Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

VƯƠNG QUỐC GIÊ SU

 



Các bài đọc trong Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ nói với chúng ta rằng: có ngày tận thế, có sự xét xử và có sự tách biệt giữa kẻ lành người dữ - dựa trên đức yêu thương khi đang sống trên trần gian. Tuy vậy, luôn luôn tồn tại hai loại người: có kẻ tin rằng có Thiên Chúa và kẻ khác lại cho rằng không có Thiên Chúa, không có linh hồn, không có đời sau, không có thưởng phạt…

Thật là phù hợp để đọc lại luận lý của Blaise Pascal, nhà toán học và triết học (trích từ Điều Vĩ Đại Của Kito Giáo):

“Pascal lý luận rằng cuộc đời chúng ta là một canh bạc. Giả sử bạn được đề nghị một công việc mới mà vì đó sẽ giúp bạn thăng tiến sự nghiệp. Nó rất hứa hẹn, nhưng dĩ nhiên cũng có những rủi ro. Không có cách chi biết trước là sự việc sẽ ra sao. Bạn phải quyết định có nên nhận hay không. Hoặc bạn đang yêu một người nào đó. Bạn đã hẹn hò trong một thời gian, nhưng bạn không thể biết chắc là hôn nhân với người ấy có kéo dài vài chục năm hay không. Bạn hành động dựa trên căn bản những gì đã biết, nhưng điều đã biết, theo bản chất tự nhiên của vấn đề, thì chưa đủ. Tuy nhiên, bạn phải quyết định. Bạn không thể tiếp tục nói rằng, "Tôi vẫn là một người theo chủ thuyết bất khả tri cho đến khi tôi biết chắc." Nếu bạn chờ đợi quá lâu, người yêu bạn sẽ kết hôn với ai đó, hoặc cả hai sẽ chết.

Tương tự như vậy, Pascal lý luận rằng khi quyết định về Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ biết trước được mọi sự. Biết bao nhiêu cuộc điều tra cũng không thể đưa đến một câu trả lời chắc chắn, cũng như điều gì xảy ra sau khi chết thì vẫn là điều bí ẩn. Bởi đó chúng ta phải nghiên cứu những lựa chọn và phải đánh cuộc. Nhưng những lựa chọn khác là gì, và làm thế nào để chúng ta cân nhắc hơn thiệt? Pascal lý luận rằng chúng ta có hai sự lựa chọn căn bản, và dù lựa chọn nào đi nữa, chúng ta phải nghĩ đến nguy cơ khi chọn sai.

Nếu chúng ta tin vào Thiên Chúa và hóa ra Thiên Chúa không có thật, chúng ta đối diện với nguy cơ thiệt thòi: sự sai lầm siêu hình. Nhưng nếu khi còn sống, chúng ta từ chối Thiên Chúa, và hóa ra là Thiên Chúa có thật, sự nguy cơ còn lớn lao hơn nữa: sự tách biệt đời đời với Thiên Chúa. Dựa trên hai kết quả khả dĩ này, Pascal tuyên bố rằng có đức tin nơi Thiên Chúa thì ít thiệt thòi hơn. Khi đối diện với một kết quả không biết rõ, người có lý trí thì sẵn sàng từ bỏ những gì là hữu hạn để đổi lấy phần thưởng vô hạn mà họ có thể giành được. Pascal viết, "Chúng ta hãy cân nhắc sự thiệt thòi và lợi lộc khi đánh cá về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nếu bạn thắng, bạn thắng mọi sự. Nếu bạn thua, bạn chẳng mất gì cả. Vậy đừng do dự: hãy đánh cá là Thiên Chúa hiện hữu."



Điều thứ hai tôi muốn nói đến là : chúng ta không thể vào thiên đàng nếu không làm các việc lành, nhất là thực hành đức công bình, bác ái. Câu chuyện khá dài trong Mt 25 đã nói rõ việc Chúa xét xử và tách biệt người lành kẻ dữ dựa trên đức yêu thương, dường như Chúa đã để lộ đề thi rồi, nhưng đề thi này là đề thi mở và là đề thi thực hành, nên dù biết trước đề thì chúng ta cũng không thể học tủ và Thiên Chúa vẫn dễ dàng chấm điểm mà không phải nhức đầu. Có thể nói cuộc sống trên dương gian là một cuộc hành trình mà đích đến là cái chết, bao lâu còn sống trên trần thì chúng ta còn phải chiến đấu với bản thân để vượt qua tính ích kỷ mà lưu tâm đến tha nhân. Một quốc gia đáng sống là một nơi mà luật pháp đảm bảo sự bình đẳng, công bằng và hạnh phúc cho mọi người, là nơi mà con người biết cư xử với nhau bằng luật tình thương và sự rộng lượng. Có câu danh ngôn rất đúng: kết quả cao nhất của giáo dục là con người biết nghĩ đến người khác. Đời sống đạo Kito rất nhấn mạnh đến khía cạnh ăn năn hối cải, đến việc tuân giữ lề luật, nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc tránh tội mà mà thôi thì chưa đủ, vì Thiên Đàng chỉ dành cho người biết làm các việc lành – biết khuyến khích nhau làm điều lành.

