chúng.

Với niềm vui Chúa Phục Sinh tràn ngập trần thế nầy, hãy cởi mở tâm hồn mình để biết lắng nghe cõi lòng của anh em quanh ta. Lời thánh Giacôbê: “Mỗi người trong anh em hãy mau nghe, nhưng chậm nói”.

Năm mới





Có chuyện kể rằng: Một người đàn ông, một hôm bắt gặp vợ mình đang làm điều xằng bậy, trái với tình nghĩa vợ chồng. Anh ta rất giận dữ và quyết định đuổi vợ ra khỏi nhà và không bao giờ có thể tha thứ cho thứ đàn bà hư hỏng đó. Nhưng cũng từ ngày đó, cõi lòng anh ta khép kín lại với mọi người, càng ngày nỗi uất hận càng lớn và dường như anh ta cảm thấy nghẹt thở…

Khi tình trạng trở nên không thể chịu đựng nổi nữa, anh ta tìm gặp vị ẩn sỹ để mong tìm sự thanh thản cho tâm hồn. Vị ẩn sỹ bảo anh: “mỗi lần anh giận dữ thì quả tim anh trĩu nặng hơn, như có thêm một hòn sỏi; nhưng nếu mỗi lần anh vứt bỏ được nỗi oán ghét ai đó, anh tha thứ cho họ thì quả tim anh trở nên nhẹ hơn, tựa như đã trút bỏ được một hòn sỏi vậy.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã có dịp ghé vào trạm dừng nghỉ ở Thị xã Bù Đăng (QL 14). Đây quả thực là khoảnh khắc cần thiết- được chờ đợi cho lữ khách đường dài, họ mong giải tỏa những nhu cầu đang làm họ căng thẳng và có người chỉ xuống xe để hưởng một chút thư giãn – hoặc để chỉ hòa mình vào dòng xe cộ đông đúc đủ mọi sắc màu. Thật thú vị khi nhìn ngắm những chiếc xe lao vun vút trong đêm tối cùng gặp lại nhau trong một trạm dừng tràn ngập ánh sáng, để tiếp thêm năng lực cho cuộc hành trình thêm an toàn và nhẹ nhõm hơn.

Năm mới là khởi đầu cho một chặng đường mới trên hành trình về quê hương vĩnh cửu, là thời khắc quý báu dừng nghỉ, để ta bỏ bớt những hành lý cồng kềnh, để ta sắp xếp lại cuộc sống cho hợp lý và hạnh phúc hơn, để ta phục hồi tình yêu giữa tạo vật với Đấng dựng nên mình. Chuyện kể rằng: có một nhà diễn thuyết đang trên đường đến điểm hẹn cho một cuộc nói chuyện quan trọng, ông xuống máy bay và vội vàng kêu một chiếc xe taxi. Vừa lên xe, ông giục tài xế chạy thật nhanh hết sức có thể… chạy được một quãng xa, bác tài xế mới hỏi lại: nhưng địa điểm ông phải đến là đâu vậy?...Thế đó, trong cuộc sống, chúng ta phải sắp xếp sao cho có thời gian tĩnh lặng, có những điểm dừng để tra dầu nhớt cho cỗ máy cuộc đời được trơn tru và để chạy cho đúng hướng. Đó là những thời khắc quan trọng để tinh luyện tâm hồn, tìm hiểu xem đâu là điều đẹp ý Chúa.

Đức Phật dạy chúng sinh phải diệt dục – có siêu thoát khỏi những tham sân si thì mới tìm được cõi phúc. Chúa Giêsu thì mời gọi những ai gồng gánh nặng nề thì hãy đến với Ngài để Ngài bổ sức cho, hãy mang lấy ách của Ngài: ách êm ái và gánh nhẹ nhàng…đó là Tám mối phúc mà chúng ta được nghe trong ngày đầu năm mới. Tám mối phúc được sánh ví như mặt trời, đã làm cho lóe mắt những ai muốn nghiên cứu nó trực tiếp. Người nào hiểu được tinh thần 8 mối phúc thì chắc chắn người đó là Thánh. Còn chúng ta chỉ hiểu được phần nào, hiểu từ từ và phải qua kinh nghiệm sống đạo – giống như phải quan sát mặt trời qua những dụng cụ quang phổ. Nhưng có một điều chắc chắn là chỉ khi biết thanh luyện tâm hồn cho nên ‘khó nghèo – hiền lành- xót thương – khao khát điều công chính – trong sạch – tác tạo hòa bình - chịu sầu khổ và bách hại’, thì lòng họ mới được thanh thản, vì những hòn sạn trần tục đã từng làm quả tim họ trĩu nặng đã rơi rụng dần.