Điều thứ ba tôi muốn nói đến là Chúa Giê su hiện diện nơi tha nhân. Xin nói đến chuyện của thánh Phanxico Assisi. Thánh Phanxico là con một nhà buôn giàu có, được Chúa kêu gọi từ bỏ của cải, danh vọng và lối sống trần tục để sống theo con đường Chúa muốn. Việc từ bỏ nầy không dễ dàng gì và Chúa đã nói rõ từng yêu cầu để tiến lên từng bước một, có hôm Chúa buộc Phanxico phải ôm hôn người phong cùi… và đêm về Chúa đã hiện ra với thánh nhân dưới dạng người phong cùi đó. Và có một vị thánh nào đó, ban ngày vị này gặp một người ăn xin rách rưới nên đã xẻ đôi chiếc áo khoác của mình để khoác cho người anh em, đêm đó Chúa Giê su đã hiện ra với nửa chiếc áo khoác. Hai câu chuyện trên chỉ minh họa thêm cho những lời dạy của Chúa về ngày phán xét vũ trụ. Tha nhân quanh ta là những người thân trong gia đình và trong lối xóm, người đồng hương và cả cộng đồng nhân loại, không phân biệt màu da và tôn giáo. Chúa Giê su hiện diện trong mỗi người tha nhân và dùng bàn tay của họ để gõ cửa tâm hồn ta. Nhiều người tự hào về việc ‘lạy Chúa, lạy Mẹ’ nhiều lần mà quên lòng xót thương, quên bổn phận công bình và bác ái… Chúa nói với họ: Ta không biết các ngươi, hãy đi cho khuất mắt Ta.

Thiên Chúa dựng nên con người có lý trí và tự do, họ phải dùng lý trí để hiểu những điều kỳ diệu Chúa làm cho mình và vũ trụ, hiểu những phẩm tính của Chúa để càng hiểu thì càng yêu Ngài hơn; Thiên Chúa tôn trong tự do của con người nên Ngài không ép buộc ai phải yêu Ngài, nên có kẻ chọn yêu mến Ngài là vua và là Chúa của mình hoặc từ khước Ngài cách tạm thời trong cuộc sống và một cách dứt khoát vĩnh viễn trong hỏa ngục. Hãy học ông Pascal để chọn lựa Giê su và sống theo luận lý của tình yêu, vì đó là một tính toán khôn ngoan và an toàn hơn cả.

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Sự chọn lựa


 


Trong  những tuần gần đây, cụ thể là từ đầu tháng 11 tới nay, cha xứ Phaolo Lưu Văn Phan cứ giảng về sự chọn lựa trong cuộc sống. Nghe cũng hơi nhàm chán, nhưng lần giở lại những bài Tin Mừng, tôi mới nhận ra rằng chủ đề chọn lựa luôn được nhắc tới dưới nhiều khía cạnh. Các nhà tu đức dạy:  chỉ có giây phút hiện tại là thuộc về chúng ta và chính những chọn lựa làm điều tốt hay xấu sẽ quyết định đến phần rỗi của mỗi người.

Sự chọn lựa của người con cái Chúa phải khác với sự chọn lựa của con cái thế gian. Thế gian thường chọn sự dễ dãi cho bản thân, còn người con Chúa phải chọn lựa điều phù hợp với lời dạy của Tin Mừng; thế gian chọn danh lợi thú – là con đường rộng rãi thênh thang – lối đi của số đông nhân loại, nhưng người con cái Chúa chọn con đường hẹp – ít người đi – là vác thập giá mình mà theo Chúa.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã có những chọn lựa thánh thiện trong cuộc sống, nên khi bị thế gian bách hại, các Ngài đã hiến dâng mạng sống để minh chứng niềm tin vào Chúa: Chúa hiện diện, Chúa quyền năng, Chúa yêu thương, Chúa trung tín. Các trinh nữ khôn ngoan đã chọn mang theo dầu, chọn một lối sống phù hợp với Tin Mừng, trong lúc các cô kia lại chọn một lối sống dễ dãi với bản thân.



Ai đó đã nói: thế gian không giết hại Chúa Kito được nữa thì họ quay ra bách hại Giáo hội là hiền thê của Ngài. Điều đó luôn luôn đúng, họ lấy đi mạng sống của một số ít người, nhưng họ thường thực hiện việc bách hại cách tinh vi và không mỏi mệt là bôi nhọ Giáo hội để làm lung lạc tinh thần các Kito hữu. Bạn đừng tưởng ở các nước tây phương thì việc giữ đạo được thoải mái đâu. Mỗi nhà mỗi cảnh, ở đâu cũng có những triết thuyết và những luận điệu được đưa ra nhằm giảm uy tín của Mẹ Giáo Hội, để con cái không còn nghe và yêu mến Mẹ mình nữa. Xin trích một đoạn trong tác phẩm ‘Điều vĩ đại của Kito giáo’: “Ở Tây Phương có rất nhiều Kitô Hữu phóng khoáng. Một số tín hữu ấy tự khoác cho mình một loại sứ vụ đảo ngược: thay vì là các nhà thừa sai của giáo hội cho thế giới, họ trở thành các nhà thừa sai của thế giới cho giáo hội. Họ dành nhiều sức lực để làm cho giáo hội trở nên dân chủ hơn, để bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ, để hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, và vân vân. Một nhánh nhỏ nhưng có ảnh hưởng của nhóm Kitô Giáo phóng khoáng đã tẩy chay mọi học thuyết cốt yếu của Kitô Giáo”. Dù thế nào đi nữa, Đức Giê su cũng luôn gìn giữ Giáo Hội của Ngài vững bền đến tận thế, vì đó là Hiền thê mà Chúa đã đổ đến giọt máu cuối cùng để cứu chuộc.

Người ta xuyên tạc những biến cố lịch sử như thánh chiến, vụ Galileo, tòa thẩm tra Tây Ban Nha, tòa án phù thủy… và hiện đại hơn là vụ lạm dụng tình dục của một số giáo sĩ, kèm theo nó là tội bao che của một số giám mục. Lập trường của Giáo hội đã rõ ràng: quyết tâm điều chỉnh trong giáo dục để tương lai không còn xảy ra những chuyện như thế, chấp nhận sự thật nếu có những phúc trình cụ thể: cảm thông với các nạn nhân và đền bù thiệt hại theo pháp luật quy định, xin lỗi vì những gương xấu đã xảy ra… thế nhưng truyền thông thế tục và các người công giáo phóng khoáng cứ làm rùm beng mãi cả mấy chục năm nay, để làm giảm uy tín của Giáo hội, để biện minh cho lối sống trần tục của nó, vì tiếng nói của Giáo hội về luân lý và về thiên đàng hỏa ngục làm cho họ nhức óc.

Một trong những lý do chúng ta thường nghe lầm và chọn lầm là vốn liếng giáo lý chúng ta quá ít, cả người lớn và trẻ em ít dùng lý trí để suy nghĩ về những mầu nhiệm trong đạo, không biết lưu trữ những kiến thức thần học mà Chúa gửi đến mình trong cuộc sống. Giáo hội mời gọi chúng ta hãy sử dụng lý trí của mình để suy tư về những Lời Kinh Thánh, về những mầu nhiệm Kito giáo, về những vấn nạn của kiếp người, vì ai có sẽ được cho thêm. Kiến thức là vốn quý mà ta luôn có thể mang theo bên mình và không ai lấy cắp được, đừng để một ai lung lạc niềm tin của mình bằng những luận điệu lọc lừa.