Cõi lụy trần dư đầy niềm khổ,
mà tâm con lại ước được thanh bình,
còn cách nào - nếu không là siêu thoát cõi tâm linh,
là cậy trông ơn trợ lực của Đấng Vĩnh Hằng…

Con ung dung vững bước qua năm mới,
nơi thời gian và tình yêu cùng hồi tụ -
và trổ sinh những mầm chồi tràn sinh lực,
vì ẩn chứa sức mạnh Đấng Vô Hình.

NỤ CƯỜI

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người





Thánh Kinh diễn tả: Con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, con người là họa ảnh của Thiên Chúa (Kn 1,26-27). Vậy điểm tương đồng và nét nổi bật giữa con người với Thiên Chúa là gì? Phải chăng Thiên Chúa cũng có khuôn mặt giống như con người, nên người ta thường vẽ Thiên Chúa Cha với khuôn mặt của loài người? Thực ra, điểm giống nhau không nằm trong dáng vẻ thân xác, vì Thiên Chúa là Đấng Vô Hình, vô thủy vô chung và phép tắc vô cùng. Ngài là Đấng Tạo Hóa và con người chỉ là một tạo vật kỳ diệu nhất của công trình tạo dựng. Sự giống nhau nằm ở những phẩm tính. Ta có thể kể ra những ‘họa ảnh’ của Thiên Chúa nơi con người:
Sự tự do. Chỉ có con người có phẩm tính tự do: quyết định làm hay không làm một hành vi nào đó. Bởi có tự do nên con người có khả năng lập nên công trạng hoặc phạm tội. Khi chấp nhận tự do của con người, Thiên Chúa dường như tự hạn chế khả năng của chính Người. Thánh Augustô nói một câu bất hủ: “Để dựng nên con, Chúa không cần đến con; nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. Chính sự tự do và nhận thức đã tạo ra giá trị cho hành vi nhân linh: công trạng và thưởng phạt. Chính nhờ có sự tương đồng về luân lý nên Chúa Giêsu đã truyền dạy: Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời (Mt 5,48), các con hãy nhân từ như Cha các con trên trời (Lc 6,36)
trí khôn.Con người có trí khôn trổi vượt các loài vật khác. Với trí khôn, con người nhận biết Đấng là chủ vũ trụ, biết mình bởi đâu mà có và đi về đâu. Con người có khả năng truyền đạt kiến thức và giáo dục con cháu. Trong lúc loài vật khác, dù thông minh đến đâu cũng chỉ hành động theo bản năng di truyền, không có sinh hoạt văn hóa và không chịu trách nhiệm về hành vi mình, không nhận được ‘tình thương bằng hữu’ của Thiên Chúa.
Linh hồn bất tử. Thiên Chúa là Đấng tự hữu, là Alpha và Omega, có từ nguyên thủy và tồn tại muôn đời. Linh hồn con người được Thiên Chúa cho hiện hữu trong thời gian, nhưng được chia sẻ vinh quang Thiên Chúa đến muôn đời, và cả thân xác con người sau ngày phán xét chung cũng sẽ được thông phần vào sự bất tử như linh hồn để cùng chịu thưởng phạt.
Chia sẻ vinh quang và tình yêu với Thiên Chúa.Tình trạng ban đầu của con người là được hưởng sự thân mật với Thiên Chúa, sự làm chủ bản thân và hài hòa với thiên nhiên. Hạnh phúc thiên đàng được diễn tả là sự chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa. Kế hoạch ban đầu  của Thiên Chúa đã bị phá hủy khi con người phạm tội. Họ nhìn Thiên Chúa như một vị thần đầy mưu mô thống trị. Đức Kitô, trong mầu nhiệm nhập thể đã mặc lấy xác phàm nhân loại tội lỗi. Qua cái chết và phục sinh, Ngài trở thành Adam mới, phục hồi hình ảnh giống Thiên Chúa nơi con người, để họ sống trong tình nghĩa với Thiên Chúa và trở nên nghĩa tử của Người.
Con người còn nên giống Thiên Chúa vì được chia sẻ quyền cai trị trên vạn vật: “Hãy làm chủ chim trời cá biển cùng mọi loài sinh vật trên mặt đất” (Kn 1,28). Tuy vậy sự làm chủ của họ là thứ cấp, là do sự thông chia quyền ấy từ Thiên Chúa. Ông bà nguyên tổ đã muốn lật đổ thứ tự nầy khi muốn tinh khôn bằng Thiên Chúa. Con người được mời gọi thực hiện quyền cai quản vạn vật trong trật tự hài hòa như một cách tiếp tục cộng tác vào công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa, qua lao động sáng tạo nhằm mưu ích cho anh em mình.  
Sự làm việc. Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất, muôn loài và con người trong 6 ngày, ngày thứ 7 Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa sáng tạo trời đất không phải theo kiểu người thợ làm ra cái đồng hồ và để nó tự vận hành, nhưng Ngài không ngừng chăm sóc muôn loài và con người để dẫn đưa họ đạt đến điều thiện hảo. Chúa Giêsu từng nói về Chúa Cha: "Cho đến nay, Cha Tôi vẫn làm việc và Tôi cũng làm việc" (Ga 5,17). Bởi đó, khi được làm việc để mưu sinh hoặc mưu ích cho cộng đồng là con người được trở nên giống Thiên Chúa và họ được hạnh phúc.
Bởi vì con người là họa ảnh của Thiên Chúa nên trong con người ẩn chứa nỗi khát khao tìm kiếm sự trọn hảo nơi nguyên bản của mình, họ càng hạnh phúc khi càng giống nguyên bản và biết sống trong trật tự “phụ, tùy” với nguyên bản là Thiên Chúa. Hãy cố gắng phát huy những phẩm tính ‘giống Thiên Chúa’ nơi mình để làm chủ được bản thân và cai quản muôn loài theo lệnh Chúa truyền. Và bởi vì mỗi người đều mang hình ảnh Thiên Chúa nơi mình nên tôi nên tôn trọng họ cho phải lẽ.