Ngày Chúa nhật là ngày dành riêng cho Chúa, để học hỏi thêm về giáo lý, để sống với tha nhân và sống với gia đình. Thế nhưng, chúng ta thường ăn cắp của Chúa để lo lắng cho cơm áo gạo tiền, là những thứ chúng ta phải bỏ lại khi đối diện với sự chết. Có câu chuyện kể rằng: có một doanh nhân đi tản bộ và gặp một người ăn xin. Người doanh nhân động lòng thương, ông mở ví để chia sẻ vài đồng bạc cho người khốn khổ kia. Trong ví có 7đ, cả ông và người ăn xin đều biết vậy. Sau khi cho anh kia 6đ, người thương nhân tiếp tục đi dạo. Khi dừng lại ở đèn đỏ chờ qua đường, người ăn xin nãy giờ vẫn theo sát ông mà ông không hay biết, anh ta đánh cắp luôn đồng bạc còn lại của ông. Hãy cố gắng đừng ăn cắp ngày nghỉ ngơi mà Chúa đã thiết lập, ngày này rất hữu ích cho phần rỗi và là dấu chỉ sự nghỉ ngơi vĩnh cửu.

Nguyện xin Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên tòa Chúa đến giúp đỡ và làm lụng với con, hầu con biết điều đẹp Thánh Ý. Xin Đức Khôn Ngoan Chúa hướng dẫn con có những chọn lựa tốt đẹp, chọn yêu Chúa hơn là xúc phạm đến Chúa, sống yêu thương tha nhân hơn là hiếu chiến với họ. Và khi giờ từ giã cõi đời, xin cho con được an lòng vì tin tưởng nơi tình thương vô bờ bến của Cha mình.

 

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

HÔN NHÂN, MỘT TẶNG PHẨM CỦA THIÊN CHÚA

 



(Xin ghi lại một bài giảng trong thánh lễ hôn phối rất tuyệt vời)

Ngắm trời xanh tay Chúa sáng tạo, hiểu ý nghĩa và sự kết hợp nhiệm mầu của 2 người nam nữ trong bí tích hôn phối, con người phải cất lời tạ ơn Thiên Chúa, vì những việc kỳ diệu Chúa đã làm.

Á Thánh Anre Phú Yên đã để lại một câu nói đáng nhớ: “Hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu, hãy đem sự sống đáp đền sự sống”. Câu nói này không chỉ áp dụng cho mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa, nhưng còn có thể mượn phần đầu ‘Hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu’ như là châm ngôn sống cho đời đôi lứa. Người bạn đời sống bên ta thể hiện bao cử chỉ yêu thương hằng ngày, trong nhiều năm, và có lẽ cả đời, thế nhưng ta có nhận ra không? Hay đó là chuyện đương nhiên và bình thường? – Nếu có nhận ra, bạn hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu.



Một trong những đóng góp của Giáo hội Công giáo vào giá trị của hôn nhân là xác định sự bình đẳng của nữ giới và xác định rằng  tình yêu lãng mạn (tự do luyến ái) là yếu tố bền vững của định chế hôn nhân. Nếu bạn không tin những điều trên thì có thể tìm đọc kỹ hơn trong tác phẩm “Điều vĩ đại của Kito giáo’. Trong thế giới La Hy thời đó, vị thế của người phụ nữ và giá trị của hôn nhân bị xem thường, nhưng dựa vào Kinh Thánh, Giáo hội đã khẳng định rằng : người đàn bà là trợ tá - bình đẳng với người đàn ông; ơn gọi hôn nhân cao đẹp vì là hình ảnh của Đức Kito yêu Hội Thánh, yêu đến hiến mình cho Hội Thánh nên xinh đẹp.

Người ta thường nhắc lại câu nói rất thâm thúy của tình yêu hôn nhân: Mình với ta, tuy hai mà một; ta với mình tuy một mà hai. Điều thâm thúy ở đây là nói lên sự bình đẳng, hỗ tương, hiệp nhất trong những điều quan trọng trong cuộc sống. Tuy vậy họ vẫn giữ được sự độc lập cần thiết, vẫn là hai cá tính, vẫn là hai cái tôi tìm cách chung sống bên nhau, với nhau, lâu dài đến trọn đời. Có một câu khác nữa: Yêu nhau là cùng nhìn về một hướng, cha chủ tế còn thêm: Yêu nhau là dù có nhắm mắt lại, hai người vẫn nhìn thấy một vấn đề nào đó, nghĩa là cùng có một bận tâm chung.