TÔI TIN




Động từ tin có một túc từ gián tiếp như trong câu Kinh Thánh “tôi biết tôi đã tin vào ai” (2 Tm 1,12) và một túc từ trực tiếp như trong kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Một Đức Chúa Trời là cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất. Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tôi tin phép tha tội, tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy. Amen”. Xin đan cử một vài câu chuyện cho động từ ‘tin’ trở nên dễ hiểu hơn.
Tôi có một người bạn sống rất gần viện nghiên cứu cây trồng Eakmat ( trước đây là trung tâm thực nghiệm). Anh ta có điều kiện về địa lý và có cơ hội tiếp xúc để so sánh các loại giống cà phê mà viện nghiên cứu đưa ra. Tôi cũng có một số kinh nghiệm về lãnh vực nầy, nhưng mới đây anh ta mách cho tôi một giống cà phê mới – có nhiều ưu điểm và chính anh ta đã trồng vài năm nay. Tôi tin vào lời nói và kinh nghiệm của anh bạn, tôi đi xem vườn thực nghiệm, tôi đặt giống để trồng và tôi mách cho người khác để họ được biết về thông tin nầy… và thế là có nhiều người tin vào lời của tôi và tin vào thế giá của anh bạn kia.
Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa, Đấng biết rõ những thực tại nước trời nên những mạc khải của Ngài rất có giá trị và đáng cho ta tin tưởng. Thư Do Thái diễn tả: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông qua các tiên tri, nhưng đến thời sau hết tức là trong những ngày nầy, Ngài đã phán dạy chúng ta qua người Con”(Dt 1,1). Chúng ta xác tín rằng chỉ có Lời Chúa phán dạy được ghi lại trong Kinh Thánh mới là điều đáng tin và những mạc khải chính yếu của Kitô giáo đã kết thúc ở sách Khải Huyền (sau nầy có những mạc khải tư cũng là để áp dụng Lời Chúa vào trong những hoàn cảnh cụ thể của xã hội).
Theo một phân tích về cuộc bầu cử ở Mỹ kết thúc với phần thắng thuộc về ông Obama, (một người đã ban hành sắc lệnh SMS buộc các chủ nhân trả chi phí cho các nhân viên về những dịch vụ ngừa thai và phá thai, chủ trương hôn nhân đồng tính), người ta nhận ra các cử tri Kitô giáo và công giáo không mấy hiểu biết về giáo lý. Cũng theo một bài báo, thu nhập của những người làm nghề bói toán ở Pháp rất lớn, lớn hơn cả Giáo hội Pháp… ta tự hỏi tại sao Giáo hội Công giáo Pháp có cả một truyền thống văn hóa và đạo lý, có cả một hệ thống đào tạo giáo sỹ và giáo dân mà vẫn tụt hậu trong niềm tin, trong khi những người làm nghề chiêm tinh bói toán chẳng bỏ vốn mà cúng chẳng quảng cáo gì nhiều… vậy mà họ vẫn ăn nên làm ra? – Thưa là để tìm ra một lối đi cho đức tin, con người phải cất bước ra khỏi những thực tại và giá trị vật chất, ta muốn thoát ly nhưng lại bị kéo ghì lại, vì ta đang sống trong thế gian: “Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng khỏi ác thần” (Ga 17,15); trong lúc quyền năng sự dữ vừa mãnh liệt vừa phù hợp với bản tính tự nhiên của con người, nên chúng có vẻ ‘ngồi chơi xơi nước’ mà vẫn ‘ăn nên làm ra’, như hai sự kiện được đan cử ở trên.
Khi nói về việc tạo dựng vũ trụ, GLHTCG dạy rằng: Thiên Chúa ban cho họ trí khôn ngoan để tự nhận biết về Đấng Tạo Hóa, nhưng để biết được những phẩm tính của Ba Ngôi Thiên Chúa và những mầu nhiệm khác, con người cần nhờ đến những mạc khải của Ngôi Lời, Đấng đã mặc lấy xác phàm. Qua cuộc sống, những phép lạ những lời giảng dạy và nhất là cuộc tử nạn và phục sinh, Con Thiên Chúa đã dạy cho con người biết yêu và phụng thờ Thiên Chúa một cách đích thực.
Trở lại với câu chuyện ‘cây trồng’ ở trên, tuy tôi vẫn có kinh nghiệm trồng cây nhưng tôi vẫn tin vào anh bạn kia, vì anh đáng cho tôi tin tưởng trong lãnh vực đó. Thiên Chúa đã ban cho con người những luật lệ tự nhiên để hướng dẫn họ tìm về cứu cánh của mình là Thiên Chúa. Ánh sáng của lý trí tuy rất rõ ràng để con người mãi khắc khoải tìm về nghỉ yên trong Chúa, nhưng tôi phải tin vào Đức Kitô là Cứu Chúa duy nhất của trần gian nầy, vì chỉ có Ngài đủ quyền năng giữ gìn tôi mãi cho đến ngày sau cùng. Chúng ta tin vào Lời Ngài dạy vì đó là lời chân lý, chúng ta uốn đời mình phù hợp với giáo huấn Chúa dạy, vì chỉ có Chúa là Đường dẫn về quê trời, chúng ta gắn bó đời mình với Giáo hội vì đó là hiền thê mà Đức Kitô đã hiến mình rửa cho sạch vết nhơ của sự chết.
 Người ta đang xôn xao vì ngày 21.12.2012 được xem như ngày tận cùng thế giới (theo lịch người Maya) và người ta cũng xôn xao vì vị đương kim Giáo hoàng nầy là người cuối cùng của một danh sách được ghi trong tờ lịch nào đó. Họ chẩn đoán: ‘từ trước tới nay, lịch nầy đã đoán đúng rất nhiều chuyện’. Ai mà kiểm chứng được những sự trùng hợp họ đúng nhiều hơn hay sai nhiều hơn, duy chỉ có một điều Chúa chúng ta đã từng nói: “Ngày đó chỉ có Cha mới biết” (Mt 24,36). Hãy ghi nhớ Lời Chúa: “Giữa thế gian, anh em sẽ bị thử thách, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy mới được cứu thoát” (Mc 13,13).