Không ai hoàn hảo cả. Bạn đừng tưởng sống với một vị thánh mà hạnh phúc  và dễ dàng đâu. Khi được hỏi đột xuất trong một thánh lễ hôn phối ‘Điều cần thiết để duy trì tình yêu lâu bền là gì?’, cô dâu đã trả lời: đó là sự tin tưởng nhau. Cha chủ tế hỏi thêm: điều gì giúp cho 2 người tin nhau? - thưa đó là sự đối thoại! Đúng vậy, nếu không đối thoại, 2 người sẽ không hiểu nhau, tâm hồn ngày càng xa nhau,càng ngày càng không muốn mở miệng trao đổi tin tức vì dễ sinh ra hiểu lầm nhau. Nếu cần, 2 vợ chồng tìm một địa điểm thích hợp hoặc vào phòng đóng cửa lại để trao đổi những vấn đề cần thiết, tìm cách giải quyết vấn đề.

Dù có tìm hiểu nhau kỹ và lâu bao nhiêu đi nữa, 2 người nam nữ đi đến hôn nhân trong tình trạng lên đường, và có thể nói : cho đến già, họ cũng không thể hiểu hết được nhau, nên dĩ nhiên cuộc sống của họ sẽ xảy ra xung đột, có khi chửi nhau và giận nhau. Điều quan trọng là cách vượt qua những xung đột. Cha chủ tế đưa ra lời khuyên: Hãy xin lỗi nhau. Dù người vợ có sai lỗi, người chồng cũng nên xin lỗi trước, vì thực ra không ai đúng hoàn toàn, và đừng nghĩ rằng ai sai thì lo mà xin lỗi – còn tôi đúng thì sao phải xin lỗi. Khi người chồng xin lỗi thì người vợ sẽ đáp lại bằng tình cảm dạt dào, không thiệt gì đâu.

Trong hôn nhân, có những điều phải giảm và có những điều phải làm cho tăng thêm. Phải giảm bớt sự nóng nảy và thẳng tính quá. Hai điều này nói lên rằng phải biết kiềm chế (tự chủ), sự thật thà là điều đòi buộc của tư cách làm người, nhưng ‘sự thẳng tính quá’ muốn nói đến những lời ta nói ra phải có sự chọn lựa: lựa lời, lựa lúc, lựa người mà nói; còn sự nóng tính bộc trực thì lợi ít hại nhiều trong mọi mối quan hệ. Điều phải tăng thêm là sự quan tâm và những sinh hoạt chung với nhau, vì trào lưu của xã hội hiện đại là mỗi người rút lui vào vỏ ốc của mình bằng các thiết bị truyền thông.

Để kết luận, xin mượn một câu Kinh Thánh : “Ngài giận trong giây lát, yêu thương suốt cả đời”. Vợ chồng có giận thì hãy kíp làm hòa trước khi mặt trời lặn, kẻo ma quỷ thừa cơ lợi dụng. ‘Xây dựng một gia đình hạnh phúc, nên thánh bằng đời sống hôn nhân qua lý tưởng hiến thân phục vụ’, đó là những chỉ tiêu lớn cho một cuộc đời thành công và hạnh phúc, bởi đó có xảy ra bất hòa thì phải tìm cách hóa giải nó hơn là xé ra to, bỏ qua chuyện nhỏ vì chỉ tiêu lớn . Vợ chồng có giận thì giận trong giây lát, nhưng yêu thương suốt cả đời là vậy.

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Tiệc Nước Trời

 



Chúa  Giê su được mời dự tiệc ở nhà một người Biệt phái, ở đó có một người thốt lên một câu rất hay “phúc thay ai được mời dự tiệc Nước Thiên Chúa’ và nhân tiện đó, Chúa kể cho nhân loại nghe câu chuyện những kẻ được mời dự tiệc nước trời (Lc 14,15-24).

Khi dùng cụm từ ‘tiệc Nước Thiên Chúa’, có lẽ người kia muốn nói đến hạnh phúc thiên đàng, vì người Biệt Phái là những người tin có sự sống đời đời. Chúng ta  có thể hiểu thêm ý nghĩa của cụm từ trên còn có ý nghĩa là ơn cứu độ Chúa Giê su mang đến, là đời sống Giáo hội, bữa tiệc đó đã được bắt đầu ngay ở trần gian khi ta được làm con cái Chúa, được giải thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi.

Ai trong chúng ta cũng nghĩ như người đã phát ngôn kia: ‘phúc thay ai được mời dự tiệc Nước Thiên Chúa’. Trong Tin Mừng, Chúa Giê su thường làm chúng ta tỉnh ngộ khi đưa ra những phản đề. Và hôm nay Chúa kể về sự từ khước bữa tiệc Nước Trời vì những lý do rất trần tục và bất kính với chủ tiệc. Đời sống ân sủng của người con cái Chúa, được sống trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô là một hạnh phúc lớn lao, thế nhưng nhiều người đã để vuột mất vì những lý do trần tục là danh lợi thú, là thỏa các đam mê (đam mê của con mắt, của xác thịt và lòng kiêu hãnh về của cải).