Giá trị cuộc đời




Những năm gần đây nhiều người trẻ rời làng quê lên thành phố học từ rất sớm. Mỗi lần  trở về lại quê nhà và tham gia công việc đồng áng, họ thường nghiệm ra một điều: nếp sống người nhà quê thật đơn điệu vì cả ngày vất vả lao động, tối về ăn rồi ngủ, ngày nào cũng như ngày nào. Người trẻ thường đánh giá cuộc đời bằng sự năng động, thành công, tốc độ và chúng khó chấp nhận một cuộc sống bình lặng đơn điệu. Nhìn bề ngoài là như vậy, nhưng cuộc sống con người phong phú và có giá trị khác nhau là ở tâm hồn, ở niềm tin.
Chúng ta có thể kể đến cuộc đời của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng, tuổi trẻ chẳng có gì nổi bật, vào dòng kín được 9 năm rồi chết ở tuổi 24. Có thể nói Thánh Nữ chẳng có gì nổi bật về sức khỏe, trí thức, ăn nói, hoạt động, viết lách ngoài lòng đạo đức. Ấy vậy mà Ngài đã được tôn phong là Thánh Tiến Sĩ của Hội Thánh và là Bổn Mạng các xứ truyền giáo! Tất cả là nhờ tâm hồn, một tình yêu nồng nhiệt dành Cho Chúa Giêsu: Làm những công việc bình thường  với lòng mến phi thường.
Chính Chúa Giêsu khi nhập thể đã không chọn sinh trong những gia tộc danh giá, không có những hoạt động quy mô để huấn luyện môn sinh và xây dựng cơ cấu Giáo hội bền vững. Chúa đã sống và chết như một kẻ nghèo hèn, đã ra đi khi mọi sự còn dang dở. Nhưng chính tình yêu vâng phục và sự tự nguyện hiến mình của Chúa đã làm cho muôn người nên công chính. Thánh Phêrô đã giảng: Ở dưới vòm trời nầy không có một danh nào đem lại ơn cứu độ, ngoài Danh Đức Giêsu.
Hãy nhìn quanh ta để thấy rằng có những người chỉ đến nhà thờ vào ngày chủ nhật vì sợ tội hơn là vì lòng yêu mến Chúa, có những người được rửa tội nhưng không sống đạo, có những người không ý thức thực thi những bổn phận mà phép rửa tội đòi buộc: tiên tri, tư tế và vương giả. Đức tin của ta mạnh lên hay yếu đi là tùy vào sự chăm sóc của chính mình.
Năm Đức Tin đã trôi qua gần ½, hãy làm ngay những việc cần phải làm trong năm Đức Tin: đọc lại tài liệu Công Đồng Vaticanô 2, đọc lại sách GLHTCG, củng cố mối thân tình với Chúa Giêsu. “Tin là gặp gỡ người ta tin, tin là học biết Người mà ta mến tin. Người ta tin chính là Chúa Kitô” (Lời một bài hát).Thánh Phaolô nói lên một nguyên tắc thống nhất đời sống: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Dù ăn, dù uống, dù làm gì đi nữa, dù cuộc sống của tôi chẳng có gì phải vinh vang… tất cả đều có giá trị nếu tôi làm vì yêu mến Chúa. Chúa phải nằm ỏ vị trí trung tâm cuộc đời tôi, là động lực của mọi hoạt động của tôi, đừng để Chúa phải cạnh tranh với những công việc và mưu sinh cuộc sống.