Cha Cantalamessa đã phân biệt ‘chuyện khẩn cấp’ và chuyện ‘cần thiết’. Có những chuyện cần thiết (quan trọng) trong cuộc sống nhưng thường bị bỏ qua; và có những chuyện khẩn cấp (phải làm ngay) nhưng thật ra lại là những chuyện ít giá trị. Người Kitô hữu phải có sự phân biệt giữa những chuyện khẩn cấp và chuyện cần thiết, phải xếp giá trị ưu tiên theo nhãn quan bữa tiệc Nước Thiên Chúa. Có những chuyện làm chúng ta bận tâm và tiêu hao nhiều năng lượng và thời gian nhưng giá trị của nó chỉ là phàm trần, trong lúc lại lơ là những việc mang đến giá trị vĩnh cửu là được hưởng hạnh phúc thiên đàng.

Tháng các linh hồn đã về, là thời gian chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn, là dịp chúng ta nhìn đến ý nghĩa đời người, là dịp chúng ta làm chứng cho niềm tin về sự sống đời đời. Chúng ta cùng suy nghĩ về hai điều: con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, và tội là gì?

Hình ảnh Thiên Chúa? – Thiên Chúa là Đấng vô hình, và ‘giống hình ảnh Chúa’ là muốn nói: con người có lý trí, ý chí, tự do, có linh hồn bất tử. Vì có lý trí và có tự do, nên con người có quyền chọn tốt chọn xấu và chịu trách nhiệm về hành vi của mình, chọn làm theo ý mình hoặc theo ý Chúa, chọn điều phàm tục hoặc  dự tiệc nước trời.



Tội là gì? – thưa tội là từ khước ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài tạo dựng con người để họ được chia sẻ vinh quang của Ngài. Khi con người sa ngã, Tình yêu đó mang thêm sắc diện Lòng Thương Xót: Ngôi Hai làm người, chết và sống lại, để mang lại ơn cứu độ cho loài người. Chỉ những ai đón nhận ơn cứu độ qua việc tin nhận Đức Kitô, chỉ những ai biết ăn ngay ở lành (dù họ chưa rửa tội), chỉ những ai chết trong tình trạng sạch tội trọng, chỉ những ai biết ăn năn hối cải trong giây phút cuối đời mới được vào dự tiệc Nước Trời. Nhiều người nói: người công giáo sướng thật, cứ phạm tội cho lắm rồi xưng tội là  sạch sẽ, kể cả những tội trộm cắp giết người, làm hại người khác cách này cách khác… Không phải thế đâu! Ăn năn hối cải và xưng tội thì được sạch tội, điều đó đúng, nhưng còn phải đền trả nữa chứ, không đền trả đời này thì đền ở đời sau nơi luyện ngục, vì chỉ những ai hoàn toàn trong trắng mới được vào dự tiệc Nước Trời



Chẳng ai trong chúng ta tự tin rằng mình hoàn toàn trong trắng để dự tiệc Nước Trời mai sau mà không phải trải qua tình trạng thanh luyện. Bởi đó, hãy nỗ lực và biết cậy dựa vào ơn Chúa để sống tốt giây phút hiện tại, sống tốt từng ngày, phần còn lại chỉ biết cậy dựa vào lòng Chúa xót thương. Và hãy luôn cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn, nhất là những người thân thuộc của mình.

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

ƠN GỌI NÊN THÁNH

 


 


Khi mừng lễ các thánh nam nữ trên trời, chúng ta hân hoan cảm tạ Thiên Chúa đã làm nên những điều kỳ diệu trên cuộc đời các Thánh. Điều đó là đúng, nhưng tự thâm tâm, chúng ta thường nghĩ: tôi không nên thánh được, tôi tầm thường quá, tôi tội lỗi quá! Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói : ơn gọi nên thánh không loại trừ một ai, đó không phải là đặc ân dành riêng cho một nhóm người được tuyển chọn.

 

 


Khi đám đông hò reo “Santo Subito” vào ngày an táng Đức Gioan Phaolô II, 8.4.2005, họ thực sự muốn nói gì? – Họ muốn hô to lên rằng: nơi Karol Wojtyla, họ thấy một con người đã sống thực với Thiên Chúa và đã sống với con người. Ngài là một tội nhân đã cảm nhận được lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa. Ngài là một vị tiên tri và là thầy dạy những điều đúng đắn cho người đương thời và thế hệ kế tiếp. Ngài nhìn ngắm chúng ta, yêu mến chúng ta , đã tiếp xúc với ta, đã chữa lành và ban cho chúng ta niềm hy vọng. Ngài bảo ta đừng sợ. Ngài chỉ cho ta cách sống và yêu, biết cách tha thứ và cách chết. Ngài dạy ta biết ôm lấy thập giá trong những trường hợp nguy kịch nhất của cuộc đời, vì biết rằng thập giá không phải là câu trả lời cuối cùng của Thiên Chúa.

 

Một người được tuyên phong là Thánh không phài là một công bố về sự toàn hảo. Không có nghĩa là người đó không có sự bất toàn, mảng tối, sự điếc và tội. Không phải là họ trong trắng dưới cái nhìn của Vatican. Phong Thánh hoặc Á Thánh cho ai là muốn nói rằng một người nào đó gắn bó đời mình với Thiên Chúa, hoàn toàn tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa từ nhân, họ bước đi với sức mạnh và quyền năng của Chúa, tin tưởng vào những điều bất khả, yêu kẻ thù và những người ngược đãi mình, tha thứ giữa những bất hạnh và bạo lực, hy vọng vượt ngoài mọi hy vọng, và làm cho thế giới nầy tốt đẹp hơn.

 

Người Thánh là người làm cho tha nhân quanh mình nhận ra rằng có một sức mạnh và một tinh thần có khả năng chuyển hóa đời họ, sức mạnh nầy không phải thuộc thế giới nầy mà là ở bên cạnh cuộc đời. Mỗi vị Thánh hé lộ cho ta nét đại cương của sự cao thượng và thánh thiện mà mỗi người được mời gọi hướng tới, họ cho ta nhận ra khuôn mặt Thiên Chúa trong khi  ta đang trên đường lữ hành trần thế. (phần in nghiêng là trích của cha Rosica, CSB)

 

ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận nói: “Đừng nghĩ rằng làm thánh là suốt ngày đọc kinh, mà quan trọng là chu toàn bổn phận, chu toàn bổn phận là giấy thông hành để vào nước trời”. Thân phận con người là mỏng dòn yếu đuối, Chúa biết điều đó và Chúa đã không lầm khi dựng nên tôi, Ngài ước mong tôi biết ăn năn sám hối và quyết tâm làm lại cuộc đời mỗi ngày.

 

Chúng ta hãy nghe một vài mẩu đối thoại xảy ra ở cửa thiên đàng. Chúa nói với một người đàn ông rằng: ‘Con khá lắm! vì đã không bỏ Ta khi Ta già nua bệnh hoạn, vẫn chăm sóc và yêu thương Ta hằng ngày, dù Ta run rẩy, vô dụng, xấu xí’. Chúa nói với một người đàn bà vừa lìa thế: ‘con cũng rất tốt, đã không bỏ Ta khi Ta lâm bệnh nặng, vẫn chung thủy dù Ta bất tài nhiều tật, vẫn chăm sóc Ta từng ngày với những công việc nội trợ vô danh để giữ hơi ấm cho gia đình’. Chúa nói với một người trẻ: ‘Con hãy vào đây với Ta, vì con đã biết vâng lời và ngoan hiền với Ta trong nếp sống gia đình, đã chăm chỉ với bổn phận hằng ngày vì yêu Ta’. Và Chúa cũng nói với một số người khác: Hãy cút khỏi mặt Ta, hỡi những kẻ làm điều gian ác!

 

Ma quỷ thường rỉ tai ta rằng: mày không làm thánh được đâu, vì mày đã phạm tội nhiều và sẽ còn tiếp tục phạm tội dài dài, mày xấu xa lắm, xa Chúa lắm. Sự bối rối và mất lòng trông cậy làm tiêu  hao năng lực thiêng liêng của ta rất nhiều. Hãy nhớ lời Chúa Giê su dạy: muốn vào nước trời thì ta phải trở nên như trẻ nhỏ: sống đơn sơ và tin tưởng Thiên Chúa, luôn tìm vâng theo ý Ngài trong mọi sự - kể cả sự chết.